Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 10

“Lột bỏ nhân cách cũ” là điều có thể!

“Lột bỏ nhân cách cũ” là điều có thể!

“Hãy lột bỏ nhân cách cũ cùng các việc làm của nó”.—CÔ 3:9.

BÀI HÁT 29 Sống xứng đáng với danh hiệu Cha ban cho

GIỚI THIỆU *

1. Anh chị có đời sống thế nào trước khi tìm hiểu Kinh Thánh?

 Anh chị có đời sống thế nào trước khi tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va? Nhiều người trong chúng ta thấy sợ khi nghĩ về điều đó. Rất có thể, quan điểm và nhân cách của chúng ta bị uốn nắn bởi tiêu chuẩn của thế gian về điều đúng và điều sai. Khi ấy, chúng ta “sống trong thế gian nhưng không có hy vọng và chẳng biết Đức Chúa Trời” (Ê-phê 2:12). Việc học Kinh Thánh đã thay đổi tất cả!

2. Anh chị được biết điều gì khi tìm hiểu Kinh Thánh?

2 Khi tìm hiểu Kinh Thánh, anh chị được biết rằng anh chị có một người Cha trên trời yêu thương mình rất nhiều. Anh chị nhận ra nếu muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va và trở thành một phần trong gia đình gồm những người thờ phượng ngài, anh chị sẽ phải thực hiện những thay đổi lớn trong lối sống, quan điểm và suy nghĩ của mình. Anh chị sẽ phải tập sống theo tiêu chuẩn cao của ngài.—Ê-phê 5:3-5.

3. Theo Cô-lô-se 3:9, 10, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm gì, và bài này sẽ thảo luận điều gì?

3 Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa và Cha trên trời, có quyền quyết định các thành viên trong gia đình ngài phải cư xử thế nào. Ngài đòi hỏi trước khi báp-têm, chúng ta cần nỗ lực để “lột bỏ nhân cách cũ cùng các việc làm của nó”. * (Đọc Cô-lô-se 3:9, 10). Bài này sẽ giúp những người muốn báp-têm tìm lời giải đáp cho ba câu hỏi: (1) “Nhân cách cũ” là gì? (2) Tại sao Đức Giê-hô-va khuyến giục chúng ta lột bỏ nhân cách ấy? (3) Làm thế nào chúng ta có thể làm thế? Với những anh chị đã báp-têm, bài này sẽ giúp chúng ta tránh để những tính xấu thuộc nhân cách cũ quay trở lại.

“NHÂN CÁCH CŨ” LÀ GÌ?

4. Một người hành động thế nào khi bị “nhân cách cũ” chi phối?

4 Một người bị “nhân cách cũ” chi phối thường suy nghĩ và hành động theo xác thịt. Có thể người ấy ích kỷ, dễ nổi giận, vô ơn và kiêu ngạo. Người ấy có lẽ thích xem tài liệu khiêu dâm, phim vô luân hoặc bạo lực. Hẳn người ấy có một số đức tính tốt, và có thể áy náy khi nói hoặc làm những điều xấu. Nhưng người ấy thiếu động lực để thay đổi lối suy nghĩ và hạnh kiểm.—Ga 5:19-21; 2 Ti 3:2-5.

Khi lột bỏ “nhân cách cũ”, chúng ta sẽ không còn bị thái độ và thói quen xấu chi phối mình nữa (Xem đoạn 5) *

5. Chúng ta nên có quan điểm phải lẽ nào về việc lột bỏ nhân cách cũ? (Công vụ 3:19)

5 Là người bất toàn, không ai trong chúng ta có thể hoàn toàn loại bỏ mọi ý tưởng và ham muốn xấu khỏi lòng và trí. Đôi khi, chúng ta sẽ làm hoặc nói điều gì đó khiến mình hối tiếc (Giê 17:9; Gia 3:2). Nhưng khi lột bỏ nhân cách cũ, chúng ta không còn bị thái độ và thói quen xấu chi phối nữa. Giờ đây, chúng ta trở thành con người khác hẳn so với trước kia.—Ê-sai 55:7; đọc Công vụ 3:19.

