Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 14

Anh chị có đang chu toàn thánh chức không?

Anh chị có đang chu toàn thánh chức không?

‘Hãy làm công việc của người rao truyền tin mừng và chu toàn thánh chức của con’.2 TI 4:5.

BÀI HÁT 57 Rao giảng cho mọi loại người

GIỚI THIỆU *

Sau khi sống lại, Chúa Giê-su gặp các môn đồ và chỉ thị cho họ “hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ” của ngài (Xem đoạn 1)

1. Tất cả tôi tớ của Đức Chúa Trời muốn làm điều gì, và tại sao? (Xem hình nơi trang bìa).

Chúa Giê-su Ki-tô lệnh cho các môn đồ “hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ” của ngài (Mat 28:19). Tất cả tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời muốn học cách để “chu toàn thánh chức” mà họ được giao phó (2 Ti 4:5). Suy cho cùng, công việc này quan trọng, đáng công và cấp bách hơn bất cứ công việc nào khác trong đời sống. Tuy nhiên, việc dành nhiều thời gian cho thánh chức như mình muốn có thể là một thách đố.

2. Chúng ta đối mặt với những vấn đề nào trong khi phải chu toàn thánh chức?

2 Ngoài thánh chức, có những hoạt động quan trọng khác đòi hỏi thời gian và sức lực của chúng ta. Có lẽ chúng ta phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày để chu cấp cho bản thân và gia đình. Có lẽ chúng ta phải gánh vác những trách nhiệm khác trong gia đình, đối phó với bệnh tật, trầm cảm hoặc tuổi già. Làm thế nào chúng ta có thể chu toàn thánh chức trong khi phải đối mặt với những vấn đề như thế?

3. Chúng ta có thể kết luận gì từ những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 13:23?

3 Nếu vì hoàn cảnh mà mình không thể dành nhiều thời gian cho thánh chức như mong muốn, chúng ta không nên nản lòng. Chúa Giê-su biết không phải ai trong chúng ta cũng có thể dành lượng thời gian và năng lực giống nhau để rao giảng tin mừng. (Đọc Ma-thi-ơ 13:23). Đức Giê-hô-va quý trọng mọi điều chúng ta làm trong thánh chức miễn là chúng ta nỗ lực hết mình (Hê 6:10-12). Tuy nhiên, có thể chúng ta cảm thấy hoàn cảnh cho phép mình làm nhiều hơn. Trong bài này, hãy xem làm thế nào chúng ta có thể đặt ưu tiên cho thánh chức, giữ đời sống đơn giản, và cải thiện kỹ năng rao giảng cũng như dạy dỗ. Nhưng trước hết, hãy xem chu toàn thánh chức có nghĩa gì.

4. Chu toàn thánh chức bao hàm điều gì?

4 Nói đơn giản, để chu toàn thánh chức, chúng ta cần cố gắng tham gia rao giảng và dạy dỗ càng nhiều càng tốt. Nhưng điều này không chỉ bao hàm số giờ chúng ta dành cho thánh chức. Động lực của chúng ta rất quan trọng đối với Đức Giê-hô-va. Vì yêu thương ngài và người lân cận, chúng ta muốn hết mình thi hành thánh chức * (Mác 12:30, 31; Cô 3:23). Phụng sự Đức Giê-hô-va hết mình nghĩa là chúng ta dùng hết sức lực mình có để hầu việc ngài. Khi ý thức công việc rao giảng là một đặc ân, chúng ta cố gắng chia sẻ tin mừng cho càng nhiều người càng tốt.

5, 6. Hãy minh họa về việc một người bị hạn chế về thời gian nhưng vẫn có thể đặt thánh chức lên hàng ưu tiên.

5 Hãy hình dung về một em trẻ rất thích chơi đàn ghi-ta. Em chơi đàn bất cứ khi nào có thể. Rồi em tìm được công việc là chơi đàn ghi-ta cho một quán cà phê vào cuối tuần. Tuy nhiên, thu nhập từ công việc này không đủ để em trang trải chi phí. Do đó, em xin làm bồi bàn cho một nhà hàng từ thứ hai đến thứ sáu. Dù dành phần lớn thời gian làm việc tại nhà hàng, nhưng lòng em vẫn hướng về âm nhạc. Em muốn được cải thiện kỹ năng chơi nhạc và trở thành một nhạc công trọn thời gian. Nhưng trong lúc này, em vẫn tận dụng mọi cơ hội để chơi nhạc, dù khoảng thời gian đó có lẽ không nhiều.

