BÀI HỌC 16
“Em trai chị sẽ sống lại”!
“Chúa Giê-su [đáp lời Ma-thê]: ‘Em trai chị sẽ sống lại’”.—GIĂNG 11:23.
BÀI HÁT 151 Chúa sẽ gọi
GIỚI THIỆU a
1. Một em trai đã bày tỏ niềm hy vọng về sự sống lại như thế nào?
Một em trai tên Matthew mắc bệnh nặng nên phải phẫu thuật nhiều lần. Khi em bảy tuổi, em cùng gia đình xem một chương trình hằng tháng trên Kênh truyền thông JW. Đến cuối chương trình, họ xem một video âm nhạc nói về việc chào đón người thân yêu được sống lại. b Sau khi chương trình kết thúc, Matthew đến chỗ cha mẹ, cầm tay họ và nói: “Ba mẹ thấy không, ngay cả nếu con chết, con sẽ thức dậy trong sự sống lại. Ba mẹ cứ chờ con nhé, không sao đâu”. Hãy hình dung cha mẹ em ấy cảm thấy thế nào khi biết hy vọng về sự sống lại rất có thật với con trai mình.
2, 3. Tại sao suy ngẫm lời hứa về sự sống lại là điều hữu ích?
2 Thỉnh thoảng chúng ta nên suy ngẫm lời hứa trong Kinh Thánh về sự sống lại trong tương lai (Giăng 5:28, 29). Tại sao? Vì chúng ta không biết khi nào mình có thể phải đối mặt với căn bệnh đe dọa tính mạng hoặc bất ngờ mất người thân yêu (Truyền 9:11; Gia 4:13, 14). Hy vọng về sự sống lại có thể giúp chúng ta chịu đựng những thử thách như thế (1 Tê 4:13). Kinh Thánh đảm bảo rằng Cha trên trời biết rõ chúng ta và yêu thương chúng ta sâu đậm (Lu 12:7). Hãy thử nghĩ Đức Giê-hô-va phải biết rõ chúng ta đến mức nào thì mới có thể tạo lại chúng ta với nhân cách và ký ức như trước. Đức Giê-hô-va quả là yêu thương khi ban cho chúng ta cơ hội được sống mãi mãi. Ngay cả nếu chúng ta qua đời, ngài sẽ làm cho chúng ta sống lại để có cơ hội đó!
3 Trong bài này, trước hết chúng ta sẽ xem tại sao mình có thể tin lời hứa về sự sống lại. Rồi hãy xem lời tường thuật giúp củng cố đức tin có câu Kinh Thánh chủ đề: “Em trai chị sẽ sống lại” (Giăng 11:23). Cuối cùng, chúng ta sẽ xem mình có thể làm gì để hy vọng về sự sống lại có thật hơn đối với mình.
TẠI SAO CHÚNG TA CÓ THỂ TIN LỜI HỨA VỀ SỰ SỐNG LẠI?
4. Để tin một lời hứa, chúng ta phải tin chắc điều gì? Hãy minh họa.
4 Để tin một lời hứa, chúng ta phải tin chắc là người hứa có ước muốn cũng như quyền năng, hay khả năng, để thực hiện. Hãy xem minh họa sau: Giả sử ngôi nhà của anh chị bị một cơn bão phá hủy. Một người bạn đến hứa với anh chị: “Tôi sẽ giúp anh chị xây lại nhà”. Anh ấy là người thành thật, và anh chị tin chắc anh ấy có ước muốn giúp mình. Nếu anh ấy có kỹ năng xây cất và có những công cụ cần thiết, anh chị biết anh ấy cũng có khả năng để làm thế. Vì vậy, anh chị tin lời hứa đó. Nói sao về lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống lại? Ngài có thật sự có ước muốn và quyền năng để thực hiện không?
5, 6. Tại sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va có ước muốn làm người chết sống lại?
