Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 12

Khi nào là lúc thích hợp để nói?

Khi nào là lúc thích hợp để nói?

“Có kỳ im lặng, có kỳ nói ra”.—TRUYỀN 3:7.

BÀI HÁT 124 Luôn trung thành

GIỚI THIỆU *

1. Truyền đạo 3:1, 7 cho biết điều gì?

Một số người thích nói nhiều, số khác lại ít nói. Câu Kinh Thánh chủ đề của bài này cho biết có lúc cần nói và có lúc lại cần im lặng. (Đọc Truyền đạo 3:1, 7). Dù vậy, đôi khi chúng ta mong một số anh chị nói nhiều hơn và muốn một số khác nói ít đi.

2. Ai có quyền đặt tiêu chuẩn về việc chúng ta nên nói khi nào và như thế nào?

2 Khả năng giao tiếp bằng lời nói là món quà đến từ Đức Chúa Trời (Xuất 4:10, 11; Khải 4:11). Qua Kinh Thánh, ngài giúp chúng ta biết làm sao để dùng món quà đó một cách thích hợp. Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận một số trường hợp trong Kinh Thánh để biết khi nào nên nói và khi nào nên im lặng. Chúng ta cũng sẽ xem Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về những gì chúng ta nói. Trước hết, hãy xem khi nào nên nói.

KHI NÀO NÊN NÓI?

3. Theo Rô-ma 10:14, chúng ta cần thể hiện thái độ nào về việc rao giảng?

3 Chúng ta cần luôn sẵn sàng nói về Đức Giê-hô-va và Nước Trời (Mat 24:14; đọc Rô-ma 10:14). Khi làm thế, chúng ta đang noi gương Chúa Giê-su. Một lý do Chúa Giê-su xuống trái đất là để làm chứng về Cha ngài (Giăng 18:37). Nhưng chúng ta cần phải nhớ rằng cách nói cũng rất quan trọng. Thế nên, khi chia sẻ với người khác về Đức Giê-hô-va, chúng ta phải thể hiện “thái độ ôn hòa và lòng kính trọng sâu xa”, đồng thời quan tâm đến cảm xúc và niềm tin của người khác (1 Phi 3:15). Nhờ thế, chúng ta có thể dạy dỗ và động đến lòng họ.

4. Như được đề cập nơi Châm ngôn 9:9, lời nói của chúng ta có thể giúp người khác ra sao?

4 Các trưởng lão không nên ngần ngại cho một người lời khuyên nếu cần thiết. Dĩ nhiên, để tránh làm người ấy ngượng, họ sẽ chọn thời điểm thích hợp. Họ nên đợi đến khi có thể nói chuyện riêng. Các trưởng lão luôn cố gắng giữ thể diện cho người nghe. Tuy nhiên, họ không ngần ngại chia sẻ nguyên tắc Kinh Thánh để giúp một người hành động khôn ngoan. (Đọc Châm ngôn 9:9). Tại sao điều rất quan trọng là phải can đảm lên tiếng khi cần thiết? Hãy xem hai trường hợp trái ngược trong Kinh Thánh. Trường hợp thứ nhất là một người cha cần sửa trị các con trai của mình, và trường hợp thứ hai là một phụ nữ đối mặt với vị vua tương lai.

5. Thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li đã không lên tiếng trong trường hợp nghiêm trọng nào?

5 Thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li có hai con trai mà ông yêu quý. Nhưng hai người con này không hề tôn kính Đức Giê-hô-va. Dù có vị thế quan trọng là thầy tế lễ nhưng họ đã lạm quyền, khinh thường lễ vật dâng cho Đức Giê-hô-va, và phạm tội gian dâm một cách trắng trợn (1 Sa 2:12-17, 22). Theo Luật pháp Môi-se, các con trai của Hê-li đáng phải chết, nhưng ông lại quá dễ dãi khi chỉ nhẹ nhàng trách mắng và tiếp tục để họ phục vụ tại lều thánh (Phục 21:18-21). Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về cách Hê-li hành động trong trường hợp này? Ngài phán với ông: “Sao ngươi cứ tôn vinh hai con trai hơn ta?”. Đức Giê-hô-va cũng quyết định xử tử hai kẻ gian ác này.—1 Sa 2:29, 34.

