BÀI HỌC 12
BÀI HÁT 77 Ánh sáng trong thế gian tăm tối
Hãy tránh bóng tối và luôn ở trong ánh sáng
“Anh em từng là bóng tối, nhưng nay là ánh sáng”.—Ê-PHÊ 5:8.
TRỌNG TÂM
Những bài học chúng ta có thể rút ra từ hình ảnh ẩn dụ là bóng tối và ánh sáng được đề cập nơi Ê-phê-sô chương 5.
1, 2. (a) Thư gửi cho tín đồ ở Ê-phê-sô được viết trong hoàn cảnh nào? (b) Bài này sẽ xem xét những câu hỏi nào?
Khi bị giam lỏng ở Rô-ma, sứ đồ Phao-lô muốn khích lệ anh em đồng đạo. Vì không thể đến thăm trực tiếp nên ông đã viết thư cho họ. Một trong những thư ấy được viết vào khoảng năm 60 hoặc 61 CN cho các tín đồ ở Ê-phê-sô.—Ê-phê 1:1; 4:1.
2 Gần mười năm trước đó, Phao-lô đã dành nhiều thời gian ở Ê-phê-sô để rao giảng và dạy dỗ tin mừng (Công 19:1, 8-10; 20:20, 21). Ông rất yêu quý anh em ở đây và muốn giúp họ giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Nhưng tại sao ông viết về bóng tối và ánh sáng cho các tín đồ được xức dầu? Và tất cả tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể học được gì từ lời khuyên của ông? Hãy cùng xem lời giải đáp cho những câu hỏi này.
TỪ BÓNG TỐI RA ÁNH SÁNG
3. Phao-lô dùng hình ảnh ẩn dụ nào trong thư gửi cho tín đồ ở Ê-phê-sô?
3 Phao-lô viết cho tín đồ ở Ê-phê-sô: “Anh em từng là bóng tối, nhưng nay là ánh sáng” (Ê-phê 5:8). Trong câu này, Phao-lô dùng hình ảnh ẩn dụ là bóng tối và ánh sáng để nói về những tình trạng đối lập nhau. Hãy xem tại sao ông có thể nói rằng các tín đồ ở Ê-phê-sô “từng là bóng tối”.
4. Những người ở Ê-phê-sô ở trong sự tối tăm về thiêng liêng theo nghĩa nào?
4 Tối tăm về thiêng liêng. Trước khi biết chân lý và trở thành tín đồ, anh em ở Ê-phê-sô đã làm nô lệ cho các niềm tin tôn giáo sai lầm và mê tín dị đoan. Thành Ê-phê-sô có đền thờ nổi tiếng của nữ thần Ác-tê-mi, là đền thờ được những người thời xưa xem là một trong bảy kỳ quan thế giới. Người đến đó thì đắm chìm trong việc thờ hình tượng. Việc sản xuất và buôn bán miếu của Ác-tê-mi mang lại nhiều lợi nhuận cho các thợ thủ công (Công 19:23-27). Ngoài ra, thành này cũng nổi tiếng về phép thuật.—Công 19:19.
5. Những người ở Ê-phê-sô ở trong sự tối tăm về đạo đức theo nghĩa nào?
5 Tối tăm về đạo đức. Thành Ê-phê-sô cũng nổi tiếng về sự gian dâm quá độ và hành vi trâng tráo. Người ta thường nghe thấy những lời tục tĩu ở các nhà hát và thậm chí tại các sự kiện tôn giáo (Ê-phê 5:3). Nhiều cư dân trong thành “không còn nhận biết luân thường đạo lý”, một cụm từ có nghĩa đen là “không còn cảm thấy đau đớn” (Ê-phê 4:17-19). Trước khi biết tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về điều đúng và điều sai, các tín đồ ở Ê-phê-sô không áy náy và cũng không nghĩ rằng họ phải chịu trách nhiệm trước mắt ngài khi làm điều sai trái. Vì thế, Phao-lô có thể nói rằng họ có ‘tâm trí tối tăm, xa cách sự sống đến từ Đức Chúa Trời’.
