Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 8

BÀI HÁT 123 Trung thành phục tùng sự sắp đặt thần quyền

Tiếp tục làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va

Tiếp tục làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va

“Ta, Đức Giê-hô-va, là… đấng hướng dẫn con trên đường phải đi”.Ê-SAI 48:17.

TRỌNG TÂM

Bài này sẽ giúp chúng ta thấy cách Đức Giê-hô-va hướng dẫn dân ngài ngày nay và những ân phước chúng ta nhận được khi làm theo hướng dẫn của ngài.

1. Hãy minh họa cho việc tại sao chúng ta nên làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va.

 Hãy hình dung anh chị bị lạc trong một khu rừng. Xung quanh anh chị có đầy nguy hiểm: thú dữ, côn trùng mang mầm bệnh, cây cỏ độc hại và địa hình hiểm trở. Anh chị sẽ thật nhẹ nhõm nếu có một người hướng dẫn đầy kinh nghiệm biết chỗ nào có nguy hiểm và giúp anh chị tránh được! Thế gian này giống như khu rừng đó, đầy những mối nguy hiểm đe dọa đến tình trạng thiêng liêng của chúng ta. Nhưng chúng ta có một Đấng Hướng Dẫn hoàn hảo là Đức Giê-hô-va. Ngài hướng dẫn chúng ta tránh khỏi những mối nguy hiểm và đến được đích là sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới.

2. Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta như thế nào?

2 Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta như thế nào? Chủ yếu là qua Kinh Thánh. Tuy nhiên, ngài cũng dùng con người để đại diện cho ngài. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va dùng “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” để cung cấp thức ăn thiêng liêng giúp chúng ta đưa ra quyết định khôn ngoan (Mat 24:45). Ngài cũng dùng những người nam khác có năng lực để hướng dẫn chúng ta. Chẳng hạn, các giám thị vòng quanh và trưởng lão khích lệ chúng ta và đưa ra chỉ dẫn giúp chúng ta vượt qua những lúc cam go. Chúng ta thật biết ơn vì nhận được sự hướng dẫn đáng tin cậy trong những ngày sau cùng đầy khó khăn này! Sự hướng dẫn ấy giúp chúng ta tiếp tục được Đức Giê-hô-va chấp nhận và luôn ở trên con đường dẫn đến sự sống.

3. Bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Dù vậy, đôi lúc chúng ta có thể thấy khó làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, đặc biệt là khi những người đưa ra hướng dẫn là người bất toàn. Tại sao? Hướng dẫn đó có thể không phải là điều mình thích nghe. Hoặc có thể chúng ta nghĩ hướng dẫn mình nhận được là thiếu khôn ngoan, nên cho rằng nó không đến từ Đức Giê-hô-va. Những lúc như thế, chúng ta cần đặc biệt tin chắc Đức Giê-hô-va là đấng dẫn dắt dân ngài và việc làm theo hướng dẫn của ngài mang lại ân phước. Để giúp chúng ta củng cố lòng tin chắc ấy, bài này sẽ xem xét (1) cách Đức Giê-hô-va hướng dẫn dân ngài vào thời Kinh Thánh, (2) cách ngài hướng dẫn chúng ta ngày nay và (3) những lợi ích chúng ta nhận được khi tiếp tục làm theo hướng dẫn của ngài

Từ xưa đến nay, Đức Giê-hô-va dùng những người đại diện để hướng dẫn dân ngài (Xem đoạn 3)


ĐỨC GIÊ-HÔ-VA HƯỚNG DẪN DÂN Y-SƠ-RA-ÊN NHƯ THẾ NÀO?

4, 5. Làm thế nào Đức Giê-hô-va cho thấy ngài đang dùng Môi-se để hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên? (Xem hình nơi trang bìa).

