Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 48

BÀI HÁT 97 Sự sống tùy thuộc vào Lời Đức Chúa Trời

Những bài học từ phép lạ cung cấp bánh

Những bài học từ phép lạ cung cấp bánh

“Tôi là bánh sự sống. Ai đến với tôi sẽ không bao giờ đói”.​—GIĂNG 6:35.

TRỌNG TÂM

Xem xét lời tường thuật nơi Giăng chương 6 về việc Chúa Giê-su dùng phép lạ để cung cấp bánh và cá cho đoàn dân đông, cũng như rút ra những bài học từ lời tường thuật ấy.

1. Bánh quan trọng đến mức nào trong Kinh Thánh?

 Bánh là thực phẩm chính đối với nhiều người vào thời Kinh Thánh (Sáng 14:18; Lu 4:4). Thật ra, bánh quan trọng đến mức đôi khi Kinh Thánh dùng từ “bánh” để nói đến thức ăn nói chung (Mat 6:​11, chú thích). Hai trong số những phép lạ nổi tiếng của Chúa Giê-su cũng liên quan đến bánh (Mat 16:​9, 10). Một phép lạ đó được ghi lại nơi Giăng chương 6. Khi xem xét lời tường thuật này, chúng ta sẽ rút ra các bài học mà mình có thể áp dụng ngày nay.

2. Hàng ngàn người cần thức ăn vào dịp nào?

2 Sau khi các sứ đồ kết thúc chuyến rao giảng, Chúa Giê-su đã cùng họ lên thuyền đi sang bờ bên kia của biển Ga-li-lê để nghỉ ngơi (Mác 6:​7, 30-32; Lu 9:10). Họ đến một nơi hẻo lánh trong vùng Bết-sai-đa. Nhưng không lâu sau, hàng ngàn người tới đó để gặp Chúa Giê-su. Ngài không lờ họ đi mà nhân từ dành thời gian dạy họ về Nước Trời và chữa lành cho người bệnh. Lúc xế chiều, các môn đồ không biết làm thế nào để tất cả những người này có thể có được thức ăn. Có lẽ một số người trong đoàn dân ấy mang theo ít thực phẩm, nhưng đa phần thì cần vào các làng để mua thức ăn (Mat 14:15; Giăng 6:​4, 5). Chúa Giê-su sẽ làm gì?

CHÚA GIÊ-SU DÙNG PHÉP LẠ ĐỂ CUNG CẤP BÁNH

3. Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước nhu cầu của đoàn dân? (Cũng xem hình).

3 Chúa Giê-su nói với các sứ đồ: “Họ không cần đi, anh em hãy cho họ thứ gì để ăn” (Mat 14:16). Điều này dường như là bất khả thi vì có khoảng 5.000 người nam, và tính cả phụ nữ lẫn trẻ em thì có thể lên đến 15.000 người cần thức ăn (Mat 14:21). Anh-rê nói: “Cậu bé này có năm cái bánh lúa mạch và hai con cá nhỏ. Nhưng bấy nhiêu thì làm sao đủ cho nhiều người đến thế?” (Giăng 6:9). Bánh lúa mạch là thực phẩm phổ biến vào thời đó, và cá nhỏ có lẽ đã được ướp muối và phơi khô. Nhưng lượng thức ăn mà cậu bé đó có không thể nào đủ cho cả đoàn dân đông như thế.

Chúa Giê-su chăm sóc cho nhu cầu của dân chúng, cả về mặt thiêng liêng lẫn thể chất (Xem đoạn 3)


4. Chúng ta có thể học được gì từ Giăng 6:​11-13? (Cũng xem các hình).

4 Vì muốn thể hiện lòng hiếu khách với đoàn dân, Chúa Giê-su bảo họ ngồi thành từng nhóm trên cỏ. (Mác 6:​39, 40; đọc Giăng 6:​11-13). Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su dâng lời tạ ơn Cha ngài về bánh và cá. Việc cảm tạ Đức Giê-hô-va là hoàn toàn phù hợp, vì thật ra ngài là nguồn của thức ăn ấy. Điều quan trọng là chúng ta noi theo Chúa Giê-su bằng cách cầu nguyện trước bữa ăn, dù đang ở một mình hay có người xung quanh. Sau đó, Chúa Giê-su bảo các môn đồ phân phát thức ăn cho dân chúng, và tất cả đều ăn no nê. Thậm chí có những miếng bánh thừa và Chúa Giê-su không muốn lãng phí. Vì thế, ngài bảo các môn đồ gom chúng lại, có thể là để dùng sau đó. Chúa Giê-su sử dụng những gì mình có một cách khôn ngoan. Đó là gương tốt cho chúng ta noi theo. Nếu anh chị là cha mẹ, hãy xem lời tường thuật này với con cái và thảo luận những bài học về việc cầu nguyện, sự hiếu khách và lòng rộng rãi.

