Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 18

Anh chị sẽ vấp ngã vì Chúa Giê-su không?

Anh chị sẽ vấp ngã vì Chúa Giê-su không?

“Hạnh phúc cho người nào không vấp ngã vì cớ tôi”.MAT 11:6.

BÀI HÁT 54 “Đây là đường”

GIỚI THIỆU *

1. Có lẽ điều gì khiến anh chị ngạc nhiên khi mới bắt đầu chia sẻ thông điệp Kinh Thánh cho người khác?

Anh chị còn nhớ lúc mình nhận ra đây là chân lý không? Anh chị thấy những dạy dỗ trong Kinh Thánh rất rõ ràng, dễ hiểu và nghĩ là mọi người sẽ sẵn lòng đón nhận những gì mình tin. Anh chị tin rằng thông điệp Kinh Thánh sẽ mang đến cho họ đời sống ý nghĩa ngay bây giờ và hy vọng tuyệt diệu trong tương lai (Thi 119:105). Vì vậy, anh chị hăng hái chia sẻ những sự thật mình tìm thấy cho bạn bè và người thân. Nhưng điều gì xảy ra? Anh chị ngạc nhiên khi nhiều người từ chối thông điệp mình chia sẻ.

2, 3. Vào thời Chúa Giê-su, đa số người ta phản ứng thế nào về ngài?

2 Chúng ta không nên ngạc nhiên khi người khác từ chối thông điệp mình chia sẻ. Vào thời Chúa Giê-su, đa số người ta chối bỏ ngài, dù ngài đã thực hiện những phép lạ cho thấy ngài được Đức Chúa Trời hỗ trợ. Chẳng hạn, Chúa Giê-su đã làm La-xa-rơ sống lại, một phép lạ mà những người chống đối ngài không thể phủ nhận. Dù vậy, những nhà lãnh đạo Do Thái không chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Thậm chí, họ còn muốn giết cả Chúa Giê-su lẫn La-xa-rơ!—Giăng 11:47, 48, 53; 12:9-11.

3 Chúa Giê-su biết rằng hầu hết người ta sẽ từ chối nhìn nhận ngài là Đấng Mê-si (Giăng 5:39-44). Ngài nói với một nhóm môn đồ của Giăng Báp-tít: “Hạnh phúc cho người nào không vấp ngã vì cớ tôi” (Mat 11:2, 3, 6). Tại sao rất nhiều người chối bỏ Chúa Giê-su?

4. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

4 Trong bài này và bài tới, chúng ta sẽ thảo luận một số lý do khiến nhiều người vào thế kỷ thứ nhất không đặt đức tin nơi Chúa Giê-su. Chúng ta cũng sẽ xem tại sao nhiều người ngày nay bị vấp ngã. Quan trọng hơn hết, hãy xem tại sao mình có thể có đức tin mạnh nơi Chúa Giê-su, nhờ thế không bị vấp ngã.

(1) XUẤT THÂN CỦA CHÚA GIÊ-SU

Nhiều người vấp ngã vì xuất thân của Chúa Giê-su. Những điều tương tự có thể khiến nhiều người ngày nay vấp ngã như thế nào? (Xem đoạn 5) *

5. Tại sao nhiều người nghĩ Chúa Giê-su không thể là Đấng Mê-si được hứa trước?

5 Nhiều người vấp ngã vì xuất thân của Chúa Giê-su. Họ thừa nhận Chúa Giê-su là thầy dạy tuyệt vời và làm nhiều phép lạ. Nhưng đối với họ, ngài chỉ là con của một thợ mộc tầm thường. Ngoài ra, Chúa Giê-su đến từ Na-xa-rét, một thành mà có lẽ người ta xem là không quan trọng. Ngay cả Na-tha-na-ên, người sau này trở thành môn đồ Chúa Giê-su, lúc đầu cũng nói: “Có gì tốt ra từ Na-xa-rét sao?” (Giăng 1:46). Na-tha-na-ên có lẽ không ấn tượng về thành mà Chúa Giê-su sống. Hoặc có thể ông nghĩ đến lời tiên tri nơi Mi-chê 5:2 báo trước rằng Đấng Mê-si sẽ sinh ra ở Bết-lê-hem, chứ không phải ở Na-xa-rét.

