Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 18

“Chạy đến đích cuộc đua”

“Chạy đến đích cuộc đua”

“Ta... đã chạy đến đích cuộc đua”.—2 TI 4:7.

BÀI HÁT 129 Chúng ta sẽ tiếp tục chịu đựng

GIỚI THIỆU *

1. Tất cả chúng ta đều phải làm gì?

Anh chị có muốn chạy trong một cuộc đua mà mình biết là khó khăn, nhất là khi bị bệnh hoặc cảm thấy mệt mỏi không? Hẳn là không. Tuy nhiên, sứ đồ Phao-lô nói rằng mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính đều phải chạy đua (Hê 12:1). Tất cả chúng ta dù trẻ hay già, mạnh hay yếu, đều phải bền bỉ chạy cho đến cùng nếu muốn nhận được giải thưởng từ Đức Giê-hô-va.—Mat 24:13.

2. Theo 2 Ti-mô-thê 4:7, 8, tại sao Phao-lô có thể nói năng dạn dĩ?

2 Phao-lô nói năng dạn dĩ vì ông “đã chạy đến đích cuộc đua”. (Đọc 2 Ti-mô-thê 4:7, 8). Nhưng cuộc đua mà Phao-lô nói đến là cuộc đua nào?

CUỘC ĐUA NÀO?

3. Cuộc đua mà Phao-lô nói đến là cuộc đua nào?

3 Đôi khi Phao-lô dùng đặc điểm của các cuộc thi đấu ở Hy Lạp cổ đại để dạy những bài học quan trọng (1 Cô 9:25-27; 2 Ti 2:5). Trong một số dịp, ông dùng hình ảnh chạy đua để minh họa cho lối sống của một tín đồ (1 Cô 9:24; Ga 2:2; Phi-líp 2:16). Một người bắt đầu tham gia cuộc đua này khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và chịu phép báp-têm (1 Phi 3:21). Người ấy về đích khi được Đức Giê-hô-va ban phần thưởng là sự sống vĩnh cửu.—Mat 25:31-34, 46; 2 Ti 4:8.

4. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

4 Có một số điểm tương đồng giữa cuộc chạy đua đường dài và lối sống của một tín đồ. Chúng ta sẽ xem xét ba điểm trong số đó. Thứ nhất, chúng ta phải theo đúng đường; thứ hai, chúng ta phải chú tâm đến vạch về đích; và thứ ba, chúng ta phải vượt qua khó khăn.

THEO ĐÚNG ĐƯỜNG

Tất cả chúng ta phải chọn theo lối sống của một tín đồ (Xem đoạn 5-7) *

5. Chúng ta phải theo con đường nào, và tại sao?

5 Để đoạt giải trong cuộc đua theo nghĩa đen, các vận động viên phải chạy theo đúng đường mà ban tổ chức đặt ra. Tương tự, nếu muốn nhận giải thưởng là sự sống vĩnh cửu thì chúng ta phải sống đúng với tư cách của tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Công 20:24; 1 Phi 2:21). Tuy nhiên, Sa-tan và những người theo hắn không muốn chúng ta làm thế, nhưng muốn chúng ta ‘chạy theo lối sống như họ’ (1 Phi 4:4). Những người theo Sa-tan chế nhạo lối sống của chúng ta và nói rằng con đường mà họ theo tốt đẹp hơn và dẫn đến sự tự do. Nhưng đó là lời dối trá.—2 Phi 2:19.

