Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 10

Tại sao nên báp-têm?

Tại sao nên báp-têm?

“Mỗi người hãy chịu phép báp-têm”.—CÔNG 2:38.

BÀI HÁT 34 Bước theo sự trọn thành

GIỚI THIỆU a

1, 2. Điều gì thường diễn ra khi một người báp-têm, và chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

 Đã bao giờ anh chị quan sát một nhóm ứng viên báp-têm chưa? Anh chị nghe họ trả lời hai câu hỏi trước khi báp-têm với giọng tin chắc. Anh chị thấy các thành viên gia đình và bạn bè của họ rất tự hào. Khi các ứng viên ra khỏi nước, anh chị nghe tiếng vỗ tay và thấy niềm vui trên gương mặt họ. Trung bình mỗi tuần có hàng ngàn người thực hiện bước này để trở thành Nhân Chứng đã dâng mình và báp-têm của Đức Giê-hô-va.

2 Còn anh chị thì sao? Nếu đang nghĩ đến việc báp-têm, anh chị là tia sáng trong thế gian tăm tối và gian ác này vì anh chị đang “tìm kiếm Đức Giê-hô-va” (Thi 14:1, 2). Bài này được viết dành cho anh chị, dù anh chị lớn tuổi hay trẻ tuổi. Nhưng những ai đã báp-têm cũng muốn củng cố lòng quyết tâm để phụng sự Đức Giê-hô-va mãi mãi. Hãy xem xét ba trong nhiều lý do để phụng sự ngài.

ANH CHỊ YÊU CHUỘNG SỰ THẬT VÀ SỰ CÔNG CHÍNH

Sa-tan vu khống danh thánh của Đức Giê-hô-va trong hàng ngàn năm và tiếp tục làm thế (Xem đoạn 3, 4)

3. Tại sao tôi tớ của Đức Giê-hô-va yêu chuộng sự thật và sự công chính? (Thi thiên 119:128, 163)

3 Đức Giê-hô-va lệnh cho dân ngài “yêu chuộng sự thật” (Xa 8:19). Chúa Giê-su khuyến giục các môn đồ theo đuổi sự công chính (Mat 5:6). Điều này có nghĩa là một người cần có ước muốn mạnh mẽ để làm điều đúng, tốt lành và trong sạch trước mắt Đức Chúa Trời. Anh chị có yêu chuộng sự thật và sự công chính không? Chắc hẳn là có. Anh chị ghét những lời giả dối cũng như mọi điều sai trái và gian ác. (Đọc Thi thiên 119:128, 163). Những lời giả dối phản ánh đặc tính của Sa-tan, kẻ cai trị thế gian này (Giăng 8:44; 12:31). Một trong những mục tiêu của Sa-tan là vu khống danh thánh của Đức Giê-hô-va. Sa-tan lan truyền những lời giả dối về ngài kể từ cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen. Hắn ngụ ý rằng Đức Giê-hô-va là đấng cai trị ích kỷ và dối trá, giữ lại điều tốt mà không cho con người hưởng (Sáng 3:1, 4, 5). Những lời giả dối của Sa-tan về Đức Giê-hô-va tiếp tục đầu độc tâm trí người ta. Khi con người chọn không “yêu chuộng sự thật”, Sa-tan có thể xui khiến họ làm những điều bất chính và gian ác.—Rô 1:25-31.

4. Làm thế nào Đức Giê-hô-va chứng tỏ ngài là “Đức Chúa Trời chân thật”? (Cũng xem hình).

4 Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời chân thật”, và ngài sẵn lòng dạy sự thật cho những người yêu mến ngài (Thi 31:5). Khi làm thế, ngài giải thoát họ khỏi những lời giả dối của Sa-tan. Đức Giê-hô-va cũng dạy các tôi tớ ngài phải trung thực và công chính. Nhờ đó, họ có được lòng tự trọng và bình an nội tâm (Châm 13:5, 6). Hẳn ngài cũng đã làm những điều đó cho anh chị khi anh chị tìm hiểu Kinh Thánh. Anh chị học được rằng đường lối của Đức Giê-hô-va là tốt nhất cho toàn thể nhân loại và cho cá nhân anh chị (Thi 77:13). Vì thế, anh chị muốn ủng hộ sự công chính của Đức Chúa Trời (Mat 6:33). Anh chị muốn bênh vực sự thật và góp phần chứng tỏ lời vu khống về Đức Chúa Trời là sai. Anh chị có thể làm thế qua cách nào?

