Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 16

Hãy luôn quý trọng giá chuộc

Hãy luôn quý trọng giá chuộc

‘Con Người đã đến để hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người’.MÁC 10:45.

BÀI HÁT 18 Biết ơn về giá chuộc

GIỚI THIỆU *

1, 2. Giá chuộc là gì, và tại sao chúng ta cần giá chuộc?

Khi người đàn ông hoàn hảo là A-đam phạm tội, ông đã mất triển vọng sống đời đời và con cháu ông cũng vậy. Không gì có thể bào chữa cho điều A-đam làm. Ông đã cố tình phạm tội. Nhưng con cháu ông thì sao? Họ không can hệ gì đến tội lỗi của A-đam (Rô 5:12, 14). Vậy, có cách nào để cứu con cháu A-đam khỏi án tử mà tổ phụ của họ đáng phải lãnh không? Có! Ngay sau khi A-đam phạm tội, Đức Giê-hô-va dần tiết lộ cách ngài sẽ giải cứu hàng triệu con cháu A-đam khỏi sự rủa sả của tội lỗi và sự chết (Sáng 3:15). Vào thời điểm ấn định, Đức Giê-hô-va phái Con ngài từ trời xuống để “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”.—Mác 10:45; Giăng 6:51.

2 Giá chuộc là gì? Khi được dùng trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, giá chuộc là giá mà Chúa Giê-su trả để mua lại điều A-đam đã đánh mất (1 Cô 15:22). Tại sao chúng ta cần giá chuộc? Vì công lý của Đức Giê-hô-va đòi hỏi mạng đền mạng, như được quy định trong Luật pháp (Xuất 21:23, 24). A-đam đã đánh mất sự sống hoàn hảo. Để đáp ứng công lý của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su đã hy sinh mạng sống hoàn hảo của ngài (Rô 5:17). Qua đó, ngài trở nên “Cha Muôn Đời” của tất cả những ai thể hiện đức tin nơi giá chuộc.—Ê-sai 9:6; Rô 3:23, 24.

3. Theo Giăng 14:31 và 15:13, tại sao Chúa Giê-su sẵn lòng hy sinh mạng sống hoàn hảo của ngài?

3 Chúa Giê-su sẵn lòng hy sinh mạng sống vì tình yêu thương bao la ngài dành cho Cha trên trời và chúng ta. (Đọc Giăng 14:31; 15:13). Tình yêu thương đó đã thúc đẩy ngài kiên quyết giữ lòng trọn thành cho đến cuối cùng và thực hiện ý muốn của Cha. Ngài làm thế bằng cách giữ trung thành cho đến chết. Nhờ đó, ý định ban đầu của Đức Giê-hô-va dành cho nhân loại và trái đất sẽ được thực hiện. Bài này sẽ xem tại sao Đức Chúa Trời để cho Chúa Giê-su chịu nhiều đau đớn trước khi chết. Chúng ta cũng sẽ xem vắn tắt gương của một người viết Kinh Thánh đã quý trọng giá chuộc một cách sâu xa. Cuối cùng, chúng ta sẽ thảo luận làm thế nào để tỏ lòng biết ơn và gia tăng lòng quý trọng đối với giá chuộc mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su cung cấp.

TẠI SAO CHÚA GIÊ-SU PHẢI CHỊU ĐAU ĐỚN?

Hãy nghĩ đến mọi sự ngược đãi mà Chúa Giê-su phải chịu để cung cấp giá chuộc cho chúng ta! (Xem đoạn 4)

4. Hãy mô tả những điều Chúa Giê-su phải chịu trước khi chết.

4 Hãy hình dung Chúa Giê-su phải trải qua điều gì vào ngày cuối cùng sống trên đất. Ngài có thể kêu các quân đoàn thiên sứ đến bảo vệ ngài, nhưng thay vì làm thế, ngài đã để cho lính La Mã đến bắt và đánh đập ngài không thương tiếc (Mat 26:52-54; Giăng 18:3; 19:1). Họ dùng roi dây quất nát lưng ngài, rồi họ đặt cây cột rất nặng trên lưng đầy lằn roi ấy. Chúa Giê-su bắt đầu kéo lê cây cột đến chỗ hành quyết, nhưng lúc sau thì ngài kiệt sức nên một người đi đường bị bắt vác cây cột cho ngài (Mat 27:32). Khi Chúa Giê-su đến nơi ngài sẽ chịu chết, những kẻ hành quyết đóng đinh tay và chân ngài vào cây cột. Sức nặng của cơ thể Chúa Giê-su kéo rách vết thương nơi tay và chân ngài. Những người bạn của ngài rất đau buồn và mẹ ngài khóc, còn giới lãnh đạo Do Thái thì chế giễu Chúa Giê-su (Lu 23:32-38; Giăng 19:25). Nỗi đau đớn của Chúa Giê-su kéo dài hàng giờ. Tim và phổi ngài trở nên suy kiệt, khiến ngài càng khó thở hơn. Lúc sắp trút hơi thở, ngài thốt lên lời chiến thắng trong lần cầu nguyện cuối cùng với Cha. Rồi ngài gục đầu và tắt thở (Mác 15:37; Lu 23:46; Giăng 10:17, 18; 19:30). Đó thật sự là cái chết từ từ, đau đớn và nhục nhã!

