Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Tại sao “người có quyền chuộc lại” nói rằng phần thừa kế của ông sẽ bị “hủy hoại” nếu kết hôn với Ru-tơ? (Ru 4:1, 6)

Vào thời Kinh Thánh, nếu một người đàn ông đã kết hôn qua đời mà không có con thì một số câu hỏi cần được giải đáp: Điều gì sẽ xảy ra với đất mà người ấy sở hữu? Liệu tên của dòng họ người ấy sẽ mất đi mãi mãi không? Luật pháp Môi-se giúp giải đáp những câu hỏi đó.

Điều gì xảy ra với đất của một người đàn ông đã qua đời hoặc trở nên nghèo khó và phải bán đất? Một anh em của người ấy hoặc một bà con gần có thể chuộc lại mảnh đất đó. Nhờ thế, đất vẫn thuộc về dòng họ của người ấy.—Lê 25:23-28; Dân 27:8-11.

Tên của dòng họ người đàn ông quá cố được bảo tồn bằng cách nào? Đó là qua sắp đặt kết hôn theo bổn phận của anh em chồng, như trong trường hợp của Ru-tơ. Một người sẽ cưới vợ góa của anh em mình hầu sinh con để mang tên của người quá cố và thừa hưởng gia tài của người ấy. Nhờ sắp đặt yêu thương này, người vợ góa cũng được chăm sóc.—Phục 25:5-7; Mat 22:23-28.

Hãy xem trường hợp của Na-ô-mi. Bà kết hôn với một người tên Ê-li-mê-léc. Khi ông và hai con trai qua đời, không còn người nam nào trong gia đình để chăm sóc bà nữa (Ru 1:1-5). Khi trở về Giu-đa, Na-ô-mi bảo con dâu là Ru-tơ xin Bô-ô chuộc lại đất của họ. Ông là một người bà con gần của Ê-li-mê-léc (Ru 2:1, 19, 20; 3:1-4). Nhưng Bô-ô biết có một người bà con khác gần hơn, nên người ấy có cơ hội đầu tiên để làm người chuộc lại.—Ru 3:9, 12, 13.

Lúc đầu, “người có quyền chuộc lại” sẵn lòng giúp đỡ (Ru 4:1-4). Dù cũng có tốn kém phần nào nhưng ông nhận ra là Na-ô-mi không thể sinh con để thừa hưởng đất của Ê-li-mê-léc. Đất đó sẽ được thêm vào phần thừa kế của “người có quyền chuộc lại”. Vì thế, việc chuộc lại dường như là một sự đầu tư tốt.

Tuy nhiên, “người có quyền chuộc lại” đã đổi ý khi biết ông sẽ phải cưới Ru-tơ. Ông nói: “Tôi không thể chuộc lại phần đất ấy, vì làm thế có thể hủy hoại phần thừa kế của tôi” (Ru 4:5, 6). Tại sao ông đổi ý?

Nếu “người có quyền chuộc lại” hoặc một người khác cưới Ru-tơ và cô sinh con trai thì con trai ấy sẽ thừa hưởng đất của Ê-li-mê-léc. Điều này sẽ “hủy hoại phần thừa kế” của “người có quyền chuộc lại” như thế nào? Kinh Thánh không cho biết, nhưng sau đây là một số khả năng.

  • Thứ nhất, số tiền mà ông bỏ ra dường như sẽ bị lãng phí vì đất của Ê-li-mê-léc cuối cùng sẽ không thuộc về ông, mà sẽ thuộc về con trai của Ru-tơ.

  • Thứ hai, ông sẽ có trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc cho cả Na-ô-mi lẫn Ru-tơ.

  • Thứ ba, nếu Ru-tơ và “người có quyền chuộc lại” sinh thêm con, thì chúng cũng sẽ được chia phần thừa kế với bất cứ người con nào mà ông có.

  • Thứ tư, nếu “người có quyền chuộc lại” không có con riêng, thì con trai Ru-tơ sinh ra sẽ có quyền thừa hưởng đất của cả Ê-li-mê-léc lẫn của ông. Trong trường hợp đó, nếu ông qua đời, đất của ông sẽ thuộc về người con mang tên Ê-li-mê-léc, chứ không phải tên ông. “Người có quyền chuộc lại” không sẵn lòng chấp nhận rủi ro đó để giúp Na-ô-mi. Ông chọn để cho người có quyền chuộc lại kế tiếp là Bô-ô đảm nhận trách nhiệm đó. Bô-ô đã làm thế vì muốn “phục hồi tên của người đã qua đời trong phần thừa kế của người”.—Ru 4:10.

Hẳn “người có quyền chuộc lại” quan tâm nhiều hơn đến việc lưu danh và giữ phần thừa kế của mình. Ông đã suy nghĩ ích kỷ. Dù “người có quyền chuộc lại” đã cố gắng để bảo tồn tên của mình, nhưng tên của ông đã biến mất trong lịch sử. Ông cũng bỏ lỡ đặc ân quý giá mà Bô-ô nhận được, đó là có tên trong gia phả dẫn đến Đấng Mê-si là Chúa Giê-su Ki-tô. Thật là hậu quả đáng buồn cho “người có quyền chuộc lại” vì đã ích kỷ và không sẵn lòng giúp đỡ người gặp khó khăn!—Mat 1:5; Lu 3:23, 32.