Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 14

BÀI HÁT 56 Tự chọn bước theo Đức Chúa Trời

“Tiến đến sự thành thục”

“Tiến đến sự thành thục”

“Hãy tiến đến sự thành thục”.HÊ 6:1.

TRỌNG TÂM

Hãy xem làm thế nào một tín đồ thành thục suy nghĩ và hành động phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời cũng như đưa ra quyết định khôn ngoan.

1. Đức Giê-hô-va đòi hỏi điều gì nơi chúng ta?

 Một trong những thời điểm hạnh phúc nhất của các cặp vợ chồng là khi con họ chào đời. Dù rất yêu thương đứa con bé bỏng, họ không muốn con mình cứ mãi là em bé. Thực tế, họ rất lo lắng nếu con không lớn lên. Tương tự, Đức Giê-hô-va rất vui khi chúng ta bắt đầu bước theo Chúa Giê-su. Nhưng ngài không muốn chúng ta cứ mãi là người non nớt về thiêng liêng (1 Cô 3:1). Thay vì thế, ngài đòi hỏi chúng ta trở nên những tín đồ “trưởng thành”.—1 Cô 14:20.

2. Bài này sẽ xem xét điều gì?

2 Trở nên tín đồ trưởng thành có nghĩa gì? Làm thế nào để tiến tới sự thành thục về thiêng liêng? Thức ăn thiêng liêng đặc đóng vai trò nào đối với sự tiến bộ của chúng ta? Và tại sao chúng ta cần tránh trở nên quá tự tin? Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi ấy.

TRỞ NÊN TÍN ĐỒ THÀNH THỤC CÓ NGHĨA GÌ?

3. Trở nên tín đồ trưởng thành có nghĩa gì?

3 Trong Kinh Thánh, từ Hy Lạp được dịch là “trưởng thành” cũng có thể có nghĩa là “thành thục”, “hoàn hảo” và “trọn vẹn” a (Ê-phê 4:13, chú thích). Chúng ta trở nên tín đồ trưởng thành khi phát triển từ người non nớt thành người thành thục về thiêng liêng. Dĩ nhiên, ngay cả khi đã đạt được mục tiêu đó, chúng ta cũng không bao giờ nên ngưng tiến bộ (1 Ti 4:15). Tất cả chúng ta, kể cả những người trẻ, có thể thành thục về thiêng liêng. Nhưng điều gì cho thấy một tín đồ đã trở nên thành thục?

4. Một tín đồ thành thục có những đặc điểm nào?

4 Tín đồ thành thục là người sống theo mọi đòi hỏi của Đức Chúa Trời, chứ không chỉ làm theo những đòi hỏi mà mình thích. Dĩ nhiên, là người bất toàn, người ấy sẽ mắc lỗi. Nhưng trong đời sống thường ngày, người ấy cho thấy mình suy nghĩ và hành động phù hợp với ý muốn của Đức Chúa Trời. Tín đồ đó đã mặc lấy nhân cách mới và luôn cố gắng để ngày càng có cùng lối suy nghĩ với Đức Chúa Trời (Ê-phê 4:22-24). Người ấy đã tự rèn luyện bản thân để đưa ra những quyết định khôn ngoan dựa trên nguyên tắc và luật pháp của Đức Giê-hô-va, nên không cần có một danh sách dài liệt kê các điều luật để biết phải làm gì. Ngoài ra, người ấy cũng có tính kỷ luật để làm theo những điều mà mình đã quyết định.—1 Cô 9:26, 27.

5. Điều gì có thể xảy ra cho một tín đồ chưa thành thục? (Ê-phê-sô 4:14, 15)

5 Mặt khác, một tín đồ chưa thành thục có thể dễ bị lừa gạt bởi “những kẻ bịp bợm dùng mưu mô xảo quyệt” và có thể bị lôi kéo bởi những kẻ bội đạo và những người lan truyền thuyết âm mưu. b (Đọc Ê-phê-sô 4:14, 15). Người ấy có thể dễ ghen ghét, gây xung đột, bị xúc phạm hoặc chiều theo cám dỗ.—1 Cô 3:3.

6. Quá trình tiến tới sự thành thục có thể được minh họa như thế nào? (Cũng xem hình).

6 Như đã đề cập ở trên, Kinh Thánh so sánh quá trình tiến tới sự thành thục về thiêng liêng với quá trình trưởng thành của một người. Một đứa trẻ thì thiếu sự khôn ngoan nên cần sự che chở và giám sát của người lớn. Hãy xem một minh họa. Một người mẹ bảo con gái nhỏ nắm chặt tay mình khi băng qua đường. Khi bé gái này lớn hơn, người mẹ để cho em băng qua đường một mình, nhưng vẫn nhắc em quan sát xe cộ hai bên đường. Khi bé gái trưởng thành, em sẽ tự tránh được những mối nguy hiểm như thế. Giống như trẻ nhỏ cần sự giúp đỡ của người lớn để tránh những mối nguy hiểm, tín đồ chưa thành thục thường cần sự trợ giúp của tín đồ thành thục để tránh những mối nguy hại về thiêng liêng và có quyết định khôn ngoan. Ngược lại, khi đứng trước một quyết định, tín đồ thành thục lý luận dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh để biết quan điểm của Đức Giê-hô-va, rồi làm theo.

