Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 10

Có gì cản tôi chịu phép báp-têm?

Có gì cản tôi chịu phép báp-têm?

‘Viên quan cùng Phi-líp đi xuống nước, và Phi-líp làm phép báp-têm cho ông’.CÔNG 8:38.

BÀI HÁT 52 Sự dâng mình của môn đồ Đấng Ki-tô

GIỚI THIỆU *

1. A-đam và Ê-va đã đánh mất điều gì, và điều đó dẫn đến hậu quả nào?

Theo bạn, ai có quyền đặt ra tiêu chuẩn về điều tốt và điều xấu? Khi A-đam và Ê-va ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác, họ cho thấy rõ là họ không tin cậy Đức Giê-hô-va và tiêu chuẩn của ngài. Họ chọn làm theo ý mình, tự đưa ra tiêu chuẩn về điều tốt và điều xấu (Sáng 3:22). Nhưng họ phải trả giá rất đắt cho quyết định đó. Họ đánh mất mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Họ cũng mất cơ hội được sống mãi mãi, và truyền tội lỗi cũng như sự chết cho con cháu của họ (Rô 5:12). Sự lựa chọn của A-đam và Ê-va dẫn đến hậu quả thật thảm khốc!

Sau khi đặt đức tin nơi Chúa Giê-su, viên quan người Ê-thi-ô-bi muốn báp-têm ngay khi có thể (Xem đoạn 2, 3)

2, 3. (a) Viên quan người Ê-thi-ô-bi hưởng ứng thế nào khi được Phi-líp rao giảng? (b) Chúng ta có những ân phước nào khi báp-têm, và những câu hỏi nào sẽ được xem xét?

2 Cách xử sự của A-đam và Ê-va trái ngược với cách mà viên quan người Ê-thi-ô-bi hưởng ứng khi được Phi-líp rao giảng. Viên quan này biết ơn về những gì Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho mình đến nỗi lập tức chịu phép báp-têm (Công 8:34-38). Khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va, và chịu phép báp-têm như viên quan ấy, chúng ta cho thấy rõ mình biết ơn về những gì Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng cho thấy mình tin cậy Đức Giê-hô-va và nhìn nhận ngài là đấng có quyền đặt ra tiêu chuẩn về điều tốt và điều xấu.

3 Hãy nghĩ về những ân phước mà chúng ta có khi phụng sự Đức Giê-hô-va! Một trong số đó là triển vọng có lại những gì mà A-đam và Ê-va đã đánh mất, bao gồm cơ hội được sống mãi mãi. Nhờ đặt đức tin nơi Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta được Đức Giê-hô-va tha tội và có lương tâm trong sạch (Mat 20:28; Công 10:43). Chúng ta cũng được thuộc về gia đình của Đức Giê-hô-va, gồm những tôi tớ được ngài chấp nhận và có cơ hội hưởng tương lai tươi sáng (Giăng 10:14-16; Rô 8:20, 21). Dù việc phụng sự Đức Giê-hô-va mang lại nhiều ân phước, nhưng một số người học biết về ngài ngần ngại noi theo gương của viên quan người Ê-thi-ô-bi. Điều gì cản trở họ chịu phép báp-têm? Họ có thể vượt qua những trở ngại đó bằng cách nào?

TRỞ NGẠI NGĂN CẢN MỘT SỐ NGƯỜI BÁP-TÊM

Những trở ngại ngăn cản một số người báp-têm

Sự tự ti (Xem đoạn 4, 5) *

4, 5. Bạn trẻ Avery và Hannah phải đối mặt với trở ngại nào?

4 Sự tự ti. Avery có cha mẹ là Nhân Chứng Giê-hô-va. Cha của em được biết đến là người cha rất chu đáo và là một trưởng lão gương mẫu. Nhưng Avery lưỡng lự về việc báp-têm. Tại sao? Em cho biết: “Em nghĩ mình sẽ không làm tốt giống như ba”. Avery cũng không tự tin là mình có thể đảm nhận các trách nhiệm trong tương lai. Avery nói: “Em lo lắng nếu được chỉ định phải cầu nguyện trước đám đông, nói bài giảng hoặc hướng dẫn buổi nhóm rao giảng”.

5 Hannah, một bạn nữ 18 tuổi, cũng phải đấu tranh với cảm giác tự ti. Dù được nuôi dạy bởi cha mẹ tin kính, nhưng em không tin là mình có thể sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Tại sao? Vì Hannah tự đánh giá thấp về bản thân. Đôi khi, em cảm thấy tồi tệ đến mức làm một điều mà khiến vấn đề tệ hơn, đó là tự làm mình bị thương. Em ấy chia sẻ: “Em không nói với ai về việc mình đã làm, ngay cả với ba mẹ. Em nghĩ Đức Giê-hô-va không bao giờ chấp nhận em vì những gì em đã làm với bản thân”.