6. Điều gì đã có thể giúp những người sống vào thời Chúa Giê-su nhận ra ngài là Đấng Mê-si?

6 Kinh Thánh nói gì? Nhà tiên tri Ê-sai báo trước kẻ thù của Chúa Giê-su sẽ không quan tâm đến “gốc tích [Đấng Mê-si]” (Ê-sai 53:8). Rất nhiều chi tiết đã được báo trước về ngài. Nếu người ta dành thời gian để xem xét tất cả các dữ kiện, họ sẽ biết Chúa Giê-su sinh ra ở Bết-lê-hem và là hậu duệ của vua Đa-vít (Lu 2:4-7). Thật vậy, nơi sinh của Chúa Giê-su phù hợp với lời tiên tri ở Mi-chê 5:2. Vậy vấn đề là gì? Người ta đã kết luận quá vội vàng. Họ không có đầy đủ các dữ kiện. Chính vì thế, họ bị vấp ngã.

7. Tại sao nhiều người ngày nay bác bỏ dân Đức Giê-hô-va?

7 Chúng ta có thấy vấn đề tương tự ngày nay không? Có. Nói chung, dân Đức Giê-hô-va có xuất thân khiêm tốn. Nhiều người xem họ là “dân thường, ít học” (Công 4:13). Một số người nghĩ dân Đức Chúa Trời không nên dạy Kinh Thánh vì họ không tốt nghiệp các trường thần học nổi tiếng. Số khác cho rằng Nhân Chứng Giê-hô-va là “đạo của Mỹ”, nhưng trong thực tế, chỉ có khoảng 14% tổng số Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn cầu sống tại Mỹ. Có những người thì nghe là Nhân Chứng không tin nơi Chúa Giê-su. Trong nhiều năm, dân Đức Giê-hô-va bị gán là “gián điệp Mỹ”, “người cực đoan” và “người gây đổ vỡ gia đình”. Những người nghe các tin đồn trên không biết hoặc không chấp nhận sự thật về dân Đức Giê-hô-va, thế nên họ bị vấp ngã.

8. Theo Công vụ 17:11, một người nên làm gì nếu muốn nhận diện dân Đức Chúa Trời ngày nay?

8 Làm sao để tránh bị vấp ngã? Một người cần xem xét các dữ kiện. Đó là điều mà người viết Phúc âm là Lu-ca quyết tâm làm. Ông đã cố gắng “tìm hiểu chính xác mọi việc từ lúc bắt đầu”. Ông muốn người đọc “biết chắc những điều” họ đã nghe về Chúa Giê-su (Lu 1:1-4). Người Do Thái ở thành Bê-rê xưa cũng giống Lu-ca. Khi mới được nghe tin mừng về Chúa Giê-su, họ tra xem phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ để biết những điều mình nghe có đúng không. (Đọc Công vụ 17:11). Tương tự ngày nay, một người cũng cần xem xét các dữ kiện. Họ cần so sánh điều mình được dân Đức Chúa Trời dạy với điều Kinh Thánh nói, cũng như tìm hiểu về những điều dân ngài đã làm trong thời hiện đại. Nếu cẩn thận “kiểm tra lý lịch”, họ sẽ không để thành kiến hay tin đồn khiến mình không nhận ra sự thật.

(2) CHÚA GIÊ-SU TỪ CHỐI LÀM PHÉP LẠ ĐỂ PHÔ TRƯƠNG

Nhiều người vấp ngã vì Chúa Giê-su từ chối làm phép lạ để phô trương. Những điều tương tự có thể khiến nhiều người ngày nay vấp ngã như thế nào? (Xem đoạn 9, 10) *

9. Điều gì xảy ra khi Chúa Giê-su từ chối cho xem một dấu lạ từ trời?

9 Một số người vào thời Chúa Giê-su vẫn chưa thỏa mãn với những dạy dỗ tuyệt vời của ngài. Họ muốn nhiều hơn thế. Họ đòi Chúa Giê-su chứng tỏ ngài là Đấng Mê-si bằng cách cho họ xem “một dấu lạ từ trời” (Mat 16:1). Có lẽ họ làm thế vì hiểu sai về câu Đa-ni-ên 7:13, 14. Tuy nhiên, theo lịch trình của Đức Giê-hô-va thì chưa đến lúc lời tiên tri ấy được ứng nghiệm. Lẽ ra những điều Chúa Giê-su dạy là đủ để thuyết phục họ tin ngài là Đấng Mê-si. Nhưng khi ngài từ chối cho họ xem dấu lạ mà họ đòi hỏi, thì họ bị vấp ngã.—Mat 16:4.

