Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 7

Tìm kiếm sự khiêm hòa để làm hài lòng Đức Giê-hô-va

Tìm kiếm sự khiêm hòa để làm hài lòng Đức Giê-hô-va

‘Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va, hỡi mọi người khiêm hòa trên đất. Hãy tìm kiếm sự khiêm hòa’.XÔ 2:3.

BÀI HÁT 80 “Nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay!”

GIỚI THIỆU *

1, 2. (a) Môi-se được miêu tả là người như thế nào, và ông đã từng làm gì? (b) Chúng ta có động lực nào để vun trồng sự khiêm hòa?

Kinh Thánh miêu tả Môi-se “là người khiêm hòa nhất trong tất cả những người sống trên đất” (Dân 12:3). Phải chăng điều này có nghĩa Môi-se là người yếu đuối, không quyết đoán và sợ đối mặt với những người chống đối? Có lẽ đó là cách mà một số người miêu tả về người khiêm hòa. Nhưng điều này không đúng sự thật. Thực tế, Môi-se là một tôi tớ mạnh mẽ, quyết đoán và can đảm của Đức Chúa Trời. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, ông đối mặt với vị vua đầy quyền lực của Ai Cập, dẫn khoảng 3.000.000 người băng qua hoang mạc và giúp dân Y-sơ-ra-ên đánh bại kẻ thù.

2 Dù không phải đương đầu với thử thách giống như Môi-se, nhưng mỗi ngày chúng ta tiếp xúc với những người hoặc tình huống khiến mình khó giữ sự khiêm hòa. Tuy nhiên, chúng ta có động lực mạnh mẽ để vun trồng đức tính này. Đức Giê-hô-va hứa rằng “người khiêm hòa sẽ được hưởng trái đất” (Thi 37:11). Anh chị có thấy mình là người khiêm hòa không? Người khác có thấy anh chị như vậy không? Để trả lời được những câu hỏi quan trọng này, chúng ta cần hiểu khiêm hòa có nghĩa gì.

KHIÊM HÒA CÓ NGHĨA GÌ?

3, 4. (a) Sự khiêm hòa có thể được ví như gì? (b) Chúng ta cần bốn đức tính nào để trở nên khiêm hòa, và tại sao?

3 Sự khiêm hòa * có thể được ví như một bức tranh tuyệt đẹp. Như thế nào? Giống như họa sĩ kết hợp nhiều màu sắc để vẽ nên một bức tranh, chúng ta cũng cần kết hợp nhiều đức tính đáng quý để trở nên khiêm hòa. Trong đó có một số đức tính nổi bật là khiêm nhường, vâng phục, mềm mại và can đảm. Tại sao chúng ta cần có những đức tính này nếu muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va?

4 Người khiêm nhường sẽ vâng phục ý muốn Đức Chúa Trời. Một phần trong ý muốn của ngài là chúng ta cần trở nên mềm mại (Mat 5:5; Ga 5:23). Khi làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ khiến Sa-tan vô cùng giận dữ. Vì thế, dù chúng ta là người khiêm nhường và mềm mại, nhưng nhiều người trong thế gian Sa-tan lại ghét chúng ta (Giăng 15:18, 19). Do đó, chúng ta cần có sự can đảm để kháng cự Sa-tan.

5, 6. (a) Tại sao Sa-tan ghét những người khiêm hòa? (b) Chúng ta sẽ giải đáp những câu hỏi nào?

5 Trái ngược với người khiêm hòa là người cao ngạo, không kiềm chế cơn giận và không vâng lời Đức Giê-hô-va. Các đặc tính này miêu tả rất đúng về Sa-tan. Không lạ gì khi hắn ghét những người khiêm hòa! Người khiêm hòa có những phẩm chất tốt mà hắn không có, qua đó họ phơi bày sự gian ác của hắn. Không những thế, họ còn chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối. Tại sao? Vì dù hắn có nói hay làm bất cứ điều gì thì cũng không thể khiến những người khiêm hòa ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va!—Gióp 2:3-5.

6 Khi nào việc giữ khiêm hòa là thách đố? Tại sao chúng ta nên tiếp tục tìm kiếm sự khiêm hòa? Để trả lời những câu hỏi này, hãy xem gương của Môi-se, ba chàng trai Hê-bơ-rơ bị bắt qua Ba-by-lôn và Chúa Giê-su.