5 Đức Giê-hô-va có ước muốn làm người chết sống lại không? Chắc chắn có. Ngài đã soi dẫn một số người viết Kinh Thánh ghi lại lời hứa của ngài về sự sống lại trong tương lai (Ê-sai 26:19; Ô-sê 13:14; Khải 20:11-13). Và khi Đức Giê-hô-va hứa thì ngài luôn thực hiện (Giô-suê 23:14). Thật ra, ngài còn rất mong muốn làm người chết sống lại. Tại sao có thể nói như thế?
6 Hãy xem xét những lời của Gióp. Ông tin chắc ngay cả nếu ông chết, Đức Giê-hô-va sẽ mong mỏi thấy ông được sống lại (Gióp 14:14, 15). Đức Giê-hô-va cũng có ước muốn như thế đối với tất cả những người thờ phượng ngài đã qua đời. Ngài rất muốn làm cho họ sống lại để họ sống khỏe mạnh và hạnh phúc. Nói sao về hàng tỉ người đã qua đời chưa có cơ hội học về Đức Giê-hô-va? Đức Chúa Trời yêu thương cũng muốn làm cho họ sống lại (Công 24:15). Ngài muốn họ có cơ hội trở thành bạn ngài và sống mãi mãi trên đất (Giăng 3:16). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va có ước muốn làm người chết sống lại.
7, 8. Tại sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va có quyền năng làm người chết sống lại?
7 Đức Giê-hô-va cũng có quyền năng làm người chết sống lại không? Hoàn toàn có! Ngài là “Đấng Toàn Năng” (Khải 1:8). Vì thế, ngài có đủ quyền năng để đánh bại bất cứ kẻ thù nào, ngay cả sự chết (1 Cô 15:26). Chúng ta được vững mạnh và an ủi khi biết điều đó. Hãy xem kinh nghiệm của chị Emma Arnold. Chị và gia đình phải đối mặt với những thử thách cam go về đức tin trong Thế Chiến II. Một số người thân của họ chết trong trại tập trung của Quốc Xã. Để an ủi con gái, chị Emma nói: “Nếu cái chết kìm giữ nhân loại vĩnh viễn thì nó sẽ mạnh hơn Đức Chúa Trời phải không? Nhưng điều đó là không thể”. Thật vậy, không điều gì mạnh hơn Đức Giê-hô-va! Đức Chúa Trời toàn năng đã tạo ra sự sống thì chắc chắn có khả năng khôi phục sự sống cho người đã chết.
8 Một lý do khác chúng ta biết Đức Chúa Trời có khả năng làm người chết sống lại là ngài có trí nhớ vô hạn. Ngài gọi mỗi vì sao theo tên (Ê-sai 40:26). Ngoài ra, ngài cũng nhớ những người đã qua đời (Gióp 14:13; Lu 20:37, 38). Không khó để ngài nhớ ngay cả những chi tiết nhỏ nhất về những người mà ngài sẽ làm cho sống lại, kể cả mã di truyền, trải nghiệm trong đời sống và ký ức của họ.
9. Tại sao anh chị tin lời hứa của Đức Giê-hô-va về sự sống lại trong tương lai?
9 Rõ ràng, chúng ta có thể tin lời hứa của Đức Giê-hô-va về sự sống lại trong tương lai vì chúng ta biết ngài có cả ước muốn lẫn quyền năng để thực hiện lời hứa đó. Một lý do khác để tin lời hứa này là Đức Giê-hô-va đã từng làm người chết sống lại. Vào thời Kinh Thánh, ngài ban quyền năng cho một số người trung thành, trong đó có Chúa Giê-su, để làm người chết sống lại. Hãy xem một trường hợp mà Chúa Giê-su làm cho sống lại, được ghi nơi Giăng chương 11.
