Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 12

Hãy quan tâm đến cảm xúc của người khác

Hãy quan tâm đến cảm xúc của người khác

“Hết thảy anh em hãy... biểu lộ sự đồng cảm”.1 PHI 3:8.

BÀI HÁT 90 Hãy khuyến khích nhau

GIỚI THIỆU *

1. Theo 1 Phi-e-rơ 3:8, tại sao chúng ta thích kết hợp với những người quan tâm đến cảm xúc của chúng ta?

Chúng ta thích kết hợp với những người quan tâm đến cảm xúc của chúng ta. Họ cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của chúng ta để hiểu chúng ta nghĩ gì và cảm thấy thế nào. Họ để ý đến nhu cầu của chúng ta và đề nghị giúp đỡ ngay cả khi mình chưa nói ra. Chúng ta quý trọng và biết ơn những người “biểu lộ sự đồng cảm” * với mình.—Đọc 1 Phi-e-rơ 3:8.

2. Tại sao việc biểu lộ sự đồng cảm không phải lúc nào cũng dễ?

2 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta muốn biểu lộ sự đồng cảm. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng dễ. Tại sao? Một lý do là vì chúng ta là người bất toàn (Rô 3:23). Thế nên, chúng ta phải chống lại khuynh hướng bẩm sinh là đặt lợi ích của mình lên trên hết. Ngoài ra, một số người trong chúng ta có lẽ thấy khó biểu lộ sự đồng cảm vì sự giáo dục trong gia đình hoặc những trải nghiệm trong quá khứ. Lý do khác là có thể chúng ta bị ảnh hưởng bởi thái độ của người xung quanh. Trong những ngày sau cùng này, nhiều người không quan tâm đến cảm xúc của người khác mà “chỉ biết yêu bản thân” (2 Ti 3:1, 2). Điều gì có thể giúp chúng ta vượt qua những trở ngại này để biểu lộ lòng quan tâm đến cảm xúc của người khác?

3. (a) Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện việc biểu lộ sự đồng cảm? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Chúng ta có thể cải thiện việc biểu lộ sự đồng cảm bằng cách noi gương Đức Giê-hô-va và Con ngài là Chúa Giê-su. Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của tình yêu thương, và ngài nêu gương tuyệt hảo trong việc quan tâm đến người khác (1 Giăng 4:8). Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo các đức tính của Cha ngài (Giăng 14:9). Khi sống trên đất, Chúa Giê-su cho thấy cách một người có thể tỏ lòng trắc ẩn. Trong bài này, trước hết hãy xem Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su quan tâm đến cảm xúc của người khác như thế nào. Sau đó, hãy xem cách chúng ta có thể noi gương hai đấng ấy.

GƯƠNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TRONG VIỆC QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC

4. Ê-sai 63:7-9 cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm đến cảm xúc của các tôi tớ ngài như thế nào?

4 Kinh Thánh dạy rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến cảm xúc của các tôi tớ ngài. Chẳng hạn, hãy xem Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi dân Y-sơ-ra-ên xưa chịu đau khổ. Kinh Thánh nói: “Suốt cơn khốn khổ họ, ngài cũng khốn khổ”. (Đọc Ê-sai 63:7-9). Sau này, qua nhà tiên tri Xa-cha-ri, Đức Giê-hô-va tuyên bố rằng khi dân ngài bị ngược đãi thì ngài thấy như chính mình bị ngược đãi. Đức Giê-hô-va phán với họ: “Ai đụng đến các con tức là đụng đến con ngươi mắt ta” (Xa 2:8). Quả là hình ảnh mạnh mẽ về lòng quan tâm của Đức Giê-hô-va dành cho dân ngài!

Đức Giê-hô-va động lòng trắc ẩn và giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ tại Ai Cập (Xem đoạn 5)

