Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 15

Noi gương Chúa Giê-su mang lại bình an

Noi gương Chúa Giê-su mang lại bình an

“Sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em”.PHI-LÍP 4:7.

BÀI HÁT 113 Sự bình an của dân Đức Chúa Trời

GIỚI THIỆU *

1, 2. Tại sao Chúa Giê-su cảm thấy bồn chồn?

Vào ngày cuối cùng sống trên đất, Chúa Giê-su cảm thấy bồn chồn. Ngài sắp phải chịu cái chết tàn nhẫn dưới tay những kẻ gian ác. Nhưng Chúa Giê-su không chỉ lo lắng về cái chết sắp đến. Ngài yêu thương Đức Giê-hô-va vô cùng và muốn làm Cha hài lòng. Chúa Giê-su biết nếu ngài giữ lòng trung thành trước thử thách cam go sắp xảy đến, ngài sẽ góp phần biện minh cho danh Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su cũng yêu thương con người, và ngài biết rằng tương lai vĩnh cửu của chúng ta phụ thuộc vào việc ngài giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va cho đến chết.

2 Ngay cả trong lúc chịu nhiều căng thẳng, Chúa Giê-su vẫn có sự bình an. Ngài nói với các sứ đồ: “Tôi cho anh em sự bình an của tôi” (Giăng 14:27). Ngài có “sự bình an của Đức Chúa Trời”, là sự điềm tĩnh và thanh thản đến từ mối quan hệ quý giá với Đức Giê-hô-va. Sự bình an đó đã bảo vệ lòng và trí của Chúa Giê-su.—Phi-líp 4:6, 7.

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Chúng ta sẽ không bao giờ phải đối mặt với áp lực như Chúa Giê-su, nhưng tất cả các môn đồ của ngài đều sẽ gặp thử thách (Mat 16:24, 25; Giăng 15:20). Giống như Chúa Giê-su, đôi lúc chúng ta cũng cảm thấy bồn chồn. Làm thế nào chúng ta có thể tránh để sự lo lắng chế ngự và cướp đi sự bình an nội tâm? Hãy xem ba điều Chúa Giê-su đã làm trong thời gian thi hành thánh chức trên đất và làm thế nào chúng ta có thể noi gương ngài khi đối mặt với thử thách.

CHÚA GIÊ-SU TIẾP TỤC CẦU NGUYỆN

Chúng ta có thể giữ bình an bằng cách cầu nguyện (Xem đoạn 4-7)

4. Hãy nêu một số ví dụ cho thấy Chúa Giê-su cầu nguyện nhiều lần vào ngày cuối cùng sống trên đất, như những lời nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17.

4 Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:17. Chúa Giê-su cầu nguyện nhiều lần vào ngày cuối cùng sống trên đất. Khi thiết lập buổi lễ tưởng nhớ sự hy sinh của ngài, Chúa Giê-su dâng lời cầu nguyện trước khi chuyền bánh và rượu (1 Cô 11:23-25). Trước khi rời nơi tổ chức Lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su cầu nguyện với các môn đồ (Giăng 17:1-26). Khi ngài và các môn đồ đến núi Ô-liu, Chúa Giê-su cầu nguyện với Cha nhiều lần (Mat 26:36-39, 42, 44). Và những lời cuối cùng ngài thốt lên trước khi chết là qua lời cầu nguyện (Lu 23:46). Chúa Giê-su cầu nguyện và chia sẻ với Cha về mọi điều xảy ra trong ngày trọng đại ấy.

5. Tại sao lòng can đảm của các sứ đồ bị suy yếu?

5 Một điều giúp Chúa Giê-su chịu đựng thử thách là ngài nương cậy nơi Cha qua lời cầu nguyện. Tuy nhiên, các sứ đồ đã không kiên trì cầu nguyện vào đêm hôm đó. Vì thế, lòng can đảm của họ bị suy yếu khi giờ thử thách đến (Mat 26:40, 41, 43, 45, 56). Khi đối mặt với thử thách, chúng ta chỉ có thể giữ lòng trung thành nếu noi gương Chúa Giê-su và “không ngừng cầu nguyện”. Chúng ta có thể cầu nguyện về điều gì?

