Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Đức Giê-hô-va đã ‘san bằng các lối của tôi’

Đức Giê-hô-va đã ‘san bằng các lối của tôi’

Có lần một anh trẻ hỏi tôi: “Anh thích câu Kinh Thánh nào nhất?”. Tôi liền trả lời: “Châm ngôn chương 3, câu 5 và 6: ‘Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, đừng dựa vào sự hiểu biết của riêng mình. Trong mọi đường con, hãy nhận biết ngài thì ngài sẽ san bằng các lối con’”. Quả thật, Đức Giê-hô-va đã san bằng các lối của tôi. Bằng cách nào?

CHA MẸ ĐÃ GIÚP TÔI TÌM ĐƯỢC CON ĐƯỜNG ĐÚNG

Cha mẹ tôi học chân lý trước khi kết hôn vào thập niên 1920. Tôi chào đời vào đầu năm 1939 ở Anh Quốc. Khi còn nhỏ, tôi đã theo cha mẹ đến các buổi nhóm họp và rất thích Trường thánh chức. Đến nay, tôi vẫn nhớ cảm giác khi mình phải đứng trên một cái hộp cho cao hơn bục để trình bày bài giảng đầu tiên. Lúc đó tôi sáu tuổi và rất hồi hộp khi nhìn xuống cử tọa toàn là người lớn.

Làm chứng ngoài đường phố với cha mẹ

Nhằm giúp tôi tham gia thánh chức, cha đã đánh một lời trình bày đơn giản vào một cái thẻ để tôi dùng. Lần đầu tiên tôi gõ cửa một mình là lúc tám tuổi. Tôi rất mừng khi chủ nhà đọc thẻ và liền nhận sách “Đức Chúa Trời luôn chân thật” (Anh ngữ). Tôi chạy đến chỗ cha đang ở trên cùng con đường đó và cho cha biết. Thánh chức và các buổi nhóm họp mang lại cho tôi nhiều niềm vui và giúp tôi có ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian.

Chân lý bắt đầu tác động đến tôi sâu sắc hơn sau khi cha đặt Tháp Canh dài hạn cho tôi. Khi nhận được một ấn bản trong hộp thư, tôi rất hào hứng và đọc liền. Nhờ vậy, sự tin cậy của tôi nơi Đức Giê-hô-va ngày càng gia tăng và thôi thúc tôi dâng mình cho ngài.

Gia đình tôi là đại biểu được mời tham dự Hội nghị Thần quyền Tăng tiến vào năm 1950 ở New York. Chủ đề của thứ năm, ngày 3 tháng 8 là “Ngày giáo sĩ”. Vào hôm đó, anh Carey Barber, sau này là thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo, đã trình bày bài diễn văn báp-têm. Sau khi anh ấy hỏi các ứng viên hai câu hỏi vào cuối bài giảng, tôi đã đứng lên và trả lời: “Có!”. Dù chỉ 11 tuổi nhưng tôi nhận ra mình đã thực hiện một bước quan trọng. Tuy nhiên, tôi rất sợ xuống nước vì chưa biết bơi. Chú tôi đã đi cùng tôi đến hồ và trấn an rằng sẽ không sao đâu. Thật vậy, chân tôi chưa kịp chạm đáy hồ thì đã báp-têm xong rồi vì tôi được chuyền từ anh này sang anh khác; một anh báp-têm cho tôi và anh khác nhấc tôi ra khỏi hồ. Kể từ ngày trọng đại đó, Đức Giê-hô-va tiếp tục san bằng các lối của tôi.

CHỌN TIN CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Khi tốt nghiệp cấp ba, tôi muốn làm tiên phong, nhưng giáo viên khuyến khích tôi theo đuổi việc học lên cao. Tôi đã nhượng bộ trước áp lực đó và đi học đại học. Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra rằng mình không thể vừa vững vàng trong chân lý, vừa tập trung vào việc học. Vì thế, tôi quyết định thôi học. Tôi cầu nguyện về vấn đề này với Đức Giê-hô-va. Sau đó, tôi viết đơn và tử tế cho giáo viên biết tôi sẽ nghỉ học. Rồi vào cuối năm thứ nhất, tôi thôi học. Với lòng tin cậy hoàn toàn nơi Đức Giê-hô-va, tôi đã lập tức tham gia thánh chức tiên phong.

Tôi bắt đầu thánh chức trọn thời gian vào tháng 7 năm 1957 ở thị trấn Wellingborough. Tôi đã nhờ các anh ở Bê-tên Luân Đôn giới thiệu cho mình một anh tiên phong nhiều kinh nghiệm mà tôi có thể làm việc chung. Anh Bert Vaisey trở thành cố vấn của tôi. Anh ấy rất sốt sắng và giúp tôi lập một thời gian biểu rao giảng hữu hiệu. Lúc đó, hội thánh của tôi gồm sáu chị lớn tuổi, tôi và anh Vaisey. Việc chuẩn bị và tham gia vào tất cả các buổi nhóm họp đã cho tôi nhiều cơ hội để vun đắp lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và bày tỏ đức tin của mình.

