CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI
Tôi không bao giờ ngưng học hỏi
Tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va về đặc ân có ngài là “Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại” của mình (Ê-sai 30:20). Đức Giê-hô-va dạy những người thờ phượng ngài qua Kinh Thánh, công trình sáng tạo đáng kinh ngạc và tổ chức của ngài. Đức Giê-hô-va cũng dùng anh em thiêng liêng để giúp chúng ta. Dù đã gần 100 tuổi, tôi vẫn tiếp tục nhận được lợi ích từ sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va qua tất cả những cách đó. Tại sao tôi có thể nói thế?
Tôi sinh năm 1927 ở một thị trấn nhỏ gần Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Ba mẹ tôi có năm người con là Jetha, Don, tôi, Karl và Joy. Tất cả chúng tôi quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng. Chị Jetha tham dự khóa thứ hai của trường Ga-la-át năm 1943. Anh Don, em trai Karl và em gái Joy bắt đầu phụng sự ở Bê-tên Brooklyn, New York, lần lượt vào các năm 1944, 1947 và 1951. Gương mẫu của họ và của ba mẹ thật sự khiến tôi ấn tượng.
GIA ĐÌNH CHÚNG TÔI ĐƯỢC BIẾT CHÂN LÝ
Ba mẹ tôi là những người đọc Kinh Thánh. Họ yêu mến Đức Chúa Trời và dạy con cũng yêu thương ngài. Tuy nhiên, ba tôi không còn tôn trọng Ki-tô giáo sau khi làm lính ở châu Âu trong Thế Chiến I. Lúc đó, mẹ tôi rất biết ơn Đức Chúa Trời vì ba tôi vẫn còn sống để trở về nhà, nên mẹ nói: “Anh à, vợ chồng mình đi lễ ở nhà thờ như trước đây nhé”. Ba tôi trả lời: “Anh sẽ đi bộ cùng em đến đó, nhưng không vào”. Mẹ hỏi: “Sao vậy anh?”. Ba nói: “Trong chiến tranh, hàng giáo phẩm của cùng một tôn giáo đứng về hai phe chiến tuyến. Họ còn chúc phước cho quân lính và vũ khí của phe mình! Vậy Chúa ủng hộ cả hai phe hay sao?”.
Sau này, khi mẹ tôi đang đi nhà thờ, có hai Nhân Chứng Giê-hô-va đến nhà chúng tôi. Họ mời ba tôi nhận cuốn sách gồm hai tập giúp tìm hiểu Kinh Thánh. Đó là sách Sự sáng (Light) giải thích sách Khải huyền. Ba tôi chú ý và nhận sách. Khi thấy hai cuốn sách ấy, mẹ tôi bắt đầu đọc. Ngày nọ, bà thấy một thông báo trên tờ báo địa phương mời những người chú ý đến tham dự một cuộc học hỏi Kinh Thánh dựa trên hai tập của sách Sự sáng. Bà quyết định đi. Khi mẹ tôi đến nơi, một phụ nữ lớn tuổi ra mở cửa. Giơ một trong hai cuốn sách ấy lên, mẹ tôi hỏi: “Có phải đây là chỗ học sách này không bác?”. “Đúng rồi cháu. Mời cháu vào”. Tuần sau đó, mẹ tôi đưa các con đi cùng, và kể từ đó chúng tôi tham dự đều đặn.
Tại một buổi nhóm họp, người điều khiển đã nhờ tôi đọc Thi thiên 144:15 cho biết rằng những người thờ phượng Đức Giê-hô-va thì hạnh phúc. Câu đó khiến tôi ấn tượng. Tôi cũng rất thích hai câu khác, đó là 1 Ti-mô-thê 1:11 nói rằng Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh phúc”, và Ê-phê-sô 5:1 khuyến giục chúng ta “bắt chước ngài”. Tôi đã kết luận rằng mình nên vui mừng trong những việc mình có thể làm cho Đấng Tạo Hóa và cảm tạ ngài về đặc ân phụng sự ngài. Đây là hai điều mà tôi cố gắng làm trong suốt cuộc đời mình.
Hội thánh gần nhất cách nhà chúng tôi 32km ở Chicago. Nhưng chúng tôi vẫn tham dự và sự hiểu biết của tôi về Kinh Thánh gia tăng. Tôi nhớ rằng có lần người điều khiển đã gọi chị Jetha bình luận. Khi nghe chị ấy trả lời, tôi thầm nghĩ: “Mình đoán đúng câu trả lời mà. Mình đã có thể giơ tay bình luận”. Kể từ đó, tôi bắt đầu chuẩn bị và bình luận. Quan trọng hơn, tôi lớn mạnh về thiêng liêng, và các anh chị em của tôi cũng thế. Tôi báp-têm năm 1941.
