BÀI HỌC 17
Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị đương đầu với sự bấp bênh của đời sống
“Dù người công chính chịu bao gian khổ, Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết”.—THI 34:19.
BÀI HÁT 44 Lời cầu nguyện của người khốn cùng
GIỚI THIỆU a
1. Chúng ta tin chắc điều gì?
Là dân của Đức Giê-hô-va, chúng ta biết ngài yêu thương chúng ta và muốn chúng ta có đời sống tốt nhất (Rô 8:35-39). Chúng ta cũng tin chắc rằng các nguyên tắc Kinh Thánh luôn mang lại lợi ích cho mình khi áp dụng các nguyên tắc ấy (Ê-sai 48:17, 18). Nhưng nếu chúng ta phải đương đầu với những thử thách bất ngờ thì sao?
2. Chúng ta có thể phải đối mặt với những vấn đề nào, và có lẽ chúng ta băn khoăn điều gì?
2 Tất cả tôi tớ của Đức Giê-hô-va đều phải đối mặt với các vấn đề. Chẳng hạn, một thành viên trong gia đình có thể làm điều gì đó khiến chúng ta thất vọng. Có lẽ chúng ta gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, khiến việc phụng sự Đức Giê-hô-va bị hạn chế. Chúng ta có thể bị ảnh hưởng bởi thảm họa thiên nhiên, hoặc chịu sự ngược đãi vì niềm tin của mình. Khi đương đầu với những thử thách như thế, có lẽ chúng ta băn khoăn: “Tại sao chuyện này lại xảy ra với mình? Mình có làm gì sai không? Có phải điều đó cho thấy Đức Giê-hô-va không ban phước cho mình không?”. Anh chị đã từng cảm thấy như thế chưa? Nếu có thì đừng nản lòng. Nhiều tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va cũng trải qua cảm xúc tương tự.—Thi 22:1, 2; Ha-ba 1:2, 3.
3. Chúng ta học được gì từ Thi thiên 34:19?
3 Đọc Thi thiên 34:19. Hãy lưu ý hai điểm quan trọng trong câu Thi thiên này: (1) Người công chính cũng đối mặt với vấn đề. (2) Đức Giê-hô-va giải cứu chúng ta khỏi thử thách. Ngài giải cứu chúng ta bằng cách nào? Một cách là giúp chúng ta có cái nhìn thực tế về đời sống trong thế gian này. Dù Đức Giê-hô-va hứa rằng chúng ta sẽ có niềm vui trong việc phụng sự ngài, nhưng ngài không đảm bảo là đời sống hiện nay sẽ luôn suôn sẻ (Ê-sai 66:14). Ngài khuyến giục chúng ta tập trung vào tương lai, là thời kỳ chúng ta sẽ có đời sống mà ngài muốn chúng ta có cho đến mãi mãi (2 Cô 4:16-18). Từ nay cho đến lúc đó, ngài giúp chúng ta chịu đựng mỗi ngày để tiếp tục phụng sự ngài.—Ai 3:22-24.
4. Bài này sẽ xem xét điều gì?
4 Chúng ta sẽ xem mình học được gì từ gương mẫu của những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va, cả vào thời Kinh Thánh lẫn thời nay. Như sẽ xem xét, chúng ta có thể phải đối mặt với những vấn đề bất ngờ. Nhưng khi chúng ta nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, ngài sẽ luôn nâng đỡ mình (Thi 55:22). Khi xem xét những gương mẫu này, hãy tự hỏi: “Mình sẽ phản ứng thế nào trong tình huống tương tự? Những gương mẫu này giúp mình củng cố niềm tin nơi Đức Giê-hô-va như thế nào? Mình có thể rút ra những bài học nào để áp dụng vào đời sống?”.
