Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 10

Báp-têm vì yêu thương và biết ơn Đức Giê-hô-va

Báp-têm vì yêu thương và biết ơn Đức Giê-hô-va

“Có gì cản tôi chịu phép báp-têm không?”—CÔNG 8:36.

BÀI HÁT 37 Phụng sự Đức Giê-hô-va hết mình

GIỚI THIỆU *

1, 2. Như được thấy nơi Công vụ 8:27-31, 35-38, điều gì thúc đẩy viên quan người Ê-thi-ô-bi chịu phép báp-têm?

Bạn có muốn báp-têm và trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô không? Tình yêu thương và lòng biết ơn đã thôi thúc nhiều người làm thế. Hãy xem gương của một viên quan phục vụ dưới quyền nữ vương của Ê-thi-ô-bi.

2 Viên quan này ngay lập tức hành động dựa trên những gì ông học được trong Kinh Thánh. (Đọc Công vụ 8:27-31, 35-38). Điều gì thúc đẩy ông làm thế? Hẳn là vì ông quý trọng Lời Đức Chúa Trời. Trên đường trở về từ Giê-ru-sa-lem, ông đã đọc một đoạn trong sách Ê-sai khi ngồi trên xe ngựa. Và khi nói chuyện với Phi-líp, viên quan này bắt đầu biết ơn về điều Chúa Giê-su làm cho mình. Nhưng tại sao ông đến Giê-ru-sa-lem? Vì ông đã có tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va. Làm thế nào chúng ta biết điều này? Viên quan ấy vừa đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng ngài. Dường như ông đã từ bỏ tôn giáo của mình và chọn bước theo dân tộc duy nhất được dâng riêng cho Đức Chúa Trời. Cũng chính tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy ông thực hiện quyết định quan trọng khác, đó là báp-têm và trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô.—Mat 28:19.

3. Điều gì có thể ngăn cản một người chịu phép báp-têm? (Xem khung “ Lòng bạn giống loại đất nào?”).

3 Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va có thể thúc đẩy bạn chịu phép báp-têm. Nhưng có khi chính tình yêu thương lại ngăn cản bạn làm thế. Như thế nào? Hãy xem một số ví dụ. Có lẽ bạn rất yêu thương người thân và bạn bè không cùng đức tin, nên bạn lo sợ rằng nếu báp-têm, bạn sẽ bị họ ghét bỏ (Mat 10:37). Hoặc có những thói quen mà bạn thích nhưng lại là điều Đức Chúa Trời ghét, và bạn thấy khó từ bỏ những thói quen ấy (Thi 97:10). Cũng có thể bạn lớn lên trong một gia đình thường tổ chức các ngày lễ liên quan đến tôn giáo sai lầm, và bạn yêu quý những kỷ niệm đẹp trong các ngày lễ này. Thế nên, dù biết các ngày lễ ấy làm buồn lòng Đức Giê-hô-va nhưng bạn thấy khó để không tham gia (1 Cô 10:20, 21). Bạn cần tự hỏi: “Mình yêu quý ai hay điều gì nhất?”.

TÌNH YÊU THƯƠNG CAO QUÝ NHẤT

4. Động lực chính để bạn báp-têm là gì?

4 Trước khi tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, có lẽ bạn đã rất yêu mến Kinh Thánh và Chúa Giê-su. Giờ đây, bạn biết Nhân Chứng và thích kết hợp với họ. Tuy nhiên, việc yêu thích những điều tốt đẹp ấy không nhất thiết thúc đẩy bạn dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm. Động lực chính để bạn báp-têm nên là tình yêu thương dành cho ngài. Khi yêu thương Đức Giê-hô-va trên hết, bạn sẽ không để bất cứ ai hay điều gì ngăn cản mình phụng sự ngài. Có thể nói, tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va là cánh cửa dẫn đến việc báp-têm, và là rào chắn an toàn giúp bạn không đi chệch khỏi con đường sự sống.

