Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 21

Đức Giê-hô-va sẽ ban sức mạnh cho anh chị

Đức Giê-hô-va sẽ ban sức mạnh cho anh chị

“Khi tôi yếu đuối chính là lúc tôi mạnh mẽ”.2 CÔ 12:10.

BÀI HÁT 73 Xin giúp chúng con dạn dĩ

GIỚI THIỆU *

1, 2. Nhiều Nhân Chứng phải đối mặt với những thử thách nào?

Sứ đồ Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê, và theo nghĩa rộng là mọi tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chu toàn thánh chức của mình (2 Ti 4:5). Chúng ta cố gắng làm theo lời khuyên của Phao-lô. Tuy nhiên, có một số thử thách. Nhiều anh chị phải rất can đảm để tham gia công việc rao giảng (2 Ti 4:2). Chẳng hạn, hãy nghĩ đến những anh chị sống tại nơi mà công việc của chúng ta bị hạn chế, thậm chí bị cấm đoán. Họ tham gia thánh chức dù điều đó có thể khiến họ bị bỏ tù!

2 Dân Đức Giê-hô-va phải đương đầu với nhiều vấn đề có thể khiến họ nản lòng. Chẳng hạn có những anh chị phải làm việc nhiều giờ chỉ để chu cấp nhu cầu căn bản cho gia đình. Họ muốn tham gia thánh chức nhiều hơn, nhưng đến cuối tuần họ cảm thấy kiệt sức. Số khác không thể làm nhiều để phụng sự Đức Giê-hô-va vì lớn tuổi hoặc mắc bệnh kinh niên; có người thậm chí không thể ra khỏi nhà. Còn một số anh chị thì phải luôn tranh đấu với cảm giác vô giá trị. Chị Mary * sống ở Trung Đông cho biết: “Tôi phải nỗ lực rất nhiều để chống lại cảm xúc tiêu cực, khiến tôi kiệt quệ về tinh thần. Tôi cảm thấy tội lỗi vì điều đó lấy đi thời gian và sức lực mà đáng lẽ tôi dành cho thánh chức”.

3. Bài này sẽ thảo luận điều gì?

3 Dù hoàn cảnh của chúng ta là gì, Đức Giê-hô-va có thể ban cho chúng ta sức mạnh để đương đầu với thử thách mà vẫn phụng sự ngài hết khả năng của mình. Trước khi thảo luận cách Đức Giê-hô-va giúp chúng ta, hãy cùng xem ngài đã làm vững mạnh Phao-lô và Ti-mô-thê như thế nào để chu toàn thánh chức bất kể thử thách.

SỨC MẠNH ĐỂ CHU TOÀN THÁNH CHỨC

4. Phao-lô phải đối mặt với những thử thách nào?

4 Phao-lô đối mặt với nhiều thử thách. Ông đặc biệt cần được thêm sức khi bị đánh đập, ném đá và bỏ tù (2 Cô 11:23-25). Phao-lô không ngại thừa nhận là đôi khi ông phải tranh đấu với cảm xúc tiêu cực (Rô 7:18, 19, 24). Ông cũng phải chịu đựng “một cái gai xóc vào thịt”, có lẽ là căn bệnh nào đó, và ông rất muốn Đức Chúa Trời loại bỏ nó.—2 Cô 12:7, 8.

Điều gì giúp Phao-lô thi hành thánh chức? (Xem đoạn 5, 6) *

5. Phao-lô thực hiện được những gì bất kể thử thách ông đối mặt?

5 Đức Giê-hô-va ban sức mạnh cho Phao-lô để tiếp tục thi hành thánh chức bất kể mọi thử thách ông đối mặt. Hãy xem những điều mà Phao-lô đã thực hiện được. Chẳng hạn, trong khi bị giam lỏng ở Rô-ma, ông sốt sắng bênh vực tin mừng trước những nhà lãnh đạo Do Thái và có lẽ trước viên chức chính quyền (Công 28:17; Phi-líp 4:21, 22). Ông cũng rao giảng cho nhiều người trong đội quân cận vệ của hoàng đế, và ông làm chứng cho tất cả những người đến thăm ông (Công 28:30, 31; Phi-líp 1:13). Cũng trong thời gian đó, Phao-lô viết những lá thư mang lại lợi ích cho tín đồ chân chính đến tận ngày nay. Ngoài ra, gương của Phao-lô làm vững mạnh hội thánh ở Rô-ma, kết quả là anh em “càng can đảm hơn để giảng lời Đức Chúa Trời mà không sợ hãi” (Phi-líp 1:14). Dù đôi khi không thể làm nhiều như mong muốn nhưng Phao-lô đã làm hết sức trong hoàn cảnh của mình, và điều đó “thật ra đã giúp cho sự tiến triển của tin mừng”.—Phi-líp 1:12.

