Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 16

Vui mừng khi dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất mình có

Vui mừng khi dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất mình có

“Mỗi người hãy tra xét hành động của chính mình”.—GA 6:4.

BÀI HÁT 37 Phụng sự Đức Giê-hô-va hết mình

GIỚI THIỆU a

1. Điều gì mang lại cho chúng ta niềm vui sâu xa?

 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hạnh phúc. Chúng ta biết điều đó vì vui mừng là một khía cạnh của bông trái thần khí thánh (Ga 5:22). Vì cho thì hạnh phúc hơn nhận, nên chúng ta cảm nghiệm được niềm vui sâu xa khi tham gia trọn vẹn vào thánh chức và giúp đỡ anh em qua nhiều cách khác nhau.—Công 20:35.

2, 3. (a) Như được ghi nơi Ga-la-ti 6:4, hai yếu tố nào giúp chúng ta giữ niềm vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

2 Như được ghi nơi Ga-la-ti 6:4, sứ đồ Phao-lô nhắc đến hai yếu tố giúp chúng ta giữ niềm vui. (Đọc). Thứ nhất, chúng ta nên dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất mình có. Nếu đang dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất mình có, chúng ta nên vui mừng (Mat 22:36-38). Thứ hai, chúng ta nên tránh so sánh bản thân với người khác. Dù thực hiện được điều gì đi nữa nhờ sức khỏe, sự huấn luyện hay năng khiếu bẩm sinh, chúng ta nên biết ơn Đức Giê-hô-va. Suy cho cùng, mọi điều chúng ta có đều đến từ ngài. Mặt khác, nếu có những anh chị hữu hiệu hơn mình trong một khía cạnh nào đó của thánh chức, chúng ta nên vui mừng vì họ đang dùng tài năng để ngợi khen Đức Giê-hô-va chứ không phải để nâng bản thân lên hoặc vì mục đích ích kỷ. Thế nên, thay vì cạnh tranh, chúng ta nên học từ họ.

3 Bài này sẽ xem chúng ta có thể đương đầu thế nào khi cảm thấy bị giới hạn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Cũng hãy xem làm thế nào chúng ta có thể dùng bất cứ món quà nào mình có một cách tốt nhất và chúng ta học được gì từ gương của người khác.

KHI CẢM THẤY BỊ GIỚI HẠN

Khi dâng điều tốt nhất mình có trong mỗi giai đoạn của cuộc đời, chúng ta làm Đức Giê-hô-va vui lòng (Xem đoạn 4-6) b

4. Tình huống nào có thể gây ra sự nản lòng? Hãy nêu ví dụ.

4 Một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va thấy khó thích nghi với những giới hạn của tuổi già hoặc sức khỏe kém. Đó là trường hợp của chị Carol. Chị từng có đặc ân phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn. Trong thời gian ấy, chị điều khiển 35 cuộc học hỏi Kinh Thánh và giúp một số người tiến bộ đến bước dâng mình và báp-têm. Chị Carol đã có một thánh chức thật hữu hiệu! Sau đó, chị mắc bệnh nặng và hầu như không thể rời khỏi nhà. Chị Carol nói: “Tôi biết vì vấn đề sức khỏe, tôi không thể làm được những điều người khác có thể làm, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình không trung thành bằng họ. Đây là cuộc chiến giữa ước muốn và hiện thực; điều này rất khó để đương đầu”. Chị Carol muốn làm cho Đức Giê-hô-va mọi điều mà chị có thể làm. Điều đó thật đáng khen! Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời đầy lòng trắc ẩn quý trọng tinh thần hết lòng của chị.

5. (a) Chúng ta nên nhớ điều gì nếu bị nản lòng vì những giới hạn của mình? (b) Như những hình ảnh cho thấy, làm thế nào một anh luôn dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất mình có?

