Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 15

Những lời cuối của Chúa Giê-su dạy chúng ta điều gì?

Những lời cuối của Chúa Giê-su dạy chúng ta điều gì?

Đây là Con yêu dấu của ta, người mà ta hài lòng. Hãy nghe lời người”.MAT 17:5.

BÀI HÁT 17 “Tôi muốn”

GIỚI THIỆU *

1, 2. Hãy miêu tả bối cảnh lúc Chúa Giê-su nói những lời cuối cùng trước khi chết.

Lúc đó là ban ngày, ngày 14 tháng Ni-san năm 33 CN. Sau khi bị vu cáo và kết tội oan, Chúa Giê-su bị chế nhạo, tra tấn dã man và bị đóng đinh trên cây khổ hình. Đinh đâm xuyên qua tay và chân ngài. Mỗi lần ngài thở, mỗi lời ngài nói đều khiến ngài đau đớn. Nhưng vì có những điều quan trọng nên ngài phải nói.

2 Hãy cùng xem xét những lời Chúa Giê-su nói khi ngài đang hấp hối trên cây khổ hình và những bài học rút ra. Điều này sẽ giúp chúng ta ‘nghe lời ngài’.—Mat 17:5.

“THƯA CHA, XIN THA THỨ CHO HỌ”

3. Rất có thể Chúa Giê-su nói đến ai khi ngài xin: “Thưa Cha, xin tha thứ cho họ”?

3 Chúa Giê-su đã nói gì? Lúc bị đóng đinh trên cây cột, Chúa Giê-su cầu xin: “Thưa Cha, xin tha thứ cho họ”. Tha thứ cho ai? Lời kế tiếp của ngài giúp chúng ta biết đó là ai: “Họ không biết mình đang làm gì” (Lu 23:33, 34). Rất có thể Chúa Giê-su đang nói đến những lính La Mã đã đóng đinh xuyên qua tay và chân ngài. Họ không biết ngài thật sự là ai. Có lẽ ngài cũng nghĩ đến một số người trong đám đông đã đòi xử tử ngài nhưng sau này thể hiện đức tin nơi ngài (Công 2:36-38). Chúa Giê-su không để sự bất công mà ngài phải chịu khiến ngài cay đắng và oán giận (1 Phi 2:23). Thay vì thế, ngài xin Đức Giê-hô-va tha thứ cho những người xử tử ngài.

4. Chúng ta học được gì từ việc Chúa Giê-su sẵn lòng tha thứ cho kẻ chống đối?

4 Chúng ta học được gì từ lời của Chúa Giê-su? Như Chúa Giê-su, chúng ta cần sẵn lòng tha thứ cho người khác (Cô 3:13). Một số người, bao gồm người thân, có thể chống đối vì họ không hiểu niềm tin và lối sống của chúng ta. Có thể họ nói những điều giả dối về chúng ta, hạ nhục chúng ta trước mặt người khác, xé các ấn phẩm, thậm chí dọa hành hung chúng ta. Thay vì nuôi lòng oán giận, chúng ta có thể xin Đức Giê-hô-va mở mắt những người chống đối để một ngày nào đó họ nhận ra chân lý (Mat 5:44, 45). Đôi khi chúng ta thấy khó để tha thứ, đặc biệt nếu phải chịu sự bất công tồi tệ. Nhưng nếu để sự cay đắng và oán giận bén rễ trong lòng, chúng ta tự làm mình tổn thương. Một chị giải thích: “Tôi nhận ra rằng tha thứ không có nghĩa là tôi tán thành hành động của họ hoặc để người khác lợi dụng mình. Chỉ đơn giản là tôi chọn bỏ đi sự oán giận” (Thi 37:8). Khi tha thứ, chúng ta chọn không để những trải nghiệm tiêu cực khiến mình cay đắng.—Ê-phê 4:31, 32.

