BÀI HỌC 15
Chúng ta học được gì từ phép lạ của Chúa Giê-su?
“Ngài đi khắp xứ làm việc tốt và chữa lành”.—CÔNG 10:38.
BÀI HÁT 13 Đấng Ki-tô, gương mẫu của chúng ta
GIỚI THIỆU a
1. Chúa Giê-su thực hiện phép lạ đầu tiên trong khung cảnh nào?
Hãy hình dung khung cảnh vào mùa thu năm 29 CN khi Chúa Giê-su bắt đầu thánh chức. Chúa Giê-su và mẹ ngài là Ma-ri cùng với một số môn đồ được mời tới dự tiệc cưới ở Ca-na, một ngôi làng ở phía bắc Na-xa-rét là quê của ngài. Ma-ri là bạn của gia đình ấy và dường như phụ giúp việc tiếp khách. Nhưng trong tiệc cưới, một vấn đề xảy ra đã có thể khiến cô dâu, chú rể và gia đình ấy cảm thấy xấu hổ, đó là hết rượu. b Có lẽ số khách đến nhiều hơn dự tính. Ma-ri liền đến chỗ con trai và nói: “Họ hết rượu rồi” (Giăng 2:1-3). Chúa Giê-su đã làm gì? Ngài làm một điều kỳ diệu là biến nước thành “rượu ngon”.—Giăng 2:9, 10.
2, 3. (a) Chúa Giê-su đã làm những phép lạ nào? (b) Chúng ta nhận được lợi ích nào khi xem xét các phép lạ của Chúa Giê-su?
2 Chúa Giê-su làm nhiều phép lạ khác trong thời gian thi hành thánh chức. c Ngài dùng quyền năng kỳ diệu để giúp hàng chục ngàn người. Chẳng hạn, chỉ hai phép lạ, đó là cung cấp thức ăn cho 5.000 người nam và sau đó 4.000 người nam, có thể đã giúp tổng cộng hơn 27.000 người nếu tính luôn phụ nữ và trẻ em có mặt ở đó (Mat 14:15-21; 15:32-38). Trong cả hai trường hợp ấy, Chúa Giê-su cũng chữa lành nhiều người bệnh (Mat 14:14; 15:30, 31). Hãy hình dung đoàn dân kinh ngạc thế nào khi Chúa Giê-su làm phép lạ để chữa lành và cung cấp thức ăn cho họ!
3 Các phép lạ của Chúa Giê-su rất có ý nghĩa với chúng ta ngày nay. Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận một số bài học giúp củng cố đức tin mà chúng ta có thể rút ra từ những phép lạ ấy. Rồi chúng ta sẽ xem xét làm thế nào để noi theo tính khiêm nhường và lòng trắc ẩn mà Chúa Giê-su đã thể hiện khi làm phép lạ.
BÀI HỌC VỀ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VÀ CHÚA GIÊ-SU
4. Các phép lạ của Chúa Giê-su dạy chúng ta những bài học về ai?
4 Các phép lạ của Chúa Giê-su dạy chúng ta những bài học không chỉ về ngài mà còn về Cha ngài, và những bài học này giúp chúng ta củng cố đức tin. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va chính là Nguồn của các phép lạ. Công vụ 10:38 cho biết: “[Chúa Giê-su] được Đức Chúa Trời xức dầu bằng thần khí thánh và ban quyền năng, rồi ngài đi khắp xứ làm việc tốt và chữa lành tất cả những người bị Ác Quỷ áp bức, vì Đức Chúa Trời ở với ngài”. Cũng hãy nhớ rằng trong mọi điều ngài nói và làm, kể cả các phép lạ ngài thực hiện, Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo suy nghĩ và cảm xúc của Cha (Giăng 14:9). Hãy xem ba bài học mà chúng ta có thể rút ra từ các phép lạ của Chúa Giê-su.