5. Hãy nêu ví dụ cho thấy Đức Giê-hô-va ra tay hành động để giúp đỡ các tôi tớ đang chịu khốn khổ.

5 Đức Giê-hô-va không chỉ động lòng trắc ẩn với các tôi tớ đang chịu khốn khổ, mà ngài còn ra tay hành động để giúp đỡ họ. Ví dụ, khi dân Y-sơ-ra-ên chịu cảnh nô lệ khổ sở tại Ai Cập, Đức Giê-hô-va thấu hiểu nỗi đau của họ và điều đó thôi thúc ngài giải cứu họ. Đức Giê-hô-va phán với Môi-se: ‘Ta thật đã thấy sự khốn khổ của dân ta và nghe tiếng kêu than của họ. Ta hiểu rõ nỗi đau đớn họ phải chịu. Ta sẽ xuống giải cứu họ khỏi tay người Ai Cập’ (Xuất 3:7, 8). Vì động lòng trắc ẩn nên Đức Giê-hô-va đã giải thoát dân ngài khỏi ách nô lệ. Những thế kỷ sau đó, dân Y-sơ-ra-ên bị kẻ thù tấn công tại Đất Hứa. Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào? Ngài “động lòng thương trước tiếng kêu than của họ do bị đàn áp và ngược đãi”. Lòng trắc ẩn lại thôi thúc Đức Giê-hô-va giúp đỡ dân ngài. Ngài dấy lên các quan xét để cứu họ khỏi kẻ thù.—Quan 2:16, 18.

6. Hãy nêu ví dụ cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm đến cảm xúc của một người có quan điểm lệch lạc.

6 Đức Giê-hô-va quan tâm đến cảm xúc của dân ngài dù không phải lúc nào họ cũng có quan điểm đúng đắn. Hãy xem trường hợp của Giô-na. Đức Chúa Trời phái ông đi rao báo thông điệp phán xét cho dân thành Ni-ni-ve. Khi dân thành ấy ăn năn, Đức Chúa Trời đã không hủy diệt thành. Tuy nhiên, Giô-na không vui về điều đó. Ông nổi giận vì lời tiên tri của mình không thành hiện thực. Nhưng Đức Giê-hô-va tỏ lòng kiên nhẫn với Giô-na và giúp ông điều chỉnh lối suy nghĩ (Giô-na 3:10–4:11). Giô-na đã hiểu ra vấn đề, và ông còn được Đức Giê-hô-va dùng để ghi lại lời tường thuật này vì lợi ích của chúng ta.—Rô 15:4. *

7. Cách Đức Giê-hô-va đối xử với các tôi tớ ngài giúp chúng ta tin chắc điều gì?

7 Cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân ngài giúp chúng ta tin chắc ngài là đấng đầy lòng thấu cảm. Đức Giê-hô-va biết rõ nỗi đau của mỗi chúng ta. Ngài “thật sự biết lòng con người” (2 Sử 6:30). Đức Giê-hô-va hiểu những suy nghĩ thầm kín, cảm xúc sâu xa và giới hạn của chúng ta. Và “ngài sẽ không để [chúng ta] bị cám dỗ quá sức mình” (1 Cô 10:13). Quả là lời hứa đầy an ủi!

GƯƠNG CỦA CHÚA GIÊ-SU TRONG VIỆC QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC

8-10. Chúa Giê-su quan tâm sâu xa đến người khác hẳn vì những lý do nào?

8 Khi làm người trên đất, Chúa Giê-su quan tâm sâu xa đến người khác. Tại sao? Có thể nói có ít nhất ba lý do. Thứ nhất, như được đề cập ở trên, Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo các đức tính của Cha ngài. Giống như Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su yêu thương con người. Chúa Giê-su vui mừng trước mọi điều mà ngài đã cùng Cha làm ra, nhưng ngài “đặc biệt quý mến loài người” (Châm 8:31). Tình yêu thương thôi thúc Chúa Giê-su quan tâm đến cảm xúc của người khác.

9 Thứ hai, như Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su có thể đọc được lòng. Ngài biết động cơ và cảm xúc của con người (Mat 9:4; Giăng 13:10, 11). Thế nên, khi Chúa Giê-su nhận thấy nỗi đau của người khác, lòng quan tâm đã thôi thúc ngài an ủi họ.—Ê-sai 61:1, 2; Lu 4:17-21.

10 Thứ ba, Chúa Giê-su cũng trải qua một số thử thách mà con người phải đối mặt. Chẳng hạn, Chúa Giê-su dường như lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Ngài học cách lao động chân tay khi cùng làm việc với cha nuôi là Giô-sép (Mat 13:55; Mác 6:3). Và có lẽ Giô-sép qua đời vào thời điểm nào đó trước khi Chúa Giê-su kết thúc thánh chức. Thế nên, hẳn Chúa Giê-su đã trải qua nỗi đau mất người thân yêu. Ngài cũng hiểu việc sống trong một gia đình không đồng quan điểm về tôn giáo là như thế nào (Giăng 7:5). Những hoàn cảnh này hẳn đã góp phần giúp Chúa Giê-su hiểu được thử thách và cảm xúc của người khác.

