Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 14

Hỡi các trưởng lão—Hãy tiếp tục bắt chước sứ đồ Phao-lô

Hỡi các trưởng lão—Hãy tiếp tục bắt chước sứ đồ Phao-lô

“Hãy bắt chước tôi”.—1 CÔ 11:1.

BÀI HÁT 99 Hằng hà sa số anh em

GIỚI THIỆU *

1, 2. Gương của sứ đồ Phao-lô có thể giúp các trưởng lão ngày nay như thế nào?

 Sứ đồ Phao-lô yêu thương anh em. Ông làm việc siêng năng vì lợi ích của họ (Công 20:31). Vì thế, anh em đồng đạo rất yêu mến Phao-lô. Vào một dịp, khi các trưởng lão từ Ê-phê-sô biết rằng họ sẽ không bao giờ gặp ông nữa, “ai nấy đều khóc rất nhiều” (Công 20:37). Tương tự thế, các trưởng lão ngày nay làm việc siêng năng. Họ cũng yêu thương và nỗ lực hết sức để giúp đỡ anh em (Phi-líp 2:16, 17). Tuy nhiên, đôi khi các trưởng lão phải đương đầu với một số thách đố. Điều gì có thể giúp họ vượt qua?

2 Các trưởng lão có thể xem xét gương của Phao-lô (1 Cô 11:1). Ông không phải là siêu nhân. Phao-lô cũng là người bất toàn và đôi khi phải tranh đấu để làm điều đúng (Rô 7:18-20). Ông cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn. Nhưng Phao-lô không bỏ cuộc hoặc mất niềm vui. Bằng cách bắt chước Phao-lô, các trưởng lão có thể vượt qua những thách đố họ đối mặt và giữ được niềm vui trong khi phụng sự Đức Giê-hô-va. Hãy xem họ làm thế bằng cách nào.

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét bốn thách đố mà các trưởng lão thường phải đối mặt: (1) giữ thăng bằng giữa công việc rao giảng và trách nhiệm khác, (2) là người chăn yêu thương, (3) đối phó với nhược điểm của bản thân, và (4) đương đầu với sự bất toàn của người khác. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì đã giúp Phao-lô vượt qua mỗi thách đố và làm thế nào các trưởng lão có thể noi gương ông.

GIỮ THĂNG BẰNG GIỮA CÔNG VIỆC RAO GIẢNG VÀ TRÁCH NHIỆM KHÁC

4. Tại sao việc dẫn đầu công việc rao giảng có thể là thách đố đối với các trưởng lão?

4 Tại sao điều này có thể là thách đố? Ngoài việc dẫn đầu công việc rao giảng, các trưởng lão có nhiều trách nhiệm khác. Chẳng hạn, nhiều anh thay phiên nhau làm chủ tọa vào buổi họp giữa tuần và điều khiển Phần học Kinh Thánh của hội thánh. Có thể họ cũng được giao làm các bài giảng. Họ dành thời gian huấn luyện phụ tá hội thánh và thường xuyên khích lệ anh em (1 Phi 5:2). Một số trưởng lão tham gia vào công việc xây cất và bảo trì Phòng Nước Trời cũng như các cơ sở thần quyền khác. Dù vậy, như mọi người trong hội thánh, công việc quan trọng nhất của trưởng lão là rao giảng tin mừng.—Mat 28:19, 20.

