Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 19

Làm sao để củng cố đức tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va về thế giới mới?

Làm sao để củng cố đức tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va về thế giới mới?

“Điều [Đức Giê-hô-va] phán, ngài sẽ chẳng thi hành sao?”​—DÂN 23:19.

BÀI HÁT 142 Nắm chặt hy vọng của chúng ta

GIỚI THIỆU a

1, 2. Chúng ta cần làm gì trong khi chờ đợi thế giới mới?

 Chúng ta rất quý trọng lời hứa của Đức Giê-hô-va là sẽ thay thế thế gian này bằng một thế giới mới công chính (2 Phi 3:13). Chúng ta không biết khi nào thế giới mới sẽ trở thành hiện thực, nhưng những gì đang xảy ra hiện nay cho thấy chúng ta không còn phải đợi lâu nữa.—Mat 24:32-34, 36; Công 1:7.

2 Từ nay cho đến lúc đó, dù ở trong chân lý bao lâu, tất cả chúng ta đều cần củng cố đức tin nơi lời hứa ấy. Tại sao? Vì ngay cả đức tin mạnh cũng có thể suy yếu. Thật vậy, sứ đồ Phao-lô gọi việc thiếu đức tin là “tội lỗi khiến chúng ta dễ vướng mắc” (Hê 12:1). Để đức tin không bị suy yếu, chúng ta cần thường xuyên xem lại bằng chứng cho thấy thế giới mới sắp trở thành hiện thực.—Hê 11:1.

3. Bài này sẽ thảo luận điều gì?

3 Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận ba cách để củng cố đức tin nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va về thế giới mới: (1) suy ngẫm về giá chuộc, (2) nghĩ đến quyền năng của Đức Giê-hô-va và (3) dành thời gian cho các hoạt động thiêng liêng. Rồi chúng ta sẽ xem làm thế nào thông điệp của Đức Giê-hô-va dành cho Ha-ba-cúc củng cố đức tin của mình ngày nay. Nhưng trước hết, hãy xem một số tình huống mà chúng ta có thể đang đối mặt và đòi hỏi có đức tin mạnh nơi lời hứa về thế giới mới sắp đến.

NHỮNG TÌNH HUỐNG ĐÒI HỎI CÓ ĐỨC TIN MẠNH

4. Những quyết định nào đòi hỏi có đức tin mạnh?

4 Mỗi ngày, chúng ta đưa ra những quyết định đòi hỏi có đức tin mạnh. Chẳng hạn, chúng ta quyết định những điều liên quan đến bạn bè, giải trí, học vấn, hôn nhân, con cái và công việc ngoài đời. Hãy tự hỏi: “Những lựa chọn của mình có cho thấy mình tin chắc thế gian này là tạm thời và sắp được thay thế bằng thế giới mới không? Hay những lựa chọn của mình bị ảnh hưởng bởi những người sống như thể đời sống này chỉ có thế thôi?” (Mat 6:19, 20; Lu 12:16-21). Chúng ta sẽ đưa ra những quyết định tốt nhất nếu củng cố niềm tin chắc rằng thế giới mới đã gần kề.

5, 6. Tại sao cần đức tin mạnh khi gặp nghịch cảnh? Hãy minh họa.

5 Chúng ta cũng đương đầu với những thử thách đòi hỏi có đức tin mạnh. Có thể chúng ta phải đương đầu với sự ngược đãi, bệnh kinh niên hoặc những vấn đề khác khiến mình nản lòng. Lúc đầu, có lẽ chúng ta quyết tâm chịu đựng thử thách. Nhưng nếu thử thách kéo dài, và thường là như vậy, chúng ta sẽ cần có đức tin mạnh để chịu đựng và tiếp tục có niềm vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.—Rô 12:12; 1 Phi 1:6, 7.

6 Trong khi đương đầu với thử thách, chúng ta có thể cảm thấy như thế giới mới sẽ không bao giờ đến. Phải chăng điều này có nghĩa là đức tin của mình yếu? Không nhất thiết. Hãy xem một minh họa. Trong mùa đông dài rét buốt, chúng ta có thể cảm thấy rằng mùa hè sẽ không bao giờ tới. Nhưng mùa hè rồi cũng tới. Tương tự, khi rất nản lòng, chúng ta có thể cảm thấy rằng thế giới mới sẽ không bao giờ đến. Tuy nhiên, nếu có đức tin mạnh, chúng ta biết những lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ trở thành hiện thực (Thi 94:3, 14, 15; Hê 6:17-19). Khi có lòng tin chắc như thế, chúng ta có thể tiếp tục đặt việc thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống.