“ANH SẼ Ở VỚI TÔI TRONG ĐỊA ĐÀNG”

5. Chúa Giê-su đã hứa điều gì với một tên tội phạm bị treo bên cạnh ngài, và tại sao ngài hứa điều ấy?

5 Chúa Giê-su đã nói gì? Bên cạnh ngài có hai tên tội phạm cũng bị treo trên cây khổ hình. Ban đầu, cả hai đều sỉ nhục ngài (Mat 27:44). Nhưng sau đó, một người đã thay đổi. Anh ta nhận ra là Chúa Giê-su “không làm gì sai” (Lu 23:40, 41). Hơn nữa, anh ta bày tỏ niềm tin rằng Chúa Giê-su sẽ được sống lại và sẽ làm vua trong tương lai. Anh ta nói với Đấng Cứu Rỗi đang hấp hối: “Thưa ngài Giê-su, xin nhớ đến tôi khi ngài vào trong Nước ngài” (Lu 23:42). Người đàn ông ấy đã thể hiện đức tin thật lớn! Chúa Giê-su đáp lại: “Quả thật, hôm nay tôi nói với anh, anh sẽ ở với tôi [không phải trong Nước Trời mà] trong địa đàng” (Lu 23:43). Hãy lưu ý, khi dùng đại từ “tôi” và “anh”, Chúa Giê-su đang hứa với cá nhân người ấy. Vì biết Cha là đấng thương xót nên Chúa Giê-su đã nói những lời mang lại hy vọng cho tên tội phạm này.—Thi 103:8.

6. Chúng ta học được gì từ những lời Chúa Giê-su nói với tên tội phạm?

6 Chúng ta học được gì từ lời của Chúa Giê-su? Chúa Giê-su phản ánh Cha ngài một cách hoàn hảo (Hê 1:3). Đức Giê-hô-va sẵn lòng tha thứ và thể hiện sự thương xót với chúng ta. Nhưng ngài chỉ làm thế nếu chúng ta thành thật ăn năn về điều mình phạm trong quá khứ và thể hiện đức tin nơi huyết báu của Chúa Giê-su (1 Giăng 1:7). Một số người thấy khó để tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ lỗi lầm mà họ phạm trong quá khứ. Nếu đôi khi anh chị cảm thấy như thế, hãy suy nghĩ điều này: Ngay trước khi chết, Chúa Giê-su đã tỏ lòng thương xót với một tội phạm chỉ mới bắt đầu thể hiện đức tin nơi ngài. Vậy hẳn Đức Giê-hô-va còn thể hiện lòng thương xót nhiều hơn thế nữa với những tôi tớ trung thành, là những người nỗ lực hết sức để vâng theo mệnh lệnh của ngài!—Thi 51:1; 1 Giăng 2:1, 2.

“ĐÂY LÀ CON CỦA BÀ!... ĐÂY LÀ MẸ ANH!”

7. Theo Giăng 19:26, 27, Chúa Giê-su nói gì với Ma-ri và Giăng, và tại sao ngài nói thế?

7 Chúa Giê-su đã nói gì? (Đọc Giăng 19:26, 27). Chúa Giê-su quan tâm đến mẹ ngài, rất có thể lúc đó bà là một góa phụ. Hẳn các em của ngài có thể chăm sóc cho bà về nhu cầu thể chất. Nhưng ai sẽ chăm sóc cho bà về nhu cầu thiêng liêng? Không có bằng chứng nào cho thấy các em của ngài đã là môn đồ vào lúc đó. Tuy nhiên, Giăng là sứ đồ trung thành và là một trong những bạn thân nhất của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su xem những người cùng ngài thờ phượng Đức Giê-hô-va như gia đình thiêng liêng của ngài (Mat 12:46-50). Thế nên, vì yêu thương và quan tâm đến mẹ, Chúa Giê-su đã giao bà cho Giăng; ngài biết Giăng sẽ chăm sóc cho bà về thiêng liêng. Chúa Giê-su nói với Ma-ri: “Đây là con của bà!”, rồi ngài nói với Giăng: “Đây là mẹ anh!”. Kể từ ngày đó, Giăng giống như con trai của Ma-ri, ông chăm sóc bà như mẹ mình. Chúa Giê-su đã thể hiện tình yêu thương nhiều biết bao với người phụ nữ đáng quý đã dịu dàng chăm sóc ngài khi ngài chào đời và đứng gần bên lúc ngài chết!