VÀO THỜI KINH THÁNH
5. Gia-cốp đã gặp những thử thách nào do La-ban gây ra? (Xem hình nơi trang bìa).
5 Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va vào thời Kinh Thánh đã đối mặt với những thử thách bất ngờ. Hãy xem trường hợp của Gia-cốp. Cha ông bảo ông cưới con gái của một người bà con cùng đức tin là La-ban, và đảm bảo rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước dồi dào cho ông (Sáng 28:1-4). Thế nên, Gia-cốp đã làm điều đúng khi rời xứ Ca-na-an và đi đến nhà của La-ban, người có hai con gái là Lê-a và Ra-chên. Gia-cốp yêu con gái út của La-ban là Ra-chên và đồng ý làm việc bảy năm cho cha nàng trước khi cưới nàng (Sáng 29:18). Nhưng sự việc không diễn ra như Gia-cốp mong đợi. La-ban đã lừa ông cưới con gái lớn là Lê-a. La-ban cho phép Gia-cốp cưới Ra-chên một tuần sau đó, nhưng với điều kiện là ông phải làm việc thêm bảy năm nữa (Sáng 29:25-27). La-ban cũng đối xử bất công với Gia-cốp trong việc làm ăn. Tổng cộng, La-ban đã bóc lột Gia-cốp trong 20 năm!—Sáng 31:41, 42.
6. Gia-cốp đã phải chịu đựng những vấn đề nào khác?
6 Gia-cốp cũng phải chịu đựng những vấn đề khác. Ông có một gia đình lớn, nhưng các con ông không phải lúc nào cũng hòa thuận với nhau. Thậm chí họ còn bán em trai là Giô-sép làm nô lệ. Hai con trai của Gia-cốp là Si-mê-ôn và Lê-vi đã khiến gia đình bị sỉ nhục và làm ô danh Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, người vợ yêu dấu của Gia-cốp là Ra-chên đã qua đời khi sinh người con thứ hai. Và vì một nạn đói nghiêm trọng, Gia-cốp buộc phải chuyển đến Ai Cập khi đã cao tuổi.—Sáng 34:30; 35:16-19; 37:28; 45:9-11, 28.
7. Làm thế nào Đức Giê-hô-va cho Gia-cốp thấy ông được ngài chấp nhận?
7 Dù trải qua tất cả những thử thách đó, Gia-cốp không bao giờ mất đức tin nơi Đức Giê-hô-va và các lời hứa của ngài. Còn Đức Giê-hô-va thì cho Gia-cốp thấy ông được ngài chấp nhận. Chẳng hạn, dù Gia-cốp bị La-ban lừa dối nhưng Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ông về mặt vật chất. Cũng hãy thử nghĩ Gia-cốp biết ơn ngài đến mức nào khi được đoàn tụ với Giô-sép, người con mà ông nghĩ đã chết từ lâu rồi! Tình bạn mật thiết của Gia-cốp với Đức Giê-hô-va chính là điều giúp ông đối phó thành công với các thử thách (Sáng 30:43; 32:9, 10; 46:28-30). Khi gìn giữ tình bạn mật thiết với Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng có thể đương đầu thành công với thử thách bất ngờ xảy đến.
8. Vua Đa-vít mong muốn làm gì?
8 Vua Đa-vít không làm được mọi điều mà ông mong muốn trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, Đa-vít rất ao ước được xây đền thờ cho Đức Chúa Trời. Ông bày tỏ ước muốn đó với nhà tiên tri Na-than. Na-than nói: “Vua hãy làm điều lòng mình muốn, vì Đức Chúa Trời ở cùng vua” (1 Sử 17:1, 2). Hãy hình dung những lời này đã khích lệ Đa-vít đến mức nào. Có lẽ ông bắt đầu lên kế hoạch ngay cho dự án khổng lồ ấy.
9. Đa-vít phản ứng thế nào khi nhận được tin làm ông thất vọng?
9 Nhưng không lâu sau, nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va trở lại và cho Đa-vít biết một tin làm ông thất vọng. “Ngay trong đêm đó”, Đức Giê-hô-va phán với Na-than rằng Đa-vít không phải là người sẽ xây đền thờ; thay vì thế, một con trai của ông sẽ làm điều đó (1 Sử 17:3, 4, 11, 12). Đa-vít phản ứng thế nào khi nhận được tin ấy? Ông đã điều chỉnh mục tiêu của mình. Ông tập trung vào việc thu gom tiền bạc và những vật liệu mà con trai ông là Sa-lô-môn cần cho dự án này.—1 Sử 29:1-5.