6. Tại sao Phao-lô có thể nói rằng những tín đồ ở Ê-phê-sô “nay là ánh sáng”?
6 Dù vậy, một số người ở Ê-phê-sô đã không tiếp tục ở trong bóng tối. Phao-lô viết rằng họ “nay là ánh sáng nhờ thuộc về Chúa” (Ê-phê 5:8). Họ chấp nhận ánh sáng của chân lý trong Kinh Thánh (Thi 119:105). Những người này đã từ bỏ các thực hành tôn giáo sai lầm và hành vi vô luân. Họ đã trở thành người ‘bắt chước Đức Chúa Trời’ và cố gắng hết sức để thờ phượng cũng như làm vui lòng ngài.—Ê-phê 5:1.
7. Hoàn cảnh của chúng ta giống với nhiều tín đồ ở Ê-phê-sô như thế nào?
7 Tương tự, trước khi biết chân lý, chúng ta ở trong sự tối tăm về đạo đức và thiêng liêng. Một số người trong chúng ta từng giữ các ngày lễ của tôn giáo sai lầm. Số khác có đời sống vô luân. Nhưng khi biết tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về điều đúng và điều sai, chúng ta đã thay đổi và bắt đầu sống phù hợp với đòi hỏi công chính của ngài. Nhờ thế, chúng ta nhận được nhiều lợi ích (Ê-sai 48:17). Nhưng chúng ta vẫn gặp thử thách. Thế nên, chúng ta cần tránh xa bóng tối mà mình đã ra khỏi và “tiếp tục bước đi như con cái của ánh sáng”. Bằng cách nào?
TRÁNH XA BÓNG TỐI
8. Theo Ê-phê-sô 5:3-5, các tín đồ ở Ê-phê-sô cần tránh xa điều gì?
8 Đọc Ê-phê-sô 5:3-5. Để tránh xa sự tối tăm về đạo đức, các tín đồ ở Ê-phê-sô phải tiếp tục không dính líu đến những thực hành làm buồn lòng Đức Giê-hô-va. Những thực hành này không chỉ bao gồm hành vi vô luân mà còn cả việc nói năng tục tĩu. Phao-lô nhắc nhở các tín đồ ở Ê-phê-sô là họ phải tránh xa những điều như thế nếu muốn ‘có phần thừa kế trong Nước của Đấng Ki-tô và của Đức Chúa Trời’.
9. Tại sao chúng ta nên tránh bất cứ điều gì liên quan đến sự vô luân?
9 Chúng ta cũng phải tiếp tục tranh đấu để không vướng vào “những việc làm vô ích thuộc về bóng tối” (Ê-phê 5:11). Nhiều kinh nghiệm cho thấy một người càng nhìn, nghe hoặc nói về những điều ô uế và vô luân thì sẽ càng dễ làm điều sai trái (Sáng 3:6; Gia 1:14, 15). Tại một nước, hàng chục Nhân Chứng đã “kết bạn” trong một nhóm trò chuyện trực tuyến. Lúc đầu, nhiều anh chị nói về những điều thiêng liêng. Nhưng dần dần các cuộc trò chuyện của nhóm trở nên không lành mạnh. Họ bắt đầu nói nhiều về tình dục. Sau này, một số người trong nhóm ấy thừa nhận là những cuộc nói chuyện ô uế như thế đã dẫn đến việc họ phạm tội vô luân.
10. Sa-tan cố lừa dối chúng ta như thế nào? (Ê-phê-sô 5:6)
10 Thế gian của Sa-tan cố lừa dối chúng ta để khiến chúng ta tin rằng điều mà Đức Giê-hô-va xem là vô luân và ô uế thật ra chẳng có gì sai (2 Phi 2:19). Chúng ta không ngạc nhiên về điều này! Một trong những chiến thuật mà Ác Quỷ đã dùng từ lâu là khiến người ta bối rối để không thể phân biệt điều đúng và điều sai (Ê-sai 5:20; 2 Cô 4:4). Không lạ gì khi nhiều bộ phim, chương trình truyền hình và trang web cổ vũ những ý tưởng đi ngược lại tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va! Sa-tan đang cố khiến chúng ta nghĩ rằng những thực hành và lối sống ô uế không chỉ chấp nhận được mà còn thích thú và vô hại.—Đọc Ê-phê-sô 5:6.
11. Làm thế nào trường hợp của chị Angela cho thấy chúng ta cần áp dụng lời khuyên khôn ngoan nơi Ê-phê-sô 5:7? (Cũng xem hình).