5. Phao-lô đã nêu gương nào trong công việc rao giảng?

5 Phao-lô nêu gương nào? Bí quyết giúp Phao-lô thành công được tìm thấy nơi Phi-líp 1:10. Trong câu đó, ông khuyến giục chúng ta: “[Hãy] nhận biết những điều quan trọng hơn”. Chính Phao-lô đã làm theo lời khuyên ấy. Ông được giao cho một thánh chức, và trong hàng thập kỷ ông xem thánh chức ấy là một trong những điều quan trọng hơn. Ông rao giảng “trước công chúng và từ nhà này sang nhà kia” (Công 20:20). Ông không giới hạn công việc rao giảng vào một thời điểm nhất định trong ngày hoặc một ngày nào đó trong tuần. Ông đã tận dụng mọi cơ hội để rao giảng! Chẳng hạn, trong khi đang ở A-thên đợi các bạn đồng hành, ông chia sẻ tin mừng với một nhóm người có địa vị và đạt được kết quả tốt (Công 17:16, 17, 34). Ngay cả khi bị “xiềng xích”, Phao-lô vẫn rao giảng cho những người xung quanh.—Phi-líp 1:13, 14; Công 28:16-24.

6. Phao-lô đã huấn luyện người khác làm gì?

6 Phao-lô đã dùng thời gian của mình một cách tốt nhất. Ông thường mời người khác cùng tham gia thánh chức. Chẳng hạn, trong chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất, ông dẫn theo Giăng Mác, và trong chuyến thứ hai, ông dẫn theo Ti-mô-thê (Công 12:25; 16:1-4). Chắc chắn Phao-lô đã nỗ lực để dạy hai người ấy cách tổ chức hội thánh, cách làm người chăn tốt và cách để trở thành người dạy hữu hiệu.—1 Cô 4:17.

Noi gương Phao-lô bằng cách sẵn sàng làm chứng (Xem đoạn 7) *

7. Làm thế nào các trưởng lão có thể làm theo lời khuyên của Phao-lô nơi Ê-phê-sô 6:14, 15?

7 Bài học là gì? Các trưởng lão có thể noi gương Phao-lô không chỉ bằng cách rao giảng từng nhà, mà còn bằng cách sẵn sàng làm chứng vào mọi dịp. (Đọc Ê-phê-sô 6:14, 15). Chẳng hạn, họ có thể làm chứng khi đi mua sắm hoặc tại nơi làm việc. Hay khi tham gia một dự án xây cất thần quyền, họ có thể chia sẻ tin mừng với hàng xóm và những người bán vật liệu. Như Phao-lô, các trưởng lão có thể dành thời gian trong thánh chức để huấn luyện người khác, bao gồm phụ tá hội thánh.

8. Đôi khi một trưởng lão có thể cần làm gì?

8 Các trưởng lão không nên quá bận rộn với các nhiệm vụ trong hội thánh hoặc trong vòng quanh đến mức không còn thời gian cho công việc rao giảng. Để giữ thăng bằng, có thể đôi khi họ cần từ chối một số nhiệm vụ. Sau khi cầu nguyện và suy nghĩ kỹ, có lẽ họ nhận ra rằng nếu nhận nhiệm vụ ấy, họ sẽ sao lãng những điều quan trọng hơn. Những điều ấy bao gồm việc điều khiển buổi thờ phượng của gia đình mỗi tuần, tham gia trọn vẹn vào công việc rao giảng hoặc huấn luyện con cái trong thánh chức. Một số anh thấy khó từ chối một đặc ân phụng sự, nhưng họ có thể tin chắc Đức Giê-hô-va hiểu là họ muốn giữ thăng bằng trong mọi việc.

LÀ NGƯỜI CHĂN YÊU THƯƠNG

9. Các trưởng lão phải đối mặt với thách đố nào?

9 Tại sao điều này có thể là thách đố? Dân Đức Giê-hô-va phải đương đầu với nhiều thử thách. Trong những ngày sau cùng này, tất cả chúng ta đều cần sự khích lệ, hỗ trợ và an ủi. Đôi khi một số anh chị cần được giúp để tránh những hành vi sai trái (1 Tê 5:14). Dĩ nhiên, các trưởng lão không thể loại bỏ mọi thử thách mà dân Đức Giê-hô-va đối mặt. Dù vậy, Đức Giê-hô-va muốn các trưởng lão làm những gì có thể để khích lệ và bảo vệ chiên ngài. Làm thế nào các trưởng lão dù bận rộn nhưng vẫn có thể dành ra thời gian để hỗ trợ những anh chị cần giúp đỡ?