10. Chúa Giê-su làm ứng nghiệm lời tiên tri mà Ê-sai viết về Đấng Mê-si như thế nào?

10 Kinh Thánh nói gì? Nhà tiên tri Ê-sai viết về Đấng Mê-si như sau: “Người sẽ không kêu la, không lớn tiếng, cũng không để tiếng mình vang ngoài đường” (Ê-sai 42:1, 2). Chúa Giê-su làm thánh chức một cách thầm lặng và không phô trương. Ngài không xây những đền thờ nguy nga, cũng không mặc y phục đặc biệt hoặc đòi hỏi người khác phải gọi mình bằng những tước vị cao trọng. Khi bị xét xử, Chúa Giê-su từ chối làm dấu lạ để gây ấn tượng với vua Hê-rốt dù sự sống của ngài bị lâm nguy (Lu 23:8-11). Chúa Giê-su đã làm một số phép lạ nhưng công việc chính của ngài là rao truyền tin mừng. Ngài nói với các môn đồ: “Tôi đến để làm việc ấy”.—Mác 1:38.

11. Một số người ngày nay có quan điểm không đúng nào về cách thờ phượng của chúng ta?

11 Chúng ta có thấy vấn đề tương tự ngày nay không? Có. Ngày nay nhiều người ấn tượng trước những nhà thờ lớn có tác phẩm nghệ thuật vô giá, trước hàng giáo phẩm có tước vị có vẻ cao trọng và trước nghi lễ mà đa số người ta không biết ý nghĩa hay nguồn gốc. Nhưng những người dự buổi lễ tôn giáo chỉ được học rất ít về Đức Chúa Trời và ý định của ngài. Còn những người tham dự nhóm họp của chúng ta được học về những đòi hỏi của Đức Giê-hô-va và cách làm theo ý muốn ngài. Phòng Nước Trời là nơi sạch sẽ và hữu dụng nhưng không cầu kỳ. Những người dẫn đầu không mặc trang phục đặc biệt hay có những tước vị cao trọng. Lời Đức Chúa Trời là nền tảng của sự dạy dỗ và niềm tin của chúng ta. Dù vậy, nhiều người ngày nay vấp ngã vì họ nghĩ cách thờ phượng của chúng ta quá đơn giản và điều chúng ta dạy không hợp với điều mà họ muốn nghe.

12. Theo Hê-bơ-rơ 11:1, 6, chúng ta cần xây dựng đức tin dựa trên điều gì?

12 Làm sao để tránh bị vấp ngã? Sứ đồ Phao-lô nói với các tín đồ ở Rô-ma: “Đức tin có được qua điều đã nghe. Và điều ấy được nghe khi có người nói về Đấng Ki-tô” (Rô 10:17). Vì vậy, chúng ta xây dựng đức tin bằng cách học Kinh Thánh, chứ không phải tham gia các nghi lễ tôn giáo trái với Kinh Thánh, cho dù các nghi lễ ấy lộng lẫy và thu hút. Chúng ta cần xây dựng đức tin mạnh dựa trên sự hiểu biết chính xác vì “không có đức tin thì chẳng thể nào làm vui lòng Đức Chúa Trời”. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:1, 6). Do đó, chúng ta không cần thấy dấu lạ từ trời để chứng minh rằng mình đã tìm được chân lý. Việc xem xét kỹ lưỡng những dạy dỗ trong Kinh Thánh cũng đủ để thuyết phục chúng ta và loại bỏ mọi mối nghi ngờ.

(3) CHÚA GIÊ-SU KHÔNG LÀM THEO NHIỀU TRUYỀN THỐNG DO THÁI

Nhiều người vấp ngã vì Chúa Giê-su không làm theo nhiều truyền thống của họ. Những điều tương tự có thể khiến nhiều người ngày nay vấp ngã như thế nào? (Xem đoạn 13) *

13. Điều gì khiến nhiều người lên án Chúa Giê-su?

