Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 15

Anh chị có quan điểm nào về cánh đồng?

Anh chị có quan điểm nào về cánh đồng?

Hãy ngước mắt lên nhìn cánh đồng, lúa đã chín và đang chờ gặt hái”.GIĂNG 4:35.

BÀI HÁT 64 Vui mừng tham gia mùa gặt

GIỚI THIỆU *

1, 2. Ý của Chúa Giê-su là gì khi ngài nói những lời nơi Giăng 4:35, 36?

Bấy giờ, Chúa Giê-su đi qua cánh đồng, rất có thể là cánh đồng lúa mạch còn xanh non (Giăng 4:3-6). Bốn tháng nữa mới đến mùa gặt lúa mạch, nhưng Chúa Giê-su nói một điều có vẻ kỳ lạ: “Hãy ngước mắt lên nhìn cánh đồng, lúa đã chín và đang chờ gặt hái”. (Đọc Giăng 4:35, 36). Ý của ngài là gì?

2 Rõ ràng Chúa Giê-su đang nói đến mùa gặt theo nghĩa bóng, đó là thời kỳ thu nhóm người ta. Hãy xem điều vừa xảy ra. Dù người Do Thái không giao thiệp với người Sa-ma-ri, nhưng Chúa Giê-su đã rao giảng cho một phụ nữ thuộc dân ấy, và bà lắng nghe ngài! Thật ra, trong lúc Chúa Giê-su nói về cánh đồng lúa “đã chín và đang chờ gặt hái” thì một đoàn người Sa-ma-ri nghe tin về ngài qua người phụ nữ ấy đang trên đường đến gặp ngài (Giăng 4:9, 39-42). Một tài liệu bình luận Kinh Thánh cho biết: “Việc người dân háo hức... cho thấy họ giống như lúa đã chín và sẵn sàng để thu hoạch”.

Chúng ta nên làm gì nếu thấy cánh đồng rao giảng “đã chín và đang chờ gặt hái”? (Xem đoạn 3)

3. Nếu có cùng quan điểm với Chúa Giê-su về người trong khu vực, anh chị sẽ rao giảng hữu hiệu hơn vì những lý do nào?

3 Nói sao về những người mà anh chị rao giảng tin mừng? Anh chị có xem họ là lúa đã chín và đang chờ gặt hái không? Nếu có quan điểm như thế về họ thì anh chị sẽ rao giảng hữu hiệu hơn vì ba lý do. Thứ nhất, anh chị sẽ rao giảng với tinh thần khẩn trương hơn. Vụ mùa có thời hạn, không thể lãng phí thời gian. Thứ hai, anh chị sẽ rất vui khi thấy người khác hưởng ứng tin mừng. Kinh Thánh nói: ‘Người ta vui mừng vào mùa gặt hái’ (Ê-sai 9:3). Thứ ba, anh chị sẽ xem mỗi người đều có tiềm năng trở thành môn đồ, vì thế anh chị thay đổi cách chia sẻ tin mừng để đáp ứng mối quan tâm của từng người.

4. Trong bài này, chúng ta sẽ học được gì từ sứ đồ Phao-lô?

4 Một số môn đồ của Chúa Giê-su cho rằng người Sa-ma-ri sẽ không bao giờ trở thành môn đồ của ngài, nhưng Chúa Giê-su thì không nghĩ thế. Thay vì vậy, ngài xem họ là những người có tiềm năng trở thành môn đồ. Chúng ta cũng cần có quan điểm này về người trong khu vực. Sứ đồ Phao-lô đã nêu gương cho chúng ta. Chúng ta có thể học được gì từ ông? Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận việc Phao-lô (1) biết về niềm tin của người mà ông rao giảng, (2) hiểu điều họ quan tâm, và (3) xem họ là những người có tiềm năng trở thành môn đồ Chúa Giê-su.

HỌ TIN GÌ?

