BÀI HỌC 51
Hy vọng của chúng ta sẽ trở thành hiện thực
“Hy vọng… không dẫn đến thất vọng”.—RÔ 5:5.
BÀI HÁT 142 Nắm chặt hy vọng của chúng ta
GIỚI THIỆU a
1. Tại sao Áp-ra-ham có thể tiếp tục hy vọng mình sẽ có con?
Đức Giê-hô-va hứa với bạn ngài là Áp-ra-ham rằng mọi dân tộc trên đất sẽ được ban phước nhờ dòng dõi của ông (Sáng 15:5; 22:18). Vì có đức tin mạnh nơi Đức Chúa Trời, nên Áp-ra-ham tin chắc lời hứa của ngài sẽ trở thành hiện thực. Dù vậy, khi Áp-ra-ham 100 tuổi và vợ ông 90 tuổi, cặp vợ chồng trung thành này vẫn chưa có con (Sáng 21:1-7). Tuy nhiên, Kinh Thánh nói: “[Áp-ra-ham] vẫn hy vọng và có đức tin là mình sẽ trở thành cha của nhiều dân tộc như lời đã phán” (Rô 4:18). Anh chị biết rằng hy vọng của ông đã trở thành hiện thực. Áp-ra-ham sinh ra Y-sác, người con mà ông đã trông mong từ lâu. Lòng tin chắc của Áp-ra-ham dựa trên cơ sở nào?
2. Tại sao Áp-ra-ham tin chắc lời hứa của Đức Giê-hô-va sẽ trở thành hiện thực?
2 Vì có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va, Áp-ra-ham “tin chắc rằng ngài có thể thực hiện những điều ngài đã hứa” (Rô 4:21). Đức Giê-hô-va đã chấp nhận Áp-ra-ham và tuyên bố ông là công chính vì đức tin của ông (Gia 2:23). Như Rô-ma 4:18 cho thấy, đức tin và hy vọng của Áp-ra-ham có liên quan đến nhau. Giờ đây, hãy xem sứ đồ Phao-lô nói gì về hy vọng, như được ghi nơi chương 5 của sách Rô-ma.
3. Phao-lô giải thích điều gì về hy vọng?
3 Phao-lô giải thích lý do chúng ta có thể chắc chắn là “hy vọng [của chúng ta] không dẫn đến thất vọng” (Rô 5:5). Ông cũng giúp chúng ta hiểu làm thế nào hy vọng của mình có thể ngày càng vững mạnh. Khi chúng ta xem xét tiến trình mà Phao-lô nhắc đến nơi Rô-ma 5:1-5, hãy nghĩ đến kinh nghiệm của bản thân. Nhờ làm thế, rất có thể anh chị sẽ nhận ra là theo thời gian, hy vọng của mình đã trở nên chắc chắn hơn. Chúng ta cũng sẽ thảo luận làm thế nào để hy vọng của mình trở nên vững mạnh hơn so với hiện tại. Nhưng trước hết, hãy xem xét hy vọng tuyệt diệu mà Phao-lô nói là sẽ không dẫn đến thất vọng.
HY VỌNG TUYỆT DIỆU CỦA CHÚNG TA
4. Rô-ma 5:1, 2 nói đến điều gì?
4 Đọc Rô-ma 5:1, 2. Phao-lô viết những lời này cho hội thánh ở Rô-ma. Các anh em ở đó đã học về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, thể hiện đức tin và trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Vì thế, họ “được [Đức Chúa Trời] tuyên bố là công chính nhờ đức tin”, và ngài xức dầu cho họ bằng thần khí thánh. Thật vậy, họ đã nhận được một hy vọng chắc chắn và tuyệt vời.
5. Các tín đồ được xức dầu có hy vọng nào?
5 Sau này, Phao-lô viết thư cho các tín đồ được xức dầu ở Ê-phê-sô về hy vọng mà họ được ban. Hy vọng đó bao gồm việc nhận được “phần thừa kế cho những người thánh” (Ê-phê 1:18). Phao-lô cũng cho các tín đồ ở Cô-lô-se biết họ có hy vọng sống ở đâu. Ông gọi đó là “niềm hy vọng dành sẵn cho anh em ở trên trời” (Cô 1:4, 5). Vì vậy, hy vọng của các tín đồ được xức dầu là họ sẽ được sống lại để hưởng sự sống vĩnh cửu ở trên trời, nơi mà họ sẽ cùng cai trị với Đấng Ki-tô.—1 Tê 4:13-17; Khải 20:6.