4 Đức Giê-hô-va bổ nhiệm Môi-se để dẫn dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai Cập. Và ngài cho dân này thấy bằng chứng rõ ràng là ngài đang hướng dẫn họ thông qua Môi-se. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va cung cấp trụ mây vào ban ngày và trụ lửa vào ban đêm (Xuất 13:21). Môi-se đi theo trụ đó, và nó dẫn ông cùng dân Y-sơ-ra-ên đến Biển Đỏ. Dân chúng đã hoảng sợ vì nghĩ họ bị mắc kẹt giữa Biển Đỏ và quân Ai Cập đang đuổi theo. Họ cho rằng Môi-se đã sai lầm khi dẫn họ đến đó. Nhưng không phải vậy. Đức Giê-hô-va đã dùng Môi-se để dẫn dân ngài đến Biển Đỏ (Xuất 14:2). Sau đó, ngài giải cứu họ một cách đáng kinh ngạc.—Xuất 14:26-28.

Môi-se dựa vào trụ mây để dẫn dân Đức Chúa Trời băng qua hoang mạc (Xem đoạn 4, 5)


5 Suốt 40 năm sau, Môi-se tiếp tục dựa vào trụ mây để dẫn dân Đức Chúa Trời băng qua hoang mạc. a Có một thời gian, Đức Giê-hô-va đặt trụ mây ở phía trên lều của Môi-se, là chỗ mà toàn thể dân Y-sơ-ra-ên có thể nhìn thấy (Xuất 33:7, 9, 10). Từ trụ mây, Đức Giê-hô-va phán với Môi-se, rồi ông truyền lại chỉ dẫn của ngài cho dân chúng (Thi 99:7). Thật vậy, dân Y-sơ-ra-ên có nhiều bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va đang dùng Môi-se để hướng dẫn họ.

Môi-se và người kế nhiệm là Giô-suê (Xem đoạn 5, 7)


6. Dân Y-sơ-ra-ên phản ứng thế nào trước hướng dẫn của Đức Giê-hô-va? (Dân số 14:2, 10, 11)

6 Đáng buồn là hầu hết người Y-sơ-ra-ên đã bác bỏ bằng chứng rõ ràng cho thấy Đức Giê-hô-va dùng Môi-se làm người đại diện cho ngài. (Đọc Dân số 14:2, 10, 11). Nhiều lần, họ không thừa nhận vai trò của Môi-se. Hậu quả là thế hệ đó của dân Y-sơ-ra-ên không được vào Đất Hứa.—Dân 14:30.

7. Hãy nêu ví dụ về những người làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. (Dân số 14:24) (Cũng xem hình).

7 Tuy nhiên, một số người Y-sơ-ra-ên đã làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, ngài phán: “Ca-lép… luôn hết lòng theo ta”. (Đọc Dân số 14:24). Đức Chúa Trời đã ban thưởng cho Ca-lép, thậm chí còn ban cho ông vùng đất ở xứ Ca-na-an mà ông đã chọn (Giô-suê 14:12-14). Thế hệ tiếp theo của dân Y-sơ-ra-ên cũng nêu gương về việc làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Khi Giô-suê kế nhiệm Môi-se làm người lãnh đạo, họ đã “kính trọng [Giô-suê] sâu xa” trong suốt cuộc đời ông (Giô-suê 4:14). Kết quả là Đức Giê-hô-va ban phước cho họ bằng cách đưa họ vào vùng đất mà ngài đã hứa.—Giô-suê 21:43, 44.

8. Hãy cho biết cách Đức Giê-hô-va hướng dẫn dân ngài vào thời các vua. (Cũng xem hình).

8 Nhiều năm sau, Đức Giê-hô-va đã lập những quan xét để hướng dẫn dân ngài. Sau đó, vào thời các vua, Đức Giê-hô-va bổ nhiệm các nhà tiên tri để hướng dẫn họ. Các vua trung thành đã nghe theo lời khuyên của những nhà tiên tri. Chẳng hạn, vua Đa-vít khiêm nhường chấp nhận sự sửa trị của nhà tiên tri Na-than (2 Sa 12:7, 13; 1 Sử 17:3, 4). Vua Giê-hô-sa-phát làm theo hướng dẫn của nhà tiên tri Gia-ha-xi-ên và khuyến khích dân Giu-đa “đặt đức tin nơi các nhà tiên tri của [Đức Chúa Trời]” (2 Sử 20:14, 15, 20). Khi gặp tình huống căng thẳng, vua Ê-xê-chia đã tìm đến nhà tiên tri Ê-sai (Ê-sai 37:1-6). Mỗi lần các vị vua làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, họ đều được ban phước và đất nước được bảo vệ (2 Sử 20:29, 30; 32:22). Lẽ ra mọi người nên nhận thấy Đức Giê-hô-va đang dùng các nhà tiên tri để hướng dẫn dân ngài. Nhưng đa số các vua cũng như dân chúng đều chối bỏ họ.—Giê 35:12-15.

