Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 8

Theo đuổi sự hòa thuận bằng cách kháng cự tính đố kỵ

Theo đuổi sự hòa thuận bằng cách kháng cự tính đố kỵ

“Chúng ta hãy theo đuổi những điều đem lại sự hòa thuận và những điều giúp nhau vững mạnh”.—RÔ 14:19.

BÀI HÁT 113 Sự bình an của dân Đức Chúa Trời

GIỚI THIỆU *

1. Sự đố kỵ ảnh hưởng đến gia đình của Giô-sép như thế nào?

Gia-cốp yêu thương tất cả các con, nhưng ông dành tình cảm đặc biệt cho người con 17 tuổi là Giô-sép. Các anh của Giô-sép phản ứng thế nào? Họ sinh lòng đố kỵ và trở nên cay đắng. Giô-sép không làm điều gì đáng để các anh căm ghét. Dù vậy, họ bán cậu làm nô lệ và nói dối với cha rằng thú dữ đã xé xác người con mà cha họ hết mực yêu thương. Vì đố kỵ, họ đã phá vỡ sự hòa thuận trong gia đình và làm cho cha tan nát cõi lòng.—Sáng 37:3, 4, 27-34.

2. Theo Ga-la-ti 5:19-21, tại sao sự đố kỵ rất nguy hiểm?

2 Trong Kinh Thánh, đố kỵ * được liệt kê trong số các việc làm tai hại của xác thịt có thể khiến một người không được thừa hưởng Nước Đức Chúa Trời. (Đọc Ga-la-ti 5:19-21). Sự đố kỵ thường là gốc rễ của những thói xấu như thù địch, xung đột và giận dữ.

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Trường hợp các anh của Giô-sép cho thấy sự đố kỵ có thể phá vỡ các mối quan hệ và đe dọa sự hòa thuận trong gia đình. Dù không bao giờ hành động như các anh của Giô-sép, nhưng tất cả chúng ta đều có lòng bất toàn và gian trá (Giê 17:9). Chắc chắn có lúc chúng ta phải tranh đấu với khuynh hướng đố kỵ. Hãy xem một số gương cảnh báo trong Kinh Thánh giúp chúng ta nhận ra những điều có thể khiến sự đố kỵ bén rễ trong lòng. Chúng ta cũng xem một số cách thực tế để kháng cự tính đố kỵ và đẩy mạnh sự hòa thuận.

ĐIỀU GÌ CÓ THỂ DẪN ĐẾN SỰ ĐỐ KỴ?

4. Tại sao dân Phi-li-tia đố kỵ với Y-sác?

4 Sự giàu có. Y-sác là một người giàu có nên dân Phi-li-tia đố kỵ với ông (Sáng 26:12-14). Thậm chí, họ lấp tất cả các giếng mà ông dùng để lấy nước cho bầy gia súc (Sáng 26:15, 16, 27). Giống như dân Phi-li-tia, một số người ngày nay sinh lòng đố kỵ với những ai giàu có hơn mình. Họ không chỉ muốn điều người khác có mà còn muốn người ấy mất đi điều đó.

5. Tại sao các nhà lãnh đạo tôn giáo đố kỵ với Chúa Giê-su?

5 Sự quý trọng. Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đã đố kỵ với Chúa Giê-su vì ngài được nhiều người quý trọng (Mat 7:28, 29). Chúa Giê-su là người đại diện cho Đức Chúa Trời và dạy chân lý. Dù vậy, các nhà lãnh đạo tôn giáo lan truyền lời dối trá độc ác và vu khống để hủy hoại danh tiếng của Chúa Giê-su (Mác 15:10; Giăng 11:47, 48; 12:12, 13, 19). Bài học là gì? Chúng ta phải kháng cự khuynh hướng đố kỵ với những người được hội thánh quý trọng vì có phẩm chất tốt. Chúng ta cũng nên cố gắng bắt chước tình yêu thương của họ.—1 Cô 11:1; 3 Giăng 11.

6. Đi-ô-trép tỏ ra đố kỵ như thế nào?