Các tín đồ chưa thành thục cần học cách áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh để đưa ra quyết định khôn ngoan (Xem đoạn 6)


7. Các tín đồ thành thục có cần sự giúp đỡ của người khác không?

7 Phải chăng điều đó có nghĩa là một tín đồ thành thục thì không bao giờ cần sự giúp đỡ của người khác? Không. Các tín đồ thành thục cũng có lúc cần xin sự giúp đỡ. Nhưng họ khác với tín đồ chưa thành thục. Người chưa thành thục có thể mong muốn người khác nói cho mình biết phải làm gì hoặc quyết định thay cho mình. Còn người thành thục thì sẽ học từ sự khôn ngoan và kinh nghiệm của người khác, nhưng vẫn ý thức là Đức Giê-hô-va muốn mình “gánh lấy phần riêng”.—Ga 6:5.

8. Các tín đồ thành thục khác nhau về những khía cạnh nào?

8 Giống như việc những người trưởng thành có ngoại diện khác nhau, mỗi tín đồ thành thục cũng có phẩm chất khác nhau, chẳng hạn như sự khôn ngoan, can đảm, rộng rãi và đồng cảm. Ngoài ra, khi hai tín đồ thành thục gặp một tình huống tương tự, có thể họ sẽ đi đến những kết luận khác nhau nhưng đều phù hợp với Kinh Thánh. Điều này đặc biệt đúng trong các vấn đề về lương tâm. Vì vậy, họ tránh xét đoán lẫn nhau về những sự khác biệt như thế, nhưng tập trung vào việc giữ sự hợp nhất.—Rô 14:10; 1 Cô 1:10.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TIẾN TỚI SỰ THÀNH THỤC VỀ THIÊNG LIÊNG?

9. Chúng ta có tự động tiến tới sự thành thục về thiêng liêng không? Hãy giải thích.

9 Theo thời gian, một đứa trẻ sẽ tự nhiên trưởng thành về thể chất, nhưng không ai tự động thành thục về thiêng liêng. Chẳng hạn, các anh em ở Cô-rinh-tô đã chấp nhận tin mừng, chịu phép báp-têm, nhận thần khí thánh và học được nhiều điều từ sứ đồ Phao-lô (Công 18:8-11). Nhưng một thời gian dài sau khi báp-têm, nhiều người vẫn chưa thành thục (1 Cô 3:2). Chúng ta có thể làm gì để điều đó không xảy ra với mình?

10. Chúng ta phải làm gì để trở nên thành thục? (Giu-đe 20)

10 Để thành thục về thiêng liêng, trước hết chúng ta phải vun trồng ước muốn trở nên thành thục. Những người “yêu mến sự thiếu kinh nghiệm” và thích tiếp tục giống như con trẻ về mặt thiêng liêng thì sẽ không tiến bộ (Châm 1:22). Chúng ta không muốn giống với những người đã lớn mà lại cứ nhờ cha mẹ quyết định cho mình. Thay vì thế, chúng ta muốn tự chịu trách nhiệm cho sự tiến bộ về thiêng liêng của mình. (Đọc Giu-đe 20). Nếu anh chị vẫn đang tiến tới sự thành thục, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho mình “ước muốn lẫn sức mạnh để hành động”.—Phi-líp 2:13.

11. Đức Giê-hô-va cung cấp những gì để giúp chúng ta trở nên thành thục? (Ê-phê-sô 4:11-13)

11 Đức Giê-hô-va không đòi hỏi chúng ta phải tiến tới sự thành thục về thiêng liêng bằng sức riêng. Những người chăn bầy và dạy dỗ trong hội thánh được trang bị để giúp chúng ta trở nên “trưởng thành” về thiêng liêng, “đạt được vóc dáng trọn vẹn như Đấng Ki-tô”. (Đọc Ê-phê-sô 4:11-13). Đức Giê-hô-va cũng ban thần khí để giúp chúng ta có “tư tưởng của Đấng Ki-tô” (1 Cô 2:14-16). Ngoài ra, Đức Chúa Trời cung cấp bốn sách Phúc âm để cho chúng ta thấy cách Chúa Giê-su suy nghĩ, nói năng và hành động trong thời gian làm thánh chức trên đất. Nhờ noi theo lối suy nghĩ và hành động của Chúa Giê-su, anh chị có thể đạt được mục tiêu là trở nên thành thục về thiêng liêng.

