Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 11

Hãy nhận sức mạnh từ Kinh Thánh

Hãy nhận sức mạnh từ Kinh Thánh

‘Đức Chúa Trời ban sức chịu đựng’.RÔ 15:5.

BÀI HÁT 94 Biết ơn Đức Chúa Trời vì đã ban Lời ngài

GIỚI THIỆU *

1. Dân Đức Giê-hô-va có lẽ phải đương đầu với những thử thách nào?

Anh chị có đang gặp một thử thách khó đương đầu không? Có lẽ anh chị bị ai đó trong hội thánh làm tổn thương (Gia 3:2). Hoặc anh chị bị đồng nghiệp hay bạn học chế giễu vì phụng sự Đức Giê-hô-va (1 Phi 4:3, 4). Hay các thành viên trong gia đình cố ngăn cản anh chị tham dự nhóm họp hoặc chia sẻ niềm tin với người khác (Mat 10:35, 36). Nếu đó là một thử thách cam go, có thể anh chị muốn bỏ cuộc. Nhưng hãy tin chắc rằng dù anh chị phải đối mặt với thử thách nào đi nữa, Đức Giê-hô-va sẽ ban cho anh chị sự khôn ngoan để đương đầu và sức mạnh để chịu đựng.

2. Theo Rô-ma 15:4, việc đọc Kinh Thánh mang lại lợi ích nào cho chúng ta?

2 Trong Lời ngài, Đức Giê-hô-va cho ghi lại những lời tường thuật chi tiết về cách con người bất toàn đương đầu với những thử thách khó khăn. Tại sao? Để chúng ta có thể học từ những lời tường thuật ấy, và đây là điều Đức Giê-hô-va soi dẫn sứ đồ Phao-lô viết nơi Rô-ma 15:4. (Đọc). Đọc những lời tường thuật này có thể giúp chúng ta được an ủi và có hy vọng. Nhưng để nhận được lợi ích, chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ đọc Kinh Thánh. Chúng ta cần để Kinh Thánh uốn nắn lối suy nghĩ và động đến lòng. Chúng ta có thể làm gì nếu đang tìm sự hướng dẫn để biết cách đương đầu với một thử thách nào đó? Chúng ta có thể dùng phương pháp gồm bốn bước sau: (1Cầu nguyện, (2Tưởng tượng, (3Suy ngẫm (4Áp dụng. Hãy cùng xem mỗi bước này bao gồm điều gì. * Rồi chúng ta sẽ dùng phương pháp học hỏi này để rút ra bài học từ những gì xảy ra cho vua Đa-vít và sứ đồ Phao-lô.

1. CẦU NGUYỆN

Trước khi đọc Kinh Thánh, hãy xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị nhận ra những điểm có thể mang lại lợi ích cho mình (Xem đoạn 3)

3. Trước khi đọc Kinh Thánh, anh chị nên làm gì, và tại sao?

3 (1Cầu nguyện. Trước khi đọc Kinh Thánh, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị nhận ra những điểm có thể mang lại lợi ích cho mình. Chẳng hạn, nếu đang tìm lời khuyên để biết cách đương đầu với một vấn đề, hãy xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị tìm được các nguyên tắc trong Lời ngài có thể hướng dẫn anh chị.—Phi-líp 4:6, 7; Gia 1:5.

2. TƯỞNG TƯỢNG

Hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của nhân vật chính trong lời tường thuật (Xem đoạn 4)

4. Điều gì có thể làm cho lời tường thuật Kinh Thánh trở nên sống động?

4 (2Tưởng tượng. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta một khả năng tuyệt vời, đó là khả năng tưởng tượng. Để lời tường thuật Kinh Thánh trở nên sống động, hãy cố gắng hình dung cảnh vật và đặt mình vào vị trí của nhân vật chính. Hãy cố gắng thấy những gì người ấy thấy và cảm nhận cảm xúc mà có lẽ người đó có.

