Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 11

BÀI HÁT 129 Chúng ta sẽ tiếp tục chịu đựng

Bền chí phụng sự bất kể sự thất vọng

Bền chí phụng sự bất kể sự thất vọng

‘Anh đã bền chí vì danh tôi’.KHẢI 2:3.

TRỌNG TÂM

Chúng ta có thể bền chí phụng sự Đức Giê-hô-va dù trải qua những nỗi thất vọng.

1. Chúng ta nhận được một số ân phước nào khi thuộc về tổ chức của Đức Giê-hô-va?

 Thật là ân phước khi thuộc về tổ chức của Đức Giê-hô-va trong những ngày sau cùng đầy khó khăn này! Trong khi tình trạng thế giới ngày càng xuống dốc, Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta một đoàn thể anh em hợp nhất (Thi 133:1). Ngài giúp chúng ta có gia đình hạnh phúc (Ê-phê 5:33–6:1). Ngài cũng ban sự thông sáng và khôn ngoan mà chúng ta cần để có bình an nội tâm.

2. Chúng ta cần làm gì, và tại sao?

2 Tuy nhiên, chúng ta cần nỗ lực để tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Tại sao? Vì lời nói hoặc hành động của người khác có thể khiến chúng ta bị xúc phạm. Chúng ta cũng có thể nản lòng vì những lỗi lầm của mình, nhất là khi tái phạm nhiều lần. Chúng ta cần bền chí phụng sự Đức Giê-hô-va khi (1) anh em đồng đạo xúc phạm chúng ta, (2) người hôn phối làm chúng ta thất vọng và (3) chúng ta thất vọng với chính mình. Trong bài này, chúng ta sẽ xem mỗi trường hợp đó. Cũng hãy xem chúng ta học được gì từ một số nhân vật trung thành trong Kinh Thánh.

BỀN CHÍ PHỤNG SỰ KHI BỊ ANH EM ĐỒNG ĐẠO XÚC PHẠM

3. Dân của Đức Giê-hô-va đối mặt với thách đố nào?

3 Thách đố. Một số anh em đồng đạo có những tính tình khiến chúng ta khó chịu. Số khác có thể làm điều gì đó khiến chúng ta thất vọng hoặc đối xử thiếu tử tế với chúng ta. Các anh dẫn đầu có thể mắc lỗi. Những trường hợp này có thể khiến một số người nghi ngờ liệu đây có phải là tổ chức của Đức Chúa Trời hay không. Thay vì tiếp tục “kề vai sát cánh” phụng sự Đức Chúa Trời cùng với anh em, có lẽ họ ngưng kết hợp với những người khiến mình bị xúc phạm hoặc thậm chí không đi nhóm họp nữa (Xô 3:9). Đó có phải là điều khôn ngoan không? Hãy xem chúng ta học được gì từ một nhân vật trong Kinh Thánh đã trải qua vấn đề tương tự.

4. Sứ đồ Phao-lô đối mặt với những thử thách nào?

4 Gương trong Kinh Thánh. Sứ đồ Phao-lô biết các anh em đồng đạo là người bất toàn. Chẳng hạn, một số người nghĩ sai về ông khi ông bắt đầu kết hợp với hội thánh (Công 9:26). Sau đó, một số người nói xấu sau lưng Phao-lô để hủy hoại danh tiếng của ông (2 Cô 10:10). Phao-lô cũng thấy một anh có trách nhiệm đã mắc phải sai lầm có thể khiến người khác vấp phạm (Ga 2:11, 12). Ngoài ra, một trong những người bạn đồng hành thân thiết là Mác đã khiến ông rất thất vọng (Công 15:37, 38). Phao-lô đã có thể để cho các tình huống trên khiến ông ngừng kết hợp với những người đó. Nhưng ông vẫn có quan điểm tích cực về anh em và tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Điều gì đã giúp Phao-lô bền chí?

5. Điều gì đã giúp Phao-lô tiếp tục gắn bó với anh em? (Cô-lô-se 3:13, 14) (Cũng xem hình).

