Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 9

Hỡi các anh trẻ—Làm sao để được người khác tin cậy?

Hỡi các anh trẻ—Làm sao để được người khác tin cậy?

“Ngài có đoàn ngũ thanh niên tựa bao giọt sương”.—THI 110:3.

BÀI HÁT 39 Tạo danh tiếng tốt trước mắt Chúa

GIỚI THIỆU *

1. Chúng ta có thể nói gì về các anh trẻ trong hội thánh?

Các anh trẻ thân mến, các anh có thể giúp ích rất nhiều cho hội thánh. Nhiều người trong các anh có sức mạnh và tràn đầy năng lực (Châm 20:29). Các anh rất quý đối với hội thánh. Có lẽ các anh mong chờ đến lúc mình được bổ nhiệm làm phụ tá. Tuy nhiên, các anh có thể cảm thấy rằng người khác xem mình còn quá trẻ hoặc thiếu kinh nghiệm nên chưa thể được giao nhiệm vụ quan trọng. Dù còn trẻ nhưng các anh có thể làm nhiều điều ngay bây giờ để gây dựng lòng tin cậy của anh chị trong hội thánh.

2. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

2 Trong bài này, chúng ta sẽ tập trung vào cuộc đời của vua Đa-vít. Chúng ta cũng sẽ xem xét vắn tắt về những sự kiện xảy ra trong cuộc đời hai vị vua của Giu-đa là A-sa và Giê-hô-sa-phát. Hãy xem ba người này đối mặt với những thử thách nào, họ phản ứng ra sao, và các anh trẻ học được gì từ gương của họ.

HỌC TỪ VUA ĐA-VÍT

3. Một cách mà người trẻ có thể giúp các anh chị lớn tuổi là gì?

3 Khi còn trẻ, Đa-vít học những kỹ năng mà người khác xem là đáng quý. Ông rõ ràng là người thiêng liêng tính. Ông siêng năng rèn luyện để trở thành một nhạc sĩ giỏi và dùng tài năng đó để giúp Sau-lơ, vị vua được Đức Chúa Trời bổ nhiệm (1 Sa 16:16, 23). Hỡi các anh trẻ, các anh có kỹ năng nào có thể giúp ích cho người khác không? Hẳn nhiều người trong các anh có. Chẳng hạn, có lẽ anh nhận thấy một số anh chị lớn tuổi biết ơn khi người khác giúp họ biết cách dùng máy tính bảng hoặc thiết bị điện tử khác để học hỏi cá nhân và tham dự nhóm họp. Sự hiểu biết của các anh về các thiết bị ấy có thể mang lại lợi ích rất nhiều cho anh chị lớn tuổi.

Đa-vít cho thấy mình có trách nhiệm và đáng tin cậy khi chăm sóc bầy cừu của cha, ông còn bảo vệ bầy khỏi sự tấn công của gấu (Xem đoạn 4)

4. Như Đa-vít, các anh trẻ cần vun trồng những phẩm chất nào? (Xem hình nơi trang bìa).

4 Trong đời sống hằng ngày, Đa-vít cho thấy ông là người có trách nhiệm và đáng tin cậy. Chẳng hạn, khi còn trẻ, ông siêng năng chăm sóc bầy cừu của cha. Đó là một công việc nguy hiểm. Điều này được thấy qua những lời mà về sau Đa-vít nói với vua Sau-lơ: “Tôi tớ vua là người chăn cừu cho cha mình. Khi sư tử đến bắt một con cừu trong bầy, và lần khác một con gấu cũng làm vậy, thì con liền đuổi theo giết nó và cứu con cừu khỏi miệng nó” (1 Sa 17:34, 35). Đa-vít thấy mình phải chịu trách nhiệm chăm sóc cho bầy cừu, và ông can đảm chiến đấu để bảo vệ bầy. Các anh trẻ có thể bắt chước Đa-vít bằng cách siêng năng thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào được giao.