7. Chúng ta cần cảnh giác trước thái độ nào?

7 Hãy xem một khía cạnh khác đòi hỏi có đức tin mạnh, đó là công việc rao giảng. Nhiều người mà chúng ta rao giảng nghĩ rằng “tin mừng” về thế giới mới sắp đến là điều không thực tế (Mat 24:14; Ê-xê 33:32). Chúng ta không bao giờ muốn để thái độ đa nghi của họ ảnh hưởng đến mình. Để tránh điều đó, chúng ta cần tiếp tục củng cố đức tin. Hãy xem ba cách giúp mình làm thế.

SUY NGẪM VỀ GIÁ CHUỘC

8, 9. Làm thế nào việc suy ngẫm về giá chuộc củng cố đức tin của chúng ta?

8 Một cách để củng cố đức tin là suy ngẫm về giá chuộc. Giá chuộc đảm bảo rằng các lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ trở thành hiện thực. Khi suy nghĩ về lý do giá chuộc được cung cấp và việc cung cấp giá chuộc bao hàm những gì, chúng ta càng tin chắc là lời hứa về sự sống vĩnh cửu trong một thế giới tốt đẹp hơn chắc chắn sẽ thành sự thật. Tại sao có thể nói như thế?

9 Hãy thử nghĩ: Việc cung cấp giá chuộc bao hàm những gì? Đức Giê-hô-va đã phái Con đầu lòng yêu dấu và thân thiết nhất với ngài từ trời xuống để sinh ra là người hoàn hảo. Khi còn sống trên đất, Chúa Giê-su đã chịu mọi loại thử thách. Rồi ngài bị hành hạ và chịu cái chết đau đớn. Đức Giê-hô-va quả đã trả một giá rất cao! Đức Chúa Trời yêu thương sẽ không bao giờ để Con ngài chịu khổ và chết chỉ để chúng ta có đời sống tốt hơn trong một thời gian ngắn (Giăng 3:16; 1 Phi 1:18, 19). Vì đã trả một giá rất cao nên Đức Giê-hô-va sẽ đảm bảo sao cho chúng ta có thể hưởng đời sống bất tận trong thế giới mới.

NGHĨ ĐẾN QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

10. Theo Ê-phê-sô 3:20, Đức Giê-hô-va có khả năng làm gì?

10 Cách thứ hai để củng cố đức tin là nghĩ đến quyền năng của Đức Giê-hô-va. Ngài có quyền năng thực hiện mọi điều ngài hứa. Đúng là đối với nhiều người, sự sống vĩnh cửu trong một thế giới mới là điều không thể xảy ra. Nhưng Đức Giê-hô-va nhiều lần hứa những điều mà con người không thể nào thực hiện. Suy cho cùng, ngài là Đức Chúa Trời Toàn Năng (Gióp 42:2; Mác 10:27). Thế nên, không lạ gì khi những điều ngài hứa là những việc kỳ diệu!—Đọc Ê-phê-sô 3:20.

11. Hãy nêu một ví dụ về lời hứa phi thường của Đức Giê-hô-va. (Xem khung “ Một số lời hứa phi thường đã được ứng nghiệm”).

11 Hãy xem một số điều dường như không thể xảy ra mà Đức Giê-hô-va đã hứa với dân ngài trong quá khứ. Ngài đảm bảo với Áp-ra-ham và Sa-ra rằng họ sẽ có một con trai trong lúc tuổi già (Sáng 17:15-17). Ngài cũng cho Áp-ra-ham biết con cháu ông sẽ nhận được xứ Ca-na-an. Trong khoảng thời gian nhiều năm mà con cháu ông là dân Y-sơ-ra-ên làm nô lệ ở Ai Cập, có vẻ như lời hứa ấy sẽ không bao giờ thành hiện thực. Nhưng nó đã xảy ra. Sau này, Đức Giê-hô-va cho biết Ê-li-sa-bét sẽ có một con trai dù đã cao tuổi. Ngài cũng báo cho người nữ đồng trinh Ma-ri rằng cô sẽ sinh ra chính Con của ngài. Điều này làm ứng nghiệm lời ngài đã hứa hàng ngàn năm trước trong vườn Ê-đen.—Sáng 3:15.