Động lòng trắc ẩn, Chúa Giê-su dẫn một người điếc ra khỏi đám đông để chữa lành cho ông (Xem đoạn 11)

11. Lòng quan tâm của Chúa Giê-su đặc biệt được thấy rõ khi nào? Hãy giải thích. (Xem hình nơi trang bìa).

11 Lòng quan tâm của Chúa Giê-su đặc biệt được thấy rõ khi ngài thực hiện phép lạ. Chúa Giê-su không làm phép lạ vì trách nhiệm, nhưng vì “động lòng thương cảm” với những người chịu đau khổ (Mat 20:29-34; Mác 1:40-42). Chẳng hạn, hãy nghĩ đến cảm xúc của Chúa Giê-su khi ngài dẫn một người điếc ra khỏi đám đông và chữa bệnh cho ông, hoặc khi ngài làm con trai duy nhất của một góa phụ sống lại (Mác 7:32-35; Lu 7:12-15). Chúa Giê-su đồng cảm với những người đó và muốn giúp đỡ họ.

12. Giăng 11:32-35 cho thấy Chúa Giê-su biểu lộ sự đồng cảm với Ma-thê và Ma-ri như thế nào?

12 Chúa Giê-su đã biểu lộ sự đồng cảm với Ma-thê và Ma-ri. Khi thấy họ đau buồn trước cái chết của em trai là La-xa-rơ, “Chúa Giê-su khóc”. (Đọc Giăng 11:32-35). Ngài khóc không phải vì người bạn thân của ngài đã mất. Suy cho cùng, ngài biết mình sắp làm cho La-xa-rơ sống lại. Nhưng Chúa Giê-su khóc vì ngài hiểu và cảm thông với nỗi đau mất người thân của những người bạn mà ngài yêu thương.

13. Chúng ta được khích lệ ra sao khi biết về lòng quan tâm của Chúa Giê-su?

13 Chúng ta nhận được nhiều lợi ích khi học về lòng quan tâm của Chúa Giê-su. Chúng ta yêu thương ngài bởi cách ngài đối xử nhân từ với người khác (1 Phi 1:8). Thật khích lệ khi biết rằng ngài đang cai trị với tư cách là Vua Nước Trời. Chẳng bao lâu nữa, ngài sẽ loại bỏ mọi đau khổ. Vì từng là người sống trên đất và chịu đựng mọi gian khổ, đau đớn, Chúa Giê-su có vị thế tốt nhất để giúp nhân loại chữa lành những nỗi đau do sự cai trị của Sa-tan gây ra. Đúng vậy, quả là ân phước khi có một Đấng Cai Trị có thể “cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta”!—Hê 2:17, 18; 4:15, 16.

NOI THEO GƯƠNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VÀ CHÚA GIÊ-SU

14. Theo Ê-phê-sô 5:1, 2, chúng ta được thôi thúc để làm gì?

14 Khi xem xét gương của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, chúng ta được thôi thúc để cố gắng biểu lộ sự đồng cảm nhiều hơn. (Đọc Ê-phê-sô 5:1, 2). Chúng ta không thể đọc được lòng người khác giống như hai đấng ấy, nhưng chúng ta có thể cố gắng hiểu cảm xúc và nhu cầu của người khác (2 Cô 11:29). Trái với thế gian ích kỷ, chúng ta nỗ lực “quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình”.—Phi-líp 2:4.

(Xem đoạn 15-19) *

15. Ai đặc biệt cần biểu lộ sự đồng cảm?

15 Các trưởng lão đặc biệt cần biểu lộ sự đồng cảm. Họ biết rằng mình phải khai trình trước Đức Giê-hô-va về cách coi sóc bầy chiên của ngài (Hê 13:17). Họ cần có sự đồng cảm để giúp đỡ anh em đồng đạo. Làm thế nào các trưởng lão có thể biểu lộ sự đồng cảm?

16. Một trưởng lão có lòng thấu cảm sẽ làm gì, và tại sao điều này quan trọng?

16 Một trưởng lão có lòng thấu cảm sẽ sẵn lòng dành thời gian cho anh em đồng đạo. Anh chủ động đặt câu hỏi cho họ và kiên nhẫn lắng nghe. Điều này đặc biệt quan trọng nếu một con chiên bé bỏng muốn trút đổ lòng mình nhưng không biết phải nói thế nào (Châm 20:5). Bằng cách sẵn lòng dành thời gian cho anh em, trưởng lão sẽ xây dựng lòng tin cậy, tình bạn và tình yêu thương với họ.—Công 20:37.

