Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào để trở thành bạn thật?

Làm thế nào để trở thành bạn thật?

Anh chị có bao giờ cảm thấy phải đương đầu với vấn đề một mình không? Chúng ta đang sống trong “một thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” có thể khiến mình nản lòng và cảm thấy cô độc (2 Ti 3:1). Tuy nhiên, chúng ta không phải đương đầu với thử thách một mình. Kinh Thánh nhấn mạnh giá trị của việc có bạn thật trong “lúc khốn khổ”.—Châm 17:17.

BẠN THẬT CÓ THỂ GIÚP ÍCH NHƯ THẾ NÀO?

Dù bị giam lỏng, sứ đồ Phao-lô vẫn hoàn thành thánh chức nhờ sự hỗ trợ trung thành của các bạn ông

Sứ đồ Phao-lô nhận được nhiều lợi ích từ tình bạn với những cộng sự của ông trong các chuyến hành trình truyền giáo (Cô 4:​7-11). Khi bị tù ở Rô-ma, các bạn của Phao-lô đã giúp ông làm những việc mà ông không tự làm được. Chẳng hạn, Ép-ba-phô-đi mang đến cho ông những thứ cần thiết mà anh em ở thành Phi-líp gửi (Phi-líp 4:18). Ti-chi-cơ chuyển lá thư của Phao-lô đến các hội thánh (Cô 4:7). Nhờ sự hỗ trợ của các bạn, Phao-lô đã có thể thi hành thánh chức dù bị giam lỏng hoặc ở tù. Vậy làm thế nào để trở thành người bạn thật?

Những gương thời nay cho thấy giá trị của người bạn thật. Một chị đã chứng tỏ mình là bạn chân chính đối với chị Elisabet, một tiên phong đều đều ở Tây Ban Nha. Khi mẹ chị Elisabet được chẩn đoán mắc ung thư giai đoạn cuối, chị bạn ấy đã gửi cho chị Elisabet nhiều tin nhắn khích lệ dựa trên các câu Kinh Thánh. Chị Elisabet cho biết: “Những tin nhắn ấy đã thêm sức cho tôi để đương đầu với từng ngày mà không cảm thấy lẻ loi”.—Châm 18:24.

Chúng ta có thể củng cố tình bạn với anh em đồng đạo bằng cách hỗ trợ họ trong các hoạt động của hội thánh. Chẳng hạn, anh chị có thể đề nghị chở một anh chị lớn tuổi đến nhóm họp hoặc đi thánh chức không? Nếu làm thế, rất có thể anh chị sẽ khích lệ lẫn nhau (Rô 1:12). Tuy nhiên, một số anh chị không thể ra khỏi nhà. Làm thế nào chúng ta có thể trở thành người bạn thật đối với họ?

TRỞ THÀNH BẠN THẬT ĐỐI VỚI NHỮNG ANH CHỊ KHÔNG THỂ RA KHỎI NHÀ

Một số anh em gặp vấn đề sức khỏe hoặc những hoàn cảnh khác khiến họ không thể tham dự buổi nhóm họp trực tiếp. Hãy xem trường hợp của anh David. Anh được chẩn đoán mắc ung thư hạch bạch huyết. Anh đã phải hóa trị hơn sáu tháng. Trong thời gian điều trị, anh và vợ là chị Lidia tham dự buổi nhóm họp trực tuyến.

Họ nhận được sự trợ giúp nào từ các anh chị trong hội thánh? Sau mỗi buổi nhóm họp, một số anh chị tại Phòng Nước Trời đã nỗ lực để nói chuyện với anh David và chị Lidia qua cuộc họp video trực tuyến. Ngoài ra, khi vợ chồng anh cố gắng bình luận, họ nhận được những tin nhắn khích lệ từ anh em sau buổi nhóm họp. Kết quả là gì? Anh chị ấy cảm thấy bớt đơn độc.

Hãy mời những anh chị không thể ra khỏi nhà cùng tham gia thánh chức

Chúng ta có thể mời các anh chị không thể ra khỏi nhà tham gia thánh chức không? Qua việc thực hiện một số điều chỉnh nhỏ, chúng ta có thể cho thấy mình không quên các anh chị đang gặp những hạn chế như thế (Châm 3:27). Anh chị có thể sắp xếp để cùng họ làm chứng bằng thư hoặc điện thoại. Những anh chị không thể ra khỏi nhà có thể kết nối với các buổi nhóm rao giảng qua cuộc họp video trực tuyến. Anh David và chị Lidia rất biết ơn sắp đặt này. Anh cho biết: “Chỉ cần tham dự những buổi nhóm rao giảng để thảo luận ngắn gọn và cầu nguyện, chúng tôi cũng được thêm sức rất nhiều”. Ngoài ra, nếu an toàn và thích hợp, thỉnh thoảng anh chị có thể sắp xếp để dẫn học viên đến nhà anh chị ấy học.

Khi cùng làm việc với các anh chị không thể ra khỏi nhà và tận mắt chứng kiến những phẩm chất đáng quý của họ, chúng ta sẽ đến gần họ hơn. Chẳng hạn, khi tham gia thánh chức với các anh chị ấy và để ý đến cách họ khéo dùng Lời Đức Chúa Trời để động đến lòng người ta, rất có thể anh chị sẽ quý mến họ hơn. Khi hỗ trợ anh em đồng đạo trong các hoạt động thiêng liêng, rất có thể anh chị sẽ có thêm nhiều bạn mới.—2 Cô 6:13.

Phao-lô cảm thấy được an ủi khi có người bạn là Tít ở bên cạnh (2 Cô 7:​5-7). Lời tường thuật về họ nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta có thể an ủi người đang cần giúp đỡ không chỉ qua việc bày tỏ lòng cảm thông mà còn qua việc ở bên cạnh họ và làm những gì có thể để hỗ trợ họ.—1 Giăng 3:18.

TRỞ THÀNH BẠN THẬT ĐỐI VỚI NHỮNG ANH CHỊ BỊ NGƯỢC ĐÃI

Anh em của chúng ta ở Nga đã nêu gương tuyệt vời trong việc hỗ trợ lẫn nhau. Hãy xem kinh nghiệm của anh Sergey và vợ là chị Tatyana. Sau khi nhà của họ bị cảnh sát lục soát, họ bị bắt đi thẩm vấn. Chị Tatyana được thả ra trước và về nhà. Anh Sergey kể lại: “Ngay khi [Tatyana] về đến nhà, một chị can đảm đã có mặt ở đó. Nhiều anh chị khác cũng đến và giúp sắp xếp lại mọi thứ trong nhà”.

Anh nói thêm: “Tôi rất thích Châm ngôn 17:​17, câu này nói: ‘Người bạn chân thật yêu thương luôn luôn và là anh em sinh ra cho lúc khốn khổ’. Những lời này có ý nghĩa hơn đối với tôi trong lúc bị bắt bớ và không thể chịu đựng một mình. Đức Giê-hô-va đã ban những người bạn can đảm ở bên cạnh tôi”. a

Khi càng đương đầu với những tình huống khó khăn, chúng ta càng cần bạn bè để nương tựa. Chúng ta sẽ cần họ nhiều hơn nữa trong hoạn nạn lớn. Vì thế, hãy nỗ lực trở thành người bạn thật ngay bây giờ!—1 Phi 4:​7, 8.