3. SUY NGẪM

Hãy suy nghĩ kỹ về những gì mình đọc và xem thông tin đó áp dụng thế nào cho mình (Xem đoạn 5)

5. Suy ngẫm là gì, và anh chị có thể suy ngẫm bằng cách nào?

5 (3Suy ngẫm. Suy ngẫm nghĩa là suy nghĩ kỹ về những gì mình đọc và xem thông tin đó áp dụng thế nào cho mình. Điều này sẽ giúp anh chị liên kết các ý tưởng và hiểu sâu hơn về một đề tài. Đọc Kinh Thánh mà không suy ngẫm thì giống như chỉ nhìn những mảnh ghép trên bàn mà không ghép chúng lại. Suy ngẫm giống như việc ghép các mảnh đó lại với nhau để có thể thấy toàn bộ bức tranh. Để giúp mình suy ngẫm, anh chị có thể tự hỏi và trả lời những câu hỏi như: “Nhân vật chính trong lời tường thuật này đã làm gì trong khả năng để giải quyết vấn đề? Đức Giê-hô-va giúp người ấy ra sao? Bài học rút ra có thể giúp mình chịu đựng thử thách như thế nào?”.

4. ÁP DỤNG

Hãy áp dụng những gì mình học để đưa ra quyết định tốt hơn, để có bình an hơn và có đức tin mạnh hơn (Xem đoạn 6)

6. Tại sao chúng ta cần áp dụng những gì mình học?

6 (4Áp dụng. Chúa Giê-su nói nếu không áp dụng những gì mình học thì chúng ta sẽ giống như một người xây nhà trên cát. Người ấy làm việc vất vả nhưng thật uổng công. Tại sao? Vì khi mưa bão và nước lũ tràn đến thì nhà sụp đổ tan tành (Mat 7:24-27). Tương tự, nếu chúng ta cầu nguyện, tưởng tượng và suy ngẫm nhưng không áp dụng những gì mình học, nỗ lực của chúng ta sẽ uổng công. Khi gặp thử thách hay bắt bớ, đức tin của chúng ta sẽ không đủ mạnh. Trái lại, khi học hỏi và áp dụng điều mình học, chúng ta sẽ đưa ra những quyết định tốt hơn, chúng ta sẽ có bình an hơn và có đức tin mạnh hơn (Ê-sai 48:17, 18). Bằng cách dùng bốn bước vừa thảo luận, hãy cùng xem chúng ta học được gì từ những điều xảy ra cho vua Đa-vít.

ANH CHỊ HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ VUA ĐA-VÍT?

7. Chúng ta sẽ xem xét lời tường thuật nào?

7 Anh chị có bị một người bạn hoặc một người trong gia đình phản bội lòng tin không? Nếu thế, anh chị sẽ nhận được lợi ích khi xem xét lời tường thuật về con trai của vua Đa-vít là Áp-sa-lôm, người phản bội cha và cố chiếm lấy ngôi cha.—2 Sa 15:5-14, 31; 18:6-14.

8. Anh chị có thể làm gì để được Đức Giê-hô-va giúp?

8 (1Cầu nguyện. Ghi nhớ lời tường thuật này, hãy cho Đức Giê-hô-va biết anh chị cảm thấy thế nào về cách mình bị đối xử (Thi 6:6-9). Hãy nói một cách cụ thể. Rồi xin ngài giúp anh chị nhận ra các nguyên tắc có thể giúp mình biết cách đương đầu với thử thách khó khăn ấy.

9. Hãy tóm lược những sự kiện liên quan đến Đa-vít và Áp-sa-lôm.

9 (2Tưởng tượng. Hãy nghĩ đến những sự kiện trong lời tường thuật này và hình dung vua Đa-vít bị ảnh hưởng thế nào. Trong vài năm, con trai của Đa-vít là Áp-sa-lôm nỗ lực để cố lấy lòng dân chúng (2 Sa 15:7). Khi Áp-sa-lôm thấy thời điểm đã chín muồi, hắn sai người do thám đi khắp Y-sơ-ra-ên để giục lòng dân chúng chấp nhận hắn làm vua. Hắn còn thuyết phục A-hi-tô-phe, một trong những người bạn thân và cố vấn của Đa-vít, theo phe hắn để đảo chính. Áp-sa-lôm tuyên bố mình là vua, rồi tìm cách bắt và giết Đa-vít có lẽ lúc đó đang lâm bệnh nặng (Thi 41:1-9). Đa-vít biết được âm mưu này nên chạy trốn khỏi Giê-ru-sa-lem. Cuối cùng, đội quân của Áp-sa-lôm đối đầu với đội quân của Đa-vít. Đội quân phản nghịch bại trận, và con trai của Đa-vít là Áp-sa-lôm bị giết.