6 Đặc ân thần quyền. Vào thế kỷ thứ nhất, Đi-ô-trép đố kỵ với những anh dẫn đầu hội thánh. Vì muốn “đứng đầu” trong vòng các thành viên của hội thánh, ông lan truyền lời nói hiểm độc để làm mất uy tín của sứ đồ Giăng và các anh có trách nhiệm khác (3 Giăng 9, 10). Dù không hành động như Đi-ô-trép, nhưng có thể chúng ta cũng sinh lòng đố kỵ với anh chị nhận được đặc ân mà mình mong muốn, nhất là khi chúng ta cảm thấy mình không thua kém gì anh chị ấy.

Lòng chúng ta giống như đất, và các tính tốt giống như những bông hoa đẹp. Còn sự đố kỵ giống như cỏ dại độc hại. Tính đố kỵ có thể bóp nghẹt những tính tốt như yêu thương, trắc ẩn và nhân từ (Xem đoạn 7)

7. Tính đố kỵ có thể gây hại như thế nào?

7 Tính đố kỵ giống như cỏ dại độc hại, khi đã bén rễ trong lòng thì khó mà nhổ bỏ. Những tính xấu như ghen tị, kiêu ngạo và ích kỷ tạo điều kiện cho tính đố kỵ phát triển. Tính đố kỵ có thể bóp nghẹt những tính tốt như yêu thương, trắc ẩn và nhân từ. Khi nhận ra sự đố kỵ nảy sinh trong lòng, chúng ta cần nhanh chóng “nhổ bỏ” nó. Làm thế nào để kháng cự tính đố kỵ?

VUN TRỒNG SỰ KHIÊM NHƯỜNG VÀ THỎA LÒNG

Làm thế nào để kháng cự tính đố kỵ? Thần khí thánh có thể giúp chúng ta “nhổ bỏ” tính đố kỵ và thay thế bằng sự khiêm nhường và thỏa lòng (Xem đoạn 8, 9)

8. Những đức tính nào có thể giúp chúng ta kháng cự tính đố kỵ?

8 Chúng ta có thể kháng cự tính đố kỵ bằng cách vun trồng sự khiêm nhường và thỏa lòng. Nếu những tính tốt ấy lấp đầy lòng chúng ta thì tính đố kỵ sẽ không còn chỗ để phát triển. Sự khiêm nhường giúp chúng ta không nghĩ cao quá về mình. Người khiêm nhường không cho rằng mình xứng đáng hơn người khác (Ga 6:3, 4). Người thỏa lòng thì vui với điều mình có và không so sánh với người khác (1 Ti 6:7, 8). Nếu khiêm nhường và thỏa lòng, một người sẽ vui khi thấy người khác nhận được điều tốt đẹp.

9. Theo Ga-la-ti 5:16 và Phi-líp 2:3, 4, thần khí thánh giúp chúng ta thế nào?

9 Nếu muốn tránh tính xác thịt là đố kỵ đồng thời vun trồng sự khiêm nhường và thỏa lòng, chúng ta cần thần khí thánh của Đức Chúa Trời giúp đỡ. (Đọc Ga-la-ti 5:16; Phi-líp 2:3, 4). Thần khí thánh có thể giúp chúng ta xem xét tư tưởng và động cơ thầm kín của mình. Với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể thay thế suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực bằng suy nghĩ và cảm xúc tích cực (Thi 26:2; 51:10). Hãy xem xét gương của Môi-se và Phao-lô, là những người kháng cự thành công với khuynh hướng đố kỵ.

Một chàng trai Y-sơ-ra-ên chạy đến gặp Môi-se và Giô-suê để báo rằng hai người nam trong trại đang hành xử như nhà tiên tri. Giô-suê xin Môi-se cản họ lại nhưng Môi-se từ chối. Ông nói với Giô-suê rằng ông rất vui khi Đức Giê-hô-va ban thần khí cho hai người nam ấy (Xem đoạn 10)

10. Hoàn cảnh nào có thể là thử thách đối với Môi-se? (Xem hình nơi trang bìa).

10 Môi-se có nhiều quyền hành trên dân Đức Chúa Trời, nhưng ông không cố ngăn cản người khác nhận đặc ân ấy. Chẳng hạn vào một dịp nọ, Đức Giê-hô-va lấy một phần thần khí thánh trên Môi-se rồi ban cho một nhóm trưởng lão Y-sơ-ra-ên đứng gần lều hội họp. Không lâu sau, Môi-se nghe rằng hai trưởng lão không đến lều hội họp cũng nhận được thần khí thánh và bắt đầu hành xử như nhà tiên tri. Ông phản ứng thế nào khi Giô-suê xin ông cản hai người ấy lại? Môi-se không đố kỵ khi họ được Đức Giê-hô-va chú ý. Thay vì thế, ông khiêm nhường chung vui với họ (Dân 11:24-29). Chúng ta học được gì từ Môi-se?

