Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Từ “a-men” có ý nghĩa với Đức Giê-hô-va

Từ “a-men” có ý nghĩa với Đức Giê-hô-va

Đức Giê-hô-va quý trọng sự thờ phượng của chúng ta. Ngài “để ý và lắng nghe” các tôi tớ ngài; ngài chú ý đến mọi điều chúng ta làm để ngợi khen ngài (Mal 3:16). Chẳng hạn, hãy xem xét một từ mà có lẽ chúng ta nói vô số lần, đó là từ “a-men”. Đức Giê-hô-va có xem trọng từ đơn giản này không? Chắc chắn có! Để biết tại sao, hãy xem từ “a-men” có nghĩa gì và được dùng thế nào trong Kinh Thánh.

“TOÀN THỂ DÂN CHÚNG SẼ ĐÁP RẰNG: ‘A-MEN!’”

Từ “a-men” có nghĩa là “chắc chắn” hay “xin xảy ra như vậy”. Từ gốc của từ này trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “trung tín, đáng tin cậy”. Vào thời Kinh Thánh, từ này đôi khi được dùng trong những trường hợp pháp lý. Sau khi lập lời thề, một người sẽ nói “a-men” để xác nhận những gì mình nói là chính xác và hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều mình đã nói (Dân 5:22). Khi nói “a-men” trước công chúng, một người có thêm động lực để giữ lời.—Nê 5:13.

Phục truyền luật lệ chương 27 ghi lại một ví dụ nổi bật về cách dùng từ “a-men”. Sau khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, họ được lệnh tập hợp ở giữa núi Ê-banh và núi Ga-ri-xim để nghe Luật pháp. Họ có mặt tại đó không chỉ để nghe mà còn để tuyên bố là họ chấp nhận Luật pháp. Họ làm điều này bằng cách nói “A-men!” sau khi nghe về hậu quả của việc bất tuân (Phục 27:15-26). Hãy hình dung tiếng của nhiều ngàn người nam, người nữ và trẻ em đồng thanh đáp! (Giô-suê 8:30-35). Chắc chắn, họ không bao giờ quên những lời họ nói vào ngày hôm đó. Dân Y-sơ-ra-ên đã giữ lời, vì lời tường thuật cho biết: “Dân Y-sơ-ra-ên tiếp tục hầu việc Đức Giê-hô-va trong suốt đời Giô-suê và suốt đời các trưởng lão sống lâu hơn Giô-suê, tức những người biết mọi việc Đức Giê-hô-va đã làm vì dân Y-sơ-ra-ên”.—Giô-suê 24:31.

Chúa Giê-su cũng từng dùng từ “a-men” để khẳng định tính chân thật của những điều được nói, nhưng ngài làm điều này theo cách đặc biệt. Thay vì nói “a-men” sau khi một người nói câu nào đó, ngài nói “a-men” (tiếng Việt được dịch là “quả thật”) trước khi nói một điều để nhấn mạnh một sự thật. Đôi khi, ngài lặp lại từ này bằng cách nói “a-men, a-men” (Mat 5:18; Giăng 1:51). Qua đó, ngài đảm bảo với người nghe rằng những lời ngài nói hoàn toàn chân thật. Chúa Giê-su có thể nói với niềm tin chắc như thế vì ngài là đấng được ủy quyền để làm cho mọi lời hứa của Đức Chúa Trời trở thành hiện thực.—2 Cô 1:20; Khải 3:14.

“DÂN CHÚNG NÓI: ‘A-MEN!’ VÀ NGỢI KHEN ĐỨC GIÊ-HÔ-VA”