5. Điều gì thôi thúc Chúa Giê-su làm phép lạ? (Ma-thi-ơ 20:30-34)
5 Thứ nhất, Chúa Giê-su và Cha ngài yêu thương chúng ta sâu đậm. Khi ở trên đất, Chúa Giê-su cho thấy ngài yêu thương con người sâu đậm qua việc dùng quyền năng kỳ diệu để giúp đỡ những người đau khổ. Dịp nọ, có hai người mù nài xin ngài giúp đỡ. (Đọc Ma-thi-ơ 20:30-34). Hãy lưu ý là Chúa Giê-su “động lòng thương cảm”, rồi ngài chữa lành cho họ. Trong câu này, từ Hy Lạp được dịch là “động lòng thương cảm” muốn nói đến lòng trắc ẩn mạnh mẽ sâu thẳm bên trong con người. Lòng trắc ẩn sâu xa ấy, một biểu hiện của tình yêu thương, cũng đã thúc đẩy Chúa Giê-su cung cấp thức ăn cho người đói và chữa lành một người bị phong cùi (Mat 15:32; Mác 1:41). Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời “giàu lòng trắc ẩn”, và Con ngài yêu thương chúng ta sâu đậm và đau lòng khi chúng ta chịu khổ (Lu 1:78; 1 Phi 5:7). Hẳn hai đấng ấy rất mong mỏi loại bỏ mọi vấn đề khiến nhân loại khốn khổ!
6. Đức Chúa Trời ban cho Chúa Giê-su quyền năng nào?
6 Thứ hai, Đức Chúa Trời ban cho Chúa Giê-su quyền năng để giải quyết mọi vấn đề của nhân loại. Qua các phép lạ, Chúa Giê-su cho thấy ngài có quyền năng giải quyết những vấn đề mà chúng ta không bao giờ có thể tự giải quyết. Chẳng hạn, ngài có quyền năng giải thoát chúng ta khỏi nguyên nhân sâu xa gây ra vấn đề của nhân loại, đó là tội lỗi di truyền và hậu quả của nó, bao gồm bệnh tật và sự chết (Mat 9:1-6; Rô 5:12, 18, 19). Các phép lạ của Chúa Giê-su chứng tỏ ngài có thể chữa lành “mọi thứ bệnh tật” và thậm chí làm người chết sống lại (Mat 4:23; Giăng 11:43, 44). Ngài cũng có quyền năng kiểm soát những cơn bão gió dữ dội và giải thoát người ta khỏi ác thần (Mác 4:37-39; Lu 8:2). Thật yên lòng làm sao khi biết Đức Giê-hô-va đã đặt quyền năng mạnh mẽ như thế trong tay Con ngài!
7, 8. (a) Các phép lạ của Chúa Giê-su giúp chúng ta tin chắc điều gì? (b) Anh chị trông mong phép lạ nào trong thế giới mới sắp đến?
7 Thứ ba, chúng ta có thể hoàn toàn tin chắc rằng những ân phước trong tương lai dưới sự cai trị của Nước Trời sẽ trở thành hiện thực. Những phép lạ mà Chúa Giê-su thực hiện khi là con người trên đất cho biết những điều ngài sẽ làm trong phạm vi rộng lớn hơn nhiều với tư cách là Vua Nước Trời. Hãy xem những điều chúng ta sắp nhận được dưới sự cai trị của Đấng Ki-tô. Chúng ta sẽ vui hưởng sức khỏe hoàn hảo, vì ngài sẽ loại bỏ mọi bệnh tật và khiếm khuyết gây đau khổ cho nhân loại (Ê-sai 33:24; 35:5, 6; Khải 21:3, 4). Chúng ta sẽ không bao giờ bị đói hoặc phải đối mặt với sự tàn phá do thảm họa thiên nhiên gây ra (Ê-sai 25:6; Mác 4:41). Chúng ta sẽ vô cùng vui mừng khi được chào đón những người thân yêu trong “mồ tưởng niệm” được sống lại (Giăng 5:28, 29). Anh chị đặc biệt trông mong phép lạ nào trong thế giới mới sắp đến?
8 Khi thực hiện các phép lạ, Chúa Giê-su cho thấy ngài rất khiêm nhường và có lòng trắc ẩn, là những phẩm chất mà chúng ta cần noi theo. Hãy xem hai trường hợp cho thấy điều đó, trước hết là lời tường thuật về tiệc cưới ở Ca-na.