6. Chúng ta học được gì từ trường hợp của Hê-li?

6 Chúng ta rút ra một bài học quan trọng từ trường hợp của Hê-li. Nếu phát hiện một người bạn hoặc người thân vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, chúng ta phải lên tiếng nhắc họ nhớ đến các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Sau đó, chúng ta phải đảm bảo rằng người ấy nhận được sự giúp đỡ cần thiết của những anh đại diện cho Đức Giê-hô-va (Gia 5:14). Khác với Hê-li, chúng ta không bao giờ muốn tôn vinh bạn bè hoặc người thân hơn Đức Giê-hô-va. Phải can đảm để đối mặt với một người cần được sửa trị, nhưng nỗ lực ấy là đáng công. Hãy xem trường hợp của một phụ nữ Y-sơ-ra-ên là A-bi-ga-in trái ngược thế nào với trường hợp của Hê-li.

A-bi-ga-in đã nêu gương tốt về việc nói đúng thời điểm (Xem đoạn 7, 8) *

7. Tại sao A-bi-ga-in đến nói chuyện với Đa-vít?

7 A-bi-ga-in là vợ của điền chủ giàu có tên là Na-banh. Trong khi chạy trốn vua Sau-lơ, Đa-vít và người của ông đã bảo vệ bầy của Na-banh khỏi các toán giặc cướp. Na-banh có biết ơn về sự giúp đỡ này không? Không. Khi người của Đa-vít xin thức ăn và nước uống, Na-banh tức giận và mắng nhiếc họ (1 Sa 25:5-8, 10-12, 14). Thế nên, Đa-vít quyết định giết mọi người nam trong nhà Na-banh (1 Sa 25:13, 22). Làm sao để thảm họa này không xảy ra? A-bi-ga-in nhận thấy cần lên tiếng nên cô can đảm đến gặp 400 người nam mang theo vũ khí đang tức giận và đói để nói chuyện với Đa-vít.

8. Chúng ta học được gì từ trường hợp của A-bi-ga-in?

8 Khi gặp Đa-vít, A-bi-ga-in đã nói chuyện một cách can đảm, tôn trọng và thuyết phục. Dù không gây ra vấn đề tồi tệ này, nhưng cô vẫn xin lỗi Đa-vít. A-bi-ga-in khen ông là người tốt và bày tỏ lòng tin chắc ông sẽ làm điều đúng. Cô cũng nương cậy nơi sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va (1 Sa 25:24, 26, 28, 33, 34). Như A-bi-ga-in, chúng ta cần có lòng can đảm để lên tiếng nếu thấy một người đang lạc vào con đường nguy hiểm về thiêng liêng (Thi 141:5). Chúng ta phải thể hiện sự tôn trọng, nhưng cũng cần can đảm. Khi chân thành cho người khác lời khuyên, chúng ta chứng tỏ mình là người bạn đích thực.—Châm 27:17.

9, 10. Các trưởng lão cần ghi nhớ điều gì khi cho lời khuyên?

9 Đặc biệt các trưởng lão phải can đảm để nói chuyện với anh chị bị lạc lối (Ga 6:1). Các trưởng lão khiêm nhường nhìn nhận mình là người bất toàn và cũng có lúc cần lời khuyên. Nhưng họ không để điều này cản trở mình khiển trách một người lạc lối (2 Ti 4:2; Tít 1:9). Khi cho lời khuyên, các trưởng lão cố gắng dùng món quà lời nói để sửa dạy người ấy một cách khéo léo và kiên nhẫn. Tình yêu thương dành cho người ấy thôi thúc họ hành động (Châm 13:24). Tuy nhiên, mối quan tâm chính của các trưởng lão là tôn vinh Đức Giê-hô-va bằng cách ủng hộ tiêu chuẩn của ngài và bảo vệ hội thánh khỏi những mối nguy hại.—Công 20:28.

10 Chúng ta đã xem xét khi nào nên nói. Tuy nhiên, có những lúc tốt hơn là không nên nói gì. Chúng ta có thể gặp thử thách nào trong những lúc như thế?

KHI NÀO NÊN IM LẶNG?