Ảnh hưởng của bạn bè (Xem đoạn 6) *

6. Điều gì cản trở Vanessa báp-têm?

6 Ảnh hưởng của bạn bè. Một bạn trẻ 22 tuổi tên Vanessa nói: “Em có một người bạn thân mà em quen gần mười năm qua”. Tuy nhiên, người bạn này không thích niềm tin của Vanessa và không ủng hộ em ấy vươn tới mục tiêu báp-têm. Điều này khiến Vanessa rất buồn. Em giãi bày: “Em cảm thấy khó để kết bạn, và em sợ nếu không chơi với bạn ấy nữa thì mình sẽ không bao giờ có bạn thân nào khác”.

Sợ thất bại (Xem đoạn 7) *

7. Bạn trẻ tên Makayla sợ điều gì, và tại sao?

7 Sợ thất bại. Lúc Makayla năm tuổi, anh trai của em bị khai trừ. Khi lớn lên, em thấy rõ hành động của anh trai đã làm cha mẹ buồn như thế nào. Makayla nói: “Em sợ là nếu báp-têm, em sẽ phạm tội và bị khai trừ, cha mẹ sẽ càng đau lòng hơn”.

Sợ bị chống đối (Xem đoạn 8) *

8. Bạn trẻ tên Miles lo sợ về điều gì?

8 Sợ bị chống đối. Miles có cha và mẹ kế là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng mẹ ruột của em thì không. Miles nói: “Em sống với mẹ 18 năm và em không dám cho mẹ biết là em muốn báp-têm. Em từng thấy cách mẹ phản ứng khi ba quyết định trở thành Nhân Chứng. Em sợ mẹ cũng sẽ chống đối em”.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ VƯỢT QUA NHỮNG TRỞ NGẠI?

9. Việc học về tình yêu thương và sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va hẳn sẽ mang lại kết quả nào?

9 A-đam và Ê-va đã chọn không phụng sự Đức Giê-hô-va vì họ không vun trồng tình yêu thương sâu đậm với ngài. Dù thế, Đức Giê-hô-va vẫn cho phép họ sinh con cái và tự đặt ra tiêu chuẩn nuôi dạy con. Không lâu sau, hậu quả từ quyết định dại dột của A-đam và Ê-va được thấy rõ. Con trai lớn của họ đã giết người em vô tội, và với thời gian, sự ích kỷ và bạo lực bao trùm cả nhân loại (Sáng 4:8; 6:11-13). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã cung cấp một phương tiện để cứu tất cả con cháu biết vâng lời của A-đam và Ê-va (Giăng 6:38-40, 57, 58). Khi học thêm về tình yêu thương và sự kiên nhẫn của Đức Giê-hô-va, hẳn bạn sẽ càng yêu thương ngài sâu đậm. Bạn sẽ muốn tránh xa đường lối của A-đam và Ê-va, và dâng mình cho Đức Giê-hô-va.

Cách bạn có thể vượt qua những trở ngại

(Xem đoạn 9, 10) *

10. Tại sao việc suy ngẫm Thi thiên 19:7 có thể giúp bạn thành công trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va?

10 Tiếp tục học về Đức Giê-hô-va. Càng học về Đức Giê-hô-va, bạn sẽ càng tin chắc mình có thể thành công trong việc phụng sự ngài. Avery được đề cập ở trên cho biết: “Em thấy tự tin hơn nhờ đọc và suy ngẫm lời hứa nơi Thi thiên 19:7”. (Đọc). Khi Avery thấy cách Đức Giê-hô-va thực hiện lời hứa này, tình yêu thương của em dành cho ngài càng sâu đậm. Tình yêu thương không chỉ giúp chúng ta có sự tự tin mà còn giúp chúng ta chú tâm vào Đức Giê-hô-va và điều ngài muốn mình làm. Hannah được đề cập ở trên nói: “Qua việc đọc và học Kinh Thánh, em nhận ra rằng khi tự hành hạ bản thân thì em đang làm Đức Giê-hô-va đau lòng” (1 Phi 5:7). Hannah đã ‘làm theo lời Đức Chúa Trời’ (Gia 1:22). Kết quả là gì? Em ấy chia sẻ: “Khi nhận ra việc vâng lời Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích như thế nào, em thấy yêu thương ngài nhiều hơn. Giờ thì em tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ luôn giúp đỡ mỗi khi em cần”. Hannah không còn tự làm mình bị thương. Em đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm.