BÀI HỌC VỀ SỰ KHIÊM NHƯỜNG
9. Chúa Giê-su đã làm gì tại tiệc cưới? (Giăng 2:6-10)
9 Đọc Giăng 2:6-10. Khi tiệc cưới bị hết rượu, Chúa Giê-su có buộc phải làm gì đó để giải quyết vấn đề không? Không. Không có lời tiên tri nào báo trước là Đấng Mê-si sẽ làm ra rượu bằng phép lạ. Nhưng hãy thử hình dung anh chị cảm thấy thế nào nếu hết đồ uống trong tiệc cưới của mình. Hẳn Chúa Giê-su cảm thấy thương cho gia đình ấy, đặc biệt là cô dâu, chú rể và không muốn họ bị xấu hổ. Vì thế, ngài đã thực hiện một phép lạ, như được đề cập ở đầu bài. Ngài biến khoảng 390 lít nước thành rượu thượng hạng. Có lẽ ngài cung cấp lượng rượu lớn như thế để gia đình họ có thể dùng sau này hoặc thậm chí bán đi để cặp vợ chồng mới cưới có thêm một ít tiền. Hẳn cặp vợ chồng ấy cảm thấy nhẹ nhõm biết bao!
10. Lời tường thuật nơi Giăng chương 2 có một số chi tiết đáng chú ý nào? (Cũng xem hình).
10 Hãy xem một số chi tiết đáng chú ý trong lời tường thuật nơi Giăng chương 2. Anh chị có để ý là Chúa Giê-su không tự mình đổ đầy nước vào các vại đá không? Thay vì thu hút sự chú ý đến bản thân, ngài bảo những người phục vụ đổ nước vào (câu 6, 7). Sau khi biến nước thành rượu, Chúa Giê-su đã không trực tiếp mang rượu đến cho người quản tiệc, mà bảo những người phục vụ làm điều đó (câu 8). Chắc chắn Chúa Giê-su đã không cầm ly rượu giơ lên trước mặt quan khách và khoe khoang: “Hãy uống thử rượu mà tôi mới làm!”.
11. Chúng ta học được gì từ phép lạ của Chúa Giê-su?
11 Chúng ta học được gì từ phép lạ biến nước thành rượu của Chúa Giê-su? Đó là bài học về sự khiêm nhường. Chúa Giê-su không khoe khoang về phép lạ ấy; thật ra, ngài không bao giờ khoe khoang về thành quả của mình. Trái lại, vào nhiều dịp, ngài khiêm nhường quy mọi sự vinh hiển và công trạng cho Cha ngài (Giăng 5:19, 30; 8:28). Nếu noi theo Chúa Giê-su bằng cách luôn có cái nhìn khiêm nhường về bản thân, chúng ta sẽ không khoe khoang về thành quả của mình. Dù chúng ta làm được gì đi nữa trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, hãy khoe về Đức Chúa Trời tuyệt vời mà mình thờ phượng, chứ không phải về bản thân (Giê 9:23, 24). Hãy quy cho ngài sự tôn kính mà ngài xứng đáng nhận được. Suy cho cùng, chúng ta sẽ không đạt được bất cứ thành quả nào nếu không có sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va.—1 Cô 1:26-31.
12. Một cách khác mà chúng ta có thể noi theo sự khiêm nhường của Chúa Giê-su là gì? Hãy nêu ví dụ.
12 Hãy xem một cách khác mà chúng ta có thể noi theo sự khiêm nhường của Chúa Giê-su. Hãy hình dung trường hợp sau: Một trưởng lão dành nhiều thời gian để giúp một anh trẻ là phụ tá hội thánh chuẩn bị bài diễn văn công cộng đầu tiên. Kết quả là anh trẻ ấy đã trình bày một bài giảng khích lệ, và cả hội thánh rất vui. Sau nhóm họp, có người đến gặp anh trưởng lão và nói: “Em ấy đã trình bày bài giảng thật xuất sắc”. Anh trưởng lão có cần phải nói: “Đúng rồi, nhưng tôi đã phải dành nhiều thời gian để giúp em ấy”? Hay anh nên khiêm nhường nói: “Đúng rồi, em ấy thật đáng khen”? Khi khiêm nhường, chúng ta không cần kể công về những điều mình làm cho người khác. Đối với chúng ta, việc biết Đức Giê-hô-va thấy và quý trọng những gì mình làm là đã đủ. (So sánh Ma-thi-ơ 6:2-4; Hê 13:16). Chắc chắn chúng ta làm vui lòng Đức Giê-hô-va khi noi theo Chúa Giê-su trong việc thể hiện sự khiêm nhường.—1 Phi 5:6.