Khen và khích lệ người khác (Xem đoạn 10, 12) *

10. Phù hợp với 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, Phao-lô chăm sóc cho dân Đức Giê-hô-va như thế nào?

10 Phao-lô nêu gương nào? Phao-lô tìm cơ hội để khen anh em và khích lệ họ. Các trưởng lão nên noi gương Phao-lô bằng cách đối xử trìu mến với dân Đức Giê-hô-va. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7). Phao-lô trấn an anh em đồng đạo rằng ông yêu thương họ và Đức Giê-hô-va cũng yêu thương họ (2 Cô 2:4; Ê-phê 2:4, 5). Phao-lô đối xử với anh em trong hội thánh như những người bạn và dành thời gian cho họ. Ông cho thấy ông tin cậy họ bằng cách cởi mở chia sẻ về những nỗi sợ và nhược điểm của bản thân (2 Cô 7:5; 1 Ti 1:15). Tuy nhiên, Phao-lô không tập trung vào vấn đề của mình. Thay vì thế, ông muốn giúp đỡ anh em.

11. Tại sao Phao-lô đưa ra lời khuyên cho anh em đồng đạo?

11 Đôi khi, Phao-lô cần cho anh em đồng đạo lời khuyên. Nhưng ông không bao giờ làm thế vì muốn trút giận. Ông đưa ra lời khuyên vì quan tâm đến họ và muốn bảo vệ họ khỏi những mối nguy hại. Ông cố gắng đưa ra lời khuyên rõ ràng, và ông cũng quan tâm đến cách phản ứng của người nhận. Chẳng hạn, trong lá thư gửi cho các tín đồ ở Cô-rinh-tô, Phao-lô đưa ra lời khuyên mạnh mẽ. Sau khi viết lá thư ấy, ông phái Tít đến với họ. Phao-lô rất muốn biết họ phản ứng thế nào trước lá thư của ông. Ông vô cùng vui mừng khi biết họ đã chấp nhận và áp dụng lời khuyên!—2 Cô 7:6, 7.

12. Làm thế nào các trưởng lão có thể giúp anh em vững mạnh?

12 Bài học là gì? Các trưởng lão có thể noi gương Phao-lô bằng cách dành thời gian cho anh em đồng đạo. Một cách anh có thể làm thế là đến nhóm họp sớm để trò chuyện với người khác. Thường thì chỉ mất vài phút để nói những lời khích lệ mà anh em đang cần (Rô 1:12; Ê-phê 5:16). Một trưởng lão noi gương Phao-lô cũng sẽ dùng Kinh Thánh để củng cố đức tin của anh em và trấn an họ rằng Đức Chúa Trời yêu thương họ. Ngoài ra, anh thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo. Anh thường xuyên liên lạc với họ và tìm cơ hội để khen họ. Khi cần đưa ra lời khuyên, anh làm thế dựa trên Lời Đức Chúa Trời. Anh khuyên một cách cụ thể nhưng nhân từ vì anh quan tâm đến người nghe và muốn họ áp dụng lời khuyên.—Ga 6:1.

ĐỐI PHÓ VỚI NHƯỢC ĐIỂM CỦA BẢN THÂN

13. Nhược điểm của bản thân có thể ảnh hưởng thế nào đến một trưởng lão?

13 Tại sao điều này có thể là thách đố? Các trưởng lão không phải là người hoàn hảo. Như bao người khác, họ cũng mắc lỗi (Rô 3:23). Đôi khi họ phải tranh đấu để có cái nhìn thăng bằng về nhược điểm của bản thân. Có thể một số anh tập trung vào giới hạn của mình đến mức bị nản lòng. Số khác có lẽ bào chữa cho khuyết điểm của bản thân, khiến họ trở nên tự mãn và không thực hiện những thay đổi cần thiết.