6. Một anh được xức dầu nói gì về hy vọng của mình?
6 Các tín đồ được xức dầu quý trọng hy vọng của họ. Một trong số ấy là anh Frederick Franz đã trung thành phụng sự Đức Chúa Trời suốt nhiều thập kỷ. Anh bày tỏ cảm nghĩ vào năm 1991: “Hy vọng của chúng tôi là chắc chắn. Đối với mỗi người trong số 144.000 thành viên của bầy nhỏ, hy vọng ấy sẽ trở thành hiện thực ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi… [Chúng tôi] không đánh mất lòng quý trọng đối với hy vọng đó… Càng đợi lâu, chúng tôi càng quý hy vọng của mình. Đó là một điều đáng chờ đợi, ngay cả nếu phải chờ đợi một triệu năm đi nữa. Tôi xem trọng hy vọng này hơn bao giờ hết”.
7, 8. Đa số chúng ta có hy vọng nào? (Rô-ma 8:20, 21)
7 Ngày nay, đa số những người thờ phượng Đức Giê-hô-va có một hy vọng khác. Hy vọng ấy cũng là hy vọng mà Áp-ra-ham có. Đó là sự sống vĩnh cửu trên đất dưới sự cai trị của Nước Trời (Hê 11:8-10, 13). Phao-lô cũng viết về hy vọng tuyệt vời này. (Đọc Rô-ma 8:20, 21). Lần đầu khi mới biết những lời hứa của Kinh Thánh về tương lai, anh chị thấy điều gì thu hút nhất? Đó có phải là sẽ đến một ngày, anh chị trở nên hoàn hảo, không còn khuynh hướng tội lỗi nữa không? Hay điều khiến anh chị hào hứng là những người thân yêu đã qua đời sẽ được sống lại trong địa đàng? “Dựa trên hy vọng” mà Đức Chúa Trời ban, anh chị trông mong nhiều điều tuyệt vời.
8 Chúng ta đều có hy vọng tuyệt diệu giúp mình có lý do để vui mừng, dù đó là hy vọng sống đời đời ở trên trời hay dưới đất. Và hy vọng ấy có thể ngày càng vững mạnh. Những lời Phao-lô viết tiếp theo giải thích làm thế nào điều đó có thể xảy ra. Hãy xem xét những gì ông viết về hy vọng của chúng ta. Khi làm thế, chúng ta càng tin chắc hy vọng của mình sẽ trở thành hiện thực.
LÀM THẾ NÀO HY VỌNG NGÀY CÀNG VỮNG MẠNH?
9, 10. Như trường hợp của Phao-lô cho thấy, các tín đồ biết điều gì? (Rô-ma 5:3) (Cũng xem các hình).
9 Đọc Rô-ma 5:3. Hãy lưu ý là hoạn nạn có thể giúp hy vọng của chúng ta ngày càng vững mạnh. Có lẽ chúng ta ngạc nhiên về điều này. Thực tế, tất cả các môn đồ của Đấng Ki-tô biết là mình sẽ gặp hoạn nạn. Hãy xem trường hợp của Phao-lô. Ông nói với các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Khi ở với anh em, chúng tôi từng nói trước rằng chúng ta sẽ chịu hoạn nạn, và điều đó đã xảy ra” (1 Tê 3:4). Ông cũng viết cho tín đồ ở Cô-rinh-tô: “Hỡi anh em, chúng tôi muốn anh em biết về hoạn nạn của chúng tôi… [Chúng tôi] không biết mình còn sống được hay không”.—2 Cô 1:8; 11:23-27.
10 Các tín đồ ngày nay cũng biết là mình sẽ gặp hoạn nạn nào đó (2 Ti 3:12). Còn anh chị thì sao? Khi đặt đức tin nơi Chúa Giê-su và bước theo ngài, anh chị có gặp hoạn nạn không? Có thể bạn bè và người thân chế giễu, thậm chí đối xử tệ bạc với anh chị. Việc anh chị quyết tâm trung thực trong mọi việc có thể đã khiến anh chị gặp vấn đề ở chỗ làm (Hê 13:18). Hoặc anh chị bị chính quyền chống đối vì chia sẻ hy vọng với người khác. Dù chúng ta gặp hoạn nạn nào đi nữa, Phao-lô nói rằng chúng ta nên vui mừng. Tại sao?