10. Vua Đa-vít đã có thể phản ứng thế nào?

10 Kế tiếp, hãy hình dung Đa-vít cảm thấy thế nào khi mọi điều ấy xảy đến với ông. Ông yêu thương Áp-sa-lôm và tin cậy A-hi-tô-phe. Vậy mà cả hai người thân cận này đã phản bội ông. Họ khiến ông vô cùng đau lòng, thậm chí còn cố giết ông. Đa-vít đã có thể mất niềm tin nơi những người bạn khác và nghi ngờ họ cũng theo phe Áp-sa-lôm. Ông đã có thể chỉ nghĩ cho bản thân và tìm cách bỏ trốn một mình. Hay ông đã có thể bỏ cuộc trong nỗi tuyệt vọng. Nhưng Đa-vít đã không làm thế. Thay vì vậy, ông vượt qua thử thách khó khăn này. Điều gì đã giúp ông?

11. Đa-vít đã phản ứng ra sao trước tình huống đầy căng thẳng?

11 (3Suy ngẫm. Anh chị có thể học được các nguyên tắc nào từ lời tường thuật này? Hãy trả lời câu hỏi sau: “Đa-vít đã làm gì trong khả năng để giải quyết vấn đề?”. Đa-vít không hoảng sợ và quyết định hấp tấp hay thiếu khôn ngoan. Ông không để nỗi sợ khiến mình tê liệt, chần chừ. Thay vì thế, ông cầu xin Đức Giê-hô-va trợ giúp. Ông cũng xin sự giúp đỡ từ bạn mình và nhanh chóng làm những điều mình đã quyết định. Dù vô cùng đau lòng, Đa-vít không trở nên hoài nghi và cay đắng. Ông tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va và những người bạn của mình.

12. Đức Giê-hô-va đã làm gì để trợ giúp Đa-vít?

12 Đức Giê-hô-va đã trợ giúp Đa-vít như thế nào? Khi nghiên cứu thêm, anh chị sẽ biết được rằng Đức Giê-hô-va ban cho Đa-vít sức mạnh cần thiết để chịu đựng thử thách (Thi 3:1-8; ghi chú đầu bài). Đức Giê-hô-va ban phước cho những quyết định của ông. Ngài cũng hỗ trợ những người bạn trung thành của Đa-vít khi họ chiến đấu bảo vệ vua.

13. Anh chị có thể bắt chước Đa-vít như thế nào khi bị một người làm tổn thương nặng nề? (Ma-thi-ơ 18:15-17)

13 (4Áp dụng. Hãy tự hỏi: “Làm thế nào mình có thể bắt chước Đa-vít?”. Anh chị cần nhanh chóng hành động để giải quyết vấn đề. Tùy vào hoàn cảnh, anh chị có thể làm theo các bước trong lời khuyên của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ chương 18 hoặc áp dụng nguyên tắc trong lời khuyên này. (Đọc Ma-thi-ơ 18:15-17). Tránh quyết định hấp tấp theo cảm xúc. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho anh chị sự bình tĩnh và sự khôn ngoan cần thiết để đương đầu với vấn đề. Đừng mất niềm tin nơi bạn mình, nhưng hãy sẵn sàng nhận sự trợ giúp từ họ (Châm 17:17). Điều quan trọng nhất là làm theo lời khuyên mà Đức Giê-hô-va ban cho anh chị qua Lời ngài.—Châm 3:5, 6.

ANH CHỊ HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ PHAO-LÔ?