Hãy tự hỏi: “Mình có đang noi theo Chúa Giê-su trong việc cầu nguyện trước bữa ăn không?” (Xem đoạn 4)


5. Dân chúng phản ứng thế nào trước điều Chúa Giê-su làm, và ngài làm gì sau đó?

5 Dân chúng kinh ngạc trước cách Chúa Giê-su dạy dỗ và những phép lạ của ngài. Vì biết Môi-se đã nói rằng Đức Chúa Trời sẽ dấy lên một nhà tiên tri đặc biệt, nên có lẽ họ thắc mắc: “Chúa Giê-su có phải là đấng ấy không?” (Phục 18:​15-18). Nếu thế thì ngài sẽ là một nhà cai trị xuất sắc, có thể cung cấp bánh cho cả đất nước. Vì vậy, đoàn dân muốn “bắt ép ngài làm vua” (Giăng 6:​14, 15). Nếu chiều theo mong muốn của họ, Chúa Giê-su sẽ tham gia vào chính trị của người Do Thái, lúc ấy đang ở dưới sự cai trị của La Mã. Ngài có làm thế không? Không. Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su dứt khoát “lánh lên núi”. Vậy, ngài không dính líu đến chính trị dù người khác gây áp lực. Quả là bài học quan trọng cho chúng ta!

6. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình muốn noi theo Chúa Giê-su? (Cũng xem hình).

6 Dĩ nhiên, người khác sẽ không yêu cầu chúng ta làm phép lạ để cung cấp bánh hoặc chữa lành cho người bệnh. Họ cũng sẽ không cố bắt ép chúng ta làm vua hoặc nhà lãnh đạo của một nước. Nhưng họ có thể thúc giục chúng ta dính líu đến chính trị qua việc bầu cử hoặc ủng hộ cho một người mà họ nghĩ là sẽ cải thiện các vấn đề. Tuy nhiên, lập trường của Chúa Giê-su rất rõ ràng. Ngài từ chối dính líu đến các vấn đề chính trị, thậm chí ngài nói: “Nước của tôi không thuộc về thế gian này” (Giăng 17:14; 18:36). Ngày nay, tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần noi theo suy nghĩ và hành động của Chúa Giê-su. Chúng ta ủng hộ, làm chứng và cầu nguyện cho Nước Trời (Mat 6:10). Hãy trở lại lời tường thuật về việc Chúa Giê-su dùng phép lạ để cung cấp bánh và xem chúng ta học được điều gì khác.

Chúa Giê-su nêu gương cho các môn đồ khi không dính líu đến chính trị của người Do Thái và người La Mã (Xem đoạn 6)


“PHÉP LẠ VỀ NHỮNG CÁI BÁNH”

7. Chúa Giê-su đã làm gì, và các sứ đồ phản ứng thế nào? (Giăng 6:​16-20)

7 Sau khi cung cấp thức ăn cho đoàn dân, Chúa Giê-su bảo các sứ đồ rời khỏi vùng đó và lên thuyền trở lại Ca-bê-na-um, còn ngài thì lánh lên núi để tránh bị đoàn dân bắt ép làm vua. (Đọc Giăng 6:​16-20). Khi các sứ đồ đang chèo thuyền, một cơn bão nổi lên, gió và sóng trở nên dữ dội. Chúa Giê-su đi trên mặt nước đến chỗ họ, và bảo Phi-e-rơ cũng đi trên mặt nước (Mat 14:​22-31). Khi Chúa Giê-su lên thuyền, gió bèn yên lặng. Các môn đồ kinh ngạc nói: “Thầy quả là Con Đức Chúa Trời”. a (Mat 14:33). Nhưng họ vẫn không thấy được sự liên kết giữa phép lạ này và điều xảy ra trước đó với đoàn dân. Mác cho biết thêm một chi tiết: “[Các sứ đồ] vô cùng kinh ngạc vì chưa hiểu phép lạ về những cái bánh, và lòng họ vẫn chậm hiểu” (Mác 6:​50-52). Đúng vậy, họ không hiểu quyền năng mà Đức Giê-hô-va ban cho Chúa Giê-su để làm phép lạ lớn đến mức nào. Nhưng không lâu sau, Chúa Giê-su nhắc lại phép lạ cung cấp bánh và dạy chúng ta một bài học khác.