5. Theo Thi thiên 25:14, điều quan trọng nhất các anh trẻ có thể làm là gì?

5 Lúc còn trẻ, Đa-vít đã vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Mối quan hệ đó quan trọng hơn sự can đảm hay kỹ năng chơi đàn hạc của Đa-vít. Đức Giê-hô-va không chỉ là Đức Chúa Trời của Đa-vít mà còn là Bạn thân của ông. (Đọc Thi thiên 25:14). Hỡi các anh trẻ, điều quan trọng nhất các anh có thể làm là củng cố mối quan hệ với Cha trên trời. Điều này có thể mở ra cho các anh cơ hội được nhận thêm đặc ân trong hội thánh.

6. Một số người đã có quan điểm tiêu cực nào về Đa-vít?

6 Một vấn đề mà Đa-vít phải vượt qua là quan điểm tiêu cực của người khác về mình. Chẳng hạn, khi Đa-vít tình nguyện để ra chiến đấu với Gô-li-át, vua Sau-lơ cố cản ông và nói: “Ngươi chỉ là một cậu bé” (1 Sa 17:31-33). Trước đó, chính anh của Đa-vít đã cáo buộc ông là vô trách nhiệm (1 Sa 17:26-30). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không xem Đa-vít là người non nớt hay vô trách nhiệm. Ngài biết rõ chàng trai trẻ này. Nhờ nương cậy Bạn mình là Đức Giê-hô-va, Đa-vít đã hạ gục Gô-li-át.—1 Sa 17:45, 48-51.

7. Các anh trẻ học được gì từ kinh nghiệm của Đa-vít?

7 Các anh trẻ học được gì từ kinh nghiệm của Đa-vít? Đó là cần có sự kiên nhẫn. Có lẽ sẽ mất một thời gian để những người biết anh từ khi anh còn nhỏ nhận thấy anh không còn là trẻ con nữa. Tuy nhiên, anh có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va nhìn thấy xa hơn vẻ bề ngoài của anh. Ngài biết rõ về anh và những điều anh có thể làm (1 Sa 16:7). Hãy củng cố mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Đa-vít đã làm thế bằng cách chiêm ngưỡng công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va. Ông suy ngẫm những điều ấy tiết lộ gì về Đấng Tạo Hóa (Thi 8:3, 4; 139:14; Rô 1:20). Một điều khác anh có thể làm là hướng đến Đức Giê-hô-va để có sức mạnh. Chẳng hạn, anh có bị bạn học chế giễu vì là một Nhân Chứng Giê-hô-va không? Nếu có, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh đương đầu với thử thách ấy. Đồng thời hãy áp dụng lời khuyên thực tế mà anh tìm được trong Lời ngài cũng như trong ấn phẩm và video dựa trên Kinh Thánh. Mỗi lần thấy Đức Giê-hô-va giúp mình đương đầu với một thử thách, anh sẽ càng tin chắc nơi ngài. Ngoài ra, khi người khác thấy anh nương cậy Đức Giê-hô-va, họ sẽ tin cậy anh hơn.

Các anh trẻ có thể khiêm nhường giúp đỡ người khác qua nhiều cách (Xem đoạn 8, 9)

8, 9. Điều gì đã giúp Đa-vít kiên nhẫn chờ đợi để làm vua, và các anh trẻ học được gì từ gương của ông?

8 Hãy xem một thử thách khác mà Đa-vít phải đối mặt. Sau khi được xức dầu làm vua, Đa-vít phải chờ đợi nhiều năm trước khi chính thức được lên ngôi vua Giu-đa (1 Sa 16:13; 2 Sa 2:3, 4). Trong thời gian đó, điều gì đã giúp ông kiên nhẫn chờ đợi? Thay vì để sự nản lòng khiến mình trở nên tê liệt, Đa-vít tập trung vào điều ông có thể làm. Chẳng hạn, khi trốn sang vùng đất của Phi-li-tia và sống ở đó, Đa-vít đã tận dụng cơ hội để tấn công kẻ thù của dân Y-sơ-ra-ên. Nhờ thế, ông bảo vệ biên giới của lãnh thổ Giu-đa.—1 Sa 27:1-12.