5. Làm thế nào anh chị có thể ủng hộ sự thật và sự công chính?

5 Anh chị có thể chọn lối sống cho thấy mình như thể nói rằng: “Tôi bác bỏ những lời giả dối của Sa-tan và ủng hộ sự thật. Tôi muốn Đức Giê-hô-va là đấng cai trị của mình, và muốn làm điều mà ngài nói là đúng”. Anh chị làm thế bằng cách nào? Đó là dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, và công khai biểu trưng điều này qua việc báp-têm. Yêu chuộng sự thật và điều đúng là động lực mạnh mẽ để chọn báp-têm.

ANH CHỊ YÊU THƯƠNG CHÚA GIÊ-SU

6. Thi thiên 45:4 đưa ra những lý do nào để yêu thương Chúa Giê-su?

6 Tại sao anh chị yêu thương Chúa Giê-su? Một số lý do để yêu thương ngài được nói đến nơi Thi thiên 45:4. (Đọc). Chúa Giê-su đẩy mạnh chân lý, sự khiêm nhường và công chính. Nếu yêu chuộng chân lý và sự công chính thì điều dễ hiểu là anh chị cũng yêu thương Chúa Giê-su. Hãy nghĩ đến việc Chúa Giê-su đã can đảm bênh vực chân lý và điều đúng (Giăng 18:37). Nhưng ngài đẩy mạnh sự khiêm nhường như thế nào?

7. Anh chị thấy điểm gì thu hút về sự khiêm nhường của Chúa Giê-su?

7 Chúa Giê-su đẩy mạnh sự khiêm nhường qua gương mẫu. Chẳng hạn, ngài luôn quy mọi sự vinh hiển cho Cha trên trời, thay vì cho bản thân (Mác 10:17, 18; Giăng 5:19). Anh chị cảm thấy thế nào khi thấy sự khiêm nhường của Chúa Giê-su? Điều đó có thôi thúc anh chị yêu thương Con Đức Chúa Trời và đi theo ngài không? Chắc chắn là có. Tại sao Chúa Giê-su khiêm nhường? Vì ngài yêu thương và bắt chước Cha mình, là đấng khiêm nhường (Thi 18:35; Hê 1:3). Chẳng phải anh chị được thu hút đến gần Chúa Giê-su, đấng phản ánh hoàn hảo các đức tính của Đức Giê-hô-va sao?

8. Tại sao chúng ta yêu thương Vua của mình là Chúa Giê-su?

8 Chúng ta yêu thương Vua của mình là Chúa Giê-su vì ngài là Đấng Cai Trị lý tưởng. Chính Đức Giê-hô-va đã huấn luyện và bổ nhiệm Con ngài cai trị (Ê-sai 50:4, 5). Cũng hãy nghĩ đến tình yêu thương bất vị kỷ mà Chúa Giê-su đã thể hiện (Giăng 13:1). Vì là Vua của anh chị nên ngài hoàn toàn xứng đáng để anh chị yêu thương. Chúa Giê-su giải thích rằng những ai thật sự yêu thương ngài, tức những người mà ngài gọi là bạn, sẽ cho thấy điều đó qua việc làm theo các mệnh lệnh của ngài (Giăng 14:15; 15:14, 15). Thật vinh dự khi được là bạn của Con Đức Giê-hô-va!

9. Phép báp-têm của tín đồ đạo Đấng Ki-tô và phép báp-têm của Chúa Giê-su có điểm tương đồng nào?

9 Một trong những mệnh lệnh của Chúa Giê-su là các môn đồ ngài chịu phép báp-têm (Mat 28:19, 20). Ngài đã nêu gương về điều này. Phép báp-têm của Chúa Giê-su khác với phép báp-têm của các môn đồ theo một số cách. (Xem khung “ Phép báp-têm của Chúa Giê-su và phép báp-têm của các môn đồ khác nhau thế nào?”). Tuy nhiên, hai phép báp-têm này cũng có điểm tương đồng. Khi báp-têm, Chúa Giê-su trình diện để làm theo ý muốn của Cha (Hê 10:7). Các môn đồ của Chúa Giê-su báp-têm để công khai biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Nhưng như Chúa Giê-su, phép báp-têm của họ cho thấy giờ đây đời sống của họ tập trung vào việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, chứ không phải của bản thân. Như vậy, họ đang noi gương Chủ của mình.