Sau một thời gian ngắn ngồi tù vì từ chối tham gia nghĩa vụ quân sự, tôi đã gặp một chị tiên phong đặc biệt tên là Barbara. Chúng tôi kết hôn vào năm 1959 và sẵn sàng đi bất cứ nơi nào để phụng sự. Ban đầu, chúng tôi được chỉ định đến tỉnh Lancashire, phía tây bắc của Anh Quốc. Rồi vào tháng 1 năm 1961, tôi được mời tham dự Trường Thánh chức Nước Trời kéo dài một tháng ở Bê-tên Luân Đôn. Tôi rất ngạc nhiên vì được chỉ định làm công việc lưu động khi kết thúc khóa học. Trong hai tuần, tôi được một giám thị vòng quanh dày dạn kinh nghiệm huấn luyện ở thành phố Birmingham, và Barbara đi cùng với tôi. Sau đó chúng tôi đi đến nhiệm sở của mình ở tỉnh Lancashire và tỉnh Cheshire.

TIN CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHÔNG BAO GIỜ LÀ SAI

Vào tháng 8 năm 1962, trong khi đang nghỉ phép, chúng tôi nhận được lá thư từ văn phòng chi nhánh. Đính kèm thư là đơn tham dự Trường Ga-la-át! Sau khi cầu nguyện về điều này, tôi và Barbara đã điền đơn, rồi nhanh chóng gửi lại cho văn phòng chi nhánh như được yêu cầu. Năm tháng sau, chúng tôi lên đường đến Brooklyn, New York, để tham dự khóa 38 của Trường Ga-la-át, một khóa giáo dục thần quyền kéo dài mười tháng.

Tại Trường Ga-la-át, chúng tôi không chỉ được dạy về Lời Đức Chúa Trời, tổ chức của ngài mà còn về đoàn thể anh em. Ở độ tuổi gần 25, chúng tôi đã học được nhiều điều từ các học viên khác trong lớp. Tôi rất quý khi được chỉ định làm việc mỗi ngày cùng với anh Fred Rusk, một trong những giảng viên của trường. Bài học nổi bật mà anh ấy nhấn mạnh là luôn cần cho lời khuyên một cách công chính, tức đảm bảo rằng lời khuyên đó hoàn toàn dựa trên Kinh Thánh. Trong khóa học, chúng tôi được nghe bài giảng của những anh dày dạn kinh nghiệm như anh Nathan Knorr, anh Frederick Franz và anh Karl Klein. Cả lớp chúng tôi học được rất nhiều từ gương khiêm nhường của anh Alexander Macmillan. Anh đã trình bày một bài giảng giúp chúng tôi hiểu về cách Đức Giê-hô-va hướng dẫn dân ngài trong giai đoạn thử thách từ năm 1914 đến đầu năm 1919.

NHIỆM SỞ THAY ĐỔI

Gần cuối khóa học, anh Knorr cho biết vợ chồng tôi được bổ nhiệm đến Burundi ở châu Phi. Nghe vậy, chúng tôi chạy ngay đến thư viện của Bê-tên để xem trong sách Niên giám (Anh ngữ) có bao nhiêu người công bố đang phụng sự ở Burundi vào thời điểm ấy. Thật ngạc nhiên khi không thấy bất cứ số liệu nào về quốc gia đó! Vậy là chúng tôi sẽ đến một khu vực chưa được rao giảng thuộc một châu lục mà chúng tôi biết rất ít. Do đó, chúng tôi vô cùng lo lắng. Nhưng nhờ cầu nguyện tha thiết, chúng tôi đã bình tĩnh hơn.

Tại nhiệm sở mới, mọi thứ rất khác so với những gì chúng tôi từng trải nghiệm, từ khí hậu, văn hóa đến ngôn ngữ. Giờ đây chúng tôi phải học tiếng Pháp và cũng phải đối mặt với thử thách khác là tìm chỗ ở. Hai ngày sau khi chúng tôi đến nơi, một anh học cùng khóa Ga-la-át là anh Harry Arnott đã ghé thăm chúng tôi khi anh đang trên đường quay về nhiệm sở ở Zambia. Anh ấy đã giúp chúng tôi tìm một căn hộ, nơi đó trở thành nhà giáo sĩ đầu tiên của chúng tôi. Tuy nhiên, không lâu sau, chúng tôi bắt đầu bị chính quyền địa phương chống đối vì họ không hề biết về Nhân Chứng Giê-hô-va. Khi chúng tôi vừa mới yêu thích nhiệm sở, thì các nhà cầm quyền thông báo là chúng tôi không thể ở lại nếu không có giấy phép làm việc hợp lệ. Đáng buồn là chúng tôi phải rời đi và thích nghi với một quốc gia mới, lần này là Uganda.