6. Làm thế nào đức tin giúp chúng ta giữ bình an?

6 Chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va cho mình “thêm đức tin” (Lu 17:5; Giăng 14:1). Chúng ta cần có đức tin vì Sa-tan sẽ thử thách tất cả những ai theo Chúa Giê-su (Lu 22:31). Đức tin giúp chúng ta thế nào để giữ bình an ngay cả khi phải đương đầu hết thử thách này đến thử thách khác? Sau khi chúng ta đã làm tất cả những gì có thể để đối phó với một vấn đề, đức tin nơi Đức Giê-hô-va sẽ thôi thúc chúng ta đặt vấn đề đó trong tay ngài. Việc tin rằng ngài có cách tốt nhất để giải quyết vấn đề giúp chúng ta có bình an tâm trí.—1 Phi 5:6, 7.

7. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của anh Robert?

7 Việc cầu nguyện giúp chúng ta giữ bình an nội tâm dù đối mặt với bất cứ thử thách nào. Hãy xem kinh nghiệm của anh Robert, một trưởng lão trung thành ngoài 80 tuổi. Anh cho biết: “Lời khuyên nơi Phi-líp 4:6, 7 đã giúp tôi đối phó với nhiều thử thách trong đời sống, chẳng hạn vấn đề về tài chính và việc bị mất đặc ân làm trưởng lão trong một thời gian”. Điều gì giúp anh Robert giữ bình an nội tâm? Anh chia sẻ: “Tôi liền cầu nguyện với Đức Giê-hô-va khi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Tôi tin chắc rằng càng cầu nguyện thường xuyên và tha thiết, tôi càng cảm thấy bình an”.

CHÚA GIÊ-SU SỐT SẮNG RAO GIẢNG

Chúng ta có thể giữ bình an bằng cách rao giảng (Xem đoạn 8-10)

8. Như được nói đến nơi Giăng 8:29, điều gì khác giúp Chúa Giê-su có bình an nội tâm?

8 Đọc Giăng 8:29. Chúa Giê-su có bình an nội tâm ngay cả khi bị ngược đãi vì ngài biết rằng ngài đang làm Cha vui lòng. Chúa Giê-su luôn vâng lời dù không dễ để làm thế. Ngài yêu thương Cha và dành trọn đời sống để phụng sự Cha. Trước khi xuống thế, Chúa Giê-su là “thợ cả” của Đức Chúa Trời (Châm 8:30). Khi sống trên đất, ngài sốt sắng dạy người khác về Cha ngài (Mat 6:9; Giăng 5:17). Công việc này đã mang lại cho Chúa Giê-su niềm vui sâu xa.—Giăng 4:34-36.

9. Việc bận rộn trong thánh chức giúp chúng ta giữ bình an nội tâm như thế nào?

9 Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su bằng cách vâng lời Đức Giê-hô-va và “luôn làm công việc Chúa một cách dư dật” (1 Cô 15:58). Khi “dồn mọi nỗ lực”, hay giữ bận rộn, trong công việc rao giảng, chúng ta có thể có cái nhìn thăng bằng hơn về vấn đề của mình (Công 18:5). Chẳng hạn trong thánh chức, đôi khi chúng ta gặp những người đối mặt với vấn đề tồi tệ hơn mình. Nhưng khi họ bắt đầu yêu mến Đức Giê-hô-va và áp dụng lời khuyên của ngài, đời sống họ được cải thiện và hạnh phúc hơn. Mỗi khi chứng kiến điều đó, chúng ta càng tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc mình. Và lòng tin chắc như thế giúp chúng ta giữ bình an nội tâm. Một chị từ nhỏ phải đấu tranh với sự buồn nản và cảm giác vô dụng đã cảm nghiệm sự thật ấy. Chị nói: “Khi bận rộn trong thánh chức, tôi có cảm xúc ổn định hơn và hạnh phúc hơn. Tôi nghĩ vì khi làm công việc rao giảng, tôi cảm thấy đó là lúc mình gần gũi nhất với Đức Giê-hô-va”.