13 Vào thời Chúa Giê-su, môn đồ của Giăng Báp-tít ngạc nhiên vì môn đồ của Chúa Giê-su không kiêng ăn. Chúa Giê-su giải thích rằng họ không có lý do để kiêng ăn trong khi ngài vẫn còn sống (Mat 9:14-17). Dù vậy, người Pha-ri-si và những người chống đối khác lên án Chúa Giê-su vì ngài không làm theo phong tục và truyền thống của họ. Họ tức giận khi ngài chữa bệnh vào ngày Sa-bát (Mác 3:1-6; Giăng 9:16). Một mặt, họ tự hào nói mình giữ luật ngày Sa-bát; mặt khác thì lại tán thành việc buôn bán trong đền thờ. Họ rất tức tối khi Chúa Giê-su lên án họ về điều đó (Mat 21:12, 13, 15). Những người tại nhà hội Na-xa-rét rất giận dữ khi Chúa Giê-su dùng những ví dụ vào thời Y-sơ-ra-ên xưa để vạch trần sự ích kỷ và thiếu đức tin của họ (Lu 4:16, 25-30). Chúa Giê-su đã không làm những điều người ta mong đợi, thế nên nhiều người bị vấp ngã.—Mat 11:16-19.

14. Tại sao Chúa Giê-su lên án những truyền thống không phù hợp với Kinh Thánh?

14 Kinh Thánh nói gì? Đức Giê-hô-va nói qua nhà tiên tri Ê-sai: “Dân này đến gần ta bằng miệng và tôn kính ta bằng môi, nhưng lòng chúng lại cách xa ta; sự kính sợ của chúng đối cùng ta chỉ dựa vào điều răn của con người, do con người dạy cho” (Ê-sai 29:13). Chúa Giê-su đã đúng khi lên án những truyền thống không phù hợp với Kinh Thánh. Những người xem trọng luật lệ và truyền thống của con người hơn Kinh Thánh đã chối bỏ Đức Giê-hô-va và Đấng Mê-si mà ngài phái đến.

15. Tại sao nhiều người ngày nay không thích Nhân Chứng Giê-hô-va?

15 Chúng ta có thấy vấn đề tương tự ngày nay không? Có. Nhiều người bực tức khi Nhân Chứng Giê-hô-va không giữ những truyền thống đi ngược lại với Kinh Thánh, như ăn Tết và tổ chức sinh nhật. Số khác thì giận dữ khi Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia các ngày lễ quốc gia hoặc không làm theo phong tục tang lễ trái với Kinh Thánh. Những người vấp ngã vì những điều trên có lẽ tin rằng họ đang thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách mà ngài chấp nhận. Nhưng họ không thể làm hài lòng ngài nếu đặt truyền thống thế gian lên trên những dạy dỗ trong Kinh Thánh.—Mác 7:7-9.

16. Theo Thi thiên 119:97, 113, 163-165, chúng ta cần làm điều gì và tránh điều gì?

16 Làm sao để tránh bị vấp ngã? Chúng ta cần vun trồng lòng yêu mến mạnh mẽ đối với luật pháp và nguyên tắc của Đức Giê-hô-va. (Đọc Thi thiên 119:97, 113, 163-165). Khi yêu mến Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ bác bỏ bất cứ truyền thống nào không làm hài lòng ngài. Chúng ta sẽ không đặt bất cứ điều gì lên trên tình yêu thương mình dành cho Đức Giê-hô-va.

(4) CHÚA GIÊ-SU KHÔNG CUNG CẤP GIẢI PHÁP CHÍNH TRỊ NGAY LẬP TỨC

Nhiều người vấp ngã vì Chúa Giê-su không can dự vào vấn đề chính trị. Những điều tương tự có thể khiến nhiều người ngày nay vấp ngã như thế nào? (Xem đoạn 17) *

17. Những mong đợi nào khiến nhiều người vào thời Chúa Giê-su vấp ngã?

17 Một số người vào thời Chúa Giê-su muốn có sự thay đổi về chính trị ngay lập tức. Họ mong đợi Đấng Mê-si giải thoát họ khỏi ách đô hộ của La Mã. Nhưng khi họ cố ép Chúa Giê-su làm vua thì ngài từ chối (Giăng 6:14, 15). Còn số khác, trong đó có các thầy tế lễ, lo sợ Chúa Giê-su sẽ thay đổi chính trị, là điều sẽ khiến người La Mã tức giận và tước đi quyền lực mà họ đã ban cho các nhà lãnh đạo Do Thái. Những mối quan tâm như thế về chính trị đã khiến nhiều người Do Thái vấp ngã.

