Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 15

BÀI HÁT 124 Luôn trung thành

Củng cố lòng quý trọng đối với tổ chức của Đức Giê-hô-va

Củng cố lòng quý trọng đối với tổ chức của Đức Giê-hô-va

“Hãy nhớ những người đang dẫn đầu trong vòng anh em, là những người đã giảng lời Đức Chúa Trời cho mình”.HÊ 13:7.

TRỌNG TÂM

Cách để củng cố và duy trì lòng quý trọng của chúng ta đối với tổ chức của Đức Giê-hô-va.

1. Dân của Đức Giê-hô-va vào thế kỷ thứ nhất được tổ chức như thế nào?

 Mỗi khi giao nhiệm vụ cho dân ngài, Đức Giê-hô-va muốn họ thực hiện nhiệm vụ ấy một cách có tổ chức (1 Cô 14:33). Chẳng hạn, ý muốn của Đức Chúa Trời là tin mừng được rao truyền khắp đất (Mat 24:14). Đức Giê-hô-va đã giao cho Chúa Giê-su phụ trách công việc này. Chúa Giê-su đảm bảo công việc rao giảng được thi hành một cách có tổ chức. Vào thế kỷ thứ nhất, khi các hội thánh được thành lập ở nhiều nơi, trưởng lão được bổ nhiệm để dẫn đầu và đưa ra chỉ dẫn (Công 14:23). Ở Giê-ru-sa-lem, một hội đồng trung ương gồm các sứ đồ và trưởng lão đã đưa ra những quyết định để tất cả các hội thánh vâng theo (Công 15:2; 16:4). Nhờ làm theo những chỉ dẫn nhận được, “các hội thánh tiếp tục vững mạnh về đức tin và số người tin đạo ngày càng gia tăng”.—Công 16:5.

2. Kể từ năm 1919, Đức Giê-hô-va cung cấp sự hướng dẫn và thức ăn thiêng liêng bằng cách nào?

2 Ngày nay, Đức Giê-hô-va tiếp tục tổ chức dân ngài. Kể từ năm 1919, dưới sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su dùng một nhóm nhỏ gồm những anh được xức dầu để tổ chức công việc rao giảng và cung cấp thức ăn thiêng liêng cho các môn đồ ngài a (Lu 12:42). Chúng ta thấy rõ là Đức Giê-hô-va đang ban phước cho công việc của nhóm ấy.—Ê-sai 60:22; 65:13, 14.

3, 4. (a) Hãy nêu ví dụ về lợi ích chúng ta nhận được nhờ có sự tổ chức. (b) Bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Nếu không được tổ chức, chúng ta không thể thi hành công việc mà Chúa Giê-su đã giao (Mat 28:19, 20). Chẳng hạn, nếu không có chỉ định về khu vực và ai muốn rao giảng ở đâu tùy ý thì sao? Một số khu vực sẽ được các anh chị công bố rao giảng hết lần này đến lần khác, còn những khu vực khác thì không có ai rao giảng. Anh chị có thể nghĩ đến những lợi ích khác mà chúng ta nhận được nhờ có sự tổ chức không?

4 Những gì Chúa Giê-su làm khi ở trên đất là khuôn mẫu về cách ngài tổ chức chúng ta ngày nay. Bài này sẽ xem xét gương mẫu của Chúa Giê-su và cách mà tổ chức của chúng ta noi gương ngài. Cũng hãy xem làm thế nào để cho thấy mình quý trọng tổ chức của Đức Giê-hô-va.

TỔ CHỨC CỦA CHÚNG TA NOI GƯƠNG CHÚA GIÊ-SU

5. Một cách mà tổ chức của chúng ta noi gương Chúa Giê-su là gì? (Giăng 8:28)

5 Chúa Giê-su học từ Cha trên trời về điều phải nói và làm. Noi gương Chúa Giê-su, tổ chức của Đức Giê-hô-va dựa trên Lời Đức Chúa Trời để đưa ra chỉ dẫn và những sự dạy dỗ về đạo đức. (Đọc Giăng 8:28; 2 Ti 3:16, 17). Chúng ta thường được khuyên là đọc và áp dụng Lời ngài. Khi làm theo lời khuyên ấy, chúng ta nhận được lợi ích nào?

6. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi học Kinh Thánh với sự giúp đỡ của các ấn phẩm?

6 Chúng ta nhận được rất nhiều lợi ích khi học hỏi Kinh Thánh với sự giúp đỡ của các ấn phẩm. Chẳng hạn, chúng ta có thể so sánh sự dạy dỗ trong Kinh Thánh với những chỉ dẫn mình nhận được qua các ấn phẩm của tổ chức. Khi nhận ra những chỉ dẫn ấy đều dựa trên Kinh Thánh, chúng ta càng tin cậy tổ chức của Đức Giê-hô-va hơn.—Rô 12:2.

7. Chúa Giê-su rao truyền thông điệp nào, và tổ chức Đức Giê-hô-va noi gương ngài ra sao?

7 Chúa Giê-su rao truyền “tin mừng về Nước Đức Chúa Trời” (Lu 4:43, 44). Ngài cũng lệnh cho các môn đồ rao giảng về Nước Trời (Lu 9:1, 2; 10:8, 9). Ngày nay, tất cả những ai thuộc về tổ chức Đức Giê-hô-va đều rao giảng thông điệp Nước Trời, bất kể họ sống ở đâu hoặc có nhiều trách nhiệm thế nào trong tổ chức.

8. Chúng ta được ban cho đặc ân nào?

8 Thật là đặc ân khi được chia sẻ chân lý về Nước Trời với người khác! Không phải ai cũng có đặc ân này. Chẳng hạn, khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su không cho phép các ác thần làm chứng về ngài (Lu 4:41). Ngày nay, trước khi tham gia thánh chức với dân của Đức Giê-hô-va, một người phải hội đủ điều kiện để làm công việc này. Chúng ta cho thấy mình rất quý trọng đặc ân ấy qua việc làm chứng mọi nơi và mọi lúc có thể. Giống như Chúa Giê-su, mục tiêu của chúng ta là trồng và tưới hạt giống Nước Trời trong lòng người ta.—Mat 13:3, 23; 1 Cô 3:6.

9. Tổ chức của chúng ta cho mọi người biết danh Đức Chúa Trời bằng cách nào?

9 Chúa Giê-su cho mọi người biết danh Đức Chúa Trời. Trong lời cầu nguyện với Cha trên trời, ngài nói: “Con đã cho họ biết danh Cha” (Giăng 17:26). Noi gương Chúa Giê-su, tổ chức của Đức Giê-hô-va làm mọi điều có thể để giúp người khác biết đến danh Đức Chúa Trời. Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới đóng vai trò quan trọng trong việc này bằng cách khôi phục danh Đức Chúa Trời vào đúng chỗ. Bản dịch này hiện có trọn bộ hoặc từng phần trong hơn 270 ngôn ngữ. Trong Phụ lục A4A5 của bản dịch, anh chị sẽ thấy thông tin về việc khôi phục danh Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh. Phụ lục A5 cũng cho thấy có cơ sở vững chắc để khôi phục danh ngài trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp.

10. Anh chị học được gì từ lời của một phụ nữ sống ở Myanmar?

10 Như Chúa Giê-su, chúng ta muốn giúp càng nhiều người càng tốt biết đến danh Đức Chúa Trời. Khi biết Đức Chúa Trời có tên riêng, một phụ nữ 67 tuổi sống ở Myanmar cảm động đến rơi lệ. Bà nói với người dạy Kinh Thánh: “Lần đầu tiên bác nghe Đức Chúa Trời có danh là Giê-hô-va… Cháu đã dạy bác điều quan trọng nhất trong đời”. Như kinh nghiệm này cho thấy, biết danh Đức Chúa Trời có thể tác động mạnh mẽ đến người có lòng thành.

TIẾP TỤC THỂ HIỆN LÒNG QUÝ TRỌNG ĐỐI VỚI TỔ CHỨC

11. Làm thế nào các trưởng lão cho thấy họ quý trọng tổ chức của Đức Giê-hô-va? (Cũng xem hình).

11 Một cách mà các trưởng lão cho thấy họ quý trọng tổ chức của Đức Chúa Trời là gì? Khi nhận được chỉ dẫn, họ cần đọc kỹ và cố gắng hết sức để áp dụng. Chẳng hạn, họ không những nhận được chỉ dẫn về cách trình bày các phần trong buổi nhóm họp và cầu nguyện trước hội thánh, mà còn về cách chăm sóc chiên của Đấng Ki-tô. Nhờ làm theo chỉ dẫn của tổ chức, các trưởng lão giúp chiên cảm thấy được an toàn và yêu thương.