5. Điều gì khiến Chúa Giê-su đau buồn hơn là cách ngài bị xử tử?

5 Đối với Chúa Giê-su, cách ngài bị xử tử không phải là điều khó nhất trong thử thách này. Điều khiến ngài đau buồn hơn là lý do mà ngài bị khép tội chết. Chúa Giê-su bị cáo buộc là người phạm thượng, tức người không tôn trọng Đức Chúa Trời hoặc danh ngài (Mat 26:64-66). Chỉ nghĩ đến lời cáo buộc đó thôi đã khiến Chúa Giê-su khổ tâm đến mức ngài mong Cha không để cho ngài chịu sự sỉ nhục này (Mat 26:38, 39, 42). Tại sao Đức Giê-hô-va để Con yêu dấu của ngài chịu đau đớn và chết? Hãy cùng xem ba lý do.

6. Tại sao Chúa Giê-su phải bị treo trên cây cột?

6 Thứ nhất, Chúa Giê-su phải bị treo trên cây cột để giải thoát người Do Thái khỏi sự nguyền rủa (Ga 3:10, 13). Họ đã hứa vâng theo Luật pháp Đức Chúa Trời nhưng lại không hề vâng giữ. Hậu quả là họ bị nguyền rủa; ngoài ra họ cũng bị kết án vì là con cháu A-đam (Rô 5:12). Luật pháp Đức Chúa Trời ban cho Y-sơ-ra-ên quy định rằng một người phạm tội đáng chết thì sẽ bị xử tử. Trong một số trường hợp, xác của người ấy sau đó sẽ bị treo trên cây cột. * Luật pháp cũng cho biết một người bị treo lên là bị Đức Chúa Trời nguyền rủa (Phục 21:22, 23; 27:26). Vậy khi bị treo trên cây cột, Chúa Giê-su đã chịu sự nguyền rủa thay cho chính dân đã chối bỏ ngài, nhờ thế họ có thể được giải thoát khỏi sự nguyền rủa ấy và nhận lợi ích từ sự hy sinh của ngài.

7. Lý do thứ hai Đức Chúa Trời để cho Con ngài chịu đau đớn là gì?

7 Hãy xem lý do thứ hai Đức Chúa Trời để cho Con ngài chịu đau đớn. Ngài làm thế để huấn luyện Chúa Giê-su trở thành Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm của chúng ta trong tương lai. Qua trải nghiệm bản thân, Chúa Giê-su biết việc vâng lời Đức Chúa Trời khi gặp thử thách cùng cực khó khăn đến mức nào. Ngài cảm thấy áp lực đến nỗi ‘cất tiếng lớn dâng những lời nài xin đầy nước mắt’. Chắc chắn, khi trải qua cảm xúc đau buồn như thế, Chúa Giê-su có thể hiểu nhu cầu của chúng ta và giúp đỡ khi chúng ta bị thử thách. Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài bổ nhiệm một Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đầy lòng thương xót, là đấng có thể “cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta”.—Hê 2:17, 18; 4:14-16; 5:7-10.

8. Lý do thứ ba Đức Giê-hô-va để cho Chúa Giê-su bị thử thách cùng cực là gì?

8 Thứ ba, Đức Giê-hô-va để cho Chúa Giê-su chịu đau đớn cùng cực để đáp lại một câu hỏi quan trọng: Con người có thể giữ lòng trung thành ngay cả khi gặp thử thách cùng cực không? Sa-tan nói là không! Hắn quả quyết rằng loài người phụng sự Đức Chúa Trời vì những lý do ích kỷ. Hắn cho là con người không yêu mến Đức Giê-hô-va, chẳng khác nào tổ phụ của họ là A-đam (Gióp 1:9-11; 2:4, 5). Vì tin chắc Con ngài sẽ giữ trung thành, Đức Giê-hô-va đã để cho Chúa Giê-su chịu đựng thử thách đến mức tối đa mà con người có thể chịu được. Chúa Giê-su đã giữ lòng trọn thành và chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối.

