Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 11

Làm thế nào để sẵn sàng báp-têm?

Làm thế nào để sẵn sàng báp-têm?

“Có gì cản tôi chịu phép báp-têm không?”—CÔNG 8:36.

BÀI HÁT 50 Lời cầu nguyện dâng mình

GIỚI THIỆU a

Trên khắp thế giới, cả người trẻ lẫn người lớn tuổi đang tiến bộ và báp-têm (Xem đoạn 1, 2)

1, 2. Nếu chưa sẵn sàng báp-têm, tại sao anh chị không nên nản lòng? (Xem hình nơi trang bìa).

 Nếu có ước muốn báp-têm, anh chị đang đặt một mục tiêu tuyệt vời. Anh chị có sẵn sàng để thực hiện bước đó ngay bây giờ không? Nếu thấy mình đã sẵn sàng và các trưởng lão cũng đồng ý, đừng do dự báp-têm vào dịp tới. Một đời sống thỏa nguyện trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va đang chờ đón anh chị.

2 Mặt khác, có người nào đó nói rằng anh chị cần tiến bộ thêm trước khi báp-têm không? Hoặc chính anh chị có nhận thấy điều đó không? Nếu có, đừng nản lòng. Anh chị có thể tiến đến bước quan trọng đó, dù lớn tuổi hay trẻ tuổi.

“CÓ GÌ CẢN TÔI?”

3. Triều thần người Ê-thi-ô-bi đã hỏi Phi-líp điều gì, và câu hỏi nào được nêu lên? (Công vụ 8:36, 38)

3 Đọc Công vụ 8:36, 38. Một triều thần đến từ Ê-thi-ô-bi đã hỏi người rao truyền tin mừng là Phi-líp: “Có gì cản tôi chịu phép báp-têm không?”. Người Ê-thi-ô-bi ấy có ước muốn báp-têm, nhưng ông đã thật sự sẵn sàng cho bước quan trọng này chưa?

Triều thần người Ê-thi-ô-bi quyết tâm tiếp tục hấp thu sự hiểu biết về Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 4)

4. Điều gì cho thấy triều thần người Ê-thi-ô-bi quyết tâm tiếp tục học thêm?

4 Triều thần người Ê-thi-ô-bi “đã đến thành Giê-ru-sa-lem để thờ phượng” (Công 8:27). Vì thế, ông hẳn là một người đã cải sang đạo Do Thái. Chắc chắn ông đã học về Đức Giê-hô-va từ những sách trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, nhưng ông vẫn háo hức muốn học thêm. Thật thế, lúc Phi-líp gặp ông trên đường thì ông đang làm gì? Ông đang đọc cuộn sách của nhà tiên tri Ê-sai (Công 8:28). Đó là thức ăn đặc. Triều thần ấy không chỉ bằng lòng với việc học vài điều căn bản, mà còn muốn tiếp tục học thêm.

5. Triều thần người Ê-thi-ô-bi đã làm gì trước những điều mình học?

5 Người đàn ông ấy là quan chức cao cấp dưới quyền nữ vương Can-đác của Ê-thi-ô-bi; ông “cai quản kho bạc của bà” (Công 8:27). Ông hẳn bận rộn với nhiều trách nhiệm. Dù vậy, ông vẫn dành thời gian để thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ông không chỉ bằng lòng với việc học chân lý, mà còn hành động phù hợp với điều mình học. Vì thế, ông đi một đoạn đường dài từ Ê-thi-ô-bi đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Đức Giê-hô-va tại đền thờ. Cuộc hành trình này hẳn mất nhiều thời gian và chi phí, nhưng ông sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để thờ phượng ngài.

6, 7. Điều gì đã giúp triều thần người Ê-thi-ô-bi càng yêu thương Đức Giê-hô-va sâu đậm hơn?