8, 9. Tại sao đoàn dân tìm Chúa Giê-su? (Giăng 6:​26, 27)

8 Ngày hôm sau, đoàn dân đến nơi mà Chúa Giê-su đã cung cấp thức ăn cho họ. Nhưng ngài và các sứ đồ không có ở đó. Vì vậy, dân chúng đã lên thuyền và đến Ca-bê-na-um tìm ngài (Giăng 6:​22-24). Có phải họ làm thế vì muốn biết thêm về Nước Trời không? Không. Mối quan tâm chính của họ là được ban thêm bánh. Làm thế nào chúng ta biết điều đó?

9 Hãy lưu ý điều đã xảy ra khi đoàn dân tìm thấy Chúa Giê-su gần Ca-bê-na-um. Ngài thẳng thắn nói rằng họ tìm ngài chỉ vì muốn thỏa mãn nhu cầu thể chất tạm thời. Họ thỏa lòng khi đã được ăn bánh no nê, nhưng Chúa Giê-su cho biết bánh đó là “thức ăn hay bị thối rữa”. Ngài khuyến giục họ làm việc vì “thức ăn tồn tại mãi và mang lại sự sống vĩnh cửu”. (Đọc Giăng 6:​26, 27). Chúa Giê-su nói rằng Cha ngài sẽ ban cho họ thức ăn ấy. Khi nghe đến thức ăn có thể mang lại sự sống vĩnh cửu, hẳn họ cảm thấy kinh ngạc! Thức ăn nào có thể làm được điều đó, và họ có thể nhận được bằng cách nào?

10. Dân chúng cần làm gì để “có được sự sống vĩnh cửu”?

10 Dường như những người Do Thái ấy nghĩ rằng họ sẽ phải làm một số việc để hội đủ điều kiện nhận được thức ăn đó. Có lẽ họ nghĩ đến những việc mà Luật pháp Môi-se đòi hỏi. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói với họ: “Công việc của Đức Chúa Trời là anh em thể hiện đức tin nơi đấng ngài phái đến” (Giăng 6:​28, 29). Vậy để “có được sự sống vĩnh cửu”, một người cần thể hiện đức tin nơi đấng mà Đức Chúa Trời phái đến. Thật thế, đây là điều mà Chúa Giê-su từng nhắc tới (Giăng 3:​16-18, 36). Vào những dịp khác sau đó, ngài cũng nói thêm về cách chúng ta có thể có được sự sống vĩnh cửu.—Giăng 17:3.

11. Làm thế nào những người Do Thái cho thấy họ vẫn chỉ tập trung vào việc có bánh theo nghĩa đen? (Thi thiên 105:40)

11 Những người Do Thái ấy đã không chấp nhận sự dạy dỗ của Chúa Giê-su về một công việc mới của Đức Chúa Trời. Họ hỏi Chúa Giê-su: “Thầy sẽ làm dấu lạ nào để chúng tôi thấy và tin Thầy?” (Giăng 6:30). Họ nhắc đến việc tổ phụ họ vào thời Môi-se đã nhận được ma-na, là loại thức ăn có thể được ví như bánh (Nê 9:15; đọc Thi thiên 105:40). Rõ ràng, tâm trí họ vẫn tập trung vào việc có bánh theo nghĩa đen. Thậm chí, những người ấy không hỏi ý của Chúa Giê-su là gì khi ngài nói về “bánh thật từ trời”, là loại bánh ưu việt hơn ma-na vì có thể mang lại sự sống vĩnh cửu (Giăng 6:32). Họ quá tập trung vào nhu cầu thể chất đến mức lờ đi những sự thật thiêng liêng mà Chúa Giê-su cố gắng chia sẻ với họ. Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ lời tường thuật này?

ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT ĐỐI VỚI CHÚNG TA

12. Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy điều gì là quan trọng nhất?

12 Chúng ta rút ra một bài học quan trọng từ Giăng chương 6. Đó là chúng ta nên xem những điều thiêng liêng là quan trọng nhất. Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đã cho thấy rõ điều đó khi kháng cự cám dỗ của Sa-tan (Mat 4:​3, 4). Và trong Bài giảng trên núi, ngài nhấn mạnh việc cần ý thức về nhu cầu tâm linh (Mat 5:3). Vậy chúng ta có thể tự hỏi: “Lối sống của mình có cho thấy mình quan tâm đến việc đáp ứng nhu cầu thiêng liêng hơn là thỏa mãn thú vui và ước muốn về vật chất không?”.