9 Các anh trẻ học được gì từ gương của Đa-vít? Hãy tận dụng những cơ hội mình có để phục vụ anh em. Hãy xem kinh nghiệm của anh Duy. * Khi còn ở tuổi thanh thiếu niên, anh mơ ước được làm tiên phong đều đều. Nhưng các trưởng lão nói anh nên đợi thêm một thời gian. Thay vì bỏ cuộc hoặc trở nên cay đắng, anh Duy đã tham gia thánh chức nhiều hơn. Anh chia sẻ: “Khi nhìn lại, tôi thấy đúng là mình cần tiến bộ hơn. Tôi tập trung vào việc thăm lại những người chú ý và chuẩn bị kỹ cho các cuộc viếng thăm. Thậm chí tôi còn điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh đầu tiên. Khi có thêm kinh nghiệm, tôi thấy tự tin hơn”. Giờ đây, anh Duy là tiên phong đều đều hữu hiệu và là phụ tá hội thánh.

10. Vào một dịp, Đa-vít đã làm gì trước khi đưa ra quyết định quan trọng?

10 Hãy xem một lời tường thuật khác về Đa-vít. Trong thời gian sống ở nơi lánh nạn, ông và những người đi cùng phải tạm rời gia đình để đi tranh chiến. Trong lúc đó, kẻ thù đột kích nhà và bắt giữ vợ con của họ. Đa-vít đã có thể cho rằng với kinh nghiệm chinh chiến của bản thân, hẳn ông có thể nghĩ ra chiến lược để giải cứu những người bị bắt. Nhưng thay vì làm thế, Đa-vít đã xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn. Đa-vít nhờ thầy tế lễ A-bi-a-tha mang ê-phót đến, rồi cầu hỏi Đức Giê-hô-va: “Con có nên đuổi theo toán giặc cướp không?”. Đức Giê-hô-va cho biết Đa-vít nên làm thế và đảm bảo rằng ông sẽ chiến thắng (1 Sa 30:7-10). Các anh trẻ học được gì từ sự kiện này?

Các anh trẻ nên tìm lời khuyên từ trưởng lão (Xem đoạn 11)

11. Các anh trẻ có thể làm gì trước khi đưa ra quyết định?

11 Hãy tìm lời khuyên trước khi đưa ra quyết định. Hãy hỏi ý kiến cha mẹ. Các anh cũng có thể nhận được lời khuyên hữu ích khi nói chuyện với các trưởng lão nhiều kinh nghiệm. Đức Giê-hô-va tin cậy những anh được bổ nhiệm này, và các anh cũng có thể tin cậy họ. Đức Giê-hô-va xem các trưởng lão là “món quà” cho hội thánh (Ê-phê 4:8). Các anh sẽ nhận được lợi ích khi noi theo đức tin của họ và lắng nghe những đề nghị khôn ngoan từ họ. Giờ đây, hãy cùng xem chúng ta học được gì từ vua A-sa.

HỌC TỪ VUA A-SA

12. Vua A-sa có những phẩm chất nào khi ông bắt đầu cai trị?

12 Khi còn trẻ, vua A-sa khiêm nhường và can đảm. Chẳng hạn, khi kế vị vua cha là A-bi-gia, ông đã phát động một chiến dịch chống lại việc thờ thần tượng. Ông “còn bảo dân Giu-đa tìm kiếm Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ họ, cũng như vâng giữ Luật pháp và điều răn” (2 Sử 14:1-7). Ngoài ra, khi Xê-rách người Ê-thi-ô-bi dẫn đầu đội quân 1.000.000 lính xâm chiếm Giu-đa, vua A-sa đã khôn ngoan hướng đến Đức Giê-hô-va để được trợ giúp. Ông nài xin: “Lạy Đức Giê-hô-va, dù những người mà ngài giúp đỡ đông đảo hay không có sức mạnh, điều đó không quan trọng với ngài. Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng con, xin giúp chúng con vì chúng con nương cậy ngài”. Lời cầu xin tha thiết ấy cho thấy vua A-sa hoàn toàn tin chắc Đức Giê-hô-va có khả năng giải cứu dân ngài. Vua A-sa tin cậy Cha trên trời, và “Đức Giê-hô-va đánh bại người Ê-thi-ô-bi”.—2 Sử 14:8-12.

