Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 8

Làm thế nào để giữ niềm vui khi chịu đựng thử thách?

Làm thế nào để giữ niềm vui khi chịu đựng thử thách?

“Hỡi anh em của tôi, hãy vui mừng khi đương đầu với mọi loại thử thách”.—GIA 1:2.

BÀI HÁT 111 Những lý do khiến chúng ta vui mừng

GIỚI THIỆU *

1, 2. Theo Ma-thi-ơ 5:11, chúng ta nên có quan điểm nào về thử thách?

Chúa Giê-su hứa là các môn đồ của ngài sẽ có hạnh phúc thật. Ngài cũng cảnh báo rằng những người yêu mến ngài sẽ gặp thử thách (Mat 10:22, 23; Lu 6:20-23). Chúng ta vui mừng khi làm môn đồ của Chúa Giê-su. Nhưng chúng ta cảm thấy thế nào nếu bị gia đình chống đối, chính quyền bắt bớ hoặc bị bạn học hay đồng nghiệp gây áp lực làm điều sai trái? Khi nghĩ đến những điều ấy, có lẽ chúng ta cảm thấy lo lắng.

2 Thường thì người ta không xem sự ngược đãi là lý do để vui mừng. Tuy nhiên, đó là điều mà Lời Đức Chúa Trời khuyến khích chúng ta làm. Chẳng hạn Gia-cơ viết rằng khi đương đầu với thử thách, chúng ta nên vui mừng thay vì cảm thấy choáng ngợp (Gia 1:2, 12). Chúa Giê-su cũng nói chúng ta nên hạnh phúc ngay cả khi bị ngược đãi. (Đọc Ma-thi-ơ 5:11). Làm thế nào để giữ niềm vui bất kể thử thách? Chúng ta có thể học được nhiều điều khi xem xét vài ý tưởng trong lá thư Gia-cơ viết cho tín đồ thời ban đầu. Trước hết, hãy xem những thử thách mà các tín đồ này phải đối mặt.

TÍN ĐỒ THỜI BAN ĐẦU ĐỐI MẶT VỚI THỬ THÁCH NÀO?

3. Điều gì xảy ra không lâu sau khi Gia-cơ trở thành môn đồ của Chúa Giê-su?

3 Không lâu sau khi Gia-cơ, người em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su, trở thành môn đồ, các tín đồ ở Giê-ru-sa-lem bị ngược đãi (Công 1:14; 5:17, 18). Ngoài ra, khi môn đồ Ê-tiên bị giết, nhiều tín đồ phải chạy trốn khỏi thành ấy và “tản mác khắp xứ Giu-đê và Sa-ma-ri”, đến tận đảo Síp và An-ti-ốt (Công 7:58–8:1; 11:19). Hãy hình dung những khó khăn mà các môn đồ ấy phải chịu đựng. Dù vậy, họ vẫn nhiệt thành rao truyền tin mừng ở bất cứ nơi nào họ đến, và các hội thánh được thành lập khắp đế quốc La Mã (1 Phi 1:1). Nhưng thời kỳ xáo động hơn đang ở phía trước.

4. Tín đồ thời ban đầu phải chịu đựng những thử thách nào khác?

4 Tín đồ thời ban đầu phải chịu đựng nhiều thử thách khác nhau. Chẳng hạn, vào khoảng năm 50 CN, hoàng đế La Mã Cơ-lo-đi-ô lệnh cho tất cả người Do Thái rời Rô-ma. Vì thế, những tín đồ Do Thái buộc phải bỏ lại nhà cửa để chuyển đến nơi khác (Công 18:1-3). Vào khoảng năm 61 CN, sứ đồ Phao-lô viết rằng các anh em đồng đạo bị sỉ nhục trước công chúng, bị bỏ tù và bị cướp bóc tài sản (Hê 10:32-34). Ngoài ra, giống như những người khác, các tín đồ ấy cũng phải chịu cảnh nghèo đói và bệnh tật.—Rô 15:26; Phi-líp 2:25-27.

5. Chúng ta sẽ giải đáp cho những câu hỏi nào?

5 Khi Gia-cơ viết thư vào một thời điểm nào đó trước năm 62 CN, ông biết rất rõ những thử thách mà anh em đồng đạo phải đương đầu. Đức Giê-hô-va đã soi dẫn Gia-cơ viết thư cho những tín đồ này để đưa ra lời khuyên thực tế giúp họ giữ niềm vui dù gặp thử thách. Hãy cùng xem xét lá thư của Gia-cơ và tìm lời giải đáp cho những câu hỏi sau: Niềm vui mà Gia-cơ nói đến là gì? Điều gì có thể cướp đi niềm vui của một tín đồ? Làm thế nào sự khôn ngoan, đức tin và lòng can đảm giúp chúng ta giữ niềm vui dù đương đầu với thử thách nào đi nữa?