18. Nhiều người lờ đi những lời tiên tri nào trong Kinh Thánh về Đấng Mê-si?

18 Kinh Thánh nói gì? Dù nhiều lời tiên tri báo trước Đấng Mê-si cuối cùng sẽ là Chiến Binh toàn thắng, nhưng những lời tiên tri khác cho biết trước hết ngài sẽ phải chết vì tội lỗi của chúng ta (Ê-sai 53:9, 12). Vậy tại sao họ có những mong đợi không đúng? Vì nhiều người vào thời Chúa Giê-su lờ đi bất cứ lời tiên tri nào mà không nói đến giải pháp ngay lập tức cho vấn đề của họ.—Giăng 6:26, 27.

19. Nhiều người ngày nay vấp ngã vì có những mong đợi nào?

19 Chúng ta có thấy vấn đề tương tự ngày nay không? Có. Nhiều người ngày nay vấp ngã vì lập trường trung lập của chúng ta về chính trị. Họ nghĩ chúng ta nên tham gia bầu cử. Tuy nhiên, chúng ta nhận ra rằng theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, nếu chúng ta chọn nhà lãnh đạo là loài người để cai trị mình thì chúng ta đang chối bỏ ngài (1 Sa 8:4-7). Người ta cũng nghĩ rằng chúng ta nên xây trường học, bệnh viện và làm các việc từ thiện khác. Họ bị vấp ngã vì chúng ta tập trung nỗ lực vào công việc rao giảng, chứ không phải vào việc giải quyết các vấn đề hiện tại trên thế giới.

20. Theo những lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 7:21-23, chúng ta cần tập trung vào điều gì?

20 Làm sao để tránh bị vấp ngã? (Đọc Ma-thi-ơ 7:21-23). Chúng ta cần tập trung vào công việc mà Chúa Giê-su lệnh cho chúng ta làm (Mat 28:19, 20). Chúng ta không bao giờ muốn để vấn đề chính trị và xã hội trên thế giới khiến mình phân tâm. Chúng ta yêu thương người khác và quan tâm đến vấn đề của họ, nhưng chúng ta biết cách tốt nhất để giúp người lân cận là dạy họ về Nước Trời và giúp họ vun đắp tình bạn với Đức Giê-hô-va.

21. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?

21 Trong bài này, chúng ta đã xem xét bốn chướng ngại khiến nhiều người bác bỏ Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất và có thể khiến nhiều người ngày nay bác bỏ môn đồ ngài. Nhưng đây có phải là những chướng ngại duy nhất mà chúng ta cần tránh không? Không. Bài kế tiếp sẽ xem xét bốn chướng ngại khác gây vấp ngã. Mong sao chúng ta quyết tâm tránh bị vấp ngã và giữ đức tin mạnh!

BÀI HÁT 56 Tự chọn bước theo Đức Chúa Trời

^ đ. 5 Dù Chúa Giê-su là Thầy vĩ đại nhất từng sống trên đất, nhưng đa số người thời đó vấp ngã vì ngài. Tại sao? Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu bốn lý do. Chúng ta cũng sẽ xem tại sao nhiều người ngày nay vấp ngã vì những điều mà môn đồ chân chính của Chúa Giê-su nói và làm. Quan trọng hơn, chúng ta sẽ xem tại sao mình có thể có đức tin mạnh nơi Chúa Giê-su, nhờ thế không bị vấp ngã.

^ đ. 60 HÌNH ẢNH: Phi-líp khuyến khích Na-tha-na-ên đến gặp Chúa Giê-su đang ngồi gần đó.

^ đ. 62 HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su rao giảng tin mừng.

^ đ. 64 HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su chữa bệnh cho một người đàn ông bị teo tay trong khi những người chống đối đứng nhìn.

^ đ. 66 HÌNH ẢNH: Chúa Giê-su lánh lên núi một mình.