5 Nếu đôi khi anh chị cảm thấy nản lòng vì một giới hạn nào đó, hãy tự hỏi: “Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì nơi mình?”. Ngài muốn anh chị dâng điều tốt nhất mình hiện có. Hãy xem tình huống sau: Một chị 80 tuổi cảm thấy nản lòng vì chị không thể làm nhiều trong thánh chức như khi chị 40 tuổi. Dù chị đang dâng điều tốt nhất mình có, chị nghĩ rằng điều đó không làm hài lòng Đức Giê-hô-va. Nhưng có đúng như thế không? Hãy thử nghĩ: Khi 40 tuổi, chị ấy đã dâng điều tốt nhất mình có và giờ đây ở tuổi 80, chị vẫn làm thế. Điều này có nghĩa là chị luôn dâng điều tốt nhất mình có. Nếu bắt đầu cảm thấy việc phụng sự của mình không đủ để làm vui lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta cần nhắc mình nhớ rằng ngài mới là đấng lập ra tiêu chuẩn về điều làm ngài hài lòng. Nếu chúng ta làm hết sức, Đức Giê-hô-va như thể nói với chúng ta: “Con làm tốt lắm!”.—So sánh Ma-thi-ơ 25:20-23.

6. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của chị Maria?

6 Chúng ta sẽ dễ có niềm vui hơn nếu tập trung vào điều mình có thể làm thay vì điều mình không thể làm. Hãy xem trường hợp của một chị tên Maria. Chị mắc một căn bệnh khiến chị không làm được nhiều trong thánh chức. Lúc đầu, chị cảm thấy buồn nản và vô dụng. Nhưng sau đó chị nghĩ đến một chị trong hội thánh phải nằm liệt giường, và chị quyết định giúp đỡ. Chị Maria nói: “Tôi sắp đặt để rao giảng với chị ấy bằng cách gọi điện thoại và viết thư. Mỗi lần chúng tôi làm thánh chức chung, khi về nhà tôi cảm thấy rất vui và thỏa nguyện vì mình đã giúp được chị ấy”. Chúng ta cũng có thể gia tăng niềm vui nếu tập trung vào điều mình có thể làm thay vì điều mình không thể làm. Nhưng nói sao nếu chúng ta có thể làm nhiều hơn hoặc chúng ta đang làm rất tốt trong một số khía cạnh của việc phụng sự Đức Giê-hô-va?

NẾU ANH CHỊ CÓ MỘT MÓN QUÀ, “HÃY DÙNG MÓN QUÀ ĐÓ”!

7. Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra lời khuyên thực tế nào cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô?

7 Trong lá thư thứ nhất, sứ đồ Phi-e-rơ khuyến giục anh em dùng bất cứ món quà hay năng khiếu nào họ có để xây dựng anh em đồng đạo. Phi-e-rơ viết: “Là quản gia tốt được Đức Chúa Trời ban ân huệ,… mỗi người được ban món quà nào thì hãy dùng món quà đó để phục vụ nhau” (1 Phi 4:10). Chúng ta không nên ngần ngại dùng trọn vẹn món quà mình có vì sợ người khác sẽ ghen tị hoặc bị nản lòng. Nếu làm thế, chúng ta sẽ không dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất mình có.

8. Theo 1 Cô-rinh-tô 4:6, 7, tại sao chúng ta nên tránh khoe khoang về những món quà mình có?

8 Chúng ta cần dùng trọn vẹn món quà mình có, nhưng phải cẩn thận để không khoe khoang về món quà ấy. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 4:6, 7). Chẳng hạn, có thể anh chị rất giỏi trong việc bắt đầu cuộc học hỏi Kinh Thánh. Anh chị không nên ngần ngại dùng món quà đó! Nhưng việc dùng món quà là một chuyện, khoe khoang về món quà ấy lại là chuyện khác. Giả sử anh chị vừa có một kinh nghiệm hào hứng trong thánh chức và kết quả là bắt đầu được một cuộc học hỏi Kinh Thánh. Anh chị nóng lòng muốn kể cho mọi người trong nhóm rao giảng nghe. Tuy nhiên, khi gặp mọi người trong nhóm, một chị đang kể lại kinh nghiệm là chị ấy đã để lại được một tạp chí. Chị ấy thì để lại một tạp chí, còn anh chị thì bắt đầu được một cuộc học hỏi. Anh chị sẽ làm gì? Anh chị biết là mọi người trong nhóm sẽ được khích lệ khi nghe kinh nghiệm của mình. Nhưng có lẽ anh chị quyết định đợi đến một dịp khác thích hợp hơn để kể vì không muốn chị kia mất niềm vui; đó là hành động nhân từ. Dù vậy, đừng ngại mời người khác tìm hiểu Kinh Thánh mà hãy tiếp tục làm thế. Anh chị có một món quà, hãy dùng món quà ấy!