6. Tại sao Đức Giê-hô-va khuyến giục chúng ta loại bỏ lối suy nghĩ sai trái và thói quen xấu thuộc về nhân cách cũ?

6 Đức Giê-hô-va khuyến giục chúng ta loại bỏ lối suy nghĩ sai trái và thói quen xấu vì ngài yêu thương chúng ta rất nhiều và muốn chúng ta vui hưởng đời sống (Ê-sai 48:17, 18). Ngài biết rằng những ai chiều theo ham muốn sai trái thì sẽ gây hại cho chính mình và những người xung quanh. Ngài rất đau lòng khi thấy điều đó xảy ra.

7. Theo Rô-ma 12:1, 2, chúng ta đứng trước lựa chọn nào?

7 Lúc đầu, một số bạn bè và người thân có thể chế giễu khi thấy chúng ta cố gắng thay đổi nhân cách (1 Phi 4:3, 4). Có thể họ nói là chúng ta có quyền làm bất cứ điều gì mình muốn và không nên để người khác bảo mình phải làm gì. Nhưng những ai bác bỏ tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va thì không thật sự độc lập như họ nghĩ. Thực tế, họ đang để thế gian dưới sự cai trị của Sa-tan uốn nắn họ. (Đọc Rô-ma 12:1, 2). Tất cả chúng ta đều đứng trước lựa chọn: Một là giữ nhân cách cũ, là nhân cách bị tội lỗi và thế gian Sa-tan uốn nắn; hai là để Đức Giê-hô-va biến đổi mình trở thành người tốt nhất có thể trong hiện tại.—Ê-sai 64:8.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ “LỘT BỎ” NHÂN CÁCH CŨ?

8. Chúng ta có những sự trợ giúp nào để từ bỏ lối suy nghĩ sai trái và thói quen xấu?

8 Đức Giê-hô-va biết là việc từ bỏ lối suy nghĩ sai trái và thói quen xấu đòi hỏi thời gian và nỗ lực (Thi 103:13, 14). Tuy nhiên, qua Lời ngài cũng như thần khí và tổ chức của ngài, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta sự khôn ngoan, sức mạnh và sự hỗ trợ cần thiết để thay đổi nhân cách của mình. Hẳn ngài đã giúp anh chị rồi. Giờ đây, hãy xem xét một số điều thực tế anh chị có thể làm để tiến bộ hơn trong việc lột bỏ nhân cách cũ và hội đủ điều kiện để báp-têm.

9. Lời Đức Chúa Trời có thể giúp anh chị làm gì?

9 Dùng Kinh Thánh để tra xét kỹ bản thân. Kinh Thánh giống như cái gương, có thể giúp anh chị xem xét lối suy nghĩ, lời nói và hành động của mình (Gia 1:22-25). Người hướng dẫn anh chị học Kinh Thánh và các tín đồ thành thục khác có thể cho anh chị lời khuyên. Chẳng hạn, họ có thể dùng Kinh Thánh để giúp anh chị nhận ra điểm mạnh và điểm yếu của mình. Họ có thể giúp anh chị biết cách tìm những lời khuyên thực tế dựa trên Kinh Thánh về việc chiến thắng thói quen xấu. Đức Giê-hô-va cũng luôn sẵn sàng trợ giúp anh chị. Ngài biết cách tốt nhất để giúp anh chị vì ngài biết điều gì ở trong lòng anh chị (Châm 14:10; 15:11). Vì thế, hãy có thói quen cầu nguyện và học hỏi Lời ngài mỗi ngày.

10. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của anh Elie?