6 Triều thần người Ê-thi-ô-bi đã học được một số sự thật quan trọng mới từ Phi-líp, bao gồm việc Chúa Giê-su là Đấng Mê-si (Công 8:34, 35). Hẳn ông cảm động khi biết điều Chúa Giê-su đã làm cho mình. Vậy ông phản ứng thế nào? Ông đã có thể tiếp tục là một người cải đạo được kính trọng. Thay vì thế, ông càng yêu thương Đức Giê-hô-va và Con ngài. Điều này thúc đẩy ông đưa ra quyết định thay đổi cuộc đời, đó là báp-têm trở thành môn đồ của Chúa Giê-su. Vì thấy ông đã sẵn sàng nên Phi-líp làm báp-têm cho ông.

7 Nếu noi gương triều thần người Ê-thi-ô-bi, anh chị cũng có thể sẵn sàng báp-têm. Anh chị cũng có thể nói với lòng tin chắc: “Có gì cản tôi chịu phép báp-têm không?”. Hãy xem cách anh chị có thể làm theo những điều mà triều thần ấy đã làm, đó là tiếp tục học hỏi, hành động phù hợp với điều mình học và càng yêu thương Đức Chúa Trời sâu đậm hơn.

TIẾP TỤC HỌC HỎI

8. Giăng 17:3 cho biết chúng ta cần làm gì?

8 Đọc Giăng 17:3 và chú thích. Có phải những lời này của Chúa Giê-su đã giúp anh chị quyết định tìm hiểu Kinh Thánh không? Đó là trường hợp của nhiều người trong chúng ta. Nhưng những lời này có hàm ý là chúng ta cần tiếp tục học hỏi không? Có. Chúng ta sẽ không bao giờ ngừng “tìm hiểu… về Cha, là Đức Chúa Trời thật và duy nhất” (Truyền 3:11). Chúng ta sẽ tiếp tục học hỏi cho đến muôn đời. Càng học hỏi, chúng ta sẽ càng đến gần Đức Giê-hô-va.—Thi 73:28.

9. Chúng ta cần làm gì sau khi có sự hiểu biết căn bản về chân lý?

9 Lúc mới bắt đầu biết về Đức Giê-hô-va, chúng ta chỉ học những điều căn bản. Trong thư gửi cho tín đồ người Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô gọi những sự dạy dỗ căn bản là “những điều sơ đẳng”. Khi nói như thế, ông không xem nhẹ “giáo lý căn bản” mà đang so sánh giáo lý ấy với sữa nuôi dưỡng em bé (Hê 5:12; 6:1). Nhưng ông cũng khuyến giục tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô tiếp tục học nhiều hơn là những sự dạy dỗ căn bản và tìm hiểu các sự thật sâu sắc hơn trong Lời Đức Chúa Trời. Anh chị đã vun trồng lòng khao khát những sự dạy dỗ sâu sắc trong Kinh Thánh chưa? Anh chị có muốn tiến bộ thêm bằng cách tiếp tục học hỏi về Đức Giê-hô-va và ý định của ngài không?

10. Tại sao một số người thấy việc học là thách đố?

10 Đối với nhiều người, việc học là thách đố. Còn anh chị thì sao? Khi còn đi học, anh chị có tập đọc giỏi và học hỏi hiệu quả không? Anh chị có thấy việc học rất thích thú và mang lại nhiều lợi ích không? Hay anh chị cho rằng mình không phải là người học giỏi? Thật ra, nhiều người cũng cảm thấy như thế. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va có thể giúp anh chị. Ngài là đấng hoàn hảo và là Thầy tốt nhất.

11. Đức Giê-hô-va chứng tỏ ngài là “Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại” như thế nào?