5. Bài này sẽ xem xét điều gì?

5 Chúa Giê-su nói rằng chúng ta phải yêu thương Đức Giê-hô-va hết lòng, hết mình, hết tâm trí và hết sức lực (Mác 12:30). Làm sao để yêu thương và tôn kính ngài một cách sâu xa như vậy? Việc suy ngẫm về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta sẽ thúc đẩy chúng ta yêu mến ngài (1 Giăng 4:19). Bài này sẽ xem xét những điều bạn cần làm để vun trồng tình yêu thương ấy và chịu phép báp-têm. *

6. Theo Rô-ma 1:20, một cách bạn có thể học về Đức Giê-hô-va là gì?

6 Học về Đức Giê-hô-va qua công trình sáng tạo. (Đọc Rô-ma 1:20; Khải 4:11). Hãy suy ngẫm về sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va được thấy rõ qua cách ngài thiết kế các loài động thực vật. Bạn cũng có thể tìm hiểu đôi chút xem cơ thể con người được tạo nên một cách kỳ diệu như thế nào (Thi 139:14). Cũng hãy nghĩ đến năng lượng mà Đức Giê-hô-va đặt vào mặt trời, là một trong số hàng tỉ các vì sao * (Ê-sai 40:26). Khi làm thế, lòng tôn kính của bạn dành cho ngài sẽ ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, việc biết về sự khôn ngoan và quyền năng của Đức Giê-hô-va chỉ là một phần nền tảng của mối quan hệ giữa bạn với ngài. Để yêu thương Đức Giê-hô-va sâu đậm, bạn cần tìm hiểu nhiều hơn về ngài.

7. Để yêu thương Đức Giê-hô-va sâu đậm, bạn cần tin chắc điều gì?

7 Bạn cần tin chắc là Đức Giê-hô-va quan tâm đến bạn. Bạn có thấy khó để tin là Đấng Tạo Hóa của trời đất biết đến sự tồn tại của bạn và quan tâm tới bạn không? Nếu có, hãy nhớ rằng “ngài không ở xa mỗi người trong chúng ta” (Công 17:26-28). Ngài “dò thấu mọi tấm lòng”, và hứa với bạn một điều như lời Đa-vít nói với Sa-lô-môn: “Nếu con tìm kiếm ngài, ngài sẽ cho con gặp” (1 Sử 28:9). Thật ra, hiện nay bạn đang tìm hiểu Kinh Thánh là nhờ được ngài kéo đến (Giê 31:3). Càng biết ơn về mọi điều Đức Giê-hô-va làm cho mình, bạn sẽ càng yêu mến ngài sâu đậm hơn.

8. Một cách để đáp lại tình yêu thương của Đức Giê-hô-va là gì?

8 Một cách để đáp lại tình yêu thương của Đức Giê-hô-va là nói chuyện với ngài qua lời cầu nguyện. Khi chia sẻ với Đức Chúa Trời những mối lo lắng và cảm tạ về mọi điều ngài làm cho mình, bạn sẽ yêu thương ngài nhiều hơn. Và khi bạn thấy cách Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện thì mối quan hệ giữa bạn với ngài sẽ được củng cố (Thi 116:1). Bạn sẽ tin chắc là ngài thấu hiểu bạn. Nhưng để đến gần Đức Giê-hô-va hơn, bạn cần biết tư tưởng của ngài cũng như điều ngài đòi hỏi nơi bạn. Cách duy nhất để biết được những điều ấy là học Lời ngài.

Cách tốt nhất để đến gần Đức Giê-hô-va và biết được điều ngài đòi hỏi nơi chúng ta là học Kinh Thánh (Xem đoạn 9) *

9. Bạn cho thấy mình quý trọng Kinh Thánh bằng cách nào?

9 Tập quý trọng Lời Đức Chúa Trời. Chỉ có Kinh Thánh mới tiết lộ những sự thật về Đức Giê-hô-va và ý định của ngài đối với chúng ta. Bạn cho thấy mình quý trọng Lời ngài bằng cách đọc Kinh Thánh hằng ngày, chuẩn bị cho cuộc học hỏi Kinh Thánh và áp dụng điều đã học (Thi 119:97, 99; Giăng 17:17). Bạn có chương trình đọc Kinh Thánh cá nhân không? Bạn có theo sát chương trình đó qua việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày không?