6. Anh chị học được gì từ trường hợp của anh Brian?

6 Bất kể ai sống như những người bị thế gian Sa-tan ảnh hưởng sẽ sớm nhận ra con đường họ chọn không dẫn đến sự tự do mà là vòng nô lệ (Rô 6:16). Hãy xem trường hợp của anh Brian. Cha mẹ khuyến khích anh chọn theo lối sống của một tín đồ, nhưng khi ở độ tuổi thanh thiếu niên, anh nghi ngờ là không biết lối sống ấy có giúp mình hạnh phúc hay không. Rồi anh quyết định sống giống như những người theo tiêu chuẩn của Sa-tan. Anh kể: “Lúc đó, tôi không nhận ra sự tự do mà tôi ao ước sẽ dẫn tôi vào thói nghiện ngập. Theo thời gian, tôi lạm dụng những chất gây nghiện, rượu và sống vô luân. Trong những năm kế tiếp, dần dần tôi thử nhiều loại ma túy với liều mạnh hơn và trở thành nô lệ của chúng... Tôi bắt đầu bán ma túy để tiếp tục lối sống này”. Cuối cùng, anh Brian quyết định sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va. Anh thay đổi con đường mình và báp-têm vào năm 2001. Hiện tại anh rất thỏa nguyện với lối sống mà anh chọn theo. *

7. Theo Ma-thi-ơ 7:13, 14, chúng ta đứng trước hai con đường nào?

7 Việc chúng ta chọn con đường đúng thật quan trọng biết bao! Sa-tan muốn tất cả chúng ta ngưng chạy trên con đường chật “dẫn đến sự sống” để chạy sang con đường thênh thang mà hầu hết người trong thế gian này chọn. Con đường đó có nhiều người theo và dễ chạy hơn, nhưng lại “dẫn đến sự hủy diệt”. (Đọc Ma-thi-ơ 7:13, 14). Để chạy đúng đường và không chạy sang con đường khác, chúng ta phải tin cậy Đức Giê-hô-va và lắng nghe ngài.

LUÔN CHÚ TÂM VÀ TRÁNH VẤP NGÃ

Chúng ta phải luôn chú tâm đến vạch về đích và tránh khiến người khác vấp ngã (Xem đoạn 8-12) *

8. Nếu vấp ngã, một vận động viên cần làm gì?

8 Các vận động viên trong cuộc chạy đường dài phải chú ý đến con đường phía trước để không vấp ngã. Tuy nhiên, họ có thể vô tình vướng vào vận động viên khác hoặc giẫm vào ổ gà. Nếu vấp ngã, họ cần đứng dậy và tiếp tục chạy. Họ chú tâm đến vạch về đích và việc đoạt giải chứ không phải là điều khiến họ vấp ngã.

9. Nếu vấp ngã, chúng ta cần làm gì?

9 Trong cuộc đua giành sự sống, có thể chúng ta vấp ngã nhiều lần, do mắc lỗi trong lời nói và hành động hoặc do anh em đồng đạo khiến chúng ta bị tổn thương. Đó là điều không thể tránh khỏi. Tất cả chúng ta đều là người bất toàn và đều chạy trên con đường chật dẫn đến sự sống. Thế nên, có lúc chúng ta không thể tránh khỏi việc va chạm với người khác. Phao-lô thừa nhận là đôi khi chúng ta “có lý do để phàn nàn về người khác” (Cô 3:13). Nhưng thay vì chú trọng đến điều khiến chúng ta vấp ngã, hãy tập trung vào giải thưởng. Nếu vấp ngã, hãy đứng dậy và tiếp tục chạy. Nếu cay đắng và không đứng dậy, chúng ta sẽ không thể về đích và nhận giải thưởng. Ngoài ra, rất có thể chúng ta trở thành chướng ngại cho các anh chị đang chạy trên con đường chật dẫn đến sự sống.

10. Làm thế nào chúng ta có thể tránh trở thành “cớ gây vấp ngã” cho người khác?

10 Một cách khác chúng ta có thể tránh trở thành “cớ gây vấp ngã” cho anh em đồng đạo là chiều theo ý muốn của họ khi có thể, thay vì khăng khăng làm theo ý riêng (Rô 14:13, 19-21; 1 Cô 8:9, 13). Khi làm thế, chúng ta hoàn toàn khác với những vận động viên trong cuộc chạy đua theo nghĩa đen. Trong cuộc đua ấy, các vận động viên cạnh tranh với nhau, và mỗi vận động viên cố gắng để đoạt giải cho riêng mình. Họ chủ yếu nghĩ đến lợi ích của bản thân. Thế nên, có lẽ họ cố gắng xô đẩy người khác và vượt lên trước. Trái lại, trong cuộc đua giành sự sống, chúng ta không cạnh tranh với nhau (Ga 5:26; 6:4). Mục tiêu của chúng ta là giúp càng nhiều người càng tốt về đích cùng chúng ta và nhận giải thưởng. Thế nên, chúng ta cố gắng áp dụng lời khuyên được soi dẫn của sứ đồ Phao-lô là “quan tâm đến lợi ích của người khác, chứ không chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình”.—Phi-líp 2:4.