Dân Y-sơ-ra-ên cũng dùng từ “a-men” khi ngợi khen Đức Giê-hô-va và cầu nguyện với ngài (Nê 8:6; Thi 41:13). Bằng cách nói “a-men” sau khi lời cầu nguyện kết thúc, những người hiện diện cho thấy họ xem lời cầu nguyện đó là của mình. Vì thế, tất cả những ai có mặt có thể góp phần và vui mừng thờ phượng Đức Giê-hô-va. Điều này được thấy rõ khi vua Đa-vít mang Hòm Giao Ước của Đức Giê-hô-va về Giê-ru-sa-lem. Trong khi buổi lễ diễn ra, Đa-vít đã dâng một lời cầu nguyện chân thành dưới dạng bài hát được ghi ở 1 Sử ký 16:8-36. Cảm động trước những lời của Đa-vít, “toàn thể dân chúng nói: ‘A-men!’ và ngợi khen Đức Giê-hô-va”. Thật vậy, sự đáp lại hợp nhất này đã góp phần tạo nên không khí vui mừng ngày hôm đó.

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào thế kỷ thứ nhất cũng dùng từ “a-men” khi ngợi khen Đức Giê-hô-va. Những người viết Kinh Thánh thường ghi lại từ này trong những lá thư của họ (Rô 1:25; 16:27; 1 Phi 4:11). Sách Khải huyền cho biết những tạo vật thần linh trên trời ngợi khen Đức Giê-hô-va bằng cách nói: “A-men! Hãy ngợi khen Gia!” (Khải 19:1, 4). Các tín đồ thời ban đầu thường nói “a-men” sau những lời cầu nguyện được dâng tại các buổi nhóm họp (1 Cô 14:16). Tuy nhiên, họ không lặp lại từ đó một cách máy móc.

TẠI SAO CHÚNG TA NÓI “A-MEN”?

Sau khi xem xét cách các tôi tớ Đức Giê-hô-va dùng từ “a-men”, chúng ta có thể hiểu tại sao việc kết thúc lời cầu nguyện bằng từ “a-men” là điều có ý nghĩa. Khi nói từ này vào cuối lời cầu nguyện riêng, chúng ta cho thấy những gì mình nói là xuất phát từ lòng. Và khi chúng ta được thôi thúc để nói “a-men”, dù là nói thầm, sau một lời cầu nguyện trước công chúng, chúng ta cho thấy mình đồng ý với nội dung của lời cầu nguyện. Hãy xem thêm lý do cho thấy giá trị của từ “a-men”.

Giúp chúng ta tập trung khi người khác cầu nguyện vì cầu nguyện là một phần của sự thờ phượng. Chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va không chỉ bằng cách nói “a-men” mà còn qua thái độ của mình. Ước muốn nói từ “a-men” một cách có ý nghĩa có thể giúp chúng ta giữ thái độ đúng và chú tâm vào lời cầu nguyện.

Giúp chúng ta hợp nhất trong sự thờ phượng. Khi một lời cầu nguyện được dâng, cả hội thánh cùng nghe lời cầu nguyện đó (Công 1:14; 12:5). Khi được thôi thúc để cùng anh em đồng đạo đáp lại bằng cách nói “a-men”, chúng ta càng hợp nhất. Dù nói từ này lớn tiếng hoặc nói trong lòng, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thêm lý do để ngài hành động phù hợp với những gì cả hội thánh cầu xin.

Khi nói “a-men”, chúng ta góp phần ngợi khen Đức Giê-hô-va

Chúng ta ngợi khen Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va để ý đến mọi điều chúng ta làm trong việc thờ phượng (Lu 21:2, 3). Ngài biết động lực và những gì ở trong lòng mỗi chúng ta. Ngay cả khi nghe chương trình nhóm họp qua điện thoại, chúng ta cũng có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va để ý đến từ “a-men” chân thành của mình. Khi nói “a-men”, chúng ta góp phần ngợi khen Đức Giê-hô-va cùng với cả hội thánh.

Có lẽ chúng ta nghĩ từ “a-men” của mình không mấy giá trị, nhưng không phải vậy. Một tài liệu tham khảo về Kinh Thánh nói rằng qua việc dùng từ này, các tôi tớ Đức Chúa Trời có thể bày tỏ “lòng tin chắc, sự đồng ý hoàn toàn và ước muốn chân thành ở trong lòng”. Mong sao mỗi khi chúng ta nói “a-men”, Đức Giê-hô-va đều vui lòng.—Thi 19:14.