11 Đức Giê-hô-va gọi ngài là “Đấng Dạy Dỗ Vĩ Đại” của anh chị (Ê-sai 30:20, 21). Ngài là Đấng Dạy Dỗ kiên nhẫn, nhân từ và biết cảm thông. Ngài tìm điểm tốt nơi học trò của mình (Thi 130:3). Ngài cũng không bao giờ đòi hỏi chúng ta làm điều vượt quá khả năng. Hãy nhớ rằng ngài thiết kế bộ não của anh chị, một món quà tuyệt vời (Thi 139:14). Chúng ta có ước muốn tự nhiên là học hỏi. Đấng Tạo Hóa muốn chúng ta tiếp tục học hỏi cho đến mãi mãi và vui thích làm điều ấy. Vì thế, điều khôn ngoan là “tập khao khát” những sự thật trong Kinh Thánh ngay bây giờ (1 Phi 2:2). Hãy đặt mục tiêu mà anh chị có thể đạt được, và có chương trình đọc và học hỏi Kinh Thánh đều đặn (Giô-suê 1:8). Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, anh chị sẽ ngày càng vui thích việc đọc và học hỏi về ngài.

12. Tại sao chúng ta nên học về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su?

12 Hãy đều đặn dành thời gian để suy ngẫm về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su. Theo sát dấu chân Chúa Giê-su là bí quyết để phụng sự Đức Giê-hô-va, đặc biệt trong thời kỳ khó khăn này (1 Phi 2:21). Chúa Giê-su cho biết rõ về những thử thách mà các môn đồ sẽ đối mặt (Lu 14:27, 28). Tuy nhiên, ngài tin chắc rằng các môn đồ chân chính có thể thành công, giống như ngài đã thành công (Giăng 16:33). Hãy học về những chi tiết trong cuộc đời Chúa Giê-su, và đặt mục tiêu noi gương ngài trong đời sống hằng ngày.

13. Anh chị nên tiếp tục cầu xin Đức Giê-hô-va điều gì, và tại sao?

13 Chỉ có sự hiểu biết thì không bao giờ đủ. Sự hiểu biết chỉ có giá trị khi giúp anh chị biết rõ hơn về Đức Giê-hô-va và vun trồng những phẩm chất như yêu thương ngài và có đức tin nơi ngài (1 Cô 8:1-3). Trong quá trình học hỏi, hãy tiếp tục cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị có thêm đức tin (Lu 17:5). Ngài rộng rãi đáp lại những lời cầu nguyện như thế. Đức tin thật dựa trên sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời sẽ giúp anh chị hành động phù hợp với điều mình học.—Gia 2:26.

TIẾP TỤC HÀNH ĐỘNG PHÙ HỢP VỚI ĐIỀU MÌNH HỌC

Trước trận Đại Hồng Thủy, Nô-ê và gia đình đã trung thành hành động theo những gì họ được biết (Xem đoạn 14)

14. Sứ đồ Phi-e-rơ nhấn mạnh thế nào về tầm quan trọng của việc hành động phù hợp với điều chúng ta học? (Cũng xem hình).

14 Sứ đồ Phi-e-rơ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các môn đồ Chúa Giê-su tiếp tục hành động phù hợp với điều học được. Ông nhắc đến lời tường thuật về Nô-ê. Đức Giê-hô-va phán với Nô-ê rằng qua một trận nước lụt, ngài sẽ hủy diệt những người gian ác thời đó. Chỉ biết là sẽ có một trận nước lụt thì không đủ để cứu Nô-ê và gia đình. Hãy lưu ý Phi-e-rơ nói về khoảng thời gian trước trận Đại Hồng Thủy mà “chiếc tàu được đóng nên” (1 Phi 3:20). Thật thế, Nô-ê và gia đình đã hành động dựa trên những gì mình học được từ Đức Chúa Trời bằng cách đóng một chiếc tàu khổng lồ (Hê 11:7). Rồi Phi-e-rơ so sánh những gì Nô-ê làm với phép báp-têm khi viết: “Phép báp-têm, tương ứng với điều đó, cũng đang cứu anh em” (1 Phi 3:21). Vậy, chúng ta có thể ví những gì anh chị đang làm bây giờ để sẵn sàng cho việc báp-têm với điều mà Nô-ê và gia đình đã làm trong nhiều năm để đóng tàu. Anh chị cần làm gì để sẵn sàng báp-têm?