11. Một vận động viên chạy đua chú tâm đến điều gì, và tại sao?

11 Ngoài việc nhìn con đường phía trước, các vận động viên trong cuộc chạy đua theo nghĩa đen cũng cần chú tâm đến vạch về đích. Ngay cả nếu không thể thấy vạch đó, họ có thể hình dung mình đang về đến đích và đoạt giải. Họ luôn tạo động lực cho mình bằng cách nghĩ đến giải thưởng.

12. Đức Giê-hô-va yêu thương hứa trao cho chúng ta điều gì?

12 Trong cuộc đua mà chúng ta tham gia, Đức Giê-hô-va yêu thương hứa trao cho chúng ta giải thưởng sau khi hoàn thành cuộc đua, đó là sự sống vĩnh cửu ở trên trời hoặc dưới đất. Kinh Thánh miêu tả về giải thưởng này để chúng ta có thể hình dung cuộc sống sẽ tốt đẹp như thế nào. Càng khắc ghi hy vọng ấy trong tâm trí, chúng ta càng ít có nguy cơ để cho bất cứ điều gì khiến mình vấp ngã và không đứng dậy.

TIẾP TỤC CHẠY BẤT CHẤP KHÓ KHĂN

Chúng ta muốn tiếp tục chạy trong cuộc đua giành sự sống dù gặp khó khăn (Xem đoạn 13-20) *

13. Chúng ta có lợi thế nào so với các vận động viên theo nghĩa đen?

13 Vào thời Hy Lạp cổ đại, vận động viên trong các cuộc thi đấu phải vượt qua những khó khăn như mệt mỏi và đau đớn. Nhưng họ chỉ có thể tin cậy vào sự huấn luyện và sức mạnh của bản thân. Giống như những vận động viên này, chúng ta cũng nhận được sự huấn luyện về cách chạy đua. Nhưng chúng ta có một lợi thế so với họ là có thể nhận sức lực từ một nguồn năng lượng vô biên. Nếu chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va, ngài hứa là không chỉ huấn luyện chúng ta mà còn làm chúng ta mạnh mẽ.—1 Phi 5:10.

14. Làm thế nào 2 Cô-rinh-tô 12:9, 10 giúp chúng ta đối mặt với khó khăn?

14 Phao-lô phải đương đầu với nhiều khó khăn. Ngoài việc bị lăng mạ và bắt bớ, có lúc ông cảm thấy yếu đuối và phải đối phó với “một cái gai xóc vào thịt” (2 Cô 12:7). Nhưng thay vì xem các khó khăn ấy là lý do để bỏ cuộc, ông đã xem đó là cơ hội để tin cậy Đức Giê-hô-va. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 12:9, 10). Vì Phao-lô có thái độ như thế nên Đức Giê-hô-va giúp ông vượt qua mọi khó khăn.

15. Nếu noi gương Phao-lô, chúng ta sẽ cảm nghiệm được điều gì?

15 Chúng ta cũng có thể bị lăng mạ hoặc bắt bớ vì đức tin. Có lẽ chúng ta cũng phải đương đầu với tình trạng sức khỏe kém hoặc bị kiệt sức. Nhưng nếu chúng ta noi gương Phao-lô, mỗi khó khăn này có thể trở thành cơ hội để chúng ta cảm nghiệm sự hỗ trợ đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va.

