Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 6

Anh chị có tin cậy đường lối của Đức Giê-hô-va không?

Anh chị có tin cậy đường lối của Đức Giê-hô-va không?

“Ngài là Vầng Đá, công việc ngài thật hoàn hảo, đường lối ngài thảy đều công bằng. Đức Chúa Trời của sự trung tín chẳng bao giờ bất công; ngài là đấng công chính và ngay thẳng”.—PHỤC 32:4.

BÀI HÁT 3 Sức mạnh, hy vọng và niềm tin cậy của chúng con

GIỚI THIỆU *

1, 2. (a) Tại sao nhiều người thấy khó tin cậy những người có quyền? (b) Bài này sẽ xem xét điều gì?

Ngày nay, nhiều người thấy khó tin cậy những người có quyền. Họ thấy hệ thống chính trị và pháp lý có khuynh hướng thiên vị người giàu và người có địa vị nhưng từ chối đem lại công lý cho người nghèo. Kinh Thánh nói thật chính xác: “Loài người cai trị trên loài người mà gây hại cho nhau” (Truyền 8:9). Ngoài ra, hạnh kiểm của một số nhà lãnh đạo tôn giáo bị tha hóa, khiến nhiều người mất lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Vì thế, khi một người đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh, chúng ta đối mặt với thách đố là giúp người ấy xây đắp lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và những người đại diện của ngài trên đất.

2 Dĩ nhiên, học viên Kinh Thánh không phải là những người duy nhất cần tập tin cậy Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài. Ngay cả nếu đã ở trong chân lý nhiều năm, chúng ta cũng không bao giờ muốn quên rằng đường lối của Đức Giê-hô-va luôn tốt nhất. Đôi khi có những tình huống thử thách lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va. Bài này sẽ thảo luận ba tình huống có thể thử thách đức tin của mình: (1) khi đọc một số lời tường thuật trong Kinh Thánh, (2) khi nhận chỉ dẫn từ tổ chức của Đức Giê-hô-va và (3) khi đối mặt với những thử thách trong tương lai.

TIN CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHI ĐỌC KINH THÁNH

3. Một số lời tường thuật có thể thử thách lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va như thế nào?

 3 Khi đọc Lời Đức Chúa Trời, có lẽ chúng ta thắc mắc về cách Đức Giê-hô-va đối xử với một số người và một số quyết định của ngài. Chẳng hạn, trong sách Dân số, chúng ta thấy Đức Giê-hô-va kết tội chết một người Y-sơ-ra-ên vì nhặt củi vào ngày Sa-bát. Trong sách 2 Sa-mu-ên, chúng ta được biết rằng nhiều thế kỷ sau, Đức Giê-hô-va tha cho Đa-vít về tội ngoại tình và giết người (Dân 15:32, 35; 2 Sa 12:9, 13). Có lẽ chúng ta thắc mắc: “Tại sao Đức Giê-hô-va tha cho Đa-vít về tội ngoại tình và giết người nhưng lại kết tội chết người kia về tội có vẻ ít nghiêm trọng hơn?”. Để trả lời câu hỏi này, hãy xem ba yếu tố mà chúng ta cần nhớ khi đọc Kinh Thánh.

4. Sáng thế 18:20, 21 và Phục truyền luật lệ 10:17 củng cố lòng tin cậy của chúng ta như thế nào nơi các phán quyết của Đức Giê-hô-va?

4Kinh Thánh không luôn cung cấp mọi chi tiết về một lời tường thuật. Chẳng hạn, chúng ta biết Đa-vít đã thành thật ăn năn về những hành động của mình (Thi 51:2-4). Nhưng người đã vi phạm luật ngày Sa-bát là người như thế nào? Ông có hối lỗi về điều mình đã làm không? Ông có vi phạm luật pháp của Đức Giê-hô-va trong quá khứ không? Ông có lờ đi hoặc thậm chí bác bỏ những lời cảnh báo trước đó không? Kinh Thánh không cho biết. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn một điều: Đức Giê-hô-va “chẳng bao giờ bất công” (Phục 32:4). Ngài đưa ra những quyết định dựa trên mọi sự kiện chứ không dựa vào tin đồn, thành kiến hay bất cứ điều gì khác thường làm lệch lạc quan điểm của con người. (Đọc Sáng thế 18:20, 21; Phục truyền luật lệ 10:17). Càng học về Đức Giê-hô-va và tiêu chuẩn của ngài, chúng ta càng tin cậy các phán quyết của ngài. Ngay cả khi một lời tường thuật Kinh Thánh khiến chúng ta có những thắc mắc mà hiện tại mình chưa thể tìm được lời giải đáp, chúng ta biết đủ về Đức Chúa Trời để tin chắc rằng ngài “công chính trong mọi đường lối”.—Thi 145:17.

