Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 17

Những người mẹ có thể học được gì từ Ơ-nít?

Những người mẹ có thể học được gì từ Ơ-nít?

“Đừng từ bỏ lời dạy bảo của mẹ con… Điều ấy như một vòng xinh đẹp trên đầu con, như trang sức đẹp đẽ nơi cổ con”.—CHÂM 1:8, 9.

BÀI HÁT 137 Những người nữ trung thành

GIỚI THIỆU a

Mẹ của Ti-mô-thê là Ơ-nít và bà ngoại là Lô-ít rất vui và hãnh diện khi chứng kiến Ti-mô-thê chịu phép báp-têm trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Xem đoạn 1)

1, 2. (a) Ơ-nít là ai, và bà đã gặp khó khăn nào trong việc nuôi dạy con? (b) Hãy bình luận hình nơi trang bìa.

 Mặc dù Kinh Thánh không nhắc đến phép báp-têm của Ti-mô-thê, nhưng không khó để chúng ta hình dung niềm vui của mẹ ông là Ơ-nít vào ngày hôm đó (Châm 23:25). Hãy tưởng tượng mắt bà ánh lên niềm tự hào khi Ti-mô-thê đứng ngập nửa người trong nước. Bà mỉm cười trong khi Lô-ít, bà ngoại của Ti-mô-thê, đứng kế bên. Ơ-nít hồi hộp lúc Ti-mô-thê được nhấn chìm toàn thân trong nước. Và rồi khi ông trồi lên khỏi mặt nước với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt, bà không cầm được nước mắt. Ơ-nít đã thành công dạy dỗ con trai yêu mến Đức Giê-hô-va và Con ngài là Chúa Giê-su Ki-tô, dù điều đó không dễ. Bà đã phải vượt qua khó khăn nào để đạt được kết quả này?

2 Ti-mô-thê được nuôi dạy trong một gia đình không có cùng niềm tin về tôn giáo. Cha ông là người Hy Lạp, còn mẹ và bà ngoại là người Do Thái (Công 16:1). Rất có thể Ti-mô-thê đang ở tuổi thiếu niên khi Ơ-nít và Lô-ít trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, nhưng cha ông thì không. Ti-mô-thê sẽ chọn theo đường lối nào? Lúc đó, có lẽ ông đã đủ lớn để tự quyết định cho mình. Liệu ông sẽ đứng về phía người cha không tin đạo? Hay ông sẽ tiếp tục giữ theo truyền thống Do Thái mà ông được dạy từ bé? Hoặc ông sẽ chấp nhận niềm tin mới nơi Chúa Giê-su Ki-tô?

3. Theo Châm ngôn 1:8, 9, Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về nỗ lực của những người mẹ dạy con trở thành bạn ngài?

3 Tương tự, những người mẹ đạo Đấng Ki-tô ngày nay rất yêu thương gia đình. Điều họ mong muốn nhất là giúp con vun trồng tình bạn mật thiết với Đức Giê-hô-va. Ngài rất quý trọng nỗ lực của họ. (Đọc Châm ngôn 1:8, 9). Đức Giê-hô-va đã giúp nhiều người mẹ dạy con yêu mến và phụng sự ngài.

4. Những người mẹ phải đương đầu với khó khăn nào ngày nay?

4 Đôi khi một người mẹ có thể băn khoăn không biết con mình sẽ chọn phụng sự Đức Giê-hô-va như Ti-mô-thê hay không, và đó là điều dễ hiểu. Suy cho cùng, cha mẹ biết con mình phải chịu rất nhiều áp lực trong thế gian của Sa-tan (1 Phi 5:8). Hơn thế nữa, nhiều người mẹ còn phải nuôi dạy con trong tình trạng đơn chiếc hoặc có chồng không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, một chị tên Trinh b nói: “Chồng tôi là một người cha tốt và biết quan tâm đến gia đình, nhưng anh ấy chống đối dữ dội việc tôi dạy con trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Trong nhiều năm, tôi đã khóc về điều này và băn khoăn làm sao các con tôi có thể trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va”.

5. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

5 Nếu là một người mẹ đạo Đấng Ki-tô, chị cũng có thể thành công giống như Ơ-nít. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào chị có thể noi gương bà trong việc dạy dỗ con qua lời nóihành động. Chúng ta cũng xem Đức Giê-hô-va sẽ trợ giúp chị ra sao.

DẠY CON QUA LỜI NÓI

6. Theo 2 Ti-mô-thê 3:14, 15, điều gì đã giúp Ti-mô-thê trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô?

6 Khi Ti-mô-thê còn bé, mẹ ông đã nỗ lực dạy ông về Kinh Thánh theo cách hiểu của người Do Thái. Dĩ nhiên, sự hiểu biết của bà có giới hạn vì lúc đó bà chưa biết về Chúa Giê-su. Dù vậy, những gì Ti-mô-thê học được từ Kinh Thánh đã giúp ông có nền tảng tốt để chấp nhận đạo Đấng Ki-tô. Nhưng liệu ông sẽ làm thế không? Ti-mô-thê có quyền chọn sống theo đường lối đạo Đấng Ki-tô hay không. Chắc hẳn Ti-mô-thê đã “được thuyết phục để tin” sự thật về Chúa Giê-su một phần là nhờ nỗ lực của mẹ ông. (Đọc 2 Ti-mô-thê 3:14, 15). Hẳn Ơ-nít vui mừng biết bao vì đương đầu thành công với thử thách dạy con về Đức Giê-hô-va! Bà đã sống đúng với ý nghĩa của tên mình; tên bà đến từ một từ có nghĩa là “chiến thắng”.

7. Làm thế nào Ơ-nít có thể giúp con tiếp tục tiến bộ sau khi báp-têm?

7 Khi báp-têm, Ti-mô-thê đã đạt một mục tiêu quan trọng trong đời sống, nhưng Ơ-nít chưa hết lo lắng. Con bà sẽ sử dụng đời sống như thế nào? Cậu sẽ kết hợp với bạn bè xấu không? Cậu sẽ đi A-thên để theo đuổi con đường học vấn và học theo các triết gia ngoại giáo ở đó không? Cậu sẽ lãng phí thời gian, năng lực và tuổi trẻ để theo đuổi sự giàu có không? Ơ-nít không thể quyết định thay cho Ti-mô-thê, nhưng bà có thể giúp con mình. Bằng cách nào? Bà có thể tiếp tục cố gắng ghi khắc vào lòng con tình yêu thương sâu đậm dành cho Đức Giê-hô-va và lòng biết ơn đối với Con ngài. Không phải chỉ những gia đình không cùng niềm tin về tôn giáo mới gặp khó khăn. Ngay cả những gia đình có cha lẫn mẹ trong chân lý vẫn gặp khó khăn trong việc động đến lòng con hầu giúp con phụng sự Đức Giê-hô-va. Các bậc cha mẹ có thể học được gì từ gương của Ơ-nít?

8. Nếu có chồng tin đạo, một chị có thể làm gì để hỗ trợ anh chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho các con?

8 Học Kinh Thánh với con. Hỡi các chị, nếu có chồng tin đạo, Đức Giê-hô-va muốn chị hỗ trợ anh trong việc chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho các con. Một cách để chị làm thế là thường xuyên ủng hộ Buổi thờ phượng của gia đình. Hãy nói tích cực về sắp đặt này, và suy nghĩ những điều chị có thể làm để tạo một bầu không khí vui vẻ nồng ấm. Chị cũng có thể giúp chồng sắp xếp một hoạt động đặc biệt nào đó cho buổi học. Ngoài ra, nếu thấy người con nào đủ lớn để được lợi ích từ buổi học Kinh Thánh riêng bằng sách Vui sống mãi mãi!, chị có thể phụ giúp anh học hỏi với con.

