Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 6

BÀI HÁT 10 Hãy khen ngợi Đức Giê-hô-va!

“Hãy ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!”

“Hãy ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!”

“Hỡi bao tôi tớ Đức Giê-hô-va, hãy cùng dâng lời ngợi khen, hãy ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!”.THI 113:1.

TRỌNG TÂM

Nêu bật những động lực thúc đẩy chúng ta ngợi khen danh thánh của Đức Giê-hô-va vào mọi dịp.

1, 2. Điều gì có thể giúp chúng ta hiểu cảm xúc của Đức Giê-hô-va khi danh của ngài bị vu khống?

 Hãy hình dung một người mà anh chị quan tâm vu khống anh chị. Anh chị biết đó là lời nói dối, nhưng có một số người tin điều đó. Tệ hơn, họ bắt đầu lan truyền lời nói dối ấy và nhiều người khác cũng tin. Anh chị cảm thấy thế nào? Nếu anh chị quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của người khác cũng như danh tiếng của mình, lời vu khống ấy hẳn khiến anh chị cảm thấy buồn phải không?—Châm 22:1.

2 Tình huống đó có thể giúp chúng ta hiểu Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi thanh danh của ngài bị bôi nhọ. Một con thần linh của ngài đã nói dối với người phụ nữ đầu tiên là Ê-va. Bà tin lời hắn. Lời nói dối đó khiến tổ phụ của chúng ta phản nghịch Đức Giê-hô-va. Hậu quả là tất cả nhân loại đều trở thành người tội lỗi và cuối cùng phải chết (Sáng 3:1-6; Rô 5:12). Mọi vấn đề chúng ta thấy trên thế giới, gồm sự chết, chiến tranh và đau khổ, xảy ra là vì những lời nói dối mà Sa-tan đã lan truyền trong vườn Ê-đen. Đức Giê-hô-va có đau lòng vì những lời nói dối ấy và hậu quả của chúng không? Hẳn là có. Nhưng ngài không cay đắng. Trái lại, ngài vẫn là “Đức Chúa Trời hạnh phúc”.—1 Ti 1:11.

3. Chúng ta có đặc ân nào?

3 Chúng ta có đặc ân được góp phần vào việc biện minh cho danh của Đức Giê-hô-va bằng cách vâng theo mệnh lệnh sau: “Hãy ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!” (Thi 113:1). Chúng ta làm thế qua việc nói với người khác những điều tốt lành về ngài. Anh chị sẽ ngợi khen danh Đức Giê-hô-va không? Hãy xem ba động lực mạnh mẽ sẽ giúp chúng ta hết lòng ngợi khen danh Đức Chúa Trời.

CHÚNG TA LÀM VUI LÒNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHI NGỢI KHEN DANH NGÀI

4. Tại sao lời ngợi khen của chúng ta làm vui lòng Đức Giê-hô-va? Hãy minh họa. (Cũng xem hình).

4 Chúng ta làm vui lòng Cha trên trời khi ngợi khen danh ngài (Thi 119:108). Tuy nhiên, phải chăng điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời toàn năng giống như con người bất toàn, muốn được ngợi khen vì rất cần sự khích lệ? Không. Hãy xem một minh họa. Một bé gái trìu mến ôm lấy cổ cha mình và nói: “Cha là người cha tốt nhất trên đời!”. Cha em rất vui, thậm chí cảm động vì hành động hồn nhiên đó. Tại sao? Có phải người cha rất cần, thậm chí phụ thuộc vào lời khen của con không? Dĩ nhiên không. Thay vì thế, người cha vui vì con mình đã thể hiện tình yêu thương và lòng quý trọng. Ông biết những phẩm chất đó sẽ giúp con hạnh phúc khi lớn lên. Tương tự, Cha vĩ đại nhất là Đức Giê-hô-va vui lòng khi chúng ta ngợi khen ngài.