5. Tại sao Phao-lô hiểu được những người nghe ông giảng trong nhà hội?

5 Phao-lô đều đặn rao giảng trong nhà hội của người Do Thái. Chẳng hạn, tại nhà hội ở Tê-sa-lô-ni-ca, “trong ba ngày Sa-bát, ông lý luận với [người Do Thái] dựa trên Kinh Thánh” (Công 17:1, 2). Rất có thể Phao-lô cảm thấy thoải mái khi rao giảng trong nhà hội, vì ông lớn lên giữa dân mình là người Do Thái (Công 26:4, 5). Nhờ hiểu được người Do Thái, Phao-lô có thể tự tin rao giảng cho họ.—Phi-líp 3:4, 5.

6. Phao-lô rao giảng cho những nhóm người khác nhau nào?

6 Khi bị những kẻ chống đối đuổi khỏi Tê-sa-lô-ni-ca và sau đó là Bê-rê, Phao-lô đến A-thên. Một lần nữa, “ông vào nhà hội lý luận với người Do Thái và những người khác thờ phượng Đức Chúa Trời” (Công 17:17). Tuy nhiên khi ở chợ, Phao-lô rao giảng cho những triết gia và người dân ngoại khác. Họ cho rằng Phao-lô đang nói về “đạo mới” và những điều lạ tai.—Công 17:18-20.

7. Theo Công vụ 17:22, 23, Phao-lô điều chỉnh cách chia sẻ tin mừng như thế nào?

7 Đọc Công vụ 17:22, 23. Phao-lô không giảng cho dân ngoại ở A-thên giống như cách ông giảng cho người Do Thái trong nhà hội. Rất có thể ông tự hỏi: “Những người ở A-thên tin gì?”. Ông quan sát kỹ xung quanh và chú ý đến các tập tục tôn giáo của người ta. Sau đó, ông tìm điểm chung giữa việc thờ phượng của họ với chân lý trong Kinh Thánh. Một nhà bình luận Kinh Thánh cho biết: “Là tín đồ người Do Thái, Phao-lô nhận ra người Hy Lạp ngoại giáo không thờ phượng Đức Chúa Trời mà người Do Thái và tín đồ đạo Đấng Ki-tô xem là Đức Chúa Trời thật, nhưng ông cố gắng cho thấy Đức Chúa Trời mà ông nói đến không xa lạ với người A-thên”. Phao-lô sẵn sàng thay đổi cách chia sẻ thông điệp. Ông nói với người A-thên rằng thông điệp của ông đến từ “Chúa Không Biết” mà họ đang thờ phượng. Dù dân ngoại không quen thuộc với Kinh Thánh nhưng Phao-lô không bỏ cuộc. Thay vì thế, ông xem họ là lúa đã chín và đang chờ gặt hái, nên ông thay đổi cách chia sẻ tin mừng.

Noi gương Phao-lô, hãy quan sát, thay đổi cách chia sẻ thông điệp và nhận ra tiềm năng của người trong khu vực (Xem đoạn 8, 12, 18) *

8. (a) Làm thế nào anh chị có thể biết niềm tin tôn giáo của người trong khu vực? (b) Nếu một người nói có đạo rồi, anh chị có thể trả lời như thế nào?

8 Như Phao-lô, hãy quan sát. Hãy chú ý đến những đặc điểm cho biết niềm tin tôn giáo của người trong khu vực. Chủ nhà trang trí nhà cửa như thế nào? Cách ăn mặc chải chuốt hoặc cách dùng từ của một người có cho thấy người đó theo đạo không? Có lẽ chủ nhà nói cho anh chị biết họ có đạo rồi. Một tiên phong đặc biệt tên là Flutura cho biết nếu ở trong tình huống đó, thì chị sẽ nói: “Tôi không đến để áp đặt niềm tin cho ông/bà, nhưng tôi muốn nói về đề tài...”.

