BÀI HỌC 16
BÀI HÁT 64 Vui mừng tham gia mùa gặt
Làm thế nào để có thêm niềm vui trong thánh chức?
“Hãy vui mừng hầu việc Đức Giê-hô-va”.—THI 100:2.
TRỌNG TÂM
Bài này sẽ xem xét những điều chúng ta có thể làm để gia tăng niềm vui trong thánh chức.
1. Một số anh chị cảm thấy thế nào về việc rao giảng cho người lạ? (Cũng xem hình).
Là dân của Đức Giê-hô-va, chúng ta rao giảng vì yêu thương Cha trên trời và muốn giúp người khác biết về ngài. Nhiều người công bố rất thích rao giảng. Tuy nhiên, những người khác thì thấy khó tìm được niềm vui trong công việc này. Tại sao? Một số người có thể nhút nhát và thiếu tự tin. Số khác thì ngại đến nhà người ta khi không được mời. Số khác nữa sợ bị từ chối. Cũng có những người được dạy là nên tránh làm điều gây mâu thuẫn với người khác. Dù yêu thương Đức Giê-hô-va rất nhiều, những anh chị này thấy khó chia sẻ tin mừng cho người lạ. Nhưng họ nhận ra tầm quan trọng của công việc này và đều đặn tham gia. Hẳn Đức Giê-hô-va hài lòng về họ biết bao!
2. Nếu thấy khó tìm được niềm vui trong thánh chức, tại sao anh chị không nên nản lòng?
2 Đôi khi anh chị có thấy khó tìm được niềm vui trong thánh chức vì những cảm xúc như thế không? Nếu có thì đừng nản lòng. Việc anh chị thiếu tự tin có thể cho thấy anh chị khiêm nhường, không muốn thu hút sự chú ý đến bản thân và cũng không muốn gây mâu thuẫn với người khác. Ngoài ra, không ai thích bị từ chối, đặc biệt là khi đang cố gắng làm điều tốt. Cha trên trời biết rõ những thách đố mà anh chị gặp, và muốn cung cấp sự hỗ trợ cần thiết (Ê-sai 41:13). Bài này sẽ xem xét năm gợi ý về cách đối phó với những cảm xúc như thế và cách để có niềm vui trong thánh chức.
ĐỂ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI THÊM SỨC CHO ANH CHỊ
3. Điều gì giúp nhà tiên tri Giê-rê-mi rao giảng cho người khác?
3 Suốt nhiều thế kỷ, thông điệp của Đức Chúa Trời đã củng cố các tôi tớ của ngài khi họ được giao nhiệm vụ khó khăn. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của nhà tiên tri Giê-rê-mi. Ông đã do dự khi được Đức Giê-hô-va giao cho nhiệm vụ rao giảng. Giê-rê-mi nói: “Con chỉ là đứa trẻ, không biết ăn nói thế nào” (Giê 1:6). Giê-rê-mi đã vượt qua sự thiếu tự tin bằng cách nào? Ông có được sức mạnh nhờ những lời Đức Chúa Trời phán. Ông cho biết: “Lời ngài như lửa cháy, dồn nén trong xương; con mệt mỏi vì cố kìm giữ nó” (Giê 20:8, 9). Giê-rê-mi có khu vực khó khăn, nhưng thông điệp mà ông phải rao báo giúp ông có được sức mạnh cần thiết để thi hành nhiệm vụ.
4. Kết quả là gì khi chúng ta đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời? (Cô-lô-se 1:9, 10)
4 Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có được sức mạnh nhờ thông điệp trong Lời Đức Chúa Trời. Khi viết thư cho hội thánh ở Cô-lô-se, sứ đồ Phao-lô nói rằng việc hấp thu sự hiểu biết chính xác sẽ thúc đẩy anh em đồng đạo “sống xứng đáng với Đức Giê-hô-va” bằng cách “sinh hoa kết quả trong mọi việc lành”. (Đọc Cô-lô-se 1:9, 10). Một trong những việc lành này là rao giảng tin mừng. Vậy, khi đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, chúng ta được củng cố đức tin nơi Đức Giê-hô-va và thấy rõ tầm quan trọng của việc chia sẻ thông điệp Nước Trời.
