Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 18

Tình yêu thương và công lý trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô

Tình yêu thương và công lý trong hội thánh đạo Đấng Ki-tô

“Hãy tiếp tục mang lấy gánh nặng cho nhau, như thế anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Ki-tô”.GA 6:2.

BÀI HÁT 12 Đức Giê-hô-va, ngài thật vĩ đại

GIỚI THIỆU *

1. Chúng ta có thể tin chắc hai điều nào?

Đức Giê-hô-va yêu thương những người thờ phượng ngài. Ngài luôn yêu họ, và ngài sẽ mãi yêu họ. Đức Giê-hô-va cũng là đấng chuộng công lý (Thi 33:5). Thế nên, chúng ta có thể tin chắc hai điều: (1) Đức Giê-hô-va đau lòng khi thấy tôi tớ ngài bị đối xử bất công. (2) Ngài sẽ thực thi công lý. Trong bài đầu tiên của loạt bài này, * chúng ta đã biết Luật pháp mà Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên qua Môi-se được xây dựng dựa trên tình yêu thương. Luật pháp này đẩy mạnh công lý, khuyến giục người ta đối xử công bằng với mọi người, kể cả với người cô thế (Phục 10:18). Luật pháp này cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến những người thờ phượng ngài.

2. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?

2 Luật pháp Môi-se chấm dứt vào năm 33 CN khi hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thành lập. Phải chăng tín đồ đạo Đấng Ki-tô sẽ không được bảo vệ bởi một luật pháp dựa trên tình yêu thương và công lý? Hoàn toàn không! Họ được ban cho luật pháp mới. Trong bài này, chúng ta sẽ xem luật pháp này là gì, rồi trả lời những câu hỏi sau: Tại sao có thể nói rằng luật pháp này được xây dựng dựa trên tình yêu thương? Tại sao có thể nói luật pháp này đẩy mạnh công lý? Những người ở dưới luật pháp này và được ban cho quyền hành nên đối xử với người khác ra sao?

“LUẬT PHÁP CỦA ĐẤNG KI-TÔ” LÀ GÌ?

3. “Luật pháp của Đấng Ki-tô” được nói đến nơi Ga-la-ti 6:2 bao gồm điều gì?

3 Đọc Ga-la-ti 6:2. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ở dưới “luật pháp của Đấng Ki-tô”. Chúa Giê-su không viết ra một bộ luật, nhưng ngài ban cho các môn đồ chỉ dẫn, mệnh lệnh và nguyên tắc để họ sống theo. “Luật pháp của Đấng Ki-tô” bao gồm mọi điều Chúa Giê-su dạy. Trong những đoạn kế tiếp, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về luật pháp này.

4, 5. Chúa Giê-su dạy người ta qua cách nào, và ngài dạy khi nào?

4 Chúa Giê-su dạy người ta qua cách nào? Trước hết, ngài dạy họ qua những gì ngài nói. Lời ngài có quyền lực vì ngài nói sự thật về Đức Chúa Trời, ngài dạy về mục đích của đời sống và hướng người ta đến Nước Trời, giải pháp duy nhất cho mọi đau khổ của nhân loại (Lu 24:19). Chúa Giê-su cũng dạy bằng gương mẫu. Qua lối sống, ngài cho các môn đồ thấy họ nên theo đuổi lối sống nào.—Giăng 13:15.

5 Chúa Giê-su dạy người ta khi nào? Ngài dạy trong suốt thời gian thi hành thánh chức trên đất (Mat 4:23). Ngài cũng dạy các môn đồ không lâu sau khi được sống lại. Chẳng hạn, ngài hiện ra với một nhóm khoảng hơn 500 môn đồ và ban cho họ mệnh lệnh “đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ” của ngài (Mat 28:19, 20; 1 Cô 15:6). Là đầu hội thánh, Chúa Giê-su tiếp tục chỉ dẫn các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất sau khi ngài trở về trời. Ví dụ, vào khoảng năm 96 CN, Đấng Ki-tô hướng dẫn sứ đồ Giăng khích lệ và đưa ra lời khuyên cho các tín đồ được xức dầu.—Cô 1:18; Khải 1:1.

