Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 7

“Lắng nghe lời các bậc khôn ngoan”

“Lắng nghe lời các bậc khôn ngoan”

“Hãy nghiêng tai lắng nghe lời các bậc khôn ngoan”.​—CHÂM 22:17.

BÀI HÁT 123 Trung thành phục tùng sự sắp đặt thần quyền

GIỚI THIỆU *

1. Chúng ta có thể nhận lời khuyên qua những hình thức nào, và tại sao tất cả chúng ta đều cần lời khuyên?

Ai trong chúng ta cũng có lúc cần lời khuyên. Trong một số trường hợp, có thể chúng ta chủ động xin lời khuyên từ một người mà mình tôn trọng. Trong những trường hợp khác, một anh có lòng quan tâm có thể cho chúng ta biết mình sắp “lạc lối”, tức làm một điều mà mình sẽ hối tiếc (Ga 6:1). Hoặc chúng ta có thể nhận lời khuyên khi mình phạm lỗi nghiêm trọng và cần được sửa sai. Dù là hình thức nào đi nữa, chúng ta nên lắng nghe lời khuyên. Làm thế sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta và có thể cứu mạng sống mình!—Châm 6:23.

2. Phù hợp với Châm ngôn 12:15, tại sao chúng ta cần lắng nghe lời khuyên?

2 Câu Kinh Thánh chủ đề khuyến khích chúng ta “lắng nghe lời các bậc khôn ngoan” (Châm 22:17). Không người nào biết hết mọi điều; luôn có ai đó có nhiều sự hiểu biết hoặc nhiều kinh nghiệm hơn chúng ta. (Đọc Châm ngôn 12:15). Vì thế, việc lắng nghe lời khuyên là dấu hiệu của sự khiêm nhường. Điều đó cho thấy chúng ta ý thức giới hạn của mình, nhận ra rằng mình cần sự giúp đỡ để đạt được mục tiêu. Vị vua khôn ngoan là Sa-lô-môn được soi dẫn để viết: “Đâu có nhiều cố vấn, đó có được thành công”.—Châm 15:22.

Trong hai loại lời khuyên này, anh chị thấy khó chấp nhận lời khuyên nào hơn? (Xem đoạn 3, 4)

3. Chúng ta có thể nhận lời khuyên theo những cách nào?

3 Chúng ta có thể nhận lời khuyên gián tiếp hoặc trực tiếp. Lời khuyên gián tiếp là gì? Có thể chúng ta đọc điều gì đó trong Kinh Thánh hoặc trong ấn phẩm khiến chúng ta ngừng lại và suy nghĩ về hành động của mình, rồi được thúc đẩy để thay đổi (Hê 4:12). Đó là lời khuyên gián tiếp. Vậy lời khuyên trực tiếp là gì? Một trưởng lão hoặc một anh chị thành thục khác có thể cho chúng ta biết điều mình cần cải thiện. Đó là lời khuyên trực tiếp. Một người phải yêu thương chúng ta thì mới cho mình lời khuyên dựa trên Kinh Thánh. Vì thế, chúng ta nên cho thấy lòng biết ơn bằng cách lắng nghe và cố gắng áp dụng lời khuyên của họ.

4. Theo Truyền đạo 7:9, chúng ta nên tránh cách phản ứng nào khi nhận lời khuyên?

4 Thực tế, việc chấp nhận lời khuyên trực tiếp thường khó hơn nhiều. Thậm chí chúng ta có thể trở nên bực bội. Tại sao? Dù sẵn sàng thừa nhận mình bất toàn, nhưng chúng ta có thể thấy khó để chấp nhận lời khuyên khi ai đó chỉ ra khuyết điểm của mình. (Đọc Truyền đạo 7:9). Có thể chúng ta bào chữa cho chính mình. Chúng ta cũng có thể nghi ngờ động cơ của người khuyên hoặc bực tức về cách người ấy khuyên. Thậm chí chúng ta bắt lỗi người ấy và lý luận rằng: “Người ấy có quyền gì mà khuyên mình? Người ấy cũng có khuyết điểm mà!”. Nếu không thích lời khuyên mình nhận được, có lẽ chúng ta sẽ lờ đi hoặc tìm lời khuyên khác hợp với ý mình hơn.

5. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

5 Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận những trường hợp trong Kinh Thánh đã bác bỏ lời khuyên và những trường hợp đã chấp nhận lời khuyên. Chúng ta cũng sẽ xem điều gì giúp mình chấp nhận lời khuyên và nhận lợi ích từ lời khuyên ấy.