Như một người cha cảm thấy vui khi con nói lên tình yêu thương và lòng biết ơn, Đức Giê-hô-va cũng vui khi chúng ta ngợi khen danh ngài (Xem đoạn 4)


5. Qua việc ngợi khen danh Đức Chúa Trời, chúng ta góp phần bác bỏ lời nói dối nào?

5 Khi ngợi khen Cha trên trời, chúng ta góp phần bác bỏ một lời nói dối liên quan đến cá nhân mình. Sa-tan cho rằng không người nào sẽ trung thành bênh vực danh Đức Chúa Trời. Theo hắn thì không ai trong chúng ta có lòng trọn thành. Hắn nói rằng tất cả chúng ta đều sẽ quay lưng lại với Đức Chúa Trời nếu chúng ta nghĩ điều đó mang lại lợi ích cho mình (Gióp 1:9-11; 2:4). Nhưng người trung thành Gióp đã chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối. Còn anh chị thì sao? Mỗi chúng ta có đặc ân là trung thành bênh vực danh Cha trên trời và làm vui lòng ngài qua việc phụng sự ngài với lòng trọn thành (Châm 27:11). Đó quả là một vinh dự!

6. Chúng ta có thể noi gương vua Đa-vít và người Lê-vi như thế nào? (Nê-hê-mi 9:5)

6 Tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời thôi thúc những người trung thành hết lòng ngợi khen danh ngài. Vua Đa-vít viết: “Hỡi tâm hồn ta, hãy chúc tụng Đức Giê-hô-va! Mọi điều trong ta, hãy chúc tụng danh thánh!” (Thi 103:1). Đa-vít hiểu rằng việc chúc tụng danh Đức Giê-hô-va có nghĩa là ngợi khen chính ngài. Danh Đức Giê-hô-va bao gồm danh tiếng của ngài. Thế nên, danh ấy khiến chúng ta nhớ đến những phẩm chất và việc làm tuyệt diệu của ngài. Đa-vít muốn xem danh của Cha trên trời là thánh và ngợi khen danh ấy. Ông muốn làm thế với “mọi điều trong [mình]”, tức là với hết cả tấm lòng. Tương tự, người Lê-vi dẫn đầu trong việc ngợi khen Đức Giê-hô-va. Họ khiêm nhường thừa nhận rằng không lời nào của họ có thể diễn tả hết sự ngợi khen mà danh thánh của Đức Giê-hô-va xứng đáng nhận được. (Đọc Nê-hê-mi 9:5). Hẳn những lời ngợi khen khiêm nhường và chân thành ấy khiến lòng Đức Giê-hô-va vui mừng.

7. Chúng ta có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va trong thánh chức và đời sống thường ngày như thế nào?

7 Ngày nay, chúng ta có thể làm vui lòng Đức Giê-hô-va bằng cách nói về ngài với lòng biết ơn và tình yêu thương sâu xa. Khi tham gia thánh chức, chúng ta nhớ rằng mục tiêu chính của mình là kéo người ta đến với Đức Giê-hô-va, giúp họ có cùng cảm nhận như chúng ta về Cha yêu dấu (Gia 4:8). Chúng ta vui mừng khi cho người khác biết những điều Kinh Thánh miêu tả về Đức Giê-hô-va, về tình yêu thương, sự công bằng, sự khôn ngoan, quyền năng và các phẩm chất thu hút khác của ngài. Chúng ta cũng ngợi khen Đức Giê-hô-va và làm vui lòng ngài bằng cách cố gắng noi gương ngài (Ê-phê 5:1). Nếu chúng ta làm thế, người khác có thể thấy chúng ta khác biệt với những người trong thế gian và thắc mắc lý do (Mat 5:14-16). Khi tiếp xúc với họ trong đời sống thường ngày, chúng ta có thể giải thích tại sao mình khác biệt như vậy. Kết quả là những người có lòng thành sẽ muốn đến gần ngài. Khi ngợi khen Đức Giê-hô-va qua những cách đó, chúng ta làm vui lòng ngài.—1 Ti 2:3, 4.