5. Sự bất toàn ảnh hưởng thế nào đến quan điểm của chúng ta về công lý? (Cũng xem khung “ Sự bất toàn làm lệch lạc quan điểm của chúng ta về công lý”).

5Quan điểm của chúng ta về công lý bị ảnh hưởng bởi sự bất toàn. Đức Chúa Trời tạo ra chúng ta theo hình ảnh của ngài, nên chúng ta rất muốn thấy mọi người được đối xử công bằng (Sáng 1:26). Tuy nhiên, vì bất toàn, chúng ta có thể phán đoán sai vấn đề ngay cả khi nghĩ mình đã có mọi thông tin. Chẳng hạn, hãy nhớ Giô-na đã rất bực bội khi Đức Giê-hô-va quyết định thể hiện lòng thương xót với dân thành Ni-ni-ve (Giô-na 3:10–4:1). Nhưng hãy nghĩ về lợi ích của quyết định ấy. Mạng sống của hơn 120.000 người dân Ni-ni-ve được cứu vì đã ăn năn! Như vậy, chính Giô-na là người phải thay đổi quan điểm, chứ không phải Đức Giê-hô-va.

6. Tại sao Đức Giê-hô-va không cần giải thích về các quyết định của ngài?

6Đức Giê-hô-va không cần phải giải thích cho con người về các quyết định của ngài. Đành rằng Đức Giê-hô-va cho phép các tôi tớ ngài trong quá khứ bày tỏ mối băn khoăn về quyết định ngài đưa ra hoặc sắp đưa ra (Sáng 18:25; Giô-na 4:2, 3). Đôi khi ngài giải thích tại sao ngài quyết định như thế (Giô-na 4:10, 11). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không buộc phải giải thích cho chúng ta. Là Đấng Tạo Hóa, ngài không cần sự chấp thuận của chúng ta, dù trước hay sau khi ngài hành động.—Ê-sai 40:13, 14; 55:9.

TIN CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHI NHẬN CHỈ DẪN

7. Chúng ta có thể đương đầu với thách đố nào, và tại sao?

7 Chắc chắn chúng ta hoàn toàn đồng ý rằng Đức Giê-hô-va luôn làm điều đúng. Nhưng việc tin cậy những người đại diện của ngài có thể là thách đố. Có thể chúng ta băn khoăn không biết những anh có quyền hành trong tổ chức Đức Giê-hô-va có thật sự làm theo chỉ dẫn của ngài hay làm theo ý riêng. Đó có thể là suy nghĩ của một số người sống vào thời Kinh Thánh. Hãy xem xét trường hợp được nói trong  đoạn 3. Người thân của người vi phạm luật ngày Sa-bát có thể thắc mắc liệu Môi-se có thật sự hỏi ý kiến của Đức Giê-hô-va trước khi tuyên bố án tử không. Bạn của U-ri-a, người có vợ phạm tội ngoại tình với Đa-vít, có thể cho rằng Đa-vít đã dùng quyền hành làm vua để thoát khỏi án phạt mà ông đáng phải nhận. Sự thật là chúng ta không thể nói mình tin cậy Đức Giê-hô-va nhưng lại không tin cậy những người đại diện của ngài trên đất, là những người mà Đức Giê-hô-va tin cậy.

8. Có sự tương đồng nào giữa những điều được nói nơi Công vụ 16:4, 5 với cách hoạt động của hội thánh đạo Đấng Ki-tô ngày nay?

8 Ngày nay, Đức Giê-hô-va dẫn dắt phần trên đất của tổ chức ngài qua “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” (Mat 24:45). Giống như hội đồng lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất, đầy tớ này coi sóc dân Đức Chúa Trời trên khắp đất và đưa ra chỉ dẫn cho các trưởng lão. (Đọc Công vụ 16:4, 5). Rồi các trưởng lão áp dụng chỉ dẫn đó trong hội thánh. Chúng ta cho thấy mình tin cậy đường lối của Đức Giê-hô-va bằng cách vâng theo chỉ dẫn mình nhận được từ tổ chức và các trưởng lão.