9. Nếu có chồng không tin đạo, người mẹ có thể tìm sự giúp đỡ ở đâu?

9 Một số người mẹ phải đảm nhận trách nhiệm học Kinh Thánh với con vì là mẹ đơn thân hoặc vì chồng không cùng niềm tin. Nếu ở trong hoàn cảnh đó, đừng quá lo lắng. Đức Giê-hô-va sẽ giúp chị. Hãy dùng những công cụ hữu hiệu mà ngài cung cấp qua tổ chức để dạy các con. Chị cũng có thể hỏi các bậc cha mẹ có kinh nghiệm để có thêm sáng kiến về cách dùng các công cụ này trong buổi thờ phượng của gia đình c (Châm 11:14). Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp chị biết cách trò chuyện với con và khéo đặt câu hỏi để hiểu tâm tư, suy nghĩ của con (Châm 20:5). Một câu hỏi đơn giản như “Thử thách lớn nhất của con ở trường là gì?” cũng có thể giúp chị biết nhiều điều về con.

10. Chị có thể làm điều gì khác để dạy con về Đức Giê-hô-va?

10 Tạo cơ hội để dạy con về Đức Giê-hô-va. Hãy nói về Đức Giê-hô-va và nhiều điều tốt lành ngài đã làm cho chị (Phục 6:6, 7; Ê-sai 63:7). Điều này đặc biệt quan trọng nếu chị không thể đều đặn học Kinh Thánh với con ở nhà. Chị Trinh được nói ở trên cho biết: “Vì ít khi chúng tôi có thể thảo luận những điều thiêng liêng ở nhà nên tôi tận dụng bất cứ cơ hội nào mình có. Chúng tôi thường đi dạo hoặc chèo thuyền đi chơi để nói về công trình sáng tạo tuyệt vời của Đức Giê-hô-va và nhiều điều thiêng liêng. Khi con đủ lớn, tôi khuyến khích các cháu tự học Kinh Thánh”. Ngoài ra, hãy nói tích cực về tổ chức của Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo. Đừng chỉ trích trưởng lão. Những gì chị nói về các anh có thể ảnh hưởng đến việc con có tìm đến họ khi cần được giúp đỡ hay không.

11. Theo Gia-cơ 3:18, tại sao thúc đẩy sự hòa thuận trong gia đình là điều quan trọng?

11 Thúc đẩy sự hòa thuận trong gia đình. Hãy thường xuyên cho chồng con thấy chị yêu thương họ. Hãy nói về chồng một cách tử tế và tôn trọng, và dạy các con cũng làm thế. Khi làm vậy, chị tạo một bầu không khí hòa thuận và điều này giúp các con dễ học về Đức Giê-hô-va. (Đọc Gia-cơ 3:18). Hãy xem kinh nghiệm của anh Jozsef đang làm tiên phong đặc biệt ở Ru-ma-ni. Trong thời gian anh lớn lên, cha anh gây khó khăn rất nhiều nhằm cản trở mẹ và bốn chị em phụng sự Đức Giê-hô-va. Anh Jozsef kể: “Mẹ cố gắng hết sức để tạo mái ấm hòa thuận cho chúng tôi. Cha càng hà khắc bao nhiêu, mẹ lại càng nhân từ bấy nhiêu. Khi nhận thấy chúng tôi khó tôn trọng và vâng lời cha, mẹ thảo luận đoạn Kinh Thánh Ê-phê-sô 6:1-3 với chúng tôi. Rồi mẹ nói về những tính tốt của cha và giúp chúng tôi hiểu tại sao nên yêu quý cha. Nhờ thế, nhiều tình huống căng thẳng trong nhà được xoa dịu”.