CHÚNG TA LÀM VUI LÒNG CHÚA GIÊ-SU KHI NGỢI KHEN DANH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

8. Chúa Giê-su đã dẫn đầu trong việc ngợi khen danh Đức Giê-hô-va như thế nào?

8 Trong tất cả các tạo vật thông minh ở trên trời và dưới đất, không ai biết Cha rõ bằng Con (Mat 11:27). Chúa Giê-su yêu thương Cha, và ngài đã dẫn đầu trong việc ngợi khen danh Đức Giê-hô-va (Giăng 14:31). Trong lời cầu nguyện với Cha vào đêm cuối cùng trước khi chết, Chúa Giê-su miêu tả về thánh chức của ngài trên đất như sau: “Con đã cho họ biết danh Cha” (Giăng 17:26). Ngài làm thế bằng cách nào?

9. Chúa Giê-su dùng ngụ ngôn nào để giải thích về Cha trên trời một cách rõ ràng nhất?

9 Chúa Giê-su không chỉ cho người ta biết danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. Những người Do Thái nghe Chúa Giê-su dạy đã biết danh của Đức Chúa Trời rồi. Nhưng Chúa Giê-su “giải thích về Cha” một cách rõ ràng hơn (Giăng 1:17, 18). Chẳng hạn, phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ miêu tả Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời “thương xót và trắc ẩn” (Xuất 34:5-7). Chúa Giê-su đã làm rõ điều này hơn bao giờ hết khi kể ngụ ngôn về người con hoang đàng và người cha. Khi người cha thấy người con ăn năn “còn ở đằng xa” thì đã chạy đến ôm lấy anh và thật lòng tha thứ cho anh; điều đó giúp chúng ta thấy được bức tranh sống động nhất về lòng thương xót và trắc ẩn của Đức Giê-hô-va (Lu 15:11-32). Rõ ràng, Chúa Giê-su đã giúp người khác hiểu Cha ngài thật sự là đấng như thế nào.

10. (a) Làm thế nào chúng ta biết Chúa Giê-su dùng danh Cha và muốn người khác cũng làm thế? (Mác 5:19) (Cũng xem hình). (b) Chúa Giê-su muốn chúng ta làm gì ngày nay?

10 Chúa Giê-su có muốn người khác dùng danh của Cha không? Dĩ nhiên là có. Một số nhà lãnh đạo tôn giáo sùng đạo thời đó có lẽ cho rằng danh Đức Chúa Trời quá thánh khiết nên không được gọi danh ngài. Nhưng Chúa Giê-su không để cho truyền thống trái với Kinh Thánh ấy ngăn cản ngài tôn vinh danh Cha. Hãy xem trường hợp ngài chữa lành cho người bị quỷ ám ở vùng Giê-ra-sa. Người dân rất sợ hãi và nài xin Chúa Giê-su rời khỏi vùng của họ (Mác 5:16, 17). Dù vậy, ngài vẫn muốn người ở đó biết danh Đức Giê-hô-va. Vì thế, Chúa Giê-su bảo người đàn ông được chữa lành nói với người khác, không phải về điều ngài làm, nhưng về điều Đức Giê-hô-va đã làm. (Đọc Mác 5:19). a Ngày nay cũng vậy, Chúa Giê-su muốn chúng ta giúp nhiều người trên thế giới biết danh Cha! (Mat 24:14; 28:19, 20). Khi làm thế, chúng ta khiến Vua của mình là Chúa Giê-su vui lòng.

Chúa Giê-su bảo người từng bị quỷ ám nói cho người khác biết về việc Đức Giê-hô-va đã giúp ông (Xem đoạn 10)


11. Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu nguyện về điều gì, và tại sao điều đó là quan trọng? (Ê-xê-chi-ên 36:23)

11 Chúa Giê-su biết rằng ý định của Đức Giê-hô-va là làm thánh danh ngài, xóa bỏ mọi sự sỉ nhục đối với danh ấy. Đó là lý do mà Thầy chúng ta dạy các môn đồ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin cho danh Cha được nên thánh” (Mat 6:9). Chúa Giê-su hiểu rằng đó là vấn đề trọng đại nhất đối với mọi tạo vật. (Đọc Ê-xê-chi-ên 36:23). Không tạo vật thông minh nào trong vũ trụ đã làm nhiều điều để biện minh cho danh Đức Giê-hô-va như Chúa Giê-su. Nhưng khi ngài bị bắt, kẻ thù đã buộc ngài vào tội gì? Tội phạm thượng! Hẳn Chúa Giê-su biết rằng việc nói phạm hoặc vu khống danh thánh của Cha là tội nghiêm trọng nhất. Thế nên, ngài vô cùng khổ sở khi bị buộc vào tội ấy. Có thể đó là lý do chính khiến Chúa Giê-su “đau buồn tột độ” trong những giờ phút trước khi bị bắt.—Lu 22:41-44.