16. Ngay cả nếu bị đau bệnh, anh chị vẫn có thể làm gì?

16 Anh chị có đang phải nằm trên giường bệnh hoặc ngồi xe lăn không? Đầu gối của anh chị có bị yếu hay mắt anh chị có bị mờ không? Nếu có, anh chị có thể chạy cùng người trẻ và khỏe mạnh được không? Chắc chắn là được! Nhiều anh chị lớn tuổi hoặc đau bệnh cũng đang chạy trên con đường dẫn đến sự sống. Họ không làm thế bằng sức riêng. Thay vì vậy, họ nhận sức mạnh từ Đức Giê-hô-va bằng cách nghe chương trình nhóm họp qua điện thoại hoặc xem các buổi họp được thu hình. Họ tham gia việc đào tạo môn đồ bằng cách làm chứng cho bác sĩ, y tá và bà con.

17. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về những người có sức khỏe giới hạn?

17 Đừng bao giờ để sự nản lòng về vấn đề sức khỏe khiến anh chị nghĩ rằng mình không có đủ sức để chạy trong cuộc đua giành sự sống. Đức Giê-hô-va yêu thương anh chị vì anh chị tin cậy ngài và bền bỉ chịu đựng. Hơn bao giờ hết, anh chị cần ngài giúp đỡ, và ngài sẽ chẳng bao giờ bỏ anh chị (Thi 9:10). Thay vì thế, ngài sẽ đến gần anh chị hơn. Một chị bị giới hạn về sức khỏe chia sẻ: “Khi càng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, tôi nhận thấy cơ hội để chia sẻ chân lý với người khác càng ít đi. Nhưng tôi hiểu rằng những nỗ lực của mình dù rất nhỏ bé nhưng cũng làm vui lòng Đức Giê-hô-va, và điều ấy khiến tôi hạnh phúc”. Khi cảm thấy nản lòng, anh chị hãy nhớ rằng mình không đơn độc. Hãy nghĩ đến gương của Phao-lô và những lời khích lệ của ông: “Tôi vui khi chịu những yếu đuối... Vì khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ”.—2 Cô 12:10.

18. Một số anh chị gặp phải khó khăn rất lớn nào?

18 Một số anh chị chạy trên con đường dẫn đến sự sống phải đối mặt với khó khăn khác. Họ đương đầu với những vấn đề cá nhân mà người khác không thể thấy và có lẽ không hiểu. Chẳng hạn, họ phải đương đầu với bệnh trầm cảm hoặc sự lo lắng. Tại sao đó là khó khăn rất lớn đối với những anh chị yêu dấu này? Vì khi một người bị gãy tay hoặc phải ngồi xe lăn, mọi người có thể nhìn thấy và được thúc đẩy để giúp đỡ. Nhưng những anh chị bị rối loạn về cảm xúc hoặc tinh thần thì có thể không biểu hiện ra bên ngoài. Họ phải chịu nỗi khổ giống như người bị gãy tay, nhưng có thể họ không được người khác thể hiện lòng trắc ẩn.

19. Chúng ta học được gì từ gương của Mê-phi-bô-sết?

19 Nếu có những hạn chế về sức khỏe và bị hiểu lầm, anh chị có thể được thêm sức nhờ gương của Mê-phi-bô-sết (2 Sa 4:4). Ông phải đương đầu với bệnh tật và bị vua Đa-vít hiểu lầm. Những vấn đề mà ông gặp hoàn toàn không phải do lỗi của ông. Tuy nhiên, Mê-phi-bô-sết không trở nên tiêu cực, ông quý trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống và biết ơn về sự tử tế mà Đa-vít từng thể hiện với mình (2 Sa 9:6-10). Khi bị Đa-vít hiểu lầm, Mê-phi-bô-sết cố gắng có cái nhìn bao quát về vấn đề. Ông không để lỗi lầm của Đa-vít khiến mình cay đắng. Mê-phi-bô-sết không đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va vì những điều Đa-vít đã gây ra. Ông chú tâm vào điều mình có thể làm để ủng hộ vị vua được ngài xức dầu (2 Sa 16:1-4; 19:24-30). Đức Giê-hô-va đã cho ghi lại gương xuất sắc của Mê-phi-bô-sết để chúng ta nhận được lợi ích.—Rô 15:4.

