Độc giả thắc mắc
Kinh Thánh nói gì về việc lập lời thề?
Lời thề được định nghĩa là “lời tuyên bố hay lời hứa chính thức long trọng để thực hiện điều mình cam kết, thường kêu cầu Đức Chúa Trời… làm chứng”. Đó có thể là lời nói hoặc viết ra thành văn.
Một số người có thể nghĩ rằng việc lập lời thề là sai vì Chúa Giê-su nói: “Đừng thề chi hết… Khi anh em nói: ‘Có’ thì phải là có, nói: ‘Không’ thì phải là không, còn những gì nằm ngoài hai điều đó đều từ Kẻ Ác mà ra” (Mat 5:33-37). Dĩ nhiên, Chúa Giê-su biết rằng Luật pháp Môi-se đòi hỏi phải thề trong một số trường hợp và các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời từng lập lời thề (Sáng 14:22, 23; Xuất 22:10, 11). Ngài cũng biết là chính Đức Giê-hô-va cũng lập lời thề (Hê 6:13-17). Vậy Chúa Giê-su không có ý nói rằng chúng ta không bao giờ nên thề. Thay vì thế, ngài đang cảnh báo việc lập những lời thề không quan trọng hoặc vô nghĩa. Chúng ta nên xem việc giữ lời thề là trách nhiệm thiêng liêng. Nếu hứa điều gì đó, chúng ta phải luôn giữ lời.
Vậy anh chị nên làm gì nếu được yêu cầu thề một điều gì đó? Trước tiên, hãy chắc chắn là anh chị có thể làm điều mình thề. Nếu không chắc thì tốt nhất anh chị không nên thề. Lời Đức Chúa Trời cảnh báo: “Thà đừng hứa nguyện còn hơn hứa nguyện mà không thực hiện” (Truyền 5:5). Tiếp theo, hãy xem xét một số nguyên tắc Kinh Thánh liên quan đến lời thề, rồi hành động phù hợp với lương tâm được rèn luyện của anh chị. Một số nguyên tắc Kinh Thánh đó là gì?
Một số lời thề phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, Nhân Chứng Giê-hô-va trao lời thề ước khi kết hôn. Đây là một dạng của lời thề. Trước mặt Đức Chúa Trời và những người làm chứng, cô dâu và chú rể hứa rằng họ sẽ yêu thương, quý mến và kính trọng nhau ‘cho đến chừng nào cả hai còn sống’. (Có thể những cặp đôi khác không nói y hệt câu ấy khi kết hôn, nhưng họ vẫn hứa nguyện trước mặt Đức Chúa Trời). Sau đó, họ được tuyên bố là vợ chồng, và hôn nhân của họ là sự gắn kết trọn đời (Sáng 2:24; 1 Cô 7:39). Sự sắp đặt này là đúng đắn, thích hợp và theo ý muốn Đức Chúa Trời.
Một số lời thề trái ngược với ý muốn Đức Chúa Trời. Tín đồ chân chính sẽ không lập những lời thề như sẽ cầm vũ khí để bảo vệ đất nước hoặc để từ bỏ đức tin nơi Đức Chúa Trời. Làm thế sẽ vi phạm mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô “không thuộc về thế gian” nên chúng ta không được dính líu vào những cuộc tranh Giăng 15:19; Ê-sai 2:4; Gia 1:27.
cãi và xung đột của thế gian.—Việc lập một số lời thề tùy thuộc vào lương tâm. Đôi khi chúng ta cần suy nghĩ kỹ về lời khuyên của Chúa Giê-su: “Những gì của Sê-sa hãy trả cho Sê-sa, còn những gì của Đức Chúa Trời hãy trả cho Đức Chúa Trời” trước khi quyết định nên lập lời thề hay không.—Lu 20:25.
Giả sử một tín đồ xin nhập quốc tịch hoặc làm hộ chiếu, và được biết rằng phải lập lời thề trung thành. Nếu tại một nước, lời thề ấy bao hàm thề làm điều gì đó rõ ràng trái với luật pháp Đức Chúa Trời, lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện sẽ không cho phép người ấy làm thế. Tuy nhiên, chính phủ có thể cho phép điều chỉnh nội dung của lời thề sao cho phù hợp với lương tâm của người ấy.
Việc lập một lời thề trung thành đã được điều chỉnh có thể phù hợp với nguyên tắc nơi Rô-ma 13:1: “Mọi người hãy phục tùng các bậc cầm quyền”. Vì thế, một tín đồ có thể quyết định rằng không có gì sai khi thề làm một điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi phải làm.
Lương tâm cũng đóng một vai trò quan trọng nếu anh chị được yêu cầu dùng một vật hoặc làm một cử chỉ khi lập lời thề. Người La Mã và người Sy-the thời xưa dùng gươm để thề, là biểu tượng của thần chiến tranh, nhằm đảm bảo tính đáng tin cậy của một người. Người Hy Lạp thì giơ tay lên trời khi lập lời thề. Qua đó họ nhìn nhận là có một vị thần quyền lực đang quan sát những gì họ nói và làm, và con người phải khai trình với vị thần ấy.
Dĩ nhiên, tôi tớ của Đức Giê-hô-va sẽ không dùng bất cứ biểu tượng quốc gia nào liên quan đến sự thờ phượng sai lầm để lập lời thề. Nhưng nói sao nếu anh chị đứng trước tòa và được yêu cầu đặt tay trên Kinh Thánh và thề là mình sẽ nói sự thật? Trong trường hợp đó, anh chị có thể quyết định làm thế, vì Kinh Thánh nói đến những người trung thành đã lập lời thề bằng một cử chỉ nào đó (Sáng 24:2, 3, 9; 47:29-31). Điều quan trọng cần nhớ là nếu lập một lời thề như thế, anh chị đang thề trước mặt Đức Chúa Trời là mình sẽ nói sự thật. Anh chị cần sẵn sàng trả lời chân thật bất cứ câu hỏi nào được đặt ra.
Vì quý trọng mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, chúng ta nên cầu nguyện và suy nghĩ kỹ về bất cứ lời thề nào chúng ta được yêu cầu phải lập, đảm bảo rằng lời thề ấy không vi phạm lương tâm của mình hoặc các nguyên tắc Kinh Thánh. Nếu quyết định lập một lời thề, anh chị cần giữ lời.—1 Phi 2:12.