(Xem đoạn 11) *

11. Vanessa đã làm gì để có bạn tốt, và chúng ta học được gì từ kinh nghiệm này?

11 Chọn bạn một cách khôn ngoan. Vanessa được đề cập ở trên nhận ra người bạn của em đang cản trở em phụng sự Đức Giê-hô-va. Do đó, em đã chấm dứt tình bạn ấy. Nhưng không chỉ thế, Vanessa còn cố gắng kết bạn với các anh chị trong hội thánh. Vanessa nói rằng gương mẫu của Nô-ê và gia đình ông đã tác động đến em. Vanessa nói: “Dù xung quanh là những người không yêu mến Đức Giê-hô-va, nhưng các thành viên trong gia đình Nô-ê kết hợp vui vẻ và gắn bó với nhau”. Sau khi báp-têm, Vanessa làm tiên phong. Giờ đây em chia sẻ: “Nhờ làm tiên phong, em có được nhiều bạn tốt, không chỉ trong hội thánh của em mà còn trong những hội thánh khác”. Bạn cũng có thể có bạn tốt nếu tích cực tham gia vào công việc Đức Giê-hô-va giao phó.—Mat 24:14.

(Xem đoạn 12-15) *

12. A-đam và Ê-va đã không vun trồng nỗi sợ nào, và hậu quả là gì?

12 Có quan điểm thăng bằng về nỗi sợ. Có một số nỗi sợ tác động tốt đến chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta cần sợ làm Đức Giê-hô-va buồn lòng (Thi 111:10). Nếu A-đam và Ê-va vun trồng sự kính sợ này, hẳn họ đã không cãi lời Đức Giê-hô-va. Sau khi phản nghịch, mắt họ mở ra theo nghĩa là họ nhận thức mình là người tội lỗi. Họ chỉ có thể truyền cho con cháu tội lỗi và sự chết. Vì có thể thấy, tức hiểu được tình trạng của mình, họ cảm thấy xấu hổ về sự trần truồng của họ và che thân mình lại.—Sáng 3:7, 21.

13, 14. (a) Theo 1 Phi-e-rơ 3:21, tại sao chúng ta không cần sợ hãi quá mức về cái chết? (b) Chúng ta có những lý do nào để yêu thương Đức Giê-hô-va?

13 Chúng ta cần sợ làm Đức Giê-hô-va buồn lòng, nhưng không cần sợ hãi quá mức về cái chết. Đức Giê-hô-va đã mở đường để chúng ta có sự sống vĩnh cửu. Nếu chúng ta phạm tội nhưng thật lòng ăn năn, Đức Giê-hô-va sẽ bỏ qua tội lỗi của chúng ta. Ngài tha thứ cho chúng ta dựa trên đức tin của chúng ta nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Con ngài. Một cách chính yếu chúng ta thể hiện đức tin là dâng mình và báp-têm.—Đọc 1 Phi-e-rơ 3:21.

14 Chúng ta có nhiều lý do để yêu thương Đức Giê-hô-va. Ngài không chỉ cung cấp những điều tốt lành cho chúng ta mỗi ngày, mà còn dạy chúng ta sự thật về ngài cũng như ý định của ngài (Giăng 8:31, 32). Đức Giê-hô-va ban hội thánh đạo Đấng Ki-tô để hướng dẫn và chăm sóc chúng ta. Ngài cũng giúp chúng ta đương đầu với những vấn đề hiện tại và ban niềm hy vọng về sự sống vĩnh cửu trong tình trạng hoàn hảo (Thi 68:19; Khải 21:3, 4). Khi suy ngẫm về tất cả những gì Đức Giê-hô-va đã làm để biểu lộ tình yêu thương đối với mình, chúng ta được thôi thúc để yêu thương ngài. Và khi yêu thương Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ có quan điểm thăng bằng về nỗi sợ. Chúng ta sợ làm buồn lòng đấng mà chúng ta rất đỗi yêu thương.

15. Điều gì giúp Makayla vượt qua nỗi sợ thất bại?

15 Makayla được đề cập ở trên đã vượt qua nỗi sợ thất bại khi hiểu rằng Đức Giê-hô-va là đấng rộng lòng tha thứ. Em nói: “Em nhận ra chúng ta đều là người bất toàn và có lúc sẽ mắc sai lầm. Nhưng em cũng hiểu Đức Giê-hô-va yêu thương mỗi chúng ta, và ngài sẽ tha thứ cho chúng ta dựa trên giá chuộc”. Tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va đã thôi thúc em ấy dâng mình và báp-têm.

(Xem đoạn 16) *

16. Điều gì giúp Miles vượt qua nỗi sợ bị chống đối?