KHI NÀO VIỆC GIỮ KHIÊM HÒA LÀ THÁCH ĐỐ?

7, 8. Môi-se phản ứng thế nào khi bị đối xử thiếu tôn trọng?

7 Khi được ban cho quyền hành: Đối với những người có quyền hành thì việc giữ sự khiêm hòa có thể không dễ, nhất là khi người ở dưới quyền đối xử thiếu tôn trọng với họ hoặc nghi ngờ quyết định của họ. Anh chị đã bao giờ rơi vào trường hợp này chưa? Nói sao nếu một thành viên trong gia đình hành động như thế? Anh chị sẽ phản ứng thế nào? Hãy xem Môi-se đương đầu ra sao với tình huống đó.

8 Đức Giê-hô-va bổ nhiệm Môi-se làm người lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên và ban cho ông đặc ân ghi lại luật pháp cho dân này. Chắc chắn Môi-se là người được Đức Giê-hô-va hỗ trợ. Dù vậy, chính chị gái và anh trai của Môi-se là Mi-ri-am và A-rôn lại nói nghịch cùng Môi-se và chỉ trích ông về việc chọn vợ. Nếu ở trong trường hợp của Môi-se, có lẽ một số người sẽ trở nên tức giận và tìm cách trả thù, nhưng Môi-se thì không. Ông không vội giận. Thậm chí, ông còn nài xin Đức Giê-hô-va ngừng hình phạt đang giáng trên Mi-ri-am (Dân 12:1-13). Tại sao Môi-se có thể làm được điều đó?

Môi-se nài xin Đức Giê-hô-va ngừng hình phạt đang giáng trên Mi-ri-am (Xem đoạn 8)

9, 10. (a) Đức Giê-hô-va đã giúp Môi-se hiểu điều gì? (b) Những người chủ gia đình và các trưởng lão có thể học được gì từ Môi-se?

9 Môi-se đã để Đức Giê-hô-va huấn luyện ông. Khoảng 40 năm trước, khi còn là thành viên thuộc hoàng gia Ai Cập, Môi-se đã không khiêm hòa. Thực tế, ông nóng giận đến mức giết một người mà ông cho là đã hành động bất công. Môi-se cho rằng Đức Giê-hô-va sẽ ủng hộ hành động của ông. Đức Giê-hô-va đã dùng 40 năm để giúp Môi-se hiểu rằng can đảm thôi thì chưa đủ để lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên; ông cần khiêm hòa. Để có sự khiêm hòa, ông cũng cần khiêm nhường, vâng phục và mềm mại. Môi-se đã học được bài học đó, và về sau ông trở thành người lãnh đạo xuất sắc.—Xuất 2:11, 12; Công 7:21-30, 36.

10 Ngày nay, những người chủ gia đình và các trưởng lão nên noi gương Môi-se. Khi bị đối xử thiếu tôn trọng, chớ vội giận. Hãy khiêm nhường và nhìn nhận bất cứ thiếu sót nào của mình (Truyền 7:9, 20). Hãy vâng phục Đức Giê-hô-va và làm theo chỉ dẫn của ngài về cách giải quyết vấn đề. Đồng thời, hãy luôn đáp lại một cách mềm mại (Châm 15:1). Khi làm thế, những người chủ gia đình và các trưởng lão sẽ làm hài lòng Đức Giê-hô-va, đẩy mạnh sự bình an và nêu gương về cách trở nên khiêm hòa.

11-13. Ba chàng trai Hê-bơ-rơ nêu gương nào cho chúng ta?

11 Khi bị ngược đãi: Trong suốt lịch sử, dân Đức Giê-hô-va bị những nhà cai trị loài người ngược đãi. Có lẽ họ gán cho chúng ta nhiều tội danh, nhưng lý do thật sự mà họ ngược đãi chúng ta là vì chúng ta chọn “vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời loài người” (Công 5:29). Chúng ta có thể bị chế giễu, bỏ tù hoặc thậm chí là bị đánh đập. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không trả đũa nhưng giữ thái độ mềm mại khi đứng trước thử thách.