10. Một điểm đặc biệt của Kinh Thánh là gì?

10 Một điểm đặc biệt của Kinh Thánh là sách này có lời kể của những người tận mắt chứng kiến các việc Chúa Giê-su làm. Đó là sách duy nhất giải thích chính xác điều Chúa Giê-su đã làm cho bạn. Khi tìm hiểu những điều Chúa Giê-su nói và làm, rất có thể bạn sẽ được thúc đẩy để xây dựng tình bạn với ngài.

11. Điều gì có thể giúp bạn yêu thương Đức Giê-hô-va nhiều hơn?

11 Vun trồng tình yêu thương với Chúa Giê-su, và nhờ đó yêu thương Đức Giê-hô-va nhiều hơn. Tại sao? Vì Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo các đức tính của Cha ngài (Giăng 14:9). Thế nên, càng tìm hiểu về Chúa Giê-su, bạn càng hiểu rõ và biết ơn Đức Giê-hô-va nhiều hơn. Hãy nghĩ đến việc Chúa Giê-su thể hiện lòng trắc ẩn với những người bị xem thường, chẳng hạn người nghèo, người đau bệnh và người cô thế. Cũng hãy suy ngẫm những lời khuyên thực tế của Chúa Giê-su dành cho bạn và nghĩ xem đời sống bạn cải thiện thế nào khi lắng nghe ngài.—Mat 5:1-11; 7:24-27.

12. Khi tìm hiểu về Chúa Giê-su, bạn có thể được thúc đẩy để làm gì?

12 Rất có thể bạn sẽ yêu thương Chúa Giê-su nhiều hơn khi suy ngẫm về việc ngài hy sinh mạng sống để chúng ta được tha tội (Mat 20:28). Khi biết Chúa Giê-su sẵn lòng chết cho bạn, có thể bạn sẽ được thúc đẩy để ăn năn và tìm kiếm sự tha thứ của Đức Giê-hô-va (Công 3:19, 20; 1 Giăng 1:9). Càng yêu mến Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, bạn sẽ càng muốn đến gần những người yêu mến hai đấng ấy.

13. Đức Giê-hô-va ban cho bạn điều gì?

13 Vun trồng tình yêu thương với gia đình của Đức Giê-hô-va. Có lẽ người thân không cùng đức tin và bạn bè trước kia không hiểu tại sao bạn muốn dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Có thể họ chống đối bạn. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va sẽ giúp đỡ bằng cách ban cho bạn một gia đình thiêng liêng. Nếu gắn bó với gia đình ấy, bạn sẽ tìm được tình yêu thương và sự hỗ trợ cần thiết (Mác 10:29, 30; Hê 10:24, 25). Theo thời gian, người thân trong gia đình có thể cùng bạn phụng sự Đức Giê-hô-va và sống theo tiêu chuẩn của ngài.—1 Phi 2:12.

14. Dựa trên 1 Giăng 5:3, bạn thấy tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va như thế nào?

14 Tập quý trọng và áp dụng các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Trước khi biết Đức Giê-hô-va, có lẽ bạn sống theo tiêu chuẩn riêng của mình. Giờ đây, bạn thấy tiêu chuẩn của ngài vượt trội hơn hẳn (Thi 1:1-3; đọc 1 Giăng 5:3). Hãy nghĩ đến những lời khuyên trong Kinh Thánh dành cho người chồng, người vợ, cha mẹ và con cái (Ê-phê 5:22–6:4). Khi áp dụng những lời khuyên đó, bạn có thấy gia đình mình hạnh phúc hơn không? Khi làm theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va về việc khéo chọn bạn, bạn có cải thiện được nhân cách và hạnh phúc hơn không? (Châm 13:20; 1 Cô 15:33). Hẳn câu trả lời của bạn là có.