Tin cậy Đức Giê-hô-va giúp chúng tôi vơi bớt nỗi lo lắng khi đến Uganda mà không có visa. Một anh người Canada đang phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn tại Uganda đã giúp chúng tôi giải thích hoàn cảnh với một nhân viên xuất nhập cảnh. Nhờ đó, chúng tôi được ở lại vài tháng để có đủ thời gian xin giấy phép. Sự việc diễn ra thuận lợi cho thấy Đức Giê-hô-va đang giúp đỡ chúng tôi.

Hoàn cảnh trong nhiệm sở mới rất khác so với ở Burundi. Ở đây, công việc rao giảng đã được bắt đầu rồi, dù lúc đó cả nước chỉ có 28 Nhân Chứng. Trong khu vực, chúng tôi tìm được nhiều người biết nói tiếng Anh. Tuy nhiên, chúng tôi sớm nhận ra rằng để giúp những người chú ý tiến bộ, chúng tôi cần học ít nhất một ngôn ngữ bản địa. Chúng tôi bắt đầu rao giảng ở vùng Kampala, là nơi tiếng Luganda rất thông dụng, nên chúng tôi tập trung học nói ngôn ngữ đó. Phải mất vài năm chúng tôi mới nói lưu loát ngôn ngữ này, nhưng nhờ vậy mà công việc rao giảng được hữu hiệu hơn. Chúng tôi bắt đầu hiểu rõ hơn nhu cầu thiêng liêng của học viên Kinh Thánh. Nhờ thế, họ mở lòng với chúng tôi và bày tỏ cảm xúc về những điều họ đang học.

NHỮNG CHUYẾN ĐI ĐẦY THÚ VỊ

Trong một “chuyến thăm dò” ở Uganda

Chúng tôi tìm được nhiều niềm vui trong việc giúp người ta học chân lý. Chúng tôi càng vui mừng hơn khi bất ngờ nhận được đặc ân là phụng sự trong công việc lưu động trên khắp cả nước. Dưới sự chỉ dẫn của chi nhánh Kenya, chúng tôi bắt đầu một “chuyến thăm dò” để tìm những địa điểm phù hợp cho các tiên phong đặc biệt đến mở rộng cánh đồng. Có vài lần chúng tôi được những người chưa từng gặp Nhân Chứng thể hiện lòng rộng rãi và hiếu khách. Họ làm chúng tôi cảm thấy được chào đón, thậm chí còn chuẩn bị bữa ăn cho chúng tôi.

Tiếp theo là một chuyến đi khác. Từ Kampala, tôi lên tàu đi hai ngày để đến cảng Mombasa thuộc Kenya, và từ đó lên thuyền đi đến Seychelles, một quần đảo ở Ấn Độ Dương. Rồi từ năm 1965 đến năm 1972, Barbara đi cùng tôi trong những chuyến thăm anh em ở Seychelles. Trong thời gian đó, lúc đầu chỉ có hai công bố, rồi dần trở thành một nhóm và sau này là một hội thánh phát triển. Những chuyến đi khác đã dẫn chúng tôi đến thăm anh em ở Eritrea, Ethiopia và Sudan.

Lúc này ở Uganda xảy ra cuộc đảo chính quân sự, khiến cho tình hình chính trị thay đổi một cách nhanh chóng. Những năm kinh hoàng theo sau đã giúp tôi thấy rõ sự khôn ngoan của việc vâng theo chỉ dẫn là “những gì của Sê-sa hãy trả cho Sê-sa” (Mác 12:17). Có một thời điểm, tất cả người nước ngoài đang cư trú tại đó được yêu cầu đăng ký tại đồn cảnh sát gần nơi họ ở nhất. Chúng tôi mau chóng làm theo. Vài ngày sau, khi tôi và một giáo sĩ khác đang lái xe trong Kampala, những đặc vụ tiến đến gần chúng tôi. Tim chúng tôi đập thình thịch! Họ cáo buộc chúng tôi là điệp viên và giải chúng tôi đến trụ sở cảnh sát. Ở đó, chúng tôi giải thích rằng chúng tôi là những giáo sĩ hiền hòa và đã đăng ký rồi, nhưng cảnh sát bỏ ngoài tai những gì chúng tôi nói. Rồi cảnh sát có vũ trang chở chúng tôi đến đồn cảnh sát gần nhà giáo sĩ nhất. Có một cảnh sát làm việc ở đó nhận ra chúng tôi và biết chúng tôi đã đăng ký rồi. Thật nhẹ nhõm khi người ấy bảo viên cảnh sát kia để chúng tôi về!