6, 7. (a) Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su được ghi lại ở đâu? (b) Làm thế nào chúng ta có thể vâng theo luật pháp của Đấng Ki-tô?

6 Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su được ghi lại ở đâu? Bốn sách Phúc âm ghi lại nhiều điều Chúa Giê-su nói và làm khi ngài sống trên đất. Các sách còn lại của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, được ghi lại bởi những người được thần khí soi dẫn và có “tư tưởng của Đấng Ki-tô”, giúp chúng ta hiểu thêm về lối suy nghĩ của Chúa Giê-su.—1 Cô 2:16.

7 Bài học: Sự dạy dỗ của Chúa Giê-su hữu ích cho mọi khía cạnh trong đời sống. Thế nên, luật pháp của Đấng Ki-tô chi phối những gì chúng ta làm ở nhà, tại sở làm, trường học và trong hội thánh. Chúng ta có thể học luật pháp này bằng cách đọc và suy ngẫm phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Chúng ta vâng theo luật pháp này khi sống phù hợp với các chỉ dẫn, mệnh lệnh và nguyên tắc được ghi trong phần Kinh Thánh ấy. Khi vâng theo luật pháp của Đấng Ki-tô, chúng ta đang vâng lời Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời yêu thương và là Nguồn của mọi điều Chúa Giê-su dạy.—Giăng 8:28.

LUẬT PHÁP ĐƯỢC XÂY DỰNG DỰA TRÊN TÌNH YÊU THƯƠNG

8. Luật pháp của Đấng Ki-tô được xây trên nền tảng nào?

8 Một ngôi nhà vững chắc được xây trên nền móng kiên cố làm cho những người sống trong đó cảm thấy an toàn. Cũng vậy, một bộ luật tốt được xây trên nền tảng vững chắc làm cho những người sống theo bộ luật ấy cảm thấy an toàn. Luật pháp của Đấng Ki-tô được xây trên nền tảng tốt nhất, đó là tình yêu thương. Tại sao có thể nói thế?

Khi đối xử với người khác một cách yêu thương, chúng ta đang vâng theo “luật pháp của Đấng Ki-tô” (Xem đoạn 9-14) *

9, 10. Những ví dụ nào cho thấy Chúa Giê-su làm mọi điều vì tình yêu thương, và chúng ta có thể noi gương ngài bằng cách nào?

9 Thứ nhất, Chúa Giê-su làm mọi điều vì tình yêu thương. Tình yêu thương có thể được thể hiện qua lòng thương cảm, hay lòng trắc ẩn dịu dàng. Lòng thương cảm ấy đã thôi thúc Chúa Giê-su dạy đoàn dân đông, chữa lành cho người bệnh, cung cấp thức ăn cho người đói và làm người chết sống lại (Mat 14:14; 15:32-38; Mác 6:34; Lu 7:11-15). Dù làm những điều này đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực, nhưng Chúa Giê-su sẵn lòng đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân. Trên hết, ngài biểu lộ tình yêu thương lớn lao qua việc hy sinh mạng sống vì người khác.—Giăng 15:13.

10 Bài học: Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su bằng cách đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân. Chúng ta cũng có thể noi gương ngài bằng cách vun trồng lòng trắc ẩn dịu dàng đối với những người trong khu vực. Khi để lòng trắc ẩn ấy thôi thúc chúng ta rao giảng và dạy về tin mừng, chúng ta đang vâng theo luật pháp của Đấng Ki-tô.

11, 12. (a) Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến chúng ta? (b) Làm thế nào chúng ta có thể bắt chước tình yêu thương của Đức Giê-hô-va?

11 Thứ hai, Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta biết về tình yêu thương của Cha ngài. Trong suốt thời gian Chúa Giê-su làm thánh chức, qua nhiều cách ngài cho thấy Đức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến những người thờ phượng ngài. Chẳng hạn, ngài dạy rằng mỗi chúng ta đều quý giá đối với Cha trên trời (Mat 10:31). Đức Giê-hô-va mong chờ chào đón những người lạc lối biết ăn năn trở lại với hội thánh (Lu 15:7, 10). Đức Giê-hô-va chứng tỏ tình yêu thương của ngài dành cho chúng ta qua việc ban Con ngài làm giá chuộc.—Giăng 3:16.