CHÚA GIÊ-SU MẤT MỘT NGƯỜI BẠN YÊU DẤU
10. Điều gì xảy ra trong khi Chúa Giê-su rao giảng ở bên kia sông Giô-đanh, và ngài làm gì? (Giăng 11:1-3)
10 Đọc Giăng 11:1-3. Hãy hình dung điều đã xảy ra ở Bê-tha-ni vào cuối năm 32 CN. Chúa Giê-su có những người bạn thân trong làng này, đó là La-xa-rơ và hai chị gái của ông là Ma-ri và Ma-thê (Lu 10:38-42). Nhưng La-xa-rơ mắc bệnh, và hai người chị rất lo lắng. Họ đã nhờ người nhắn với Chúa Giê-su, lúc đó ngài đang ở bên kia sông Giô-đanh, cách Bê-tha-ni khoảng hai ngày đường đi bộ (Giăng 10:40). Đáng buồn là La-xa-rơ qua đời vào khoảng thời điểm mà người đưa tin gặp Chúa Giê-su. Dù biết bạn của ngài vừa qua đời, nhưng Chúa Giê-su nán lại đó thêm hai ngày, rồi mới đi Bê-tha-ni. Vì thế, lúc Chúa Giê-su đến thì La-xa-rơ đã chết được bốn ngày. Chúa Giê-su có ý định làm một điều mang lại lợi ích cho các bạn của ngài và tôn vinh Đức Chúa Trời.—Giăng 11:4, 6, 11, 17.
11. Lời tường thuật này dạy chúng ta điều gì về tình bạn?
11 Chúng ta học được một bài học về tình bạn qua lời tường thuật này. Hãy thử nghĩ: Khi Ma-ri và Ma-thê nhắn cho Chúa Giê-su, họ không xin ngài đến Bê-tha-ni. Họ chỉ nói rằng người bạn yêu dấu của ngài bị bệnh (Giăng 11:3). Khi La-xa-rơ qua đời, Chúa Giê-su đã có thể làm cho ông sống lại từ xa. Tuy nhiên, ngài chọn đi đến Bê-tha-ni để ở bên những người bạn của ngài là Ma-ri và Ma-thê. Anh chị có một người bạn sẵn sàng trợ giúp ngay cả khi mình chưa nhờ không? Nếu có, anh chị biết mình có thể tin tưởng người đó sẽ giúp mình trong “lúc khốn khổ” (Châm 17:17). Mong sao chúng ta là người bạn như thế, giống như Chúa Giê-su! Giờ đây hãy trở lại lời tường thuật và xem điều gì xảy ra kế tiếp.
12. Chúa Giê-su hứa điều gì với Ma-thê, và tại sao đó không phải là lời hứa suông? (Giăng 11:23-26)
12 Đọc Giăng 11:23-26. Ma-thê được biết Chúa Giê-su đang ở gần Bê-tha-ni. Cô vội chạy đến gặp ngài và nói: “Thưa Chúa, nếu ngài có ở đây thì em tôi đã không chết” (Giăng 11:21). Đúng là Chúa Giê-su đã có thể chữa lành cho La-xa-rơ, nhưng ngài có ý định làm một điều thậm chí còn đáng kinh ngạc hơn. Ngài hứa: “Em trai chị sẽ sống lại”. Ngài cũng cho Ma-thê thêm lý do để tin lời hứa này khi nói: “Tôi là sự sống lại và sự sống”. Thật vậy, ngài được Đức Chúa Trời ban cho quyền năng làm người chết sống lại. Trước đó, ngài đã làm cho bé gái sống lại không lâu sau khi em qua đời, và ngài cũng làm cho một thanh niên sống lại, hẳn là vào ngày anh ta chết (Lu 7:11-15; 8:49-55). Nhưng liệu ngài có thể làm sống lại một người đã chết bốn ngày và cơ thể bắt đầu bị phân hủy không?
“LA-XA-RƠ, HÃY ĐI RA!”
13. Như được ghi nơi Giăng 11:32-35, Chúa Giê-su phản ứng thế nào khi thấy Ma-ri và những người khác khóc? (Cũng xem hình).
13 Đọc Giăng 11:32-35. Hãy hình dung điều xảy ra tiếp theo. Ma-ri, chị gái khác của La-xa-rơ, đi ra gặp Chúa Giê-su. Cô lặp lại điều mà chị cô đã nói: “Thưa Chúa, nếu ngài có ở đây thì em tôi đã không chết”. Cô và những người ở đó đang rất đau lòng. Khi thấy và nghe họ khóc, Chúa Giê-su rất đau buồn. Vì thấy thương cho các bạn của ngài nên ngài khóc. Ngài hiểu một người đau lòng đến mức nào khi mất người thân yêu. Chắc chắn ngài rất muốn loại bỏ nguyên nhân khiến họ rơi lệ!
14. Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va qua phản ứng của Chúa Giê-su khi thấy Ma-ri khóc?
14 Phản ứng của Chúa Giê-su khi thấy Ma-ri khóc dạy chúng ta rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có lòng trắc ẩn dịu dàng. Tại sao có thể nói như thế? Như đã xem trong bài trước, Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo suy nghĩ và cảm xúc của Cha ngài (Giăng 12:45). Vì thế, khi đọc rằng Chúa Giê-su động lòng trắc ẩn và thấy thương cho các bạn ngài đến mức khóc, chúng ta biết Đức Giê-hô-va cũng rất đau lòng khi thấy chúng ta rơi lệ vì buồn rầu (Thi 56:8). Chẳng phải điều đó khiến anh chị muốn đến gần hơn với Đức Chúa Trời đầy lòng trắc ẩn sao?
15. Như được ghi nơi Giăng 11:41-44, điều gì xảy ra tại mộ của La-xa-rơ? (Cũng xem hình).
15 Đọc Giăng 11:41-44. Chúa Giê-su đến mộ của La-xa-rơ và bảo người ở đó lăn hòn đá ra khỏi cửa mộ. Ma-thê phản đối bằng cách nói rằng hẳn xác lúc đó đã bốc mùi. Chúa Giê-su đáp lại: “Chẳng phải tôi đã nói với chị là nếu chị tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao?” (Giăng 11:39, 40). Chúa Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện trước mặt mọi người. Ngài muốn quy cho Đức Giê-hô-va mọi sự vinh hiển về điều sắp xảy ra. Rồi Chúa Giê-su kêu lớn tiếng: “La-xa-rơ, hãy đi ra!”. La-xa-rơ bước ra khỏi mộ! Chúa Giê-su đã làm một điều mà một số người nghĩ rằng không thể xảy ra. c
16. Lời tường thuật nơi Giăng chương 11 củng cố đức tin của chúng ta như thế nào nơi hy vọng về sự sống lại?
16 Lời tường thuật nơi Giăng chương 11 củng cố đức tin của chúng ta nơi hy vọng về sự sống lại. Như thế nào? Hãy nhớ những lời mà Chúa Giê-su đã hứa với Ma-thê: “Em trai chị sẽ sống lại” (Giăng 11:23). Giống như Cha ngài, Chúa Giê-su có ước muốn và quyền năng để thực hiện lời hứa đó. Việc ngài khóc cho thấy ngài rất mong muốn đảo ngược sự chết và nỗi đau mà nó gây ra. Hơn nữa, lúc La-xa-rơ bước ra khỏi mộ, một lần nữa Chúa Giê-su cho thấy ngài có quyền năng làm người chết sống lại. Cũng hãy nghĩ đến những lời mà Chúa Giê-su đã nhắc Ma-thê: “Chẳng phải tôi đã nói với chị là nếu chị tin thì sẽ thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời sao?” (Giăng 11:40). Chúng ta có những lý do chính đáng để tin rằng lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống lại sẽ trở thành hiện thực. Nhưng chúng ta có thể làm gì để hy vọng này có thật hơn đối với mình?
LÀM THẾ NÀO ĐỂ HY VỌNG VỀ SỰ SỐNG LẠI CÓ THẬT HƠN ĐỐI VỚI CHÚNG TA?
17. Chúng ta nên ghi nhớ điều gì khi đọc những lời tường thuật về sự sống lại trong Kinh Thánh?
17 Đọc và suy ngẫm những trường hợp được sống lại trong quá khứ. Kinh Thánh nhắc đến tám trường hợp được làm cho sống lại để sống trên đất. d Hãy xem xét kỹ mỗi lời tường thuật. Khi làm thế, hãy nhớ rằng họ là những người có thật, gồm cả người nam, người nữ và trẻ em. Hãy rút ra những bài học cho mình. Hãy suy nghĩ làm thế nào mỗi trường hợp cho thấy Đức Chúa Trời có ước muốn và quyền năng làm người chết sống lại. Trên hết, hãy suy ngẫm về sự sống lại quan trọng nhất, đó là của Chúa Giê-su. Hãy nhớ rằng sự sống lại của ngài được xác nhận bởi hàng trăm người chứng kiến và là nền tảng vững chắc cho đức tin của chúng ta.—1 Cô 15:3-6, 20-22.
18. Làm thế nào để tận dụng những bài hát nói đến hy vọng về sự sống lại? (Cũng xem chú thích).
18 Tận dụng “những bài thánh ca” nói đến hy vọng về sự sống lại e (Ê-phê 5:19). Những bài hát này làm cho sự sống lại có thật hơn đối với chúng ta và củng cố đức tin của mình nơi hy vọng quý báu này. Hãy nghe, tập hát và thảo luận ý nghĩa của lời bài hát trong buổi thờ phượng của gia đình. Hãy khắc ghi lời bài hát vào lòng và trí. Rồi nếu anh chị phải đối mặt với thử thách đe dọa mạng sống hoặc mất người thân, thần khí của Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị nhớ lại những bài hát này hầu anh chị được an ủi và thêm sức.
19. Chúng ta có thể hình dung điều gì về sự sống lại? (Xem khung “ Anh chị sẽ hỏi họ điều gì?”)
19 Dùng trí tưởng tượng. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta khả năng hình dung mình trong thế giới mới. Một chị cho biết: “Tôi dành nhiều thời gian hình dung mình trong thế giới mới đến mức như thể tôi ngửi được mùi thơm của hoa hồng trong địa đàng”. Hãy hình dung anh chị được gặp những người nam và nữ trung thành từ thời Kinh Thánh. Anh chị trông mong được gặp ai? Anh chị sẽ hỏi họ những câu hỏi nào? Cũng hãy tưởng tượng anh chị được đoàn tụ với những người thân yêu đã qua đời. Hãy hình dung cuộc gặp gỡ đó sẽ như thế nào, chẳng hạn những lời nói đầu tiên, cái ôm nồng ấm, những giọt lệ vui mừng.
20. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?
20 Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì đã ban lời hứa về sự sống lại! Chúng ta có thể tin chắc rằng lời hứa này sẽ trở thành hiện thực vì Đức Giê-hô-va có ước muốn và quyền năng để thực hiện. Hãy quyết tâm tiếp tục củng cố đức tin nơi hy vọng quý báu này. Khi làm thế, chúng ta sẽ càng đến gần với Đức Chúa Trời, là đấng như thể hứa với mỗi chúng ta: “Người thân của con sẽ sống lại!”.
BÀI HÁT 147 Sự sống vĩnh cửu được hứa trước
a Nếu anh chị từng mất người thân, hẳn lời hứa về sự sống lại an ủi anh chị rất nhiều. Nhưng anh chị sẽ giải thích thế nào cho người khác về lý do mình tin lời hứa đó? Và anh chị có thể làm gì để hy vọng về sự sống lại có thật hơn đối với mình? Bài này được biên soạn nhằm giúp tất cả chúng ta củng cố đức tin nơi hy vọng về sự sống lại.
b Video âm nhạc này có nhan đề Tựa như trước mắt và có trong chương trình kênh truyền thông tháng 11 năm 2016.
c Xem “Tại sao Chúa Giê-su phải mất bốn ngày mới đến được mộ của La-xa-rơ?” trong Tháp Canh ngày 1-1-2008.
d Xem khung “Kinh Thánh tường thuật về tám trường hợp được sống lại” trong Tháp Canh ngày 1-8-2015, trg 4.
e Xem những bài hát sau trong sách Vui mừng ca hát cho Đức Giê-hô-va: “Hình dung cuộc sống bạn trong thế giới mới” (bài hát 139), “Hãy đặt phần thưởng trước mặt luôn!” (bài hát 144) và “Chúa sẽ gọi” (bài hát 151). Cũng xem những bài hát đặc sắc sau trên jw.org: “Tựa như trước mắt”, “Địa đàng ta trông mong” và “Bạn sẽ thấy”.