10. Đức Giê-hô-va đã ban phước cho Đa-vít như thế nào?
10 Ngay sau khi báo cho Đa-vít biết ông không phải là người xây đền thờ, Đức Giê-hô-va đã lập một giao ước với ông. Ngài hứa với Đa-vít rằng một trong những con cháu của ông sẽ cai trị đến muôn đời (2 Sa 7:16). Hãy hình dung trong thế giới mới, Đa-vít vui mừng thế nào khi biết mình được sống dưới Triều Đại Một Ngàn Năm của Chúa Giê-su, là Vua đến từ chính dòng tộc của ông! Lời tường thuật này giúp chúng ta thấy rằng ngay cả khi không thể làm mọi điều mình mong muốn cho Đức Giê-hô-va, ngài cũng có thể ban những ân phước khác mà chúng ta không ngờ.
11. Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất được ban phước thế nào cho dù Nước Trời không đến vào lúc họ mong đợi? (Công vụ 6:7)
11 Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất phải đối mặt với sự bấp bênh của đời sống. Chẳng hạn, họ trông mong Nước Trời đến, nhưng không biết khi nào điều đó sẽ xảy ra (Công 1:6, 7). Vậy họ đã làm gì? Họ bận rộn trong công việc rao giảng. Khi tin mừng được lan rộng, họ thấy bằng chứng rõ ràng là Đức Giê-hô-va ban phước cho nỗ lực của họ.—Đọc Công vụ 6:7.
12. Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã làm gì khi một nạn đói xảy ra?
12 Vào một thời điểm, có một nạn đói lớn xảy ra “trên khắp đất” (Công 11:28). Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất cũng bị ảnh hưởng. Hãy hình dung nạn đói trầm trọng này đã ảnh hưởng thế nào đến họ. Hẳn những người chủ gia đình lo lắng về việc chu cấp cho gia đình. Nói sao về những người trẻ đã lên kế hoạch để mở rộng thánh chức? Họ có cảm thấy nên hoãn lại những kế hoạch ấy không? Bất kể hoàn cảnh thế nào, các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất đã điều chỉnh để thích nghi. Họ tiếp tục rao giảng bằng bất cứ cách nào có thể, và sẵn lòng chia sẻ những gì mình có với anh em đồng đạo ở Giu-đê.—Công 11:29, 30.
13. Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhận được ân phước nào trong thời gian nạn đói xảy ra?
13 Các tín đồ ấy nhận được ân phước nào trong thời gian nạn đói xảy ra? Những người nhận đồ cứu trợ thấy được Đức Giê-hô-va đang hỗ trợ mình (Mat 6:31-33). Hẳn họ cảm thấy gần gũi hơn với những anh em đã giúp đỡ họ. Còn những người đóng góp hoặc tham gia vào việc cứu trợ theo cách khác thì cảm nghiệm niềm hạnh phúc của việc ban cho (Công 20:35). Đức Giê-hô-va ban phước cho tất cả những tín đồ ấy khi họ thích nghi với hoàn cảnh thay đổi.
14. Điều gì đã xảy ra với Ba-na-ba và Phao-lô, và kết quả là gì? (Công vụ 14:21, 22)
14 Các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất nhiều lần bị ngược đãi, đôi khi vào những lúc họ không ngờ. Hãy xem điều gì xảy ra với Ba-na-ba và sứ đồ Phao-lô khi họ rao giảng ở vùng Lít-trơ. Lúc đầu, họ được người ta chào đón nồng nhiệt. Nhưng sau đó, những kẻ chống đối đã “thuyết phục đám đông”, và một số người lúc đầu chào đón họ thì giờ đây lại ném đá Phao-lô, rồi để ông nằm đó vì tưởng ông đã chết (Công 14:19). Dù thế, Ba-na-ba và Phao-lô tiếp tục rao giảng ở những vùng khác. Kết quả là gì? Họ đã “giúp khá nhiều người trở thành môn đồ”, và lời nói cũng như gương mẫu của họ đã làm vững mạnh các anh em đồng đạo. (Đọc Công vụ 14:21, 22). Nhiều người đã nhận được lợi ích nhờ Ba-na-ba và Phao-lô không bỏ cuộc khi đương đầu với sự ngược đãi bất ngờ. Miễn là chúng ta không bỏ cuộc trong công việc Đức Giê-hô-va giao phó thì sẽ được ban phước.