Vua Ê-xê-chia và nhà tiên tri Ê-sai (Xem đoạn 8)


ĐỨC GIÊ-HÔ-VA HƯỚNG DẪN CÁC TÍN ĐỒ THỜI BAN ĐẦU NHƯ THẾ NÀO?

9. Đức Giê-hô-va dùng ai để hướng dẫn các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất? (Cũng xem hình).

9 Vào thế kỷ thứ nhất, Đức Giê-hô-va thành lập hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Ngài hướng dẫn những tín đồ thời ban đầu này như thế nào? Ngài bổ nhiệm Chúa Giê-su làm đầu hội thánh (Ê-phê 5:23). Nhưng Chúa Giê-su không trực tiếp hướng dẫn từng môn đồ, mà dùng các sứ đồ và trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem để dẫn đầu (Công 15:1, 2). Ngoài ra, cũng có các trưởng lão được bổ nhiệm để hướng dẫn hội thánh.—1 Tê 5:12; Tít 1:5.

Các sứ đồ và trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem (Xem đoạn 9)


10. (a) Đa số các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất phản ứng như thế nào trước hướng dẫn mà họ nhận được? (Công vụ 15:30, 31) (b) Tại sao một số người vào thời Kinh Thánh chối bỏ những người đại diện của Đức Giê-hô-va? (Xem khung “ Tại sao một số người bác bỏ bằng chứng rõ ràng?”).

10 Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất phản ứng thế nào? Đa số đều vui mừng làm theo chỉ dẫn mà họ nhận được. Thật ra, họ “rất vui vì được khích lệ”. (Đọc Công vụ 15:30, 31). Còn ngày nay, Đức Giê-hô-va hướng dẫn dân ngài ra sao?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA HƯỚNG DẪN CHÚNG TA NGÀY NAY NHƯ THẾ NÀO?

11. Hãy nêu ví dụ cho thấy cách Đức Giê-hô-va hướng dẫn những người dẫn đầu trong thời kỳ gần đây.

11 Ngày nay, Đức Giê-hô-va tiếp tục dẫn dắt dân ngài. Ngài làm thế qua Kinh Thánh và Con ngài, tức là đầu hội thánh. Ngoài ra, ngài cũng tiếp tục dùng những người đại diện cho ngài. Chúng ta có thấy bằng chứng về điều đó không? Có. Chẳng hạn, hãy xem điều xảy ra sau năm 1870. Anh Charles Taze Russell và các cộng sự bắt đầu nhận ra rằng năm 1914 là bước ngoặt trong việc thành lập Nước Trời (Đa 4:25, 26). Để đi đến kết luận đó, họ đã dựa vào các lời tiên tri trong Kinh Thánh. Đức Giê-hô-va có hướng dẫn việc họ nghiên cứu Kinh Thánh không? Rõ ràng là có. Vào năm 1914, những sự kiện trên thế giới cho thấy Nước Trời đã bắt đầu cai trị. Thế Chiến I bùng nổ, sau đó còn có dịch bệnh, động đất và đói kém (Lu 21:10, 11). Rõ ràng Đức Giê-hô-va đã dùng những tín đồ có lòng thành này để giúp dân ngài.

12, 13. Trong Thế Chiến II, những sắp đặt nào giúp đẩy mạnh công việc rao giảng và dạy dỗ?