9. Khi nào chúng ta thấy khó hợp tác với quyết định của các trưởng lão, và tại sao?

9 Đôi khi chúng ta thấy khó hợp tác với quyết định của các trưởng lão. Chẳng hạn, trong những năm gần đây nhiều hội thánh và vòng quanh được sắp xếp lại. Trong một số trường hợp, các trưởng lão yêu cầu một số công bố chuyển đến hội thánh khác để tận dụng tối đa các Phòng Nước Trời. Nếu được yêu cầu chuyển sang hội thánh mới, có thể chúng ta thấy khó rời xa bạn bè và gia đình. Các trưởng lão có nhận được chỉ dẫn của Đức Chúa Trời cho biết công bố nào sẽ được chỉ định đến đâu không? Không. Điều này có thể khiến chúng ta thấy khó vâng theo chỉ dẫn mình nhận được. Nhưng Đức Giê-hô-va tin cậy các trưởng lão và để các anh đưa ra những quyết định như thế, và chúng ta cũng cần tin cậy họ. *

10. Phù hợp với Hê-bơ-rơ 13:17, tại sao chúng ta nên hợp tác với các trưởng lão?

10 Tại sao chúng ta nên hợp tác với các trưởng lão và ủng hộ quyết định của họ dù quyết định ấy không phù hợp với ý muốn của mình? Vì khi làm thế, chúng ta giúp gìn giữ sự hợp nhất trong vòng dân Đức Chúa Trời (Ê-phê 4:2, 3). Hội thánh sẽ ngày càng phát triển khi tất cả đều khiêm nhường vâng phục các quyết định của hội đồng trưởng lão. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:17). Quan trọng hơn, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thấy mình tin cậy ngài bằng cách hợp tác với những người mà ngài tin cậy và được bổ nhiệm chăm sóc chúng ta.—Công 20:28.

11. Điều gì giúp chúng ta củng cố lòng tin cậy nơi chỉ dẫn của các trưởng lão?

11 Chúng ta có thể củng cố lòng tin cậy nơi chỉ dẫn của các trưởng lão bằng cách nhớ rằng họ cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí khi xem xét các vấn đề ảnh hưởng đến hội thánh. Họ cũng cẩn thận xem xét nguyên tắc Kinh Thánh liên quan và tham khảo chỉ dẫn đến từ tổ chức. Ước muốn chân thành của họ là làm hài lòng Đức Giê-hô-va và chăm sóc tốt nhất cho dân ngài. Các anh trung thành này biết rằng họ phải khai trình với Đức Chúa Trời về cách họ thực thi nhiệm vụ (1 Phi 5:2, 3). Hãy suy nghĩ: Trong một thế giới bị chia rẽ bởi chủng tộc, tôn giáo và chính trị, dân Đức Giê-hô-va hợp nhất thờ phượng Đức Chúa Trời có một và thật. Điều này chỉ có thể có được là nhờ Đức Giê-hô-va ban phước cho tổ chức ngài!

12. Các trưởng lão cần xem xét những yếu tố nào khi xác định một người có ăn năn hay không?

12 Đức Giê-hô-va giao cho các trưởng lão trọng trách giữ cho hội thánh được trong sạch. Nếu một tín đồ phạm tội trọng, Đức Giê-hô-va đòi hỏi các trưởng lão xác định xem người ấy có còn được ở trong hội thánh hay không. Một trong những điều họ cần làm là tìm hiểu xem người đó có thật sự ăn năn không. Có lẽ người ấy nói là mình ăn năn nhưng họ có thật sự ghét điều mình đã làm không? Người ấy có quyết tâm để không tái phạm không? Nếu bị bạn bè xấu ảnh hưởng, người ấy có sẵn sàng cắt đứt các mối quan hệ đó không? Các trưởng lão cầu nguyện và dựa trên Kinh Thánh để xem xét mọi thông tin, cũng như xem xét thái độ của người phạm tội về điều họ đã làm. Rồi các anh quyết định xem người phạm tội có còn được ở trong hội thánh hay không. Trong một số trường hợp, người ấy phải bị khai trừ.—1 Cô 5:11-13.