HỌ BÁC BỎ LỜI KHUYÊN

6. Chúng ta học được gì từ cách vua Rê-hô-bô-am phản ứng trước lời khuyên ông nhận được?

6 Hãy xem trường hợp của Rê-hô-bô-am. Khi ông lên làm vua Y-sơ-ra-ên, dân chúng đến xin ông giảm bớt gánh nặng mà cha của ông là Sa-lô-môn đã đặt trên họ. Điều đáng khen là Rê-hô-bô-am đã hội ý với các trưởng lão của Y-sơ-ra-ên để xem nên đáp lại dân chúng thế nào. Các trưởng lão đã khuyên vua là nếu ông làm theo điều dân chúng xin, họ sẽ luôn ủng hộ ông (1 Vua 12:3-7). Dường như Rê-hô-bô-am không hài lòng với lời khuyên ấy, vì thế ông hội ý với những người nam lớn lên cùng ông. Rất có thể những người này ngoài 40 tuổi, nên hẳn họ cũng có kinh nghiệm trong đời sống (2 Sử 12:13). Nhưng vào dịp này, họ đã cho Rê-hô-bô-am lời khuyên thiếu khôn ngoan. Họ khuyên ông chất thêm gánh nặng trên dân chúng (1 Vua 12:8-11). Đứng trước hai quan điểm khác nhau, Rê-hô-bô-am đã có thể cầu xin Đức Giê-hô-va giúp ông biết nên làm theo lời khuyên nào. Nhưng ông quyết định làm theo lời khuyên mà ông thích hơn và nghe theo những người đồng tuổi. Vì thế, Rê-hô-bô-am và dân Y-sơ-ra-ên phải gánh chịu hậu quả thảm khốc. Trong trường hợp của chúng ta, lời khuyên mà chúng ta nhận không phải lúc nào cũng là điều mình muốn nghe. Dù vậy, nếu đó là lời khuyên dựa trên Lời Đức Chúa Trời, chúng ta nên chấp nhận.

7. Trường hợp của vua U-xi-a dạy chúng ta điều gì?

7Vua U-xi-a bác bỏ lời khuyên. Ông đã vào một nơi trong đền thờ mà chỉ các thầy tế lễ mới được vào, và ông cố dâng hương. Các thầy tế lễ của Đức Giê-hô-va bảo ông: “Thưa vua U-xi-a, vua không được phép đốt hương cho Đức Giê-hô-va! Chỉ các thầy tế lễ mới được đốt hương”. U-xi-a phản ứng thế nào? Nếu khiêm nhường chấp nhận lời khuyên ấy và lập tức rời khỏi đền thờ, có thể ông đã được Đức Giê-hô-va tha thứ. Nhưng “U-xi-a... bèn nổi giận”. Tại sao ông bác bỏ lời khuyên? Hẳn ông nghĩ vì là vua, ông có quyền làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng Đức Giê-hô-va không nghĩ như thế. Vì hành động tự phụ, U-xi-a bị giáng bệnh phong cùi và phải mang căn bệnh ấy “cho đến ngày qua đời” (2 Sử 26:16-21). Trường hợp của U-xi-a dạy chúng ta rằng dù chúng ta là ai, nếu bác bỏ lời khuyên dựa trên Kinh Thánh, chúng ta sẽ không còn được Đức Giê-hô-va chấp thuận.

HỌ CHẤP NHẬN LỜI KHUYÊN

8. Gióp đã phản ứng thế nào khi nhận lời khuyên?

8 Trái ngược với những gương cảnh báo vừa xem xét, Kinh Thánh ghi lại những gương tốt được ban phước vì đã chấp nhận lời khuyên. Hãy xem gương của Gióp. Dù là người kính sợ Đức Chúa Trời, nhưng ông không phải là người hoàn hảo. Khi chịu áp lực tột cùng, ông đã nói những lời cho thấy ông có quan điểm sai. Vì thế, ông nhận được lời khuyên thẳng thắn từ cả Ê-li-hu lẫn Đức Giê-hô-va. Gióp đã phản ứng thế nào? Ông khiêm nhường chấp nhận lời khuyên. Ông nói: “Con đã nói nhưng chẳng hiểu... Con xin rút lại lời đã nói và ăn năn trong tro bụi”. Đức Giê-hô-va đã ban phước cho Gióp vì thái độ khiêm nhường của ông.—Gióp 42:3-6, 12-17.

9. Môi-se nêu gương tốt nào về việc chấp nhận lời khuyên?

9Môi-se nêu gương tốt về việc chấp nhận sự sửa dạy sau khi phạm một lỗi nghiêm trọng. Vào một dịp, Môi-se đã nổi giận và không tôn vinh Đức Giê-hô-va. Vì thế, ông đánh mất đặc ân vào Đất Hứa (Dân 20:1-13). Khi Môi-se nài xin Đức Giê-hô-va xem xét lại quyết định này, ngài bảo ông: “Con đừng bao giờ nói với ta về chuyện này nữa” (Phục 3:23-27). Môi-se đã không trở nên cay đắng. Thay vì thế, ông chấp nhận quyết định của Đức Giê-hô-va, và ngài tiếp tục dùng ông để dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên (Phục 4:1). Cả Gióp lẫn Môi-se là những gương tốt về việc chấp nhận lời khuyên mà chúng ta nên noi theo. Gióp đã điều chỉnh quan điểm của mình; ông không viện cớ. Còn Môi-se đã cho thấy ông chấp nhận lời khuyên của Đức Giê-hô-va bằng cách giữ trung thành ngay cả sau khi mất đặc ân mà ông rất quý.