20. Chứng rối loạn lo âu ảnh hưởng đến một số anh chị như thế nào, nhưng họ có thể tin chắc điều gì?

20 Vì bị chứng rối loạn lo âu, một số anh chị rất rụt rè trước những hoàn cảnh giao tiếp thường ngày. Dù có thể thấy khó để ở nơi đông người, nhưng họ tiếp tục tham dự nhóm họp và hội nghị. Đối với những anh chị này, việc nói chuyện với người lạ là thử thách, nhưng họ vẫn chia sẻ tin mừng cho người khác. Nếu anh chị cũng gặp vấn đề đó thì hãy nhớ rằng anh chị không phải là người duy nhất cảm thấy như thế. Hãy tin chắc Đức Giê-hô-va hài lòng khi anh chị nỗ lực hết sức. Việc anh chị không bỏ cuộc là bằng chứng cho thấy ngài đang ban ân phước và sức mạnh cần thiết cho anh chị * (Phi-líp 4:6, 7; 1 Phi 5:7). Nếu anh chị đang phụng sự Đức Giê-hô-va dù gặp vấn đề về thể chất hoặc tinh thần, hãy tin chắc anh chị đang làm vui lòng Đức Giê-hô-va.

21. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, tất cả chúng ta có thể làm gì?

21 Đáng mừng là có sự khác biệt giữa cuộc chạy đua theo nghĩa đen và cuộc chạy đua mà Phao-lô nói đến. Trong cuộc chạy đua theo nghĩa đen vào thời Kinh Thánh, chỉ có duy nhất một người đoạt giải. Còn trong cuộc chạy đua mà Phao-lô nói đến thì mọi người bền bỉ làm theo lối sống của một tín đồ đều nhận được giải thưởng là sự sống vĩnh cửu (Giăng 3:16). Trong cuộc đua theo nghĩa đen, tất cả các vận động viên phải có sức khỏe tốt, nếu không thì có lẽ họ sẽ thua cuộc. Còn trong cuộc đua giành sự sống, nhiều người trong số chúng ta bị giới hạn về sức khỏe nhưng vẫn bền bỉ chạy (2 Cô 4:16). Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, tất cả chúng ta sẽ chạy đến đích cuộc đua!

BÀI HÁT 144 Hãy đặt phần thưởng trước mặt luôn!

^ đ. 5 Ngày nay, nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va phải đương đầu với vấn đề do tuổi tác và bệnh tật gây ra. Và đôi khi tất cả chúng ta cũng cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, có lẽ khó để nghĩ đến việc tham gia một cuộc chạy đua. Bài này sẽ thảo luận về cách mỗi người chúng ta có thể bền bỉ chạy và chiến thắng trong cuộc đua giành sự sống mà sứ đồ Phao-lô nhắc đến.

^ đ. 6 Xin xem bài “Kinh Thánh thay đổi đời sống” trong Tháp Canh ngày 1-1-2013.

^ đ. 20 Để biết thêm những gợi ý thực tế về cách đối phó với sự lo lắng cũng như kinh nghiệm của các anh chị đối phó thành công với điều này, xin xem chương trình Kênh truyền thông JW tháng 5 năm 2019 trên jw.org®. Vào mục THƯ VIỆN > KÊNH TRUYỀN THÔNG JW.

^ đ. 63 HÌNH ẢNH: Việc luôn bận rộn trong thánh chức giúp anh lớn tuổi này tiếp tục chạy đúng đường của tín đồ đạo Đấng Ki-tô.

^ đ. 65 HÌNH ẢNH: Chúng ta có thể khiến người khác vấp ngã nếu cứ khăng khăng cho rằng họ có thể uống nhiều rượu bia hơn, hoặc nếu không tự đặt giới hạn lượng rượu bia mà mình uống.

^ đ. 67 HÌNH ẢNH: Ngay cả khi phải nằm trên giường bệnh, một anh vẫn tiếp tục cuộc chạy đua của tín đồ bằng cách làm chứng cho nhân viên y tế.