12. Giô-suê 23:14 và Ê-sai 55:10, 11 đảm bảo điều gì về quyền năng của Đức Giê-hô-va?

12 Khi suy ngẫm về mọi điều Đức Giê-hô-va hứa và đã thực hiện, chúng ta càng tin chắc ngài có quyền năng để mang lại thế giới mới. (Đọc Giô-suê 23:14; Ê-sai 55:10, 11). Nhờ thế, chúng ta được trang bị tốt hơn để giúp người khác nhận ra lời hứa về thế giới mới không phải là giấc mơ hoặc chuyện viển vông. Chính Đức Giê-hô-va đã tuyên bố điều này khi nói về trời mới và đất mới: “Những lời ấy là trung tín và chân thật”.—Khải 21:1, 5.

BẬN RỘN VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG THIÊNG LIÊNG

BUỔI NHÓM HỌP

Hoạt động thiêng liêng này có thể củng cố đức tin của anh chị như thế nào? (Xem đoạn 13)

13. Các buổi nhóm họp giúp củng cố đức tin của chúng ta như thế nào? Hãy giải thích.

13 Cách thứ ba để củng cố đức tin là dành thời gian cho các hoạt động thiêng liêng. Chẳng hạn, hãy xem chúng ta nhận được lợi ích thế nào từ các buổi nhóm họp. Chị Anna đã tham gia những khía cạnh khác nhau của thánh chức trọn thời gian trong nhiều thập kỷ. Chị cho biết: “Các buổi nhóm họp giúp đức tin tôi vững vàng, không lay chuyển. Ngay cả nếu diễn giả bị hạn chế phần nào trong khả năng dạy dỗ hoặc không nói điều gì mới, tôi thường nghe được điểm nào đó giúp mình hiểu rõ hơn một sự thật trong Kinh Thánh, và điều đó củng cố đức tin của tôi”. b Đức tin của chúng ta cũng có thể được củng cố khi nghe những lời bình luận của các anh chị trong buổi nhóm họp.—Rô 1:11, 12; 10:17.

THÁNH CHỨC RAO GIẢNG

Hoạt động thiêng liêng này có thể củng cố đức tin của anh chị như thế nào? (Xem đoạn 14)

14. Thánh chức củng cố đức tin của chúng ta như thế nào?

14 Đức tin của chúng ta cũng được củng cố khi tham gia thánh chức rao giảng (Hê 10:23). Chị Barbara đã phụng sự trong hơn 70 năm cho biết: “Tôi nhận thấy công việc rao giảng luôn củng cố đức tin của tôi. Càng nói với người khác về những lời hứa tuyệt vời của Đức Giê-hô-va, đức tin của tôi càng vững mạnh”.

HỌC HỎI CÁ NHÂN

Hoạt động thiêng liêng này có thể củng cố đức tin của anh chị như thế nào? (Xem đoạn 15)

15. Việc học hỏi cá nhân củng cố đức tin của chúng ta như thế nào? (Cũng xem hình).

15 Hãy xem một hoạt động thiêng liêng khác củng cố đức tin của chúng ta, đó là học hỏi cá nhân. Chị Susan thấy điều hữu ích là có lịch trình cho những buổi học. Chị cho biết: “Vào Chủ Nhật, tôi soạn Phần học Tháp Canh cho tuần sau. Vào thứ Hai và thứ Ba, tôi chuẩn bị cho buổi họp giữa tuần. Trong những ngày còn lại, tôi sẽ nghiên cứu những đề tài khác để học hỏi cá nhân”. Nhờ duy trì chương trình học hỏi đều đặn, chị Susan tiếp tục xây dựng đức tin của mình. Chị Irene đã phụng sự tại trụ sở trung ương trong nhiều thập kỷ nhận thấy việc học hỏi lời tiên tri trong Kinh Thánh giúp chị củng cố đức tin. Chị nói: “Tôi kinh ngạc khi thấy những lời tiên tri của Đức Giê-hô-va được ứng nghiệm đến từng chi tiết nhỏ nhất”. c

“NÓ CHẮC CHẮN SẼ THÀNH SỰ THẬT”