10 Tin chắc tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va là tốt nhất. Chúng ta nhận được lợi ích từ mọi điều Đức Giê-hô-va bảo mình làm. Những ai sống theo tiêu chuẩn của ngài thì có lòng tự trọng, đời sống ý nghĩa và hạnh phúc thật (Thi 19:7-11). Ngược lại, những ai lờ đi tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va thì gánh chịu hậu quả của việc chiều theo các việc làm của xác thịt. Hãy xem một anh tên Elie nói gì về việc bác bỏ tiêu chuẩn của ngài. Anh được cha mẹ yêu mến Đức Giê-hô-va nuôi dạy. Nhưng trong thời niên thiếu, anh Elie đã chọn kết hợp với bạn bè xấu, rồi sa vào lối sống vô luân, trộm cắp và dùng ma túy. Anh Elie nói rằng anh nhận thấy mình ngày càng nóng tính và bạo lực. Anh thừa nhận: “Nói chung, tôi đã làm những gì tôi từng được dạy là một môn đồ Chúa Giê-su không được làm”. Tuy nhiên, anh Elie không quên những điều mình được học từ nhỏ. Sau này anh bắt đầu học Kinh Thánh trở lại. Anh nỗ lực để loại bỏ thói quen xấu và báp-têm vào năm 2000. Việc sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích nào cho anh? Anh Elie nói: “Giờ đây, tôi có tâm trí bình an và lương tâm trong sạch”. * Kinh nghiệm của anh Elie cho thấy những ai bác bỏ tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va thì gây hại cho chính mình. Dù vậy, Đức Giê-hô-va sẵn sàng giúp họ thay đổi.

11. Đức Giê-hô-va ghét những điều gì?

11 Tập ghét điều Đức Giê-hô-va ghét (Thi 97:10). Kinh Thánh cho biết Đức Giê-hô-va ghét “mắt cao ngạo, lưỡi dối trá, tay làm đổ máu vô tội” (Châm 6:16, 17). Ngài cũng “ghê tởm bọn hung bạo, gian dối” (Thi 5:6). Đức Giê-hô-va ghét những thái độ và hành động này đến mức ngài hủy diệt tất cả kẻ ác vào thời Nô-ê vì họ làm cho trái đất đầy dẫy sự hung bạo (Sáng 6:13). Hãy xem một ví dụ khác. Qua nhà tiên tri Ma-la-chi, Đức Giê-hô-va nói rằng ngài ghét những người xảo trá, dùng thủ đoạn để ly dị người hôn phối vô tội. Đức Giê-hô-va không chấp nhận sự thờ phượng của họ và sẽ buộc họ khai trình về những gì họ làm.—Mal 2:13-16; Hê 13:4.

Chúng ta ghê tởm thức ăn ôi thiu, chúng ta cũng nên có thái độ như thế đối với điều Đức Giê-hô-va ghét (Xem đoạn 11, 12)

12. “Ghê tởm điều ác” có nghĩa gì?

12 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta “ghê tởm điều ác” (Rô 12:9). Từ “ghê tởm” miêu tả cảm xúc mạnh mẽ, tức là ghét điều gì đó một cách mãnh liệt, gớm ghiếc điều ấy. Hãy hình dung anh chị sẽ phản ứng thế nào nếu được bảo ăn một đĩa thức ăn ôi thiu. Chỉ nghĩ đến việc đó thôi cũng khiến anh chị rùng mình. Tương tự, chỉ nghĩ đến việc làm điều Đức Giê-hô-va ghét cũng nên khiến chúng ta ghê tởm.

13. Tại sao chúng ta nên bảo vệ suy nghĩ của mình?

13 Bảo vệ suy nghĩ của mình. Suy nghĩ ảnh hưởng đến hành động của một người. Đó là lý do Chúa Giê-su dạy chúng ta bác bỏ những ý tưởng có thể khiến mình phạm tội trọng (Mat 5:21, 22, 28, 29). Chắc chắn chúng ta muốn làm vui lòng Cha trên trời. Vì thế, việc bác bỏ bất cứ ý tưởng sai trái nào nảy sinh trong trí là điều quan trọng biết bao!