11. Tại sao chúng ta cần quyết tâm chịu đựng bất cứ thử thách nào?
11 Chúng ta có thể vui mừng khi trải qua hoạn nạn vì điều mà hoạn nạn sinh ra. Như Rô-ma 5:3 nói, “hoạn nạn sinh ra tính chịu đựng”. Tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô sẽ gặp hoạn nạn, nên đều phải có tính chịu đựng. Chúng ta cần quyết tâm chịu đựng bất cứ thử thách nào mình gặp. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể chứng kiến hy vọng của mình trở thành hiện thực. Chúng ta không muốn giống như những người mà Chúa Giê-su nghĩ đến khi ngài nói về hạt rơi nơi đất đá. Lúc đầu, họ vui mừng chấp nhận lời giảng về Nước Trời, nhưng khi “gặp hoạn nạn hay bị ngược đãi”, họ đã vấp ngã (Mat 13:5, 6, 20, 21). Đành rằng đương đầu với sự chống đối hoặc thử thách là điều không hề dễ dàng, nhưng việc chịu đựng chắc chắn mang lại lợi ích. Như thế nào?
12. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi chịu đựng thử thách?
12 Môn đồ Gia-cơ nhắc đến lợi ích của việc chịu đựng thử thách. Ông viết: “Hãy để sự chịu đựng hoàn tất công việc của nó, hầu anh em được toàn vẹn và tốt đẹp về mọi mặt, không thiếu sót điều gì” (Gia 1:2-4). Gia-cơ miêu tả sự chịu đựng như thể sự chịu đựng có công việc cần thực hiện. Công việc ấy là gì? Đó là giúp anh chị trau dồi những phẩm chất như sự kiên nhẫn, đức tin và lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Nhưng khi chịu đựng, chúng ta cũng nhận được lợi ích quan trọng khác.
13, 14. Sự chịu đựng dẫn đến điều gì, và điều đó liên quan thế nào đến hy vọng? (Rô-ma 5:4)
13 Đọc Rô-ma 5:4. Phao-lô nói sự chịu đựng dẫn đến việc “được Đức Chúa Trời chấp nhận”. Điều đó không có nghĩa là Đức Giê-hô-va vui khi anh chị gặp thử thách hoặc vấn đề. Nhưng ngài vui vì anh chị trung thành chịu đựng. Thật khích lệ khi biết rằng nhờ chịu đựng, chúng ta làm Đức Giê-hô-va vui lòng!—Thi 5:12.
14 Hãy nhớ rằng Áp-ra-ham đã chịu đựng thử thách và được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Ngài xem ông là bạn và là người công chính (Sáng 15:6; Rô 4:13, 22). Chúng ta có thể được ngài xem như thế. Đức Chúa Trời chấp nhận chúng ta không phải dựa trên lượng công việc mà mình làm để phụng sự ngài, hoặc đặc ân mà mình có. Ngài chấp nhận vì chúng ta trung thành chịu đựng. Bất kể tuổi tác, hoàn cảnh hoặc khả năng của mình, tất cả chúng ta đều có thể chịu đựng. Anh chị có đang trung thành chịu đựng thử thách nào đó không? Nếu có, hãy yên tâm vì biết rằng Đức Chúa Trời chấp nhận anh chị. Việc biết là mình được Đức Chúa Trời chấp nhận có thể giúp hy vọng của chúng ta vững mạnh hơn.
MỘT HY VỌNG VỮNG MẠNH HƠN
15. Điểm tiếp theo mà Phao-lô nhắc đến là gì, và tại sao điểm đó có thể khiến một số người bối rối?
15 Như Phao-lô giải thích, chúng ta được Đức Giê-hô-va chấp nhận nhờ trung thành chịu đựng thử thách. Hãy để ý đến những lời tiếp theo của Phao-lô: “Nhờ được Đức Chúa Trời chấp nhận mà có hy vọng và hy vọng ấy không dẫn đến thất vọng” (Rô 5:4, 5). Điều này có thể khiến một số người bối rối. Tại sao? Vì trước đó nơi Rô-ma 5:2, Phao-lô nói rằng những tín đồ ở Rô-ma đã có hy vọng, đó là “hy vọng về sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”. Vì thế, một số người có thể thắc mắc: “Nếu những tín đồ này đã có hy vọng rồi thì tại sao Phao-lô lại nhắc đến hy vọng trong những câu sau đó?”.