Trong khoảng thời gian này, chúng tôi thường phải đi qua các rào chắn quân sự và cảm thấy rất căng thẳng, nhất là khi bị những người lính trong tình trạng say xỉn chặn lại. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều cầu nguyện và cảm thấy thật bình an khi được qua một cách an toàn. Đáng buồn là vào năm 1973, tất cả các giáo sĩ nước ngoài được lệnh rời khỏi Uganda.

In Thánh Chức Nước Trời tại Abidjan, chi nhánh Bờ Biển Ngà

Nhiệm sở của chúng tôi lại thay đổi, lần này là ở Bờ Biển Ngà, Tây Phi. Quả là một thay đổi lớn! Chúng tôi phải làm quen với một nền văn hóa hoàn toàn mới. Chúng tôi lại phải nói tiếng Pháp và thích nghi với việc sống cùng những giáo sĩ đến từ các quốc gia khác. Nhưng một lần nữa, chúng tôi thấy sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va khi thấy những người khiêm nhường và thành thật trong cánh đồng nhanh chóng hưởng ứng tin mừng. Vợ chồng tôi thấy rõ việc tin cậy Đức Giê-hô-va đã san bằng các lối của chúng tôi.

Rồi đột nhiên Barbara bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Chúng tôi đã đi nhiều nước để điều trị cho cô ấy. Nhưng vào năm 1983, chúng tôi nhận ra rằng mình không thể phụng sự tại nhiệm sở ở châu Phi nữa. Chúng tôi cảm thấy vô cùng thất vọng!

HOÀN CẢNH THAY ĐỔI

Chúng tôi chuyển về Bê-tên Luân Đôn. Trong khi ở đó, căn bệnh ung thư của Barbara trở nên trầm trọng hơn, và cuối cùng cô ấy qua đời. Gia đình Bê-tên là một sự trợ giúp tuyệt vời cho tôi. Đặc biệt, một cặp vợ chồng đã giúp tôi thích nghi và tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va. Sau này tôi gặp một chị tên Ann sống bên ngoài vào Bê-tên làm việc. Chị ấy từng làm tiên phong đặc biệt, và tình yêu thương mà chị dành cho Đức Giê-hô-va cho thấy chị là người thiêng liêng tính. Chúng tôi kết hôn vào năm 1989 và cùng phụng sự ở Bê-tên Luân Đôn kể từ đó.

Cùng với Ann tại công trình Bê-tên mới ở Anh Quốc

Từ năm 1995 đến năm 2018, tôi có đặc ân phụng sự với tư cách là đại diện trung ương (trước đây được gọi là giám thị vùng). Tôi đã đi thăm gần 60 nước khác nhau. Tại mỗi quốc gia, tôi đều thấy bằng chứng sống về cách Đức Giê-hô-va ban phước cho tôi tớ của ngài trong mọi hoàn cảnh.

Vào năm 2017, tôi có cơ hội trở lại châu Phi trong một chuyến đi như thế. Tôi rất vui khi dẫn Ann đến Burundi. Vợ chồng tôi vô cùng kinh ngạc trước sự phát triển trong cánh đồng ở đây. Ngay tại con đường mà tôi đã rao giảng từng nhà vào năm 1964, giờ đây có một Bê-tên rất đẹp. Hiện nay có hơn 15.500 công bố tại nước này.

Tôi rất vui khi nhận lịch trình các chuyến viếng thăm cho năm 2018. Trong danh sách các quốc gia mà tôi sẽ đến thăm có Bờ Biển Ngà. Khi chúng tôi đặt chân đến thủ phủ Abidjan, tôi cảm thấy như trở về nhà. Chúng tôi ở lại phòng dành cho khách tại Bê-tên. Khi nhìn lướt qua danh sách thành viên Bê-tên, tôi thấy người ở bên cạnh phòng chúng tôi tên là Sossou. Tôi nhớ khi tôi còn ở Abidjan, anh ấy làm giám thị thành phố. Nhưng thật ra tôi đã nhầm, đó là một anh Sossou khác, con trai của anh ấy.

Đức Giê-hô-va luôn giữ lời hứa của ngài. Trải qua nhiều thử thách, tôi học được rằng khi tin cậy Đức Giê-hô-va, ngài chắc chắn sẽ san bằng các lối của chúng ta. Giờ đây, tôi muốn tiếp tục đi trên con đường dẫn đến đời sống vô tận trong thế giới mới.—Châm 4:18.