12 Cũng hãy xem điều đã xảy ra trong Thế Chiến II. Sau khi nghiên cứu Khải huyền 17:8, những anh có trách nhiệm tại trụ sở trung ương nhận ra rằng cuộc chiến này không dẫn đến Ha-ma-ghê-đôn, nhưng dẫn đến một thời kỳ tương đối hòa bình, là thời kỳ mở ra cơ hội cho công việc rao giảng phát triển. Vì thế, tổ chức của Đức Giê-hô-va đã thành lập Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh để huấn luyện các giáo sĩ trong công việc rao giảng và dạy dỗ trên khắp đất, dù điều này có vẻ không thực tế vào lúc đó. Các giáo sĩ được phái đi ngay cả trong thời chiến. Ngoài ra, đầy tớ trung tín cũng tổ chức Khóa học trong Trường thánh chức b để giúp tất cả những người công bố rao giảng và dạy dỗ hữu hiệu. Nhờ những sự huấn luyện này, dân của Đức Chúa Trời đã được trang bị để thi hành công việc trước mắt.

13 Khi nhìn lại, chúng ta có thể thấy Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn dân ngài trong lúc khó khăn đó. Kể từ Thế Chiến II, dân của Đức Giê-hô-va ở nhiều nơi đã phần nào có được sự tự do để rao giảng. Thực tế, công việc này phát triển mạnh mẽ.

14. Tại sao chúng ta có thể tin cậy hướng dẫn đến từ tổ chức của Đức Giê-hô-va và các trưởng lão? (Khải huyền 2:1) (Cũng xem hình).

14 Ngày nay, các thành viên của Hội đồng Lãnh đạo tiếp tục tìm kiếm sự hướng dẫn của Đấng Ki-tô. Họ muốn những chỉ dẫn cho anh em phản ánh quan điểm ở trên trời. Họ dùng các giám thị vòng quanh và trưởng lão để đưa ra chỉ dẫn cho hội thánh. c Các trưởng lão được xức dầu, và nói rộng ra là tất cả các trưởng lão, ở trong “tay phải” của Đấng Ki-tô. (Đọc Khải huyền 2:1). Tuy nhiên, họ đều là người bất toàn và có sai sót. Môi-se, Giô-suê và các sứ đồ cũng có lúc mắc lỗi (Dân 20:12; Giô-suê 9:14, 15; Rô 3:23). Nhưng Đấng Ki-tô vẫn đang cẩn thận hướng dẫn đầy tớ trung tín cũng như các trưởng lão, và sẽ tiếp tục làm thế “cho đến khi thế gian này kết thúc” (Mat 28:20). Vì vậy, chúng ta có mọi lý do để tin cậy hướng dẫn mà ngài cung cấp qua những anh được bổ nhiệm để dẫn đầu.

Hội đồng Lãnh đạo ngày nay (Xem đoạn 14)


LỢI ÍCH KHI TIẾP TỤC LÀM THEO HƯỚNG DẪN CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

15, 16. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của những người làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va?

15 Khi tiếp tục làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, chúng ta nhận được ân phước ngay bây giờ. Chẳng hạn, anh Andy và chị Robyn đã làm theo lời khuyên là giữ đời sống đơn giản (Mat 6:22). Nhờ thế, họ có thể tình nguyện tham gia các dự án xây cất thần quyền. Chị Robyn nói: “Có khi chúng tôi sống ở những nơi khá nhỏ, và thường không có bếp. Tôi phải bán nhiều thiết bị mà tôi dùng cho sở thích chụp ảnh của mình. Điều này khiến tôi rơi nước mắt. Nhưng giống như vợ của Áp-ra-ham là Sa-ra, tôi quyết tâm nhìn về phía trước, chứ không phải phía sau” (Hê 11:15). Cặp vợ chồng này nhận được lợi ích nào từ những quyết định của mình? Chị chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy thỏa nguyện sâu xa vì biết rằng mình đang dâng cho Đức Giê-hô-va mọi thứ mình có. Khi làm việc trong các dự án thần quyền, chúng tôi có thể hình dung đời sống trong thế giới mới sẽ như thế nào”. Anh Andy có cùng quan điểm đó, và cho biết: “Chúng tôi thỏa nguyện khi được dùng hết thời gian và sức lực của mình để ủng hộ Nước Trời”.