16. Hy vọng của một người bắt đầu lớn mạnh như thế nào? (Cũng xem các hình).
16 Chúng ta có thể hiểu được ý của Phao-lô khi nhớ rằng hy vọng là điều có thể lớn mạnh. Chẳng hạn, anh chị có nhớ lần đầu được nghe về hy vọng tuyệt vời trong Lời Đức Chúa Trời không? Có thể lúc đó anh chị nghĩ rằng sống đời đời trong địa đàng chỉ là chuyện viển vông. Nhưng khi tìm hiểu nhiều hơn về Đức Giê-hô-va và những lời hứa trong Kinh Thánh, anh chị càng tin hy vọng ấy sẽ trở thành hiện thực.
17. Làm thế nào hy vọng tiếp tục lớn mạnh sau khi anh chị dâng mình và báp-têm?
17 Sau khi dâng mình và báp-têm, anh chị học nhiều hơn về Đức Giê-hô-va và tiến đến sự thành thục về thiêng liêng. Nhờ thế, hy vọng của anh chị tiếp tục lớn mạnh (Hê 5:13–6:1). Rất có thể anh chị đã trải qua điều được nói nơi Rô-ma 5:2-4. Anh chị gặp những hoạn nạn khác nhau nhưng đã chịu đựng và cảm nghiệm mình được Đức Chúa Trời chấp nhận. Vì biết Đức Chúa Trời hài lòng với mình, nên anh chị càng có lý do để mong là mình sẽ nhận được những điều ngài đã hứa. Khi đó, hy vọng của anh chị đã trở nên vững mạnh hơn so với lúc ban đầu. Hy vọng ấy càng có thật và tác động mạnh mẽ đến anh chị. Hy vọng ấy tác động đến mọi khía cạnh trong đời sống và thay đổi cách anh chị cư xử trong gia đình, đưa ra quyết định và thậm chí là dùng thời gian.
18. Đức Giê-hô-va đưa ra lời đảm bảo nào?
18 Phao-lô nhắc tới một điểm rất quan trọng liên quan đến hy vọng của anh chị sau khi được Đức Chúa Trời chấp nhận. Ông khẳng định là hy vọng của anh chị sẽ trở thành hiện thực. Tại sao anh chị có thể tin chắc điều đó? Phao-lô nhắc đến lời đảm bảo của Đức Chúa Trời dành cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Hy vọng ấy không dẫn đến thất vọng, vì tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã được đổ vào lòng chúng ta qua thần khí thánh mà ngài đã ban cho chúng ta” (Rô 5:5). Anh chị có mọi lý do để tin chắc về hy vọng mà Đức Chúa Trời ban cho mình.
19. Anh chị có thể chắc chắn điều gì về hy vọng của mình?
19 Hãy nghĩ đến lời hứa của Đức Giê-hô-va dành cho Áp-ra-ham và việc Đức Chúa Trời chấp nhận ông, xem ông là bạn ngài. Áp-ra-ham không hy vọng một cách vô ích. Kinh Thánh nói: “Sau khi đã thể hiện lòng kiên nhẫn thì Áp-ra-ham nhận được lời hứa ấy” (Hê 6:15; 11:9, 18; Rô 4:20-22). Áp-ra-ham đã không thất vọng. Anh chị cũng có thể chắc chắn là khi giữ lòng trung thành, anh chị sẽ được ban cho điều mình hy vọng. Hy vọng của anh chị là có thật. Hy vọng ấy mang lại niềm vui, chứ không phải sự thất vọng! (Rô 12:12). Phao-lô viết: “Nguyện Đức Chúa Trời, đấng ban hy vọng, làm cho anh em tràn đầy niềm vui và sự bình an vì anh em tin cậy ngài, hầu anh em được chứa chan hy vọng bởi quyền năng của thần khí thánh”.—Rô 15:13.
BÀI HÁT 139 Hình dung cuộc sống bạn trong thế giới mới
a Bài này sẽ xem hy vọng của tín đồ đạo Đấng Ki-tô là gì, và tại sao chúng ta có thể tin chắc là hy vọng ấy sẽ trở thành hiện thực. Rô-ma chương 5 sẽ giúp chúng ta thấy hy vọng hiện nay của chúng ta khác thế nào với hy vọng lúc mới biết chân lý.