ĐIỀU GÌ LÀM MỘT TÍN ĐỒ VUI MỪNG?

Giống như ngọn lửa cháy đều trong bóng đèn dầu, niềm vui sâu xa mà Đức Giê-hô-va ban sẽ luôn cháy trong lòng một tín đồ (Xem đoạn 6)

6. Theo Lu-ca 6:22, 23, tại sao một tín đồ có thể vui mừng khi chịu đựng thử thách?

6 Nhiều người nghĩ rằng họ chỉ có thể hạnh phúc khi có sức khỏe tốt, nhiều tiền và gia đình êm ấm. Nhưng niềm vui mà Gia-cơ nói đến là một khía cạnh của bông trái thần khí và không phụ thuộc vào hoàn cảnh của một người (Ga 5:22). Một tín đồ có niềm vui, hay hạnh phúc sâu xa, vì biết mình đang làm Đức Giê-hô-va hài lòng và đang noi gương Chúa Giê-su. (Đọc Lu-ca 6:22, 23; Cô 1:10, 11). Giống như ngọn lửa cháy đều trong bóng đèn dầu, niềm vui mà Gia-cơ nói đến cũng luôn cháy trong lòng một tín đồ. Niềm vui đó không lập lòe khi người ấy gặp vấn đề về sức khỏe hoặc tài chính. Nó cũng không vụt tắt khi bị gia đình hay người khác chế giễu hoặc chống đối. Thay vì bị tắt, ngọn lửa sẽ cháy sáng hơn mỗi khi những người chống đối tìm cách dập tắt ngọn lửa đó. Những thử thách chúng ta gặp phải vì đức tin chứng tỏ chúng ta là môn đồ thật của Đấng Ki-tô (Mat 10:22; 24:9; Giăng 15:20). Vì thế, Gia-cơ có lý do chính đáng để viết: “Hỡi anh em của tôi, hãy vui mừng khi đương đầu với mọi loại thử thách”.—Gia 1:2.

Tại sao thử thách có thể được ví như lửa được dùng trong quá trình rèn một thanh sắt? (Xem đoạn 7) *

7, 8. Đức tin bị thử thách mang lại lợi ích nào?

7 Gia-cơ nói đến thêm một lý do tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô sẵn sàng đương đầu ngay cả với thử thách cam go. Ông nói: “Đức tin đã qua thử thách thì sinh ra sự chịu đựng” (Gia 1:3). Thử thách có thể ví như lửa được dùng trong quá trình rèn một thanh sắt. Khi thanh sắt được nung và làm cho nguội, thì nó sẽ chắc hơn. Cũng vậy, khi chúng ta chịu đựng thử thách, đức tin sẽ vững mạnh hơn. Vì thế, Gia-cơ viết: “Hãy để sự chịu đựng hoàn tất công việc của nó, hầu anh em được toàn vẹn và tốt đẹp về mọi mặt” (Gia 1:4). Khi thấy đức tin mình mạnh mẽ hơn nhờ thử thách, chúng ta có thể tiếp tục chịu đựng với niềm vui.

8 Trong lá thư, Gia-cơ cũng cho biết một số chướng ngại có thể khiến chúng ta mất đi niềm vui. Những chướng ngại đó là gì, và làm thế nào chúng ta có thể vượt qua?

LÀM SAO ĐỂ VƯỢT QUA CHƯỚNG NGẠI CÓ THỂ CƯỚP ĐI NIỀM VUI?

9. Tại sao chúng ta cần sự khôn ngoan?

9 Chướng ngại: Không biết phải làm gì. Khi đương đầu với thử thách, chúng ta muốn đưa ra quyết định làm Đức Giê-hô-va hài lòng, mang lại lợi ích cho anh em và giúp chúng ta giữ lòng trọn thành (Giê 10:23). Chúng ta cần sự khôn ngoan để biết mình nên làm gì trước một tình huống, và nên nói gì với những người chống đối. Nếu không biết phải làm gì, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy bất lực trước hoàn cảnh và nhanh chóng mất đi niềm vui.

10. Gia-cơ 1:5 cho biết chúng ta cần làm gì để có sự khôn ngoan?

10 Giải pháp: Cầu xin Đức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan. Để chịu đựng thử thách với niềm vui, trước hết chúng ta cần xin Đức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan cần thiết để đưa ra quyết định tốt. (Đọc Gia-cơ 1:5). Chúng ta nên làm gì nếu cảm thấy ngài không đáp lời cầu nguyện của mình ngay lập tức? Gia-cơ nói rằng chúng ta nên “tiếp tục cầu xin”. Đức Giê-hô-va không bực bội khi chúng ta tiếp tục xin sự khôn ngoan. Ngài sẽ không trách mắng gì. Khi chúng ta xin sự khôn ngoan để chịu đựng thử thách, Cha yêu thương trên trời sẽ “rộng rãi ban cho” (Thi 25:12, 13). Ngài thấy những thử thách chúng ta gặp phải; ngài cảm thông và rất muốn giúp đỡ. Chắc chắn đó là lý do để vui mừng! Nhưng Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta sự khôn ngoan bằng cách nào?