11 Sa-tan muốn chúng ta kết hợp với những người khiến chúng ta khó làm theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Vì thế, Phao-lô khuyên tín đồ ở Ê-phê-sô là “đừng đồng lõa với họ”, tức những người làm điều sai trái trước mắt Đức Chúa Trời (Ê-phê 5:7). Ngày nay, chúng ta phải thận trọng hơn các tín đồ ở Ê-phê-sô thời xưa vì chúng ta có thể kết hợp không chỉ với người mình gặp trực tiếp mà còn với người trên mạng xã hội. Chị Angela a sống ở châu Á đã nhận ra mạng xã hội có thể nguy hiểm đến mức nào. Chị thừa nhận: “Đó có thể là cạm bẫy dần dần làm tê liệt khả năng suy xét của một người. Tôi đã bị ảnh hưởng đến mức không cảm thấy áy náy khi có những ‘người bạn’ không tôn trọng nguyên tắc Kinh Thánh. Cuối cùng, tôi nghĩ là cũng chẳng sao khi có lối sống làm buồn lòng Đức Giê-hô-va”. Nhưng thật tốt là các trưởng lão yêu thương đã giúp chị thực hiện những sự thay đổi cần thiết. Chị nói: “Giờ thì tôi lấp đầy tâm trí mình bằng những điều thiêng liêng thay vì mạng xã hội”.
12. Điều gì sẽ giúp chúng ta làm theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về điều đúng và điều sai?
12 Chúng ta phải kháng cự quan điểm của thế gian cho rằng hạnh kiểm vô luân là điều có thể chấp nhận được. Chúng ta biết quan điểm đó không đúng (Ê-phê 4:19, 20). Hãy tự hỏi: “Mình có quyết tâm tránh kết hợp không cần thiết với đồng nghiệp, bạn học và những người khác không tôn trọng tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va không? Mình có can đảm làm theo tiêu chuẩn của ngài, ngay cả khi một số người nghĩ mình khắt khe không?”. Theo 2 Ti-mô-thê 2:20-22, chúng ta cũng cần cẩn thận khi chọn những người mình kết thân trong hội thánh. Hãy nhớ là không phải ai cũng giúp chúng ta trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va.
BƯỚC ĐI “NHƯ CON CÁI CỦA ÁNH SÁNG”
13. “Tiếp tục bước đi như con cái của ánh sáng” có nghĩa gì? (Ê-phê-sô 5:7-9)
13 Phao-lô không chỉ khuyến khích các tín đồ ở Ê-phê-sô luôn tránh xa bóng tối mà còn “tiếp tục bước đi như con cái của ánh sáng”. (Đọc Ê-phê-sô 5:7-9). Điều này có nghĩa gì? Chúng ta phải luôn giữ hạnh kiểm của tín đồ chân chính vào mọi lúc. Một cách để đạt được mục tiêu này là siêng năng đọc và học hỏi Kinh Thánh cũng như các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến gương mẫu và sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, là “ánh sáng của thế gian”.—Giăng 8:12; Châm 6:23.
14. Thần khí thánh có thể giúp chúng ta như thế nào?
14 Chúng ta cũng cần sự trợ giúp của thần khí thánh để luôn có hạnh kiểm cho thấy mình là “con cái của ánh sáng”. Tại sao? Vì việc giữ thanh sạch trong thế gian vô luân này không hề dễ dàng (1 Tê 4:3-5, 7, 8). Thần khí có thể giúp chúng ta kháng cự lối suy nghĩ của thế gian, kể cả những triết lý và quan điểm đi ngược lại với lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời. Thần khí cũng có thể giúp chúng ta sinh ra “mọi điều tốt lành, công chính và chân thật”.—Ê-phê 5:9.
15. Chúng ta có thể nhận được thần khí qua những cách nào? (Ê-phê-sô 5:19, 20)
15 Một cách để nhận được thần khí là cầu xin Đức Chúa Trời ban cho. Chúa Giê-su nói rằng Đức Giê-hô-va sẽ “ban thần khí thánh cho những người cầu xin ngài” (Lu 11:13). Và khi cùng nhau ngợi khen Đức Giê-hô-va tại các buổi nhóm họp, chúng ta cũng nhận được thần khí. (Đọc Ê-phê-sô 5:19, 20). Sự tác động của thần khí giúp chúng ta có đời sống làm vui lòng Đức Chúa Trời.