14. Theo Phi-líp 4:13, sự khiêm nhường giúp Phao-lô ra sao để đối phó với nhược điểm của bản thân?

14 Phao-lô nêu gương nào? Phao-lô khiêm nhường nhìn nhận ông không thể đối phó với nhược điểm của bản thân bằng sức riêng. Ông cần sức mạnh đến từ Đức Chúa Trời. Trước kia, Phao-lô là người ương ngạnh, ngược đãi dữ dội tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Nhưng sau này, ông nhận ra điều mình làm là sai; ông sẵn sàng thay đổi thái độ và nhân cách (1 Ti 1:12-16). Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, Phao-lô trở thành người chăn yêu thương, trắc ẩn và khiêm nhường. Ông ý thức rất rõ khuyết điểm của bản thân; nhưng thay vì tập trung vào những thiếu sót ấy, ông chọn tin cậy nơi sự tha thứ của Đức Giê-hô-va (Rô 7:21-25). Ông không mong đợi mình là người hoàn hảo. Thay vì thế, ông nỗ lực cải thiện nhân cách và khiêm nhường nương cậy nơi sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va để thực hiện công việc được giao.—1 Cô 9:27; đọc Phi-líp 4:13.

Nỗ lực để vượt qua nhược điểm của bản thân (Xem đoạn 14, 15) *

15. Các trưởng lão nên có quan điểm thăng bằng nào về nhược điểm của bản thân?

15 Bài học là gì? Các trưởng lão được bổ nhiệm không phải vì họ hoàn hảo. Nhưng Đức Giê-hô-va muốn họ thừa nhận lỗi lầm và cải thiện nhân cách của tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Ê-phê 4:23, 24). Một trưởng lão nên tra xét bản thân dựa trên Lời Đức Chúa Trời và thực hiện bất cứ thay đổi nào cần thiết. Rồi Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh hạnh phúc và là một trưởng lão tốt.—Gia 1:25.

ĐƯƠNG ĐẦU VỚI SỰ BẤT TOÀN CỦA NGƯỜI KHÁC

16. Điều gì có thể xảy ra nếu các trưởng lão tập trung vào sự bất toàn của người khác?

16 Tại sao điều này có thể là thách đố? Các trưởng lão có lẽ thấy sự bất toàn của những anh chị trong hội thánh vì thường xuyên làm việc chung với họ. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, các trưởng lão có thể trở nên bực bội, hà khắc hoặc chỉ trích. Phao-lô cảnh báo các tín đồ rằng đó chính là điều Sa-tan muốn họ làm.—2 Cô 2:10, 11.

17. Phao-lô có quan điểm nào về anh em đồng đạo?

17 Phao-lô nêu gương nào? Ông giữ cái nhìn tích cực về anh em. Ông biết rõ lỗi lầm của họ, vì đôi khi hành động của họ khiến ông tổn thương. Dù vậy, Phao-lô biết rằng một người làm điều xấu không có nghĩa họ là người xấu. Ông yêu thương anh em và tập trung vào những phẩm chất tốt của họ. Nếu anh em phải tranh đấu để làm điều đúng, ông tin rằng động cơ của họ là tốt và chỉ đơn giản là họ cần được giúp đỡ.

18. Anh chị học được gì từ cách Phao-lô giúp Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ? (Phi-líp 4:1-3)

18 Chẳng hạn, hãy xem cách Phao-lô giúp hai chị trong hội thánh ở Phi-líp. (Đọc Phi-líp 4:1-3). Dường như Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ đã để sự bất đồng khiến mối quan hệ giữa họ bị rạn nứt. Phao-lô không hà khắc hoặc chỉ trích; ông tập trung vào những phẩm chất tốt của họ. Họ là hai chị trung thành đã phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm. Phao-lô biết rằng Đức Giê-hô-va yêu thương họ. Quan điểm tích cực của Phao-lô về hai chị này đã thúc đẩy ông khuyến khích họ giải quyết mối bất đồng. Quan điểm ấy cũng giúp ông giữ niềm vui và duy trì tình bạn mật thiết với các anh chị trong hội thánh đó.