5 Phao-lô yêu thương anh em. Tình yêu thương dành cho người khác đã giúp ông tập trung vào những phẩm chất tốt, chứ không phải khuyết điểm của họ. Tình yêu thương cũng giúp ông làm điều mà chính ông viết nơi Cô-lô-se 3:13, 14. (Đọc). Hãy xem Phao-lô đối xử thế nào với Mác. Mặc dù Mác đã từ bỏ ông trong chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất, nhưng Phao-lô không giận anh ta mãi. Sau này, khi viết lá thư đầy yêu thương cho hội thánh ở Cô-lô-se, Phao-lô khen Mác là bạn cùng làm việc đáng quý, là “nguồn an ủi lớn” (Cô 4:10, 11). Trong khi bị tù ở Rô-ma, Phao-lô đề nghị cho Mác đến giúp ông (2 Ti 4:11). Rõ ràng, Phao-lô vẫn tiếp tục gắn bó với anh em. Chúng ta học được gì từ ông?

Phao-lô có sự bất đồng với Ba-na-ba và Mác. Nhưng sau này ông bỏ qua vấn đề đó và vui vẻ làm việc với Mác (Xem đoạn 5)


6, 7. Điều gì có thể giúp chúng ta bền chí thể hiện tình yêu thương với anh em bất kể những khuyết điểm của họ? (1 Giăng 4:7)

6 Bài học. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta bền chí thể hiện tình yêu thương với anh em. (Đọc 1 Giăng 4:7). Nếu một anh em không đối xử với mình theo cách của tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta nên tin rằng người ấy chỉ đơn giản là hành động thiếu suy nghĩ, nhưng vẫn là người muốn làm theo nguyên tắc Kinh Thánh (Châm 12:18). Đức Chúa Trời yêu thương các tôi tớ trung thành bất kể những thiếu sót của họ. Ngài không từ bỏ chúng ta khi chúng ta phạm lỗi, cũng không “căm giận mãi” (Thi 103:9). Noi theo gương của Cha giàu lòng tha thứ là điều quan trọng biết bao!—Ê-phê 4:32–5:1.

7 Cũng hãy nhớ rằng khi sự kết thúc đến gần hơn, chúng ta cần tiếp tục gắn bó với anh em đồng đạo. Hẳn sự ngược đãi sẽ gia tăng. Thậm chí chúng ta có thể ngồi tù vì đức tin. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ cần anh em hơn bao giờ hết (Châm 17:17). Hãy xem điều gì đã xảy ra với anh Josep, a một trưởng lão ở Tây Ban Nha. Anh và các anh khác cùng bị bỏ tù vì giữ lập trường trung lập. Anh cho biết: “Trong tù, chúng tôi sống chung và ở đó không có sự riêng tư nên rất dễ bực bội với nhau. Chúng tôi đã chịu đựng và rộng lòng tha thứ nhau. Điều này giúp chúng tôi hợp nhất và bảo vệ lẫn nhau, vì xung quanh chúng tôi là những tù nhân không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Có lần tay tôi bị thương và phải băng bó, nên tôi không thể tự làm một số việc. Nhưng một anh em đã giặt đồ giúp và chăm sóc tôi qua những cách thực tế khác. Tôi cảm nghiệm tình yêu thương chân thành vào lúc mình cần nhất”. Thật vậy, chúng ta có lý do để giải quyết vấn đề với anh em ngay bây giờ!

BỀN CHÍ CHỊU ĐỰNG KHI NGƯỜI HÔN PHỐI LÀM MÌNH THẤT VỌNG

8. Các cặp vợ chồng đối mặt với thách đố nào?

8 Thách đố. Mọi cuộc hôn nhân đều có khó khăn. Kinh Thánh thẳng thắn cho biết những người đã kết hôn sẽ gặp “khốn khổ về xác thịt” (1 Cô 7:28). Tại sao? Vì hôn nhân là sự kết hợp giữa hai người bất toàn, mỗi người có cá tính và sở thích riêng. Hai người có thể đến từ những nền văn hóa khác nhau hoặc có hoàn cảnh xuất thân khác nhau. Sau khi kết hôn, họ có thể thấy người hôn phối có tính tình mà trước đó họ không nhận ra. Những điều này có thể gây mâu thuẫn trong hôn nhân. Thay vì thừa nhận mình cũng có lỗi và nỗ lực giải quyết vấn đề, họ có thể đổ lỗi cho người hôn phối. Thậm chí họ có thể xem việc ly thân hoặc ly dị là giải pháp. Nhưng bỏ cuộc có phải là cách giải quyết không? b Hãy xem chúng ta học được gì từ một nhân vật trong Kinh Thánh đã bền chí chịu đựng cuộc hôn nhân đầy chông gai.