16. Điều gì sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định khôn ngoan? (Ê-phê-sô 5:10, 17)
16 Khi đứng trước những quyết định quan trọng, chúng ta cần nhận biết “thế nào là ý muốn của Đức Giê-hô-va”, và hành động phù hợp với ý muốn đó. (Đọc Ê-phê-sô 5:10, 17). Khi xác định các nguyên tắc Kinh Thánh áp dụng cho trường hợp của mình, thật ra chúng ta đang tìm kiếm quan điểm của Đức Giê-hô-va về vấn đề đó. Rồi khi chúng ta áp dụng những nguyên tắc của ngài thì sẽ dễ hơn để đưa ra quyết định khôn ngoan.
17. Làm thế nào chúng ta có thể dùng thời gian một cách khôn ngoan? (Ê-phê-sô 5:15, 16) (Cũng xem hình).
17 Phao-lô cũng khuyên các tín đồ ở Ê-phê-sô dùng thời gian một cách khôn ngoan. (Đọc Ê-phê-sô 5:15, 16). “Kẻ Ác”, tức kẻ thù của chúng ta là Sa-tan, muốn làm cho chúng ta bận rộn trong việc theo đuổi những điều thuộc về thế gian đến mức không có thời gian phụng sự Đức Chúa Trời (1 Giăng 5:19). Một tín đồ có thể bắt đầu đặt của cải vật chất, học vấn hoặc công việc lên trên cơ hội phụng sự Đức Giê-hô-va. Nếu làm thế thì người đó cho thấy mình đang bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ của thế gian. Dĩ nhiên, bản thân những thứ ấy không có gì sai, nhưng chúng không bao giờ nên là điều ưu tiên trong đời sống chúng ta. Để bước đi “như con cái của ánh sáng”, chúng ta cần “tận dụng thì giờ”, tức tập trung vào những điều thật sự quan trọng.
18. Anh Donald đã làm gì để dùng thời gian một cách khôn ngoan hơn?
18 Hãy tìm những cơ hội để phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn. Đó là điều mà anh Donald sống ở Nam Phi đã làm. Anh nói: “Tôi đã xem xét hoàn cảnh của mình và xin Đức Giê-hô-va giúp mình hiệu quả hơn trong việc rao giảng. Tôi cầu nguyện để có thể tìm được công việc cho phép mình có nhiều thời gian hơn cho thánh chức. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, tôi đã tìm được công việc thích hợp, và vợ chồng tôi bắt đầu phụng sự trọn thời gian cùng nhau”.
19. Làm thế nào để “tiếp tục bước đi như con cái của ánh sáng”?
19 Lá thư của Phao-lô gửi cho tín đồ ở Ê-phê-sô hẳn đã giúp họ giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Lời khuyên trong thư đó cũng hữu ích cho chúng ta. Như đã thảo luận, lời khuyên ấy có thể giúp chúng ta khôn ngoan trong việc chọn hình thức giải trí và những người mà mình kết hợp. Chúng ta cũng có thể được thúc đẩy để tiếp tục bước đi trong ánh sáng chân lý bằng cách học hỏi Kinh Thánh đều đặn. Ngoài ra, lời khuyên ấy nhấn mạnh tầm quan trọng của thần khí thánh, là lực giúp chúng ta sinh ra những phẩm chất tốt đẹp. Nhờ áp dụng điều Phao-lô viết, chúng ta cũng có thể đưa ra quyết định khôn ngoan, phù hợp với lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va. Khi làm những điều trên, chúng ta có thể tránh xa bóng tối của thế gian và luôn ở trong ánh sáng!
ANH CHỊ TRẢ LỜI THẾ NÀO?
-
“Bóng tối” và “ánh sáng” được đề cập nơi Ê-phê-sô 5:8 nói đến điều gì?
-
Chúng ta có thể tránh xa “bóng tối” như thế nào?
-
Làm thế nào để “tiếp tục bước đi như con cái của ánh sáng”?
BÀI HÁT 95 Ánh sáng càng sáng thêm
a Một số tên đã được thay đổi.
b HÌNH ẢNH: Một bản sao thời ban đầu của lá thư Phao-lô gửi cho các tín đồ ở Ê-phê-sô.