Các trưởng lão giúp chúng ta quý trọng chỉ dẫn đến từ tổ chức Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 11) b


12. (a) Tại sao chúng ta nên hợp tác với các anh dẫn đầu? (Hê-bơ-rơ 13:7, 17) (b) Tại sao chúng ta nên tập trung vào ưu điểm của các anh dẫn đầu?

12 Khi nhận được chỉ dẫn từ các trưởng lão, chúng ta nên sẵn sàng làm theo. Nhờ thế, chúng ta giúp các anh dẫn đầu dễ thực hiện công việc của mình hơn. Kinh Thánh khuyến khích chúng ta vâng lời và phục tùng các anh dẫn đầu. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:7, 17). Đôi khi làm thế không dễ. Tại sao? Vì họ là người bất toàn. Tuy nhiên, nếu tập trung vào khuyết điểm thay vì ưu điểm của họ thì thật ra chúng ta đang giúp những kẻ thù. Theo nghĩa nào? Lòng tin cậy của chúng ta nơi tổ chức của Đức Giê-hô-va sẽ suy giảm, đúng với mục tiêu của những kẻ chống đối. Chúng ta có thể làm gì để nhận ra và bác bỏ những lời tuyên truyền giả dối của kẻ thù?

ĐỪNG ĐỂ NGƯỜI KHÁC LÀM SUY YẾU LÒNG QUÝ TRỌNG CỦA ANH CHỊ

13. Những kẻ thù của Đức Chúa Trời cố bôi nhọ tổ chức của ngài như thế nào?

13 Những kẻ chống đối cố làm cho các điểm tích cực của tổ chức Đức Giê-hô-va có vẻ tiêu cực. Chẳng hạn, Kinh Thánh dạy chúng ta là Đức Giê-hô-va muốn những người thờ phượng ngài thanh sạch về thể chất, đạo đức và thiêng liêng. Ngài đòi hỏi phải loại trừ khỏi hội thánh bất cứ ai theo đường lối ô uế mà không ăn năn (1 Cô 5:11-13; 6:9, 10). Chúng ta vâng theo mệnh lệnh này của Kinh Thánh. Nhưng những kẻ chống đối dựa vào đó để cáo buộc chúng ta là không khoan dung, thiếu yêu thương và hay xét đoán người khác.

14. Ai là nguồn của những chuyện bịa đặt về tổ chức?

14 Nhận ra nguồn của sự tấn công. Sa-tan Ác Quỷ đứng đằng sau những chuyện bịa đặt. Hắn là “cha sự nói dối” (Giăng 8:44; Sáng 3:1-5). Vì thế, không ngạc nhiên gì khi Sa-tan dùng những kẻ theo phe hắn để lan truyền những chuyện bịa đặt về tổ chức của Đức Giê-hô-va. Điều này được thấy rõ vào thế kỷ thứ nhất.

15. Các nhà lãnh đạo tôn giáo đã làm gì với Chúa Giê-su và các môn đồ ngài?

15 Dù Chúa Giê-su là người hoàn hảo và làm nhiều phép lạ tuyệt vời, nhưng những kẻ theo phe Sa-tan đã lan truyền nhiều lời nói dối về ngài. Chẳng hạn, các nhà lãnh đạo tôn giáo nói với dân chúng rằng ngài đuổi quỷ nhờ quyền năng của “chúa quỷ” (Mác 3:22). Khi Chúa Giê-su bị xét xử, các nhà lãnh đạo tôn giáo cáo buộc ngài tội phạm thượng và kích động đám đông để họ đòi xử tử ngài (Mat 27:20). Sau đó, khi các môn đồ của Chúa Giê-su rao giảng tin mừng, những kẻ chống đối đã “kích động [người ta] và khiến họ có ác cảm” để họ bắt bớ các tín đồ này (Công 14:2, 19). Nói về Công vụ 14:2, Tháp Canh ngày 1-12-1998 giải thích: “Một mình bác bỏ thông điệp không đủ, những người Do Thái chống đối còn lao vào chiến dịch bôi nhọ, tìm cách xúi giục dân ngoại chống lại tín đồ [đạo Đấng Ki-tô]”.

