Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 9

BÀI HÁT 75 “Có con đây! Xin sai con!”

Anh chị có sẵn sàng dâng mình cho Đức Giê-hô-va không?

Anh chị có sẵn sàng dâng mình cho Đức Giê-hô-va không?

“Tôi sẽ lấy gì đền đáp Đức Giê-hô-va vì mọi điều lành ngài làm cho tôi?”THI 116:12.

TRỌNG TÂM

Bài này có thể giúp anh chị vun trồng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Nhờ thế, anh chị sẽ muốn dâng mình cho ngài và báp-têm.

1, 2. Một người cần làm gì trước khi báp-têm?

 Trong 5 năm qua, có hơn một triệu người đã báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Giống như Ti-mô-thê vào thế kỷ thứ nhất, nhiều người trong số đó được dạy chân lý “từ thuở thơ ấu” (2 Ti 3:14, 15). Số khác thì học về Đức Giê-hô-va khi đã trưởng thành. Cũng có một số người học về ngài khi đã lớn tuổi. Chẳng hạn, nhiều năm trước, một phụ nữ tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va đã báp-têm khi được 97 tuổi!

2 Nếu là một học viên Kinh Thánh hoặc đang được nuôi dạy trong gia đình có cha mẹ là Nhân Chứng, anh chị có suy nghĩ đến việc báp-têm không? Đó là mục tiêu rất đáng khen! Tuy nhiên, trước khi báp-têm, anh chị cần dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Bài này sẽ giải thích dâng mình có nghĩa gì, và giúp anh chị thấy tại sao không nên do dự về việc dâng mình và báp-têm khi đã sẵn sàng làm thế.

DÂNG MÌNH LÀ GÌ?

3. Hãy nêu một số ví dụ trong Kinh Thánh về những người được dâng cho Đức Giê-hô-va.

3 Trong Kinh Thánh, dâng hiến hay dâng mình có nghĩa là biệt riêng ra cho một mục đích đặc biệt. Dân Y-sơ-ra-ên là dân tộc được dâng cho Đức Giê-hô-va. Nhưng một số người trong dân ấy được dâng cho Đức Giê-hô-va theo một cách đặc biệt. Chẳng hạn, A-rôn đeo “dấu hiệu thánh của sự dâng hiến”, tức là một tấm bằng vàng sáng bóng gắn trước khăn vấn của ông. Tấm bằng vàng ấy cho thấy ông được biệt riêng ra để phục vụ trong một nhiệm vụ đặc biệt, là thầy tế lễ thượng phẩm của dân Y-sơ-ra-ên (Lê 8:9). Người Na-xi-rê cũng được dâng cho Đức Giê-hô-va theo một cách đặc biệt. Từ “người Na-xi-rê” (đến từ một từ Hê-bơ-rơ là nazirʹ) có nghĩa là “người được biệt riêng ra” hoặc “người được dâng hiến”. Người Na-xi-rê phải làm theo những mệnh lệnh dành riêng cho họ trong Luật pháp Môi-se.—Dân 6:2-8.

4. (a) Những ai dâng mình cho Đức Giê-hô-va được biệt riêng cho một mục đích đặc biệt theo nghĩa nào? (b) “Từ bỏ chính mình” có nghĩa gì? (Cũng xem hình).

4 Khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va, anh chị chọn trở thành môn đồ của Chúa Giê-su và đặt việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống. Dâng mình bao hàm điều gì? Chúa Giê-su nói: “Nếu ai muốn làm môn đồ tôi thì phải từ bỏ chính mình” (Mat 16:24). Từ Hy Lạp được dịch là “từ bỏ chính mình” cũng có thể được dịch là “nói không với bản thân”. Là tôi tớ đã dâng mình của Đức Giê-hô-va, anh chị cần nói không với bất cứ điều gì trái với ý muốn ngài (2 Cô 5:14, 15). Điều này bao hàm việc nói không với “các việc làm của xác thịt”, chẳng hạn như gian dâm (Ga 5:19-21; 1 Cô 6:18). Vâng theo những mệnh lệnh như thế có gây khó khăn cho đời sống của anh chị không? Không, nếu anh chị yêu mến Đức Giê-hô-va và tin chắc luật pháp của ngài mang lại lợi ích cho anh chị (Thi 119:97; Ê-sai 48:17, 18). Một anh tên Nicholas nói như sau: “Chúng ta có thể xem tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va như song sắt nhà tù ngăn cản mình làm điều mình muốn, hay như song sắt của chuồng sư tử bảo vệ mình khỏi nguy hiểm”.

