BÀI HỌC 51
BÀI HÁT 3 Sức mạnh, hy vọng và niềm tin cậy của chúng con
Nước mắt của anh chị quý giá với Đức Giê-hô-va
“Lệ con, xin ngài thâu chứa trong bầu da ngài. Lệ con chẳng phải được ghi vào sách ngài sao?”—THI 56:8.
TRỌNG TÂM
Bài này cho biết Đức Giê-hô-va hiểu rất rõ nỗi đau của chúng ta và sẽ cung cấp sự an ủi mà chúng ta cần.
1, 2. Những trường hợp nào có thể khiến chúng ta rơi nước mắt?
Tất cả chúng ta đều có lúc rơi nước mắt. Khi trải qua những hoàn cảnh khiến mình hạnh phúc, chúng ta có thể khóc vì vui mừng. Có lẽ anh chị khóc khi có một điều quan trọng hoặc đặc biệt xảy ra, chẳng hạn khi con của anh chị ra đời, khi nhớ lại kỷ niệm đẹp hoặc khi gặp lại một người bạn yêu dấu sau nhiều năm.
2 Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, chúng ta rơi lệ vì nỗi đau ẩn sâu trong lòng. Chẳng hạn, chúng ta có thể khóc khi người khác làm mình vô cùng thất vọng. Chúng ta có thể rơi lệ khi phải chịu đau đớn vì một căn bệnh dai dẳng hoặc khi đau buồn vì mất người thân yêu. Vào những lúc như thế, chúng ta có thể cảm thấy như nhà tiên tri Giê-rê-mi khi thành Giê-ru-sa-lem rơi vào tay quân Ba-by-lôn. Giê-rê-mi nói: “Suối lệ từ mắt tôi tuôn dài… Mắt tôi rơi lệ không ngừng không nghỉ”.—Ai 3:48, 49.
3. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi thấy tôi tớ ngài chịu khổ? (Ê-sai 63:9)
3 Đức Giê-hô-va biết chúng ta đã rơi bao nhiêu giọt lệ vì những hoàn cảnh đau khổ. Kinh Thánh đảm bảo rằng ngài biết mỗi khi tôi tớ ngài trải qua đau khổ, và lắng nghe khi chúng ta kêu cầu ngài cứu giúp (Thi 34:15). Nhưng Đức Giê-hô-va còn làm nhiều hơn là chỉ thấy và nghe chúng ta. Như một bậc cha mẹ yêu thương, ngài rất đau lòng khi thấy con cái ngài khóc, và sẵn sàng giúp đỡ.—Đọc Ê-sai 63:9.
4. Chúng ta sẽ học điều gì về Đức Giê-hô-va qua một số trường hợp trong Kinh Thánh?
4 Qua Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va cho biết cách ngài phản ứng khi tôi tớ ngài rơi lệ. Chúng ta có thể thấy điều này bằng cách xem xét trường hợp của Ha-na, Đa-vít và vua Ê-xê-chia. Điều gì đã khiến họ rơi lệ? Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào khi họ kêu cầu cứu giúp? Và trường hợp của họ có thể an ủi chúng ta thế nào khi chúng ta rơi lệ vì đau buồn, bị phản bội hoặc cảm thấy bất lực?
RƠI LỆ VÌ ĐAU BUỒN
5. Hoàn cảnh của Ha-na khiến cô cảm thấy thế nào?
5 Ha-na đương đầu với một số vấn đề khiến cô rơi lệ vì đau buồn. Một trong những vấn đề đó là cô ở trong cuộc hôn nhân đa thê, và người vợ kia là Phê-ni-na khinh thường cô. Không những thế, Ha-na còn bị hiếm muộn trong khi Phê-ni-na có nhiều con (1 Sa 1:1, 2). Phê-ni-na cứ chế nhạo Ha-na vì sự hiếm muộn của cô. Anh chị sẽ cảm thấy ra sao nếu ở trong hoàn cảnh như thế? Ha-na buồn đến nỗi “khóc và chẳng thiết ăn gì”. Cô “cảm thấy vô cùng đắng cay”.—1 Sa 1:6, 7, 10.
6. Ha-na đã làm gì để được an ủi?
6 Ha-na tìm sự an ủi bằng cách nào? Một điều đã giúp cô là đến trung tâm của sự thờ phượng thật, tức lều thánh. Tại đó, có lẽ gần lối vào sân của lều thánh, “cô bắt đầu cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và bật khóc nức nở”. Cô nài xin Đức Giê-hô-va: “[Xin] ngài nhìn thấy nỗi khốn khổ của tôi tớ ngài và nhớ đến con” (1 Sa 1:10b, 11). Ha-na trút đổ nỗi lòng với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Hẳn ngài rất đau lòng khi thấy những giọt lệ của người con gái yêu dấu này!