6 Tương tự, có lẽ thời gian anh chị dành cho công việc rao giảng bị hạn chế. Nhưng đó là công việc anh chị yêu thích. Anh chị cố gắng cải thiện kỹ năng trình bày tin mừng sao cho động đến lòng người nghe. Vì phải chăm lo nhiều việc, hẳn anh chị thắc mắc làm thế nào để đặt công việc rao giảng lên hàng ưu tiên.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẶT THÁNH CHỨC LÊN HÀNG ƯU TIÊN?

7, 8. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình có cùng quan điểm với Chúa Giê-su về thánh chức?

7 Chúa Giê-su có quan điểm nào đối với thánh chức? Ngài xem việc nói về Nước Đức Chúa Trời là trọng tâm của đời sống (Giăng 4:34, 35). Ngài đi bộ hàng trăm cây số để rao giảng cho càng nhiều người càng tốt. Ngài nắm bắt mọi cơ hội để làm chứng cho người ta, dù là tại nhà họ hay nơi công cộng. Toàn bộ đời sống của Chúa Giê-su xoay quanh công việc thánh chức. Quả là gương nổi bật cho chúng ta noi theo!

8 Chúng ta có thể noi gương Đấng Ki-tô bằng cách tạo cơ hội để chia sẻ tin mừng bất cứ khi nào và bất cứ nơi đâu. Chúng ta sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân để tham gia công việc rao giảng (Mác 6:31-34; 1 Phi 2:21). Một số anh chị trong hội thánh có thể làm tiên phong đặc biệt, đều đều hoặc phụ trợ. Số khác học ngoại ngữ hoặc chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn. Tuy nhiên, phần lớn công việc rao giảng được thực hiện bởi những anh chị công bố khác làm hết khả năng của mình. Dù sao đi nữa, Đức Giê-hô-va không đòi hỏi nhiều hơn khả năng của chúng ta. Ngài muốn tất cả chúng ta vui thích phụng sự ngài khi rao truyền “tin mừng vinh hiển của Đức Chúa Trời hạnh phúc”.—1 Ti 1:11; Phục 30:11.

9. (a) Điều gì cho thấy Phao-lô đặt thánh chức lên hàng ưu tiên ngay cả khi phải làm việc ngoài đời? (b) Công vụ 28:16, 30, 31 cho thấy Phao-lô có quan điểm nào về thánh chức?

9 Sứ đồ Phao-lô nêu gương tốt khi đặt thánh chức lên hàng ưu tiên trong đời sống. Lúc ở Cô-rinh-tô trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai, Phao-lô chỉ còn ít tiền nên ông phải làm nghề may lều một thời gian. Tuy nhiên, Phao-lô không xem việc may lều là quan trọng nhất. Ông làm nghề này để chu cấp cho bản thân khi thi hành thánh chức hầu không trở thành gánh nặng tài chính cho người ở Cô-rinh-tô (2 Cô 11:7). Dù phải làm việc ngoài đời nhưng Phao-lô tiếp tục ưu tiên cho thánh chức, và ông rao giảng vào mỗi ngày Sa-bát. Sau khi hoàn cảnh thuận lợi hơn, Phao-lô có thể chú tâm hơn vào công việc rao giảng. Ông “bắt đầu dồn mọi nỗ lực vào việc giảng lời Đức Chúa Trời, làm chứng với người Do Thái rằng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô” (Công 18:3-5; 2 Cô 11:9). Sau này, khi bị quản thúc tại Rô-ma trong hai năm, Phao-lô làm chứng cho những người đến thăm mình và viết các lá thư. (Đọc Công vụ 28:16, 30, 31). Phao-lô quyết tâm không để bất cứ điều gì ảnh hưởng đến thánh chức của mình. Ông viết: “Chúng tôi có thánh chức này nên chúng tôi không bỏ cuộc” (2 Cô 4:1). Như Phao-lô, ngay cả nếu chúng ta phải dành thời gian làm việc ngoài đời, chúng ta vẫn có thể đặt công việc Nước Trời lên hàng ưu tiên.

Chúng ta có thể chu toàn thánh chức qua nhiều cách (Xem đoạn 10, 11)

10, 11. Làm thế nào chúng ta có thể chu toàn thánh chức dù có vấn đề về sức khỏe?