Anh chị xem tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va như song sắt nhà tù ngăn cản mình làm điều mình muốn, hay như song sắt của chuồng sư tử bảo vệ mình khỏi nguy hiểm? (Xem đoạn 4)


5. (a) Anh chị dâng mình cho Đức Giê-hô-va bằng cách nào? (b) Dâng mình khác với báp-têm như thế nào? (Cũng xem hình).

5 Anh chị dâng mình cho Đức Giê-hô-va bằng cách nào? Trong lời cầu nguyện, anh chị hứa là sẽ thờ phượng chỉ một mình ngài và đặt ý muốn của ngài lên hàng đầu trong đời sống. Khi làm thế, anh chị đang hứa với Đức Giê-hô-va rằng anh chị sẽ tiếp tục yêu thương ngài “hết lòng, hết mình, hết tâm trí và hết sức lực” (Mác 12:30). Dâng mình là việc riêng giữa anh chị với Đức Giê-hô-va. Trái lại, báp-têm diễn ra công khai, cho những người chứng kiến thấy anh chị đã dâng mình. Dâng mình là lời hứa nguyện thánh, và Đức Giê-hô-va muốn anh chị giữ lời hứa nguyện ấy, giống như chính anh chị cũng muốn làm thế.—Truyền 5:4, 5.

Dâng mình cho Đức Giê-hô-va bao gồm việc hứa riêng với ngài là anh chị sẽ chỉ thờ phượng một mình ngài và đặt ý muốn ngài lên hàng đầu trong đời sống (Xem đoạn 5)


TẠI SAO DÂNG MÌNH CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

6. Điều gì thúc đẩy một người dâng mình cho Đức Giê-hô-va?

6 Lý do chính anh chị dâng mình cho Đức Giê-hô-va là vì yêu thương ngài. Tình yêu thương ấy không dựa trên cảm xúc mà thôi, nhưng chủ yếu dựa trên “sự hiểu biết chính xác” và “sự thông hiểu thiêng liêng”, là những điều anh chị học về Đức Giê-hô-va đã khiến cho tình yêu thương với ngài lớn mạnh (Cô 1:9). Nhờ học hỏi Kinh Thánh, anh chị tin chắc rằng (1) Đức Giê-hô-va có thật, (2) Kinh Thánh là Lời được ngài soi dẫn và (3) ngài dùng tổ chức của ngài để thi hành ý muốn ngài.

7. Chúng ta nên làm gì trước khi dâng mình cho Đức Chúa Trời?

7 Những người dâng mình cho Đức Giê-hô-va nên biết những dạy dỗ căn bản của Kinh Thánh và sống theo tiêu chuẩn trong đó. Họ nỗ lực hết sức để chia sẻ niềm tin với người khác (Mat 28:19, 20). Tình yêu thương của họ dành cho Đức Giê-hô-va lớn mạnh, và họ thật sự muốn dâng cho ngài lòng sùng kính chuyên độc. Đó có phải là trường hợp của anh chị không? Khi có tình yêu thương như thế, anh chị sẽ không dâng mình và báp-têm chỉ vì muốn làm vừa lòng người dạy Kinh Thánh hay cha mẹ, hoặc chỉ vì đó là điều bạn bè mình làm.

8. Lòng biết ơn giúp anh chị như thế nào để quyết định dâng mình cho Đức Giê-hô-va? (Thi thiên 116:12-14)

8 Khi nghĩ về mọi điều Đức Giê-hô-va đã làm cho mình, anh chị biết ơn ngài và muốn dâng mình cho ngài. (Đọc Thi thiên 116:12-14). Kinh Thánh gọi Đức Giê-hô-va là đấng ban “mọi món quà tốt lành và hoàn hảo” (Gia 1:17). Món quà cao cả nhất là việc hy sinh Con ngài là Chúa Giê-su. Hãy thử nghĩ: Nhờ giá chuộc, anh chị có thể có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va. Và ngài ban cho anh chị triển vọng sống vĩnh cửu (1 Giăng 4:9, 10, 19). Dâng mình cho Đức Giê-hô-va là cách để cho thấy mình biết ơn về hành động yêu thương cao cả đó cùng với mọi ân phước khác mà ngài ban (Phục 16:17; 2 Cô 5:15). Lòng biết ơn ấy được nói đến trong sách Vui sống mãi mãi! bài 46, điểm 4, gồm video dài ba phút có tựa đề Dâng lễ vật cho Đức Chúa Trời.