12 Hãy xem gương của ba chàng trai Hê-bơ-rơ bị lưu đày là Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria. * Vua Ba-by-lôn lệnh cho họ cúi lạy một pho tượng bằng vàng. Với thái độ mềm mại, họ giải thích với vua lý do họ không thờ phượng pho tượng. Dù bị vua dọa ném vào lò lửa hực, họ vẫn vâng phục Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đã lập tức giải cứu họ, nhưng họ không xem đó là điều hiển nhiên. Thay vì thế, họ sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì mà ngài cho phép xảy ra (Đa 3:1, 8-28). Họ đã chứng tỏ rằng người khiêm hòa là người thật sự can đảm; không vị vua, sự đe dọa hay hình phạt nào có thể phá vỡ lòng quyết tâm của chúng ta trong việc dành cho Đức Giê-hô-va “lòng sùng kính chuyên độc”.—Xuất 20:4, 5.

13 Khi lòng trung thành dành cho Đức Giê-hô-va bị thử thách, làm thế nào chúng ta có thể noi gương ba chàng trai Hê-bơ-rơ? Chúng ta khiêm nhường tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc chúng ta (Thi 118:6, 7). Chúng ta đáp lại những người cáo buộc với thái độ kính trọng, ôn hòa và mềm mại (1 Phi 3:15). Và chúng ta cũng kiên quyết từ chối làm bất cứ điều gì gây hại đến mối quan hệ của mình với Cha yêu thương.

Khi bị người khác chống đối, chúng ta đáp lại một cách tôn trọng (Xem đoạn 13)

14, 15. (a) Điều gì có thể xảy ra khi chúng ta bị căng thẳng? (b) Theo Ê-sai 53:7, 10, tại sao có thể nói rằng Chúa Giê-su là gương nổi bật nhất về việc thể hiện sự khiêm hòa khi bị căng thẳng?

14 Khi bị căng thẳng: Tất cả chúng ta đều bị căng thẳng vì nhiều lý do khác nhau. Có lẽ chúng ta có cảm xúc như thế trước khi bước vào kỳ thi ở trường hoặc thực hiện nhiệm vụ nào đó ở sở làm. Hoặc chúng ta bị căng thẳng khi đứng trước quyết định sẽ dùng phương pháp y khoa nào. Khi gặp căng thẳng, không dễ để giữ sự khiêm hòa. Có lẽ chúng ta bắt đầu cảm thấy bực bội trước những điều mà bình thường mình thấy không có gì to tát. Có lẽ chúng ta thốt ra những lời cay nghiệt và nói với giọng lạnh lùng. Nếu anh chị cảm thấy bị căng thẳng, hãy xem xét gương của Chúa Giê-su.

15 Trong những ngày tháng cuối đời ở trên đất, Chúa Giê-su bị căng thẳng tột độ. Ngài biết mình sẽ bị xử tử và chịu nỗi đau cùng cực (Giăng 3:14, 15; Ga 3:13). Vài tháng trước khi chết, ngài nói rằng ngài cảm thấy khổ sở (Lu 12:50). Và vài ngày trước khi chết, Chúa Giê-su nói: “Tôi cảm thấy rất bồn chồn”. Những lời Chúa Giê-su giãi bày với Cha qua lời cầu nguyện cho thấy sự khiêm nhường và vâng phục của ngài. Ngài cầu xin: “Cha ơi, xin cứu con khỏi giờ này. Nhưng giờ này phải đến với con, chính vì điều đó mà con đến. Cha ơi, xin làm vinh hiển danh Cha” (Giăng 12:27, 28). Khi thời điểm đến, Chúa Giê-su can đảm nộp mình cho kẻ thù của Đức Chúa Trời, là những kẻ xử tử ngài một cách đau đớn và nhục nhã nhất. Dù bị căng thẳng và phải chịu nỗi đau nhưng với lòng khiêm hòa, Chúa Giê-su vẫn làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Chắc chắn, chúng ta có thể nói rằng Chúa Giê-su là gương nổi bật nhất về việc thể hiện sự khiêm hòa khi bị căng thẳng!—Đọc Ê-sai 53:7, 10.

Chúa Giê-su nêu gương tuyệt hảo về sự khiêm hòa (Xem đoạn 16, 17) *

16, 17. (a) Những người bạn của Chúa Giê-su đã thử thách sự khiêm hòa của ngài như thế nào? (b) Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su qua cách nào?