14. Lời nói của chúng ta tiết lộ điều gì, và chúng ta nên tự hỏi những câu nào?

14 Kiểm soát lời nói của mình. Chúa Giê-su nói: “Những gì ra khỏi miệng thì xuất phát từ trong lòng” (Mat 15:18). Thật vậy, lời nói của chúng ta tiết lộ nhiều điều về con người bề trong của mình. Thế nên, hãy tự hỏi: “Mình có quyết tâm không nói dối, ngay cả khi nói sự thật sẽ khiến mình gặp vấn đề? Nếu đã kết hôn, mình có thận trọng để tránh tán tỉnh người khác phái không? Mình có kiên quyết tránh nói về những điều vô luân không? Mình có đáp lại cách bình tĩnh khi ai đó khiến mình bực tức không?”. Anh chị sẽ thấy hữu ích khi suy ngẫm những câu hỏi này. Chúng ta có thể ví lời nói giống như khuy áo. Nếu mở khuy áo, anh chị sẽ dễ cởi chiếc áo đó ra. Tương tự, nếu cố gắng hết sức để từ bỏ những lời lăng mạ, dối trá và vô luân, anh chị sẽ dễ lột bỏ nhân cách cũ hơn.

15. Đóng đinh nhân cách cũ “trên cây cột” có nghĩa gì?

15 Sẵn sàng hành động dứt khoát. Sứ đồ Phao-lô dùng hình ảnh mạnh mẽ để dạy chúng ta rằng mình cần nghiêm khắc trong việc thay đổi lối sống. Ông viết rằng chúng ta phải đóng đinh nhân cách cũ “trên cây cột” (Rô 6:6). Nói cách khác, chúng ta muốn noi gương Đấng Ki-tô. Chúng ta cần loại bỏ những thái độ và việc làm mà Đức Giê-hô-va ghét. Chỉ khi làm thế, chúng ta mới có lương tâm trong sạch và có triển vọng hưởng sự sống vĩnh cửu (Giăng 17:3; 1 Phi 3:21). Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va sẽ không thay đổi tiêu chuẩn của ngài để phù hợp với chúng ta. Thay vì thế, chúng ta cần thay đổi con người mình và vâng theo tiêu chuẩn của ngài.—Ê-sai 1:16-18; 55:9.

16. Tại sao anh chị cần quyết tâm tiếp tục kháng cự ham muốn sai trái?

16 Tiếp tục kháng cự ham muốn sai trái. Ngay cả sau khi đã báp-têm, anh chị cần tiếp tục kháng cự ham muốn sai trái. Hãy xem kinh nghiệm của một anh tên Maurício. Lúc còn trẻ, anh có lối sống đồng tính. Sau này, anh gặp Nhân Chứng Giê-hô-va và bắt đầu học Kinh Thánh. Sau khi thay đổi đời sống, anh báp-têm vào năm 2002. Dù đã phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm, anh Maurício cho biết: “Phải thừa nhận là nhiều lần tôi đã phải đấu tranh với những ham muốn sai trái của mình”. Anh không để điều đó khiến mình nản lòng. Thay vì thế, anh nói: “Tôi có được dũng khí để chống lại vì biết rằng nếu không chiều theo những ham muốn đó, mình sẽ làm Đức Giê-hô-va vui lòng”. *