15. Thành thật ăn năn bao hàm những gì?

15 Một trong những điều chúng ta cần làm là thành thật ăn năn về tội lỗi của mình (Công 2:37, 38). Thành thật ăn năn sẽ giúp chúng ta thật sự thay đổi. Anh chị đã ngưng làm những điều khiến Đức Giê-hô-va buồn lòng chưa, chẳng hạn như sống vô luân, hút thuốc lá, nói lời lăng mạ hoặc tục tĩu? (1 Cô 6:9, 10; 2 Cô 7:1; Ê-phê 4:29). Nếu chưa, hãy tiếp tục cố gắng thay đổi. Hãy nói chuyện với người đang giúp anh chị học Kinh Thánh, hoặc xin trưởng lão hướng dẫn và giúp đỡ. Nếu còn trẻ và đang sống với gia đình, hãy nhờ cha mẹ giúp bạn từ bỏ bất cứ thói xấu nào mà có thể cản trở mình báp-têm.

16. Một nề nếp thiêng liêng tốt bao hàm những gì?

16 Điều quan trọng khác là có một nề nếp thiêng liêng tốt. Điều đó bao hàm việc tham dự và góp phần vào các buổi nhóm họp (Hê 10:24, 25). Một khi đã hội đủ điều kiện để tham gia thánh chức, hãy đều đặn làm công việc này. Càng tham gia vào công việc cứu mạng đó, anh chị sẽ càng vui thích (2 Ti 4:5). Nếu còn trẻ và đang sống với gia đình, hãy tự hỏi: “Cha mẹ có phải nhắc mình tham dự nhóm họp hoặc tham gia thánh chức không? Hay mình chủ động làm thế?”. Qua việc chủ động, anh chị cho thấy mình có đức tin, cũng như yêu thương và biết ơn Đức Giê-hô-va. Đó là “những việc làm thể hiện lòng sùng kính”, là những món quà mà anh chị dâng lên cho Đức Giê-hô-va (2 Phi 3:11; Hê 13:15). Tất cả những món quà mình tình nguyện dâng cho Đức Chúa Trời đều đẹp lòng ngài. (So sánh 2 Cô-rinh-tô 9:7). Chúng ta làm những điều đó vì muốn dâng những gì tốt nhất cho Đức Giê-hô-va, và điều này mang lại niềm vui cho chúng ta.

CÀNG YÊU THƯƠNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA SÂU ĐẬM HƠN

17, 18. Phẩm chất thiết yếu nào sẽ giúp anh chị tiến bộ đến bước báp-têm, và tại sao? (Châm ngôn 3:3-6)

17 Khi tiến bộ đến bước báp-têm, anh chị sẽ đối mặt với những thử thách. Một số người có lẽ chế giễu anh chị vì niềm tin mới; thậm chí họ có thể chống đối hoặc ngược đãi anh chị (2 Ti 3:12). Khi nỗ lực từ bỏ thói xấu, đôi khi anh chị có thể tái phạm. Hoặc anh chị cảm thấy mất kiên nhẫn và bực bội vì mục tiêu báp-têm có vẻ vẫn còn xa. Điều gì sẽ giúp anh chị không bỏ cuộc? Một phẩm chất thiết yếu là tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va.

18 Tình yêu thương anh chị dành cho Đức Giê-hô-va là một phẩm chất tuyệt vời, là phẩm chất tốt nhất mà anh chị có. (Đọc Châm ngôn 3:3-6). Tình yêu thương mạnh mẽ dành cho ngài có thể giúp anh chị đối phó thành công với khó khăn trong đời sống. Kinh Thánh thường nói về tình yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va dành cho tôi tớ ngài. Tình yêu thương thành tín là sự gắn bó khăng khít, không bao giờ từ bỏ một đối tượng (Thi 100:5). Anh chị được tạo ra theo hình ảnh Đức Chúa Trời (Sáng 1:26). Vậy làm sao để phản ánh tình yêu thương đó?