16. Chúng ta nên nhớ gì nếu nghe những chuyện bịa đặt?

16 Sa-tan vẫn tiếp tục nói dối. Ngày nay, hắn vẫn “lừa gạt toàn thể dân cư trên đất” (Khải 12:9). Nếu anh chị nghe chuyện tiêu cực về tổ chức hoặc các anh dẫn đầu, hãy nhớ những kẻ thù của Đức Chúa Trời đã đối xử thế nào với Chúa Giê-su và các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất. Dân Đức Giê-hô-va thời nay đang bị ngược đãi và vu khống, đúng như Kinh Thánh báo trước (Mat 5:11, 12). Những chuyện bịa đặt sẽ không lừa gạt được chúng ta nếu chúng ta nhận ra nguồn của những thông tin ấy và hành động ngay lập tức. Chúng ta nên làm gì?

17. Làm thế nào để tránh những tai hại do chuyện bịa đặt gây ra? (2 Ti-mô-thê 1:13) (Cũng xem khung “ Cách phản ứng trước những chuyện bịa đặt”).

17 Bác bỏ những chuyện bịa đặt. Sứ đồ Phao-lô đưa ra chỉ dẫn rõ ràng về điều chúng ta phải làm nếu nghe về những chuyện bịa đặt. Ông nói với Ti-mô-thê là hãy “răn bảo một số người rằng họ không được… chú ý đến những chuyện bịa đặt” và phải “bác bỏ những chuyện bịa đặt bất kính” (1 Ti 1:3, 4; 4:7). Một em bé có thể vô tư nhặt một vật dơ trên sàn nhà rồi bỏ vào miệng, nhưng một người trưởng thành không bao giờ làm thế vì biết điều đó sẽ gây hại cho mình. Tương tự, chúng ta bác bỏ những chuyện bịa đặt vì nhận ra nguồn của thông tin đó. Thay vì nghe những chuyện như thế, chúng ta giữ chặt “sự dạy dỗ hữu ích” của chân lý.—Đọc 2 Ti-mô-thê 1:13.

18. Chúng ta có thể cho thấy mình quý trọng tổ chức của Đức Giê-hô-va bằng cách nào?

18 Chúng ta chỉ mới xem xét ba trong nhiều cách mà tổ chức của Đức Chúa Trời noi gương Chúa Giê-su. Khi anh chị học hỏi Kinh Thánh, hãy chú ý đến những cách khác mà tổ chức noi theo Chúa Giê-su. Hãy giúp những người khác trong hội thánh vun đắp lòng quý trọng đối với tổ chức. Cũng hãy tiếp tục thể hiện lòng quý trọng của anh chị bằng cách trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va và gắn bó với tổ chức mà ngài đang dùng để thi hành ý muốn của ngài (Thi 37:28). Mong sao chúng ta luôn quý trọng đặc ân mình có là được thuộc về dân trung thành và yêu thương của Đức Giê-hô-va.

ANH CHỊ TRẢ LỜI THẾ NÀO?

  • Dân Đức Chúa Trời noi gương Chúa Giê-su qua những cách nào?

  • Làm thế nào để tiếp tục thể hiện lòng quý trọng đối với tổ chức của Đức Giê-hô-va?

  • Chúng ta nên làm gì nếu nghe về những chuyện bịa đặt?

BÀI HÁT 103 Những anh chăn bầy—Món quà từ Đức Chúa Trời

a Xem khung “Tại sao là năm 1919?” trong sách Sự thờ phượng thanh sạch dành cho Đức Giê-hô-va được khôi phục! trg 102, 103.

b HÌNH ẢNH: Sau khi các trưởng lão thảo luận về việc làm chứng nơi công cộng, một giám thị nhóm truyền lại chỉ dẫn cho các công bố là họ cần đứng quay lưng sát vào tường để giữ an toàn.