12 Bài học: Làm thế nào chúng ta có thể bắt chước tình yêu thương của Đức Giê-hô-va? (Ê-phê 5:1, 2). Chúng ta xem mỗi anh em đều quý giá và vui mừng chào đón “chiên lạc bầy” trở về với Đức Giê-hô-va (Thi 119:176). Chúng ta cho thấy mình yêu thương anh em qua việc dành thời gian và sức lực để giúp đỡ họ, nhất là khi họ cần (1 Giăng 3:17). Khi đối xử với người khác một cách yêu thương, chúng ta đang vâng theo luật pháp của Đấng Ki-tô.

13, 14. (a) Theo Giăng 13:34, 35, Chúa Giê-su lệnh cho các môn đồ thể hiện điều gì, và tại sao đây là điều răn mới? (b) Chúng ta vâng theo điều răn mới bằng cách nào?

13 Thứ ba, Chúa Giê-su lệnh cho các môn đồ thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ. (Đọc Giăng 13:34, 35). Đây là điều răn mới vì nó đòi hỏi chúng ta thể hiện loại tình yêu thương không được quy định trong Luật pháp Môi-se, đó là yêu thương anh em đồng đạo như Chúa Giê-su yêu thương chúng ta. Điều này đòi hỏi tình yêu thương bất vị kỷ. * Chúng ta phải yêu thương anh em hơn cả bản thân mình. Chúng ta yêu thương họ đến mức sẵn sàng từ bỏ mạng sống vì họ, như Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta.

14 Bài học: Chúng ta vâng theo điều răn mới bằng cách nào? Nói đơn giản, đó là bằng cách hy sinh cho anh em mình. Chúng ta sẵn sàng hy sinh không chỉ những điều lớn, chẳng hạn như mạng sống của mình, mà còn những điều nhỏ hơn. Khi chúng ta cố gắng đưa đón một anh chị lớn tuổi đi nhóm họp, hoặc sẵn lòng từ bỏ sở thích cá nhân để làm vui lòng một anh chị thân yêu, hay khi chúng ta lấy ngày nghỉ phép của công việc ngoài đời để tham gia công tác cứu trợ, chúng ta đang vâng theo luật pháp của Đấng Ki-tô. Đồng thời, chúng ta cũng đang giúp mỗi người trong hội thánh cảm thấy an toàn.

LUẬT PHÁP ĐẨY MẠNH CÔNG LÝ

15-17. (a) Làm thế nào những hành động của Chúa Giê-su cho thấy ngài yêu chuộng công lý? (b) Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su bằng cách nào?

15 Từ “công lý” được dùng trong Kinh Thánh có nghĩa cơ bản là làm theo điều Đức Chúa Trời xem là đúng và làm điều đó một cách không thiên vị. Tại sao có thể nói luật pháp của Đấng Ki-tô đẩy mạnh công lý?

Chúa Giê-su tôn trọng và đối xử tử tế với phụ nữ, kể cả những người bị miệt thị (Xem đoạn 16) *

16 Thứ nhất, hãy xem xét những hành động của Chúa Giê-su cho thấy quan điểm của ngài về công lý. Vào thời Chúa Giê-su, các nhà lãnh đạo Do Thái giáo thù ghét dân ngoại, khinh miệt thường dân Do Thái và xem thường phụ nữ. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đối xử công bằng với tất cả mọi người và không thiên vị. Ngài đón nhận những người ngoại đến với ngài và đặt đức tin nơi ngài (Mat 8:5-10, 13). Ngài rao giảng cho mọi người, cả giàu lẫn nghèo, mà không hề thành kiến (Mat 11:5; Lu 19:2, 9). Ngài không bao giờ đối xử khắc nghiệt hoặc ngược đãi phụ nữ. Trái lại, ngài tôn trọng và đối xử tử tế với họ, kể cả những người bị miệt thị.—Lu 7:37-39, 44-50.