9. Chúng ta nên dùng những món quà mình có như thế nào?

9 Hãy nhớ rằng bất cứ năng khiếu bẩm sinh nào chúng ta có đều là món quà từ Đức Chúa Trời. Chúng ta nên dùng những món quà ấy để xây dựng hội thánh, chứ không phải để nâng mình lên (Phi-líp 2:3). Khi dùng khả năng và sức lực để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta có lý do để vui mừng, không phải vì chúng ta làm tốt hơn người khác hoặc chứng tỏ mình nổi trội hơn họ, nhưng vì chúng ta đang dùng những món quà mình có để tôn vinh Đức Giê-hô-va.

10. Tại sao việc so sánh bản thân với người khác là điều không hợp lý?

10 Nếu không cẩn thận, một người có thể rơi vào bẫy so sánh điểm mạnh của mình với điểm yếu của người khác. Chẳng hạn, một anh trình bày diễn văn công cộng xuất sắc. Đó là điểm mạnh của anh. Nhưng trong lòng, có lẽ anh nghĩ mình trội hơn một anh khác làm bài giảng không hay lắm. Tuy nhiên, có thể anh kia xuất sắc trong việc thể hiện lòng hiếu khách, dạy dỗ con cái hoặc sốt sắng trong thánh chức. Chúng ta thật biết ơn vì có rất nhiều anh chị tài năng đang dùng những món quà của mình để phụng sự Đức Giê-hô-va và giúp đỡ người khác!

HỌC TỪ GƯƠNG CỦA NGƯỜI KHÁC

11. Tại sao chúng ta nên cố gắng noi theo gương của Chúa Giê-su?

11 Dù nên tránh so sánh mình với người khác, nhưng chúng ta có thể nhận được lợi ích khi học từ gương của những người trung thành. Chẳng hạn, hãy xem xét gương của Chúa Giê-su. Chúng ta không thể hoàn hảo như Chúa Giê-su nhưng chúng ta có thể học nhiều từ các đức tính đáng quý và những điều tuyệt vời ngài đã làm (1 Phi 2:21). Khi nỗ lực hết sức để theo sát gương của Chúa Giê-su, chúng ta trở thành những tôi tớ tốt hơn của Đức Giê-hô-va và hữu hiệu hơn trong thánh chức.

12, 13. Chúng ta có thể học được gì từ vua Đa-vít?

12 Trong Lời Đức Chúa Trời, chúng ta tìm thấy nhiều gương của những người nam và nữ trung thành, dù họ bất toàn nhưng đáng để chúng ta noi theo (Hê 6:12). Hãy nghĩ đến vua Đa-vít, người được Đức Giê-hô-va gọi là ‘người vừa lòng ngài’ (Công 13:22). Nhưng Đa-vít không hoàn hảo. Thực tế, ông phạm một số tội nghiêm trọng. Dù vậy, ông vẫn là gương tốt để chúng ta noi theo. Tại sao? Vì khi bị khiển trách, ông không tìm cách bào chữa. Thay vì thế, ông chấp nhận lời khuyên mạnh mẽ và thành thật hối lỗi về những điều mình đã làm. Kết quả là Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho ông.—Thi 51:3, 4, 10-12.