17. Nhiều anh chị cho biết họ quý trọng điều gì nhất nơi các trưởng lão? Hãy nêu ví dụ.

17 Nhiều anh chị cho biết phẩm chất mà họ quý trọng nhất nơi các trưởng lão là lòng quan tâm đến cảm xúc của người khác. Tại sao? Chị Adelaide nói: “Vì chúng ta thấy dễ nói chuyện với họ hơn. Chúng ta biết họ sẽ hiểu mình”. Chị nói thêm: “Chúng ta có thể thấy sự đồng cảm của các trưởng lão qua cách họ phản ứng khi nói chuyện với họ”. Một anh kể lại với lòng biết ơn: “Tôi thấy anh trưởng lão rưng rưng nước mắt khi tôi chia sẻ với anh về hoàn cảnh của mình. Hình ảnh đó luôn đọng lại trong tâm trí tôi”.—Rô 12:15.

18. Chúng ta có thể biểu lộ sự đồng cảm với người khác bằng cách nào?

18 Dĩ nhiên, không chỉ các trưởng lão mới cần biểu lộ sự đồng cảm. Tất cả chúng ta cũng có thể vun trồng phẩm chất này. Bằng cách nào? Hãy cố gắng hiểu những khó khăn mà các thành viên trong gia đình và anh em đồng đạo đang đối mặt. Hãy quan tâm đến những thanh thiếu niên trong hội thánh và các anh chị đau ốm hoặc lớn tuổi, cũng như những anh chị có người thân yêu qua đời. Hãy hỏi thăm họ và chăm chú lắng nghe họ giãi bày. Hãy cho họ thấy là anh chị thật sự quan tâm đến những gì họ đang trải qua. Khi chủ động giúp đỡ họ, chúng ta thể hiện tình yêu thương chân thật qua hành động.—1 Giăng 3:18.

19. Tại sao chúng ta cần linh động khi giúp đỡ người khác?

19 Chúng ta cần linh động khi giúp đỡ người khác. Tại sao? Vì mỗi người đối phó với thử thách theo cách khác nhau. Một số người muốn nói ra vấn đề, còn số khác thì dè dặt hơn. Do đó, chúng ta muốn giúp đỡ họ, nhưng hãy tránh đặt những câu hỏi quá riêng tư (1 Tê 4:11). Ngay cả khi một người mở lòng để nói ra cảm nghĩ, không phải lúc nào chúng ta cũng có cùng suy nghĩ với họ. Nhưng hãy nhớ rằng đó là cảm xúc của họ. Chúng ta muốn mau nghe và chậm nói.—Mat 7:1; Gia 1:19.

20. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?

20 Ngoài việc biểu lộ sự đồng cảm trong hội thánh, chúng ta cũng muốn thể hiện phẩm chất đáng quý này trong thánh chức. Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ sự đồng cảm khi đào tạo môn đồ? Hãy xem xét điều này trong bài tới.

BÀI HÁT 130 Hãy tha thứ

^ đ. 5 Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su quan tâm đến cảm xúc của người khác. Trong bài này, hãy xem xét chúng ta có thể học được gì từ gương của hai đấng ấy. Chúng ta cũng sẽ thảo luận lý do mình cần biểu lộ sự đồng cảm và làm thế bằng cách nào.

^ đ. 1 GIẢI NGHĨA: “Biểu lộ sự đồng cảm” có nghĩa là cố gắng hiểu cảm xúc của người khác và có cùng cảm xúc với họ (Rô 12:15). Trong bài này, “biểu lộ sự đồng cảm” và “quan tâm” mang nghĩa giống nhau.

^ đ. 6 Đức Giê-hô-va cũng tỏ lòng trắc ẩn với những tôi tớ trung thành bị nản lòng hoặc sợ hãi. Hãy nghĩ đến lời tường thuật về Ha-na (1 Sa 1:10-20), Ê-li-gia (1 Vua 19:1-18) và Ê-bết-mê-lết (Giê 38:7-13; 39:15-18).

^ đ. 65 HÌNH ẢNH: Các buổi nhóm họp tại Phòng Nước Trời cho chúng ta nhiều cơ hội để xây dựng tình anh em nồng ấm. Chúng ta thấy (1) một trưởng lão nhân từ nói chuyện với một em công bố trẻ và mẹ của em ấy, (2) người cha và con gái giúp một chị lớn tuổi đi ra xe, và (3) hai trưởng lão chăm chú lắng nghe một chị đang tìm kiếm sự hướng dẫn.