10. Anh chị có lý do nào để yêu thương Chúa Giê-su, và tình yêu thương đó nên thúc đẩy anh chị làm gì?

10 Anh chị nhìn nhận Chúa Giê-su là Con một của Đức Giê-hô-va và là Vua mà ngài bổ nhiệm để cai trị chúng ta. Anh chị biết Chúa Giê-su là đấng khiêm nhường và phản ánh hoàn hảo các đức tính của Cha. Anh chị học được rằng ngài cung cấp thức ăn cho người đói, an ủi người nản lòng và thậm chí chữa lành người bệnh (Mat 14:14-21). Anh chị đã thấy cách ngài dẫn đầu hội thánh ngày nay (Mat 23:10). Và anh chị biết rằng trong tương lai ngài sẽ làm nhiều hơn thế nữa trong vai trò là Vua Nước Trời. Làm thế nào để cho thấy anh chị yêu thương Chúa Giê-su? Đó là noi theo gương của ngài (Giăng 14:21). Một bước quan trọng để làm thế là dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm.

ANH CHỊ YÊU THƯƠNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

11. Lý do quan trọng nhất để báp-têm là gì, và tại sao có thể nói như thế?

11 Lý do quan trọng nhất để báp-têm là gì? Chúa Giê-su cho biết câu trả lời khi nói đến điều răn quan trọng nhất của Đức Chúa Trời: “Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình, hết tâm trí và hết sức lực” (Mác 12:30). Anh chị có yêu thương Đức Chúa Trời như thế không?

Đức Giê-hô-va là Nguồn của mọi điều tốt lành mà anh chị được hưởng từ xưa đến nay và trong tương lai (Xem đoạn 12, 13)

12. Tại sao anh chị yêu thương Đức Giê-hô-va? (Cũng xem hình).

12 Có rất nhiều lý do để yêu thương Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, anh chị biết được rằng ngài là “nguồn sự sống” và là đấng ban “mọi món quà tốt lành và hoàn hảo” (Thi 36:9; Gia 1:17). Mọi điều tốt lành mà anh chị được hưởng đều đến từ Đức Chúa Trời rộng rãi và yêu thương.

13. Tại sao giá chuộc là món quà tuyệt vời?

13 Giá chuộc là món quà tuyệt vời mà Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta. Tại sao có thể nói thế? Hãy nghĩ đến mối quan hệ mật thiết giữa Đức Giê-hô-va và Con ngài. Chúa Giê-su nói: “Cha yêu thương tôi” và “tôi yêu thương Cha” (Giăng 10:17; 14:31). Qua hàng tỉ năm, mối quan hệ giữa hai đấng ấy ngày càng gắn bó (Châm 8:22, 23, 30). Hãy thử nghĩ Đức Giê-hô-va đau lòng thế nào khi để cho Con ngài chịu đau đớn và chết. Ngài yêu thương nhân loại, trong đó có anh chị, nhiều đến mức đã sẵn sàng hy sinh Con yêu dấu làm giá chuộc để anh chị và người khác có thể sống mãi mãi (Giăng 3:16; Ga 2:20). Đó là lý do quan trọng nhất để yêu thương Đức Chúa Trời.

14. Mục tiêu tốt nhất mà anh chị có thể có trong đời sống là gì?

14 Càng học về Đức Giê-hô-va, anh chị càng yêu thương ngài nhiều hơn. Chắc chắn anh chị muốn đến gần hơn với ngài bây giờ và mãi mãi. Và đó là điều có thể. Ngài khuyến khích anh chị làm lòng ngài vui mừng (Châm 23:15, 16). Anh chị có thể làm thế không chỉ qua lời nói mà còn qua hành động. Lối sống của anh chị sẽ cho thấy mình thật sự yêu thương Đức Giê-hô-va (1 Giăng 5:3). Có lối sống làm vui lòng ngài là mục tiêu tốt nhất mà anh chị có thể có trong đời sống.

15. Làm thế nào để thể hiện tình yêu thương với Đức Giê-hô-va?

15 Làm thế nào để thể hiện tình yêu thương với Đức Giê-hô-va? Trước hết, trong lời cầu nguyện đặc biệt, anh chị dâng mình cho ngài (Thi 40:8). Rồi anh chị công khai biểu trưng sự dâng mình qua việc báp-têm. Như đã thảo luận ở trên, báp-têm là bước ngoặt quan trọng và vui mừng trong cuộc đời. Anh chị bắt đầu một đời sống mới, không phải sống cho mình mà là sống cho Đức Giê-hô-va (Rô 14:8; 1 Phi 4:1, 2). Báp-têm đúng là một quyết định lớn. Nhưng nó mở đường để chúng ta có đời sống tốt nhất. Như thế nào?

16. Theo Thi thiên 41:12, Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng thế nào cho những người dùng đời sống để phụng sự ngài?