14. Những lời nơi 2 Ti-mô-thê 1:12-16; 4:6-11, 17-22 có thể khích lệ anh chị trong những tình huống nào?

14 Anh chị có đang bị người thân chống đối không? Hay anh chị có đang sống ở một nước mà công việc của dân Đức Giê-hô-va bị hạn chế hoặc thậm chí bị cấm không? Nếu thế, anh chị có thể được khích lệ khi đọc 2 Ti-mô-thê 1:12-16 và 4:6-11, 17-22. * Phao-lô viết phần Kinh Thánh này khi ông ở trong chốn lao tù.

15. Anh chị có thể xin Đức Giê-hô-va điều gì?

15 (1Cầu nguyện. Trước khi đọc những đoạn Kinh Thánh trên nói về thử thách của Phao-lô, hãy cho Đức Giê-hô-va biết vấn đề và cảm xúc của anh chị khi phải đương đầu với vấn đề đó. Hãy nói một cách cụ thể. Rồi xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị nhận ra những nguyên tắc trong các lời tường thuật ấy để biết cách đương đầu với thử thách của mình.

16. Hãy tóm lược hoàn cảnh của Phao-lô.

16 (2Tưởng tượng. Hãy hình dung mình đang ở trong hoàn cảnh của Phao-lô. Ông ngồi tù ở Rô-ma và bị xiềng xích. Trước đây ông từng ngồi tù nhưng lần này, ông biết chắc mình sẽ bị xử tử. Một số người bạn đã bỏ ông, và sức khỏe của ông cũng bị suy kiệt.—2 Ti 1:15.

17. Phao-lô đã có thể phản ứng thế nào?

17 Phao-lô đã có thể tập trung vào quá khứ và cho rằng nếu mình đưa ra những lựa chọn khác thì có lẽ sẽ không bị bắt. Ông đã có thể trở nên cay đắng với những người ở tỉnh A-si-a mà đã bỏ ông và hoài nghi những người bạn khác. Nhưng Phao-lô không làm thế. Điều gì giúp ông không đánh mất niềm tin và hy vọng?

18. Phao-lô đã phản ứng thế nào trước thử thách mà ông phải đối mặt?

18 (3Suy ngẫm. Hãy trả lời câu hỏi sau: “Phao-lô đã làm gì trong khả năng để giải quyết vấn đề?”. Ngay cả khi đứng trước cái chết, Phao-lô không quên vấn đề trọng yếu, đó là mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va. Và ông tiếp tục nghĩ đến cách để khích lệ người khác. Ông nương cậy Đức Giê-hô-va qua việc thường xuyên cầu nguyện (2 Ti 1:3). Thay vì quá tập trung vào những người đã bỏ ông, ông tỏ lòng biết ơn sâu xa với những người bạn đã trung thành trợ giúp ông theo những cách thực tế. Ngoài ra, Phao-lô tiếp tục học Lời Đức Chúa Trời (2 Ti 3:16, 17; 4:13). Điều quan trọng nhất là ông tin chắc Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su yêu thương ông. Hai đấng ấy không từ bỏ ông và sẽ ban thưởng cho sự trung thành của ông.

19. Đức Giê-hô-va giúp Phao-lô như thế nào?

19 Đức Giê-hô-va từng cảnh báo Phao-lô rằng ông sẽ phải chịu sự ngược đãi vì là một tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Công 21:11-13). Đức Giê-hô-va giúp Phao-lô như thế nào? Ngài đáp lại những lời cầu nguyện của ông và ban sức mạnh cho ông (2 Ti 4:17). Phao-lô được đảm bảo rằng ông sẽ nhận được phần thưởng mà ông đã nỗ lực để có. Đức Giê-hô-va cũng thúc đẩy những người bạn trung thành của Phao-lô để trợ giúp ông một cách thiết thực.

20. Ghi nhớ Rô-ma 8:38, 39, làm thế nào chúng ta có thể bắt chước Phao-lô?

20 (4Áp dụng. Hãy tự hỏi: “Làm thế nào mình có thể bắt chước Phao-lô?”. Như Phao-lô, chúng ta biết rằng mình sẽ bị ngược đãi vì đức tin (Mác 10:29, 30). Để gìn giữ lòng trọn thành khi gặp thử thách, chúng ta cần nương cậy nơi Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và giữ thói quen học hỏi tốt. Hãy luôn nhớ rằng điều quan trọng nhất mình có thể làm là mang lại sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ từ bỏ chúng ta và không ai có thể phá vỡ tình yêu thương mà ngài dành cho mình.—Đọc Rô-ma 8:38, 39; Hê 13:5, 6.