BÀI HỌC VỀ LÒNG TRẮC ẨN
13. Chúa Giê-su thấy gì khi đến gần thành Na-in, và ngài đã làm gì? (Lu-ca 7:11-15)
13 Đọc Lu-ca 7:11-15. Hãy hình dung một chuyện đã xảy ra vào khoảng năm 31 CN. Chúa Giê-su đi đến Na-in, một thành ở Ga-li-lê không xa Su-nem, là nơi mà khoảng 900 năm trước nhà tiên tri Ê-li-sê đã làm cho con trai của một phụ nữ sống lại (2 Vua 4:32-37). Khi đến gần cửa thành, Chúa Giê-su thấy một đoàn đưa tang đang ra khỏi thành. Cảnh tượng thật đáng buồn vì một góa phụ bị mất người con duy nhất. Nhưng góa phụ ấy không chỉ một mình; có một đoàn người trong thành cùng đi với bà. Chúa Giê-su đã dừng đoàn đưa tang lại và làm một điều đáng kinh ngạc cho người mẹ đang đau buồn ấy. Ngài làm con trai bà sống lại! Đây là trường hợp đầu tiên trong ba trường hợp mà Chúa Giê-su làm cho sống lại được ghi trong các sách Phúc âm.
14. Lời tường thuật nơi Lu-ca chương 7 có một số chi tiết đáng chú ý nào? (Cũng xem hình).
14 Hãy xem một số chi tiết đáng chú ý trong lời tường thuật nơi Lu-ca chương 7. Anh chị có để ý rằng Chúa Giê-su “nhìn thấy” người mẹ đau buồn ấy và rồi ngài “động lòng thương cảm” không? (Câu 13). Vì thế, những gì ngài quan sát, có lẽ việc bà vừa đi vừa khóc trước thi thể của con trai, khiến ngài động lòng trắc ẩn. Chúa Giê-su không chỉ cảm thấy thương cho người mẹ mà còn thể hiện lòng trắc ẩn với bà. Hẳn với giọng an ủi, ngài nói với bà: “Bà đừng khóc nữa”. Rồi ngài chủ động làm một điều để giúp đỡ bà. Ngài làm cho con trai bà sống lại và “giao anh ta lại cho mẹ”.—Câu 14, 15.
15. Chúng ta học được gì từ phép lạ của Chúa Giê-su?
15 Chúng ta học được gì từ phép lạ của Chúa Giê-su khi làm con trai của một góa phụ sống lại? Đó là bài học về việc thể hiện lòng trắc ẩn với người đang đau buồn vì mất người thân. Dĩ nhiên, chúng ta không thể làm người chết sống lại như Chúa Giê-su đã làm. Nhưng giống như ngài, chúng ta có thể vun trồng lòng trắc ẩn với những người đang đau buồn bằng cách để ý quan sát. Chúng ta có thể chủ động thể hiện lòng trắc ẩn bằng cách nói và làm những điều có thể để giúp đỡ, an ủi họ d (Châm 17:17; 2 Cô 1:3, 4; 1 Phi 3:8). Ngay cả những lời đơn giản và hành động nhỏ cũng có thể khích lệ họ rất nhiều.