8. Chúng ta học được gì từ những lời Chúa Giê-su nói với Ma-ri và Giăng?

8 Chúng ta học được gì từ lời của Chúa Giê-su? Mối quan hệ của chúng ta với anh em đồng đạo có thể mật thiết hơn mối quan hệ với gia đình. Người thân có thể chống đối, thậm chí bỏ rơi chúng ta, nhưng như Chúa Giê-su hứa, nếu gắn bó với Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài, chúng ta sẽ nhận “gấp trăm lần” những điều mình mất. Nhiều người sẽ trở nên giống như con trai, con gái, người cha và người mẹ yêu thương của chúng ta (Mác 10:29, 30). Anh chị cảm thấy thế nào khi được thuộc về gia đình thiêng liêng gồm những người hợp nhất bởi đức tin và bởi tình yêu thương mà họ dành cho Đức Giê-hô-va và cho nhau?—Cô 3:14; 1 Phi 2:17.

“ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA CON ƠI, SAO NGÀI LÌA BỎ CON?”

9. Những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 27:46 cho chúng ta biết gì?

9 Chúa Giê-su đã nói gì? Ngay trước khi chết, Chúa Giê-su kêu lớn tiếng: “Đức Chúa Trời của con ơi, Đức Chúa Trời của con ơi, sao ngài lìa bỏ con?” (Mat 27:46). Kinh Thánh không giải thích tại sao Chúa Giê-su nói điều này. Nhưng hãy xem những lời ấy cho chúng ta biết gì. Một điều là khi nói những lời này, Chúa Giê-su làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Thi thiên 22:1. * Hơn nữa, những lời ấy cho thấy rõ Đức Giê-hô-va không dựng “hàng rào bảo vệ xung quanh” Con ngài (Gióp 1:10). Chúa Giê-su hiểu rằng Cha đang cho phép kẻ thù thử thách ngài một cách đầy trọn, đến mức chưa người nào bị thử thách như thế. Ngoài ra, những lời ấy xác nhận rằng ngài không phạm bất cứ tội nào đáng phải chết.

10. Chúng ta học được gì từ những lời Chúa Giê-su nói với Cha?

10 Chúng ta học được gì từ lời của Chúa Giê-su? Một bài học là không nên mong đợi Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ mình khỏi những thử thách về đức tin. Như Chúa Giê-su đã bị thử thách đến cùng, chúng ta cũng cần sẵn sàng chứng tỏ lòng trung thành cho đến chết nếu cần (Mat 16:24, 25). Tuy nhiên, chúng ta được đảm bảo rằng Đức Chúa Trời sẽ không để chúng ta bị thử thách quá sức mình (1 Cô 10:13). Một bài học khác là như Chúa Giê-su, chúng ta có thể phải chịu khổ dù không làm gì sai (1 Phi 2:19, 20). Người ta chống đối, không phải vì chúng ta làm gì sai, nhưng vì chúng ta không thuộc về thế gian và làm chứng cho chân lý (Giăng 17:14; 1 Phi 4:15, 16). Chúa Giê-su hiểu tại sao Đức Giê-hô-va để ngài chịu khổ. Nhưng khác với Chúa Giê-su, đôi khi những tôi tớ trung thành gặp thử thách thắc mắc tại sao Đức Giê-hô-va để một số điều xảy đến với mình (Ha-ba 1:3). Là đấng thương xót và kiên nhẫn, Đức Chúa Trời hiểu rằng những người ấy không thiếu đức tin nhưng họ cần sự an ủi mà chỉ ngài có thể mang lại.—2 Cô 1:3, 4.