10. Anh chị học được gì từ những lời chia sẻ của chị Brenda?

10 Cũng hãy xem kinh nghiệm của một chị tên là Brenda. Cả chị và con gái đều mắc bệnh đa xơ cứng. Chị Brenda phải ngồi xe lăn và thường cảm thấy mệt mỏi. Chị đi rao giảng từng nhà mỗi khi có thể, nhưng chị chủ yếu làm chứng qua thư. Chị nói: “Khi hiểu và chấp nhận rằng mình sẽ không bao giờ khỏi bệnh trong đời này, tôi có thể hoàn toàn chú tâm vào thánh chức. Thực tế là mỗi khi tham gia thánh chức, tôi không còn nghĩ đến những lo lắng của mình. Thay vì thế, tôi tập trung vào việc giúp đỡ những người mình gặp trong khu vực. Và khi tham gia thánh chức, tôi luôn được nhắc về niềm hy vọng trong tương lai”.

CHÚA GIÊ-SU NHẬN SỰ GIÚP ĐỠ TỪ NHỮNG NGƯỜI BẠN

Chúng ta có thể giữ bình an bằng cách kết hợp với những người bạn tốt (Xem đoạn 11-15)

11-13. (a) Làm thế nào các sứ đồ và những người khác chứng tỏ là bạn chân thật của Chúa Giê-su? (b) Những người bạn ấy tác động ra sao đến Chúa Giê-su?

11 Trong suốt thời gian Chúa Giê-su thi hành thánh chức, các sứ đồ trung thành đã chứng tỏ là bạn chân thật của ngài. Họ là những người bạn mà câu châm ngôn sau miêu tả: “Có người bạn gắn bó hơn anh em ruột” (Châm 18:24). Chúa Giê-su quý trọng những người bạn như thế. Trong thời gian làm thánh chức của Chúa Giê-su, không người em trai nào của ngài đặt đức tin nơi ngài (Giăng 7:3-5). Có thời điểm, người nhà của ngài thậm chí còn cho rằng ngài mất trí (Mác 3:21). Ngược lại, Chúa Giê-su nói với các sứ đồ trung thành vào đêm trước khi ngài chết: “Anh em là những người đã gắn bó với tôi khi tôi gặp thử thách”.—Lu 22:28.

12 Đôi khi các sứ đồ làm Chúa Giê-su thất vọng, nhưng ngài không tập trung vào những lỗi lầm đó. Ngài biết họ là những người có đức tin (Mat 26:40; Mác 10:13, 14; Giăng 6:66-69). Vào đêm cuối cùng ở bên các sứ đồ trung thành trước khi bị xử tử, Chúa Giê-su nói với họ: “Tôi gọi anh em là bạn, vì tôi đã cho anh em biết mọi điều tôi nghe nơi Cha” (Giăng 15:15). Chắc chắn, những người bạn này là nguồn khích lệ lớn cho Chúa Giê-su. Sự trợ giúp của họ trong thánh chức mang lại cho ngài niềm vui mừng khôn xiết.—Lu 10:17, 21.

13 Ngoài các sứ đồ, Chúa Giê-su còn có những người bạn khác, cả nam lẫn nữ, hỗ trợ ngài trong công việc rao giảng và qua những cách thực tế khác. Một số người mời ngài đến nhà để dùng bữa (Lu 10:38-42; Giăng 12:1, 2). Số khác đi cùng ngài và dùng của cải để phục vụ ngài (Lu 8:3). Chúa Giê-su có những người bạn tốt vì chính ngài là bạn tốt của họ. Ngài làm điều tốt cho họ và có mong đợi thực tế nơi họ. Dù là người hoàn hảo nhưng Chúa Giê-su quý trọng sự trợ giúp của những người bạn bất toàn. Và chắc chắn họ đã giúp Chúa Giê-su giữ bình an nội tâm.

14, 15. Làm thế nào chúng ta có thể có bạn tốt, và họ giúp chúng ta ra sao?