7. Ha-na được an ủi thế nào khi trải lòng với Đức Giê-hô-va?
7 Sau khi trải lòng với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và được Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Hê-li trấn an, Ha-na cảm thấy thế nào? Lời tường thuật cho biết: “Ha-na ra về và dùng bữa, nét mặt cô không còn ưu sầu nữa” (1 Sa 1:17, 18). Dù hoàn cảnh đau buồn của cô không thay đổi nhưng Ha-na cảm thấy nhẹ nhõm. Cô đã trao gánh nặng về cảm xúc cho Đức Giê-hô-va. Ngài thấy nỗi khốn khổ của cô, nghe tiếng cô kêu cầu và sau đó ban phước bằng cách cho cô được thụ thai.—1 Sa 1:19, 20; 2:21.
8, 9. Phù hợp với Hê-bơ-rơ 10:24, 25, tại sao chúng ta nên cố gắng hết sức để tham dự buổi nhóm họp? (Cũng xem hình).
8 Bài học cho chúng ta. Anh chị có đang đương đầu với một hoàn cảnh khó khăn khiến mình rơi lệ vì đau buồn không? Có lẽ anh chị đau buồn vì một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn qua đời. Vào những lúc đó, điều dễ hiểu là anh chị muốn ở một mình. Nhưng giống như Ha-na đã được an ủi và khích lệ nhờ đến lều thánh, anh chị cũng có thể được an ủi nhờ tham dự các buổi nhóm họp, ngay cả khi cảm thấy mệt mỏi. (Đọc Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Khi chúng ta lắng nghe những câu Kinh Thánh an ủi tại các buổi nhóm họp, Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta thay thế suy nghĩ tiêu cực bằng suy nghĩ tích cực. Nhờ thế, chúng ta có thể kiểm soát cảm xúc, cho dù hoàn cảnh vẫn chưa cải thiện ngay.
9 Tại buổi nhóm họp, chúng ta cũng hưởng được mối giao tiếp lành mạnh với anh em đồng đạo đầy lòng trắc ẩn. Họ có thể thể hiện lòng quan tâm và tình yêu thương giúp chúng ta lên tinh thần (1 Tê 5:11, 14). Hãy xem trường hợp của một tiên phong đặc biệt có vợ qua đời. Anh nói: “Tôi vẫn còn khóc rất nhiều. Đôi khi, tôi ngồi trong một góc và nước mắt cứ tuôn rơi. Nhưng các buổi nhóm họp là nguồn khích lệ lớn. Những lời nói đầy an ủi của các anh chị thật sự đã xoa dịu tôi. Dù lo lắng thế nào đi nữa trước khi đến buổi nhóm họp, tôi luôn cảm thấy vui hơn khi ở đó”. Khi chúng ta có mặt tại buổi nhóm họp, Đức Giê-hô-va có thể dùng anh em để giúp đỡ chúng ta.
10. Chúng ta có thể noi theo Ha-na như thế nào khi đang đau buồn?
10 Ha-na cũng được an ủi nhờ trút đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện. Anh chị cũng có thể “trút hết mọi lo lắng cho [Đức Giê-hô-va]”, tin chắc ngài sẽ lắng nghe (1 Phi 5:7). Một chị có chồng bị giết trong vụ cướp có vũ trang kể lại: “Tôi cảm thấy như thể lòng mình bị vỡ thành từng mảnh vụn và không bao giờ lành lại. Tôi được an ủi nhờ cầu nguyện với Cha yêu thương trên trời là Đức Giê-hô-va. Đôi khi tôi không biết diễn tả cảm xúc thế nào với ngài, nhưng ngài hiểu tôi. Khi thấy suy sụp, tôi cầu xin sự bình an. Rồi tôi cảm nghiệm sự bình tĩnh trong lòng và trí, nhờ thế có sức để bước tiếp”. Khi anh chị trút đổ nỗi lo lắng với Đức Giê-hô-va trong nước mắt, ngài cũng rất buồn và hiểu nỗi đau của anh chị. Ngay cả nếu nguyên nhân gây ra lo lắng vẫn còn đó, Đức Giê-hô-va có thể xoa dịu lòng đang đau buồn của anh chị và giúp anh chị cảm thấy bình an (Thi 94:19; Phi-líp 4:6, 7). Ngài cũng sẽ ban thưởng vì anh chị trung thành chịu đựng.—Hê 11:6.