10. (a) Châm ngôn 4:10-13 cho biết một người nhận được lợi ích nào khi chấp nhận lời khuyên? (b) Một số anh chị có thái độ tốt nào khi nhận lời khuyên?

10 Chúng ta được lợi ích khi noi theo gương của những người trung thành như Gióp và Môi-se. (Đọc Châm ngôn 4:10-13). Nhiều anh chị đã làm thế. Hãy để ý điều một anh tên Emmanuel sống ở Congo nói về lời cảnh báo mà anh nhận được: “Các anh thành thục trong hội thánh thấy tôi sắp bị chìm đắm về thiêng liêng và cố gắng giúp tôi. Tôi đã áp dụng lời khuyên của họ, nhờ đó tôi tránh được nhiều vấn đề”. * Một chị tiên phong ở Canada tên Megan nói về lời khuyên mà chị nhận được: “Đó không phải lúc nào cũng là điều mà tôi muốn nghe nhưng là điều mà tôi cần nghe”. Và một anh đến từ Croatia tên Marko nói: “Tôi bị mất đặc ân nhưng khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng lời khuyên mà mình nhận được đã giúp tôi lấy lại thăng bằng về thiêng liêng”.

11. Anh Karl Klein đã nói gì về việc chấp nhận lời khuyên?

11 Một người khác đã nêu gương về việc chấp nhận lời khuyên và nhận được lợi ích là anh Karl Klein, từng là thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo. Trong tự truyện của mình, anh Karl kể lại lúc anh nhận được lời khuyên thẳng thắn từ anh Joseph Rutherford, người bạn thân của anh. Anh Karl thừa nhận là lúc đầu anh phản ứng không tốt khi nhận được lời khuyên. Anh nói: “Lần kế tiếp gặp nhau, [anh Rutherford] vui vẻ nói: ‘Chào Karl!’. Nhưng vì vẫn còn bị tổn thương nên tôi chỉ chào lại lí nhí. Rồi anh ấy nói: ‘Coi chừng nha Karl! Ác Quỷ đang rình rập anh đấy!’. Tôi xấu hổ đáp lại: ‘Ồ, đâu có gì đâu anh Rutherford’. Nhưng anh ấy biết là tôi đang giận nên lặp lại lời cảnh báo: ‘Tôi hiểu mà. Nhưng hãy coi chừng! Ác Quỷ đang rình rập anh đấy’. Anh ấy nói thật đúng! Khi nuôi lòng oán giận một anh em, đặc biệt khi người ấy nói một điều phải nói… thì chúng ta đang để mình rơi vào bẫy của Ác Quỷ” * (Ê-phê 4:25-27). Anh Karl đã chấp nhận lời khuyên của anh Rutherford, và họ tiếp tục là bạn thân của nhau.

ĐIỀU GÌ GIÚP CHÚNG TA CHẤP NHẬN LỜI KHUYÊN?

12. Làm thế nào sự khiêm nhường có thể giúp chúng ta chấp nhận lời khuyên? (Thi thiên 141:5)

12 Điều gì có thể giúp chúng ta chấp nhận lời khuyên? Chúng ta cần khiêm nhường và nhớ rằng chúng ta rất bất toàn và đôi khi có thể hành động rất dại dột. Như đã xem xét, Gióp có quan điểm sai. Nhưng sau đó ông điều chỉnh suy nghĩ, và Đức Giê-hô-va ban phước vì ông đã làm thế. Tại sao? Vì Gióp khiêm nhường. Ông thể hiện sự khiêm nhường bằng cách chấp nhận lời khuyên của Ê-li-hu, dù Ê-li-hu trẻ hơn ông rất nhiều (Gióp 32:6, 7). Tương tự, sự khiêm nhường sẽ giúp chúng ta áp dụng lời khuyên, ngay cả khi chúng ta cảm thấy mình không đáng bị khuyên hoặc khi người khuyên ít tuổi hơn mình. Một trưởng lão ở Canada nói: “Cách chúng ta nhìn bản thân khác với cách người khác nhìn mình, vậy làm sao chúng ta có thể tiến bộ nếu không ai cho chúng ta lời khuyên?”. Chẳng phải ai trong chúng ta cũng cần trau dồi thêm bông trái thần khí và hữu hiệu hơn trong thánh chức sao?—Đọc Thi thiên 141:5.