9. Anh chị có thể tìm điểm chung nào với một người có đạo?

9 Anh chị có thể thảo luận đề tài nào với một người có đạo? Hãy cố gắng tìm điểm chung. Có lẽ người ấy chỉ thờ phượng một mình Đức Chúa Trời. Người ấy nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Cứu Rỗi nhân loại hoặc tin rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ gian ác và sắp đến hồi kết thúc. Dựa vào điểm chung, hãy chia sẻ thông điệp một cách thu hút với người đó.

10. Anh chị nên cố gắng làm gì, và tại sao?

10 Hãy nhớ rằng người ta có thể không tin mọi điều mà tôn giáo của họ dạy. Thế nên, ngay cả khi biết một người theo đạo nào, hãy cố gắng tìm hiểu xem người đó thật sự tin gì. Một tiên phong đặc biệt ở Úc tên là David nói: “Ngày nay nhiều người pha trộn triết lý với niềm tin tôn giáo của họ”. Chị Donalta ở Albania chia sẻ rằng đôi khi chị nghĩ một số người thuộc tôn giáo nào đó tin có Đức Chúa Trời, nhưng thật ra thì họ không tin như thế. Một giáo sĩ ở Argentina để ý thấy một số người tin vào giáo lý Chúa Ba Ngôi, nhưng không tin Cha, Con và thần khí là một. Anh nói: “Biết điều này giúp tôi tìm điểm chung với họ”. Thế nên, hãy cố gắng tìm hiểu xem người ta thật sự tin gì. Sau đó, giống như Phao-lô, anh chị có thể “trở nên mọi cách cho mọi loại người”.—1 Cô 9:19-23.

HỌ QUAN TÂM ĐẾN ĐIỀU GÌ?

11. Như được nói nơi Công vụ 14:14-17, làm thế nào Phao-lô chia sẻ thông điệp một cách thu hút cho người ở Lít-trơ?

11 Đọc Công vụ 14:14-17. Phao-lô nhận ra mối quan tâm của người nghe, rồi thay đổi cách chia sẻ thông điệp. Chẳng hạn, đám đông mà ông nói chuyện ở Lít-trơ hiểu rất ít hoặc không biết gì về Kinh Thánh. Thế nên, Phao-lô lý luận theo cách mà họ có thể hiểu được. Ông nói về mùa màng bội thu và việc vui hưởng cuộc sống. Ông dùng những từ ngữ và minh họa mà người nghe có thể dễ dàng hiểu được.

12. Làm thế nào anh chị có thể biết điều mà một người quan tâm và thay đổi cách chia sẻ thông điệp?

12 Hãy dùng óc suy xét để biết người trong khu vực quan tâm đến điều gì và thay đổi cách chia sẻ thông điệp. Làm thế nào anh chị có thể biết điều mà một người quan tâm trước khi bắt chuyện với người đó? Một lần nữa, hãy quan sát. Có lẽ người ấy đang làm vườn, đọc sách, sửa xe hoặc làm một việc gì khác. Nếu thích hợp, hãy bắt chuyện bằng cách nói về việc mà người ấy đang làm (Giăng 4:7). Ngay cả cách ăn mặc của một người có lẽ cũng cho biết một số điều về người đó, chẳng hạn như quốc tịch, nghề nghiệp hoặc đội bóng người đó thích. Anh Gustavo cho biết: “Tôi bắt chuyện với một em trai 19 tuổi mặc áo thun có in hình ca sĩ nổi tiếng. Tôi hỏi em ấy về chiếc áo và em ấy cho biết vì sao mình lại thích ca sĩ này. Cuộc nói chuyện đó dẫn đến cuộc học hỏi Kinh Thánh, và giờ đây em ấy đã là một Nhân Chứng”.