13. Điều gì xảy ra cho vua A-sa sau này, và tại sao?

13 Hẳn các anh trẻ đồng ý rằng đối mặt với đội quân 1.000.000 lính là thử thách không nhỏ, và vua A-sa đã vượt qua thử thách ấy thành công. Nhưng đáng buồn là khi đương đầu với thử thách nhỏ hơn, ông không cầu hỏi Đức Giê-hô-va. Khi bị vua gian ác Ba-ê-sa của Y-sơ-ra-ên đe dọa, vua A-sa đã quay sang cầu viện vua Sy-ri. Quyết định ấy dẫn đến hậu quả tai hại! Qua nhà tiên tri Ha-na-ni, Đức Giê-hô-va phán với vua A-sa: “Vì vua nương cậy vua Sy-ri mà không nương cậy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của vua nên đạo quân của vua Sy-ri thoát khỏi tay vua”. Thực tế là từ đó trở đi, vua A-sa luôn có giặc giã (2 Sử 16:7, 9; 1 Vua 15:32). Bài học là gì?

14. Bằng cách nào các anh trẻ cho thấy mình nương cậy Đức Giê-hô-va, và theo 1 Ti-mô-thê 4:12, kết quả là gì khi anh làm thế?

14 Hãy giữ sự khiêm nhường và tiếp tục nương cậy Đức Giê-hô-va. Khi báp-têm, anh đã cho thấy mình có đức tin mạnh và tin cậy ngài. Đức Giê-hô-va vui mừng ban cho anh đặc ân trở thành thành viên trong gia đình ngài. Điều anh cần làm bây giờ là tiếp tục nương cậy Đức Giê-hô-va. Dường như không khó để nương cậy ngài khi phải quyết định những việc lớn, nhưng nói sao về những lúc khác? Thật quan trọng để tin cậy Đức Giê-hô-va khi đưa ra quyết định, dù là quyết định về giải trí hay công việc ngoài đời và mục tiêu trong đời sống! Đừng dựa vào sự khôn ngoan của riêng mình. Thay vì thế, hãy tìm kiếm nguyên tắc Kinh Thánh áp dụng cho trường hợp của mình, rồi hành động phù hợp với nguyên tắc ấy (Châm 3:5, 6). Khi làm thế, anh sẽ làm Đức Giê-hô-va vui lòng và được các anh chị trong hội thánh tin cậy.—Đọc 1 Ti-mô-thê 4:12.

HỌC TỪ VUA GIÊ-HÔ-SA-PHÁT

15. Như được ghi nơi 2 Sử ký 18:1-3; 19:2, vua Giê-hô-sa-phát đã phạm những lỗi nào?

15 Dĩ nhiên, như tất cả chúng ta, các anh là người bất toàn và đôi khi sẽ phạm lỗi. Nhưng đừng để điều này ngăn cản anh làm mọi điều có thể để phụng sự Đức Giê-hô-va. Hãy xem trường hợp của vua Giê-hô-sa-phát. Ông có nhiều phẩm chất tốt. Ngay khi bắt đầu cai trị, ông “tìm kiếm Đức Chúa Trời của cha mình và vâng theo điều răn ngài”. Ngoài ra, ông phái quan đi khắp các thành của Giu-đa để dạy dỗ dân chúng về Đức Giê-hô-va (2 Sử 17:4, 7). Giê-hô-sa-phát là người thật thà, nhưng đôi khi ông đưa ra những quyết định thiếu khôn ngoan. Sau một quyết định sai lầm, ông bị người đại diện của Đức Giê-hô-va khiển trách. (Đọc 2 Sử ký 18:1-3; 19:2). Các anh trẻ học được gì từ lời tường thuật này?