HỌC TỪ NHỮNG NHÂN VẬT KHÁC TRONG KINH THÁNH

21. Điều gì giúp chị Aya và anh Hector vượt qua những thử thách mà họ gặp?

21 Dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể nhận được sức mạnh từ các gương trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, một chị tiên phong ở Nhật Bản tên Aya nói rằng câu chuyện về Giô-na đã giúp chị vượt qua nỗi sợ làm chứng nơi công cộng. Anh Hector, một anh trẻ ở Indonesia có cha mẹ không phụng sự Đức Giê-hô-va, cho biết gương của Ru-tơ thôi thúc anh học về Đức Giê-hô-va và phụng sự ngài.

22. Làm thế nào để nhận lợi ích tối đa từ các vở kịch Kinh Thánh hoặc loạt bài “Hãy noi theo đức tin của họ”?

22 Anh chị có thể tìm nơi đâu các gương trong Kinh Thánh sẽ thêm sức cho mình? Các video, kịch thu âm và loạt bài “Hãy noi theo đức tin của họ” làm cho các sự kiện trong Kinh Thánh trở nên sống động. * Trước khi xem, nghe hoặc đọc những tài liệu được nghiên cứu kỹ lưỡng ấy, hãy xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị tìm thấy những bài học mà mình có thể áp dụng. Hãy hình dung mình ở trong vị trí của nhân vật chính. Suy ngẫm về những điều mà các tôi tớ trung thành ấy đã làm và cách Đức Giê-hô-va giúp họ vượt qua khó khăn. Rồi áp dụng những bài học ấy cho hoàn cảnh của mình. Hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va về sự trợ giúp mà ngài đang ban và cho thấy anh chị biết ơn sự trợ giúp đó bằng cách tìm cơ hội để khích lệ và hỗ trợ người khác.

23. Theo Ê-sai 41:10, 13, Đức Giê-hô-va hứa sẽ làm gì cho chúng ta?

23 Đời sống trong thế gian dưới sự cai trị của Sa-tan rất khó đương đầu, thậm chí có thể khiến chúng ta choáng ngợp (2 Ti 3:1). Nhưng chúng ta không cần lo lắng hoặc sợ hãi. Đức Giê-hô-va biết những điều chúng ta đang gặp phải. Khi chúng ta ngã, ngài hứa sẽ giữ chặt chúng ta bằng tay hữu mạnh mẽ của ngài. (Đọc Ê-sai 41:10, 13). Với lòng tin chắc nơi sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể nhận được sức mạnh từ Kinh Thánh và vượt qua bất cứ thử thách nào.

BÀI HÁT 96 Cuốn sách của Đức Chúa Trời—Kho tàng vô giá

^ đ. 5 Nhiều lời tường thuật trong Kinh Thánh chứng tỏ rằng Đức Giê-hô-va yêu thương tôi tớ ngài và sẽ giúp họ vượt qua bất cứ thử thách nào. Bài này thảo luận cách học hỏi cá nhân sẽ giúp anh chị nhận nhiều lợi ích hơn từ các lời tường thuật trong Kinh Thánh.

^ đ. 2 Đây chỉ là một trong những phương pháp học hỏi mà anh chị có thể dùng. Anh chị có thể tìm thêm các gợi ý khác về cách học Kinh Thánh trong Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va, dưới đề tài “Kinh Thánh”, rồi vào chủ đề “Đọc và hiểu Kinh Thánh”.

^ đ. 14 Không đọc những lời tường thuật này trong Phần học Tháp Canh của hội thánh.

^ đ. 22 Xem “Hãy noi theo đức tin của họ—Những người nam và nữ trong Kinh Thánh” trên jw.org. (Vào mục KINH THÁNH GIÚP BẠN > ĐỨC TIN).