13. Có lẽ chúng ta lo điều gì nếu bạn hoặc người thân của mình bị khai trừ?

13 Lòng tin cậy của chúng ta nơi các trưởng lão có thể bị thử thách như thế nào? Nếu người bị khai trừ không phải là bạn thân hoặc người thân của mình, có thể chúng ta dễ dàng chấp nhận quyết định của trưởng lão. Nhưng giả sử người bị khai trừ là bạn thân của mình. Có lẽ chúng ta lo là các trưởng lão không xem xét mọi yếu tố, hoặc chúng ta băn khoăn liệu các anh có thật sự xét xử vấn đề theo cách mà Đức Giê-hô-va sẽ xét xử không. Điều gì có thể giúp chúng ta giữ thái độ đúng về quyết định đó?

14. Điều gì có thể giúp chúng ta nếu quyết định về việc khai trừ của trưởng lão ảnh hưởng đến mình?

14 Hãy nhớ rằng khai trừ là sắp đặt của Đức Giê-hô-va, và sắp đặt này mang lại lợi ích cho hội thánh và có lẽ cho cả người phạm tội. Nếu người phạm tội không ăn năn được phép tiếp tục ở trong hội thánh, người ấy có thể gây ảnh hưởng tai hại (Ga 5:9). Ngoài ra, có lẽ người ấy sẽ không nhận ra tính nghiêm trọng của tội mà mình đã phạm và không có động lực để thay đổi suy nghĩ cũng như hành động hầu nhận lại ân huệ của Đức Giê-hô-va (Truyền 8:11). Chúng ta có thể tin chắc khi quyết định có nên khai trừ một người hay không, các trưởng lão xem đó là trách nhiệm hệ trọng. Họ nhận biết rằng giống như các quan xét thời Y-sơ-ra-ên xưa, họ “xét xử không phải cho con người mà cho Đức Giê-hô-va”.—2 Sử 19:6, 7.

TIN CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA NGAY BÂY GIỜ CHUẨN BỊ CHÚNG TA CHO TƯƠNG LAI

Điều gì giúp chúng ta tin cậy và vâng theo chỉ dẫn mình nhận được trong hoạn nạn lớn? (Xem đoạn 15)

15. Tại sao ngay bây giờ chúng ta cần tin cậy chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va hơn bao giờ hết?

15 Khi thời điểm kết thúc của thế gian ngày càng gần kề, chúng ta cần tin cậy đường lối của Đức Giê-hô-va hơn bao giờ hết. Tại sao? Trong hoạn nạn lớn, có lẽ chúng ta sẽ nhận được những chỉ dẫn có vẻ lạ thường, thiếu thực tế hoặc phi lý. Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va sẽ không nói trực tiếp với chúng ta. Hẳn ngài sẽ cung cấp sự chỉ dẫn qua những người đại diện mà ngài bổ nhiệm. Đó không phải là lúc để nghi ngờ chỉ dẫn hoặc băn khoăn: “Liệu chỉ dẫn này có thật sự đến từ Đức Giê-hô-va hay những anh có trách nhiệm đang làm theo ý riêng?”. Anh chị sẽ tin cậy Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài vào thời điểm tối quan trọng đó không? Có lẽ câu trả lời phụ thuộc vào quan điểm của anh chị ngay bây giờ về các chỉ dẫn thần quyền. Nếu tin cậy chỉ dẫn mà mình nhận được ngày nay và sẵn sàng vâng lời, rất có thể anh chị sẽ làm thế trong hoạn nạn lớn.—Lu 16:10.

16. Lòng tin cậy của chúng ta nơi các phán quyết của Đức Giê-hô-va có thể bị thử thách thế nào trong tương lai gần đây?

16 Có một khía cạnh khác mà chúng ta cần xem xét, đó là các phán quyết của Đức Giê-hô-va vào thời điểm kết thúc của thế gian này. Hiện nay, chúng ta không mất hy vọng nơi những người không phụng sự Đức Giê-hô-va, trong đó có người thân của mình. Nhưng tại Ha-ma-ghê-đôn, qua Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về tương lai của họ (Mat 25:31-33; 2 Tê 1:7-9). Chúng ta sẽ không quyết định ai sẽ nhận được lòng thương xót của Đức Giê-hô-va và ai sẽ không (Mat 25:34, 41, 46). Chúng ta sẽ tin cậy nơi các phán quyết của ngài, hay những phán quyết ấy sẽ làm chúng ta vấp ngã? Rõ ràng, chúng ta cần củng cố lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va ngay bây giờ, nhờ thế chúng ta sẽ hoàn toàn tin cậy ngài trong tương lai.