17 Bài học: Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su bằng cách đối xử với người khác một cách không thiên vị và rao giảng cho bất cứ ai sẵn lòng lắng nghe, dù họ thuộc tôn giáo hay tầng lớp nào. Những nam tín đồ noi gương Chúa Giê-su qua việc đối xử với phụ nữ một cách tôn trọng. Khi làm thế, chúng ta đang vâng theo luật pháp của Đấng Ki-tô.

18, 19. Chúa Giê-su dạy điều gì về công lý, và chúng ta rút ra những bài học nào?

18 Thứ hai, hãy xem Chúa Giê-su dạy điều gì về công lý. Ngài dạy những nguyên tắc giúp các môn đồ đối xử công bằng với người khác. Chẳng hạn, hãy nghĩ về Luật Vàng (Mat 7:12). Tất cả chúng ta đều muốn được đối xử công bằng, nên chúng ta cũng cần đối xử công bằng với người khác. Khi chúng ta làm thế, họ có thể được thúc đẩy để đối xử công bằng với chúng ta. Nhưng nói sao nếu chúng ta bị đối xử bất công? Chúa Giê-su cũng dạy các môn đồ tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ ‘thực thi công lý cho những người ngày đêm kêu van ngài’ (Lu 18:6, 7). Qua những lời này, như thể Đức Giê-hô-va đang hứa với chúng ta: Ngài để ý đến mọi thử thách chúng ta đang đối mặt trong những ngày sau cùng này, và ngài sẽ thực thi công lý vào đúng thời điểm của ngài.—2 Tê 1:6.

19 Bài học: Khi làm theo các nguyên tắc Chúa Giê-su dạy, chúng ta sẽ đối xử công bằng với người khác. Nếu là nạn nhân của sự bất công trong thế gian Sa-tan, chúng ta được an ủi khi biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực thi công lý cho chúng ta.

NHỮNG NGƯỜI CÓ QUYỀN HÀNH NÊN ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI KHÁC RA SAO?

20, 21. (a) Những người có quyền hành nên đối xử với người khác ra sao? (b) Làm thế nào người chồng có thể biểu lộ tình yêu thương bất vị kỷ, và người cha nên đối xử với con ra sao?

20 Những người ở dưới luật pháp của Đấng Ki-tô và được ban cho quyền hành nên đối xử với người khác ra sao? Vì tình yêu thương là nền tảng của luật pháp này, nên người có quyền hành phải tôn trọng và đối xử yêu thương với những người mình chăm sóc. Họ cần nhớ rằng đường lối của Đấng Ki-tô là đường lối yêu thương.

21 Trong gia đình. Người chồng phải yêu vợ ‘như Đấng Ki-tô yêu thương hội thánh’ (Ê-phê 5:25, 28, 29). Anh cần noi theo tình yêu thương bất vị kỷ của Đấng Ki-tô bằng cách đặt nhu cầu và lợi ích của vợ lên trên của bản thân. Một số người chồng thấy khó biểu lộ tình yêu thương như thế, có lẽ vì họ lớn lên trong môi trường không xem trọng việc đối xử yêu thương và công bằng với nhau. Có thể không dễ để từ bỏ thói quen xấu, nhưng họ cần thay đổi để vâng theo luật pháp của Đấng Ki-tô. Một người chồng thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ sẽ được vợ kính trọng. Một người cha yêu thương sẽ không bao giờ ngược đãi con bằng lời nói hoặc hành động (Ê-phê 4:31). Thay vì thế, anh cho thấy mình yêu thương và hài lòng về con để con cảm thấy an toàn. Người cha như thế sẽ được con yêu thương và tin cậy.

22. Như được nói nơi 1 Phi-e-rơ 5:1-3, “chiên” thuộc về ai, và họ nên được đối xử như thế nào?

22 Trong hội thánh. Các trưởng lão cần nhớ rằng “chiên” không thuộc về họ (Giăng 10:16; đọc 1 Phi-e-rơ 5:1-3). Những cụm từ “bầy của Đức Chúa Trời”, “trước mặt Đức Chúa Trời” và “sản nghiệp của Đức Chúa Trời” nhắc các trưởng lão nhớ rằng chiên thuộc về Đức Giê-hô-va. Ngài muốn chiên của ngài được đối xử yêu thương và dịu dàng (1 Tê 2:7, 8). Khi các trưởng lão thi hành trách nhiệm chăn bầy một cách yêu thương, họ sẽ được Đức Giê-hô-va chấp nhận và được anh em quý mến, tôn trọng.