RƠI LỆ VÌ BỊ PHẢN BỘI
11. Những hoàn cảnh khó khăn mà Đa-vít phải đối mặt khiến ông cảm thấy thế nào?
11 Trong cuộc đời, Đa-vít trải qua nhiều hoàn cảnh khó khăn khiến ông rơi lệ. Ông bị người khác ghen ghét và thậm chí bị những người mà ông tin cậy phản bội (1 Sa 19:10, 11; 2 Sa 15:10-14, 30). Vào một thời điểm khó khăn, ông viết: “Con héo mòn vì rên xiết thở than, suốt đêm thâu, lệ sầu ướt đẫm giường, bao nước mắt ngập tràn chỗ gối đầu”. Tại sao Đa-vít cảm thấy như thế? Ông cho biết “vì bao kẻ quấy rối” (Thi 6:6, 7). Những hành động gây tổn thương của người khác khiến Đa-vít đau buồn đến mức không ngừng rơi lệ.
12. Theo Thi thiên 56:8, Đa-vít tin chắc điều gì?
12 Bất kể những khó khăn mà Đa-vít phải đương đầu, ông tin chắc Đức Giê-hô-va yêu thương mình. Ông viết: “Đức Giê-hô-va sẽ nghe tiếng tôi khóc than” (Thi 6:8). Vào một dịp khác, Đa-vít đã viết những lời đáng chú ý nơi Thi thiên 56:8. (Đọc). Những lời này vẽ lên một hình ảnh cảm động về sự quan tâm trìu mến của Đức Giê-hô-va. Đa-vít cảm thấy như thể ngài đang thâu chứa các giọt lệ của ông trong một bầu da hoặc ghi vào một cuốn sách. Ông chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va để ý và ghi nhớ nỗi đau của mình. Đa-vít tin chắc Cha yêu thương trên trời không chỉ biết những gì ông trải qua mà còn biết những điều đó ảnh hưởng thế nào đến ông.
13. Khi người khác làm chúng ta thất vọng, điều gì có thể an ủi chúng ta? (Cũng xem hình).
13 Bài học cho chúng ta. Anh chị có đang đương đầu với căng thẳng vì bị một người mà mình tin cậy làm cho thất vọng hoặc phản bội không? Có lẽ anh chị rất đau lòng vì giai đoạn tìm hiểu hoặc hôn nhân của mình bất ngờ chấm dứt, hoặc người mà anh chị yêu thương ngừng phụng sự Đức Giê-hô-va. Một anh có vợ phạm tội ngoại tình và rời bỏ anh cho biết: “Tôi sững sờ và không thể tin nổi. Tôi cảm thấy mình vô dụng, buồn nản và tức giận”. Nếu bị phản bội hoặc thất vọng, anh chị có thể được an ủi khi nhớ rằng Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ bỏ rơi anh chị. Anh được đề cập ở trên cho biết: “Tôi nhận ra rằng người khác có thể không trung thành với mình, nhưng Đức Giê-hô-va là Vầng Đá của chúng ta. Dù có chuyện gì xảy ra, ngài luôn ở đó. Ngài sẽ không từ bỏ người trung thành của ngài” (Thi 37:28). Cũng hãy nhớ rằng tình yêu thương của Đức Giê-hô-va vượt xa tình yêu thương của bất cứ người nào. Dù anh chị đau lòng vì bị người khác phản bội, nhưng hãy nhớ rằng điều người đó làm không ảnh hưởng đến cảm nghĩ của Đức Giê-hô-va về anh chị (Rô 8:38, 39). Điểm chính là: Dù người khác đối xử với anh chị thế nào đi nữa, Cha trên trời rất yêu thương anh chị.
14. Thi thiên 34:18 trấn an chúng ta điều gì?
14 Khi đương đầu với sự phản bội, chúng ta cũng có thể được an ủi qua những lời trấn an của Đa-vít nơi Thi thiên 34:18. (Đọc). Một tài liệu tham khảo nói rằng những người “có tâm can giày vò [hay “buồn nản”, chú thích]” có thể nói đến “những người không có điều gì tốt đẹp để trông mong”. Đức Giê-hô-va làm gì để giúp những người cảm thấy như thế? Giống như một bậc cha mẹ ôm chặt và an ủi con khi con bị đau đớn hoặc buồn rầu, Đức Giê-hô-va “kề bên” chúng ta, luôn thể hiện lòng trắc ẩn và sẵn sàng giúp đỡ khi chúng ta buồn nản vì bị phản bội hoặc mất mát. Ngài muốn an ủi và xoa dịu tấm lòng tan nát và đau đớn của chúng ta. Ngài cũng ban cho chúng ta nhiều điều để trông mong hầu giúp chúng ta chịu đựng những thử thách hiện tại.—Ê-sai 65:17.
RƠI LỆ VÌ CẢM THẤY BẤT LỰC
15. Ê-xê-chia đối mặt với hoàn cảnh nào khiến ông phải rơi lệ?