11. Chúng ta cần làm gì khác để có sự khôn ngoan?

11 Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta sự khôn ngoan qua Lời ngài (Châm 2:6). Để có sự khôn ngoan đó, chúng ta cần học hỏi Kinh Thánh và những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Nhưng chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ tích lũy kiến thức. Chúng ta cần để sự khôn ngoan trong Lời ngài tác động đến đời sống mình bằng cách áp dụng lời khuyên của ngài. Gia-cơ viết: “Hãy làm theo lời ấy, đừng chỉ nghe thôi” (Gia 1:22). Khi áp dụng lời khuyên của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ trở nên hòa thuận, phải lẽ và thương xót hơn (Gia 3:17). Những phẩm chất này giúp chúng ta đương đầu với bất cứ thử thách nào mà không mất đi niềm vui.

12. Tại sao việc biết rõ Lời Đức Chúa Trời là điều quan trọng?

12 Lời Đức Chúa Trời giống như một cái gương, giúp chúng ta nhận ra và điều chỉnh những khía cạnh mình cần cải thiện (Gia 1:23-25). Chẳng hạn, sau khi học hỏi Lời ngài, có lẽ chúng ta nhận thấy mình cần kiềm chế tính nóng giận. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta học được cách thể hiện sự mềm mại khi đương đầu với tình huống khiến mình dễ nổi giận. Nhờ mềm mại, chúng ta đối phó tốt hơn với áp lực mình gặp phải. Chúng ta có thể suy nghĩ sáng suốt hơn và quyết định khôn ngoan hơn (Gia 3:13). Thật vậy, việc biết rõ Kinh Thánh là điều quan trọng biết bao!

13. Tại sao chúng ta nên xem xét những gương trong Kinh Thánh?

13 Đôi khi chúng ta học được về điều mình cần tránh chỉ sau khi mắc lỗi lầm. Nhưng đó không phải là cách tốt. Cách tốt hơn để có sự khôn ngoan là học từ những thành công và lỗi lầm của người khác. Vì thế, Gia-cơ khuyến khích chúng ta xem xét những gương trong Kinh Thánh như gương của Áp-ra-ham, Ra-háp, Gióp và Ê-li-gia (Gia 2:21-26; 5:10, 11, 17, 18). Những tôi tớ trung thành này của Đức Giê-hô-va đối mặt với thử thách đã có thể cướp đi niềm vui của họ, nhưng họ đã chịu đựng thành công. Gương chịu đựng của họ cho thấy với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng có thể làm thế.

14, 15. Tại sao chúng ta cần giải tỏa các nghi ngờ?

14 Chướng ngại: Những nghi ngờ không được giải tỏa. Đôi khi chúng ta có thể thấy khó hiểu một điều nào đó trong Lời Đức Chúa Trời. Hoặc có lẽ Đức Giê-hô-va không đáp lời cầu nguyện của chúng ta theo cách mình mong đợi. Điều này có thể khiến chúng ta nghi ngờ. Nếu không được giải tỏa thì những nghi ngờ đó có thể khiến đức tin của chúng ta bị suy yếu và làm tổn hại mối quan hệ với Đức Giê-hô-va (Gia 1:7, 8). Thậm chí, chúng có thể khiến chúng ta đánh mất hy vọng về tương lai.

15 Sứ đồ Phao-lô ví hy vọng của chúng ta về tương lai với một cái neo (Hê 6:19). Cái neo giúp cho con tàu được cố định ở một vị trí khi gặp giông bão cũng như tránh bị trôi giạt và đâm vào đá. Nhưng cái neo chỉ có tác dụng khi dây xích nối cái neo với con tàu không bị đứt. Như rỉ sét làm cho dây xích của cái neo yếu đi, thì những nghi ngờ không được giải tỏa sẽ khiến đức tin của chúng ta bị suy yếu. Khi gặp thử thách, một người nghi ngờ có thể mất đức tin nơi những lời hứa của Đức Giê-hô-va. Nếu đánh mất đức tin thì chúng ta cũng đánh mất hy vọng. Như Gia-cơ nói, người nghi ngờ “giống như sóng biển bị gió đưa đẩy và thổi đi khắp nơi” (Gia 1:6). Một người như thế hẳn sẽ không có niềm vui!