DẠY CON QUA HÀNH ĐỘNG

12. Theo 2 Ti-mô-thê 1:5, gương của Ơ-nít đã tác động thế nào đến Ti-mô-thê?

12 Đọc 2 Ti-mô-thê 1:5. Ơ-nít đã nêu gương tốt cho Ti-mô-thê. Hẳn bà đã dạy ông đức tin thật phải đi đôi với hành động (Gia 2:26). Chắc hẳn Ti-mô-thê thấy những hành động của mẹ được thúc đẩy bởi tình yêu thương mạnh mẽ dành cho Đức Giê-hô-va và việc phụng sự ngài mang lại niềm vui cho bà. Gương của Ơ-nít đã tác động thế nào đến Ti-mô-thê? Như sứ đồ Phao-lô nhận xét, Ti-mô-thê có đức tin mạnh như mẹ ông. Đây không phải là điều ngẫu nhiên. Ti-mô-thê đã quan sát gương mẫu của bà và được thúc đẩy để noi theo. Tương tự, nhiều người mẹ ngày nay đã giúp các thành viên trong gia đình phụng sự Đức Giê-hô-va mà ‘không cần phải nói lời nào’ (1 Phi 3:1, 2). Chị cũng có thể làm thế. Bằng cách nào?

13. Tại sao người mẹ nên đặt mối quan hệ với Đức Giê-hô-va lên hàng ưu tiên?

13 Đặt mối quan hệ với Đức Giê-hô-va lên hàng ưu tiên (Phục 6:5, 6). Như bao người mẹ khác, chị phải hy sinh nhiều thứ, chẳng hạn thời gian, tiền bạc, giấc ngủ và những điều khác để chăm sóc nhu cầu thể chất của con. Nhưng đừng bao giờ để điều này khiến chị bận rộn đến nỗi không còn thời gian thắt chặt mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Hãy thường xuyên dành thời gian cầu nguyện riêng với ngài, học hỏi cá nhân và tham dự nhóm họp. Khi làm thế, chị sẽ củng cố tình trạng thiêng liêng của mình và nêu gương tốt cho gia đình cũng như cho người khác.

14, 15. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của chị Loan, chị Mai và anh Dũng?

14 Hãy xem kinh nghiệm của một số người trẻ đã học yêu mến Đức Giê-hô-va và nương cậy nơi ngài nhờ gương mẫu của mẹ. Loan, con gái của chị Trinh, cho biết: “Chúng tôi không thể học Kinh Thánh khi cha ở nhà. Nhưng vì mẹ luôn trung thành đi nhóm họp nên gương mẫu và lòng quyết tâm của mẹ giúp chúng tôi có đức tin dù chưa biết nhiều về Kinh Thánh. Chúng tôi biết đây là chân lý từ lâu trước khi tham dự nhóm họp”.

15 Một chị tên Mai cùng gia đình đôi khi bị cha trừng phạt khi đi nhóm họp. Chị nói: “Mẹ là một trong những nữ tín đồ can đảm nhất mà tôi biết. Hồi nhỏ, đôi khi tôi không muốn làm điều nào đó vì sợ người khác nói này nói nọ. Nhưng nhờ thấy sự can đảm của mẹ và việc mẹ luôn đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống mà tôi vượt qua nỗi sợ loài người”. Còn gia đình anh Dũng bị cha cấm thảo luận những điều thiêng liêng ở nhà. Anh nói: “Có lẽ điều động lòng tôi nhiều nhất là việc mẹ sẵn sàng hy sinh mọi thứ để làm hài lòng cha, ngoại trừ tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va”.

16. Gương của một người mẹ có thể tác động đến người khác như thế nào?

16 Hỡi những người mẹ, hãy nhớ gương của chị có thể ảnh hưởng đến người khác. Như thế nào? Hãy xem gương của Ơ-nít đã tác động ra sao đến sứ đồ Phao-lô. Ông nhận ra đức tin chân thật của Ti-mô-thê đã “có trước nhất nơi… Ơ-nít” (2 Ti 1:5). Lần đầu Phao-lô thấy đức tin của Ơ-nít là khi nào? Rất có thể ông gặp Ơ-nít và Lô-ít ở Lít-trơ lần đầu tiên trong chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất, và có thể ông đã giúp họ trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Công 14:4-18). Hãy thử nghĩ: Khi Phao-lô viết thư cho Ti-mô-thê khoảng 15 năm sau đó, Phao-lô vẫn còn nhớ những hành động trung thành của Ơ-nít và nhắc đến bà như một gương mẫu đáng noi theo! Rõ ràng, bà đã để lại ấn tượng sâu sắc nơi sứ đồ này và rất có thể là nơi nhiều tín đồ khác vào thế kỷ thứ nhất. Nếu là mẹ đơn thân hoặc đang nuôi dạy con trong gia đình có chồng không cùng niềm tin, hãy chắc chắn rằng gương mẫu trung thành của chị củng cố và khích lệ những người xung quanh.