15 Năm 39 tuổi, vua Ê-xê-chia của Giu-đa được biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Nhà tiên tri Ê-sai báo cho Ê-xê-chia thông điệp từ Đức Giê-hô-va rằng ông sẽ chết vì bệnh của mình (2 Vua 20:1). Dường như không có hy vọng cho Ê-xê-chia. Ông suy sụp trước tin ấy và khóc đầm đìa. Ông tha thiết cầu nguyện với Đức Giê-hô-va.—2 Vua 20:2, 3.
16. Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào trước lời nài xin đầy nước mắt của Ê-xê-chia?
16 Đức Giê-hô-va cảm động trước lời nài xin đầy nước mắt của Ê-xê-chia và nhân từ phán với ông: “Ta đã nghe lời con cầu nguyện. Ta đã thấy nước mắt của con. Này, ta sẽ chữa lành cho con”. Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va tỏ lòng thương xót bằng cách hứa sẽ kéo dài đời ông và giải cứu Giê-ru-sa-lem khỏi tay của quân A-si-ri.—2 Vua 20:4-6.
17. Khi chúng ta đương đầu với vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, Đức Giê-hô-va nâng đỡ chúng ta qua cách nào? (Thi thiên 41:3) (Cũng xem hình).
17 Bài học cho chúng ta. Anh chị có đang đương đầu với căn bệnh dường như vô phương cứu chữa không? Hãy hướng đến Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, thậm chí trong nước mắt. Kinh Thánh đảm bảo rằng “Cha đầy lòng thương xót và là Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi” sẽ an ủi chúng ta trong mọi thử thách (2 Cô 1:3, 4). Ngày nay, chúng ta không trông mong Đức Giê-hô-va loại bỏ mọi vấn đề của mình, nhưng có thể tin chắc ngài luôn nâng đỡ mình. (Đọc Thi thiên 41:3). Qua thần khí thánh, Đức Giê-hô-va ban sức mạnh, sự khôn ngoan và bình an nội tâm để chúng ta đối phó với vấn đề (Châm 18:14; Phi-líp 4:13). Ngài cũng nâng đỡ chúng ta qua hy vọng dựa trên Kinh Thánh là được chứng kiến mọi bệnh tật không còn nữa.—Ê-sai 33:24.
18. Câu Kinh Thánh nào đặc biệt an ủi anh chị khi đương đầu với hoàn cảnh vô cùng khó khăn? (Xem khung “ Những câu có thể an ủi khi chúng ta rơi lệ”).
18 Ê-xê-chia được an ủi qua những lời của Đức Giê-hô-va. Tương tự, chúng ta cũng có thể tìm được sự an ủi trong Lời Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đã bảo tồn những lời có thể xoa dịu và giúp chúng ta lên tinh thần khi đương đầu với những hoàn cảnh đau khổ (Rô 15:4). Sau khi một chị ở Tây Phi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, chị thường khóc rất nhiều. Chị kể: “Một câu Kinh Thánh đặc biệt an ủi tôi là Ê-sai 26:3. Hiếm khi chúng ta có thể hoàn toàn kiểm soát được thử thách xảy đến với mình, nhưng câu ấy trấn an tôi rằng Đức Giê-hô-va có thể ban sự bình an nội tâm giúp chúng ta kiểm soát cách phản ứng trước thử thách”. Có câu Kinh Thánh nào đặc biệt an ủi anh chị khi đương đầu với hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thậm chí vô vọng không?
19. Tương lai nào đang chờ đón chúng ta?
19 Chúng ta đang sống trong giai đoạn cuối của những ngày sau cùng, nên chúng ta biết ngày càng có nhiều lý do khiến mình rơi lệ. Nhưng như chúng ta đã xem qua trường hợp của Ha-na, Đa-vít và vua Ê-xê-chia, Đức Giê-hô-va thấy những giọt nước mắt của chúng ta và rất đau lòng. Những giọt nước mắt ấy rất quý giá với ngài. Vì thế, khi đối mặt với những hoàn cảnh đau khổ, chúng ta muốn trút đổ lòng mình cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Mong sao chúng ta không bao giờ tự cô lập mình khỏi những anh chị yêu thương trong hội thánh. Và mong sao chúng ta luôn tìm sự an ủi nơi những lời xoa dịu trong Kinh Thánh. Chúng ta có thể tin chắc rằng nếu tiếp tục trung thành chịu đựng, Đức Giê-hô-va sẽ tưởng thưởng cho chúng ta. Phần thưởng đó bao gồm việc được chứng kiến ngài thực hiện lời hứa tuyệt vời là lau khô mọi giọt lệ vì đau buồn, bị phản bội hoặc cảm thấy bất lực (Khải 21:4). Rồi lúc ấy, chúng ta sẽ chỉ rơi nước mắt vì vui mừng.
BÀI HÁT 4 “Đức Giê-hô-va là Đấng Chăn Giữ của tôi”