13. Làm thế nào anh chị có thể giới thiệu chương trình tìm hiểu Kinh Thánh một cách thu hút với người nghe?

13 Khi mời một người tìm hiểu Kinh Thánh, anh chị hãy mời một cách khéo léo, thu hút và cho biết giá trị thực tế của Kinh Thánh (Giăng 4:13-15). Chẳng hạn, một chị tên là Poppy được mời vào nhà của một phụ nữ chú ý. Khi nhìn lên tường, chị thấy một chứng chỉ cho biết bà là giáo sư chuyên về giáo dục. Chị bèn nói rằng Nhân Chứng Giê-hô-va cũng có chương trình giáo dục qua việc tìm hiểu Kinh Thánh và tại các buổi nhóm họp. Bà đã chấp nhận tìm hiểu Kinh Thánh, đi nhóm họp và tham dự hội nghị vòng quanh sau đó. Một năm sau, người phụ nữ ấy chịu phép báp-têm. Hãy tự hỏi: “Những người mình gặp quan tâm đến điều gì? Làm thế nào mình có thể giới thiệu chương trình tìm hiểu Kinh Thánh một cách thu hút với người nghe?”.

14. Anh chị có thể điều chỉnh cuộc học hỏi Kinh Thánh sao cho phù hợp với từng học viên như thế nào?

14 Khi anh chị bắt đầu hướng dẫn một người tìm hiểu Kinh Thánh, hãy chuẩn bị cho mỗi cuộc học hỏi. Hãy nghĩ đến hoàn cảnh xuất thân, điều mà người đó quan tâm và quyết định là sẽ đọc câu Kinh Thánh, cho xem video và dùng minh họa nào. Anh chị có thể tự hỏi: “Điều gì sẽ động đến lòng học viên?” (Châm 16:23). Một phụ nữ ở Albania, tìm hiểu Kinh Thánh với một tiên phong tên là Flora, đã quả quyết: “Tôi không thể nào chấp nhận giáo lý về sự sống lại”. Chị Flora không ép học viên chấp nhận ngay. Chị kể lại: “Tôi nghĩ trước hết cô ấy cần hiểu rõ về Đức Chúa Trời, là đấng hứa làm người chết sống lại”. Kể từ đó, mỗi lần thảo luận, chị Flora đều nhấn mạnh về tình yêu thương, sự khôn ngoan và quyền năng của Đức Giê-hô-va. Sau này, học viên ấy tin rằng có sự sống lại và đã trở thành một Nhân Chứng sốt sắng.

XEM HỌ LÀ NHỮNG NGƯỜI CÓ TIỀM NĂNG TRỞ THÀNH MÔN ĐỒ

15. Theo Công vụ 17:16-18, điều gì ở Hy Lạp cổ đại khiến Phao-lô khó chịu, nhưng tại sao ông không mất hy vọng nơi người A-thên?

15 Đọc Công vụ 17:16-18. Phao-lô không nghĩ rằng người A-thên chẳng có hy vọng nào để trở thành môn đồ, dù thành của họ đầy dẫy tượng thần, sự gian dâm và triết lý ngoại giáo. Ông cũng không để những lời xúc phạm của họ khiến ông nản lòng. Chính Phao-lô cũng trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô dù trước đó ông là “kẻ phạm thượng, bắt bớ và xấc xược” (1 Ti 1:13). Giống như Chúa Giê-su đã thấy được tiềm năng của Phao-lô, sứ đồ này cũng thấy được tiềm năng của người A-thên. Và niềm tin của ông đã không đặt sai chỗ.—Công 9:13-15; 17:34.

16, 17. Điều gì cho thấy mọi loại người có thể trở thành môn đồ Đấng Ki-tô. Hãy nêu ví dụ.

16 Vào thế kỷ thứ nhất, người từ mọi hoàn cảnh xuất thân đã trở thành môn đồ của Chúa Giê-su. Khi viết thư cho tín đồ ở thành Cô-rinh-tô thuộc Hy Lạp, Phao-lô nói rằng một số thành viên của hội thánh đó trước đây là phạm nhân hoặc có lối sống đồi bại. Rồi ông nói: “Một số người trong anh em từng là người như thế; nhưng nay anh em đã được tẩy sạch” (1 Cô 6:9-11). Nếu sống vào thời Phao-lô, anh chị có thấy được tiềm năng của những anh em đó không?