Giúp con phát triển về thiêng liêng đòi hỏi thời gian. Đừng bỏ cuộc! (Xem đoạn 17)

17. Nếu con dường như không hưởng ứng sự dạy dỗ của mình, chị nên làm gì?

17 Nói sao nếu con dường như không hưởng ứng nỗ lực của chị? Hãy nhớ rằng việc dạy dỗ con đòi hỏi thời gian. Như được thấy trong hình, khi gieo một hạt giống, có lẽ đôi khi chúng ta thắc mắc không biết nó sẽ lớn lên và sinh trái hay không. Dù không kiểm soát được kết quả nhưng chúng ta vẫn tiếp tục chăm tưới hầu cho cây có điều kiện tốt nhất để phát triển (Mác 4:26-29). Tương tự, là người mẹ, đôi khi có thể chị cũng băn khoăn không biết những nỗ lực của mình có động đến lòng con hay không. Chị không thể kiểm soát kết quả. Nhưng nếu chị tiếp tục làm tất cả những gì có thể trong việc dạy dỗ con, chị đang tạo điều kiện tốt nhất để con phát triển về thiêng liêng.—Châm 22:6.

NƯƠNG CẬY NƠI SỰ TRỢ GIÚP CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

18. Làm thế nào Đức Giê-hô-va có thể giúp con chị phát triển về thiêng liêng?

18 Từ thời Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va đã giúp nhiều người trẻ trở thành bạn của ngài (Thi 22:9, 10). Ngài cũng có thể giúp con chị phát triển về thiêng liêng, nếu đó là ước muốn của các em (1 Cô 3:6, 7). Ngay cả nếu các em dường như đi lạc lối, Đức Giê-hô-va sẽ yêu thương dõi mắt trên chúng (Thi 11:4). Khi các em có dấu hiệu dù là nhỏ nhất của tấm lòng ngay thẳng, ngài sẽ sẵn sàng giúp các em đến gần ngài (Công 13:48; 2 Sử 16:9). Ngài có thể giúp chị biết nói đúng điều vào đúng thời điểm các con cần nghe nhất (Châm 15:23). Hoặc ngài có thể thúc đẩy một anh chị có lòng yêu thương trong hội thánh quan tâm đặc biệt đến các em. Ngay cả sau khi các em đã trưởng thành, Đức Giê-hô-va có thể giúp các em nhớ lại điều nào đó chị đã dạy trước đây (Giăng 14:26). Khi tiếp tục dạy các con qua lời nói và gương mẫu, chị cho Đức Giê-hô-va lý do để ban phước.

19. Tại sao chị có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va hài lòng về chị?

19 Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho chị không tùy thuộc vào những lựa chọn của con chị. Ngài yêu thương chị vì chị yêu thương ngài. Nếu là mẹ đơn thân, Đức Giê-hô-va hứa ngài sẽ là Cha của con chị và là Đấng Che Chở cho chị (Thi 68:5). Chị không thể kiểm soát việc con có lựa chọn phụng sự ngài hay không. Nhưng nếu chị tiếp tục nương cậy nơi Đức Giê-hô-va và nỗ lực hết sức, chị sẽ làm ngài hài lòng.

BÀI HÁT 134 Con cái là sản nghiệp từ Đức Chúa Trời

a Bài này xem xét những điều mà các người mẹ đạo Đấng Ki-tô có thể học từ gương của Ơ-nít, mẹ của Ti-mô-thê, và cách họ có thể giúp con học biết và yêu mến Đức Giê-hô-va.

b Một số tên đã được thay đổi.

c Chẳng hạn, xem bài 50 trong sách Vui sống mãi mãi! và bài “Vài gợi ý cho Buổi thờ phượng của gia đình và học hỏi cá nhân” trong Tháp Canh ngày 15-8-2011, trg 6, 7.