Cố gắng để không chỉ trích người khác (Xem đoạn 19) *

19. (a) Làm thế nào các trưởng lão có thể giữ quan điểm tích cực về anh em đồng đạo? (b) Anh chị học được gì từ hình ảnh một trưởng lão đang dọn dẹp Phòng Nước Trời?

19 Bài học là gì? Hỡi các trưởng lão, hãy tìm những phẩm chất tốt nơi anh em đồng đạo. Tất cả đều là người bất toàn, nhưng mỗi người đều có những phẩm chất đáng quý (Phi-líp 2:3). Đúng là đôi khi các trưởng lão cần cho anh em lời khuyên. Nhưng như Phao-lô, các anh nên nhìn xa hơn lời nói và hành động của một người dễ khiến mình bực bội. Các anh nên tập trung vào tình yêu thương mà người ấy dành cho Đức Giê-hô-va, sự chịu đựng trong việc phụng sự và tiềm năng của người ấy để làm điều tốt. Nhờ có quan điểm tích cực, các trưởng lão tạo bầu không khí nồng ấm và yêu thương trong hội thánh.

HÃY TIẾP TỤC BẮT CHƯỚC PHAO-LÔ

20. Làm thế nào các trưởng lão có thể tiếp tục nhận được lợi ích từ gương của Phao-lô?

20 Các anh trưởng lão sẽ thấy hữu ích khi tiếp tục học về gương của Phao-lô. Chẳng hạn, trong sách Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va, anh có thể vào đề tài “Kinh Thánh”, rồi vào chủ đề “Nhân vật Kinh Thánh”, sau đó vào mục “Phao-lô”. Khi đọc một số tài liệu trong đó, hãy tự hỏi: “Gương của Phao-lô có thể giúp mình thế nào để giữ niềm vui khi thực hiện công việc của trưởng lão?”.

21. Các trưởng lão có thể tin chắc điều gì?

21 Hỡi các trưởng lão, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va không đòi hỏi anh hoàn hảo; ngài đòi hỏi anh phải trung tín (1 Cô 4:2). Đức Giê-hô-va quý trọng công khó và sự trung tín của Phao-lô. Anh có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời cũng quý trọng những gì anh làm trong việc phụng sự ngài. Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ “quên công việc và tình yêu thương anh em đã thể hiện đối với danh ngài, bằng cách phục vụ và tiếp tục phục vụ những người thánh”.—Hê 6:10.

BÀI HÁT 87 Hãy đến để được tươi tỉnh!

^ đ. 5 Chúng ta rất biết ơn công khó của các trưởng lão yêu thương và đầy lòng quan tâm. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét bốn thách đố mà họ thường phải đối mặt. Chúng ta cũng sẽ xem làm thế nào gương của sứ đồ Phao-lô có thể giúp các trưởng lão ngày nay đương đầu với những thách đố ấy. Bài này cũng sẽ giúp tất cả chúng ta cảm thông với các trưởng lão và được thúc đẩy để thể hiện tình yêu thương cũng như hỗ trợ họ.

^ đ. 61 HÌNH ẢNH: Một anh chia sẻ tin mừng với đồng nghiệp trong lúc đang rời nơi làm việc.

^ đ. 63 HÌNH ẢNH: Một trưởng lão khích lệ một anh có khuynh hướng tự cô lập.

^ đ. 65 HÌNH ẢNH: Một anh đưa ra lời khuyên hữu ích cho một anh khác đang bức xúc về một vấn đề.

^ đ. 67 HÌNH ẢNH: Một trưởng lão không chỉ trích một anh bị phân tâm lúc đang tình nguyện dọn dẹp.