VAI TRÒ CỦA THỨC ĂN THIÊNG LIÊNG ĐẶC

12. “Giáo lý căn bản về Đấng Ki-tô” là gì?

12 Để tiến tới sự thành thục, chúng ta phải có sự hiểu biết nhiều hơn là chỉ biết “giáo lý căn bản về Đấng Ki-tô”, tức những sự dạy dỗ căn bản của đạo Đấng Ki-tô. Một số sự dạy dỗ này là sự ăn năn, đức tin, phép báp-têm và sự sống lại (Hê 6:1, 2). Những sự dạy dỗ như thế là nền tảng của đạo Đấng Ki-tô. Vì lý do ấy, sứ đồ Phi-e-rơ nói về những điều đó khi rao giảng cho một đám đông tại Lễ Ngũ Tuần (Công 2:32-35, 38). Chúng ta cần chấp nhận những sự dạy dỗ căn bản này để trở thành môn đồ của Chúa Giê-su. Chẳng hạn, Phao-lô cảnh báo rằng bất cứ ai bác bỏ sự dạy dỗ về sự sống lại tức là bác bỏ toàn bộ niềm tin của đạo Đấng Ki-tô (1 Cô 15:12-14). Tuy nhiên, chúng ta không nên thỏa mãn với sự hiểu biết căn bản về chân lý.

13. Chúng ta cần làm gì để nhận lợi ích từ “thức ăn đặc” được đề cập nơi Hê-bơ-rơ 5:14? (Cũng xem hình).

13 Khác với giáo lý căn bản, “thức ăn đặc” không chỉ bao gồm những điều luật mà còn bao gồm các nguyên tắc của Đức Giê-hô-va. Các nguyên tắc ấy giúp chúng ta hiểu lối suy nghĩ của ngài. Để nhận được lợi ích từ thức ăn đó, chúng ta phải học, suy ngẫm và cẩn thận áp dụng Lời Đức Chúa Trời. Khi làm thế, chúng ta tự rèn luyện mình để đưa ra những quyết định làm vui lòng Đức Giê-hô-va. cĐọc Hê-bơ-rơ 5:14.

Thức ăn thiêng liêng đặc giúp chúng ta biết cách đưa ra những quyết định làm vui lòng Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 13) d


14. Làm thế nào Phao-lô giúp các tín đồ ở Cô-rinh-tô tiến tới sự thành thục?

14 Các tín đồ chưa thành thục thường thấy khó quyết định khi gặp những tình huống đòi hỏi một người cần lý luận dựa trên các nguyên tắc Kinh Thánh và áp dụng. Nếu không có điều luật trong Kinh Thánh về những tình huống đó, một số người cảm thấy họ có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Số khác thì xin người khác đưa ra luật khi không cần thiết. Chẳng hạn, các tín đồ ở Cô-rinh-tô dường như đã xin Phao-lô đưa ra luật để biết có thể ăn thức ăn đã được cúng cho thần tượng hay không. Thay vì bảo họ phải làm gì, Phao-lô đã nói về vai trò của lương tâm và việc mỗi người có “quyền lựa chọn”. Ông nhắc đến một số nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp họ đưa ra quyết định mà không khiến lương tâm bị cắn rứt, cũng không làm người khác vấp ngã (1 Cô 8:4, 7-9). Nhờ thế, Phao-lô giúp các tín đồ ở Cô-rinh-tô lớn lên về thiêng liêng để họ có thể dùng khả năng nhận thức của mình thay vì phụ thuộc vào người khác hoặc chỉ tìm điều luật.

15. Phao-lô giúp các tín đồ người Hê-bơ-rơ như thế nào để họ tiến bộ về thiêng liêng?

15 Chúng ta rút ra bài học quý giá từ những điều Phao-lô viết cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ. Một số người không tiếp tục lớn mạnh về thiêng liêng. Thực tế, họ “lại cần sữa, thay vì thức ăn đặc” (Hê 5:12). Họ không bắt kịp chân lý, là điều ngày càng được làm sáng tỏ qua hội thánh (Châm 4:18). Chẳng hạn, nhiều tín đồ người Do Thái vẫn ủng hộ việc giữ Luật pháp Môi-se dù khoảng 30 năm trước đó, Luật pháp đã bị bãi bỏ dựa trên sự hy sinh của Đấng Ki-tô (Rô 10:4; Tít 1:10). Chắc chắn 30 năm là khoảng thời gian quá đủ để họ điều chỉnh lối suy nghĩ của mình! Bất cứ ai đọc thư được soi dẫn của Phao-lô gửi tín đồ người Hê-bơ-rơ đều có thể khẳng định thư này chứa đựng “thức ăn đặc”. Đó đúng là điều mà các tín đồ ấy cần để tin chắc rằng sắp đặt về sự thờ phượng của đạo Đấng Ki-tô là ưu việt. Thư ấy cũng giúp họ có lòng can đảm để tiếp tục rao giảng bất kể sự chống đối của người Do Thái.—Hê 10:19-23.

TRÁNH TRỞ NÊN QUÁ TỰ TIN

16. Ngoài việc đạt đến sự thành thục, chúng ta cần làm gì?

16 Chúng ta cần nỗ lực để không chỉ đạt đến sự thành thục mà còn để duy trì tình trạng này. Điều đó đòi hỏi chúng ta tránh trở nên quá tự tin (1 Cô 10:12). Chúng ta cần ‘luôn tra xét’ để đảm bảo là mình đang tiếp tục tiến bộ.—2 Cô 13:5.

17. Làm thế nào thư của Phao-lô gửi tín đồ ở Cô-lô-se cho thấy một người cần tiếp tục thành thục?

17 Trong thư gửi tín đồ ở Cô-lô-se, Phao-lô một lần nữa nhấn mạnh việc cần tiếp tục thành thục. Dù họ đã trở nên những tín đồ trưởng thành, Phao-lô vẫn cảnh báo họ về việc không để lối suy nghĩ của thế gian đánh lừa (Cô 2:6-10). Và Ê-pháp-ra, người dường như biết rõ những tín đồ trong hội thánh đó, đã không ngừng cầu nguyện để “cuối cùng [họ] được trọn vẹn” hay thành thục (Cô 4:12). Điểm chính là gì? Cả Phao-lô lẫn Ê-pháp-ra đều hiểu rằng việc tiếp tục thành thục đòi hỏi nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời. Họ muốn các tín đồ ở Cô-lô-se duy trì tình trạng đó, bất kể những khó khăn phải đối mặt.

18. Điều gì có thể xảy ra với một tín đồ thành thục? (Cũng xem hình).

18 Phao-lô cảnh báo các tín đồ người Hê-bơ-rơ rằng một tín đồ thành thục vẫn có thể mất ân huệ của Đức Chúa Trời mãi mãi. Lòng của người ấy có thể trở nên chai cứng đến mức không còn có thể ăn năn và nhận được sự tha thứ của Đức Chúa Trời. Đáng mừng là các tín đồ người Hê-bơ-rơ đã không rơi vào tình trạng đó (Hê 6:4-9). Nói sao về những người vào thời nay ngưng hoạt động hoặc bị khai trừ, nhưng sau đó ăn năn? Nếu khiêm nhường ăn năn, họ cho thấy mình khác biệt với những người bị mất ân huệ mà Phao-lô nhắc đến. Tuy nhiên, khi trở về với Đức Giê-hô-va, họ cần sự giúp đỡ mà ngài cung cấp (Ê-xê 34:15, 16). Có thể các trưởng lão sẽ sắp xếp để một anh chị có kinh nghiệm giúp họ khỏe lại về thiêng liêng.

Đức Giê-hô-va cung cấp sự giúp đỡ cho những người cần khỏe lại về thiêng liêng (Xem đoạn 18)


19. Chúng ta nên có mục tiêu nào?

19 Nếu đang tiến tới sự thành thục, anh chị có thể đạt được mục tiêu đó! Hãy tiếp tục hấp thu thức ăn thiêng liêng đặc và ngày càng có lối suy nghĩ giống với Đức Giê-hô-va hơn. Còn nếu anh chị đã đạt được mục tiêu đó, hãy nỗ lực để tiếp tục là tín đồ thành thục cho đến mãi mãi.

ANH CHỊ TRẢ LỜI THẾ NÀO?

  • Trở nên tín đồ thành thục có nghĩa gì?

  • Làm thế nào để tiến tới sự thành thục của tín đồ đạo Đấng Ki-tô?

  • Tại sao cần tránh trở nên quá tự tin?

BÀI HÁT 65 Hãy tấn tới!

a Dù phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ không dùng những từ “thành thục” và “không thành thục” nhưng vẫn nói đến những khái niệm này. Chẳng hạn, sách Châm ngôn nêu lên sự tương phản giữa một người trẻ thiếu kinh nghiệm với một người khôn ngoan có sự hiểu biết.—Châm 1:4, 5.

b Xem “Hãy bảo vệ mình khỏi thông tin sai lệch” trong loạt bài “Đề tài khác” trên jw.org và JW Library.®

c Xem “Đề tài học hỏi” trong số này.

d HÌNH ẢNH: Một anh áp dụng các nguyên tắc học được từ Lời Đức Chúa Trời khi chọn chương trình giải trí.