16 Đức Giê-hô-va là đấng rộng rãi nhất. Dù anh chị dâng cho ngài điều gì đi nữa, ngài sẽ luôn ban lại cho anh chị nhiều hơn thế (Mác 10:29, 30). Ngài sẽ ban cho anh chị đời sống thú vị, thỏa nguyện và ý nghĩa nhất, ngay cả khi đang sống trong thế gian già cỗi này. Đó chỉ là sự khởi đầu. Hành trình mà anh chị bắt đầu khi báp-têm có thể kéo dài mãi. Anh chị có thể phụng sự Cha yêu dấu cho đến muôn đời. Tình yêu thương giữa anh chị và Cha trên trời sẽ tiếp tục gia tăng, và giống như Đức Giê-hô-va, anh chị sẽ sống mãi mãi.—Đọc Thi thiên 41:12.

17. Anh chị có thể dâng cho Đức Giê-hô-va điều gì mà ngài chưa có?

17 Khi dâng mình và báp-têm, anh chị có đặc ân dâng điều rất quý giá cho Cha trên trời. Mọi điều tốt lành và những khoảnh khắc hạnh phúc mà anh chị từng có đều đến từ Đức Chúa Trời. Để đáp lại, anh chị có thể dâng cho Chủ của trời và đất điều mà ngài chưa có, đó là việc phụng sự sẵn lòng và trung thành của anh chị (Gióp 1:8; 41:11; Châm 27:11). Chẳng phải đó là cách tốt nhất để dùng đời sống mình sao? Chắc chắn tình yêu thương của anh chị dành cho Đức Giê-hô-va là lý do quan trọng nhất để báp-têm.

TẠI SAO LẠI TRÌ HOÃN?

18. Anh chị có thể tự hỏi những câu hỏi nào?

18 Vậy anh chị sẽ báp-têm không? Chỉ có anh chị mới có thể trả lời. Nhưng điều hữu ích là tự hỏi: “Tại sao mình trì hoãn báp-têm?” (Công 8:36). Hãy nhớ ba lý do để báp-têm. Thứ nhất, anh chị yêu chuộng sự thật và sự công chính. Hãy tự hỏi: “Mình có muốn thấy ngày mà mọi người đều sẽ nói sự thật và làm điều đúng không?”. Thứ hai, anh chị yêu thương Chúa Giê-su. Hãy tự hỏi: “Mình có muốn Con Đức Chúa Trời là Vua của mình và noi gương ngài không?”. Và trên hết, lý do thứ ba là anh chị yêu thương Đức Giê-hô-va. Hãy tự hỏi: “Mình có muốn làm lòng Đức Giê-hô-va vui mừng bằng cách phụng sự ngài không?”. Nếu trả lời có cho những câu hỏi này thì tại sao anh chị lại trì hoãn việc báp-têm?—Công 16:33.

19. Tại sao anh chị không nên do dự báp-têm? Hãy minh họa. (Giăng 4:34)

19 Nếu anh chị do dự báp-têm, hãy xem một minh họa của Chúa Giê-su. (Đọc Giăng 4:34). Hãy lưu ý Chúa Giê-su ví việc làm theo ý muốn của Cha với thức ăn. Tại sao? Thức ăn rất tốt cho chúng ta. Chúa Giê-su biết rằng mọi điều Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm đều tốt cho mình. Đức Giê-hô-va không muốn chúng ta làm bất cứ điều gì gây hại cho chúng ta. Ngài có muốn anh chị báp-têm không? Chắc chắn có (Công 2:38). Vì thế, anh chị có thể tin chắc rằng làm theo mệnh lệnh báp-têm sẽ mang lại lợi ích cho mình. Nếu anh chị không do dự để thưởng thức bữa ăn ngon nhất, thì hẳn anh chị cũng không nên do dự báp-têm, phải không?

20. Bài kế tiếp sẽ xem xét điều gì?

20 Tại sao lại trì hoãn? Có thể nhiều người trả lời: “Tôi chưa sẵn sàng”. Thực tế là quyết định dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm là quyết định quan trọng nhất. Vì thế, một người cần suy nghĩ kỹ, cũng như dành thời gian và nỗ lực để hội đủ điều kiện. Nhưng nếu thật sự có ước muốn báp-têm, anh chị có thể làm gì ngay bây giờ để sẵn sàng? Chúng ta sẽ tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó trong bài kế tiếp.

BÀI HÁT 28 Để được làm bạn với Đức Giê-hô-va

a Báp-têm là bước thiết yếu đối với mọi học viên Kinh Thánh. Điều gì có thể thúc đẩy một học viên thực hiện bước này? Đó là tình yêu thương. Nhưng tình yêu thương dành cho điều gì và cho ai? Trong bài này, chúng ta sẽ tìm lời giải đáp và xem mình sẽ có đời sống thế nào khi trở thành tín đồ đã báp-têm.