ANH CHỊ CÓ SẴN SÀNG DÂNG MÌNH VÀ BÁP-TÊM KHÔNG?

9. Tại sao một người không nên cảm thấy bị áp lực để dâng mình?

9 Có lẽ anh chị cảm thấy mình chưa sẵn sàng để dâng mình và báp-têm. Có thể anh chị vẫn cần phải thay đổi một số điều trong đời sống sao cho phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, hoặc cần thêm thời gian để củng cố đức tin (Cô 2:6, 7). Không phải mọi học viên Kinh Thánh đều có tốc độ tiến bộ như nhau, và không phải mọi người trẻ đều sẵn sàng dâng mình và báp-têm ở cùng một độ tuổi. Hãy cố gắng đánh giá sự tiến bộ về thiêng liêng của mình theo những gì anh chị có thể làm, chứ không so sánh với người khác.—Ga 6:4, 5.

10. Anh chị có thể làm gì nếu nhận ra mình chưa sẵn sàng dâng mình và báp-têm? (Cũng xem khung “ Dành cho những người trẻ đang được nuôi dạy trong chân lý”).

10 Ngay cả khi anh chị nhận ra mình chưa sẵn sàng dâng mình cho Đức Giê-hô-va, hãy tiếp tục đặt mục tiêu đó. Hãy cầu xin ngài giúp anh chị thực hiện bất cứ sự thay đổi cần thiết nào (Phi-líp 2:13; 3:16). Anh chị có thể tin chắc ngài sẽ nghe và đáp lại lời cầu nguyện của mình.—1 Giăng 5:14.

TẠI SAO MỘT SỐ NGƯỜI DO DỰ?

11. Đức Giê-hô-va giúp chúng ta giữ trung thành với ngài như thế nào?

11 Dù đã sẵn sàng dâng mình và báp-têm, một số người vẫn còn do dự. Có lẽ họ sợ sau khi báp-têm, họ sẽ phạm tội trọng và bị khai trừ. Nếu anh chị có cùng nỗi sợ đó, hãy tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ban mọi điều anh chị cần “hầu sống xứng đáng với [ngài] để làm ngài vui lòng trọn vẹn” (Cô 1:10). Ngài cũng sẽ ban cho anh chị sức mạnh để làm điều đúng. Ngài đã giúp nhiều người khác làm thế (1 Cô 10:13). Đó là một lý do mà chỉ tương đối ít người bị khai trừ khỏi hội thánh. Thật vậy, Đức Giê-hô-va trang bị cho dân ngài để giữ trung thành.

12. Chúng ta có thể tránh phạm tội trọng bằng cách nào?

12 Mọi người bất toàn đều có lúc bị cám dỗ làm điều sai trái (Gia 1:14). Tuy nhiên, anh chị có thể chọn có hành động theo ước muốn đó hay không. Suy cho cùng, anh chị là người kiểm soát cách mình sống. Một số người cho rằng mình không thể kiểm soát hành động hoặc cảm xúc, nhưng thật ra không phải thế. Anh chị có thể tập kiểm soát chúng. Ngay cả khi một số ham muốn sai trái trỗi dậy, anh chị cũng có thể chọn không hành động theo. Để làm thế, hãy cầu nguyện mỗi ngày, duy trì chương trình học hỏi Kinh Thánh, tham dự các buổi nhóm họp và chia sẻ niềm tin với người khác. Thường xuyên làm những điều đó sẽ giúp anh chị có sức mạnh để sống đúng với lời hứa nguyện dâng mình. Và đừng bao giờ quên rằng Đức Giê-hô-va cũng sẽ giúp anh chị làm thế.—Ga 5:16.