9. A-bi-ga-in đối mặt với thử thách nào?

9 Gương trong Kinh Thánh. A-bi-ga-in là vợ của Na-banh, người mà Kinh Thánh miêu tả là khắc nghiệt và thô bạo (1 Sa 25:3). Hẳn rất khó cho A-bi-ga-in để sống với một người đàn ông như thế. A-bi-ga-in có cơ hội để thoát khỏi hôn nhân của mình không? Có. Cô có cơ hội đó khi Đa-vít, vua tương lai của Y-sơ-ra-ên, đến để giết chồng cô vì đã sỉ nhục ông và người của ông (1 Sa 25:9-13). A-bi-ga-in đã có thể chạy trốn và để cho Đa-vít thực hiện kế hoạch của mình. Nhưng cô đã can thiệp và thuyết phục Đa-vít tha mạng cho Na-banh (1 Sa 25:23-27). Điều gì thúc đẩy cô làm thế?

10. Có thể điều gì thúc đẩy A-bi-ga-in bền chí chịu đựng cuộc hôn nhân đầy khó khăn?

10 A-bi-ga-in yêu thương Đức Giê-hô-va và tôn trọng tiêu chuẩn của ngài về hôn nhân. Hẳn cô biết điều ngài phán với A-đam và Ê-va khi ngài thiết lập hôn nhân đầu tiên (Sáng 2:24). A-bi-ga-in biết rằng Đức Giê-hô-va xem hôn nhân là sự sắp đặt thánh khiết. Cô muốn làm hài lòng ngài, và hẳn điều đó đã thúc đẩy cô làm bất cứ điều gì có thể để cứu người nhà, kể cả chồng mình. A-bi-ga-in hành động nhanh chóng để ngăn cản Đa-vít giết Na-banh. Cô cũng sẵn lòng xin lỗi về một sai lầm mà mình không phạm phải. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va yêu thương người phụ nữ can đảm và bất vị kỷ này. Cả người vợ lẫn người chồng có thể học được gì từ gương của A-bi-ga-in?

11. (a) Đức Giê-hô-va muốn những người đã kết hôn làm gì? (Ê-phê-sô 5:33) (b) Anh chị học được gì từ cách chị Carmen nỗ lực để cứu vãn hôn nhân? (Cũng xem hình).

11 Bài học. Đức Giê-hô-va muốn những người đã kết hôn tôn trọng sắp đặt về hôn nhân, ngay cả khi người hôn phối là người khó sống chung. Hẳn ngài hài lòng biết bao khi thấy những người đã kết hôn nỗ lực giải quyết vấn đề, tôn trọng nhau và thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ. (Đọc Ê-phê-sô 5:33). Hãy xem trường hợp của chị Carmen. Khoảng sáu năm sau khi kết hôn, chị bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và báp-têm. Chị cho biết: “Chồng tôi phản ứng tiêu cực. Anh ghen với Đức Giê-hô-va. Anh sỉ nhục tôi và dọa sẽ bỏ tôi”. Dù thế, chị vẫn bền chí chịu đựng trong hôn nhân của mình. Suốt 50 năm, chị đã nỗ lực yêu thương và tôn trọng chồng. Chị nói: “Thời gian trôi qua, tôi đã tập biết suy xét hơn và nói chuyện khéo léo với chồng. Tôi biết hôn nhân là thánh khiết trước mắt Đức Giê-hô-va nên đã làm mọi điều có thể để bảo vệ hôn nhân. Vì yêu thương Đức Giê-hô-va nên tôi chưa bao giờ bỏ cuộc”. c Nếu hôn nhân gặp khó khăn, anh chị có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ hỗ trợ và giúp anh chị bền chí chịu đựng.