HỌC TỪ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TẠI CÁC HỘI NGHỊ
Tôi đặc biệt ấn tượng về hội nghị năm 1942 ở Cleveland, Ohio. Hơn 50 địa điểm khác ở Hoa Kỳ đã kết nối qua điện thoại. Gia đình tôi đã ở trong những lều gần địa điểm hội nghị, trong khu “thành phố xe moóc” mà các anh đã sắp xếp. Lúc đó, Thế Chiến II đang dữ dội và Nhân Chứng Giê-hô-va càng bị chống đối nhiều hơn. Vào buổi tối, tôi thấy những nhóm các anh đậu xe hơi của mình xung quanh trại và hướng đèn pha ra phía bên ngoài. Tất cả đều đồng ý là sẽ có người trong mỗi xe để canh gác suốt đêm. Nếu có bất cứ vấn đề nào, các anh sẽ bật đèn pha lên để làm chói mắt những kẻ tấn công và cũng bấm còi xe. Những anh khác có thể chạy đến trợ giúp. Tôi thầm nghĩ: “Dân của Đức Giê-hô-va chuẩn bị sẵn sàng cho mọi điều!”. Vì thế, tôi an tâm ngủ, và chúng tôi không gặp vấn đề nào cả.
Nhiều năm sau, khi nghĩ đến hội nghị đó, tôi nhận ra là mẹ tôi không có chút lo lắng hay sợ hãi nào. Bà hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài. Tôi không bao giờ quên gương tốt của mẹ.
Không lâu trước hội nghị, mẹ tôi đăng ký làm tiên phong đều đều. Vì thế, bà đặc biệt chú ý đến những bài giảng nói về việc phụng sự trọn thời gian. Trên đường về nhà, bà nói: “Mẹ muốn tiếp tục làm tiên phong. Nhưng mẹ không thể vừa làm tiên phong vừa chăm sóc nhà cửa chu đáo được”. Rồi mẹ hỏi là anh chị em chúng tôi có thể giúp được không. Chúng tôi nói là có, nên bà giao cho mỗi chúng tôi một hoặc hai phòng để dọn dẹp trước bữa sáng. Sau khi chúng tôi đi học, bà kiểm tra xem nhà cửa đã sạch sẽ chưa, rồi đi thánh chức. Dù rất bận rộn nhưng mẹ không bao giờ bỏ bê con cái. Khi chúng tôi về nhà để ăn trưa và khi đi học về, bà luôn có mặt để chăm lo cho chúng tôi. Vào một số buổi sau khi đi học về, chúng tôi cùng mẹ đi thánh chức, nhờ thế chúng tôi hiểu công việc của một tiên phong là thế nào.
BẮT ĐẦU PHỤNG SỰ TRỌN THỜI GIAN
Tôi bắt đầu làm tiên phong năm 16 tuổi. Dù lúc đó ba tôi chưa phải là Nhân Chứng, nhưng cũng quan tâm đến thánh chức của tôi. Tối nọ, tôi kể với ba là dù mình đã cố gắng nhưng vẫn chưa tìm được người nào muốn học Kinh Thánh. Rồi
tôi hỏi: “Ba học Kinh Thánh với con được không?”. Ông suy nghĩ một lúc và trả lời: “Ba không nghĩ ra lý do nào để từ chối”. Thế là ba trở thành học viên Kinh Thánh đầu tiên của tôi. Đó quả là đặc ân!Chúng tôi đã học cuốn Lẽ thật sẽ giải thoát bạn (“The Truth Shall Make You Free”). Khi học với ba, tôi nhận ra rằng ba đã giúp tôi trở thành người học và người dạy tốt hơn. Chẳng hạn, tối nọ sau khi đọc một đoạn, ba nói: “Ba hiểu điều sách nói. Nhưng làm thế nào để biết sách nói đúng?”. Vì chưa chuẩn bị cho câu hỏi đó, nên tôi nói: “Con chưa thể giải thích cho ba ngay bây giờ, nhưng đến buổi học tiếp theo, con sẽ có câu trả lời”. Và tôi đã làm thế. Tôi đã tìm các câu Kinh Thánh hỗ trợ cho điểm mà chúng tôi đang thảo luận. Sau đó, tôi tập nghiên cứu để chuẩn bị kỹ hơn cho buổi học. Điều này giúp cả tôi lẫn ba tôi tiến bộ về thiêng liêng. Ông áp dụng điều mình học và báp-têm vào năm 1952.
TIẾP TỤC HỌC HỎI TẠI BÊ-TÊN
Tôi dọn ra ngoài năm 17 tuổi. Chị Jetha a trở thành giáo sĩ, còn anh Don thì phụng sự ở Bê-tên. Cả hai đều yêu thích nhiệm sở của mình, điều này khích lệ tôi rất nhiều. Vì thế, tôi nộp đơn xin phụng sự ở Bê-tên, đồng thời cũng nộp đơn xin học Trường Ga-la-át và để vấn đề trong tay Đức Giê-hô-va. Kết quả là gì? Tôi được mời phụng sự ở Bê-tên vào năm 1946.
Suốt nhiều năm, tôi làm nhiều công việc khác nhau ở Bê-tên, nên tôi học được nhiều điều mới. Trong 75 năm ở Bê-tên, tôi được dạy cách làm sách và kế toán. Tôi cũng học về ngành xuất nhập khẩu. Nhưng tôi thích nhất sự giáo dục liên tục về thiêng liêng mà Bê-tên cung cấp qua chương trình thờ phượng buổi sáng và các bài giảng dựa trên Kinh Thánh.