5. Làm thế nào để nhận lợi ích tối đa từ việc đọc và học hỏi Kinh Thánh?
5 Để nhận được lợi ích tối đa từ Lời Đức Chúa Trời, chúng ta cần tránh vội vàng đọc, học hỏi và suy ngẫm cho xong. Hãy dành thời gian để làm những việc này một cách kỹ lưỡng. Nếu thấy một câu Kinh Thánh khó hiểu, đừng vội bỏ qua. Thay vì thế, hãy dùng THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh hoặc Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va để tìm những lời giải thích về câu Kinh Thánh đó. Nếu dành thời gian để học hỏi kỹ lưỡng, anh chị sẽ củng cố lòng tin chắc Lời Đức Chúa Trời là chân thật (1 Tê 5:21). Càng tin chắc điều đó, anh chị sẽ càng thích chia sẻ điều mình học được với người khác.
CHUẨN BỊ KỸ CHO THÁNH CHỨC
6. Tại sao chúng ta nên chuẩn bị kỹ cho thánh chức?
6 Nếu chuẩn bị kỹ cho thánh chức, rất có thể anh chị sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi nói chuyện với người khác. Trước khi phái các môn đồ đi rao giảng, Chúa Giê-su đã giúp họ chuẩn bị (Lu 10:1-11). Vì áp dụng những điều Chúa Giê-su dạy nên các môn đồ rất vui với những gì đã làm được.—Lu 10:17.
7. Chúng ta có thể chuẩn bị cho thánh chức ra sao? (Cũng xem hình).
7 Chúng ta có thể chuẩn bị cho thánh chức ra sao? Chúng ta cần suy nghĩ làm thế nào mình có thể chia sẻ chân lý bằng lời lẽ riêng một cách hiệu quả. Điều hữu ích khác là suy nghĩ trước hai hoặc ba cách phản ứng phổ biến của những người trong khu vực và cách đáp lại trong mỗi trường hợp. Rồi khi nói chuyện với người ta, có thể chúng ta sẽ dễ thoải mái, mỉm cười và thân thiện hơn.
8. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô giống với bình bằng đất trong minh họa của Phao-lô theo nghĩa nào?
8 Sứ đồ Phao-lô nêu ra minh họa về vai trò của chúng ta trong công việc rao giảng. Ông nói: “[Chúng ta] đựng của báu ấy trong bình bằng đất” (2 Cô 4:7). Của báu ấy là gì? Đó là công việc rao giảng thông điệp Nước Trời, là công việc cứu mạng (2 Cô 4:1). Còn bình bằng đất là gì? Bình ấy tượng trưng cho tôi tớ của Đức Chúa Trời, là những người đem tin mừng đến với người ta. Vào thời Phao-lô, các nhà buôn dùng các bình bằng đất sét để vận chuyển những thứ quý giá như thức ăn, rượu và tiền. Tương tự, Đức Giê-hô-va tin tưởng giao cho chúng ta thông điệp quý giá là tin mừng. Với sự trợ giúp của ngài, chúng ta có thể có sức mạnh cần thiết để tiếp tục đem thông điệp Nước Trời đến với người ta.
CẦU XIN ĐỂ CÓ SỰ CAN ĐẢM
9. Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ loài người hoặc sợ bị từ chối? (Cũng xem hình).
9 Đôi khi, có thể chúng ta cảm thấy sợ loài người hoặc sợ bị từ chối khi đi rao giảng. Làm thế nào để vượt qua thách đố đó? Hãy nghĩ đến lời cầu nguyện của các sứ đồ khi bị cấm rao giảng. Thay vì khuất phục trước nỗi sợ, họ đã cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình “tiếp tục rao giảng lời ngài với tất cả lòng dạn dĩ”. Đức Giê-hô-va đã đáp lời cầu nguyện của họ ngay lập tức (Công 4:18, 29, 31). Nếu đôi khi cảm thấy sợ loài người, chúng ta cũng nên cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Hãy cầu xin ngài giúp mình củng cố tình yêu thương với người đồng loại để có thể chiến thắng nỗi sợ loài người.
