Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 19

“Vua phương bắc” vào thời kỳ cuối cùng

“Vua phương bắc” vào thời kỳ cuối cùng

“Vào thời kỳ cuối cùng, vua phương nam sẽ xô đẩy với vua phương bắc”.—ĐA 11:40.

BÀI HÁT 150 Hãy tìm kiếm Đức Chúa Trời để được cứu rỗi

GIỚI THIỆU *

1. Lời tiên tri trong Kinh Thánh cho chúng ta biết điều gì?

Điều gì sắp xảy ra với dân Đức Giê-hô-va? Chúng ta không cần phải đoán. Lời tiên tri trong Kinh Thánh cho biết những biến cố quan trọng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Có một lời tiên tri tiết lộ điều mà một số chính phủ thế lực nhất trên thế giới sẽ làm. Lời tiên tri đó được ghi nơi Đa-ni-ên chương 11 và nói về hai vua đối địch nhau, đó là vua phương bắc và vua phương nam. Vì phần lớn lời tiên tri ấy đã được ứng nghiệm, nên chúng ta có thể tin chắc rằng phần còn lại của lời tiên tri cũng sẽ trở thành hiện thực.

2. Để hiểu lời tiên tri của Đa-ni-ên, chúng ta cần nhớ điều gì nơi Sáng thế 3:15 và Khải huyền 11:7; 12:17?

2 Để hiểu lời tiên tri nơi Đa-ni-ên chương 11, chúng ta cần nhớ rằng lời tiên tri này chỉ nói đến các nhà cai trị và chính phủ ảnh hưởng trực tiếp đến dân của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, dù tôi tớ của Đức Chúa Trời chỉ là một phần nhỏ so với dân số toàn cầu, nhưng họ thường là trọng tâm của các biến cố quan trọng trên thế giới. Tại sao? Vì Sa-tan và toàn bộ thế gian của hắn có một mục tiêu chính, đó là đánh bại những người làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su. (Đọc Sáng thế 3:15 và Khải huyền 11:7; 12:17). Chúng ta cũng cần nhớ rằng lời tiên tri của Đa-ni-ên phải hòa hợp với các lời tiên tri khác trong Kinh Thánh. Thật ra, chúng ta chỉ có thể hiểu đúng lời tiên tri này nếu so sánh với các phần khác trong Kinh Thánh.

3. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này và bài kế tiếp?

3 Giờ đây, chúng ta cần ghi nhớ những điểm trên khi xem xét Đa-ni-ên 11:25-39. Chúng ta sẽ xem ai là vua phương bắc và vua phương nam từ năm 1870 đến 1991, và tại sao hợp lý là cần điều chỉnh sự hiểu biết về một phần của lời tiên tri này. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ phân tích Đa-ni-ên 11:40–12:1. Sự hiểu biết về phần này của lời tiên tri cũng được điều chỉnh, và nhờ thế chúng ta hiểu rõ hơn về giai đoạn từ năm 1991 đến trận chiến Ha-ma-ghê-đôn. Khi anh chị xem xét hai bài này, biểu đồ “Các vua đối địch nhau trong thời kỳ cuối cùng” sẽ giúp ích. Trước hết, chúng ta cần nhận diện hai vua trong lời tiên tri này.

NHẬN DIỆN VUA PHƯƠNG BẮC VÀ VUA PHƯƠNG NAM

4. Chúng ta cần xem xét ba yếu tố nào khi nhận diện vua phương bắc và vua phương nam?

4 Tước hiệu “vua phương bắc” và “vua phương nam” ban đầu được dùng cho những thế lực chính trị ở phía bắc và phía nam của nước Y-sơ-ra-ên. Tại sao chúng ta nói vậy? Hãy lưu ý đến điều thiên sứ phán với Đa-ni-ên: “Tôi đến đây để giúp anh hiểu điều sẽ xảy ra cho dân tộc của anh trong những ngày sau cùng” (Đa 10:14). Cho đến Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, dân Y-sơ-ra-ên huyết thống vẫn là dân của Đức Chúa Trời. Nhưng từ đó về sau, Đức Giê-hô-va cho biết rõ ngài xem các môn đồ trung thành của Chúa Giê-su là dân ngài. Thế nên, nhiều phần của lời tiên tri nơi Đa-ni-ên chương 11 nói về môn đồ của Đấng Ki-tô, chứ không phải dân Y-sơ-ra-ên huyết thống (Công 2:1-4; Rô 9:6-8; Ga 6:15, 16). Danh tính của vua phương bắc và vua phương nam thay đổi theo thời gian. Dù vậy, có một số yếu tố không thay đổi. Thứ nhất, các vua này bắt bớ dân Đức Chúa Trời hoặc cai trị ở những nước mà nhiều người thuộc dân của ngài sống. Thứ hai, cách mà các vua ấy đối xử với dân của Đức Chúa Trời cho thấy họ thù ghét ngài. Thứ ba, hai vua này tranh giành quyền lực với nhau.