Tôi cũng học được nhiều từ em trai là Karl. Em ấy bắt đầu làm việc ở Bê-tên năm 1947. Karl là người học và người dạy Kinh Thánh rất giỏi. Có lần tôi nhờ em ấy giúp khi được giao trình bày một bài giảng. Tôi nói rằng mình tìm được nhiều tài liệu nhưng thấy khó biết cách dùng các tài liệu ấy. Karl đã giúp tôi giải quyết vấn đề bằng một câu hỏi: “Anh Joel, chủ đề của bài giảng là gì?”. Tôi nhanh chóng hiểu ý của Karl. Tôi chỉ cần dùng những tài liệu liên quan và bỏ các tài liệu khác sang một bên. Tôi không bao giờ quên bài học đó.
Để vui mừng phụng sự ở Bê-tên, chúng ta cần cố gắng hết sức tham gia thánh chức, và điều đó có thể mang lại những kinh nghiệm khích lệ. Một kinh nghiệm mà tôi còn nhớ như in là sự
việc xảy ra vào một buổi tối nọ ở Bronx thuộc thành phố New York. Tôi và một anh đến gặp một phụ nữ từng nhận tạp chí Tháp Canh và Tỉnh Thức!. Chúng tôi mở đầu bằng cách nói: “Chúng tôi đang giúp người ta biết những điều khích lệ từ Kinh Thánh”. Bà trả lời: “Nếu nói về Kinh Thánh thì xin mời vào”. Chúng tôi đọc và thảo luận một số câu Kinh Thánh về Nước Trời và thế giới mới sắp đến. Điều đó khiến bà rất ấn tượng, nên bà mời một số người bạn đến để thảo luận cùng chúng tôi vào tuần kế tiếp. Sau này, bà và chồng đã trở thành các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va.HỌC TỪ BẠN ĐỜI
Tôi tìm kiếm bạn đời trong khoảng 10 năm trước khi gặp được vợ tôi. Điều gì giúp tôi tìm được người vợ phù hợp? Tôi đã cầu nguyện và suy nghĩ câu hỏi: “Mình muốn làm gì sau khi kết hôn?”.
Sau hội nghị năm 1953 tại sân vận động Yankee, tôi gặp một chị tên là Mary Aniol. Mary và chị Jetha học cùng khóa thứ hai của Ga-la-át, và Mary được bổ nhiệm cùng làm giáo sĩ với chị Jetha. Với lòng nhiệt tình, Mary kể cho tôi nghe về nhiệm sở giáo sĩ ở vùng Ca-ri-bê và các học viên Kinh Thánh mà cô ấy hướng dẫn trong những năm qua. Khi quen nhau nhiều hơn, chúng tôi nhận ra chúng tôi có cùng mục tiêu thiêng liêng. Tình yêu của chúng tôi dành cho nhau ngày càng nảy nở, và chúng tôi kết hôn vào tháng 4 năm 1955. Trong nhiều khía cạnh, Mary là món quà từ Đức Giê-hô-va và là gương tốt để tôi noi theo. Cô ấy vui mừng trong bất cứ nhiệm sở nào được giao. Cô ấy làm việc siêng năng, chân thành quan tâm đến người khác và luôn đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống (Mat 6:33). Chúng tôi cùng nhau làm công việc vòng quanh trong suốt ba năm và vào năm 1958, chúng tôi được mời phụng sự ở Bê-tên.
Tôi học được nhiều từ Mary. Chẳng hạn, khi mới kết hôn, chúng tôi đã quyết định đọc Kinh Thánh cùng nhau, khoảng 15 câu mỗi lần. Sau khi một người đọc một phần thì chúng tôi sẽ bình luận về những câu đó và thảo luận cách áp dụng trong đời sống. Mary thường nói về những điều học được ở Ga-la-át hoặc trong công việc giáo sĩ. Những cuộc thảo luận như thế đã giúp tôi có sự thông sáng, cải thiện bài giảng của mình và biết cách khích lệ các chị.—Châm 25:11.
Người vợ yêu dấu của tôi qua đời vào năm 2013. Tôi rất mong gặp lại cô ấy trong thế giới mới! Trong khi chờ đợi, tôi quyết tâm tiếp tục học hỏi và hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va (Châm 3:5, 6). Tôi tìm được sự an ủi và niềm vui khi nghĩ về những điều mà dân của Đức Giê-hô-va sẽ làm trong thế giới mới. Trong đó, chắc chắn có việc học những điều mới từ Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại và khám phá những điều mới về ngài! Thật vậy, tôi không có lời nào diễn tả hết lòng biết ơn về những gì mà ngài đã dạy tôi cho đến nay và biết bao hành động nhân từ bao la của ngài.
a Xem tự truyện của chị Jetha Sunal trong Tháp Canh ngày 1-3-2003 trg 23-29.