Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Nếu một tín đồ ly dị vợ mà không có cơ sở dựa trên Kinh Thánh rồi cưới người khác, hội thánh có quan điểm nào về cuộc hôn nhân trước và cuộc hôn nhân mới của người ấy?

Hội thánh xem cuộc hôn nhân trước đã chấm dứt khi người nam tái hôn và xem cuộc hôn nhân mới có hiệu lực. Để hiểu lý do có kết luận này, hãy xem xét điều Chúa Giê-su nói về việc ly dị và tái hôn.

Như được ghi nơi Ma-thi-ơ 19:9, Chúa Giê-su cho biết cơ sở duy nhất dựa trên Kinh Thánh để chấm dứt hôn nhân. Ngài nói: “Ngoại trừ trường hợp vợ gian dâm, hễ ai ly dị vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình”. Qua những lời của Chúa Giê-su, chúng ta biết rằng (1) gian dâm là cơ sở duy nhất dựa trên Kinh Thánh để chấm dứt hôn nhân qua việc ly dị và (2) một người ly dị vợ mà không có cơ sở dựa trên Kinh Thánh và cưới người khác là phạm tội ngoại tình. a

Phải chăng những lời của Chúa Giê-su có nghĩa là một người phạm tội gian dâm và ly dị vợ được tự do tái hôn theo Kinh Thánh? Không nhất thiết. Khi trong hôn nhân có sự ngoại tình, người hôn phối vô tội sẽ quyết định tha thứ cho chồng hay không. Nếu chị không tha thứ cho chồng và việc ly dị diễn ra, cả hai được tự do tái hôn một khi thủ tục ly dị đã hoàn tất.

Mặt khác, người hôn phối vô tội có thể thật lòng muốn giữ gìn hôn nhân và cho chồng biết chị sẵn sàng tha thứ cho anh. Nhưng nói sao nếu người chồng ngoại tình từ chối sự tha thứ của vợ và đơn phương ly dị? Vì chị sẵn sàng tha thứ và muốn tiếp tục cuộc hôn nhân, nên anh không được tự do tái hôn theo Kinh Thánh. Nếu anh tiếp tục đi theo đường lối trái với Kinh Thánh và cưới người khác trong khi anh không có tự do để tái hôn theo Kinh Thánh, thì anh phạm tội ngoại tình lần nữa. Các trưởng lão trong hội thánh sẽ lập ủy ban tư pháp một lần nữa để xử lý hành vi sai trái của anh.—1 Cô 5:1, 2; 6:9, 10.

Khi một người tái hôn nhưng không có tự do để làm thế theo Kinh Thánh, hội thánh có quan điểm nào về cuộc hôn nhân trước và cuộc hôn nhân mới của người ấy? Cuộc hôn nhân trước vẫn có hiệu lực theo quan điểm của Kinh Thánh không? Người hôn phối vô tội vẫn có thể quyết định tha thứ hoặc không tha thứ cho chồng cũ không? Hội thánh có xem cuộc hôn nhân mới là bất chính không?

Trong quá khứ, hội thánh xem cuộc hôn nhân mới là bất chính chừng nào người hôn phối vô tội vẫn còn sống, chưa tái hôn hoặc không phạm tội gian dâm. Tuy nhiên, Chúa Giê-su không đề cập đến người hôn phối vô tội khi ngài nói về việc ly dị và tái hôn. Thay vì thế, ngài cho biết một người ly dị vợ mà không có cơ sở dựa trên Kinh Thánh và rồi cưới người khác là phạm tội ngoại tình. Trong trường hợp như thế, việc ly dị và tái hôn, là điều Chúa Giê-su cho biết đồng nghĩa với ngoại tình, sẽ chấm dứt cuộc hôn nhân trước.

“Ngoại trừ trường hợp vợ gian dâm, hễ ai ly dị vợ và cưới người khác là phạm tội ngoại tình”.—Mat 19:9

Khi một cuộc hôn nhân chấm dứt vì ly dị và tái hôn, người hôn phối vô tội không thể chọn tha thứ hoặc không tha thứ cho chồng cũ được nữa. Vì thế, chị không phải đương đầu với quyết định khó khăn là sẽ tha thứ hoặc không tha thứ cho chồng cũ. Hơn nữa, quan điểm của hội thánh về cuộc hôn nhân mới không dựa trên việc người hôn phối vô tội đã qua đời, tái hôn hoặc phạm tội gian dâm hay không. b

Trong ví dụ trên, người chồng đã phạm tội ngoại tình, là điều dẫn đến việc ly dị. Tuy nhiên, nói sao nếu người chồng không phạm tội ngoại tình nhưng ly dị và rồi tái hôn? Hoặc nói sao nếu người chồng không phạm tội gian dâm trước khi ly dị nhưng làm thế sau khi ly dị và rồi tái hôn dù người vợ sẵn sàng tha thứ cho anh? Trong tất cả những ví dụ này, việc ly dị và tái hôn, là điều đồng nghĩa với ngoại tình, sẽ chấm dứt cuộc hôn nhân trước. Cuộc hôn nhân mới là một mối quan hệ có hiệu lực về mặt pháp lý. Như được nói trong Tháp Canh ngày 15-11-1979, trang 32 (Anh ngữ), “giờ đây anh đã bước vào một cuộc hôn nhân mới nên không thể đơn giản chấm dứt cuộc hôn nhân đó và trở lại với vợ cũ. Cuộc hôn nhân trước đã chấm dứt bởi việc ly dị, ngoại tình và tái hôn”.

Quan điểm được điều chỉnh này không giảm nhẹ sự thánh khiết của hôn nhân hoặc sự nghiêm trọng của tội ngoại tình. Một người ly dị vợ mà không có cơ sở dựa trên Kinh Thánh và rồi cưới người khác mà không có tự do làm thế theo Kinh Thánh sẽ bị xét xử tư pháp về tội ngoại tình. (Nếu người vợ mới là một tín đồ, chị cũng sẽ bị xét xử tư pháp về tội ngoại tình). Dù cuộc hôn nhân mới không bị xem là bất chính, nhưng người chồng sẽ không đủ điều kiện để nhận các đặc ân đặc biệt trong hội thánh trong nhiều năm. Chỉ sau khi anh hết tai tiếng và người khác không còn cảm thấy anh không xứng đáng được tôn trọng vì tội anh đã phạm, anh mới có thể được xem xét để nhận đặc ân. Trước khi giao bất cứ đặc ân phụng sự nào cho anh, các trưởng lão cũng sẽ nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại của người vợ cũ, là người có lẽ bị đối xử tệ bạc, cũng như các con nhỏ có lẽ bị anh bỏ rơi.—Mal 2:14-16.

Vì việc ly dị và tái hôn không dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nên điều khôn ngoan là tín đồ đạo Đấng Ki-tô có cùng quan điểm với Đức Giê-hô-va bằng cách xem sự sắp đặt hôn nhân là thánh khiết.—Truyền 5:4, 5; Hê 13:4.

a Để đơn giản, chúng ta sẽ nói người chồng là người phạm tội ngoại tình và người vợ là người vô tội. Tuy nhiên, như được ghi nơi Mác 10:11, 12, Chúa Giê-su cho thấy rõ lời khuyên của ngài trong vấn đề này áp dụng cho cả người nam lẫn người nữ.

b Đây là sự điều chỉnh về sự hiểu biết. Trước đây, chúng ta nghĩ rằng cuộc hôn nhân như thế bị xem là bất chính cho đến khi người hôn phối vô tội qua đời, tái hôn hoặc phạm tội gian dâm.