“TÔI KHÁT”

11. Tại sao Chúa Giê-su nói những lời nơi Giăng 19:28?

11 Chúa Giê-su đã nói gì? (Đọc Giăng 19:28). Tại sao Chúa Giê-su nói: “Tôi khát”? Ngài làm thế “để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm”, tức lời tiên tri nơi Thi thiên 22:15: “Sức con khô giòn khác nào mảnh gốm, cả lưỡi và lợi dính lại với nhau”. Ngoài ra, sau mọi điều đã trải qua, kể cả nỗi đau đớn tột cùng trên cây khổ hình, hẳn Chúa Giê-su rất khát. Lúc ấy, ngài cần được giúp để bớt khát.

12. Chúng ta học được gì từ lời của Chúa Giê-su: “Tôi khát”?

12 Chúng ta học được gì từ lời của Chúa Giê-su? Chúa Giê-su không xem việc cho người khác biết điều mình cần là dấu hiệu của sự yếu đuối, chúng ta cũng không nên nghĩ như thế. Một số người trong chúng ta không thích xin người khác giúp đỡ. Nhưng khi cần được giúp thì đừng ngần ngại xin sự trợ giúp từ người khác. Chẳng hạn, nếu lớn tuổi hoặc sức khỏe hạn chế, có thể chúng ta phải nhờ một người bạn chở mình đi chợ hoặc đi khám bệnh. Nếu đang nản lòng, có thể chúng ta cần xin nói chuyện với một trưởng lão hay một tín đồ thành thục khác, hoặc xin họ chia sẻ “một lời lành” giúp mình lên tinh thần (Châm 12:25). Hãy nhớ rằng anh em yêu thương chúng ta và muốn giúp chúng ta trong “lúc khốn khổ” (Châm 17:17). Nhưng họ không biết chúng ta đang nghĩ gì hoặc cảm thấy thế nào. Có lẽ họ chỉ biết chúng ta cần sự trợ giúp khi mình chủ động nói ra.

“MỌI VIỆC ĐÃ HOÀN TẤT!”

13. Chúa Giê-su thực hiện được những gì khi giữ lòng trọn thành cho đến chết?

13 Chúa Giê-su đã nói gì? Khoảng 3 giờ chiều ngày 14 tháng Ni-san, Chúa Giê-su kêu lớn tiếng: “Mọi việc đã hoàn tất!” (Giăng 19:30). Những lời này cho thấy ngay trước khi chết, Chúa Giê-su biết ngài đã hoàn tất mọi điều Đức Giê-hô-va muốn ngài làm. Qua việc giữ lòng trọn thành cho đến chết, Chúa Giê-su thực hiện được nhiều điều. Thứ nhất, ngài chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối. Chúa Giê-su cho thấy một người hoàn hảo có thể giữ lòng trọn thành bất kể những gì Sa-tan làm. Thứ hai, Chúa Giê-su dâng mạng sống làm giá chuộc. Sự hy sinh của ngài cho những người bất toàn cơ hội có được vị thế công chính trước mắt Đức Chúa Trời và có triển vọng sống đời đời. Thứ ba, Chúa Giê-su ủng hộ quyền cai trị chính đáng của Đức Giê-hô-va và tẩy sạch danh Cha khỏi mọi sự sỉ nhục.

14. Chúng ta nên quyết tâm sống mỗi ngày như thế nào? Hãy giải thích.

14 Chúng ta học được gì từ lời của Chúa Giê-su? Chúng ta cần quyết tâm giữ lòng trọn thành mỗi ngày. Hãy xem những lời của anh Maxwell Friend, từng là giảng viên Trường Ga-la-át. Tại một hội nghị quốc tế, anh Friend nói trong bài giảng về sự trung thành: “Điều hôm nay anh chị có thể nói hoặc làm thì đừng để đến ngày mai. Anh chị có chắc là mình vẫn sống ngày mai không? Hãy sống mỗi ngày như thể đó là cơ hội cuối cùng để cho thấy anh chị xứng đáng được sống đời đời”. Mong sao chúng ta sống mỗi ngày như thể đó là cơ hội cuối cùng để giữ lòng trọn thành! Rồi ngay cả nếu phải đối mặt với cái chết, chúng ta có thể nói: “Đức Giê-hô-va ơi, con đã làm hết sức mình để giữ lòng trọn thành, để chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối, để biện minh cho danh và quyền tối thượng của Cha!”.