Các anh trẻ siêng năng và đáng tin cậy sẽ có được danh tiếng tốt (Xem đoạn 16)

16. Các anh trẻ học được gì từ kinh nghiệm của anh Bảo?

16 Hãy chấp nhận và áp dụng lời khuyên. Có lẽ như nhiều anh trẻ khác, anh cũng thấy khó để đặt đúng thứ tự ưu tiên trong đời sống. Đừng nản lòng. Hãy xem kinh nghiệm của một anh trẻ tên Bảo. Khi nói về những năm ở tuổi thanh thiếu niên, anh Bảo chia sẻ: “Trong những năm tháng ấy, đôi khi tôi cảm thấy mình mất phương hướng. Như nhiều người trẻ khác, tôi nghĩ đến thể thao và vui chơi hơn là nhóm họp và đi thánh chức”. Điều gì đã giúp anh? Một trưởng lão có lòng quan tâm đã cho anh lời khuyên. Anh Bảo nói: “Anh ấy giúp tôi lý luận dựa trên nguyên tắc nơi 1 Ti-mô-thê 4:8”. Anh Bảo đã khiêm nhường chấp nhận lời khuyên và xem lại ưu tiên trong đời sống. Anh nói thêm: “Tôi quyết định đặt mục tiêu thiêng liêng lên hàng đầu”. Kết quả là gì? Anh cho biết: “Vài năm sau khi nhận lời khuyên ấy, tôi hội đủ điều kiện làm phụ tá hội thánh”.

HÃY LÀM CHO CHA TRÊN TRỜI HÃNH DIỆN

17. Các anh chị trong hội thánh cảm thấy thế nào về các anh trẻ đang phụng sự Đức Giê-hô-va?

17 Các anh chị trong hội thánh rất yêu mến các anh trẻ đang “kề vai sát cánh” cùng họ phụng sự Đức Giê-hô-va (Xô 3:9). Họ quý tinh thần sốt sắng của các anh cũng như sự nhiệt huyết mà các anh thể hiện khi thi hành công việc được giao. Họ hài lòng về các anh.—1 Giăng 2:14.

18. Như được nói nơi Châm ngôn 27:11, Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về các anh trẻ đang phụng sự ngài?

18 Hỡi các anh trẻ, đừng bao giờ quên rằng Đức Giê-hô-va yêu thương và tin cậy các anh. Ngài báo trước trong những ngày sau cùng sẽ có một đoàn ngũ thanh niên sẵn sàng tình nguyện phụng sự ngài (Thi 110:1-3). Đức Giê-hô-va biết các anh yêu thương ngài và muốn phụng sự ngài với hết khả năng. Vì thế, hãy kiên nhẫn với người khác và với chính mình. Khi phạm lỗi, hãy chấp nhận sự huấn luyện và sửa dạy mà anh nhận được, và xem điều đó đến từ Đức Giê-hô-va (Hê 12:6). Hãy siêng năng thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào được giao. Trên hết, trong mọi việc, hãy làm cho Cha trên trời hãnh diện về anh.—Đọc Châm ngôn 27:11.

BÀI HÁT 135 Đức Giê-hô-va mến gọi: ‘Hỡi con, hãy khôn ngoan!’

^ đ. 5 Khi các anh trẻ ngày càng tiến bộ về thiêng liêng, họ muốn phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn. Để hội đủ điều kiện làm phụ tá hội thánh, họ cần gây dựng và gìn giữ lòng tin cậy của anh chị trong hội thánh. Các anh trẻ có thể làm điều này bằng cách nào?

^ đ. 9 Các tên đã được thay đổi.