16. Chúng ta nên làm gì nếu có những nghi ngờ?

16 Giải pháp: Giải tỏa những nghi ngờ và củng cố đức tin. Đừng lưỡng lự. Vào thời nhà tiên tri Ê-li-gia, dân Đức Giê-hô-va đã lưỡng lự. Ê-li-gia nói với họ: “Anh em còn đắn đo giữa hai quan điểm cho đến chừng nào? Nếu Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật, hãy theo ngài; nếu Ba-anh là Đức Chúa Trời thật, hãy theo hắn!” (1 Vua 18:21). Ngày nay cũng vậy. Chúng ta cần tra cứu để chứng minh cho chính mình rằng Đức Giê-hô-va là đấng có thật, Kinh Thánh là Lời ngài và Nhân Chứng Giê-hô-va là dân của ngài (1 Tê 5:21). Khi làm thế, chúng ta sẽ giải tỏa được những nghi ngờ và củng cố đức tin. Nếu cần được trợ giúp để giải tỏa những nghi ngờ, chúng ta có thể xin trưởng lão giúp đỡ. Chúng ta cần hành động dứt khoát để giữ niềm vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va!

17. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta đánh mất lòng can đảm?

17 Chướng ngại: Nản lòng. Lời Đức Chúa Trời nói: “Đến ngày khốn khổ mà con nản lòng thì sức lực con ắt sẽ ít ỏi” (Châm 24:10). Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “nản lòng” có thể mang nghĩa “đánh mất lòng can đảm”. Nếu đánh mất lòng can đảm, chúng ta sẽ mau chóng mất đi niềm vui.

18. Sự chịu đựng có nghĩa gì?

18 Giải pháp: Nương cậy nơi Đức Giê-hô-va để có sự can đảm hầu có thể chịu đựng. Chúng ta cần có lòng can đảm để chịu đựng thử thách (Gia 5:11). Từ được dịch là “sự chịu đựng” mà Gia-cơ dùng gợi lên ý tưởng về một người kiên định ở một vị trí. Có lẽ chúng ta nghĩ đến một người lính can đảm đứng trước kẻ thù, nhất quyết không xê dịch dù bị tấn công dữ dội.

19. Chúng ta học được gì từ gương của sứ đồ Phao-lô?

19 Sứ đồ Phao-lô nêu gương xuất sắc về lòng can đảm và sự chịu đựng. Đôi khi ông cũng cảm thấy yếu đuối. Nhưng ông chịu đựng được là nhờ nương cậy nơi Đức Giê-hô-va để có sức mạnh cần thiết (2 Cô 12:8-10; Phi-líp 4:13). Chúng ta cũng có thể có sức mạnh và lòng can đảm như thế nếu khiêm nhường nhận biết mình cần sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va.—Gia 4:10.

HÃY ĐẾN GẦN ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ GIỮ NIỀM VUI

20, 21. Chúng ta có thể tin chắc điều gì?

20 Chúng ta có thể tin chắc rằng những thử thách mà mình gặp không phải là hình phạt đến từ Đức Giê-hô-va. Gia-cơ cho biết: “Khi gặp thử thách, chớ có ai nói: ‘Đức Chúa Trời thử thách tôi’. Vì Đức Chúa Trời không thể bị thử thách bởi điều ác nào, và chính ngài cũng không dùng điều ác để thử thách ai” (Gia 1:13). Khi tin chắc điều đó, chúng ta đến gần hơn với Cha yêu thương trên trời.—Gia 4:8.

21 Đức Giê-hô-va “không thay đổi hoặc xê dịch” (Gia 1:17). Ngài đã hỗ trợ các tín đồ thời ban đầu khi họ đối mặt với thử thách thì ngài cũng sẽ giúp mỗi chúng ta ngày nay. Hãy tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị có sự khôn ngoan, đức tin và lòng can đảm. Ngài sẽ đáp lời cầu nguyện của anh chị. Rồi anh chị có thể tin chắc rằng ngài sẽ giúp anh chị giữ niềm vui khi chịu đựng thử thách!

BÀI HÁT 128 Bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng

^ đ. 5 Sách Gia-cơ ghi lại nhiều lời khuyên thực tế về cách đương đầu với thử thách. Bài này sẽ xem xét một số lời khuyên Gia-cơ đưa ra. Lời khuyên ấy có thể giúp chúng ta chịu đựng khó khăn mà không mất đi niềm vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.

^ đ. 59 HÌNH ẢNH: Một anh bị bắt tại nhà anh. Vợ và con gái của anh đứng nhìn khi cảnh sát đưa anh đi. Trong khi người chồng ngồi tù, anh em trong hội thánh tham gia buổi thờ phượng của gia đình cùng với mẹ con chị ấy. Hai mẹ con thường xuyên cầu xin Đức Giê-hô-va ban sức mạnh để chịu đựng thử thách. Đức Giê-hô-va ban cho họ sự bình an nội tâm và lòng can đảm. Nhờ thế, đức tin của họ vững mạnh hơn và điều này giúp họ chịu đựng với niềm vui.