5. Chúng ta có thể nhận diện vua phương bắc và vua phương nam từ thế kỷ thứ hai đến gần cuối thế kỷ 19 không? Hãy giải thích.

5 Vào một thời điểm nào đó trong thế kỷ thứ hai, hội thánh thật của đạo Đấng Ki-tô bắt đầu tràn ngập tín đồ giả hiệu, là những kẻ chấp nhận giáo lý ngoại giáo và che giấu các sự thật trong Lời Đức Chúa Trời. Kể từ đó đến gần cuối thế kỷ 19, không có nhóm nào ở trên đất được tổ chức thành dân của Đức Chúa Trời. Vì các tín đồ giả hiệu mọc lên ngày càng nhiều giống như cỏ dại nên người ta khó nhận diện tín đồ chân chính (Mat 13:36-43). Tại sao điều này đáng lưu ý? Vì điều này cho thấy những gì chúng ta đọc về vua phương bắc và vua phương nam không thể áp dụng cho các nhà cai trị hoặc những nước nắm quyền lực từ một thời điểm nào đó trong thế kỷ thứ hai đến nửa sau thế kỷ 19. Không có nhóm nào được tổ chức thành dân của Đức Chúa Trời để họ tấn công. * Tuy nhiên, vua phương bắc và vua phương nam sẽ xuất hiện trở lại vào gần cuối thế kỷ 19. Làm thế nào chúng ta biết điều này?

6. Khi nào dân của Đức Chúa Trời một lần nữa được nhận diện? Hãy giải thích.

6 Từ năm 1870 trở đi, dân Đức Chúa Trời bắt đầu được tổ chức thành một nhóm. Trong năm này, anh Russell và các cộng sự bắt đầu thành lập một lớp học Kinh Thánh. Họ hành động với tư cách là những sứ giả được báo trước. Họ “dọn một con đường” trước khi Nước của Đấng Mê-si được thành lập (Mal 3:1). Dân của Đức Chúa Trời một lần nữa được nhận diện! Lúc đó có cường quốc nào ảnh hưởng mạnh mẽ đến dân ngài không? Hãy xem những sự kiện sau.

AI LÀ VUA PHƯƠNG NAM?

7. Cho đến gần cuối Thế Chiến I, ai là vua phương nam?

7 Đến năm 1870, Anh trở thành đế quốc rộng lớn nhất và có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Đế quốc này được tượng trưng bởi một cái sừng nhỏ. Cái sừng này đánh bại ba cái sừng khác là Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan (Đa 7:7, 8). Anh giữ vai trò là vua phương nam cho đến gần cuối Thế Chiến I. Trong khoảng thời gian này, Hoa Kỳ trở thành bá chủ kinh tế thế giới và đối tác thân cận của Anh.

8. Ai là vua phương nam trong thời kỳ cuối cùng?

8 Trong Thế Chiến I, Hoa Kỳ và Anh hiệp lực với nhau và trở thành liên minh quân sự hùng mạnh. Lúc đó, Anh và thuộc địa cũ của đế quốc này là Hoa Kỳ trở thành cường quốc Anh Mỹ. Như Đa-ni-ên báo trước, vua phương nam triệu tập “một đạo quân vô cùng đông đảo và hùng hậu” (Đa 11:25). Trong thời kỳ cuối cùng, liên minh Anh Mỹ là vua phương nam. * Vậy ai là vua phương bắc?

VUA PHƯƠNG BẮC XUẤT HIỆN TRỞ LẠI

9. Khi nào vua phương bắc xuất hiện trở lại, và Đa-ni-ên 11:25 được ứng nghiệm như thế nào?

9 Năm 1871, một năm sau khi anh Russell và các cộng sự hình thành nhóm học Kinh Thánh, vua phương bắc xuất hiện trở lại. Vào năm này, ông Otto von Bismarck đã thống nhất một số vùng thành đế quốc Đức. Vua của Prussia là Wilhelm I trở thành hoàng đế đầu tiên của đế quốc Đức và bổ nhiệm Bismarck làm thủ tướng đầu tiên. * Trong những thập kỷ sau đó, Đức trở thành cường quốc thực dân, đô hộ các nước ở Thái Bình Dương và châu Phi. Đế quốc này bắt đầu đối địch với Anh. (Đọc Đa-ni-ên 11:25). Đức đã xây dựng lực lượng quân đội hùng hậu và có lực lượng hải quân lớn thứ hai thế giới. Đế quốc này dùng lực lượng quân đội ấy để chiến đấu với kẻ thù trong thế chiến thứ nhất.

10. Đa-ni-ên 11:25b, 26 được ứng nghiệm như thế nào?