17 Ngày nay, nhiều người sẵn lòng thay đổi và trở thành môn đồ của Chúa Giê-su. Chẳng hạn, một tiên phong đặc biệt ở Úc tên là Yukina nhận thấy mọi loại người đều có thể hưởng ứng thông điệp. Một lần, tại văn phòng bất động sản, chị thấy một phụ nữ trẻ có hình xăm và mặc quần áo thùng thình. Chị Yukina kể: “Sau một lúc do dự, tôi bắt đầu nói chuyện với cô ấy. Tôi thấy cô ấy thích Kinh Thánh đến mức một vài hình xăm của cô là những câu Thi thiên!”. Người phụ nữ ấy bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh và tham dự nhóm họp. *

18. Tại sao chúng ta không nên xét đoán người khác?

18 Có phải Chúa Giê-su nghĩ rằng cánh đồng đã chín và đang chờ gặt hái là vì ngài mong đợi hầu hết người ta sẽ làm môn đồ ngài không? Không. Kinh Thánh báo trước rằng tương đối ít người sẽ đặt đức tin nơi ngài (Giăng 12:37, 38). Chúa Giê-su cũng có khả năng kỳ diệu là đọc được lòng người ta (Mat 9:4). Dù thế, ngài vẫn sốt sắng rao giảng cho mọi người, đồng thời tập trung vào số ít người tin ngài. Vì không thể đọc được lòng, chẳng phải chúng ta lại càng nên kháng cự khuynh hướng xét đoán một người hay khu vực nào đó hay sao? Thay vì thế, hãy nhận ra tiềm năng của người ta. Một giáo sĩ ở Burkina Faso tên là Marc cho biết: “Người mà tôi tưởng là sẽ tiến bộ thì lại ngưng học, nhưng người mà tôi tưởng là không đi đến đâu thì lại rất tiến bộ. Thế nên, tôi nghĩ tốt hơn là hãy để thần khí của Đức Giê-hô-va hướng dẫn”.

19. Chúng ta nên có quan điểm nào về người trong khu vực?

19 Thoạt nhìn thì có vẻ không nhiều người trong khu vực giống như lúa đã chín. Nhưng hãy nhớ điều mà Chúa Giê-su nói với các môn đồ, đó là cánh đồng lúa đã chín và đang chờ gặt hái. Người ta có thể thay đổi và trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô. Đức Giê-hô-va thấy được tiềm năng của họ và xem họ là “báu vật” (Ha-gai 2:7). Nếu có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su về người trong khu vực, thì chúng ta sẽ tìm hiểu hoàn cảnh xuất thân và điều mà họ quan tâm. Chúng ta sẽ không xem họ là người lạ mà là anh chị em tương lai của mình.

BÀI HÁT 57 Rao giảng cho mọi loại người

^ đ. 5 Quan điểm của chúng ta về khu vực rao giảng tác động đến cách chúng ta làm chứng và dạy dỗ như thế nào? Bài này sẽ xem quan điểm của Chúa Giê-su và sứ đồ Phao-lô về những người mà họ rao giảng và cách chúng ta có thể noi gương họ trong việc để ý đến niềm tin, mối quan tâm và tiềm năng của những người trong khu vực.

^ đ. 17 Loạt bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống” đưa ra những ví dụ khác cho thấy người ta có thể thay đổi. Loạt bài này được đăng trong Tháp Canh đến năm 2017 và hiện tại được đăng trên jw.org®. Vào mục VỀ CHÚNG TÔI > KINH NGHIỆM.

^ đ. 57 HÌNH ẢNH: Khi đi rao giảng từng nhà, một cặp vợ chồng đã quan sát (1) một ngôi nhà gọn gàng được trang trí bằng những chậu hoa; (2) một gia đình có con nhỏ; (3) một căn hộ bừa bộn cả trong lẫn ngoài và (4) một nhà có đạo. Anh chị sẽ tìm thấy người có nhiều tiềm năng nhất để trở thành môn đồ ở nhà nào?