16 Chúng ta nhận được lợi ích nào khác khi tiếp tục làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va? Sau khi tốt nghiệp trung học, chị Marcia thật sự muốn làm theo lời khuyên là theo đuổi sự nghiệp phụng sự Đức Giê-hô-va (Mat 6:33; Rô 12:11). Chị kể: “Tôi nhận được học bổng bốn năm ở một trường đại học. Nhưng tôi muốn theo đuổi các mục tiêu thiêng liêng. Vì thế, tôi chọn trường nghề để học một kỹ năng giúp nuôi sống bản thân và cũng có thể làm tiên phong. Đó là một trong những quyết định sáng suốt nhất. Giờ đây, tôi vui thích làm tiên phong đều đều. Nhờ có thời gian làm việc linh động, tôi có thể làm tình nguyện viên cho Bê-tên và nhận được những đặc ân khác”.

17. Chúng ta nhận được lợi ích nào khác khi tiếp tục làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va? (Ê-sai 48:17, 18)

17 Đôi khi chúng ta nhận được lời khuyên giúp bảo vệ mình khỏi những vấn đề, chẳng hạn như chủ nghĩa vật chất và những việc làm có thể khiến mình vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng được ban phước khi làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va trong những khía cạnh ấy. Chúng ta có lương tâm trong sạch và tránh được những căng thẳng không cần thiết (1 Ti 6:9, 10). Nhờ thế, chúng ta có thể hết lòng thờ phượng Đức Giê-hô-va, là điều mang lại niềm vui, sự bình an và thỏa nguyện sâu xa nhất.—Đọc Ê-sai 48:17, 18.

18. Tại sao anh chị quyết tâm tiếp tục làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va?

18 Chắc chắn Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục dùng những người đại diện để cung cấp sự hướng dẫn trong hoạn nạn lớn và trong Triều Đại Một Ngàn Năm (Thi 45:16). Lúc đó, chúng ta có tiếp tục làm theo sự hướng dẫn ấy, ngay cả khi phải đặt ý thích của mình sang một bên không? Có thể điều này phụ thuộc phần lớn vào cách chúng ta phản ứng trước hướng dẫn mà Đức Giê-hô-va đang cung cấp ngay bây giờ. Vì thế, hãy luôn làm theo hướng dẫn của ngài, kể cả những hướng dẫn đến từ các anh được bổ nhiệm để coi sóc chúng ta (Ê-sai 32:1, 2; Hê 13:17). Khi làm vậy, chúng ta có mọi lý do để tin cậy Đấng Hướng Dẫn của mình là Đức Giê-hô-va, là đấng dẫn dắt chúng ta tránh xa những mối nguy hiểm về thiêng liêng và đến được đích là sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới.

ANH CHỊ TRẢ LỜI THẾ NÀO?

  • Đức Giê-hô-va hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên như thế nào?

  • Đức Giê-hô-va hướng dẫn các tín đồ thời ban đầu ra sao?

  • Chúng ta nhận được lợi ích nào khi làm theo hướng dẫn của Đức Giê-hô-va ngày nay?

BÀI HÁT 48 Hằng ngày bước đi với Đức Giê-hô-va

a Đức Giê-hô-va cũng sai một thiên sứ “đi phía trước dân Y-sơ-ra-ên” để dẫn họ vào Đất Hứa. Rõ ràng, thiên sứ ấy là Mi-ca-ên, tức Chúa Giê-su trước khi xuống thế làm người.—Xuất 14:19; 32:34.

b Sau này được gọi là Trường Thánh Chức Thần Quyền. Ngày nay, sự huấn luyện này là một phần trong buổi họp giữa tuần.

c Xem khung “Vai trò của Hội đồng Lãnh đạo” trong Tháp Canh tháng 2 năm 2021, trg 18.