Anh chị có thể bày tỏ lòng biết ơn với Đức Giê-hô-va mỗi ngày (Xem đoạn 19) b

19. Làm thế nào để gia tăng lòng biết ơn về mọi điều Đức Giê-hô-va đã làm cho anh chị? (Ga-la-ti 2:20)

19 Hãy bắt đầu với lòng biết ơn (1 Tê 5:18). Mỗi ngày, hãy tự hỏi: “Đức Giê-hô-va đã thể hiện tình yêu thương với mình qua cách nào?”. Rồi hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện, đề cập cụ thể đến điều ngài đã làm cho anh chị. Hãy xem những hành động yêu thương của ngài là dành riêng cho cá nhân anh chị, như sứ đồ Phao-lô đã nhận ra điều đó về Đức Giê-hô-va. (Đọc Ga-la-ti 2:20). Hãy tự hỏi: “Mình có muốn đáp lại bằng cách thể hiện tình yêu thương với ngài không?”. Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị tiếp tục kháng cự cám dỗ và đối phó thành công với thử thách. Tình yêu thương ấy sẽ thôi thúc anh chị giữ nề nếp thiêng liêng, qua đó cho thấy mình yêu thương Cha trên trời mỗi ngày.

20. Dâng mình cho Đức Giê-hô-va bao hàm điều gì, và quyết định này quan trọng đến mức nào?

20 Với thời gian, tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va sẽ thôi thúc anh chị dâng một lời cầu nguyện đặc biệt. Trong lời cầu nguyện đó, anh chị sẽ dâng mình cho Đức Chúa Trời. Hãy nhớ rằng một khi đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, anh chị có triển vọng tuyệt vời là được thuộc về ngài cho đến mãi mãi. Khi dâng mình, anh chị hứa nguyện phụng sự ngài cả lúc thuận tiện lẫn khó khăn. Lời hứa nguyện ấy không bao giờ phải lặp lại. Đúng là khi dâng mình, chúng ta đang thực hiện một bước hệ trọng. Nhưng hãy suy nghĩ điều này: Anh chị sẽ đưa ra nhiều quyết định trong đời và một số quyết định rất khôn ngoan, nhưng không có quyết định nào khôn ngoan bằng quyết định dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va (Thi 50:14). Sa-tan sẽ ra sức làm suy yếu tình yêu thương của anh chị dành cho Đức Giê-hô-va. Hắn mong rằng anh chị sẽ từ bỏ lòng trọn thành. Đừng bao giờ để Sa-tan chiến thắng! (Gióp 27:5). Tình yêu thương sâu đậm dành cho Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị sống đúng với sự dâng mình và càng đến gần hơn với Cha trên trời.

21. Tại sao có thể nói rằng báp-têm không phải là kết thúc mà là khởi đầu?

21 Sau khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va, hãy nói với trưởng lão về việc thực hiện bước quan trọng kế tiếp. Nhưng hãy luôn nhớ rằng báp-têm không phải là kết thúc mà là khởi đầu. Đó là khởi đầu của đời sống phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến mãi mãi. Vậy ngay bây giờ, hãy củng cố tình yêu thương của anh chị với Cha trên trời. Hãy đặt mục tiêu để ngày càng yêu thương Đức Giê-hô-va sâu đậm hơn. Những điều đó sẽ giúp anh chị tiến đến bước báp-têm. Đó sẽ là một ngày tuyệt vời, nhưng chỉ mới bắt đầu thôi. Mong sao tình yêu thương của anh chị dành cho Đức Giê-hô-va và Con ngài sẽ tiếp tục gia tăng cho đến muôn đời!

BÀI HÁT 135 Đức Giê-hô-va mến gọi: ‘Hỡi con, hãy khôn ngoan!’

a Để tiến bộ đến bước báp-têm, chúng ta cần có động cơ đúng. Chúng ta cũng cần có những hành động phù hợp. Qua gương của triều thần người Ê-thi-ô-bi, hãy xem một học viên Kinh Thánh cần làm những gì để hội đủ điều kiện báp-têm.

b HÌNH ẢNH: Trong lời cầu nguyện, một chị trẻ nói với Đức Giê-hô-va rằng chị rất biết ơn về những gì ngài cung cấp.