MỘT NGƯỜI VIẾT KINH THÁNH QUÝ TRỌNG SÂU XA GIÁ CHUỘC

9. Sứ đồ Giăng nêu gương nào cho chúng ta?

9 Đức tin của nhiều tín đồ được củng cố nhờ sự dạy dỗ về giá chuộc. Họ tiếp tục rao giảng bất kể sự chống đối và chịu đựng đủ loại thử thách trong suốt cuộc đời. Hãy xem gương của sứ đồ Giăng. Ông trung thành rao giảng sự thật về Đấng Ki-tô và giá chuộc, rất có thể trong hơn 60 năm. Khi gần 100 tuổi, ông bị xem là mối đe dọa lớn đối với đế quốc La Mã nên bị đày ra đảo Bát-mô. Ông bị buộc tội gì? Đó là “rao giảng về Đức Chúa Trời và làm chứng về Chúa Giê-su” (Khải 1:9). Quả là một gương mẫu nổi bật về đức tin và sự chịu đựng!

10. Làm thế nào những sách của Giăng cho thấy ông quý trọng giá chuộc?

10 Giăng bày tỏ tình yêu thương sâu xa dành cho Chúa Giê-su và lòng quý trọng đối với giá chuộc trong những sách ông được soi dẫn viết. Ông nhắc đến giá chuộc hoặc những lợi ích mà giá chuộc mang lại hơn 100 lần. Chẳng hạn, Giăng viết: “Nếu có ai phạm tội thì chúng ta có đấng giúp đỡ đang ở với Cha, đó là Chúa Giê-su Ki-tô, một đấng công chính” (1 Giăng 2:1, 2). Những sách của Giăng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “làm chứng về Chúa Giê-su” (Khải 19:10). Rõ ràng, Giăng rất quý trọng giá chuộc. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình cũng có lòng quý trọng như thế?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TỎ LÒNG BIẾT ƠN VỀ GIÁ CHUỘC?

Nếu thật sự quý trọng giá chuộc, chúng ta sẽ kháng cự cám dỗ (Xem đoạn 11) *

11. Điều gì có thể giúp chúng ta kháng cự cám dỗ?

11 Kháng cự cám dỗ phạm tội. Nếu thật sự quý trọng giá chuộc, chúng ta sẽ không suy nghĩ: “Mình chẳng cần cố gắng kháng cự cám dỗ. Nếu phạm tội thì mình có thể xin Đức Giê-hô-va tha thứ”. Thay vì thế, khi bị cám dỗ làm điều sai trái, chúng ta sẽ suy nghĩ: “Không! Làm sao mình có thể làm thế sau tất cả những gì Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho mình?”. Phù hợp với suy nghĩ đó, chúng ta có thể xin Đức Giê-hô-va ban sức mạnh, nài xin ngài: “Xin đừng để con sa vào cám dỗ”.—Mat 6:13.

12. Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng lời khuyên nơi 1 Giăng 3:16-18?

12 Yêu thương anh em đồng đạo. Khi thể hiện tình yêu thương với anh em, chúng ta cũng cho thấy mình quý trọng giá chuộc. Tại sao? Vì Chúa Giê-su hy sinh mạng sống không chỉ cho chúng ta mà còn cho anh em đồng đạo. Việc ngài sẵn sàng chết cho họ cho thấy họ có giá trị lớn trước mắt ngài. (Đọc 1 Giăng 3:16-18). Chúng ta thể hiện tình yêu thương với anh em qua cách mình đối xử với họ (Ê-phê 4:29, 31–5:2). Chẳng hạn, chúng ta giúp đỡ khi họ bị bệnh hoặc khi họ phải đương đầu với thử thách cam go, trong đó có thảm họa thiên nhiên. Nhưng chúng ta nên làm gì khi một anh em nói hoặc làm điều khiến mình tổn thương?

13. Tại sao chúng ta nên sẵn lòng tha thứ?

13 Anh chị có đang nuôi lòng oán giận một anh em đồng đạo không? (Lê 19:18). Nếu thế, hãy làm theo lời khuyên sau: “Hãy tiếp tục chịu đựng nhau và rộng lòng tha thứ nhau cho dù có lý do để phàn nàn về người khác. Đức Giê-hô-va đã rộng lòng tha thứ anh em thể nào, anh em cũng phải làm như vậy” (Cô 3:13). Mỗi lần tha thứ cho anh em đồng đạo, chúng ta cho Cha trên trời thấy mình thật sự quý trọng giá chuộc. Làm thế nào để gia tăng lòng quý trọng về món quà này từ Đức Chúa Trời?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIA TĂNG LÒNG QUÝ TRỌNG ĐỐI VỚI GIÁ CHUỘC?