13. Chúng ta nên có quan điểm nào về lời khuyên mình nhận được?

13Xem lời khuyên là biểu hiện của tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va muốn điều tốt nhất cho chúng ta (Châm 4:20-22). Khi khuyên chúng ta qua Lời ngài, qua một ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh hoặc một anh em thành thục, ngài đang thể hiện tình yêu thương với chúng ta. Hê-bơ-rơ 12:9, 10 nói: “Ngài làm thế vì lợi ích của chúng ta”.

14. Chúng ta nên tập trung vào điều gì khi được khuyên?

14Tập trung vào nội dung thay vì cách khuyên. Đôi khi, chúng ta có thể cảm thấy lời khuyên mình nhận không được đưa ra theo cách tốt nhất. Dĩ nhiên, người cho lời khuyên nên làm thế sao cho người được khuyên dễ chấp nhận * (Ga 6:1). Nhưng nếu là người được khuyên, chúng ta nên tập trung vào nội dung, ngay cả khi chúng ta cảm thấy lời khuyên ấy có thể được đưa ra theo cách tốt hơn. Chúng ta có thể tự hỏi: “Dù không thích cách mình được khuyên, có điều gì từ lời khuyên ấy mà mình học được không? Mình có thể bỏ qua khuyết điểm của người khuyên và nhận lợi ích từ lời khuyên đó không?”. Điều khôn ngoan là tìm cách để nhận lợi ích từ bất cứ lời khuyên nào mình nhận được.—Châm 15:31.

XIN LỜI KHUYÊN VÀ NHẬN LỢI ÍCH

15. Tại sao chúng ta nên xin người khác lời khuyên?

15 Kinh Thánh khuyến giục chúng ta xin người khác lời khuyên. Châm ngôn 13:10 nói: “Sự khôn ngoan thuộc về những người tìm lời khuyên”. Những lời ấy thật đúng! Những ai xin lời khuyên thay vì đợi người khác đến cho mình lời khuyên thường tiến bộ về thiêng liêng nhiều hơn những người không tìm lời khuyên. Vì thế, hãy chủ động xin người khác lời khuyên.

Tại sao một chị trẻ xin lời khuyên của một chị thành thục? (Xem đoạn 16)

16. Chúng ta có thể xin lời khuyên trong những trường hợp nào?

16 Chúng ta có thể xin lời khuyên từ anh em đồng đạo trong những trường hợp nào? Hãy xem một số trường hợp. (1) Một chị mời một công bố có kinh nghiệm tham dự cuộc học hỏi và sau đó xin người ấy lời khuyên để giúp chị cải thiện cách dạy dỗ. (2) Một chị độc thân muốn mua quần áo mới, nên chị xin một chị thành thục góp ý chân thành về những lựa chọn của mình. (3) Một anh được giao diễn văn công cộng đầu tiên. Anh nhờ một diễn giả có kinh nghiệm lắng nghe bài giảng của mình và xin anh ấy lời khuyên về cách để cải thiện bài giảng. Ngay cả một anh đã làm bài giảng trong nhiều năm cũng có thể xin lời khuyên từ những diễn giả có kinh nghiệm, rồi áp dụng lời khuyên mình nhận được.

17. Làm thế nào chúng ta có thể nhận lợi ích từ lời khuyên?

17 Trong những ngày tháng sắp đến, tất cả chúng ta sẽ nhận lời khuyên trực tiếp hoặc gián tiếp. Khi nhận lời khuyên, hãy nhớ những điểm mà chúng ta vừa thảo luận. Hãy khiêm nhường. Tập trung vào nội dung thay vì cách khuyên. Và áp dụng lời khuyên anh chị nhận được. Không ai trong chúng ta có sẵn sự khôn ngoan khi sinh ra. Nhưng nếu chúng ta “nghe lời khuyên và nhận sự sửa dạy”, Lời Đức Chúa Trời hứa rằng chúng ta sẽ “trở nên khôn ngoan”.—Châm 19:20.

BÀI HÁT 124 Luôn trung thành

^ đ. 5 Dân Đức Giê-hô-va biết việc lắng nghe lời khuyên là điều rất quan trọng. Nhưng không phải lúc nào cũng dễ để chấp nhận lời khuyên. Tại sao lại thế? Điều gì có thể giúp chúng ta nhận lợi ích từ lời khuyên?

^ đ. 10 Một số tên đã được thay đổi.

^ đ. 11 Xem Tháp Canh ngày 1-10-1984, trg 21-28 (Anh ngữ).

^ đ. 14 Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ thảo luận làm thế nào người cho lời khuyên có thể làm thế một cách khéo léo.