16 Vào đêm cuối cùng ở trên đất, những người bạn thân nhất của Chúa Giê-su đã thử thách sự khiêm hòa của ngài. Hãy hình dung Chúa Giê-su căng thẳng thế nào vào buổi tối hôm đó. Liệu ngài sẽ giữ trung thành cho đến chết không? Sự sống của hàng tỉ người phụ thuộc vào sự trung thành của ngài (Rô 5:18, 19). Quan trọng hơn là hành động của ngài sẽ ảnh hưởng đến thanh danh của Cha (Gióp 2:4). Vậy mà trong bữa ăn cuối cùng với Chúa Giê-su, các sứ đồ “cãi nhau dữ dội xem ai lớn nhất trong vòng họ”. Chúa Giê-su đã chỉnh sửa các sứ đồ về vấn đề này nhiều lần, trong đó có một lần cũng xảy ra ngay vào tối hôm ấy! Đáng chú ý là Chúa Giê-su không bực tức. Thay vì thế, ngài đáp lại một cách mềm mại. Với sự tử tế nhưng kiên định, một lần nữa Chúa Giê-su giải thích cho các sứ đồ hiểu họ nên có thái độ nào. Rồi ngài khen những người bạn này vì đã trung thành gắn bó với ngài.—Lu 22:24-28; Giăng 13:1-5, 12-15.

17 Anh chị sẽ phản ứng thế nào nếu ở trong tình huống tương tự? Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su và giữ mềm mại ngay cả khi bị căng thẳng. Hãy vâng phục và làm theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va là “tiếp tục chịu đựng nhau” (Cô 3:13). Chúng ta sẽ làm theo mệnh lệnh này nếu nhớ rằng mình cũng nói và làm những điều khiến người khác bực bội (Châm 12:18; Gia 3:2, 5). Ngoài ra, hãy luôn khen người khác khi thấy điểm tốt của họ.—Ê-phê 4:29.

TẠI SAO CẦN TIẾP TỤC TÌM KIẾM SỰ KHIÊM HÒA?

18. Làm thế nào Đức Giê-hô-va giúp người khiêm hòa đưa ra những quyết định khôn ngoan, nhưng họ phải làm gì?

18 Chúng ta sẽ đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn. Khi chúng ta đứng trước những lựa chọn khó khăn trong đời sống, Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta quyết định cách khôn ngoan. Nhưng ngài chỉ làm thế khi chúng ta khiêm hòa. Ngài hứa sẽ nghe “lời cầu khẩn của người khiêm hòa” (Thi 10:17). Tuy nhiên, ngài không chỉ nghe lời cầu khẩn của chúng ta. Kinh Thánh hứa: “Ngài sẽ hướng dẫn người khiêm hòa theo điều đúng, cũng sẽ chỉ dạy người khiêm hòa con đường ngài” (Thi 25:9). Đức Giê-hô-va ban sự chỉ dẫn ấy qua Kinh Thánh và ấn phẩm, * cũng như những chương trình do “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” cung cấp (Mat 24:45-47). Chúng ta phải làm phần của mình bằng cách khiêm nhường nhìn nhận chúng ta cần sự giúp đỡ, cũng như học hỏi những tài liệu mà Đức Giê-hô-va cung cấp và sẵn sàng áp dụng điều mình học.

19-21. Môi-se đã mắc sai lầm nào tại Ca-đe, và chúng ta rút ra những bài học nào?

19 Chúng ta sẽ tránh mắc sai lầm. Hãy trở lại trường hợp của Môi-se. Ông giữ sự khiêm hòa và làm hài lòng Đức Giê-hô-va trong nhiều thập kỷ. Nhưng khi sắp kết thúc hành trình 40 năm đầy gian khó trong hoang mạc, Môi-se đã không thể hiện sự khiêm hòa. Chị gái của ông, hẳn là người đã giúp cứu mạng ông khi ở Ai Cập, vừa qua đời và được chôn cất ở Ca-đe. Và một lần nữa, dân Y-sơ-ra-ên lại phàn nàn rằng họ không được quan tâm chăm sóc. Lần này, họ “gây sự với Môi-se” về vấn đề thiếu nước. Bất kể những phép lạ mà Đức Giê-hô-va đã thực hiện qua Môi-se và sự lãnh đạo bất vị kỷ của ông trong suốt thời gian qua, nhưng dân chúng vẫn phàn nàn. Họ không những phàn nàn về việc thiếu nước mà còn phàn nàn về Môi-se, như thể vì lỗi của ông mà họ bị khát nước.—Dân 20:1-5, 9-11.