13. (a) Tại sao không có gì sai khi vui hưởng việc ăn uống? (b) Chúng ta cần để ý đến lời cảnh báo nào? (1 Cô-rinh-tô 10:​6, 7, 11)

13 Không có gì sai khi chúng ta cầu nguyện về những thứ mình cần và vui hưởng những thứ ấy (Lu 11:3). Kinh Thánh nói rằng “ăn uống và tìm niềm vui trong việc khó nhọc của mình” là điều tốt và “đến từ tay Đức Chúa Trời” (Truyền 2:24; 8:15; Gia 1:17). Dù vậy, chúng ta cần cẩn thận để vật chất không trở thành quan trọng nhất trong đời sống. Phao-lô nhấn mạnh điều này khi viết thư cho các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Ông nhắc đến các sự kiện trong quá khứ của dân Y-sơ-ra-ên, bao gồm điều xảy ra gần núi Si-nai. Ông cảnh báo các tín đồ ‘không được ham muốn những điều tai hại như dân Y-sơ-ra-ên’. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 10:​6, 7, 11). Đức Giê-hô-va đã dùng phép lạ để cung cấp thức ăn cho dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng vì dân này có lòng tham và ham muốn ích kỷ, thức ăn đó đã trở thành “điều tai hại” đối với họ (Dân 11:​4-6, 31-34). Ngoài ra, lúc thờ bò con bằng vàng, dân Y-sơ-ra-ên đã ăn uống và vui chơi, qua đó cho thấy họ quan tâm đến những điều ấy hơn là vâng lời Đức Chúa Trời (Xuất 32:​4-6). Phao-lô nhắc đến những trường hợp này để cảnh báo các tín đồ sống gần sự kết thúc của hệ thống Do Thái vào năm 70 CN. Hiện nay, chúng ta đang sống gần thời điểm kết thúc của thế gian này, nên chúng ta cần để ý đến lời khuyên của Phao-lô.

14. Liên quan đến thức ăn, chúng ta có thể mong đợi điều gì trong thế giới mới?

14 Khi bảo chúng ta cầu xin “có bánh đủ ngày”, Chúa Giê-su cũng dạy chúng ta cầu xin cho ý muốn của Đức Chúa Trời được thực hiện “ở dưới đất cũng như trên trời” (Mat 6:​9-11, chú thích). Anh chị hình dung thế giới lúc đó sẽ như thế nào? Kinh Thánh cho biết một phần trong ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất là sẽ có thức ăn bổ dưỡng. Theo Ê-sai 25:​6-8, sẽ có dồi dào thức ăn ngon để chúng ta thưởng thức khi ở dưới sự cai trị của Nước Trời. Thi thiên 72:16 báo trước: “Trên đất, thóc lúa sẽ nên dồi dào, đến nỗi phủ kín các đỉnh non cao”. Anh chị có trông mong được dùng thóc lúa đó để làm món bánh yêu thích hoặc thử chế biến món mới không? Ngoài ra, anh chị có thể thưởng thức trái của vườn nho mà mình trồng (Ê-sai 65:​21, 22). Anh chị sẽ không phải là người duy nhất hưởng những điều đó.

15. Những người được sống lại sẽ nhận được sự giáo dục nào? (Giăng 6:35)

15 Đọc Giăng 6:35. Điều gì đang chờ đợi những người đã ăn bánh và cá mà Chúa Giê-su cung cấp? Trong sự sống lại sắp đến, có thể anh chị sẽ gặp một số người trong vòng họ. Ngay cả nếu không thể hiện đức tin trong quá khứ, họ vẫn có thể được sống lại (Giăng 5:​28, 29). Những người như thế sẽ phải tìm hiểu ý nghĩa của những lời Chúa Giê-su nói: “Tôi là bánh sự sống. Ai đến với tôi sẽ không bao giờ đói”. Họ sẽ cần vun trồng đức tin nơi giá chuộc của Chúa Giê-su, tin rằng ngài đã hy sinh mạng sống cho họ. Bấy giờ, sẽ có một chương trình giáo dục thiêng liêng dành cho những người được sống lại và trẻ em được sinh ra vào thời kỳ đó. Thật vui mừng khi được tham gia chương trình dạy dỗ ấy! Đó là công việc thích thú hơn so với việc ăn bánh theo nghĩa đen. Thật vậy, những điều thiêng liêng sẽ mang lại niềm vui lớn nhất.

16. Bài tới sẽ xem xét điều gì?

16 Chúng ta đã xem xét một phần của lời tường thuật nơi Giăng chương 6. Nhưng Chúa Giê-su có nhiều điều khác để dạy về “sự sống vĩnh cửu”. Những người Do Thái thời xưa cần chú ý lắng nghe điều ngài nói, và chúng ta cũng thế. Chúng ta sẽ tiếp tục xem xét Giăng chương 6 trong bài tới.

BÀI HÁT 20 Ngài ban Con một yêu quý

a Để biết thêm chi tiết về lời tường thuật đầy hào hứng này, xem Chúa Giê-su—Đường đi, chân lý, sự sống, trg 131, và Hãy noi theo đức tin của họ, trg 185.