VÀO THỜI NAY
15. Anh chị học được gì từ gương của anh Macmillan?
15 Trong những năm trước năm 1914, dân Đức Giê-hô-va nghĩ một số điều sẽ xảy ra. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của anh Alexander Macmillan. Như nhiều anh em khác vào lúc đó, anh Macmillan nghĩ rằng mình sắp nhận được phần thưởng trên trời. Trong bài giảng vào tháng 9 năm 1914, anh nói: “Rất có thể đây chính là bài diễn văn công cộng cuối cùng mà tôi trình bày”. Dĩ nhiên, đó không phải là bài giảng cuối cùng của anh. Sau này, anh Macmillan viết: “Có lẽ một số người trong chúng tôi đã hơi hấp tấp khi nghĩ rằng mình sẽ lên trời ngay lập tức”. Anh nói thêm: “Điều chúng tôi cần làm là bận rộn trong việc phụng sự Chúa”. Anh Macmillan quả đã giữ cho mình bận rộn. Anh sốt sắng trong thánh chức và có đặc ân khích lệ nhiều anh ngồi tù vì giữ lập trường trung lập. Anh cũng trung thành tham dự các buổi nhóm họp ngay cả khi lớn tuổi. Anh Macmillan nhận được lợi ích nào nhờ sử dụng thời gian một cách hiệu quả trong khi chờ đợi phần thưởng? Không lâu trước khi qua đời vào năm 1966, anh viết: “Đức tin của tôi giờ đây vững mạnh hơn bao giờ hết”. Quả là tinh thần tuyệt vời để tất cả chúng ta noi theo, đặc biệt nếu chúng ta phải chịu đựng khó khăn lâu hơn mình nghĩ!—Hê 13:7.
16. Vợ chồng anh Jennings đối mặt với thử thách bất ngờ nào? (Gia-cơ 4:14)
16 Nhiều người trong vòng dân Đức Giê-hô-va bất ngờ phải đương đầu với vấn đề sức khỏe. Chẳng hạn, trong tự truyện của mình, anh Herbert Jennings b cho biết vợ chồng anh rất vui thích trong nhiệm sở giáo sĩ ở Ghana. Nhưng sau một thời gian, anh được chẩn đoán là bị rối loạn cảm xúc nghiêm trọng. Dựa trên Gia-cơ 4:14, anh Jennings gọi hoàn cảnh mới này là “một ‘ngày mai’ chúng tôi không ngờ trước”. (Đọc). Anh viết: “Chúng tôi phải đối mặt với thực tế, sắp xếp rời Ghana và nhiều bạn bè thân cận để về Canada [điều trị bệnh]”. Đức Giê-hô-va đã giúp vợ chồng anh Jennings tiếp tục trung thành phụng sự bất kể thử thách mà họ đương đầu.
17. Gương của anh Jennings mang lại lợi ích nào cho anh em đồng đạo?
17 Những lời chân thật của anh Jennings trong tự truyện đã tác động mạnh mẽ đến người khác. Một chị viết: “Tôi chưa bao giờ cảm động như khi đọc bài này… Khi đọc bài của anh Jennings và biết rằng anh phải rời nhiệm sở để chăm sóc sức khỏe, tôi có cái nhìn thăng bằng hơn về hoàn cảnh của mình”. Một anh cũng viết: “Sau mười năm làm trưởng lão trong hội thánh, tôi phải ngưng đặc ân này vì bệnh tâm thần. Cảm giác thất bại thường khiến tôi chán nản đến mức không muốn đọc những tự truyện… Nhưng sự bền chí của anh Jennings đã giúp tôi lên tinh thần”. Điều này nhắc chúng ta nhớ rằng khi chịu đựng vấn đề bất ngờ, chúng ta có thể khích lệ người khác. Thậm chí khi đời sống không xảy ra như mong đợi, chúng ta vẫn có thể là gương mẫu sống về đức tin và sự chịu đựng.—1 Phi 5:9.