17. Chúng ta sẽ nhận được lợi ích nào từ những phán quyết của Đức Giê-hô-va khi thế gian này kết thúc?

17 Hãy hình dung chúng ta sẽ cảm thấy thế nào trong thế giới mới khi chứng kiến kết quả của những phán quyết đến từ Đức Giê-hô-va. Tôn giáo sai lầm sẽ biến mất, và sẽ không còn hệ thống thương mại tham lam hoặc hệ thống chính trị áp bức con người và gây biết bao đau khổ trong lịch sử nhân loại. Bệnh tật, tuổi già và cái chết của người thân sẽ không còn đeo đẳng chúng ta mỗi ngày. Sa-tan và các quỷ sẽ bị giam cầm trong một ngàn năm. Hậu quả của cuộc phản nghịch của chúng sẽ chìm vào quên lãng (Khải 20:2, 3). Lúc đó, chúng ta sẽ thật biết ơn vì mình đã tin cậy đường lối của Đức Giê-hô-va!

18. Chúng ta rút ra bài học nào từ trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên, như được ghi nơi Dân số 11:4-6 và 21:5?

18 Liệu đời sống trong thế giới mới sẽ có những thách đố thử thách lòng tin cậy của chúng ta nơi đường lối của Đức Giê-hô-va không? Chẳng hạn, hãy xem điều gì xảy ra không lâu sau khi dân Y-sơ-ra-ên được thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập. Một số người bắt đầu phàn nàn vì nhớ những đồ ăn tươi ngon mà họ ăn ở Ai Cập, và xem thường bánh ma-na mà Đức Giê-hô-va cung cấp. (Đọc Dân số 11:4-6; 21:5). Liệu chúng ta sẽ có suy nghĩ tương tự sau khi hoạn nạn lớn kết thúc không? Chúng ta không biết việc làm sạch trái đất sau trận hủy diệt và việc dần biến trái đất thành địa đàng sẽ đòi hỏi bao nhiêu công sức. Rất có thể sẽ có nhiều việc để làm và đời sống lúc đầu sẽ có một số bất tiện. Chúng ta sẽ phàn nàn về những gì Đức Giê-hô-va cung cấp vào lúc ấy không? Một điều chắc chắn là: Nếu quý trọng sự cung cấp của Đức Giê-hô-va ngay bây giờ, rất có thể chúng ta cũng sẽ làm thế vào lúc đó.

19. Anh chị tóm lược thế nào về điểm chính của bài này?

19 Đường lối của Đức Giê-hô-va luôn luôn đúng. Chúng ta cần tin chắc điều đó. Chúng ta cũng cần tin cậy những người mà Đức Giê-hô-va tin cậy, là những người mà ngài bổ nhiệm để thực hiện các chỉ dẫn của ngài. Hãy luôn nhớ những lời mà Đức Giê-hô-va phán qua nhà tiên tri Ê-sai: “Thế mạnh các ngươi là sự bình tĩnh và lòng tin cậy”.—Ê-sai 30:15.

BÀI HÁT 98 Kinh Thánh—Bởi Đức Chúa Trời soi dẫn

^ đ. 5 Bài này sẽ giúp chúng ta thấy mình cần củng cố lòng tin cậy Đức Giê-hô-va và những người đại diện của ngài trên đất. Chúng ta cũng sẽ thấy làm thế mang lại lợi ích nào ngay bây giờ và chuẩn bị cho chúng ta ra sao để đương đầu với thử thách trong tương lai.

^ đ. 9 Đôi khi có những yếu tố bất khả kháng đòi hỏi một cá nhân hoặc một gia đình ở lại hội thánh hiện tại của họ. Xem “Giải đáp thắc mắc” trong Thánh Chức Nước Trời tháng 11 năm 2002.