Anh chị rút ra bài học nào từ việc A-bi-ga-in sẵn sàng làm mọi điều có thể để cứu người nhà? (Xem đoạn 11)


BỀN CHÍ PHỤNG SỰ KHI THẤT VỌNG VỚI BẢN THÂN

12. Chúng ta có thể đối mặt với thách đố nào nếu phạm tội trọng?

12 Thách đố. Chúng ta có thể cảm thấy muốn bỏ cuộc nếu phạm tội trọng. Kinh Thánh cho biết việc phạm tội có thể khiến lòng chúng ta “tan nát giày vò” (Thi 51:17). Một anh tên Robert đã nỗ lực trong nhiều năm để hội đủ điều kiện làm phụ tá hội thánh. Tuy nhiên, anh đã phạm tội trọng và nhận ra mình đã phản bội Đức Giê-hô-va. Anh cho biết: “Lương tâm tôi trĩu nặng như thể đang gánh cả ngàn cân. Rồi tôi cảm thấy mình thật tệ. Tôi khóc nức nở và cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Tôi nhớ lúc đó đã nghĩ ngài sẽ không bao giờ đoái hoài đến lời cầu nguyện của tôi nữa. Ngài nghe tôi làm gì? Tôi đã khiến ngài thất vọng”. Nếu phạm tội, chúng ta có thể cảm thấy muốn bỏ cuộc vì lòng đang giày vò khiến chúng ta nghĩ rằng ngài đã bỏ mình (Thi 38:4). Nếu cảm thấy như thế, hãy xem gương của một nhân vật trung thành trong Kinh Thánh đã bền chí phụng sự Đức Giê-hô-va dù phạm tội trọng.

13. Sứ đồ Phi-e-rơ đã phạm tội trọng nào, và điều gì dẫn đến tội ấy?

13 Gương trong Kinh Thánh. Vào đêm trước khi Chúa Giê-su bị xử tử, sứ đồ Phi-e-rơ đã phạm nhiều lỗi lầm dẫn đến tội nghiêm trọng nhất trong đời ông. Đầu tiên, Phi-e-rơ tỏ ra quá tự tin, cho rằng mình sẽ giữ trung thành ngay cả nếu các sứ đồ khác bỏ Chúa Giê-su (Mác 14:27-29). Sau đó, trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Phi-e-rơ đã nhiều lần không thức canh (Mác 14:32, 37-41). Rồi khi một đám đông đến bắt Chúa Giê-su, Phi-e-rơ bỏ ngài mà chạy trốn (Mác 14:50). Cuối cùng, Phi-e-rơ ba lần chối là không biết Chúa Giê-su, thậm chí còn thề độc (Mác 14:66-71). Phi-e-rơ phản ứng thế nào khi nhận ra mình đã phạm tội trọng? Ông bật khóc nức nở, có lẽ suy sụp vì mặc cảm tội lỗi (Mác 14:72). Hãy hình dung Phi-e-rơ đau lòng thế nào khi vài giờ sau, bạn của ông là Chúa Giê-su bị xử tử. Hẳn Phi-e-rơ cảm thấy mình thật vô giá trị!

14. Điều gì giúp Phi-e-rơ bền chí phụng sự Đức Giê-hô-va? (Xem hình).

14 Phi-e-rơ đã bền chí phụng sự Đức Giê-hô-va vì một số lý do. Ông không cô lập mình mà đến gặp các anh em thiêng liêng, và hẳn họ đã an ủi ông (Lu 24:33). Ngoài ra, Chúa Giê-su đã hiện ra với Phi-e-rơ sau khi sống lại, rất có thể để khích lệ ông (Lu 24:34; 1 Cô 15:5). Sau đó, thay vì quở trách Phi-e-rơ vì những lỗi lầm của ông, Chúa Giê-su cho biết ông sẽ nhận những trách nhiệm lớn hơn (Giăng 21:15-17). Phi-e-rơ biết mình phạm tội trọng, nhưng đã không bỏ cuộc. Tại sao? Vì ông tin chắc Chủ của mình là Chúa Giê-su không từ bỏ mình. Và các anh em thiêng liêng của Phi-e-rơ tiếp tục hỗ trợ ông. Chúng ta học được gì từ gương của ông?