23, 24. (a) Các trưởng lão có vai trò nào trong việc xử lý tội trọng? (b) Khi xử lý những trường hợp như thế, các trưởng lão cần ghi nhớ điều gì?

23 Các trưởng lão có vai trò nào trong việc xử lý tội trọng? Vai trò của họ khác với vai trò của quan xét và trưởng lão dưới Luật pháp Môi-se. Dưới Luật pháp này, những người được bổ nhiệm không chỉ xử lý các vấn đề thiêng liêng mà còn xử lý các vụ án dân sự và hình sự. Nhưng dưới luật pháp của Đấng Ki-tô, các trưởng lão có vai trò xét xử những vấn đề về thiêng liêng liên quan đến hội thánh. Họ nhận biết rằng chính phủ loài người được Đức Giê-hô-va ban cho trách nhiệm xử lý các vụ án dân sự và hình sự, bao gồm quyền đưa ra những án phạt như phạt tiền hoặc bỏ tù.—Rô 13:1-4.

24 Các trưởng lão xử lý những tội trọng trong hội thánh như thế nào? Họ dùng Kinh Thánh để cân nhắc vấn đề và đưa ra quyết định. Họ nhớ rằng tình yêu thương là nền tảng luật pháp của Đấng Ki-tô. Tình yêu thương thúc đẩy các trưởng lão xem cần làm gì để giúp những ai là nạn nhân của hành vi đó. Tình yêu thương cũng sẽ thúc đẩy các trưởng lão xem xét người phạm tội có ăn năn không, và có thể giúp người đó phục hồi về thiêng liêng không.

25. Bài tới sẽ thảo luận điều gì?

25 Chúng ta thật biết ơn vì được ở dưới luật pháp của Đấng Ki-tô! Khi nỗ lực vâng theo luật pháp này, chúng ta giúp mỗi người trong hội thánh cảm thấy được yêu thương, quý trọng và an toàn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới mà ‘những kẻ gian ác thì ngày càng tồi tệ’ (2 Ti 3:13). Chúng ta phải luôn cảnh giác. Làm thế nào hội thánh có thể phản ánh công lý của Đức Chúa Trời khi đối mặt với tội lạm dụng tình dục trẻ em? Bài tới sẽ trả lời câu hỏi này.

BÀI HÁT 15 Khen ngợi Con Đầu Lòng của Đức Giê-hô-va!

^ đ. 5 Bài này và hai bài tiếp theo nằm trong loạt bài thảo luận về lý do chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của tình yêu thương và công lý. Ngài muốn dân ngài được đối xử công bằng, và ngài an ủi những ai bị đối xử bất công trong thế gian gian ác này.

^ đ. 1 Xin xem bài “Tình yêu thương và công lý vào thời Y-sơ-ra-ên xưa” trong Tháp Canh tháng 2 năm 2019.

^ đ. 13 GIẢI NGHĨA: Tình yêu thương bất vị kỷ thúc đẩy chúng ta đặt lợi ích và nhu cầu của người khác lên trên của bản thân. Chúng ta sẵn sàng hy sinh điều gì đó để giúp đỡ hoặc mang lại lợi ích cho người khác.

^ đ. 61 HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su thấy một góa phụ vừa mất con trai. Động lòng thương cảm, Chúa Giê-su làm cho con trai bà sống lại.

^ đ. 63 HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su dùng bữa tại nhà của một người Pha-ri-si tên là Si-môn. Một phụ nữ, có lẽ làm nghề kỹ nữ, rửa chân cho Chúa Giê-su bằng nước mắt và lau khô bằng tóc của mình rồi đổ dầu thơm lên. Si-môn không hài lòng về hành động của phụ nữ này, nhưng Chúa Giê-su bênh vực cô.