14. Một cách chúng ta có thể gia tăng lòng quý trọng đối với giá chuộc là gì?

14 Cảm tạ Đức Giê-hô-va về giá chuộc. Một chị 83 tuổi tên Joanna sống ở Ấn Độ nói: “Tôi nghĩ việc nhắc đến giá chuộc mỗi ngày trong lời cầu nguyện và cảm tạ Đức Giê-hô-va về giá chuộc là điều rất quan trọng”. Khi cầu nguyện riêng với Đức Giê-hô-va, hãy nói với ngài về những lỗi mà anh chị phạm vào ngày hôm đó, rồi xin ngài tha thứ. Dĩ nhiên, nếu phạm tội trọng, anh chị cũng sẽ cần sự giúp đỡ của các trưởng lão. Họ sẽ lắng nghe anh chị và cho lời khuyên yêu thương dựa trên Kinh Thánh. Họ sẽ cầu nguyện với anh chị và xin Đức Giê-hô-va tiếp tục áp dụng giá trị sự hy sinh của Chúa Giê-su ‘hầu anh chị được chữa lành’ về thiêng liêng.—Gia 5:14-16.

15. Tại sao chúng ta nên dành thời gian để đọc và suy ngẫm về giá chuộc?

15 Suy ngẫm về giá chuộc. Một chị 73 tuổi tên Rajamani nói: “Mỗi lần đọc về sự đau đớn của Chúa Giê-su, mắt tôi ngấn lệ”. Có lẽ anh chị cũng rất đau buồn khi nghĩ đến nỗi đau tột độ mà Con Đức Chúa Trời phải chịu. Nhưng càng suy ngẫm về sự hy sinh của Chúa Giê-su, tình yêu thương mà anh chị dành cho ngài và Cha ngài sẽ ngày càng sâu đậm. Một cách sẽ giúp anh chị suy ngẫm về giá chuộc là nghiên cứu đề tài này khi học hỏi cá nhân.

Qua một bữa ăn đơn giản, Chúa Giê-su cho các môn đồ thấy cách để tưởng nhớ sự hy sinh của ngài (Xem đoạn 16)

16. Việc dạy người khác về giá chuộc mang lại lợi ích nào cho chúng ta? (Xem hình nơi trang bìa).

16 Dạy người khác về giá chuộc. Mỗi lần chúng ta chia sẻ với người khác về giá chuộc, lòng quý trọng của chúng ta đối với giá chuộc sẽ gia tăng. Chúng ta có những công cụ tuyệt vời để giúp mình giải thích cho người khác biết tại sao Chúa Giê-su chết cho chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta có thể dùng bài 4 của sách mỏng Tin mừng từ Đức Chúa Trời!, bài này có tựa “Chúa Giê-su là ai?”. Hoặc chúng ta có thể dùng chương 5 của sách Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì?, chương này có tựa “Giá chuộc—Món quà cao quý nhất từ Đức Chúa Trời”. Mỗi năm chúng ta gia tăng lòng biết ơn về giá chuộc bằng cách tham dự Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su và sốt sắng mời người khác đến dự buổi lễ. Quả là đặc ân khi Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta cơ hội dạy người khác về Con ngài!

17. Tại sao giá chuộc là món quà cao quý nhất mà Đức Chúa Trời dành cho nhân loại?

17 Chắc chắn chúng ta có lý do chính đáng để vun trồng và duy trì lòng quý trọng sâu xa đối với giá chuộc. Nhờ giá chuộc, chúng ta có thể hưởng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va dù chúng ta là người bất toàn. Nhờ giá chuộc, mọi công việc của Ác Quỷ sẽ hoàn toàn bị phá hủy (1 Giăng 3:8). Và nhờ giá chuộc, ý định ban đầu của Đức Giê-hô-va đối với trái đất sẽ được thực hiện. Cả trái đất sẽ trở thành địa đàng. Mỗi người anh chị gặp đều sẽ là người yêu mến và phụng sự Đức Giê-hô-va. Vậy, mong sao mỗi ngày chúng ta tìm cách để thể hiện lòng quý trọng đối với giá chuộc, món quà cao quý nhất mà Đức Chúa Trời dành cho nhân loại!

BÀI HÁT 20 Ngài ban Con một yêu quý

^ đ. 5 Tại sao Chúa Giê-su phải chịu cái chết tàn nhẫn? Bài này sẽ giải đáp câu hỏi đó. Bài cũng giúp chúng ta gia tăng lòng quý trọng đối với giá chuộc.

^ đ. 6 Người La Mã có phong tục đóng đinh hoặc buộc những người bị kết án vào cây cột trong khi họ vẫn còn sống. Đức Giê-hô-va đã để cho Con ngài chịu chết theo cách đó.

^ đ. 55 HÌNH ẢNH: Mỗi anh Nhân Chứng kháng cự một cám dỗ: xem những hình không thích hợp, hút thuốc lá và nhận hối lộ.