10 Sau đó Đa-ni-ên báo trước điều xảy ra với Đức và lực lượng quân đội của đế quốc này. Lời tiên tri cho biết vua phương bắc “sẽ không đứng nổi”. Tại sao? “Vì người ta đã lập mưu chống lại vua. Những kẻ ăn cao lương mỹ vị của vua sẽ làm vua gục ngã” (Đa 11:25b, 26a). Vào thời Đa-ni-ên, những người ăn “cao lương mỹ vị của vua” gồm các quan trong triều “hầu việc vua” (Đa 1:5). Lời tiên tri ấy muốn nói đến ai? Lời tiên tri muốn nói đến các quan chức cấp cao của đế quốc Đức, gồm các tướng và cố vấn quân sự của hoàng đế. Những người này cuối cùng đã lật đổ đế quốc. * Lời tiên tri báo trước kết quả của cuộc chiến với vua phương nam: “Quân đội [vua phương bắc] sẽ bị quét sạch, nhiều người sẽ mất mạng” (Đa 11:26b). Đúng như vậy, trong thế chiến thứ nhất, quân Đức “bị quét sạch” và nhiều người bị “mất mạng”. Đó là cuộc chiến đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại tính đến thời điểm ấy.

11. Theo Đa-ni-ên 11:27-30, vua phương bắc và vua phương nam đã làm gì?

11 Miêu tả khoảng thời gian trước Thế Chiến I, Đa-ni-ên 11:27, 28 cho biết vua phương bắc và vua phương nam “ngồi cùng bàn mà lại nói với nhau những lời dối trá”. Lời tiên tri cũng cho biết vua phương bắc tích lũy “rất nhiều tài sản”. Điều này thật sự đã xảy ra. Đức và Anh nói rằng họ muốn có hòa bình giữa hai nước, nhưng cuộc chiến nổ ra vào năm 1914 chứng tỏ lời nói của họ là dối trá. Vào những thập niên trước năm 1914, Đức ngày càng thịnh vượng và trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sau đó, đúng như được báo trước nơi Đa-ni-ên 11:29 và phần đầu của câu 30, Đức chiến đấu với vua phương nam nhưng bị đánh bại.

HAI VUA CHỐNG LẠI DÂN ĐỨC CHÚA TRỜI

12. Trong thế chiến thứ nhất, vua phương bắc và vua phương nam đã làm gì?

12 Từ năm 1914 trở đi, hai vua này liên tục xung đột với nhau và chống lại dân của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, trong thế chiến thứ nhất, cả Anh và Đức đều bắt bớ các tôi tớ của Đức Chúa Trời vì không chịu chiến đấu. Còn Hoa Kỳ thì bỏ tù những người dẫn đầu công việc rao giảng. Sự bắt bớ này làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi Khải huyền 11:7-10.

13. Vào thập niên 1930 và trong thế chiến thứ hai, vua phương bắc đã làm gì?

13 Sau đó, vào thập niên 1930 và đặc biệt là trong thế chiến thứ hai, vua phương bắc tấn công dân của Đức Chúa Trời một cách không thương tiếc. Khi Quốc Xã lên nắm quyền ở Đức, Hitler và những kẻ theo phe hắn đã cấm đoán công việc của dân Đức Chúa Trời. Những kẻ chống đối này giết hại khoảng 1.500 tôi tớ của Đức Giê-hô-va và tống hàng ngàn Nhân Chứng vào trại tập trung. Các biến cố này được Đa-ni-ên báo trước. Vua phương bắc đã “xúc phạm nơi thánh” và “loại bỏ vật tế lễ hằng dâng” bằng cách nghiêm cấm dân Đức Giê-hô-va thờ phượng ngài (Đa 11:30b, 31a). Thậm chí Hitler còn tuyên bố sẽ tuyệt diệt dân của Đức Chúa Trời ở Đức.

SỰ XUẤT HIỆN CỦA VUA PHƯƠNG BẮC MỚI

14. Ai trở thành vua phương bắc sau thế chiến thứ hai? Hãy giải thích.

14 Sau thế chiến thứ hai, Liên bang Xô Viết kiểm soát phần lớn lãnh thổ từng bị Đức thâu tóm và trở thành vua phương bắc. Giống như chế độ độc tài của Đức Quốc Xã, Liên bang Xô Viết thể hiện sự thù địch gay gắt đối với bất cứ ai đặt việc thờ phượng Đức Chúa Trời lên trên việc tuân theo uy quyền của họ.