17. Kinh nghiệm của chị Nabiha khích lệ anh chị thế nào?

17 Cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ và nương cậy thần khí ngài thay vì sức riêng (Ga 5:22; Phi-líp 4:6). Chúng ta phải quyết tâm nếu muốn lột bỏ nhân cách cũ và không mặc lại nó. Hãy xem kinh nghiệm của một chị tên Nabiha. Chị bị cha bỏ rơi khi chỉ mới sáu tuổi. Chị nói: “Điều đó khiến tôi… vô cùng đau đớn về cảm xúc”. Khi lớn lên, chị Nabiha trở thành người nóng nảy và hung hăng. Chị buôn bán ma túy và bị bắt, rồi phải ngồi tù nhiều năm. Các Nhân Chứng đến nhà tù rao giảng đã giúp chị học Kinh Thánh. Chị Nabiha bắt đầu thực hiện những thay đổi lớn trong đời sống. Chị nói: “Một số tật xấu thì tôi cảm thấy dễ bỏ… Nhưng bỏ thuốc lá lại là chuyện khác”. Chị Nabiha phải tranh đấu trong hơn một năm và cuối cùng đã bỏ được thói nghiện ấy. Chị làm thế bằng cách nào? Chị cho biết: “Trên hết, nhờ không ngừng cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, tôi đã dứt bỏ được tật xấu này”. Giờ đây, chị nói với người khác: “Tôi tin rằng nếu tôi có thể thay đổi để làm hài lòng Đức Giê-hô-va thì bất cứ ai cũng có thể làm được!”. *

ANH CHỊ CÓ THỂ HỘI ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỂ BÁP-TÊM!

18. Theo 1 Cô-rinh-tô 6:9-11, nhiều tôi tớ của Đức Chúa Trời đã làm được điều gì?

18 Vào thế kỷ thứ nhất, một số người nam và người nữ được Đức Giê-hô-va chọn để đồng cai trị với Đấng Ki-tô trước kia đã làm những điều rất xấu. Chẳng hạn, họ từng là người ngoại tình, đồng tính và trộm cắp. Nhưng với sự trợ giúp của thần khí thánh Đức Chúa Trời, họ đã có thể thay đổi nhân cách. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 6:9-11). Tương tự ngày nay, Kinh Thánh đã giúp hàng triệu người thay đổi đời sống. * Họ đã từ bỏ được những thói xấu ăn sâu. Gương của họ cho thấy anh chị cũng có thể thay đổi nhân cách và từ bỏ những thói quen xấu để hội đủ điều kiện báp-têm.

19. Bài kế tiếp sẽ thảo luận điều gì?

19 Ngoài việc cố gắng lột bỏ nhân cách cũ, những ai muốn báp-têm cũng cần nỗ lực mặc lấy nhân cách mới. Bài kế tiếp sẽ thảo luận cách chúng ta có thể làm thế và người khác có thể giúp chúng ta như thế nào.

BÀI HÁT 41 Xin nghe lời cầu nguyện của con

^ đ. 5 Để hội đủ điều kiện báp-têm, chúng ta cần sẵn sàng thay đổi nhân cách. Bài này sẽ giúp chúng ta thấy những tính xấu nào thuộc về nhân cách cũ, tại sao chúng ta cần lột bỏ những tính xấu ấy, và làm sao để làm thế. Bài kế tiếp sẽ xem xét làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục mặc lấy nhân cách mới ngay cả sau khi đã báp-têm.

^ đ. 3 GIẢI NGHĨA: “Lột bỏ nhân cách cũ” nghĩa là loại bỏ thái độ và khuynh hướng làm buồn lòng Đức Giê-hô-va. Chúng ta nên bắt đầu làm điều này trước khi báp-têm.—Ê-phê 4:22.

^ đ. 10 Để biết thêm chi tiết, xem bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống—‘Tôi cần phải quay về với Đức Giê-hô-va’” trong Tháp Canh ngày 1-4-2012.

^ đ. 16 Để biết thêm chi tiết, xem bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống—‘Họ rất tử tế với tôi’” trong Tháp Canh ngày 1-5-2012.

^ đ. 17 Để biết thêm chi tiết, xem bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống—‘Tôi từng là một cô gái nóng nảy và hung hăng’” trong Tháp Canh ngày 1-10-2012.

^ đ. 64 HÌNH ẢNH: Loại bỏ thái độ và việc làm sai trái giống như lột bỏ một cái áo cũ.