16 Miles, bạn trẻ sợ bị mẹ chống đối việc em quyết định báp-têm, đã tìm sự giúp đỡ từ giám thị vòng quanh. Miles chia sẻ: “Anh ấy cũng lớn lên trong gia đình bị chia rẽ về tôn giáo. Anh ấy giúp em nghĩ về những điều em có thể nói để thuyết phục mẹ rằng em là người quyết định báp-têm chứ không phải do ba ép”. Mẹ của Miles không vui trước quyết định của em ấy. Cuối cùng, Miles phải dọn ra khỏi nhà, nhưng em vẫn không từ bỏ mục tiêu báp-têm. Em nói: “Em thật sự cảm động khi học về những điều tốt lành mà Đức Giê-hô-va đã làm cho mình. Khi suy ngẫm về giá chuộc của Chúa Giê-su, em nhận ra Đức Giê-hô-va yêu thương mình đến dường nào. Điều đó đã thúc đẩy em dâng mình và báp-têm”.

HÃY KIÊN ĐỊNH

Khi báp-têm, chúng ta có thể cho thấy mình biết ơn về những gì Đức Chúa Trời đã làm cho mình (Xem đoạn 17)

17. Chúng ta có cơ hội nào?

17 Khi ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác, Ê-va đã chối bỏ Cha yêu thương của mình. Khi A-đam nghe theo lời vợ và ăn trái của cây ấy, ông cho thấy mình không hề biết ơn về mọi điều tốt lành mà Đức Giê-hô-va đã làm cho ông. Mỗi chúng ta có cơ hội bác bỏ đường lối mà A-đam và Ê-va đã chọn. Qua việc báp-têm, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thấy mình tin rằng ngài có quyền đặt ra tiêu chuẩn về điều tốt và điều xấu. Chúng ta chứng tỏ mình yêu thương Cha trên trời và tin cậy nơi ngài.

18. Làm thế nào bạn có thể thành công trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va?

18 Sau khi báp-têm, chúng ta cần tiếp tục sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, chứ không phải tiêu chuẩn của mình. Hàng triệu người hiện đang sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Bạn có thể là một trong số đó nếu tiếp tục đào sâu Kinh Thánh, thường xuyên kết hợp với anh em đồng đạo và sốt sắng chia sẻ điều mình học được về Cha yêu thương (Hê 10:24, 25). Khi quyết định điều gì đó, hãy lắng nghe lời khuyên của Đức Giê-hô-va qua Lời ngài và tổ chức của ngài (Ê-sai 30:21). Rồi mọi việc bạn làm đều sẽ thành công.—Châm 16:3, 20.

19. Bạn nên tiếp tục nghĩ đến điều gì, và tại sao?

19 Khi tiếp tục nghĩ đến những lợi ích của việc làm theo sự hướng dẫn từ Đức Giê-hô-va, bạn sẽ càng yêu thương ngài và quý trọng tiêu chuẩn của ngài. Nhờ thế, không cám dỗ nào của Sa-tan có thể khiến bạn ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va. Hãy hình dung về đời sống của bạn một ngàn năm sau. Lúc đó khi nhìn lại, bạn sẽ thấy quyết định báp-têm là quyết định tốt nhất trong cuộc đời!

BÀI HÁT 28 Để được làm bạn với Đức Giê-hô-va

^ đ. 5 Quyết định báp-têm là quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời bạn. Tại sao quyết định ấy quan trọng đến thế? Bài này sẽ trả lời câu hỏi đó. Bài cũng giúp những ai đang nghĩ đến việc báp-têm vượt qua các trở ngại có thể ngăn cản họ đưa ra quyết định.

^ đ. 56 HÌNH ẢNH: Sự tự ti: Một em trẻ ngại phát biểu.

^ đ. 58 HÌNH ẢNH: Bạn bè: Một Nhân Chứng trẻ đi cùng bạn xấu; em cảm thấy ngượng khi thấy các Nhân Chứng.

^ đ. 60 HÌNH ẢNH: Thất bại: Khi anh trai bị khai trừ và dọn ra khỏi nhà, một em trẻ lo lắng về việc mình cũng có thể sẽ thất bại.

^ đ. 62 HÌNH ẢNH: Sự chống đối: Một em nam rụt rè cầu nguyện trước mặt người mẹ không cùng đức tin.

^ đ. 65 HÌNH ẢNH: Sự tự ti: Một em trẻ cải thiện việc học hỏi cá nhân.

^ đ. 67 HÌNH ẢNH: Bạn bè: Một Nhân Chứng trẻ tự hào cho thấy mình là một Nhân Chứng.

^ đ. 69 HÌNH ẢNH: Thất bại: Một em trẻ tự chọn bước theo chân lý và báp-têm.

^ đ. 71 HÌNH ẢNH: Sự chống đối: Một em nam can đảm giải thích với mẹ về niềm tin của mình.