“CON XIN PHÓ THÁC SỰ SỐNG CON NƠI TAY CHA”

15. Theo Lu-ca 23:46, Chúa Giê-su bày tỏ lòng tin chắc nào?

15 Chúa Giê-su đã nói gì? (Đọc Lu-ca 23:46). Với lòng tin chắc, Chúa Giê-su nói: “Cha ơi, con xin phó thác sự sống con nơi tay Cha”. Chúa Giê-su biết tương lai của ngài phụ thuộc vào Đức Giê-hô-va, và ngài tin chắc Cha sẽ nhớ đến ngài.

16. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của một anh 15 tuổi?

16 Chúng ta học được gì từ lời của Chúa Giê-su? Hãy sẵn lòng đặt sự sống mình trong tay Đức Giê-hô-va. Để làm thế, anh chị cần “hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va” (Châm 3:5). Hãy xem kinh nghiệm của một anh 15 tuổi tên Joshua mắc bệnh hiểm nghèo. Anh từ chối các phương pháp trị liệu vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Trước khi chết, anh nói với mẹ: “Mẹ ơi, con ở trong tay Đức Giê-hô-va... Con có thể nói điều này với lòng tin chắc: Con biết Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ làm con sống lại. Ngài biết những gì trong lòng con, và con thật sự yêu thương ngài”. * Mỗi chúng ta nên tự hỏi: “Nếu phải đối mặt với thử thách về đức tin đe dọa mạng sống, mình có đặt sự sống trong tay Đức Giê-hô-va và tin cậy ngài sẽ nhớ đến mình không?”.

17, 18. Chúng ta rút ra được những bài học nào? (Cũng xem khung “ Bài học từ những lời cuối của Chúa Giê-su”).

17 Quả là những bài học quan trọng chúng ta học được từ những lời cuối của Chúa Giê-su! Chúng ta được nhắc là mình cần tha thứ cho người khác và tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ cho mình. Chúng ta có đặc ân được thuộc về một gia đình thiêng liêng tuyệt vời gồm các anh chị sẵn sàng trợ giúp chúng ta. Nhưng khi cần được giúp, chúng ta phải chủ động hỏi xin. Chúng ta biết Đức Giê-hô-va sẽ giúp mình chịu đựng bất cứ thử thách nào xảy đến với mình. Và chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng để chứng tỏ lòng trọn thành, tin chắc rằng sự sống của mình được an toàn trong tay Đức Giê-hô-va.

18 Thật vậy, những lời Chúa Giê-su nói khi ngài đang hấp hối trên cây khổ hình mang đầy ý nghĩa. Khi áp dụng những bài học rút ra, chúng ta đang làm theo lời Đức Giê-hô-va nói về Con ngài: “Hãy nghe lời người”.—Mat 17:5.

BÀI HÁT 126 Hãy luôn tỉnh thức, đứng vững và mạnh mẽ

^ đ. 5 Ma-thi-ơ 17:5 cho biết Đức Giê-hô-va muốn chúng ta nghe lời Con ngài. Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận một số bài học rút ra từ những lời mà Chúa Giê-su nói khi ngài đang hấp hối trên cây khổ hình.

^ đ. 9 Để biết thêm về những lý do mà có lẽ Chúa Giê-su trích những lời nơi Thi thiên 22:1, xem “Độc giả thắc mắc” trong số này.

^ đ. 16 Xem bài “Đức tin của Joshua—Một chiến thắng cho nhân quyền của trẻ em” trong Tỉnh Thức! số ra ngày 22-1-1995 (Anh ngữ).