10 Nếu không thể đi rao giảng từng nhà nhiều như mong muốn vì tuổi cao hoặc sức khỏe yếu, chúng ta vẫn có thể tham gia các hình thức làm chứng khác. Những tín đồ vào thế kỷ thứ nhất rao giảng ở bất cứ nơi nào có người. Họ tận dụng mọi cơ hội để chia sẻ chân lý cho người mình gặp, chẳng hạn như từ nhà này sang nhà kia hoặc làm chứng nơi công cộng và bán chính thức (Công 17:17; 20:20). Nếu không thể đi lại nhiều, chúng ta có thể ngồi ở một khu vực công cộng để làm chứng cho những người đi đường. Hoặc chúng ta có thể rao giảng bán chính thức, viết thư hay làm chứng qua điện thoại. Nhiều anh chị công bố bị hạn chế về sức khỏe cảm nghiệm nhiều niềm vui và sự thỏa lòng khi làm chứng qua những cách như thế.

11 Dù có những hạn chế về sức khỏe, anh chị vẫn có thể chu toàn thánh chức. Một lần nữa, hãy xem gương của sứ đồ Phao-lô. Ông nói: “Trong mọi sự, tôi có sức mạnh nhờ đấng ban sức cho tôi” (Phi-líp 4:13). Phao-lô cần sức mạnh như thế khi ông mắc bệnh trong một chuyến hành trình truyền giáo. Ông nói với những tín đồ ở Ga-la-ti: “Bởi một căn bệnh mà tôi đã có cơ hội đầu tiên để công bố tin mừng cho anh em” (Ga 4:13). Tương tự, vấn đề sức khỏe có thể mở ra cho anh chị cơ hội chia sẻ tin mừng với người khác, chẳng hạn như bác sĩ và nhân viên y tế. Nhiều người trong số đó có lẽ đang đi làm khi những người công bố đến nhà họ.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ ĐỜI SỐNG ĐƠN GIẢN?

12. Giữ mắt “tập trung” có nghĩa gì?

12 Chúa Giê-su nói: “Mắt là đèn của thân thể. Vậy, nếu mắt anh em tập trung vào một mục tiêu, cả thân thể sẽ sáng” (Mat 6:22). Chúa Giê-su có ý nói rằng chúng ta cần giữ đời sống đơn giản, tránh để mình bị phân tâm hoặc đi chệch khỏi mục tiêu. Chính Chúa Giê-su đã nêu gương về việc giữ đời sống tập trung vào thánh chức, và ngài dạy các môn đồ chú tâm vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va và vào Nước Trời. Chúng ta noi gương Chúa Giê-su bằng cách giữ đời sống xoay quanh thánh chức, “tìm kiếm Nước Trời và sự công chính của [Đức Chúa Trời] trước hết”.—Mat 6:33.

13. Điều gì có thể giúp chúng ta tập trung vào thánh chức?

13 Một cách giúp chúng ta tập trung vào thánh chức là đơn giản hóa đời sống để dành nhiều thời gian hơn giúp người khác học về Đức Giê-hô-va và yêu mến ngài. * Chẳng hạn, chúng ta có thể điều chỉnh giờ làm việc ngoài đời để đi thánh chức nhiều hơn trong tuần không? Chúng ta có thể giảm bớt một số hoạt động giải trí chiếm nhiều thời gian của mình không?

14. Một cặp vợ chồng đã điều chỉnh những gì để chú tâm và dành nhiều thời gian hơn cho thánh chức?

14 Đó là điều mà một anh trưởng lão tên Elias và vợ anh đã làm. Anh nói: “Lúc ấy chúng tôi không thể làm tiên phong, nhưng chúng tôi đã thực hiện một số thay đổi để tham gia thánh chức nhiều hơn. Chẳng hạn, chúng tôi cắt giảm chi tiêu, giảm bớt những hoạt động giải trí chiếm nhiều thời gian và xin chủ cho lịch làm việc linh động hơn. Nhờ thế, chúng tôi có thể đi thánh chức vào lúc chiều tối, điều khiển nhiều cuộc học hỏi hơn và đi rao giảng giữa tuần hai lần mỗi tháng. Chúng tôi cảm nghiệm được rất nhiều niềm vui!”.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢI THIỆN KỸ NĂNG RAO GIẢNG VÀ DẠY DỖ?