15. Bạn có thể làm gì nếu muốn biết cách áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh?

15 Đôi khi bạn không biết rõ cách áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh. Đó là lý do Đức Giê-hô-va dùng tổ chức của ngài để cung cấp những tài liệu dựa trên Kinh Thánh hầu giúp bạn phân biệt điều đúng, điều sai (Hê 5:13, 14). Khi đọc và nghiên cứu những tài liệu này, bạn sẽ thấy chúng thật thiết thực và cụ thể. Nhờ thế, rất có thể bạn muốn gắn bó với tổ chức của Đức Giê-hô-va.

16. Đức Giê-hô-va tổ chức dân ngài ra sao?

16 Tập yêu mến và ủng hộ tổ chức của Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va tổ chức dân ngài thành các hội thánh và lập Con ngài làm đầu hội thánh (Ê-phê 1:22; 5:23). Chúa Giê-su bổ nhiệm một nhóm nhỏ gồm những anh được xức dầu để tổ chức công việc mà ngài muốn thực hiện ngày nay. Ngài gọi nhóm nhỏ này là “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”. Nhóm nhỏ này xem trọng trách nhiệm nuôi dưỡng và bảo vệ bạn về mặt thiêng liêng (Mat 24:45-47). Một cách mà đầy tớ trung tín chăm sóc bạn là đảm bảo rằng có những trưởng lão được bổ nhiệm để chăn dắt hội thánh (Ê-sai 32:1, 2; Hê 13:17; 1 Phi 5:2, 3). Các trưởng lão hết lòng hỗ trợ và khích lệ bạn, đồng thời giúp bạn đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Một trong những điều quan trọng nhất họ có thể làm là giúp bạn trở thành người rao giảng hữu hiệu.—Ê-phê 4:11-13.

17. Theo Rô-ma 10:10, 13, 14, tại sao chúng ta nói cho người khác biết về Đức Giê-hô-va?

17 Giúp người khác vun trồng tình yêu thương với Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su lệnh cho các môn đồ dạy người khác về Đức Giê-hô-va (Mat 28:19, 20). Có thể một người vâng theo mệnh lệnh này chỉ vì trách nhiệm. Nhưng khi yêu thương Đức Giê-hô-va sâu đậm hơn, bạn sẽ có cùng cảm xúc với sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng khi họ nói: “Chúng tôi không thể ngưng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công 4:20). Ít có công việc nào đem lại nhiều niềm vui như việc giúp người khác yêu thương Đức Giê-hô-va. Hãy hình dung Phi-líp cảm thấy vui mừng thế nào khi giúp viên quan người Ê-thi-ô-bi biết được sự thật trong Kinh Thánh và chịu phép báp-têm. Khi noi gương Phi-líp và vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su về việc rao giảng, bạn cho thấy mình muốn trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. (Đọc Rô-ma 10:10, 13, 14). Lúc đó, rất có thể bạn sẽ nêu lên câu hỏi giống như viên quan người Ê-thi-ô-bi: “Có gì cản tôi chịu phép báp-têm không?”.—Công 8:36.

18. Những câu hỏi nào sẽ được giải đáp trong bài kế tiếp?

18 Báp-têm là quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời bạn. Thế nên, bạn cần suy nghĩ kỹ về ý nghĩa của việc báp-têm. Vậy bạn cần biết gì về việc báp-têm? Bạn cần làm gì trước và sau khi báp-têm? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong bài kế tiếp.

BÀI HÁT 2 Giê-hô-va là danh Cha

^ đ. 5 Một số người yêu thương Đức Giê-hô-va nhưng lại không chắc là mình đã sẵn sàng báp-têm và trở thành Nhân Chứng của ngài hay chưa. Nếu bạn cảm thấy như thế thì bài này sẽ giúp bạn xem xét một số cách thực tế để tiến đến bước báp-têm.

^ đ. 5 Vì mỗi người mỗi khác nên một số người có thể áp dụng những gợi ý trong bài này theo trình tự khác nhau.

^ đ. 6 Để biết thêm những ví dụ khác, xin xem sách mỏng Sự sống—Do sáng tạo?Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng.

^ đ. 61 HÌNH ẢNH: Một chị tặng tờ chuyên đề cho một người phụ nữ trẻ mà chị gặp khi đang đi chợ.