10. Đức Giê-hô-va giúp chúng ta thế nào để hoàn thành vai trò là Nhân Chứng của ngài? (Ê-sai 43:10-12)
10 Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm chúng ta làm Nhân Chứng của ngài, và ngài hứa sẽ giúp chúng ta can đảm. (Đọc Ê-sai 43:10-12). Hãy xem bốn cách ngài làm thế. Thứ nhất, Chúa Giê-su ở cùng chúng ta mỗi khi chúng ta rao giảng tin mừng (Mat 28:18-20). Thứ hai, Đức Giê-hô-va chỉ định các thiên sứ để trợ giúp chúng ta (Khải 14:6). Thứ ba, Đức Giê-hô-va ban sự trợ giúp là thần khí thánh để giúp chúng ta nhớ lại những gì đã học (Giăng 14:25, 26). Thứ tư, ngài cung cấp anh em đồng đạo để đồng hành cùng chúng ta. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va và đoàn thể anh em đầy lòng yêu thương, chúng ta được trang bị mọi thứ mình cần để thành công trong thánh chức.
LINH ĐỘNG VÀ CÓ QUAN ĐIỂM ĐÚNG
11. Làm thế nào anh chị có thể gặp được nhiều người hơn trong thánh chức? (Cũng xem hình).
11 Anh chị có cảm thấy nản lòng khi không gặp nhiều người ở nhà không? Hãy tự hỏi: “Những người trong khu vực của mình đang ở đâu?” (Công 16:13). “Có phải họ đang đi làm hay đi mua sắm?”. Nếu thế thì anh chị có thể gặp được nhiều người hơn bằng cách làm chứng nơi công cộng không? Một anh tên là Joshua cho biết: “Tôi đã tìm được những cơ hội để rao giảng khi đi vào các trung tâm mua sắm và bãi đậu xe công cộng”. Anh và vợ là chị Bridget cũng gặp nhiều người ở nhà hơn khi đi rao giảng vào chiều tối và chiều Chủ Nhật.—Ê-phê 5:15, 16.
12. Làm thế nào chúng ta có thể biết người ta tin gì hoặc quan tâm điều gì?
12 Nếu người ta không chú ý đến thông điệp, hãy cố gắng xác định xem họ tin hoặc quan tâm đến điều gì. Vợ chồng anh Joshua dùng câu hỏi ở mặt trước của tờ chuyên đề khi nói chuyện với người ta. Chẳng hạn, khi dùng tờ chuyên đề Bạn nghĩ sao về Kinh Thánh?, họ nói: “Một số người xem Kinh Thánh là sách đến từ Đức Chúa Trời, số khác thì không. Còn ông bà nghĩ sao?”. Câu hỏi này thường mở ra một cuộc trò chuyện.
13. Tại sao chúng ta vẫn thành công trong thánh chức ngay cả khi người ta không hưởng ứng? (Châm ngôn 27:11)
13 Sự thành công của chúng ta trong thánh chức không phụ thuộc vào kết quả mà chúng ta đạt được. Tại sao? Vì chúng ta đã thực hiện điều mà Đức Giê-hô-va và Con ngài muốn, đó là làm chứng (Công 10:42). Ngay cả khi không tìm được ai để nói chuyện hoặc người ta từ chối thông điệp, chúng ta vẫn có niềm vui vì biết rằng mình đang làm hài lòng Cha trên trời.—Đọc Châm ngôn 27:11.