14 Những người bạn tốt sẽ giúp chúng ta giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Cách tốt nhất để có bạn tốt là trở thành một người bạn tốt (Mat 7:12). Chẳng hạn, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta dùng thời gian và năng lực để giúp người khác, đặc biệt là “người thiếu thốn” (Ê-phê 4:28). Anh chị có biết ai trong hội thánh đang cần sự giúp đỡ không? Anh chị có thể đi chợ giúp một người công bố không thể ra khỏi nhà không? Anh chị có thể chuẩn bị một bữa ăn cho một gia đình gặp khó khăn về tài chính không? Nếu biết sử dụng trang web jw.org® ứng dụng JW Library®, anh chị có thể hướng dẫn người nào đó trong hội thánh dùng những công cụ này không? Khi tập trung vào việc giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ hạnh phúc.—Công 20:35.

15 Những người bạn tốt sẽ nâng đỡ khi chúng ta đối mặt với thử thách và giúp chúng ta giữ bình an nội tâm. Như Ê-li-hu lắng nghe khi Gióp nói về thử thách của mình, những người bạn cũng giúp đỡ chúng ta bằng cách lắng nghe khi chúng ta bày tỏ cảm xúc (Gióp 32:4). Chúng ta không nên mong đợi họ đưa ra quyết định thay cho mình, nhưng hãy lắng nghe những lời khuyên của họ dựa trên Kinh Thánh (Châm 15:22). Và như vua Đa-vít khiêm nhường nhận sự giúp đỡ từ bạn của ông, chúng ta không nên vì tự cao mà khước từ sự giúp đỡ cần thiết đến từ bạn của mình (2 Sa 17:27-29). Sự thật là những người bạn tốt là món quà đến từ Đức Giê-hô-va.—Gia 1:17.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ BÌNH AN?

16. Theo Phi-líp 4:6, 7, chúng ta chỉ có thể nhận được sự bình an qua cách nào? Hãy giải thích.

16 Đọc Phi-líp 4:6, 7. Tại sao Đức Giê-hô-va nói rằng chúng ta có thể nhận được sự bình an của ngài “qua Đấng Ki-tô Giê-su”? Vì chúng ta chỉ có thể có được sự bình an tâm trí lâu dài nếu hiểu và đặt đức tin nơi vai trò của Chúa Giê-su trong ý định của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su, tội lỗi của chúng ta có thể được tha (1 Giăng 2:12). Suy nghĩ về điều này an ủi chúng ta biết bao! Là Vua Nước Trời, Chúa Giê-su sẽ xóa bỏ mọi tổn hại mà Sa-tan và thế gian của hắn gây ra (Ê-sai 65:17; 1 Giăng 3:8; Khải 21:3, 4). Quả là niềm hy vọng tuyệt vời! Và dù Chúa Giê-su giao cho chúng ta một nhiệm vụ không dễ dàng, ngài luôn ở bên và giúp chúng ta vượt qua những ngày sau cùng của thế gian này (Mat 28:19, 20). Điều này giúp chúng ta can đảm biết bao! Sự an ủi, niềm hy vọng và lòng can đảm là nền tảng vững chắc cho sự bình an tâm trí của chúng ta.

17. (a) Làm thế nào một tín đồ đạo Đấng Ki-tô có thể giữ bình an nội tâm? (b) Theo lời đảm bảo nơi Giăng 16:33, chúng ta sẽ làm được điều gì?

17 Vậy làm thế nào anh chị có thể giữ bình an tâm trí khi bị chao đảo bởi những thử thách? Hãy làm theo những gì Chúa Giê-su đã làm. Thứ nhất, hãy cầu nguyện và bền lòng cầu nguyện. Thứ hai, hãy vâng lời Đức Giê-hô-va và sốt sắng rao giảng, ngay cả khi không dễ để làm thế. Thứ ba, hãy nhận sự giúp đỡ từ những người bạn tốt. Khi làm thế, sự bình an của Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ lòng và trí anh chị. Rồi như Chúa Giê-su, anh chị sẽ chiến thắng mọi thử thách.—Đọc Giăng 16:33.

BÀI HÁT 41 Xin nghe lời cầu nguyện của con

^ đ. 5 Ai trong chúng ta cũng phải đối mặt với những vấn đề có thể cướp đi sự bình an của mình. Bài này sẽ thảo luận ba điều Chúa Giê-su đã làm và mỗi chúng ta có thể làm để giữ bình an nội tâm, ngay cả khi chịu đựng thử thách cam go.