Làm thế nào các trưởng lão có thể noi theo tính khiêm nhường của Môi-se? (Xem đoạn 11, 12) *

11. Làm thế nào các trưởng lão có thể noi gương Môi-se?

11 Nếu là trưởng lão, có bao giờ anh được đề nghị huấn luyện một người để người ấy nhận đặc ân mà mình yêu thích chưa? Chẳng hạn, anh đang vui thích với đặc ân điều khiển Phần học Tháp Canh mỗi tuần. Nhưng nếu khiêm nhường như Môi-se, anh sẽ không cảm thấy lo lắng khi được đề nghị huấn luyện một anh khác, để với thời gian anh ấy có thể đảm nhận đặc ân đó. Thay vì thế, anh sẽ vui mừng vì được giúp người anh em mình.

12. Nhiều anh chị ngày nay thể hiện sự khiêm nhường và thỏa lòng như thế nào?

12 Hãy xem xét hoàn cảnh khác mà nhiều trưởng lão cao niên đang đối mặt. Trong hàng thập niên, họ làm giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão. Nhưng khi 80 tuổi, họ sẵn lòng giao lại nhiệm vụ của mình. Khi 70 tuổi, các giám thị vòng quanh khiêm nhường giao lại đặc ân và sẵn lòng phụng sự dưới một hình thức khác. Trong những năm gần đây, nhiều thành viên gia đình Bê-tên trên khắp thế giới nhận nhiệm sở mới ngoài cánh đồng. Các anh chị trung thành này không oán giận những người đang làm nhiệm vụ mà họ từng đảm nhận.

13. Phao-lô có thể đố kỵ với 12 sứ đồ về điều gì?

13 Sứ đồ Phao-lô cũng nêu gương trong việc vun trồng sự khiêm nhường và thỏa lòng. Phao-lô không để cho tính đố kỵ phát triển trong lòng. Dù siêng năng trong thánh chức nhưng ông khiêm nhường nói: “Tôi hèn mọn nhất trong các sứ đồ và không đáng được gọi là sứ đồ” (1 Cô 15:9, 10). Mười hai sứ đồ đã theo Chúa Giê-su trong thời gian ngài làm thánh chức trên đất, còn Phao-lô trở thành môn đồ sau khi ngài chết và được sống lại. Dù cuối cùng được chọn làm “sứ đồ được phái đến với dân ngoại” nhưng ông không nằm trong số 12 sứ đồ (Rô 11:13; Công 1:21-26). Thay vì đố kỵ với 12 người ấy vì họ có mối quan hệ gần gũi với Chúa Giê-su, Phao-lô thỏa lòng với những gì mình có.

14. Nếu khiêm nhường và thỏa lòng, chúng ta sẽ có thái độ nào?

14 Nếu khiêm nhường và thỏa lòng như Phao-lô, chúng ta sẽ tôn trọng quyền hành mà Đức Giê-hô-va ban cho người khác (Công 21:20-26). Ngài sắp đặt để có những anh được bổ nhiệm dẫn đầu hội thánh. Dù họ bất toàn nhưng Đức Giê-hô-va xem họ là “món quà” (Ê-phê 4:8, 11). Khi tôn trọng những anh được bổ nhiệm ấy và khiêm nhường làm theo sự hướng dẫn của họ, chúng ta gắn bó với Đức Giê-hô-va và hòa thuận với anh em đồng đạo.

“THEO ĐUỔI NHỮNG ĐIỀU ĐEM LẠI SỰ HÒA THUẬN”

15. Chúng ta cần làm gì?

15 Sự hòa thuận không thể ngự trị ở nơi có sự đố kỵ. Chúng ta cần “nhổ bỏ” sự đố kỵ trong lòng mình và tránh “gieo” sự đố kỵ trong lòng người khác. Chỉ khi làm thế, chúng ta mới có thể vâng theo mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va là “theo đuổi những điều đem lại sự hòa thuận và những điều giúp nhau vững mạnh” (Rô 14:19). Làm sao để giúp người khác kháng cự tính đố kỵ, và chúng ta đẩy mạnh sự hòa thuận bằng cách nào?