11. Gia-cơ dùng minh họa nào, và minh họa đó áp dụng thế nào cho lời nói?

11 Việc kiểm soát lời nói có thể là thách đố. Gia-cơ đã dùng minh họa thích hợp để miêu tả việc này. Ông cho biết: “Nếu ai không vấp ngã trong lời nói thì ấy là người hoàn hảo, có thể ghìm dây cương cho cả thân thể mình” (Gia 3:2, chú thích, 3). Dây cương được buộc vào đầu ngựa và hàm thiếc được đặt vào mõm ngựa. Người cưỡi ngựa có thể kéo dây cương ngược lại đằng sau để điều khiển con ngựa chạy theo hướng nào đó hoặc bắt nó dừng lại. Nếu người cưỡi ngựa không kiểm soát được dây cương, có thể con ngựa sẽ chạy lung tung và gây nguy hiểm cho chính nó lẫn người ấy. Tương tự, nếu không kìm giữ lời nói, chúng ta có thể gặp nhiều vấn đề. Hãy xem một số trường hợp mà chúng ta cần “kéo dây cương”, tức kiểm soát lời nói của mình.

12. Khi nào chúng ta cần kiểm soát lời nói của mình?

12 Anh chị phản ứng thế nào khi một anh em biết thông tin bí mật? Chẳng hạn, khi gặp một người sống ở đất nước mà hoạt động của chúng ta bị cấm đoán, anh chị có muốn gặng hỏi người ấy thông tin về hoạt động của chúng ta ở nước đó không? Hẳn anh chị có ý tốt. Chúng ta yêu thương anh em và quan tâm đến điều xảy ra với họ. Chúng ta cũng muốn cầu nguyện cụ thể cho họ. Tuy nhiên, đây là lúc chúng ta cần kiểm soát lời nói. Nếu gây áp lực để một người chia sẻ thông tin bí mật, chúng ta cho thấy mình thiếu yêu thương với cả người ấy lẫn những anh chị tin tưởng người ấy sẽ giữ bí mật về hoạt động của họ. Chắc chắn, không ai trong chúng ta muốn gây thêm khó khăn cho anh em ở những nước bị cấm đoán. Tương tự, những anh chị phụng sự ở một nước như thế cũng không muốn tiết lộ về cách thực hiện thánh chức hoặc các hoạt động khác của Nhân Chứng ở đó.

13. Như được nói nơi Châm ngôn 11:13, các trưởng lão cần làm gì, và tại sao?

13 Đặc biệt các trưởng lão cần áp dụng nguyên tắc nơi Châm ngôn 11:13 bằng cách giữ kín thông tin. (Đọc). Điều này có thể là thách đố, đặc biệt với trưởng lão đã kết hôn. Một cặp vợ chồng có thể thắt chặt mối quan hệ bằng cách trò chuyện và chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc và lo lắng thầm kín của mình. Nhưng một trưởng lão hiểu rằng mình không được tiết lộ “tin cần giữ kín” của các anh chị trong hội thánh. Nếu tiết lộ, anh sẽ đánh mất lòng tin của họ hoặc hủy hoại thanh danh của mình. Những anh có trách nhiệm trong hội thánh không thể “nói hai lời” hay gian dối (1 Ti 3:8, chú thích). Điều này có nghĩa là họ không được lừa gạt hoặc ngồi lê đôi mách. Nếu yêu thương vợ, một trưởng lão sẽ không tiết lộ cho chị thông tin mà chị không cần biết.

14. Vợ của trưởng lão có thể giúp anh giữ danh tiếng tốt bằng cách nào?

14 Vợ của trưởng lão có thể giúp chồng giữ danh tiếng tốt bằng cách tránh gặng hỏi anh về những vấn đề cần giữ kín. Khi áp dụng lời khuyên này, chị không chỉ ủng hộ chồng mà còn cho thấy mình tôn trọng người nói với anh chuyện cần giữ kín. Trên hết, chị làm vui lòng Đức Giê-hô-va vì đã góp phần tạo sự hòa thuận và hợp nhất trong hội thánh.—Rô 14:19.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CẢM THẤY THẾ NÀO VỀ NHỮNG GÌ CHÚNG TA NÓI?

15. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về ba người bạn của Gióp, và tại sao?