6. Theo 2 Cô-rinh-tô 12:9, 10, điều gì giúp Phao-lô chu toàn thánh chức?

6 Phao-lô nhận ra mọi điều ông làm được trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va là nhờ sức mạnh của ngài, chứ không phải nhờ sức riêng. Ông nhìn nhận rằng quyền năng của Đức Chúa Trời “trở nên trọn vẹn trong sự yếu đuối”. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 12:9, 10). Qua thần khí thánh, Đức Giê-hô-va ban cho Phao-lô sức mạnh để chu toàn thánh chức, bất kể sự ngược đãi, tù đày và thử thách khác ông phải đối mặt.

Điều gì giúp Ti-mô-thê thi hành thánh chức? (Xem đoạn 7) *

7. Ti-mô-thê phải vượt qua những thử thách nào để chu toàn thánh chức?

7 Ti-mô-thê, người bạn đồng hành trẻ tuổi của Phao-lô, cũng phải nương cậy nơi quyền năng của Đức Chúa Trời để thi hành thánh chức. Ti-mô-thê đi cùng Phao-lô trong những hành trình truyền giáo dài ngày. Phao-lô cũng phái Ti-mô-thê đi thăm và khích lệ các hội thánh (1 Cô 4:17). Có lẽ Ti-mô-thê cảm thấy thiếu khả năng. Đó có thể là lý do Phao-lô khuyên ông: “Đừng bao giờ để ai khinh thường con vì con trẻ tuổi” (1 Ti 4:12). Ngoài ra, trong thời gian đó, Ti-mô-thê cũng có một cái gai xóc vào thịt, đó là ông “hay đau ốm” (1 Ti 5:23). Nhưng Ti-mô-thê biết thần khí mạnh mẽ của Đức Giê-hô-va sẽ ban cho ông sức mạnh cần thiết để rao truyền tin mừng và phục vụ anh em.—2 Ti 1:7.

SỨC MẠNH ĐỂ GIỮ TRUNG THÀNH BẤT KỂ THỬ THÁCH

8. Đức Giê-hô-va làm vững mạnh dân ngài ngày nay bằng cách nào?

8 Ngày nay, Đức Giê-hô-va ban cho dân ngài “sức lực hơn mức bình thường” để họ có thể tiếp tục trung thành phụng sự ngài (2 Cô 4:7). Hãy cùng xem bốn sự cung cấp Đức Giê-hô-va ban để làm chúng ta vững mạnh và giúp chúng ta giữ trung thành với ngài: cầu nguyện, Kinh Thánh, kết hợp với anh em và thánh chức.

Đức Giê-hô-va làm chúng ta vững mạnh qua lời cầu nguyện (Xem đoạn 9)

9. Cầu nguyện có thể giúp chúng ta như thế nào?

9 Được vững mạnh nhờ cầu nguyện. Như được ghi nơi Ê-phê-sô 6:18, Phao-lô khuyến khích chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời “vào mọi dịp”. Ngài sẽ đáp lời cầu nguyện bằng cách làm chúng ta vững mạnh. Anh Jonnie sống ở Bolivia cảm nghiệm sự hỗ trợ ấy khi trải qua nhiều thử thách. Cả vợ và cha mẹ anh đều mắc bệnh nặng cùng lúc. Thật không dễ để anh Jonnie chăm sóc cả ba người. Mẹ anh qua đời, và rất lâu sau vợ và cha anh mới bình phục. Nhìn lại, anh Jonnie nói: “Khi bị áp lực tột độ, điều luôn giúp tôi là cầu nguyện cụ thể”. Đức Giê-hô-va ban cho anh Jonnie sức mạnh cần thiết để chịu đựng. Anh Ronald, một trưởng lão ở Bolivia, được biết là mẹ anh bị ung thư. Một tháng sau, mẹ anh qua đời. Điều gì đã giúp anh đương đầu? Anh cho biết: “Nhờ cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, tôi có thể trút đổ lòng và cảm xúc cho ngài. Tôi biết ngài hiểu tôi rõ hơn bất cứ ai, thậm chí còn hiểu tôi hơn cả chính tôi”. Đôi khi chúng ta cảm thấy choáng ngợp và không biết cầu nguyện điều gì. Nhưng Đức Giê-hô-va mời chúng ta cầu nguyện với ngài ngay cả khi mình thấy khó diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc bằng lời.—Rô 8:26, 27.

Đức Giê-hô-va làm chúng ta vững mạnh qua Kinh Thánh (Xem đoạn 10)

10. Theo Hê-bơ-rơ 4:12, tại sao việc đọc và suy ngẫm Kinh Thánh rất quan trọng?

10 Được vững mạnh nhờ Kinh Thánh. Như Phao-lô nương cậy nơi Kinh Thánh để được vững mạnh và an ủi, chúng ta cũng cần làm thế (Rô 15:4). Khi chúng ta đọc và suy ngẫm Kinh Thánh, Đức Giê-hô-va có thể dùng thần khí để giúp chúng ta biết cách áp dụng Kinh Thánh vào hoàn cảnh của mình. (Đọc Hê-bơ-rơ 4:12). Anh Ronald được đề cập ở trên cho biết: “Tôi mừng là mình đã có thói quen đọc một phần Kinh Thánh mỗi tối. Tôi suy ngẫm rất nhiều về các đức tính của Đức Giê-hô-va và cách ngài đối xử yêu thương với các tôi tớ ngài. Điều này giúp tôi được lại sức”.

11. Kinh Thánh đã thêm sức cho một chị đau buồn như thế nào?

11 Việc suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta có thái độ đúng về hoàn cảnh của mình. Hãy xem Kinh Thánh giúp ích thế nào cho một chị đau buồn vì mất chồng. Một trưởng lão gợi ý rằng việc đọc sách Gióp sẽ rất hữu ích cho chị. Khi đọc sách này, lúc đầu chị chỉ trích Gióp vì ông có lối suy nghĩ không đúng. Trong đầu, chị nói với ông: “Gióp! Đừng có tiêu cực như thế!”. Nhưng rồi chị nhận ra mình cũng có thái độ rất giống với Gióp. Điều này giúp chị thay đổi quan điểm và được thêm sức để đương đầu với nỗi đau mất chồng.

Đức Giê-hô-va làm chúng ta vững mạnh qua việc kết hợp với anh em (Xem đoạn 12)

12. Đức Giê-hô-va làm chúng ta vững mạnh qua anh em đồng đạo như thế nào?

12 Được vững mạnh nhờ kết hợp với anh em. Một cách khác Đức Giê-hô-va làm chúng ta vững mạnh là qua anh em đồng đạo. Phao-lô viết rằng ông mong mỏi được gặp anh em để “khích lệ lẫn nhau” (Rô 1:11, 12). Chị Mary được đề cập ở trên rất quý sự kết hợp như thế. Chị nói: “Đức Giê-hô-va đã dùng các anh chị để giúp đỡ tôi, ngay cả những người không biết về vấn đề của tôi. Họ nói những lời khích lệ hoặc gửi thiệp cho tôi, và đó đúng là điều tôi đang cần. Một điều cũng giúp ích là mở lòng với các chị gặp vấn đề tương tự và học từ kinh nghiệm của họ. Và các trưởng lão luôn làm tôi cảm thấy mình là một phần quý giá của hội thánh”.

13. Làm thế nào chúng ta có thể làm vững mạnh lẫn nhau tại buổi nhóm họp?

13 Một trong những nơi tốt nhất để khuyến khích lẫn nhau là tại buổi nhóm họp. Khi tham dự nhóm họp, hãy chủ động làm vững mạnh người khác bằng cách bày tỏ lòng quý trọng và sự trìu mến. Chẳng hạn trước buổi nhóm, một anh trưởng lão tên Peter nói với một chị có chồng không tin đạo: “Tôi được khích lệ rất nhiều khi thấy chị đến nhóm. Chị luôn chuẩn bị chu đáo cho sáu đứa con để các cháu bình luận”. Mắt ngấn lệ vì biết ơn, chị đáp: “Đó thật sự là điều tôi đang cần nghe”.

Đức Giê-hô-va làm chúng ta vững mạnh qua thánh chức (Xem đoạn 14)

14. Thánh chức tác động thế nào đến chúng ta?

14 Được vững mạnh nhờ thánh chức. Khi chia sẻ những sự thật Kinh Thánh với người khác, chúng ta cảm thấy tươi tỉnh và được thêm sức, dù họ hưởng ứng hay không (Châm 11:25). Một chị tên Stacy cảm nghiệm rằng thánh chức đã thật sự làm chị vững mạnh. Khi một thành viên trong gia đình bị khai trừ, chị rất buồn và cứ nghĩ lẽ ra chị phải làm nhiều hơn để giúp người ấy. Suy nghĩ ấy cứ luẩn quẩn trong tâm trí chị. Điều gì đã giúp chị Stacy đương đầu? Đó là thánh chức! Khi tham gia công việc rao giảng, chị bắt đầu tập trung vào những người trong khu vực cần sự giúp đỡ của chị. Chị cho biết: “Trong thời gian đó, Đức Giê-hô-va ban cho tôi một học viên tiến bộ rất nhanh nên tôi được khích lệ nhiều. Điều giúp tôi nhiều nhất để có được thăng bằng trong đời sống là thánh chức”.

15. Anh chị học được gì từ lời chia sẻ của chị Mary?

15 Vì hoàn cảnh, một số anh chị cảm thấy không làm được nhiều trong thánh chức. Nếu anh chị cảm thấy như thế, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va hài lòng khi anh chị làm hết sức. Một lần nữa, hãy xem kinh nghiệm của chị Mary. Khi chuyển sang cánh đồng ngoại ngữ, chị cảm thấy mình không mấy hữu dụng. Chị chia sẻ: “Trong một thời gian, tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là bình luận đơn giản, đọc một câu Kinh Thánh hoặc tặng một tờ chuyên đề trong thánh chức”. Khi so sánh với những anh chị nói thành thạo ngôn ngữ ấy, chị cảm thấy mình thiếu khả năng. Tuy nhiên, chị đã thay đổi quan điểm. Chị nhận ra Đức Giê-hô-va có thể dùng chị dù khả năng của chị có giới hạn. Chị nói: “Những sự thật cứu mạng trong Kinh Thánh vô cùng đơn giản, và chính những sự thật ấy thay đổi đời sống người ta”.

16. Điều gì giúp các anh chị không thể ra khỏi nhà được thêm sức?

16 Đức Giê-hô-va nhìn thấy và quý trọng ước muốn của chúng ta trong việc tham gia vào thánh chức ngay cả khi chúng ta không thể ra khỏi nhà. Ngài có thể mở ra cơ hội để chúng ta làm chứng cho những người chăm sóc hoặc nhân viên y tế. Nếu so sánh những điều mình làm hiện nay với những điều mình làm trước kia, chúng ta có thể bị nản lòng. Nhưng nếu nhận ra cách Đức Giê-hô-va đang giúp mình ngay bây giờ, chúng ta sẽ có sức mạnh cần thiết để chịu đựng mọi thử thách với niềm vui.

17. Theo Truyền đạo 11:6, tại sao chúng ta nên tiếp tục tham gia thánh chức dù không thấy kết quả ngay?

17 Chúng ta không biết hạt giống chân lý nào mình gieo sẽ đâm rễ và lớn lên. (Đọc Truyền đạo 11:6). Chẳng hạn, chị Barbara đã ngoài 80 tuổi thường xuyên làm chứng bằng điện thoại và viết thư. Trong một lá thư, chị gửi kèm Tháp Canh ngày 1-3-2014, có tựa đề “Điều Đức Chúa Trời đã làm cho bạn”. Chị không biết rằng mình đã gửi lá thư ấy cho một cặp vợ chồng từng là Nhân Chứng. Họ đọc đi đọc lại tạp chí đó. Người chồng cảm thấy như thể Đức Giê-hô-va đang nói trực tiếp với anh. Cặp vợ chồng ấy bắt đầu tham dự nhóm họp và cuối cùng sau hơn 27 năm, họ là Nhân Chứng trở lại. Hãy hình dung chị Barbara được thêm sức và khích lệ thế nào khi thấy lá thư đó mang lại kết quả tuyệt vời!

Đức Giê-hô-va làm chúng ta vững mạnh qua (1) lời cầu nguyện, (2) Kinh Thánh, (3) việc kết hợp với anh em và (4) thánh chức (Xem đoạn 9, 10, 12, 14)

18. Chúng ta có thể làm gì để nhận sức mạnh từ Đức Chúa Trời?

18 Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta nhiều cơ hội để nhận sức mạnh từ ngài. Khi tận dụng những sự cung cấp của ngài, chẳng hạn như cầu nguyện, Kinh Thánh, kết hợp với anh em và thánh chức, chúng ta cho thấy mình tin rằng Đức Giê-hô-va có khả năng và muốn giúp đỡ chúng ta. Hãy luôn nương cậy nơi Cha trên trời, đấng sẵn lòng “tỏ sức mạnh ngài vì lợi ích của những người có lòng trọn vẹn với ngài”.—2 Sử 16:9.

BÀI HÁT 61 Hỡi các Nhân Chứng, hãy tiến lên!

^ đ. 5 Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy khó khăn, nhưng Đức Giê-hô-va cung cấp sự trợ giúp chúng ta cần để chịu đựng. Bài này sẽ xem xét cách Đức Giê-hô-va đã giúp sứ đồ Phao-lô và Ti-mô-thê tiếp tục phụng sự ngài bất kể vấn đề họ gặp phải. Chúng ta cũng sẽ thảo luận bốn sự cung cấp mà Đức Giê-hô-va ban để giúp mình chịu đựng ngày nay.

^ đ. 2 Tên đã được thay đổi.

^ đ. 53 HÌNH ẢNH: Khi bị giam lỏng ở Rô-ma, Phao-lô viết thư cho một số hội thánh và rao giảng tin mừng cho những người đến thăm ông.

^ đ. 55 HÌNH ẢNH: Ti-mô-thê khích lệ anh em khi đến thăm các hội thánh.