Áp dụng những gì học được từ buổi nhóm họp giữa tuần sẽ giúp chúng ta tiếp tục tiến bộ trong thánh chức (Xem đoạn 15, 16) *

15, 16. Phù hợp với 1 Ti-mô-thê 4:13, 15, làm thế nào chúng ta có thể cải thiện kỹ năng rao giảng tin mừng? (Cũng xem khung “ Những mục tiêu giúp tôi chu toàn thánh chức”).

15 Một cách khác giúp chúng ta chu toàn thánh chức là cải thiện kỹ năng rao giảng và dạy dỗ. Trong một số ngành nghề, nhân viên phải thường xuyên được huấn luyện và đào tạo để cải thiện kỹ năng cũng như gia tăng kiến thức. Điều này cũng áp dụng cho những người rao truyền tin mừng. Chúng ta cần tiếp tục học hỏi và trau dồi để trở nên khéo léo hơn trong thánh chức.—Châm 1:5; đọc 1 Ti-mô-thê 4:13, 15.

16 Vậy làm thế nào chúng ta tiếp tục tiến bộ trong thánh chức? Đó là bằng cách chú tâm đến sự hướng dẫn mình nhận được qua Buổi họp Lối sống và thánh chức hằng tuần. Buổi họp này cung cấp sự huấn luyện quý giá để giúp chúng ta tiếp tục cải thiện kỹ năng trong thánh chức. Chẳng hạn, khi anh chủ tọa đưa ra lời khuyên về bài của các học viên, chúng ta có thể nhận ra những điểm để cải thiện thánh chức của mình. Chúng ta có thể áp dụng những đề nghị ấy khi đi rao giảng vào lần tới. Chúng ta có thể xin anh giám thị nhóm giúp đỡ hoặc đi rao giảng cùng anh ấy, hoặc đi với một người công bố khác có kinh nghiệm, với một tiên phong hoặc giám thị vòng quanh. Khi càng sử dụng thành thạo các công cụ trong Hộp dụng cụ dạy dỗ, chúng ta sẽ càng yêu thích công việc rao giảng và dạy dỗ.

17. Anh chị sẽ cảm nghiệm được điều gì khi chu toàn thánh chức?

17 Quả là đặc ân khi được cùng làm việc với Đức Giê-hô-va! (1 Cô 3:9). Khi “nhận biết những điều quan trọng hơn” và tập trung vào thánh chức, anh chị sẽ “vui mừng hầu việc Đức Giê-hô-va” (Phi-líp 1:10; Thi 100:2). Là người phụng sự Đức Chúa Trời, anh chị có thể tin chắc rằng ngài sẽ ban sức lực cần thiết để anh chị chu toàn thánh chức bất kể những thử thách và giới hạn của bản thân (2 Cô 4:1, 7; 6:4). Dù hoàn cảnh cho phép anh chị đi rao giảng nhiều hay ít, nhưng khi hết mình tham gia thánh chức, anh chị vẫn có thể có cớ để tự hào và vui mừng (Ga 6:4). Khi chu toàn thánh chức, anh chị cho thấy mình yêu thương Đức Giê-hô-va và người khác. Đồng thời, anh chị sẽ cứu được chính mình và những người lắng nghe thông điệp.—1 Ti 4:16.

BÀI HÁT 58 Tìm kiếm người yêu chuộng sự bình an

^ đ. 5 Chúng ta được giao sứ mạng rao giảng tin mừng và đào tạo môn đồ. Bài này sẽ xem làm thế nào chúng ta có thể chu toàn thánh chức, ngay cả khi đối mặt với vấn đề cá nhân. Cũng hãy xem làm sao để thi hành công việc rao giảng hữu hiệu hơn và gia tăng niềm vui.

^ đ. 4 GIẢI NGHĨA: Thánh chức của tín đồ đạo Đấng Ki-tô bao gồm những khía cạnh khác nhau của việc rao giảng và dạy dỗ, xây cất và bảo trì các cơ sở thần quyền, cũng như cứu trợ.—2 Cô 5:18, 19; 8:4.

^ đ. 13 Xin xem bảy cách được liệt kê trong khung “Cách đơn giản hóa đời sống” trong Tháp Canh tháng 7 năm 2016, trg 10.

^ đ. 62 HÌNH ẢNH: Một chị trình bày cuộc viếng thăm trong buổi nhóm họp giữa tuần. Sau đó, khi anh chủ tọa cho lời khuyên, chị ghi chú vào sách mỏng Dạy dỗ. Rồi cuối tuần, chị áp dụng vào thánh chức những gì học được tại buổi nhóm họp.