15. Vua phương bắc làm gì sau khi Thế Chiến II kết thúc?

15 Chẳng bao lâu sau khi Thế Chiến II kết thúc, vua phương bắc là Liên bang Xô Viết và các đồng minh cũng tấn công dân của Đức Chúa Trời. Khải huyền 12:15-17 miêu tả sự bắt bớ của họ như “sông”. Đúng như lời tiên tri, vua phương bắc cấm đoán công việc rao giảng của chúng ta và bắt hàng ngàn dân của Đức Giê-hô-va đi lưu đày ở Siberia. Thật ra, trong suốt những ngày sau cùng, vua phương bắc ngày càng bắt bớ dữ dội dân của Đức Chúa Trời, nhưng nỗ lực ấy chẳng bao giờ thành công. *

16. Liên bang Xô Viết làm ứng nghiệm Đa-ni-ên 11:37-39 như thế nào?

16 Đọc Đa-ni-ên 11:37-39. Đúng như lời tiên tri này, vua phương bắc không hề “để ý đến Đức Chúa Trời của cha ông mình”. Như thế nào? Với mục tiêu là loại bỏ tôn giáo, Liên bang Xô Viết cố đập tan sức mạnh của các tổ chức tôn giáo truyền thống. Để đạt được mục tiêu ấy, vào năm 1918 tức là khá lâu trước khi trở thành vua phương bắc, Liên bang Xô Viết đã ra sắc lệnh dẫn đến việc các trường học dạy thuyết vô thần. Vua phương bắc “trao sự vinh hiển cho thần của các thành trì” như thế nào? Liên bang Xô Viết đã dành một khoản tiền khổng lồ để xây dựng lực lượng quân đội và sản xuất hàng ngàn vũ khí hạt nhân hầu củng cố sức mạnh của mình. Cả vua phương bắc và vua phương nam cuối cùng đều sở hữu đủ lượng hỏa lực để giết hại hàng tỉ người!

SỰ HỢP TÁC HIẾM HOI

17. “Vật gớm ghiếc gây tàn phá” là gì?

17 Vua phương bắc đã ủng hộ vua phương nam trong một khía cạnh chính yếu. Hai vua này “lập nên vật gớm ghiếc gây tàn phá” (Đa 11:31). “Vật gớm ghiếc” ấy là Liên Hiệp Quốc.

18. Tại sao Liên Hiệp Quốc được miêu tả là “vật gớm ghiếc”?

18 Liên Hiệp Quốc được miêu tả là “vật gớm ghiếc”, vì tổ chức này tự xưng mình làm được điều mà chỉ Nước Trời mới có thể thực hiện, đó là đem lại sự hòa bình cho thế giới. Vật gớm ghiếc được miêu tả là “gây tàn phá” vì Liên Hiệp Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hủy diệt các tôn giáo giả.—Xin xem biểu đồ “Các vua đối địch nhau trong thời kỳ cuối cùng”.

TẠI SAO CẦN BIẾT NHỮNG THÔNG TIN ẤY?

19, 20. (a) Tại sao chúng ta cần biết những thông tin trong bài này? (b) Câu hỏi nào sẽ được giải đáp trong bài kế tiếp?

19 Chúng ta cần biết những thông tin trong bài này vì những thông tin ấy chứng tỏ từ thập niên 1870 đến đầu thập niên 1990, lời tiên tri của Đa-ni-ên về vua phương bắc và vua phương nam đã được ứng nghiệm. Vì thế, chúng ta có thể tin rằng phần còn lại của lời tiên tri cũng sẽ thành hiện thực.

20 Năm 1991, Liên bang Xô Viết tan rã. Vậy vua phương bắc thời nay là ai? Bài kế tiếp sẽ giải đáp câu hỏi này.

BÀI HÁT 128 Bền chí chịu đựng cho đến cuối cùng

^ đ. 5 Chúng ta đang chứng kiến lời tiên tri của Đa-ni-ên về “vua phương bắc” và “vua phương nam” tiếp tục được ứng nghiệm. Tại sao chúng ta có thể quả quyết như thế? Và tại sao cần hiểu rõ về lời tiên tri này?

^ đ. 5 Vì lý do đó, dường như không còn phù hợp để xem hoàng đế La Mã Aurelian (270-275 CN) là “vua phương bắc” hoặc nữ hoàng Zenobia (267-272 CN) là “vua phương nam”. Đây là sự điều chỉnh so với chương 13 và 14 của sách Hãy chú ý đến lời tiên tri của Đa-ni-ên!.

^ đ. 9 Năm 1890, hoàng đế Wilhelm II cách chức ông Bismarck.

^ đ. 10 Họ đẩy nhanh việc lật đổ đế quốc bằng nhiều cách. Chẳng hạn, họ không còn ủng hộ hoàng đế, làm lộ thông tin mật về những thiệt hại trong cuộc chiến và buộc hoàng đế phải thoái vị.

^ đ. 15 Như được đề cập nơi Đa-ni-ên 11:34, tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã hưởng chút ít bình an khi vua phương bắc tạm ngưng việc bắt bớ. Chẳng hạn, điều này xảy ra khi Liên bang Xô Viết tan rã vào năm 1991.