14. Khi người công bố khác tìm được người chú ý trong khu vực, tại sao chúng ta có thể vui mừng?
14 Chúng ta cũng có thể vui mừng khi người công bố khác tìm được người chú ý trong khu vực. Tháp Canh đã so sánh công việc rao giảng với việc tìm một đứa trẻ bị lạc. Nhiều người tham gia tìm kiếm ở khắp nơi trong khu vực. Khi tìm thấy đứa bé, mọi người đều có lý do để vui mừng, chứ không chỉ người tìm được em. Tương tự, việc đào tạo môn đồ đòi hỏi nỗ lực của cả tập thể. Cần mọi người trong hội thánh để làm chứng cặn kẽ trong khu vực, và tất cả đều vui mừng khi một người chú ý bắt đầu tham dự nhóm họp.
TẬP TRUNG VÀO TÌNH YÊU THƯƠNG DÀNH CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VÀ NGƯỜI LÂN CẬN
15. Làm thế nào việc áp dụng Ma-thi-ơ 22:37-39 giúp chúng ta nhiệt tình hơn trong thánh chức? (Cũng xem hình).
15 Chúng ta có thể gia tăng lòng nhiệt tình với công việc rao giảng bằng cách tập trung vào tình yêu thương của mình dành cho Đức Giê-hô-va và người lân cận. (Đọc Ma-thi-ơ 22:37-39). Hãy hình dung Đức Giê-hô-va vui biết bao khi thấy chúng ta làm công việc của ngài, và người ta hạnh phúc thế nào khi bắt đầu học Kinh Thánh! Cũng hãy nhớ rằng những người hưởng ứng thông điệp của chúng ta có thể được sống mãi mãi.—Giăng 6:40; 1 Ti 4:16.
16. Làm thế nào để có được niềm vui trong thánh chức khi không thể ra khỏi nhà? Hãy nêu ví dụ.
16 Có phải anh chị không thể ra khỏi nhà vì lý do nào đó không? Nếu thế, hãy tập trung vào điều anh chị có thể làm để thể hiện tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và người lân cận. Trong đại dịch COVID-19, anh Samuel và chị Dania không thể ra khỏi nhà. Suốt giai đoạn khó khăn đó, họ đều đặn làm chứng qua điện thoại, viết thư và điều khiển các cuộc học hỏi Kinh Thánh qua Zoom. Anh Samuel làm chứng cho những người mình gặp ở phòng khám mà anh đang điều trị bệnh ung thư. Anh cho biết: “Những khó khăn thử thách có thể khiến chúng ta lo lắng, mệt mỏi và yếu đi về thiêng liêng. Chúng ta cần tìm được niềm vui trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va”. Vào giai đoạn đó, chị Dania bị ngã và phải nằm liệt giường trong vòng ba tháng. Rồi chị phải ngồi xe lăn suốt sáu tháng. Chị kể: “Tôi đã cố gắng làm mọi điều trong hoàn cảnh của mình. Tôi rao giảng cho một y tá đến thăm mình, và làm chứng cho những người giao hàng tới nhà. Tôi cũng có những cuộc trò chuyện thú vị qua điện thoại với một nhân viên của công ty y tế”. Vì hoàn cảnh của mình, anh Samuel và chị Dania không thể làm nhiều như trước, nhưng họ đã làm những gì có thể và tìm được niềm vui.
17. Làm thế nào để nhận được lợi ích tối đa từ những gợi ý trong bài này?
17 Hãy cố gắng áp dụng cả năm gợi ý trong bài này để có kết quả tốt nhất. Mỗi gợi ý giống như một nguyên liệu của món ăn. Khi tất cả các nguyên liệu được kết hợp với nhau, anh chị sẽ có một món ăn thơm ngon. Nhờ áp dụng tất cả những gợi ý này, chúng ta sẽ được trang bị tốt hơn để đối phó với những cảm xúc tiêu cực và có thêm niềm vui trong thánh chức.
LÀM THẾ NÀO NHỮNG ĐIỀU SAU GIÚP ANH CHỊ CÓ THÊM NIỀM VUI TRONG THÁNH CHỨC?
-
Dành thời gian để chuẩn bị kỹ
-
Cầu xin để có sự can đảm
-
Tập trung vào tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và người lân cận
BÀI HÁT 80 “Nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay”