Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 22

Cải thiện thói quen học hỏi

Cải thiện thói quen học hỏi

“Nhận biết những điều quan trọng hơn”.—PHI-LÍP 1:10.

BÀI HÁT 35 “Nhận biết những điều quan trọng hơn”

GIỚI THIỆU *

1. Điều gì khiến một số anh chị không mấy thích thú với việc học?

Ngày nay, nhiều người phải rất vất vả để kiếm sống. Anh em chúng ta làm việc nhiều giờ để chu cấp nhu cầu thiết yếu cho gia đình. Có những anh chị mất vài tiếng mỗi ngày di chuyển đến và về từ chỗ làm. Số khác phải làm công việc nặng nhọc để nuôi sống bản thân. Đến cuối ngày họ mệt lả! Họ cảm thấy không còn sức để học nữa.

2. Anh chị học hỏi vào thời gian nào trong ngày?

2 Sự thật là chúng ta phải dành thời gian để nghiêm túc học hỏi Lời Đức Chúa Trời và các ấn phẩm. Mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va và sự sống vĩnh cửu phụ thuộc vào điều đó! (1 Ti 4:15). Một số anh chị dậy sớm mỗi ngày để học, là lúc yên tĩnh và đầu óc tỉnh táo sau một giấc ngủ ngon. Số khác dành vài phút tĩnh lặng cuối ngày để tiếp nhận thức ăn thiêng liêng và suy ngẫm.

3, 4. Tổ chức đã thực hiện điều chỉnh nào liên quan đến số lượng tài liệu, và tại sao?

3 Hẳn anh chị đồng ý việc dành thời gian để học hỏi là điều quan trọng. Nhưng chúng ta nên học những gì? Có lẽ anh chị nói: “Có quá nhiều tài liệu, không thể nào đọc hết”. Một số anh chị có thể tận dụng mọi sự cung cấp về thiêng liêng, nhưng nhiều anh chị cảm thấy khó có đủ thời gian để làm thế. Hội đồng Lãnh đạo nhận thấy điều này, do đó gần đây các anh chấp thuận việc giảm bớt số lượng tài liệu dưới dạng bản in và điện tử.

4 Chẳng hạn, chúng ta không còn xuất bản sách Niên giám nữa, vì nhiều kinh nghiệm khích lệ được đăng trên trang jw.org® cũng như Kênh truyền thông JW® hằng tháng. Tạp chí Tháp Canh ấn bản công cộng và Tỉnh Thức! giờ đây chỉ được phát hành ba số mỗi năm. Những điều chỉnh này không nhằm mục đích để chúng ta có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động khác, nhưng giúp chúng ta tập trung vào “những điều quan trọng hơn” (Phi-líp 1:10). Hãy cùng xem làm thế nào anh chị có thể đặt thứ tự ưu tiên và nhận lợi ích trọn vẹn từ việc học Kinh Thánh cá nhân.

ĐẶT THỨ TỰ ƯU TIÊN

5, 6. Chúng ta nên học kỹ những ấn phẩm nào?

5 Chúng ta nên ưu tiên học tài liệu nào? Chắc chắn chúng ta muốn dành một khoảng thời gian mỗi ngày để học Lời Đức Chúa Trời. Số chương cho phần đọc Kinh Thánh hằng tuần đã được giảm bớt, nhằm giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn để suy ngẫm và nghiên cứu thêm những gì mình đọc. Mục tiêu của chúng ta không phải là đọc lướt qua những đoạn Kinh Thánh được chỉ định, nhưng để thông điệp Kinh Thánh tác động đến lòng và giúp chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn.—Thi 19:14.

6 Chúng ta cũng nên học kỹ tài liệu nào khác? Dĩ nhiên, chúng ta muốn chuẩn bị Phần học Tháp Canh, Phần học Kinh Thánh của hội thánh và các tài liệu khác cho buổi nhóm họp giữa tuần. Chúng ta cũng nên đọc mỗi số Tháp Canh Tỉnh Thức!.

7. Chúng ta có nên nản lòng khi không thể xem hết mọi tài liệu trên trang web và Kênh truyền thông JW không?

7 Có lẽ anh chị đều đồng ý với những gì được đề cập ở trên, nhưng anh chị thắc mắc, còn nhiều phần trên jw.org và Kênh truyền thông JW thì sao? Nếu thế, hãy xem minh họa sau: Tại một nhà hàng có vô số những món ăn ngon. Thực khách không thể nào thử hết những món đó, vì vậy họ chỉ chọn vài món. Tương tự thế, nếu anh chị không thể đọc và xem hết mọi tài liệu dưới dạng điện tử, đừng nản lòng. Hãy đọc và xem những gì anh chị có thể. Giờ đây, hãy cùng xem học hỏi có nghĩa gì và làm thế nào để nhận lợi ích tối đa khi học.

HỌC HỎI CẦN NHIỀU NỖ LỰC

8. Chúng ta có thể thực hiện những bước nào khi học Tháp Canh, và làm thế sẽ mang lại lợi ích ra sao?

8 Học hỏi là đọc với sự tập trung và có mục đích. Điều này không có nghĩa là đọc lướt qua tài liệu và gạch dưới câu trả lời. Chẳng hạn, khi chuẩn bị Phần học Tháp Canh, đầu tiên hãy đọc phần giới thiệu ở đầu bài. Sau đó, hãy nghĩ đến tựa của bài cũng như những tiểu đề và câu hỏi ôn. Rồi đọc cả bài một cách chậm rãi và kỹ lưỡng. Hãy chú ý đến câu chủ đề. Câu này thường nằm ở đầu mỗi đoạn và có thể giúp anh chị nhận ra điểm chính của cả đoạn. Khi đọc, hãy nghĩ đến mối liên kết giữa mỗi đoạn với tiểu đề và chủ đề của cả bài. Hãy ghi chú lại những từ không quen thuộc và những điểm mà anh chị muốn nghiên cứu thêm.

9. (a) Tại sao nên đặc biệt chú ý đến những câu Kinh Thánh khi học Tháp Canh, và chúng ta cần làm gì để nhận lợi ích từ những câu Kinh Thánh này? (b) Giô-suê 1:8 cho biết chúng ta cần làm gì khác khi đọc các câu Kinh Thánh?

9 Phần học Tháp Canh giúp chúng ta hiểu rõ hơn Kinh Thánh. Vì thế, hãy đặc biệt chú ý đến những câu Kinh Thánh, nhất là những câu sẽ được đọc khi thảo luận tại hội thánh. Hãy để ý xem các từ hoặc cụm từ then chốt trong những câu Kinh Thánh liên kết thế nào với điểm chính trong đoạn. Hơn nữa, hãy dành thời gian để suy ngẫm những câu Kinh Thánh mà anh chị đọc và tìm cách áp dụng cho chính mình.—Đọc Giô-suê 1:8.

Hỡi các bậc cha mẹ, hãy dạy con cách học hỏi (Xem đoạn 10) *

10. Dựa trên Hê-bơ-rơ 5:14, tại sao cha mẹ cần dành thời gian trong buổi thờ phượng của gia đình để dạy con cách học hỏi và nghiên cứu?

10 Các bậc cha mẹ đều muốn cho con vui thích Buổi thờ phượng của gia đình và điều này là dễ hiểu. Dù cha mẹ nên chuẩn bị trước cho buổi thờ phượng, nhưng cha mẹ không nên cảm thấy áp lực phải luôn có những hoạt động lý thú mỗi tuần. Có lẽ, gia đình anh chị cùng xem Kênh truyền thông JW trong buổi thờ phượng hoặc thỉnh thoảng có các hoạt động đặc biệt, chẳng hạn như làm mô hình tàu Nô-ê, nhưng điều quan trọng là anh chị cần dạy con cách học hỏi và nghiên cứu. Chẳng hạn, con cần học cách chuẩn bị cho các buổi nhóm họp, hoặc nghiên cứu tài liệu về vấn đề con đang đối phó ở trường. (Đọc Hê-bơ-rơ 5:14). Nếu các con dành thời gian nghiên cứu ở nhà thì sẽ được trang bị tốt hơn để tập trung vào những phần trình bày tại các buổi nhóm họp và hội nghị, vì không phải lúc nào cũng có những video để thu hút sự chú ý của con. Dĩ nhiên, thời gian học hỏi sẽ tùy thuộc vào độ tuổi và tính cách của các con.

11. Tại sao việc dạy học viên Kinh Thánh biết cách học hỏi cá nhân một cách hiệu quả là điều rất quan trọng?

11 Học viên Kinh Thánh cũng cần biết cách học hỏi và nghiên cứu. Khi mới bắt đầu học, chúng ta vui vì thấy họ chuẩn bị cho buổi học Kinh Thánh hay nhóm họp bằng cách gạch dưới câu trả lời. Nhưng chúng ta cần giúp học viên biết cách nghiên cứu và học hỏi cá nhân một cách hiệu quả. Nhờ thế, khi vấn đề nảy sinh, thay vì lập tức tìm đến anh chị khác để xin sự giúp đỡ, họ sẽ biết cách tự nghiên cứu và tìm ra những lời khuyên thực tế trong các ấn phẩm.

ĐẶT MỤC TIÊU KHI HỌC HỎI

12. Anh chị có thể đặt ra những mục tiêu nào khi học hỏi?

12 Nếu anh chị không phải là người ham học, có lẽ anh chị nghĩ mình sẽ không bao giờ thích thú với việc học. Nhưng anh chị có thể. Hãy bắt đầu bằng cách học một chút, rồi tăng dần thời gian học hỏi. Hãy đặt mục tiêu khi học. Dĩ nhiên, mục tiêu quan trọng nhất là đến gần hơn với Đức Giê-hô-va. Nhưng mục tiêu trước mắt có thể là tìm lời giải đáp cho câu hỏi mà người khác đặt ra hoặc nghiên cứu về một vấn đề mà anh chị đang phải đối mặt.

13. (a) Hãy nêu những bước mà một người trẻ có thể làm để bênh vực niềm tin tại trường. (b) Bạn có thể áp dụng lời khuyên nơi Cô-lô-se 4:6 như thế nào?

13 Bạn có phải là người trẻ còn đi học không? Có lẽ bạn bè ở trường của bạn đều tin thuyết tiến hóa. Dù muốn bênh vực những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh, nhưng có thể bạn cảm thấy không đủ tự tin để làm thế. Điều này đòi hỏi bạn nghiên cứu. Bạn có thể đặt ra hai mục tiêu: (1) củng cố niềm tin của chính mình là Đức Chúa Trời tạo ra muôn vật và (2) cải thiện kỹ năng bênh vực sự thật (Rô 1:20; 1 Phi 3:15). Bạn có thể tự hỏi: “Tại sao các bạn trong lớp ủng hộ thuyết tiến hóa?”. Rồi nghiên cứu kỹ các ấn phẩm. Bênh vực niềm tin của mình có lẽ không khó như bạn nghĩ. Nhiều người tin thuyết tiến hóa chỉ đơn giản vì những người họ tôn trọng ủng hộ thuyết này. Nếu tìm được một hoặc hai điểm để chia sẻ, bạn có thể đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho những ai thật lòng muốn biết.—Đọc Cô-lô-se 4:6.

GIA TĂNG ƯỚC MUỐN HỌC HỎI

14-16. (a) Anh chị có thể làm gì để hiểu rõ hơn về một sách Kinh Thánh mà mình không mấy quen thuộc? (b) Làm thế nào những câu Kinh Thánh được viện dẫn có thể giúp anh chị hiểu rõ hơn về sách A-mốt? (Cũng xem khung “ Hãy để Kinh Thánh trở nên sống động!”).

14 Giả sử trong buổi nhóm họp sắp tới, chúng ta sẽ tìm hiểu về một sách tiên tri nhỏ mà có lẽ anh chị không mấy quen thuộc với người viết. Có lẽ bước đầu tiên anh chị muốn làm là gia tăng ước muốn tìm hiểu về những điều mà nhà tiên tri đó viết. Anh chị làm thế bằng cách nào?

15 Trước tiên, hãy tự hỏi: “Mình biết gì về người viết sách này? Ông ấy là ai? Sống ở đâu? Và làm nghề gì?”. Biết tiểu sử của người ấy có thể giúp anh chị hiểu rõ hơn những từ ngữ và minh họa mà người ấy dùng. Khi đọc Kinh Thánh, hãy để ý đến những câu giúp anh chị hình dung được tính cách của người viết.

16 Kế đến, anh chị sẽ thấy hữu ích nếu tìm hiểu về thời điểm sách ấy được viết ra. Một cách dễ dàng là xem phần Danh mục các sách ở cuối Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới. Anh chị cũng có thể tra cứu thêm mục nói về các nhà tiên tri và vua nơi Phụ lục A6. Nếu anh chị đang học đến sách tiên tri, điều hữu ích là tìm hiểu về đời sống con người vào thời điểm sách ấy được viết ra. Nhà tiên tri đó được sai đến để giúp dân sự thay đổi thái độ hay thực hành sai trái nào? Những ai sống cùng thời với người ấy? Để hiểu rõ hơn, có lẽ anh chị phải tra cứu thêm thông tin trong những sách khác của Kinh Thánh. Chẳng hạn, để hiểu điều gì xảy ra vào thời của nhà tiên tri A-mốt, anh chị có thể đọc những câu trong 2 Các vua và 2 Sử ký được trích dẫn nơi cột tham khảo của câu A-mốt 1:1. Ngoài ra, anh chị có thể xem những phần do Ô-sê viết, có lẽ ông là người sống cùng thời với A-mốt. Những nguồn thông tin này có thể giúp anh chị hiểu thêm về đời sống vào thời A-mốt.—2 Vua 14:25-28; 2 Sử 26:1-15; Ô-sê 1:1-11; A-mốt 1:1.

ĐỂ Ý ĐẾN NHỮNG CHI TIẾT NHỎ

17, 18. Dựa vào những ví dụ trong đoạn, hoặc ví dụ mà anh chị tìm được, hãy cho thấy làm thế nào việc chú ý đến các chi tiết nhỏ có thể giúp cho việc học hỏi cá nhân thú vị hơn.

17 Sự tò mò sẽ thôi thúc chúng ta tìm hiểu thêm về những gì mình đọc trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, anh chị đang đọc sách Xa-cha-ri chương 12, là chương tiên tri về cái chết của Đấng Mê-si (Xa 12:10). Khi đọc đến câu 12, anh chị thấy ở đó nói rằng “gia tộc nhà Na-than” sẽ than khóc về cái chết của Đấng Mê-si. Thay vì nhanh chóng bỏ qua chi tiết này, hãy ngừng lại và tự hỏi: “Có mối liên hệ nào giữa gia tộc nhà Na-than và Đấng Mê-si? Có cách nào để biết thêm thông tin không?”. Có lẽ anh chị cần “điều tra” một chút. Cột tham khảo dẫn anh chị đến 2 Sa-mu-ên 5:13, 14. Câu này cho biết Na-than là một trong những người con của vua Đa-vít. Câu thứ hai trong cột tham khảo là Lu-ca 3:23, 31 cho biết Chúa Giê-su là hậu duệ của Na-than qua Ma-ri. (Xin xem wp16.3 trg 9 đ. 1-3). Quả là thú vị! Anh chị biết có lời tiên tri nói rằng Chúa Giê-su là hậu duệ của Đa-vít (Mat 22:42). Nhưng Đa-vít có đến hơn 20 người con trai. Chẳng phải việc nhà tiên tri Xa-cha-ri cho biết cụ thể là gia tộc nhà Na-than sẽ than khóc về cái chết của Đấng Mê-si là điều rất thú vị sao?

18 Hãy xem một ví dụ khác. Chương một của sách Lu-ca cho biết thiên sứ Gáp-ri-ên đến thăm Ma-ri và cho bà biết thông tin liên quan đến người con mà bà sắp mang thai, ở đó nói: “Con trai ấy sẽ trở nên cao trọng và được gọi là Con của Đấng Tối Cao; Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ ban cho ngài ngôi Đa-vít, tổ phụ ngài. Ngài sẽ làm Vua cai trị nhà Gia-cốp đời đời” (Lu 1:32, 33). Chúng ta thường tập trung đến phần đầu trong thông điệp của Gáp-ri-ên nói rằng Chúa Giê-su sẽ là “Con của Đấng Tối Cao”. Nhưng thiên sứ Gáp-ri-ên cũng tiên tri rằng Chúa Giê-su sẽ “làm Vua cai trị”. Vì thế, có lẽ chúng ta thắc mắc những lời đó có nghĩa gì với Ma-ri. Bà có nghĩ rằng Chúa Giê-su sẽ lên làm vua thay thế Hê-rốt, hoặc là một trong những người kế vị ông cai trị dân Y-sơ-ra-ên không? Nếu Chúa Giê-su lên ngôi vua, Ma-ri sẽ là thái hậu, và gia đình bà sẽ được sống trong cung điện hoàng gia. Nhưng rõ ràng, không lời tường thuật nào cho thấy Ma-ri đề cập đến những điều đó với thiên sứ Gáp-ri-ên; chúng ta cũng không thấy bà xin một địa vị trong Nước Trời, như hai môn đồ của Chúa Giê-su đã từng làm (Mat 20:20-23). Chi tiết này giúp chúng ta càng tin chắc Ma-ri là một phụ nữ vô cùng khiêm nhường!

19, 20. Như được nói nơi Gia-cơ 1:22-25 và 4:8, chúng ta nên có những mục tiêu nào khi học hỏi?

19 Hãy nhớ rằng mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta khi học Lời Đức Chúa Trời và các ấn phẩm là đến gần hơn với Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng muốn thấy rõ hơn mình là người như thế nào và cần thay đổi những gì để làm hài lòng Đức Chúa Trời. (Đọc Gia-cơ 1:22-25; 4:8). Vậy, mỗi khi bắt đầu học hỏi, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban thần khí. Chúng ta nên nài xin ngài giúp mình nhận được lợi ích tối đa từ những tài liệu của tổ chức và nhìn bản thân theo quan điểm của Đức Giê-hô-va.

20 Mong sao tất cả chúng ta sẽ là những tôi tớ trung thành như người viết Thi thiên miêu tả: “Niềm vui thích người ở nơi luật pháp Đức Giê-hô-va, ngày đêm người đọc nhẩm luật pháp ngài... Mọi việc người làm đều sẽ thành công”.—Thi 1:2, 3.

BÀI HÁT 88 Xin dạy con biết đường lối Cha

^ đ. 5 Đức Giê-hô-va rộng rãi ban cho chúng ta rất nhiều tài liệu để xem, đọc và nghiên cứu. Bài này sẽ giúp anh chị chọn tài liệu để học, và đưa ra những đề nghị thực tế giúp anh chị nhận lợi ích tối đa từ việc học hỏi cá nhân.

^ đ. 61 HÌNH ẢNH: Cha mẹ dạy con cách chuẩn bị cho Phần học Tháp Canh.

^ đ. 63 HÌNH ẢNH: Một anh nghiên cứu về người viết sách A-mốt. Các bức hình phía sau miêu tả những gì anh ấy đang hình dung và suy ngẫm khi đọc những lời tường thuật trong Kinh Thánh.