16. Tại sao lời đảm bảo mà Đức Giê-hô-va nói với Ha-ba-cúc có ý nghĩa với chúng ta ngày nay? (Hê-bơ-rơ 10:36, 37)

16 Một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã chờ đợi sự kết thúc của thế gian này trong một thời gian dài. Theo quan điểm con người, Đức Chúa Trời có vẻ chậm trễ trong việc thực hiện lời hứa của ngài. Đức Giê-hô-va hiểu điều này nên ngài đã đảm bảo với nhà tiên tri Ha-ba-cúc: “Khải tượng còn phải xảy ra đúng kỳ định, nó tiến nhanh đến chỗ ứng nghiệm, không hề sai. Dù nó chậm tới, hãy luôn trông đợi! Vì nó chắc chắn sẽ thành sự thật, không chậm trễ đâu!” (Ha-ba 2:3). Có phải Đức Chúa Trời nói lời đảm bảo ấy chỉ vì lợi ích của Ha-ba-cúc không? Hay những lời của ngài có ý nghĩa với chúng ta ngày nay? Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để áp dụng những lời ấy cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô, là những người đang trông mong thế giới mới. (Đọc Hê-bơ-rơ 10:36, 37). Thật vậy, chúng ta có thể tin chắc rằng ngay cả nếu sự giải cứu có vẻ chậm tới, thì “nó chắc chắn sẽ thành sự thật, không chậm trễ đâu!”.

17. Một chị đã áp dụng thế nào lời khuyên mà Đức Giê-hô-va dành cho Ha-ba-cúc?

17 Nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã áp dụng lời khuyên của ngài về việc “luôn trông đợi”, thậm chí trong nhiều thập kỷ. Chẳng hạn, chị Louise bắt đầu phụng sự Đức Giê-hô-va vào năm 1939. Chị nói: “Vào lúc đó, tôi nghĩ Ha-ma-ghê-đôn sẽ đến trước khi tôi học xong lớp 12. Nhưng điều đó không xảy ra. Trong suốt thời gian qua, điều tôi thấy hữu ích là đọc những lời tường thuật mà tôi gọi là ‘lời tường thuật chờ đợi’, là những câu chuyện về Nô-ê, Áp-ra-ham, Giô-sép và những người khác. Họ đã phải chờ đợi một thời gian dài trước khi nhận được phần thưởng mà Đức Giê-hô-va hứa. Nhờ luôn trông đợi, tôi và người khác tập trung vào việc thế giới mới đã gần kề”. Nhiều anh chị thờ phượng Đức Giê-hô-va lâu năm cũng đồng ý với điều đó!

18. Việc quan sát công trình sáng tạo củng cố đức tin của chúng ta nơi thế giới mới như thế nào?

18 Đúng là thế giới mới chưa tới; nhưng hãy nghĩ đến một số điều hiện đang có, chẳng hạn các vì sao, cây cối, loài vật và con người. Không ai nghi ngờ những điều này là có thật, dù có một thời gian những điều đó không hiện hữu. Những điều đó chỉ hiện hữu nhờ được Đức Giê-hô-va tạo nên (Sáng 1:1, 26, 27). Ngài cũng có ý định thiết lập một thế giới mới, và ngài sẽ thực hiện ý định đó. Trong thế giới mới, người ta sẽ được vui hưởng sự sống vĩnh cửu và có sức khỏe hoàn hảo. Vào đúng kỳ định của Đức Chúa Trời, thế giới mới sẽ trở thành hiện thực và có thật giống như vũ trụ xung quanh chúng ta ngày nay.—Ê-sai 65:17; Khải 21:3, 4.

19. Anh chị có thể củng cố đức tin bằng cách nào?

19 Từ nay cho đến lúc đó, hãy tận dụng mọi cơ hội để củng cố đức tin của anh chị. Hãy xây dựng lòng biết ơn đối với giá chuộc. Hãy nghĩ đến quyền năng của Đức Giê-hô-va. Hãy bận rộn với các hoạt động thiêng liêng. Khi làm thế, anh chị có thể ở trong số “những người nhờ đức tin và lòng kiên nhẫn mà được thừa hưởng các lời hứa của Đức Chúa Trời”.—Hê 6:11, 12; Rô 5:5.

BÀI HÁT 139 Hình dung cuộc sống bạn trong thế giới mới

a Nhiều người ngày nay không tin lời hứa của Kinh Thánh về thế giới mới. Họ nghĩ đó chỉ là giấc mơ, chuyện ảo tưởng và là điều không thể nào xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta tin chắc mọi lời hứa của Đức Giê-hô-va sẽ thành hiện thực. Dù thế, chúng ta vẫn cần nỗ lực để tiếp tục củng cố đức tin. Bằng cách nào? Bài này sẽ giải thích.

b Một số tên đã được thay đổi.

c Anh chị có thể tìm được nhiều bài nói về lời tiên tri Kinh Thánh trong Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va, dưới đề tài “Kinh Thánh”, rồi vào chủ đề “Lời tiên tri”. Chẳng hạn, xem bài “Những điều Đức Giê-hô-va báo trước đều thành hiện thực” trong Tháp Canh ngày 1-1-2008.