20 Trong cơn nóng giận, Môi-se không giữ được sự mềm mại. Thay vì nói với vách đá như Đức Giê-hô-va đã ra lệnh, Môi-se lại nói cay đắng với dân chúng và quy công trạng cho mình. Sau đó, ông đập vào vách đá hai lần và nước bắt đầu phun ra. Sự nóng giận và kiêu ngạo đã khiến ông mắc sai lầm nghiêm trọng (Thi 106:32, 33). Vì nhất thời thiếu sự khiêm hòa, Môi-se đã không được vào Đất Hứa.—Dân 20:12.

21 Qua trường hợp này, chúng ta rút ra được những bài học quý giá. Thứ nhất, chúng ta phải luôn nỗ lực để giữ thái độ khiêm hòa. Nếu lờ đi sự khiêm hòa trong giây lát, sự kiêu ngạo có thể nổi lên và khiến chúng ta nói và làm những điều dại dột. Thứ hai, sự căng thẳng có thể khiến chúng ta khó giữ khiêm hòa, thế nên hãy luôn cố gắng thể hiện đức tính này, ngay cả khi bị áp lực.

22, 23. (a) Tại sao chúng ta nên tiếp tục tìm kiếm sự khiêm hòa? (b) Câu Xô-phô-ni 2:3 cho thấy gì?

22 Chúng ta sẽ được bảo vệ. Không lâu nữa, Đức Giê-hô-va sẽ loại bỏ những người gian ác khỏi trái đất và chỉ giữ lại người khiêm hòa. Lúc đó, trái đất sẽ thật sự được bình an (Thi 37:10, 11). Anh chị sẽ ở trong số những người khiêm hòa không? Nếu muốn ở trong số những người như thế, hãy hưởng ứng lời mời nồng ấm của Đức Giê-hô-va được nhà tiên tri Xô-phô-ni ghi lại.—Đọc Xô-phô-ni 2:3.

23 Tại sao Xô-phô-ni 2:3 nói rằng chúng ta ‘có thể sẽ được giấu kín’? Điều này không có nghĩa là Đức Giê-hô-va không có khả năng bảo vệ những người muốn làm ngài hài lòng và những người mà ngài yêu mến. Thay vì thế, câu này cho thấy chúng ta cũng cần làm phần của mình để được bảo vệ. Chúng ta có thể được sống sót “trong ngày nổi giận của Đức Giê-hô-va” và có cơ hội sống mãi mãi nếu nỗ lực ngay bây giờ để tìm kiếm sự khiêm hòa và làm hài lòng Đức Giê-hô-va.

BÀI HÁT 120 Noi theo tính ôn hòa của Đấng Ki-tô

^ đ. 5 Không ai trong chúng ta có sẵn sự khiêm hòa khi sinh ra. Chúng ta phải vun trồng đức tính này. Có lẽ chúng ta thấy dễ thể hiện sự khiêm hòa khi tiếp xúc với những người hiếu hòa, nhưng lại thấy khó khiêm hòa khi tiếp xúc với những người kiêu ngạo. Bài này sẽ thảo luận một số thách đố mà chúng ta phải vượt qua hầu vun trồng đức tính đáng quý là khiêm hòa.

^ đ. 3 GIẢI NGHĨA: Khiêm hòa. Người khiêm hòa là người đối xử với người khác một cách mềm mại và giữ thái độ ôn hòa ngay cả khi bị khiêu khích. Khiêm nhường. Người khiêm nhường là người không kiêu ngạo và xem người khác cao hơn mình. Khi nói về sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va thì điều này có nghĩa là ngài đối xử với những tạo vật có vị thế thấp hơn ngài một cách yêu thương và thương xót.

^ đ. 12 Người Ba-by-lôn đặt tên cho ba chàng trai Hê-bơ-rơ là Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-nê-gô.—Đa 1:7.

^ đ. 18 Chẳng hạn, xem bài “Những quyết định tôn vinh Đức Chúa Trời” trong Tháp Canh ngày 15-4-2011.

^ đ. 59 HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su giữ thái độ ôn hòa và điềm tĩnh khi chỉnh sửa các môn đồ về việc họ cãi nhau xem ai lớn hơn.