13. Giô-sép nêu gương tốt nào cho chúng ta?

13 Anh chị sẽ thấy dễ hơn để sống đúng với sự dâng mình nếu quyết định trước điều mình sẽ làm khi gặp cám dỗ. Kinh Thánh nói đến một số người đã làm thế, dù họ cũng là người bất toàn. Chẳng hạn, Giô-sép bị vợ của Phô-ti-pha nhiều lần ra sức dụ dỗ. Nhưng cậu không do dự về điều mình sẽ làm. Kinh Thánh cho biết “Giô-sép khước từ”, và cậu nói: “Sao tôi có thể làm điều vô cùng xấu xa đó mà phạm tội với Đức Chúa Trời?” (Sáng 39:8-10). Rõ ràng, Giô-sép đã quyết định mình sẽ làm gì trước khi bà ta cố dụ dỗ cậu. Nhờ thế, cậu dễ làm điều đúng hơn khi gặp cám dỗ.

14. Làm thế nào để tập nói không với những điều sai trái?

14 Làm thế nào để cho thấy mình có cùng quyết tâm với Giô-sép? Anh chị có thể quyết định ngay bây giờ là mình sẽ làm gì khi gặp cám dỗ. Hãy tập nói không ngay lập tức với những điều mà Đức Giê-hô-va ghét, thậm chí tránh nghĩ đến chúng (Thi 97:10; 119:165). Nhờ thế, anh chị sẽ không lung lay khi bị cám dỗ. Anh chị đã quyết định trước mình sẽ phản ứng thế nào.

15. Làm thế nào một người cho thấy mình “sốt sắng tìm kiếm” Đức Giê-hô-va? (Hê-bơ-rơ 11:6)

15 Có lẽ anh chị biết mình đã tìm được chân lý và muốn phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng, nhưng có điều gì đó khiến anh chị vẫn do dự về việc dâng mình và báp-têm. Hãy noi gương vua Đa-vít bằng cách nài xin Đức Giê-hô-va: “Xin xét thấu con, và biết lòng con. Xin dò xét con, và biết tư tưởng bất an của con. Xin xem nơi con có đường tai hại nào chăng, và dẫn dắt con trong đường vĩnh cửu” (Thi 139:23, 24). Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai “sốt sắng tìm kiếm ngài”. Anh chị cho ngài thấy mình đang làm thế khi nỗ lực tiến tới mục tiêu dâng mình và báp-têm.—Đọc Hê-bơ-rơ 11:6.

TIẾP TỤC ĐẾN GẦN ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

16, 17. Làm thế nào những người được nuôi dạy trong chân lý có thể được Đức Giê-hô-va kéo đến? (Giăng 6:44)

16 Chúa Giê-su nói rằng các môn đồ ngài được Đức Giê-hô-va kéo đến. (Đọc Giăng 6:44). Hãy nghĩ xem điều đó tuyệt vời ra sao và có ý nghĩa gì với anh chị. Đức Giê-hô-va thấy điều tốt nơi mỗi người mà ngài kéo đến. Ngài xem người ấy là “sản nghiệp quý báu”, hay “sản nghiệp đặc biệt” (Phục 7:6; chú thích). Ngài cũng xem anh chị như thế.

17 Tuy nhiên, nếu là một người trẻ được nuôi dạy trong chân lý thì bạn có thể cảm thấy mình theo chân lý chỉ vì cha mẹ là Nhân Chứng, chứ không phải do Đức Giê-hô-va kéo đến. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không xem bạn chỉ là một phần của tập thể. Ngài kéo từng cá nhân đến với ngài, kể cả những người được nuôi dạy trong chân lý. Ngoài ra, Kinh Thánh nói: “Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em” (Gia 4:8; 1 Sử 28:9). Vì thế, khi bạn chủ động đến gần Đức Giê-hô-va thì ngài sẽ đáp lại bằng cách đến gần bạn, như Gia-cơ 4:8 cho biết.—So sánh 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13.

18. Bài tới sẽ thảo luận điều gì? (Thi thiên 40:8)

18 Khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm, anh chị có cùng tinh thần với Chúa Giê-su. Ngài sẵn sàng trình diện trước Cha để làm bất cứ điều gì Cha đòi hỏi. (Đọc Thi thiên 40:8; Hê 10:7). Bài tới sẽ thảo luận những điều giúp anh chị tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va sau khi báp-têm.

ANH CHỊ TRẢ LỜI THẾ NÀO?

  • Dâng mình cho Đức Giê-hô-va có nghĩa gì?

  • Lòng biết ơn giúp anh chị như thế nào để quyết định dâng mình?

  • Điều gì sẽ giúp anh chị tránh phạm tội trọng?

BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