16. Làm thế nào chúng ta có thể giúp người khác kháng cự tính đố kỵ?

16 Thái độ và hành động của chúng ta có thể ảnh hưởng nhiều đến người khác. Thế gian muốn chúng ta “phô trương” những thứ mình có (1 Giăng 2:16). Nhưng thái độ ấy tạo điều kiện cho sự đố kỵ phát triển. Để tránh làm người khác nảy sinh sự đố kỵ, chúng ta không nên nói nhiều về những thứ mình có hoặc kế hoạch mua sắm. Hơn nữa, chúng ta không nên khoe khoang về đặc ân của mình trong hội thánh. Nếu cứ nói về đặc ân ấy, chúng ta tạo môi trường màu mỡ cho sự đố kỵ phát triển. Trái lại, khi quan tâm chân thành đến người khác và ghi nhận điều tốt họ làm, chúng ta sẽ giúp họ cảm thấy thỏa lòng, đồng thời đẩy mạnh sự hợp nhất và hòa thuận trong hội thánh.

17. Các anh của Giô-sép đã góp phần khôi phục điều gì, và tại sao?

17 Chúng ta có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến kháng cự tính đố kỵ. Hãy quay lại trường hợp các anh của Giô-sép. Nhiều năm sau khi ngược đãi em mình, họ gặp lại Giô-sép ở Ai Cập. Trước khi tiết lộ danh tính, Giô-sép thử các anh để xem họ đã thay đổi chưa. Ông sắp xếp một bữa ăn và cho em út là Bên-gia-min nhiều hơn các anh (Sáng 43:33, 34). Nhưng không người anh nào đố kỵ với Bên-gia-min. Thay vì thế, họ thật sự lo lắng cho em mình và cha là Gia-cốp (Sáng 44:30-34). Vì loại bỏ sự đố kỵ nên các anh của Giô-sép đã góp phần khôi phục sự hòa thuận trong gia đình (Sáng 45:4, 15). Tương tự, nếu loại bỏ sự đố kỵ, chúng ta sẽ giúp gia đình và hội thánh được hòa thuận.

18. Theo Gia-cơ 3:17, 18, kết quả là gì nếu chúng ta giúp tạo môi trường cho sự hòa thuận phát triển?

18 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta kháng cự tính đố kỵ và theo đuổi sự hòa thuận. Chúng ta phải nỗ lực để làm cả hai điều đó. Như đã thảo luận, chúng ta có khuynh hướng đố kỵ (Gia 4:5). Hơn nữa, chúng ta sống trong một thế gian cổ xúy sự đố kỵ. Nhưng nếu vun trồng sự khiêm nhường và thỏa lòng, chúng ta sẽ không đố kỵ và sẽ giúp tạo môi trường hòa thuận. Nhờ thế, trái công chính có thể phát triển không ngừng.—Đọc Gia-cơ 3:17, 18.

BÀI HÁT 130 Hãy tha thứ

^ đ. 5 Tổ chức của Đức Giê-hô-va là một tổ chức hòa thuận. Nhưng sự hòa thuận này có thể bị đe dọa nếu chúng ta để cho sự đố kỵ phát triển trong lòng. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét nguyên nhân dẫn đến sự đố kỵ. Chúng ta cũng thảo luận cách kháng cự tính xấu này và đẩy mạnh sự hòa thuận.

^ đ. 2 GIẢI NGHĨA: Như được miêu tả trong Kinh Thánh, đố kỵ có thể khiến một người không chỉ muốn điều người khác có mà còn muốn người ấy mất đi điều đó.

^ đ. 61 HÌNH ẢNH: Trong buổi họp của hội đồng trưởng lão, anh lớn tuổi điều khiển Phần học Tháp Canh được đề nghị huấn luyện một trưởng lão trẻ hơn đảm nhận đặc ân này. Dù yêu thích nhiệm vụ đó nhưng anh lớn tuổi hết lòng ủng hộ quyết định của các trưởng lão bằng cách đưa ra đề nghị thực tế và chân thành khen anh trẻ ấy.