Như Giăng 21:15-17 cho thấy, Chúa Giê-su không từ bỏ Phi-e-rơ. Điều này giúp ông bền chí phụng sự Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 14)


15. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tin chắc điều gì? (Thi thiên 86:5; Rô-ma 8:38, 39) (Cũng xem hình).

15 Bài học. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tin chắc ngài yêu thương và sẵn lòng tha thứ cho chúng ta. (Đọc Thi thiên 86:5; Rô-ma 8:38, 39). Khi phạm tội, chúng ta cảm thấy tội lỗi. Cảm xúc đó là đúng và bình thường. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ rằng mình không thể nào được yêu thương hoặc tha thứ. Thay vì thế, chúng ta cần tìm sự giúp đỡ ngay lập tức. Anh Robert được đề cập ở trên nói: “Tôi phạm tội vì đã dựa vào sức riêng của mình để kháng cự cám dỗ”. Anh nhận ra rằng mình phải cho các trưởng lão biết. Anh kể lại: “Khi làm được điều đó, tôi liền cảm nhận bàn tay yêu thương của Đức Giê-hô-va thể hiện qua họ. Các trưởng lão không xem tôi là vô phương cứu chữa. Họ giúp tôi tin rằng Đức Giê-hô-va không từ bỏ tôi”. Chúng ta cũng có thể tin chắc Đức Giê-hô-va yêu thương mình sâu đậm, và sẽ tha thứ nếu chúng ta ăn năn tội lỗi, tìm kiếm sự giúp đỡ cần thiết và cố gắng hết sức để không tái phạm (1 Giăng 1:8, 9). Lòng tin chắc ấy giúp chúng ta không bỏ cuộc khi phạm tội.

Anh chị cảm thấy thế nào khi nhận được sự giúp đỡ từ các trưởng lão tận tụy? (Xem đoạn 15)


16. Tại sao anh chị quyết tâm bền chí phụng sự Đức Giê-hô-va?

16 Đức Giê-hô-va rất quý trọng nỗ lực của chúng ta để phụng sự ngài trong những ngày sau cùng đầy khó khăn này. Với sự giúp đỡ của ngài, chúng ta có thể bền chí phụng sự dù trải qua những nỗi thất vọng. Chúng ta có thể vun trồng tình yêu thương với anh em đồng đạo và tha thứ cho họ nếu họ xúc phạm mình. Chúng ta có thể cho thấy mình yêu thương Đức Chúa Trời sâu đậm và tôn trọng sắp đặt của ngài bằng cách làm những gì có thể để giải quyết vấn đề nảy sinh trong hôn nhân. Và nếu phạm tội trọng, chúng ta có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, chấp nhận tình yêu thương và sự tha thứ của ngài, đồng thời tiếp tục phụng sự ngài. Hãy tin chắc rằng mình sẽ gặt hái ân phước dồi dào nếu không bỏ cuộc trong việc làm điều lành.—Ga 6:9.

LÀM SAO ĐỂ BỀN CHÍ PHỤNG SỰ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHI…

  • anh em đồng đạo xúc phạm mình?

  • người hôn phối làm mình thất vọng?

  • chúng ta thất vọng với bản thân?

BÀI HÁT 139 Hình dung cuộc sống bạn trong thế giới mới

a Một số tên đã được thay đổi.

b Lời Đức Chúa Trời khuyên vợ chồng không nên ly thân và cũng nói rõ rằng những ai ly thân không có quyền tái hôn. Tuy nhiên, có những trường hợp nghiêm trọng mà một số tín đồ xem là lý do để ly thân. Xem Phụ lục 4 “Ly thân” trong sách Vui sống mãi mãi!.

c Để biết về một trường hợp khác, hãy xem video Đừng để sự bình an giả tạo đánh lừa!—Anh Darrel và chị Deborah Freisinger trên jw.org.