15 Qua sách Gióp, chúng ta học được nhiều về thời điểm nói và cách nói. Sau khi Gióp trải qua hàng loạt tai họa, bốn người nam đến an ủi và khuyên bảo ông. Họ đã im lặng trong nhiều ngày. Nhưng sau đó, ba trong bốn người này là Ê-li-pha, Binh-đát và Xô-pha đã nói những lời cho thấy họ không hề dành thời gian im lặng ấy để nghĩ đến việc giúp đỡ Gióp. Thay vì thế, họ nghĩ đến cách để chứng tỏ ông đã làm gì đó sai. Một số điều họ nói là đúng, nhưng đa phần lời họ nói về Gióp và Đức Giê-hô-va là thiếu tử tế hoặc không đúng sự thật. Họ xét đoán Gióp một cách thậm tệ (Gióp 32:1-3). Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào? Cơn giận của ngài nổi phừng trên ba người này. Ngài gọi họ là những người dại dột và bảo họ phải nhờ Gióp cầu nguyện cho họ.—Gióp 42:7-9.

16. Chúng ta học được gì từ gương xấu của Ê-li-pha, Binh-đát và Xô-pha?

16 Chúng ta rút ra một số bài học từ gương xấu của Ê-li-pha, Binh-đát và Xô-pha. Thứ nhất, chúng ta không nên xét đoán anh em mình (Mat 7:1-5). Nhưng cần lắng nghe cẩn thận trước khi nói. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể hiểu được vấn đề (1 Phi 3:8). Thứ hai, đến lúc nói chúng ta cần đảm bảo là mình nói tử tế và đúng sự thật (Ê-phê 4:25). Thứ ba, Đức Giê-hô-va rất quan tâm đến những gì chúng ta nói với người khác.

17. Chúng ta học được gì từ gương của Ê-li-hu?

17 Người thứ tư đến thăm Gióp là Ê-li-hu, một người bà con của Áp-ra-ham. Ông đã lắng nghe khi Gióp và ba người kia nói. Hẳn Ê-li-hu rất quan tâm đến điều họ nói, nhờ thế ông có thể đưa ra một số lời khuyên chân thành và thẳng thắn để giúp Gióp điều chỉnh suy nghĩ (Gióp 33:1, 6, 17). Mối quan tâm chính của Ê-li-hu là tôn vinh Đức Giê-hô-va, chứ không phải bản thân hoặc người khác (Gióp 32:21, 22; 37:23, 24). Qua gương của Ê-li-hu, chúng ta rút ra một bài học là có lúc cần im lặng để lắng nghe (Gia 1:19). Chúng ta cũng học được rằng mối quan tâm chính của mình khi cho lời khuyên là đem lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va, chứ không phải bản thân.

18. Làm thế nào để cho thấy chúng ta quý trọng món quà lời nói?

18 Chúng ta cho thấy mình quý trọng món quà lời nói bằng cách làm theo lời khuyên trong Kinh Thánh về việc nên nói khi nào và như thế nào. Vua Sa-lô-môn được soi dẫn để viết: “Lời nói ra đúng lúc đúng thời như táo vàng trên khay bạc chạm trổ” (Châm 25:11). Nếu cẩn thận lắng nghe người khác và suy nghĩ trước khi lên tiếng, lời nói của chúng ta có thể giống như trái táo bằng vàng, vừa đẹp vừa có giá trị. Lúc ấy, dù chúng ta nói ít hay nhiều thì lời nói của chúng ta vẫn mang tính xây dựng và làm vui lòng Đức Giê-hô-va (Châm 23:15; Ê-phê 4:29). Quả là một cách tuyệt vời để thể hiện lòng biết ơn về món quà này đến từ Đức Chúa Trời!

BÀI HÁT 82 “Hãy chiếu ánh sáng của anh em”

^ đ. 5 Lời Đức Chúa Trời chứa đựng những nguyên tắc giúp chúng ta biết khi nào nên nói và khi nào nên im lặng. Nếu hiểu và áp dụng các nguyên tắc ấy, chúng ta sẽ nói những lời làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va.

^ đ. 62 HÌNH ẢNH: Một chị cho chị khác lời khuyên khôn ngoan.

^ đ. 64 HÌNH ẢNH: Một anh khuyên anh khác về việc giữ vệ sinh.

^ đ. 66 HÌNH ẢNH: Vào đúng thời điểm, A-bi-ga-in đến nói chuyện với Đa-vít, điều này mang lại kết quả tốt.

^ đ. 68 HÌNH ẢNH: Một cặp vợ chồng không tiết lộ thông tin về công việc Nước Trời ở nơi bị cấm đoán.

^ đ. 70 HÌNH ẢNH: Một trưởng lão đảm bảo là vợ mình không nghe thấy khi anh nói về vấn đề cần giữ kín của hội thánh.