13 Chúng ta có thể học từ Đa-vít bằng cách tự hỏi: “Mình phản ứng thế nào trước lời khuyên? Mình có nhanh chóng nhận lỗi, hay tìm cách bào chữa? Mình có vội đổ lỗi cho người khác không? Mình có nỗ lực để không tái phạm không?”. Anh chị có thể tự hỏi những câu hỏi tương tự khi đọc về gương của người nam và nữ trung thành khác trong Kinh Thánh. Họ có đương đầu với thử thách giống như anh chị không? Họ thể hiện những phẩm chất đáng quý nào? Trong mỗi trường hợp, hãy tự hỏi: “Làm thế nào mình có thể bắt chước tôi tớ trung thành này của Đức Giê-hô-va?”.

14. Làm thế nào để nhận được lợi ích khi xem xét gương của anh em đồng đạo?

14 Chúng ta cũng có thể nhận được lợi ích khi xem xét gương của anh em đồng đạo, cả người lớn tuổi lẫn người trẻ tuổi. Chẳng hạn, anh chị có thể nghĩ đến một anh em trong hội thánh đang trung thành chịu đựng thử thách như gặp áp lực bạn bè, bị gia đình chống đối hoặc có sức khỏe kém không? Anh chị có thấy nơi người ấy những phẩm chất đáng quý mà mình muốn bắt chước không? Khi xem xét gương của họ, anh chị có thể học được những cách thực tế để chịu đựng thử thách của mình. Chúng ta thật biết ơn vì có những gương sống để noi theo. Quả là một lý do để vui mừng!—Hê 13:7; Gia 1:2, 3.

HÃY VUI MỪNG TRONG VIỆC PHỤNG SỰ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

15. Sứ đồ Phao-lô đưa ra lời khuyên nào có thể giúp chúng ta tiếp tục vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va?

15 Để đẩy mạnh sự bình an và hợp nhất trong hội thánh, mỗi chúng ta cần dâng điều tốt nhất mình có. Hãy xem trường hợp của các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Họ có những món quà và nhiệm vụ khác nhau (1 Cô 12:4, 7-11). Nhưng điều đó không gây ra sự cạnh tranh và chia rẽ. Phao-lô khuyến giục mỗi người làm những gì cần thiết để “làm vững mạnh thân thể của Đấng Ki-tô”. Ông viết cho các tín đồ ở Ê-phê-sô: “Khi mỗi bộ phận hoạt động đúng cách thì cơ thể phát triển, đồng thời tự làm mình vững mạnh trong tình yêu thương” (Ê-phê 4:1-3, 11, 12, 16). Những người làm thế thì đẩy mạnh sự bình an và hợp nhất, là những đặc điểm chúng ta thấy trong các hội thánh ngày nay.

16. Chúng ta nên quyết tâm làm gì? (Hê-bơ-rơ 6:10)

16 Hãy quyết tâm tránh so sánh mình với người khác. Thay vì thế, hãy học từ Chúa Giê-su và nỗ lực bắt chước những phẩm chất của ngài. Hãy nhận lợi ích từ những gương về đức tin được ghi lại trong Kinh Thánh cũng như những gương ngày nay. Khi anh chị tiếp tục dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất mình có, hãy tin chắc ngài ‘chẳng phải là không công chính mà quên công việc của anh chị’. (Đọc Hê-bơ-rơ 6:10). Hãy tiếp tục vui mừng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va và biết rằng ngài quý trọng những nỗ lực hết lòng của anh chị.

BÀI HÁT 65 Hãy tấn tới!

a Tất cả chúng ta có thể nhận được lợi ích khi xem xét gương của người khác. Nhưng có những mối nguy hiểm chúng ta cần tránh. Bài này sẽ giúp chúng ta giữ niềm vui và tránh trở nên kiêu ngạo hoặc bị nản lòng vì so sánh bản thân với người khác.

b HÌNH ẢNH: Một anh phụng sự tại Bê-tên khi còn trẻ. Rồi anh kết hôn và làm tiên phong cùng vợ. Sau khi có con, anh huấn luyện các con trong thánh chức. Giờ đây ở tuổi xế chiều, anh tiếp tục dâng điều tốt nhất mình có bằng cách làm chứng qua thư.