16. Như trong hình diễn lại, anh chị học được gì từ kinh nghiệm của một người mẹ có con qua đời?
16 Hãy xem một kinh nghiệm. Vài năm trước, trong khi đang hát tại buổi nhóm họp, một chị để ý thấy một người mẹ ngồi ở dãy ghế bên cạnh đang khóc. Bài hát nói về hy vọng sống lại, và con gái nhỏ của người mẹ ấy mới qua đời cách đó không lâu. Biết điều ấy, chị liền đi đến chỗ người mẹ, choàng tay qua và cùng người mẹ ấy hát phần còn lại của bài hát. Sau này, người mẹ ấy kể lại: “Lúc đó, tôi thấy cảm động và yêu thương các anh em rất nhiều”. Chị rất mừng là mình đã đến nhóm họp. Chị nói: “Phòng Nước Trời chính là nơi mà chúng ta nhận được sự giúp đỡ”. Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va để ý và quý trọng ngay cả những việc nhỏ chúng ta làm để thể hiện lòng trắc ẩn với những người đang đau buồn, là những người “có tấm lòng tan vỡ”.—Thi 34:18.
MỘT ĐỀ TÀI HỌC HỎI HỮU ÍCH
17. Chúng ta đã học được gì trong bài này?
17 Những lời tường thuật trong các sách Phúc âm về những phép lạ của Chúa Giê-su là một đề tài học hỏi hữu ích. Những lời tường thuật ấy dạy chúng ta là Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su yêu thương mình sâu đậm, Chúa Giê-su có quyền năng để giải quyết mọi vấn đề của nhân loại và chúng ta có thể tin chắc rằng những lời hứa về tương lai sắp thành hiện thực. Khi phân tích các lời tường thuật ấy, chúng ta có thể suy ngẫm về những cách để noi theo các phẩm chất của Chúa Giê-su. Chúng ta cũng có thể học về các phép lạ khác của Chúa Giê-su trong buổi học hỏi cá nhân hoặc Buổi thờ phượng của gia đình. Hãy xem anh chị rút ra bài học nào, và sau đó chia sẻ với người khác. Khi làm thế, hẳn anh chị sẽ có những cuộc trò chuyện xây dựng.—Rô 1:11, 12.
18. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài tới?
18 Vào giai đoạn cuối của thánh chức, Chúa Giê-su đã thực hiện phép lạ thứ ba trong ba phép lạ mà ngài làm người chết sống lại. Nhưng phép lạ này rất khác biệt: Ngài làm cho một người bạn yêu dấu sống lại sau khi người ấy đã chết được bốn ngày. Chúng ta có thể rút ra những bài học nào từ lời tường thuật trong Phúc âm về phép lạ ấy? Làm thế nào để củng cố đức tin nơi hy vọng về sự sống lại? Bài tới sẽ xem xét những câu hỏi này.
BÀI HÁT 20 Ngài ban Con một yêu quý
a Thật hào hứng khi đọc về những phép lạ của Chúa Giê-su! Chẳng hạn, ngài làm yên một cơn bão gió dữ dội, chữa lành người bệnh và làm người chết sống lại. Những lời tường thuật ấy được ghi lại trong Kinh Thánh không phải để đọc cho vui, nhưng để dạy dỗ chúng ta. Khi xem xét những lời tường thuật ấy, chúng ta rút ra các bài học về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su giúp củng cố đức tin, cũng như nhận ra những phẩm chất tin kính mà chúng ta cần vun trồng.
b Một học giả Kinh Thánh giải thích: “Thể hiện sự hiếu khách ở Đông Phương là một bổn phận thiêng liêng và người ta xem việc có vừa đủ đồ ăn nghĩa là thiếu. Muốn thể hiện sự hiếu khách thật, đặc biệt ở tiệc cưới, chủ tiệc phải đảm bảo rằng có đồ ăn thức uống dồi dào”.
c Các sách Phúc âm ghi lại hơn 30 phép lạ của Chúa Giê-su. Ngoài ra, một số phép lạ đôi khi được gộp lại với nhau. Vào một dịp, “cả thành” đến với ngài và “ngài chữa lành nhiều người”.—Mác 1:32-34.
d Để biết những gợi ý về điều anh chị có thể nói hoặc làm hầu an ủi người đang đau buồn, xem bài “An ủi người mất người thân, như Chúa Giê-su làm” trong Tháp Canh ngày 1-11-2010.
e HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su đứng ở phía sau trong khi cô dâu, chú rể và khách mời thưởng thức rượu ngon mà ngài cung cấp.