12. Chúa Giê-su làm thánh danh Cha ngài bằng cách nào?

12 Để làm thánh danh Cha, Chúa Giê-su đã chịu đựng đủ loại tra tấn, sỉ nhục và vu khống. Ngài biết mình đã vâng lời Cha trong mọi việc và không có gì phải xấu hổ (Hê 12:2). Chúa Giê-su cũng biết Sa-tan đang trực tiếp tấn công ngài trong những giờ phút tăm tối ấy (Lu 22:2-4; 23:33, 34). Hẳn Sa-tan mong rằng sẽ phá đổ được lòng trọn thành của Chúa Giê-su, nhưng hắn đã hoàn toàn thất bại! Chúa Giê-su đã chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối hiểm độc và Đức Giê-hô-va có những tôi tớ trung thành, là những người giữ lòng trọn thành trong những thử thách cam go nhất.

13. Làm thế nào anh chị có thể làm vui lòng Vua của chúng ta?

13 Anh chị có muốn làm vui lòng Vua của chúng ta không? Hãy tiếp tục ngợi khen danh Đức Giê-hô-va, giúp người khác biết Đức Chúa Trời của chúng ta thật sự là đấng như thế nào. Khi làm thế, anh chị đang bước theo dấu chân của Chúa Giê-su (1 Phi 2:21). Như Chúa Giê-su, anh chị làm vui lòng Đức Giê-hô-va và chứng tỏ Sa-tan, kẻ thù của ngài, là kẻ nói dối không biết xấu hổ!

CHÚNG TA GIÚP CỨU MẠNG NGƯỜI KHÁC KHI NGỢI KHEN DANH ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

14, 15. Những điều tuyệt vời nào có thể xảy ra khi chúng ta dạy người khác về Đức Giê-hô-va?

14 Khi ngợi khen danh Đức Giê-hô-va, chúng ta giúp cứu mạng người khác. Như thế nào? Sa-tan ‘làm mù tâm trí những người không tin đạo’ (2 Cô 4:4). Kết quả là họ tin những lời nói dối của Sa-tan, chẳng hạn như: Đức Chúa Trời không hiện hữu, Đức Chúa Trời ở quá xa và không quan tâm đến con người, Đức Chúa Trời tàn nhẫn và hành hạ người ác đời đời. Những lời nói dối ấy chỉ nhằm thực hiện ý đồ là hủy hoại thanh danh Đức Giê-hô-va, khiến người ta không muốn đến gần ngài. Nhưng công việc của chúng ta phá hỏng ý đồ của Sa-tan. Chúng ta dạy người ta sự thật về Cha, qua đó ca ngợi danh thánh của ngài. Kết quả là gì?

15 Những sự thật trong Lời Đức Chúa Trời có sức mạnh to lớn. Khi dạy người khác về Đức Giê-hô-va và về việc ngài thật sự là đấng như thế nào, chúng ta sẽ thấy những điều tuyệt vời. Người ta sẽ không còn bị những lời nói dối của Sa-tan làm mù lòng nữa, và bắt đầu thấy những phẩm chất tuyệt vời của Cha chúng ta. Họ thán phục vì quyền năng vô hạn của ngài (Ê-sai 40:26). Họ được trấn an nhờ sự công bằng tuyệt đối của ngài (Phục 32:4). Họ gia tăng sự hiểu biết nhờ sự khôn ngoan sâu thẳm của ngài (Ê-sai 55:9; Rô 11:33). Và họ được an ủi khi biết rằng ngài là hiện thân của tình yêu thương (1 Giăng 4:8). Khi họ đến gần Đức Giê-hô-va, hy vọng được trở thành con cái ngài và sống đời đời trở nên chắc chắn. Thật là đặc ân tuyệt vời để giúp người khác đến gần Cha trên trời! Khi chúng ta làm thế, Đức Giê-hô-va xem chúng ta là “người cùng làm việc” với ngài.—1 Cô 3:5, 9.