18. Như trong các hình diễn lại, anh chị học được gì từ gương của một chị góa ở Nigeria?
18 Những thảm họa như đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhiều người trong vòng dân Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, một chị góa ở Nigeria chỉ còn rất ít tiền và thức ăn. Sáng nọ, con gái hỏi chị họ sẽ ăn gì sau khi nấu lon gạo cuối cùng. Chị trả lời rằng họ không còn tiền hoặc thức ăn nhưng họ nên noi theo gương của góa phụ ở Xa-rép-ta bằng cách nấu bữa ăn cuối cùng và hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va (1 Vua 17:8-16). Ngay cả trước khi họ suy nghĩ sẽ ăn gì cho bữa trưa đó thì họ nhận được một bao đồ cứu trợ từ anh em đồng đạo, trong đó có đủ thực phẩm cho hơn hai tuần. Chị góa nói rằng chị không ngờ là Đức Giê-hô-va nghe kỹ những điều chị nói với con gái đến thế. Thật vậy, khi chúng ta nương cậy nơi Đức Giê-hô-va thì những bấp bênh của đời sống có thể giúp chúng ta đến gần ngài hơn.—1 Phi 5:6, 7.
19. Anh Yershov đã chịu đựng sự ngược đãi nào?
19 Trong những năm gần đây, nhiều anh em của chúng ta đã chịu đựng sự ngược đãi mà họ không ngờ. Hãy xem trường hợp của anh Aleksey Yershov sống ở Nga. Dân của Đức Giê-hô-va ở nước đó được tự do phần nào khi anh Yershov báp-têm năm 1994. Nhưng nhiều năm sau, tình hình ở Nga thay đổi. Năm 2020, nhà của anh Yershov bị đột nhập và lục soát, nhiều tài sản của anh bị tịch thu. Một thời gian sau, anh bị chính quyền khởi tố hình sự. Tệ hơn nữa, những cáo buộc này dựa trên những đoạn video được quay bởi một người giả vờ chú ý và học Kinh Thánh trong hơn một năm. Thật là một sự phản bội!
20. Điều gì đã giúp anh Yershov thắt chặt mối quan hệ với Đức Giê-hô-va?
20 Thử thách của anh Yershov có mang lại kết quả tốt nào không? Có. Mối quan hệ của anh với Đức Giê-hô-va được vững mạnh hơn. Anh cho biết: “Vợ chồng tôi cùng nhau cầu nguyện thường xuyên hơn. Tôi nhận thấy rằng mình không thể đương đầu được mà không có sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va”. Anh nói thêm: “Việc học hỏi cá nhân giúp tôi đương đầu với sự nản lòng. Tôi suy ngẫm về gương của những tôi tớ trung thành vào thời xưa. Nhiều lời tường thuật trong Kinh Thánh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ bình tĩnh và tin cậy Đức Giê-hô-va”.
21. Chúng ta học được gì qua bài này?
21 Chúng ta học được gì qua bài này? Đời sống trong thế gian này rất bấp bênh. Dù vậy, Đức Giê-hô-va luôn giúp các tôi tớ ngài khi họ nương cậy nơi ngài. Như câu Kinh Thánh chủ đề cho biết, “dù người công chính chịu bao gian khổ, Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết” (Thi 34:19). Mong sao chúng ta tiếp tục tập trung vào quyền năng trợ giúp của Đức Giê-hô-va, thay vì những khó khăn gian khổ. Khi làm thế, chúng ta có thể nói như sứ đồ Phao-lô: “Trong mọi sự, tôi có sức mạnh nhờ đấng ban sức cho tôi”.—Phi-líp 4:13.
BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ
a Dù có thể gặp những thử thách bất ngờ trong đời sống, chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ hỗ trợ những tôi tớ trung thành của ngài. Đức Giê-hô-va đã giúp các tôi tớ thời xưa như thế nào? Ngài đang trợ giúp chúng ta ngày nay ra sao? Việc xem xét những gương trong Kinh Thánh và những gương thời hiện đại sẽ giúp chúng ta càng tin chắc rằng nếu nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, ngài cũng sẽ trợ giúp chúng ta.