16. Một số người được tác động thế nào khi biết danh Đức Chúa Trời? Hãy nêu ví dụ.

16 Lúc đầu, có lẽ chúng ta chỉ cho người ta biết danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. Nhưng chính điều đó có thể tác động lâu dài đến một người có lòng thành. Chẳng hạn, một phụ nữ trẻ tên Aaliyah b lớn lên trong gia đình không theo Ki-tô giáo. Nhưng chị không thỏa mãn với tôn giáo của mình và không cảm thấy gần gũi Đức Chúa Trời. Điều đó đã thay đổi sau khi chị học Kinh Thánh với Nhân Chứng. Chị bắt đầu xem Đức Chúa Trời là bạn. Và chị ngạc nhiên khi biết rằng danh ngài đã bị loại bỏ khỏi nhiều bản Kinh Thánh và thay thế bằng những tước hiệu, chẳng hạn như Chúa. Biết danh Đức Giê-hô-va là bước ngoặt trong cuộc đời chị. Chị thốt lên: “Cuối cùng tôi cũng biết tên Bạn tốt nhất của mình!”. Kết quả là gì? Chị nói: “Hiện nay lòng tôi rất bình an. Quả là đặc ân khi được biết danh ngài!”. Một người tên Steve là nhạc sĩ lớn lên trong gia đình theo Do Thái giáo bảo thủ. Nhưng anh đã tránh xa các tổ chức tôn giáo vì thấy quá nhiều sự giả hình. Tuy nhiên, sau khi mẹ anh qua đời, anh đồng ý ngồi nghe một cuộc thảo luận Kinh Thánh do Nhân Chứng Giê-hô-va điều khiển. Anh đã rất cảm động khi biết danh Đức Chúa Trời. Anh chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ biết danh ngài”. Anh nói thêm: “Đây là lần đầu tiên tôi biết Đức Chúa Trời thật sự hiện hữu. Ngài là đấng có thật với tôi. Lúc đó, tôi nhận ra mình đã tìm được một người Bạn”.

17. Tại sao anh chị quyết tâm tiếp tục ngợi khen danh Đức Giê-hô-va? (Cũng xem hình).

17 Trong công việc rao giảng và dạy dỗ, anh chị có chia sẻ danh thánh của Đức Giê-hô-va với người khác không? Anh chị có giúp họ biết Đức Chúa Trời của chúng ta thật sự là đấng như thế nào không? Khi làm thế, anh chị ngợi khen danh ngài. Vậy, hãy tiếp tục ngợi khen danh thánh của Đức Giê-hô-va bằng cách giúp người khác biết về ngài. Nhờ thế, anh chị sẽ cứu mạng họ. Anh chị cũng sẽ cho thấy mình đang noi gương Vua của chúng ta là Chúa Giê-su Ki-tô. Và trên hết, anh chị sẽ làm vui lòng Cha yêu thương là Đức Giê-hô-va. Mong sao anh chị “ngợi khen danh ngài đến muôn đời bất tận”!—Thi 145:2.

Chúng ta ngợi khen danh Đức Giê-hô-va qua việc dạy người khác về danh ngài và cho thấy ngài là đấng như thế nào (Xem đoạn 17)

TẠI SAO VIỆC NGỢI KHEN DANH ĐỨC CHÚA TRỜI…

  • làm vui lòng Đức Giê-hô-va?

  • làm vui lòng Chúa Giê-su?

  • giúp cứu mạng người khác?

BÀI HÁT 2 Giê-hô-va là danh Cha

a Có lý do chính đáng để tin rằng trong bản gốc, Mác đã dùng danh Đức Chúa Trời khi trích lời Chúa Giê-su. Vì thế, danh Đức Chúa Trời ở câu này đã được khôi phục trong Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới.

b Các tên đã được thay đổi.